Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Án tử hình: Bênh hay chống?

Ngày 30/11/2003 đã được Cộng Đoàn Thánh Egidio chọn làm ngày Thế Giới Chống Án Tử Hình.

VietCatholic: Trước khi giã từ các khách hành hương tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô lúc 12 giờ trưa ngày 30/11/2003, ĐTC đã chào mừng các thành viên của Cộng Đoàn Thánh Egidio. Ngày 30/11/2003 đã được Cộng Đoàn Thánh Egidio chọn làm ngày Thế Giới Chống Án Tử Hình. Đêm 30/11 rạng sáng ngày 1/12/2003, các phong trào đòi bỏ án tử hình tại thành phố như Amsterdam(Hòa Lan); Nữu Ước; Buenos Aires; Berlin; Hiroshima của Nhật; Santiago, Chile; Vienna Áo quốc; Barcelona Tây Ban Nha và Balê Pháp đã thắp đèn sáng đêm để tham dự Ngày Thế Giới Chống Án Tử Hình. Chủ đề của họ là "Không có công lý nếu không có sự sống". Nhân ngày này VietCatholic xin đăng lại bài Án Tử Hình của Ts. Trần An Bài.

Ngày 24-11-2002, Thánh Bộ Đức Tin của Toà Thánh Vatican đã công bố những hướng dẫn cho các tín hữu khi tham gia vào đời sống chính trị của các quốc gia. Tài liệu viết: "Thánh Thomas More, người đã được chọn làm quan thày của các nhà lãnh đạo quốc gia và chính khách đã dùng chính cuộc sống và sự chết của ngài để dạy chúng ta rằng con người không thể tách biệt khỏi Thiên Chúa, cũng như chính trị không thể tách biệt khỏi luân lý. Đối diện với những nhu cầu đạo đức căn bản và bất khả thay đổi, các Kitô hữu phải nhận thức rằng điều đang bị lâm nguy là căn bản của luật luân lý, liên quan đến sự toàn thiện của con người. Đó là những vụ liên quan đến luật lệ về phá thai và án tử hình. Những luật lệ này phải bảo vệ quyền sống căn bản, không đước tách khỏi quan niệm về sự chết tự nhiên." Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây cho người Công Giáo là có nên ủng hộ những vụ giết người không? Đối với vấn đề phá thai thì câu trả lời dứt khoát là "không". Nhưng đối với án tử hình, mặc dù giáo huấn hiện đại của Giáo hội Công Giáo cũng trả lời là "không", nhưng còn minh định thêm rằng đây không phải là vấn đề luân lý bình thường, nên cũng có thể thay đổi tùy hoàn cảnh khác nữa.

I.- KHÁI NIỆM VỀ ÁN TỬ HÌNH

a) Theo Kinh Thánh và cổ luật

Trong Cựu Ước, chúng ta thường gặp những câu: "Mắt đền mắt, răng đền răng" (Leviticus 24:20, Exodus 21:24). Có nghĩa là ai móc mắt tôi thì tôi có quyền móc mắt lại người đó hoặc ai lấy mạng sống tôi thì người đó cũng sẽ phải mất mạng sống. Câu Kinh Thánh dưới đây cũng bênh án tử hình: "Ai lấy đi mạng sống của người khác thì người đó cũng sẽ phải chết" (Leviticus 24:17).tu hinh 1

Tuy nhiên, cũng trong Cựu Ước, những người chống án tử hình lại trưng ra được những câu khá thời danh: "Thiên Chúa nói rằng: Ta chẳng vui gì khi thấy kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống." (Ezekiel 33:11).

Trước những câu Kinh Thánh có vẻ như nghịch nhau này, các nhà chuyên khảo Kinh Thánh dạy chúng ta đừng hiểu theo nghĩa đen từng lời của Kinh Thánh, mà phải tìm hiểu khi nào và tại sao Kinh Thánh được viết ra. Theo Đức Tổng Giám Mục Daniel E. Pilarczyk, câu Kinh Thánh "mắt đền mắt, răng đền răng" được nêu ra với chủ đích bảo vệ những người khởi xướng bạo hành không bị trừng phạt một cách vô hạn định, chứ không có ý thừa nhận sự trả thù của nạn nhân (Bài viết "Mười hai vấn đề nan giải "). 

Bước vào thời đại Chúa Giêsu, rõ rệt là luật lệ đã cho phép dùng hình phạt tử hình, vì chính Chúa đã bị xử tử do bản án của các Thày Cả Thượng Phẩm. Ngược lại, trong suốt 3 năm giảng đạo, Chúa luôn luôn cổ võ sự tha thứ, hòa giải và cứu chuộc (Xem Bài Giảng Trên Núi về 8 mối phúc thật, Matthêu, 5:1-12; 5:21-26). Chúa đã công khai bác bỏ luật trả thù như sau: "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho, ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi" (Mt. 5: 38-42).

