Cảm Nghiệm Về Tuổi Già
- Thứ Bảy, 27 tháng Chín năm 2008 15:55
- Tác Giả: Tiến Sĩ Trần An Bài
Đây là bài thuyết trình của Tiến Sĩ Trần An Bài dành cho Đoàn Liên Minh Thánh Tâm San Jose tại Đền Thánh Tử Đạo VN, tháng 6 năm 2003.
Muốn nghe âm thanh bài thuyết trình, xin bấm vào dưới đây:
Năm nay tôi 63 tuổi. Nghe nói nếu tôi ở Việt Nam (VN) thì đã được nâng lên hàng “Cụ” rồi: “Cụ Bài”, nghe oai quá, vì tuổi thọ trung bình ở VN ít hơn ở Hoa Kỳ này. Sống được trên 60 tuổi thì đã được kể là thọ rồi.
Một trong những triệu chứng “lão hóa” của tuổi già là ngủ gà ngủ gật, ngồi đâu ngủ đó. Nhưng chỉ ngủ chừng vài phút rồi lại tỉnh. Cái ngủ này không phải thực sự là cái ngủ như hồi còn son trẻ, mà là triệu chứng của sự suy thoái về cơ thể. Đề tài “Cảm nghĩ về tuổi già” của tôi được trình bày vào giữa buổi trưa hè nóng nực, lại sau bữa cơm trưa, và trước một cử tọa đoàn hầu hết trên 6 bó thế này thì rất có thể diễn giả nói diễn giả nghe mà thôi. Có phải không quý vị?
Tôi nhớ lại có một cụ bà rất thích nghe các cuốn băng thu lại chương trình phát thanh Tiếng Vọng Tình Thương (TVTT) do tôi phụ trách. Bà nói: “Trời ơi, tôi mê Tiếng Vọng Tình Thương của ông kinh khủng! Nhà tôi đầy dẫy băng TVTT. Tối nào tôi cũng phải mở một cuốn ra nghe, rồi ngủ lúc nào không hay. Khi nào hết băng là máy tự động tắt!”
Trời ơi! Thì ra chương trình phát thanh TVTT của tôi đã trở thành liều thuốc ngủ cho bà con, hay nói văn hoa hơn thì TVTT có tác dụng đem thính giả vào cõi thiên thai! Cũng giống như ngày xưa các cụ ta thường ru con ru cháu ngủ bằng cách ngâm nga dâng hạt, ngắm đứng hay đọc các bài Phú Kỳ Hồn vậy!
Có một câu chuyện vui của một nhà thuyết giảng Kinh Thánh và một bác tài xế taxi. Hai người này chết vào lúc tuổi già và đến cửa thiên đàng gặp thánh Phêrô. Khi vừa thấy bác tài, thánh Phêrô vui vẻ, mau mắn mở cửa và mời bác vào ngay. Đến phiên nhà giảng thuyết thì thánh nhân đóng sập cửa lại. Người này buồn bã, nói với thánh nhân:
- Thưa thánh cả Phêrô, sao ngài lại đối xử với con thế này. Suốt cuộc đời con hiến dâng cho Chúa, con đi giảng Kinh Thánh cho biết bao nhiêu người, mà sao con không được vào thiên đàng. Còn cái anh chàng tài xế kia, hắn có làm gì cho Chúa đâu. Sáng sớm đã lái xe vòng vòng kiếm tiền sinh sống. 3 giờ chiều là bắt đầu đi la cà ở các quán nhậu. Xỉn xỉn mãi đến khuya mới về nhà, nằm lăn ra ngủ. Sáng mai lại đi kiếm tiền nhậu tiếp. Vậy mà sao hắn lại được vào thiên đàng, còn con thì không?
Thánh Phêrô mỉm cười trả lời vị thuyết giảng:
- Những điều con nhận xét đều đúng cả đấy. Nhưng con có biết không? Các bài giảng thuyết về Kinh Thánh của con vừa dài, vừa dở, lại vừa dai. Con ăn nói huyên thuyên giống như máy bay cất cánh rồi bay lượn vòng vèo mà không tìm được bãi đáp, khiến cho cử tọa ngồi ngủ gà ngủ gật, chẳng ai biết Chúa là gì. Thành ra, con giảng cũng như không. Còn bác tài xế kia lái xe trong lúc say rượu, ai cũng sợ bị tai nạn chết, nên ngồi đọc kinh, nhớ đến Chúa. Thế cho nên, bác xứng đáng được vào nước Thiên Đàng!
Khi tuổi đời của chúng ta bắt đầu bằng con số 6 thì hình như sắc diện và tính tình bắt đầu thay đổi rất nhanh.
1. Tuổi già lẩm cẩm
Cảm nghiệm đầu tiên của tuổi già là bắt đầu quên. Thế nên con cháu bắt đầu chê mình là "ông già lẩm cẩm!". Rõ ràng cái người đứng trước mặt mình là người mình gặp hàng ngày, hàng tuần, mà sao tự nhiên mình quên hẳn tên của họ. Nhớ hoài không ra!
Một ví dụ khác: Vừa ở trên nhà xuống dưới bếp định lấy cái gì, mà khi tới bếp lại quên bẵng đi, không biết đến đó làm gì. Đứng một hồi mới nhớ được: “À, thì ra định xuống bếp lấy cái ly uống nước!” Rõ ràng tay đang cầm chùm chìa khóa. Thế mà cứ lồng lộn đi tìm chìa khóa!
Giới trẻ không thích người già nói chuyện đâu, vì mình có cái tật nói đi nói lại một sự kiện tới 3, 4 lần. Vừa nói rồi mà tưởng chưa nói, lập đi lập lại, khiến cho người nghe phát ngán. Mà chính mình thì không biết như vậy. Ngày xưa lúc còn trẻ, kể chuyện gì thì ngắn gọn, đâu ra đó. Còn bây giờ, nói vòng vo Tam quốc, nói mãi mà chưa vào đề, khiến con cái sinh ra bực mình:
- Bố muốn nói gì thì nói toẹt ra đi. Bố nói vòng vo hoài, con chẳng hiểu gì cả!
- Tao là bố mày. Tao nói tiếng Việt chứ tiếng gì mà mày không hiểu.
Và thế là bố con đi vào chỗ cãi lộn với nhau, chẳng ra cái thể thống gì cả!
Tuổi già lẩm cẩm hay quên. Ấy thế nhưng, có những vấn đề không đáng nhớ thì lại nhớ dai vô chừng. Những chuyện ngày xưa, bạn bè mất lòng nhau, giận hờn nhau thì lại không quên được. Đây là một câu chuyện có thật tại một xứ đạo kia. Có hai cụ trong một bữa chén anh chén tôi. Rượu vào lời ra. Hai người có chuyện bất đồng ý kiến, rồi đi đến chỗ giận nhau, không nhìn mặt nhau nữa. Bỗng dưng một hôm, một cụ thấy đứa con của người bạn đi lễ. Vì giận bạn mà trút nỗi giận vào đứa con của bạn mới có 13 tuổi. Thằng bé đang ngồi dự lễ thì ông cụ đuổi nó đi chỗ khác, lấy cớ con nít không được ngồi hàng ghế dành riêng cho người lớn trong nhà thờ. Đến khi ông cụ này qua đời, bố thằng nhỏ sợ người đời dị nghị, cũng đi dự lễ an táng và còn dắt theo thằng bé. Khi vừa đến nhà thờ, thằng nhỏ nhìn thấy hình ông cụ để gần quan tài, nó nhớ lại:
- Bố ơi, cái ông già này trước đây con đi lễ, ông đuổi con một cách vô lý. Con ghét cái ông này hết sức mình!
