Pháp - Trung ra tuyên bố chung kêu gọi bảo vệ Hiệp định Khí hậu
- Thứ Năm, 07 tháng Mười Một năm 2019 00:27
- Tác Giả: Trọng Thành
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) và đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 6/11/2019
REUTERS/Jason Lee
Hai ngày sau khi Hoa Kỳ chính thức rút khỏi Hiệp định Khí hậu, tổng thống Pháp và chủ tịch Trung Quốc ra tuyên bố chung tái khẳng định ''kiên quyết ủng hộ'' Hiệp định Paris 2015.
''Lời kêu gọi Bắc Kinh'' được đưa ra hôm nay, 06/11/2019, trong ngày cuối cùng chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Emmanuel Macron.
Tuyên bố Pháp – Trung nhấn mạnh Paris và Bắc Kinh coi tiến trình thực thi Hiệp định Khí hậu là ''không thể đảo ngược'' và là ''kim chỉ nam'' cho các hành động mạnh mẽ vì khí hậu.
Trong bản tuyên bố mang tên gọi chính thức ''Kêu gọi Bắc Kinh về bảo tồn sinh học và biến đổi khí hậu'', nguyên thủ hai nước khẳng định kiên quyết hành động nhằm cải thiện các hợp tác quốc tế về Khí hậu ''để bảo đảm việc thực thi hiệu quả và triệt để Hiệp định Paris''.
Tuyên bố Pháp – Trung thể hiện sự bất bình đối với quyết định chính thức rút khỏi thỏa thuận khí hậu của chính quyền Donald Trump.
Theo AFP, trong cuộc họp báo chung với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Pháp đã phê phán một số quốc gia từ bỏ Hiệp định Khí hậu, tuy không nêu đích danh Hoa Kỳ.
Nguyên thủ Pháp cũng lưu ý là một sự lựa chọn ''mang tính đơn lẻ'' như vậy không đủ để làm thay đổi đà đi tới của cộng đồng quốc tế, và chỉ khiến cho các quốc gia liên quan bị cô lập.
Cũng trong chuyến công du của tổng thống Macron, theo thông tin chính thức từ Bắc Kinh, Pháp và Trung Quốc ký kết nhiều hợp đồng, với tổng trị giá hơn 15 tỉ đô la, trong các lĩnh vực năng lượng – môi trường, công nghiệp thực phẩm, công nghệ hàng không – không gian và thương mại.
Hiện tại phía Pháp chưa xác nhận con số nói trên.
Về hợp tác kinh tế Pháp – Trung, giới quan sát đặc biệt chú ý đến việc Paris và Bắc Kinh hôm nay cam kết ký kết, trước cuối tháng Giêng 2020, thỏa thuận chung cuộc về việc xây dựng một nhà máy xử lý rác thải hạt nhân, với tổng trị giá hơn 20 tỉ euro, mà hai bên thương lượng từ 10 năm nay.
Một khi hoàn tất, nhà máy đầu tiên loại này tại Trung Quốc – do tập đoàn Pháp Orano thực hiện - cho phép xử lý hàng năm 800 tấn nhiên liệu hạt nhân, đã qua sử dụng.
Quá trình xây dựng dự kiến kéo dài 10 năm.
Cũng trong cuộc họp báo nói trên, tổng thống Pháp hoan nghênh việc Trung Quốc lần đầu tiên trở lại mua trái phiếu bằng đồng euro phát hành tại Pháp, kể từ năm 2004.
Theo Tân Hoa Xã, tổng trị giá trái phiếu mua vào là 4 tỉ euro.
Bên lề chuyến công du của tổng thống Pháp, Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc hôm nay chính thức ký kết một thỏa thuận ''lịch sử'', nhằm bảo hộ 100 chứng chỉ ''chỉ dẫn địa lý'' của châu Âu (IGP), bao gồm hàng loạt các đặc sản địa phương châu Âu : từ rượu sâm banh Pháp đến pho mát feta Hy Lạp hay giăm bông Ý prosciutto …
Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại, Phil Hogan, thành viên phái đoàn của tổng thống Pháp, nhấn mạnh là việc bảo hộ các chứng chỉ địa lý nói trên cho phép người Trung Quốc mua được các sản phẩm tin cậy, có chất lượng cao, và các nhà nông châu Âu được thù lao xứng đáng.
Tin mới
- Cuộc rút quân chưa từng có ở miền đông Ukraina - 10/11/2019 15:07
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-11-2019 - 09/11/2019 17:24
- Khát vọng tự do đập đổ Tường Berlin - 09/11/2019 16:58
- Đức kỷ niệm trọng thể 30 năm Bức Tường Berlin sụp đổ - 09/11/2019 16:15
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-11-2019 - 08/11/2019 18:50
- Vụ tiêu diệt trùm khủng bố Baghdadi cho thấy Mỹ nghi kỵ Thổ Nhĩ Kỳ - 08/11/2019 16:57
- Biển Đông : Bắc Kinh tố ngược Việt Nam là đã xâm lấn vùng biển Trung Quốc - 08/11/2019 16:28
- Thượng Đỉnh Đặc Biệt với Mỹ không hẳn là lô “an ủi” cho ASEAN - 07/11/2019 21:26
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-11-2019 - 07/11/2019 21:07
- Bắc Kinh đòi Hồng Kông mạnh tay chống biểu tình: Nói dễ nhưng làm khó - 07/11/2019 16:44