Ông bố biết ngay là bạn mình vì hận truyện xưa nên trả thù con mình. Và rồi, ông dẫn thằng nhỏ về, bỏ lễ luôn. Càng già, giận càng dai!
Vậy thì thưa quý vị, “già sinh tật, đất sinh cỏ”. Ở tuổi già, những điều đáng nhớ thì lại quên, mà những điều đáng quên thì lại nhớ. Chúng ta phải nhất quyết quên đi những hận thù quá khứ, để tuổi già chúng ta được bình an thư thái.
Có một bà đến trình với cha sở rằng bà ta vừa được Chúa Giêsu hiện ra. Cha sở không tin, cho là chuyện bịa đặt, nên lỉnh sang chuyện khác. Ngày hôm sau, bà ta lại đến nói với cha rằng đêm qua Chúa hiện ra với bà. Cha liền hỏi: “Thế Chúa nói gì với bà?”. Bà kể lại mọi điều trước sau, nhưng cha sở vẫn không tin. Cuối cùng, để thử xem bà nói thật hay giả, cha đề nghị với bà:
- Tôi nói thật, bà đừng buồn nhá! Tôi không tin những điều bà nói đâu. Vậy để chứng minh rằng Chúa thật sự đã hiện ra với bà thì lần tới, bà hỏi Chúa xem ông cha sở này đã phạm tội gì với Chúa.
Bà già vui vẻ trả lời:
- Vâng, được, con sẽ hỏi giùm cho cha.
Hôm sau, bà đến gặp cha sở và kể lại bà đã gặp Chúa rồi. Cha liền hỏi:
- Sao? Thế bà đã hỏi Chúa về tội của tôi chưa?
Bà trả lời:
- Dạ, có.
- Thế Chúa có trả lời bà không?
- Dạ, có.
Cha sở lúc đó có vẻ hơi ngán rồi, vì Chúa mà kể tội cha với bà thì cha sẽ xấu hổ lắm. Nhưng cha cứ đánh liều hỏi tiếp:
- Thế Chúa kể những tội gì của tôi cho bà nghe?
Bà già thong thả đáp:
- Sau khi con hỏi tội của cha thì Chúa trả lời: “Ta quên hết rồi!”
Vừa mới đây, quý vị có được nghe bài giảng thuyết về dụ ngôn trong Phúc Âm “Người Cha nhân từ và đứa con hoang đàng”. Lý do người cha đã hành sử như vậy là vì người cha đã quên, quên hết tội tình của người con bỏ nhà ra đi. Đọc Phúc Âm, chúng ta thấy nhan nhản những câu chuyện tương tự về “bệnh” quên của Chúa. Trước giờ Chúa bị đóng đinh, có anh trộm lành nói rằng: “Lạy Thày, khi nào Thày về nước Thiên Đàng, xin nhớ đến con cùng!” Nếu chúng ta ở vào địa vị Chúa thì dù có tha cũng phải hạch sách, cảnh cáo anh trộm lành này, chứ đâu có tha cách dễ dàng được: “Anh có biết rằng anh đi ăn trộm, anh làm khổ cho bao nhiêu gia đình, anh phải đền tội đã rồi mới được tha!” Nhưng Chúa thì không như vậy, Ngài đã trả lời ngay cho anh: “Ta bảo thật, ngày hôm nay, ngươi sẽ được cùng ta ở trên nước Thiên Đàng.” Chúa quên hết tội lỗi của anh kẻ trộm, cho nên anh ta lại trộm luôn cả nước Thiên Đàng.
Vậy chúng ta hãy bắt chước Chúa: Quên đi hết những lỗi lầm, những bực bội đối với anh em chúng ta.
2. Tuổi già tủi thân và cô đơn
Cảm nghiệm thứ hai của tuổi già là hay tủi thân và sợ cô đơn. Tại sao lại hay tủi thân? Vì lúc trước mình còn trẻ, còn khỏe mạnh, cái gì mình cũng tự làm được. Nay tuổi già sức yếu, làm không được nữa thì phải nhờ con cháu. Mà nhờ vả chúng nó thì nó không chịu làm hoặc nếu có làm thì làm một cách miễn cưỡng, lại còn la mắng mình. Ngày xưa mình lái xe chở con đi học bao nhiêu năm trời. Nay mình không lái xe được nữa, nhờ con cháu chở đi nhà thờ thì chúng nó nói ở nhà đọc kinh cũng đủ rồi, việc gì phải đến nhà thờ. Thế là tủi thân. Buồn ơi là buồn!
Lại còn cảnh cô đơn nữa. Ngày xưa, khi còn trẻ đi làm có tiền, mua quà mua bánh cho con cháu thì nó còn thăm còn hỏi. Hoặc là ngày xưa còn khỏe mạnh, giữ con giữ cái cho chúng nó đi làm thì chúng còn săn đón, hỏi han. Nay về già, ngồi một chỗ, nói không ra hơi, nói chuyện nọ xọ sang chuyện kia, chẳng con cháu nào muốn nghe nữa. Có gọi chúng nó đến thì rồi lấm la lấm lét, câu trước câu sau, chúng nó cũng lỉnh đi hết. Đối với những cụ còn đủ cặp, cụ ông cụ bà, thì sớm tối còn thủ thỉ với nhau được. Ông xướng bà họa, ông “Kính Mừng” thì bà “Thánh Ma”, kể ra cũng còn đỡ, nhưng khi chỉ còn lại một cụ ông hay một cụ bà thì sự cô đơn buồn tủi càng ghê gớm hơn nữa.
Cho tới một lúc nào đó, khi chúng ta không còn đủ khả năng để tự lo những việc cần cho riêng chúng ta thì tình trạng còn khó khăn hơn. Con cháu bận công ăn việc làm, không thể ở nhà để trông coi chúng ta. Mà dù chúng nó có ở nhà, thì lắm khi cũng không đủ khả năng và không tiện để giúp đỡ chúng ta trong các việc vệ sinh cá nhân cần thiết được. Lúc đó phải nghĩ đến giải pháp vào Viện Dưỡng Lão. Tôi đã có dịp vào thăm các nơi đó, và tôi phải công nhận rằng nơi đây sẽ là một cơn ác mộng đối với rất nhiều người. Phải chuẩn bị tinh thần để một ngày nào đó bắt buộc chúng ta phải vào đây sống. Hãy cứ tưởng tượng, đó là một nơi tập trung tất cả những người già, đủ thứ bệnh tật ở chung với nhau. Mỗi phòng có 2 hoặc 3 người bạn cũng giống giống như mình. Ngày trái gió trở giời, có cụ phát bệnh, rên rỉ suốt ngày đêm, lâu lâu lại rú lên một tiếng, nghe rất rùng rợn. Người nằm giường bên cạnh mới hôm qua còn rên rỉ, ỉ ôi, qua đêm đã ra người thiên cổ. Hỏi làm sao mà không sợ cho được?
Thưa quý vị,
Tình trạng này chắc chắn phải xảy đến, chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ được. Chúng ta phải nghĩ tới, phải chuẩn bị, để có một ngày, một ngày không xa, chúng ta phải đương đầu với nó. Tôi nhấn mạnh, chúng ta không thể trốn tránh nó được, nhưng phải chuẩn bị để đương đầu với nó.
Trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, có biết bao nhiêu biến cố tôi nghĩ còn khó khăn, kinh khủng hơn cái cảnh tuổi già buồn tủi và cô đơn này, có những nơi chúng ta đã sinh sống còn khiếp đảm hơn các Viện Dưỡng Lão nhiều, mà chúng ta đã vượt qua được tất cả. Vậy thì với niềm cậy trông vào Chúa, chúng ta hãy vì thương con cháu, một ngày nào đó, khi chúng ta thấy Viện Dưỡng Lão là nơi thích hợp cho tuổi già chúng ta thì hãy tình nguyện chọn nơi đó để sống những ngày cuối đời. Đây là lúc chúng ta phải nhớ lại những gì chúng ta đã học, đã nghe trong cuộc đời và phải được đem ra áp dụng: Chúa là nguồn an vui duy nhất đời con.
3. Tuổi già bất lực
Bất lực là tình trạng không còn khả năng sức lực để làm những công việc bình thường mình vẫn làm. Có chân đó, nhưng chân không đủ sức để di chuyển thân xác từ chỗ này đến chỗ kia. Có tay đó, nhưng tay không còn khả năng cầm giữ một vật gì cho chắc. Có tai đó, mà có khi người ta hét bên tai cũng không nghe thấy gì. Có mắt đó, mà không còn xác định được người hay vật ngay trước mặt mình. Đó là tình trạng bất lực.
Một bộ lạc ở Phi Châu có tục lệ bắt cha mẹ già leo lên cây, rồi con cái ở dưới đất rung cây. Ai không còn đủ sức ôm chặt thân cây mà rớt xuống là bất lực, là vô dụng, cho chết luôn.
Khi tới tuổi già, thân xác và tinh thần sẽ lâm vào tình trạng bất lực. Nhưng có một khả năng tâm linh không trở thành bất lực cho tới lúc linh hồn lìa khỏi xác. Đó là khả năng cầu nguyện và kết hợp với Chúa.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong thư gửi cho những người già vào năm 1999, đã tâm sự với các tu sĩ già rằng: “Hội Thánh tin tưởng nơi phần đóng góp của anh em qua lời cầu nguyện liên lỉ, chờ đợi các lời khuyên già dặn kinh nghiệm cụ thể của anh em, và chứng tá cho Tin Mừng mà anh em sống hằng ngày làm giầu cho Hội Thánh.”
Chúng ta đừng tưởng tuổi già bất lực mà không làm được những việc “cả thể” khiến cho giới trẻ phải khâm phục đâu. Cách đây mấy hôm, tôi xuống Nam Cali để dự đám táng một ông bạn già. Người quá cố có một bà chị dâu ở mãi bên Úc, năm nay 80 tuổi. Bà đi máy bay một mình từ Úc qua Hoa Kỳ. Con cháu bên Úc đưa cụ ra phi trường. Còn con cháu bên Hoa Kỳ đi đón cụ. Con cháu đón cụ ở cổng quốc ngoại, vì đây là chuyến bay từ Úc đến, nhưng chẳng hiểu sao hãng máy bay lại đưa hành khách qua cổng quốc nội. Thế là bà cháu chẳng gặp nhau. Hai tiếng đồng hồ sau, người ở nhà tự nhiên thấy chuông gọi cửa. Mở ra thì chỉ thấy có mình bà cụ với hành lý ngổn ngang, mà chẳng thấy người nhà đâu cả. Vừa lúc đó thì điện thoại của người đi đón từ phi trường gọi về cho biết không tìm thấy bà. Chắc bà đi lạc rồi. Thì ra khi bà không thấy người ra đón, bà đã tự đi lãnh hành lý và nhờ xe buýt của phi trường chở cụ về địa chỉ mà con cháu viết sẵn cho cụ. Cái hay là bà cụ không nói được một câu tiếng Anh nào, mà người Mỹ vẫn hiểu cụ muốn gì và đưa cụ về tới nhà bằng yên vô sự.
Còn Cộng Đồng chúng ta ai cũng biết bà cụ Nam. Bà đã qua đời mấy năm nay và xác đã đem về VN chôn cất. Hồi năm 1988, trong phái đoàn của Cộng Đồng chúng ta đi dự lễ phong 117 Hiển Thánh Tử Đạo VN, có bà cụ Nam, năm đó cụ cũng trên 80 tuổi. Khi phái đoàn hành hương từ Lộ Đức về Paris bằng xe buýt, xe ngừng lại giữa đường tại một làng nhỏ để mọi người nghỉ ngơi co dãn thân thể. Theo lệnh của tài xế, mọi người xuống xe mua quà kỷ niệm và phải trở lại xe sau 30 phút. Hầu như người nào khi trở về cũng đem theo lon nước, vì đi đường xa khát nước lắm. Chỉ riêng có bà cụ Nam lệ khệ cầm một bịch nhãn, ngon ngọt như nhãn Hưng Yên vậy. Người ta hỏi cụ kiếm ở đâu ra thứ trái cây quý hóa này. Cụ trả lời: “Thì ở cái ngõ hẻm đó!” Trên 80 hành khách già trẻ lớn bé đầy đủ, mà không ai tìm ra chỗ bán nhãn, chỉ có mình một bà già trên 80 tuổi, không biết nói một chữ tiếng Anh, tiếng Pháp nào, thế mà cụ đã tìm ra một thứ mà không ai tìm được. Bởi vậy có đôi khi chúng ta cũng đừng nên chê già bất lực nhá!
Chúa Giêsu, sau 3 năm bôn ba khắp thành thị đến thôn quê để rao truyền Tin Mừng nước trời. Ngài đã làm bao nhiêu phép lạ cứu chữa bệnh nhân. Thế nhưng chính vào lúc Ngài nằm bất động trên Thánh Giá, chính vào lúc Ngài bị buồn tủi sâu xa, chính vào lúc cả vũ trụ bỏ rơi Ngài, xỉ nhục Ngài, chính vào lúc người đời tưởng như Chúa bất lực, chính vào lúc hầu như cả Đức Chúa Cha cũng để Ngài cô đơn, tủi nhục “Lạy Cha, sao Cha bỏ con cô đơn thế này?”, thì Ngài đã hoàn tất sứ mạng trọng đại nhất là cứu chuộc tội lỗi nhân loại.
4. Tuổi già giống như tuổi thơ
Nếu đem so sánh hình ảnh một em bé mới sinh ra với một cụ già thập tử nhất sinh, người ta thấy khác nhau một trời một vực. Em bé như chiếc bông hoa xinh tươi mới nở. Còn cụ già như chiếc hoa héo tàn. Một triết gia đã khuyên chúng ta rằng: “Bạn phải làm sao để khi vừa sinh ra thiên hạ cười trong lúc bạn khóc, nhưng khi bạn chết thì thiên hạ khóc trong lúc bạn cười.”
Tuy nhiên, trong cái khác biệt già trẻ đó, tôi vẫn thấy có những điểm tương đồng rất ngộ nghĩnh:
Một bé thơ không thể tự ăn uống được và thức ăn phải là đồ lỏng. Một cụ già ăn uống cũng phải có người đút và cụ cũng không thể ăn thức ăn cứng được nữa.
Một em bé cần phải mặc tã thì một cụ già cũng cần phải mang cái thứ đó khi không còn khả năng kiềm chế bộ phận tiêu hóa của mình.
Một em bé ăn rồi lại nhắm mắt ngủ li bì thì một cụ già cũng y hệt như vậy.
Một em bé trước khi biết đi thì phải biết bò, di chuyển bằng 2 chân và 2 tay. Còn một cụ già sau khi đi đứng mấy chục năm thì lại cần thêm cái gậy cho đủ 3 chân. Có khi cụ phải đi bằng cái xe 4 chân, vị chi là cụ có tới 6 chân lận!
Một em bé thường hay hờn hay dỗi, có khi còn giả vờ đau đớn để được mẹ vỗ về an ủi. Các cụ đến tuổi về già tính nết cũng y hệt như vậy, động một tí là hờn là dỗi, bỏ cơm không chịu ăn, bắt cụ bà năn nỉ muốn đứt hơi mới chịu ăn trở lại. Có những cụ đau yếu được các con thay phiên săn sóc. Hôm nào đứa con khó tính coi cụ thì cụ vào khuôn vào phép, chẳng dám kêu ca, bảo ăn là ăn, bảo uống là uống, không thở dài thở vắn. Còn hôm nào gặp cô con gái có tính nuông chiều một tí là y như thể ra mặt nhõng nhẹo, giận hờn, đòi này đòi kia đủ thứ, hỏi gì cũng chỉ nhắm mắt, không thèm trả lời, ra điều mệt mã lắm.
Phúc Âm có kể rằng Chúa Giêsu yêu bé thơ và nói rằng chỉ những người giống như trẻ thơ mới được vào nước Thiên Đàng. Nhiều cụ sợ không được lên Thiên Đàng vì làm sao già lụ khụ mà giống trẻ thơ được. Vậy thì hôm nay, các cụ nghe con phân tích như vậy, các cụ yên trí nhá, các cụ cũng có nhiều điểm giống trẻ thơ lắm đấy! Nước thiên đàng là của các “cụ bé thơ” đấy!
5. Tuổi già ban phát
Khi còn trẻ, con người ta có khuynh hướng tích lũy hết mọi thứ cho mình để làm hành trang bước vào đời.
Một bà bạn tôi có đứa cháu nội mới 4 tuổi mà đã khôn lắm, khôn đến nỗi bà đã phải khen rằng: “Con nhỏ mới ba cái tuổi ranh mà đã như thần giữ của!” Hàng ngày, mỗi buổi sáng mẹ nó chở sang nhà bà nhờ trông giùm để đi làm. Đến bữa ăn, có món nào ngon là nó bắt đầu nịnh bà: “Bà ơi, cái món cá kho tộ này bà nấu ngon lắm. Mẹ con cũng thích đấy, bà nhớ dành cho mẹ con một tô nhá!” Hôm khác, nó lại đổi kiểu: “Bà ơi, hôm nay nhà Ví Vi chẳng có cái gì ăn cả. Bà nhớ để dành cho bố mẹ con mấy cái bánh gai này nhá!” Rồi mỗi buổi chiều khi mẹ đến đón về, tay nó lệ khệ bê túi tã và sữa, mà vẫn chưa chịu về, nó hỏi bà: “Bà ơi, hôm nay bà có gì cho con đem về cho bố mẹ con ăn không?” Cứ tưởng nhà bà như tiệm “food to go” không bằng!
Nhưng mỗi khi bà đến nhà nó thì nó theo dõi bà kỹ lắm. Chưa bước chân vào nhà, nó đã nhắc: “Bà nhớ để dép ngoài cửa nhá. Đừng có mang vào nhà. Dơ nhà, má con phải lau đấy!” Trong khi đó mỗi khi đến nhà bà, nó để nguyên cả dép leo lên ghế sa lông ngồi chỗm chệ thì chẳng sao. Mỗi lần bà cầm đến thứ gì của nhà nó là nó dặn: “Cái con dao đó là của mẹ con đấy nhá. Bà làm rồi nhớ để lại vào ngăn kéo, đừng có đem về nhà bà!” Khi ra vườn sau, bà đi đôi dép của mẹ nó. Nó cũng nhắc: “Cái dép đó của mẹ con làm vườn đấy, bà đừng có đi vào, dơ lắm!”
Tôi cũng có thằng cháu tên Hoàng, mới 3 tuổi, gầy giơ xương mà ăn thì khỏi chê: “Người gầy thầy cơm” mà! Cứ ngày thứ Bảy là bố mẹ và chị em nó kéo đến nhà tôi ăn cơm, rồi mẹ nó còn làm đồ ăn cho suốt cả tuần. Một hôm, tôi trêu nó:
- Hoàng đến ăn hết cơm nhà bác Bài rồi. Tối nay bác chẳng còn gì ăn cả. Vậy tối nay bác lên nhà Hoàng ăn cơm nhá.
Nó trả lời liền: “Dạ, không?”
- Tại sao vậy?
- Vì nhà em hổng có cái gì ăn được hết!
- Thế nhà Hoàng có tủ lạnh không?
- Dạ, có.
- Vậy trong tủ lạnh có thứ gì?
- Chẳng có cái gì cả, chỉ có nước lạnh thôi!
Thưa quý vị,
Chẳng ai dạy chúng nó keo kiệt và giữ của như vậy. Bản tính tự nhiên của tuổi trẻ là phải tích lũy của cải cho cuộc sống. Vì đời chúng nó còn dài mà! Còn tuổi già chúng ta thì sao?
Đây là kinh nghiệm của bản thân tôi. Sau bao nhiêu năm phục vụ Cộng Đồng, nhà cửa tôi bề bộn. Cách đây một năm, tôi phải thu giọn đồ đạc cho sạch sẽ, ngăn nắp. Cái gì còn xài thì giữ, cái gì không thì phải vất đi không một chút thương tiếc. Những sách luật, nào là hình, hộ, thương mại, nào là luật Hồng Đức hay luật Cali tôi đều vất sọt rác hết, vì tôi nghĩ từ nay đến lúc chết, chắc chẳng bao giờ tôi còn xài đến thứ đó nữa. Rồi đến những sách dạy về mua bán nhà cửa, những sách dạy làm sao mua nhà mà không có tiền “down”, những sách dạy làm triệu phú với hai bàn tay trắng, v.v… tôi cũng vất hết, coi như từ nay về hưu rồi, đâu cần những thứ đó nữa.
Tôi đã giữ lại những sách gì? Đó là tất cả những sách báo về đạo, vì tôi nghĩ rằng thỉnh thoảng mình còn cần tra cứu để đi dạy lớp giáo lý tân tòng hay có đôi khi phải viết bài nọ bài kia để chia sẻ với mọi người về một vấn đề nào đó, như vấn đề “tuổi già” hôm nay chẳng hạn. Nhưng tôi biết rằng, chắc chắn sẽ có một ngày, và ngày đó cũng không xa, tôi không còn khả năng đọc, không còn khả năng nói nữa thì chắc rồi cũng sẽ vất đi luôn. Đó là hình ảnh thời gian chuẩn bị ra đi của tôi. Ra đi với hai bàn tay trắng, ra đi trong thinh lặng, ra đi trong cô đơn, không bạn bè, không thân quyến nào có thể giúp được tôi hoặc đồng hành với tôi trong quãng đường cuối cùng của cuộc đời.
Tóm lại, tuổi trẻ thì tích lũy, còn tuổi già thì cho đi. Bởi vậy mà người đời có định chế lập chúc thư. Đó là một hình thức trối trăng của cải trước khi con người trở về với lòng đất. Còn chúng ta, những người theo Chúa Kitô, cũng phải chuẩn bị sẵn sàng. Thầy mình đã chết trơ trụi trên Thánh Giá, đến nỗi bộ đồ lót mà lính La Mã còn xé ra chia nhau thì chúng ta còn muốn giữ lại cho mình những thứ gì? Và liệu chúng ta có khả năng để giữ lại cho mình những thứ đó cho tới lúc chết không?
Của cải, quyền chức, danh vọng? Những thứ đó là của đời, hãy trả lại cho đời.
Những kiến thức, sự khôn ngoan, những kinh nghiệm mà chúng ta học được trong bao nhiêu năm cuộc đời: Hãy chia sẻ cho thế hệ đàn con, đàn cháu chúng ta.
Sách Khôn Ngoan có viết rằng: “Tuổi già đáng kính trọng, không phải vì trường thọ, cũng không phải vì cao niên, nhưng vì người đầu bạc thì khôn ngoan.” Thưa quý vị, có nhiều người khuyên tôi nên nhuộm tóc cho trẻ lại một tí. Nhưng nhớ lại lời Kinh Thánh này “Người đầu bạc thì khôn ngoan”, cho nên tôi không muốn nhuộm tóc nữa.
Thánh Kinh còn nói gì về tuổi già nữa? Xin mời quý anh nghe tiếp Sách Khôn Ngoan: “Người tuổi già thì đẹp lòng Chúa, được Chúa yêu dấu. Và nếu đang sống giữa những kẻ tội lỗi, cũng được Chúa dời đi nơi khác. Và được đem đi như thế, kẻo sự gian tà biến đổi lòng họ. Vì sự say mê giả dối làm cho sự lành ra tối tăm, và tình dục làm điên đảo tâm hồn thanh sạch.” (Sách Khôn ngoan, 4:7-15)
Có nhiều người sẽ nói rằng: Tiền bạc tôi không có, chức quyền tôi cũng không, khôn ngoan lại càng không có. Vậy lấy gì mà cho?
Thưa, nói vậy mà nhiều khi không phải vậy đâu. Không có ai trên đời lại cho là mình thiếu khôn ngoan, bằng cớ là trong cuộc đời mỗi người, rất nhiều lần chúng ta phê bình chỉ trích người khác. Chính cái việc chê bai người khác là dấu hiệu cho biết mình khôn hơn, giỏi hơn người ta. Nếu không khôn hơn, giỏi hơn thì tại sao ta lại chê người là dở?
Còn một thứ mà tôi biết chắc chắn ai cũng có, có dư thừa, nhưng đôi lúc chúng ta lại dè xẻn, không muốn cho đi. Đó là NỤ CƯỜI. Chúng ta phải công nhận rằng nhiều khi trong cuộc đời chỉ có một nụ cười xuề xòa, nụ cười tha thứ, nụ cười dễ dãi, mà chúng ta cũng không muốn cho đi. Đổi lại, chúng ta toàn cho con cái, cháu chắt hay anh em trong Cộng Đồng những nhăn nhó, quặu cọ, phê bình và chỉ trích. Bao nhiêu kinh nghiệm đắng cay của cuộc đời đã tạo nên sự khôn ngoan của tuổi già và đã chứng minh rằng: chỉ có NỤ CƯỜI mới có thể hoán cải được những sai trái của con cháu hoặc anh em chúng ta. Vậy hãy cho đi, cho đi hết những nụ cười mà chúng ta còn có thể cho được.
6. Tuổi già bệnh tật
Tuổi già gắn liền với bệnh tật. Phật giáo nói rằng trên đời có 4 cái khổ: Sinh, Bệnh, Lão, Tử. Nhưng thực ra có Lão thì tất nhiên có Bệnh và rồi dẫn tới Tử. Khi phải đối diện với đau khổ, con người cố gắng tìm cách xa lánh nó, hoặc có tôn giáo dạy cách diệt trừ nó. Nhưng hỏi rằng xưa nay đã có ai trên đời diệt được Sinh, Bệnh, Lão, Tử chưa?
Không ai chối cãi rằng Sinh, Bệnh, Lão, Tử mang lại nhiều khổ đau cho nhân loại, nhưng Đạo Công Giáo dạy con người thánh hoá khổ đau, biến khổ đau thành tình yêu và rồi khổ đau sẽ trở nên niềm hoan lạc. Đời sống của các thánh đều chứng minh rằng các ngài đã không sợ đau khổ, trái lại, vì lòng yêu Chúa và yêu tha nhân, chính các ngài đã đi tìm đau khổ cho chính mình.
Mỗi khi một em bé được sinh ra, là đã có một mầm sống trên vũ trụ này. Sự sống là một ơn huệ cao trọng nhất Chúa ban cho loài người. Thế thì tại sao lại nói Sinh là khổ? Trong thư của ĐGH Gioan Phaolô II, ngày 1-10-1999, gửi riêng cho người già, với tâm hồn thi sĩ, Ngài đã viết rằng: “Chỉ cần nhìn cảnh vật thay đổi quanh năm, trên núi đồi, trên đồng bằng, trên đồng cỏ, trong thung lũng, trong rừng rậm, trên cỏ cây, thì đủ hiểu. Có sự tao phùng giữa nhịp sống của con người và các chu kỳ của thiên nhiên, mà con người là một thành phần.”
Về những đau khổ do bệnh tật gây ra, ĐGH Gioan Phaolô II đã nói với các bệnh nhân rằng: “Chính tình yêu Kitô giáo mang lại giá trị và ý nghĩa cho cuộc sống chúng ta, cả khi tật nguyền bệnh hoạn lấy mất đi sự toàn vẹn của thân xác. Thưa anh chị em, như Chúa Kitô trên Thập giá, anh chị em thật mạnh mẽ.”
Đối với tuổi già, Kinh Thánh viết rằng tuổi thọ là dấu chỉ được Thiên Chúa chúc phúc (St. 11, 10-32).
7. Tuổi già liên hệ đến sự Chết
Có nhiều người chết trong lúc còn trẻ vì tai nạn, vì bệnh tật. Nhưng tuổi già gắn liền với sự chết. Thêm một tuổi đời là tiến gần đến sự chết. Thánh Phaolô khi về già đã viết: “Còn tôi sắp phải đổ máu ra để làm lễ tế, đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến cao đẹp, đã chạy hết chặng đường mà giữ vững đức tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa công chính mà Chúa là Đấng phán xét dành cho tôi.” (1Tim.4, 6-8).
Trong bài giảng cho giáo triều Roma vào năm 2000, Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã nói về sự chết như sau: “Đó là ‘giờ’ xinh đẹp nhất, ‘giờ’ của sự sống chứ không phải của sự chết. Đó là lúc gặp gỡ Chúa Giêsu. Chúng ta sẽ trông thấy Ngài. Ngài đứng đó chờ đợi chúng ta và cùng với Ngài chúng ta cũng sẽ gặp Mẹ Maria. Vì thế, nên khi còn sống đã biết bao nhiêu lần chúng ta cầu khấn Mẹ để xin Mẹ cầu bầu cho chúng ta: ‘Cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử’. Mẹ sẽ tiếp đón chúng ta như một Hiền Mẫu yêu thương và dẫn đưa chúng ta là con cái dấu yêu của Mẹ đến với Thiên Chúa Cha.”
Thưa quý vị,
Như vậy thì “Sinh, Bệnh, Lão, Tử” theo quan niệm của đạo Công Giáo không còn phải là những nỗi khổ đau trên đời nữa. Tuy nhiên, có một vài vấn đề chúng ta thường gặp thấy trong khi dự các đám táng mà tôi nghĩ chúng ta phải cùng nhau xem xét lại hôm nay.
a) Trong một số tờ Cáo Phó, chúng ta thường đọc rằng: “Gia đình chúng tôi vô cùng đau đớn báo tin cùng thân bằng quyến thuộc: Cha của chúng tôi là ông Giuse Nguyễn Văn Mỗ vừa được Chúa gọi về.” Thưa quý vị, nếu thân nhân chúng ta đã “được Chúa gọi về” thì có gì mà phải “vô cùng đau đớn”? Vì thế, tôi xin đề nghị chúng ta sửa lại lời cáo phó đó. Chẳng hạn: “Trong niềm hy vọng vào mầu nhiệm Chúa Kitô Phục Sinh, chúng tôi xin loan báo đến thân bằng quyến thuộc: Cha của chúng tôi là ông Giuse Nguyễn Văn Mỗ vừa an nghỉ trong Chúa.”
b) Trong những bản Phân Ưu, chúng ta thường thấy câu này: “Nguyện xin Thiên Chúa nhân từ SỚM đưa linh hồn Giuse hay Maria… về hưởng Nhan Thánh Chúa.” Chữ “sớm” ở đây hàm ý là có sự “mắc kẹt” nào đó… Thực ra, linh hồn một người mới qua đời có về với Chúa thẳng tắp hay không, về sớm hay về muộn thế nào, chúng ta hoàn toàn không thể biết được. Đó là chuyện riêng giữa Chúa và linh hồn người mới chết. Do đó, tôi xin đề nghị bỏ chữ “sớm” đi và sửa lại như sau: “Nguyện xin Thiên Chúa nhân từ đưa linh hồn Giuse hay Maria… về hưởng Nhan Thánh Chúa.” Hoặc cũng có thể viết rằng: “Nguyện xin Thiên Chúa nhân từ đón nhận linh hồn Giuse hay Maria… vào Nước Thiên Đàng.”
c) Vấn đề “Thánh Lễ đời đời cho người sống” và “Thánh Lễ vĩnh viễn cho người chết”.
Trong thời gian gần đây, có một số nhà Dòng hoặc Hiệp Hội Công Giáo cấp những giấy chứng chỉ in màu sắc rất đẹp, lồng vào trong những bìa cứng để chứng nhận rằng do lời yêu cầu của người xin, kể từ nay, nhà Dòng hay Hiệp Hội đó sẽ “vĩnh viễn” hay “đời đời” dâng lễ hoặc hy sinh hãm mình, cầu nguyện cho người nào đó đang sống hay người đã qua đời.
Ở đây, tôi muốn được chia sẻ quan điểm của tôi về 3 thành phần liên hệ trong hình thức cầu nguyện này: Người xin cầu nguyện, người được cầu nguyện và tổ chức hứa cầu nguyện,.
Đối với người xin cầu nguyện: Trước đây, chúng ta có thói quen là khi cần được ơn gì hoặc khi có thân nhân qua đời, chúng ta thường đến nhà dòng hoặc gặp linh mục để xin dâng lễ hoặc thêm lời cầu nguyện. Đó là một thói lành tốt có từ lâu đời của Giáo Hội. Ngày nay, người xin cầu nguyện còn có thể trưng dẫn bằng cớ qua các tờ giấy chứng nhận giao cho người được cầu nguyện hoặc thân nhân của người này. Tuy nhiên, qua tình nghĩa thâm giao, chính chúng ta cũng phải đích thân ăn chay, hãm mình và cầu nguyện cho họ, chứ không thể chỉ bỏ một món tiền ra nhờ người khác hoặc khoán trắng cho một tập thể cầu nguyện thế cho mình. Người khác có thể cầu nguyện thêm với mình, chứ không thể thay thế cho mình.
Đối với người được cầu nguyện: Nếu là người đã qua đời thì thực sự chúng ta không có gì để nói, vì họ đã sang một thế giới khác rồi. Nhưng điều đáng nói ở đây là người được cầu nguyện còn đang sống khi cầm những tấm giấy chứng chỉ sẽ được ai đó cầu nguyện cho đến ngày tận thế thì họ lại có cái cảm giác an nhàn, thư thái, đến độ nghĩ rằng từ nay chẳng cần phải giữ đạo vất vả nữa, vì đời sống hiện tại, cũng như sau khi chết đã có người khác lo cầu nguyện “đời đời, vĩnh viễn” rồi. Sở dĩ được như vậy là vì người được cầu nguyện đã phải bỏ ra một khoản tiền khá lớn để “đầu tư” cho việc rỗi linh hồn rồi. Nói rõ ràng hơn là người ta có thể bỏ tiền ra mua đặt cọc trước nước Thiên Đàng. Cảm tưởng sai lầm này không những có ở nơi người còn sống xin được cầu nguyện “đời đời”, mà còn lây lan đến cả thân nhân người quá cố nữa. Họ coi như việc cầu nguyện cho thân nhân đã qua đời đã được lo chu đáo rồi, họ không còn trách nhiệm gì nữa. Tất cả được coi là “mồ yên mả đẹp”.
Đã có trường hợp cụ thể đáng tiếc xảy ra là một cụ già mắc bệnh nguy hiểm. Cụ không chịu bỏ tiền ra chạy chữa thuốc thang, mà lại dùng khoản tiền duy nhất đó để đi “mua Thánh Lễ đời đời”, vì theo lời cụ “phải lo phần hồn trước khi lo phần xác”. Kết quả là cụ chết vì từ chối dùng thuốc thang.
Đối với tổ chức cầu nguyện: Chúng tôi không phủ nhận sự cần thiết cũng như giá trị của lời cầu nguyện. Chúng tôi cũng cổ võ việc các giáo dân phải công đức cho các nhà Dòng và Hiệp Hội Công Giáo để ngày một phát triển. Tuy nhiên, trong vấn đề này, chúng tôi mong sao các tổ chức cầu nguyện phải giải thích rõ ràng để người xin cầu nguyện cũng như người được cầu nguyện và thân nhân họ đừng hiểu lầm. Mỗi người có bổn phận và trách nhiệm về phần rỗi của linh hồn mình, không thể khoán trắng cho Giáo Hội hay một tổ chức nào cả.
Thánh Augustinô đã nói rằng: “Thiên Chúa dựng nên ta thì không cần có ta, nhưng Thiên Chúa cứu chuộc ta thì Ngài cần có ta cộng tác.” Nhưng việc cộng tác này chắc chắn không phải là bỏ tiền ra thuê người khác cầu nguyện cho phần rỗi linh hồn của mình. Vậy chúng ta cần phải minh định một lần nữa rằng việc rỗi linh hồn của ai thì người đó phải lo, không thể bỏ tiền ra khoán trắng cho ai được cả.
Nêu lên vấn đề này, chúng tôi không hề có ý đả phá chương trình cầu nguyện đời đời này, nhưng chúng tôi chỉ muốn đề cao cảnh giác để việc cầu nguyện cũng như Thánh Lễ Misa không bị lợi dụng hoặc cắt nghĩa sai lạc và mang âm hưởng tiền bạc.
Hậu quả của tình trạng “xin lễ đời đời và vĩnh viễn” này là những tín hữu nghèo sẽ nghĩ rằng muốn vào nước Thiên Đàng cũng phải có tiền, hoặc hễ có tiền là mua được nước Thiên Đàng, còn người nghèo chết rồi là trở thành những “linh hồn mồ côi”, không ai cầu nguyện cho. Người nghèo đã kéo lê kiếp khổ trên trần gian, không lẽ còn ảnh hưởng luôn đến kiếp sau nữa sao?
Điều đó hoàn toàn không đúng. Trong Hiến Chế về Mầu Nhiệm Giáo Hội, Công Đồng Vatican II đã viết: “Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh…” Nói về sự hiệp thông giữa các Thánh trên trời và các tín hữu nơi trần thế, Công Đồng viết tiếp: “Khi được về quê trời và hiện diện trước nhan Chúa, nhờ Người, với Người và trong Người, các thánh lại không ngừng cầu bầu cho chúng ta bên Chúa Cha.”
Từ nguyên tắc đó, hàng giây hàng phút trên trái đất này, đều có lời cầu nguyện của các linh mục dâng lễ Misa cũng như của các giáo dân tham dự Thánh Lễ. Sau khi linh mục truyền phép, chúng ta thường cầu nguyện với linh mục như sau: “Xin Chúa cũng nhớ đến ông bà, cha mẹ, anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại, và mọi người đã qua đời trong tình thương của Chúa. Xin cho các linh hồn ấy được vào hưởng ánh sáng tôn nhan Chúa.” Như vậy thì trong Giáo Hội không bao giờ có linh hồn nào được gọi là “linh hồn mồ côi”, bị lãng quên hoặc bỏ rơi không người cầu nguyện cả.
Tóm lại, thưa quý vị, đừng ai trong chúng ta lo lắng vì không có thánh lễ vĩnh viễn và đời đời. Bao lâu còn Giáo Hội, thì hàng giây hàng phút trên trái đất đều có Thánh Lễ Misa cầu nguyện cho những người đã qua đời. Từ nay mỗi khi tham dự thánh lễ và nghe đến lời này: “Xin Chúa cũng nhớ đến ông bà, cha mẹ, anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại, và mọi người đã qua đời trong tình thương của Chúa. Xin cho các linh hồn ấy được vào hưởng ánh sáng tôn nhan Chúa.”, tức là chúng ta đang cầu nguyện cho những người thân thương của mình và cho hết mọi người đã qua đời trên khắp thế giới. Lời cầu nguyện này không những chỉ “đời đời và vĩnh viễn”, mà còn vang lên “từng giây, từng phút”, bao lâu Giáo Hội Chúa còn ngự trị trên trái đất này.
Thêm vào đó, Đức Giáo Hoàng là Đấng kế vị Thánh Phêrô giữ chìa khóa kho ơn phúc của Giáo Hội. Trong những dịp đặc biệt, ĐGH mở kho ơn phúc đó, để ban ơn toàn xá, ơn đại xá hoặc ơn tiểu xá cho tất cả chúng ta và cho các linh hồn, nhờ đó, chúng ta được hưởng lòng từ bi thương xót của Chúa để giảm phần phạt cho tội lỗi chúng ta và cho tội lỗi những người đã qua đời.
KẾT LUẬN
Thưa quý vị,
Gần một giờ đồng hồ qua, tôi đã trình bày một số cảm nghĩ về tuổi già được tóm lược như sau:
Tuổi già lẩm cẩm hay quên. Mà đã quên thì xin quên luôn cả những giận hờn thù ghét trong quá khứ.
Tuổi già hay tủi thân và sợ cô đơn: Hãy vì lòng thương con cháu, chúng ta tập sống đời nội tâm trong Viện Dưỡng Lão và hãy chọn Chúa làm nguồn an vui cho tuổi già.
Tuổi già bất lực, nhưng cầu nguyện và kết hợp với Chúa thì ai cũng làm được cho tới giờ chết.
Tuổi già giống như tuổi thơ: Dù thân xác già nhưng tinh thần phải luôn luôn trẻ. Hãy sống giản dị, đơn sơ như trẻ thơ để được vào nước Thiên Đàng.
Tuổi già ban phát, cho đi, vì chính lúc cho đi tất cả là lúc nhận được nhiều nhất.
Tuổi già và bệnh tật đi song đôi với nhau. Hãy thánh hoá Sinh, Bệnh, Lão, Tử.
Tuổi già bước gần đến sự Chết. Đó là giờ xinh đẹp nhất trong cuộc đời vì được đối diện với Thiên Chúa. Giáo Hội là Mẹ chúng ta, hàng giây hàng phút và vĩnh viễn, đời đời vẫn cầu nguyện cho chúng ta khi sống cũng như khi chết. Bổn phận của chúng ta là sống xứng đáng người con của Chúa, của Giáo Hội.
Tôi xin được mượn một câu chuyện vui do Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã kể trong một buổi thuyết giảng cho giới già tại Chi Dòng Đồng Công Missouri, Hoa Kỳ vào Năm Thánh 2000:
Có một cha sở già đến tuổi về hưu. Ngài xin Đức Giám Mục cho ngài rời nhiệm vụ để về nhà dưỡng lão chuẩn bị giọn mình chết lành. Bổn đạo nghe vậy thì buồn lắm, liền kéo nhau đến năn nỉ cha ở lại:
- Thưa cha xứ, cha về hưu, bỏ lại chúng con mồ côi, mồ cút, không ai trông nom dạy dỗ chúng con. Xin cha thương ở lại với xứ chúng con. Khi nào cha chết chúng con hứa sẽ làm ma thật lớn để chôn cất cha. Cả giáo xứ sẽ đội khăn tang và sẽ đọc kinh cầu nguyện cho cha vĩnh viễn, suốt đời.
Cha xứ cứ một mực xua tay, lắc đầu:
- Thôi, cụ ở với chúng bay mấy chục năm nay đủ rồi. Bây giờ cụ phải lo việc phần hồn của cụ. Mai ngày cụ chết chúng bay không chôn thì cũng có người khác chôn, chẳng ai để cụ nằm chết thối tha. Đám ma lớn hay nhỏ cụ cũng chẳng cần, vì chết rồi cụ đâu còn biết gì nữa. Còn việc chúng bay hứa cầu nguyện cho cụ thì cũng tốt thôi, nhưng việc đó còn tùy nơi cụ. Cụ mà ăn ở đẹp lòng Chúa thì cụ được lên thiên đàng. Lúc đó cụ chẳng cần chúng bay cầu nguyện. Mà nếu chẳng may cụ có phải xuống hỏa ngục thì tụi bay có cầu nguyện đời đời hay vĩnh viễn thì cũng vô ích thôi. Hoặc giả mà cụ có vào lửa luyện tội thì ai sao mình vậy. Người ta ra thì từ từ cụ cũng có ngày được ra vậy.
Xin cám ơn quý vị.
VietCatholic News (Thứ Năm 24/07/2003 09:22)
Nhân đọc bài “Cảm Nghiệm Về Tuổi Già”
Tu Sĩ Phêrô Lê Đình Trị (Phi Luật Tân)
Thời gian qua tôi quá bận rộn với việc học hành nên chẳng còn nhớ đến việc đọc các sách báo về tu đức. Hôm nay, tình cờ đọc bài chia sẻ “Cảm Nghiệm về Tuổi Già” của Tiến Sĩ Trần An Bài đăng trên VietCatholic, tôi mới nghiệm ra rằng cuộc đời thật vắn vỏi và bên kia những thành tựu đạt được ở đời này vẫn còn có đó một lời mời gọi tìm kiếm giá trị đích thực cho cuộc sống của mình trong tương lai.
Tôi có một người chị họ, chị ấy ước ao chết ở tuổi 40; bởi vì như chị ấy bảo: với phụ nữ mà không có chồng con, tuổi ấy sẽ là tuổi của cáu gắt và gây sự vô cớ. Điều này sẽ gây khó khăn cho cuộc sống của mọi người xung quanh. Chị ấy đã cầu nguyện không ngừng để cho ước muốn trở thành hiện thực. Và Chúa đã thương nhận lời chị ấy. Chị ấy đã ra đi như ước muốn bởi căn bệnh ung thư bao tử.
Đối với nhiều người đó là một hình thức chạy trốn cuộc sống và không nhận ra ân huệ sự sống mà Chúa đã tặng ban. Nhưng với tôi, tôi kính trọng chị ấy, như bao nhiêu người từng quen biết chị, bởi lẽ sự sống thật sự đáng quý khi nó được đặt trong sự liên hệ với người khác. Nếu tôi chỉ nỗ lực giành giật từng giây phút của cuộc sống mà không quan tâm tới sự sống của người khác, nếu tôi chỉ khao khát sống mà không ý thức rằng có biết bao nhiêu người đã hy sinh vì mình và cho mình, nếu tôi chỉ chú trọng đến cuộc sống của mình mà không ý thức những đau khổ và khó khăn mà người khác phải gánh chịu thì quả thật cuộc sống của tôi thật là vô nghĩa. Nó vô nghĩa không phải bởi vì tôi không ý thức về giá trị của nó, nhưng chỉ bởi vì tôi đã không “sống”và thực thi những giá trị đó. Quả thật, cuộc sống sẽ là vô nghĩa nếu thiếu sự hy sinh.
Tôi vẫn còn nhớ một số bài tập đọc thời còn học tiểu học và một trong những bài đọc đó vẫn đánh động tôi không ngừng, đó chính là bài đọc: “Anh phải sống!” Câu chuyện kể về một đôi vợ chồng nghèo có một đứa con nhỏ. Cuộc sống của gia đình họ chỉ dựa nhờ vào việc lụm củi trôi trên sông. Một hôm, chẳng may trời giông bão và chiếc thuyền nhỏ của họ bị chìm. Hai vợ chồng lặn hụp giữa dòng nước dữ và chị vợ nhận ra rằng không làm sao hai vợ chồng có thể thoát khỏi Hà Bá nếu cứ tiếp tục bám víu vào nhau. Và chị đã đi tới quyết định dũng cảm khi buông tay khỏi người chồng với lời nhắn gửi “anh phải sống”; bởi vì vẫn còn có một cuộc sống khác đang cần sự nâng đỡ của người chồng, đó là cuộc sống của đứa con.
Có lẽ có một chút gì đó tương tự với lời tác giả bài thuyết trình chia sẻ về tuổi già: đó chính là sự hy sinh. Tôi cảm thấy trong lời ông nói có một chút gì đó ngậm ngùi, nhưng điều đó không làm giảm nhẹ yếu tố rất thật của cuộc sống. Cuộc sống đòi hỏi phải hy sinh không ngừng. Bậc làm cha làm mẹ phải hy sinh cho con cái và sẽ không ngừng hy sinh cho chúng cho đến khi nhắm mắt lìa đời. Nhiều người không sợ hy sinh, nhưng họ sợ không ai nhận ra sự hy sinh đó và rồi cuối cùng họ sẽ trở về với sự quên lãng. Và chính điều này mới đúng thực sự là điều đáng sợ như ông đã đề cập ở cuối bài thuyết trình. Tuy nhiên, nó đã được giải quyết bằng niềm hy vọng và tin tưởng vào cuộc sống đời sau. Nơi đó không có sự hy sinh nào là vô nghĩa cả.
Tôi cảm thấy được đánh động bởi bài chia sẻ của ông rất nhiều. Và càng bị đánh động hơn khi nghe ông trình bày đoạn cuối bài thuyết trình có liên quan đến sinh hoạt tu sĩ của chúng tôi. Từ khi nhập dòng đến nay, tôi nhận thấy rằng một trong những khó khăn của đời sống tu trì chính là từ bỏ. Xưa kia điều này không có vấn đề, vì thực thì cũng chẳng có gì để bỏ, còn nay thì có quá nhiều điều không muốn bỏ, nhất là tiền bạc. Tôi vẫn nói đùa với các em lớp dưới rằng một trong những khó khăn của lời khấn từ bỏ chính là từ-bỏ-không-nhận-thêm. Chính vì không vượt qua được sự khó khăn này mà đa số tu sĩ và linh mục đều trở nên … giàu có!
Tôi không có ý bảo tôi giàu và không cần tới sự giúp đỡ của người khác. Điều tôi muốn nói chính là xin mọi người thân quen hãy giúp tôi sống đúng như một người tu sĩ. Của cải là cần thiết để tạo sự thuận lợi cho cuộc sống, nhưng nó không phải là sự tuyệt đối cần thiết. Tình thương thì quan trọng hơn. Và đó là điều tôi cần ở mọi. Cầu nguyện cho tôi để tôi sống đẹp lòng Chúa và có ích cho mọi người. Thật thì đời sống tu trì cũng không có nhu cầu gì lớn. Tôi cố xoay sở để sống được điều thánh Phaolô mô tả, đó là “học sống tự lập trong bất cứ hoàn cảnh nào” (Ph 4,11).
Có lẽ tôi lại dài lời mất rồi, chắc là bởi vì tôi cũng bắt đầu già và có lẽ độc giả lại ngủ gật bên máy vi tính mất. Tha lỗi cho tôi nhé.
Tin mới
- Tri ân các Giáo Sư Đại Học Luật Khoa - 16/10/2010 18:56
- Giáo Hoàng và Quốc Trưởng Vatican: Một Đầu Hai Mặt - 20/05/2010 17:39
- Vạ Tuyệt Thông của Giáo Hội dành cho người theo Cộng Sản - 06/05/2010 17:50
- Những chuyện khó lường khi Đức TGM Ngô Quang Kiệt bị thay thế - 21/04/2010 09:18
- Bản Án Cha Lý - 28/03/2010 16:28
- Chạm trán với kẻ vô liêm sỉ - 09/03/2010 09:18
- Tướng Nguyễn Ngọc Loan Trong Biến Cố Tết Mậu Thân - 18/07/2009 17:04
- Luật Rừng - 11/01/2009 18:52
- Nhớ Về Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia Thủ Đức - 15/11/2008 10:21
- Xem triển lãm "Exit Saigon, Enter Little Saigon" Tháng Tư Đen - 19/10/2008 18:45