Hậu quả của những lời lẽ không rõ rệt trong Thánh Kinh là những giáo huấn của Giáo Hội về án tử hình cũng lần lượt thay đổi theo thời gian. Dưới thời các Thánh Tông Đồ và Giáo Hội sơ khai, do ảnh hưởng các lời giảng dạy của Chúa, án tử hình đã không được chấp nhận, ví dụ thời Clement of Rome (năm 101) và Justin Martyr (năm 165), nhưng dưới thời đế quốc La Mã, việc chống án tử hình đã giảm dần.

Thánh Tiến Sĩ Augustinô chấp nhận án tử hình như là phương tiện làm nản lòng những người hiếu sát và bảo vệ những nạn nhân vô tội. Đến thời Trung Cổ, Thánh Tiến Sĩ Tôma Aquinô cũng lập lại quan điểm này. Ngài dạy rằng nếu những công dân tốt "được bảo vệ và cứu sống khỏi những hành động hung ác của kẻ sát nhân, thì hung thủ phải bị luật pháp xử tử." Hơn nữa, cũng theo thánh Tôma, việc hành quyết những kẻ sát nhân sẽ làm nản lòng những người khác cũng đang toan tính giết hại người và thúc giục chúng phải cải sửa.

Đức TGM Daniel E. Pilarczyk viết rằng: "Trong khi xã hội luôn luôn có quyền tự vệ để chống lại những kẻ phá hoại, thì quyền hành quyết tội nhân không còn cần thiết, không hữu dụng hoặc không có chính nghĩa nữa. Nguyên tắc căn bản không thay đổi, nhưng việc áp dụng tuy thích hợp với hoàn cảnh xã hội khác, nhưng nay không còn thích hợp với nền văn hóa và thời đại chúng ta nữa" (id.)

b) Bộ Giáo Lý mới

Bộ Giáo Lý mới của Hội Thánh đã phản ảnh quan niệm cổ truyền khi xác định rằng án tử hình có thể chấp nhận được trong những trường hợp cực kỳ nặng nề. "Về điểm này, giáo huấn truyền thống của Giáo Hội công nhận chính quyền hợp pháp có quyền và có bổn phận dùng những hình phạt thích đáng để trừng trị các tội phạm, không loại trừ án tử hình đối với những trường hợp các tội phạm rất nặng nề." (điều 2266) Tuy nhiên, Bộ Giáo Lý lại thêm rằng: "Nếu các phương tiện không đổ máu tỏ ra đủ để bảo vệ các sinh mạng, chống lại kẻ gây hấn, và để bảo toàn trật tự chung và an ninh của mọi người, thì các nhà cầm quyền sẽ chỉ sử dụng các phương tiện này thôi, vì các phương tiện này phù hợp với các điều kiện cụ thể của công ích hơn, và cũng phù hợp với nhân phẩm con người ta hơn." (điều 2267) Trong thông điệp "Evangelium Vitae" (Đời Sống Phúc Âm), Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết rằng: "Ngày nay, trên thực tế,... những trường hợp quốc gia cần phải hành quyết tội nhân thì thật rất hiếm, nếu không nói là không còn thực sự tồn tại nữa."

c) Trên thế giới

Công Ước quốc tế Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự và chính trị đã chống lại án tử hình. Trên 100 quốc gia trên thế giới đã loại bỏ án tử hình trong văn bản luật pháp hoặc thực tế không thi hành án nữa. Nhưng Hoa Kỳ là một trong số rất ít quốc gia vẫn còn duy trì án tử hình, như Trung Quốc, Iran, Libya, Syria, Việt Nam...

d) Tại Hoa Kỳ

Vào năm 1966, chưa tới một nửa dân chúng Hoa Kỳ ủng hộ án tử hình. Nhưng ngày nay cuộc thăm dò cho thấy số người tán thành án tử hình tăng lên 75%. Tại sao người Mỹ lại thay đổi quan niệm một cách nhanh chóng như vậy? Câu trả lời là tội phạm bạo hành tăng quá nhanh khiến dân chúng rất lo ngại và thất vọng. Họ bảo nhau: Phải làm một cái gì để giảm thiểu tội phạm! Và nhiều người đã nghĩ ngay đến án tử hình như một biện pháp phòng ngừa. Không phải chỉ dân chúng cổ võ án tử hình mà ngay chính quyền cũng khuyến cáo dùng án tử hình để đối phó với nạn tội phạm ngày một gia tăng. Người ta trở về với quan niệm dùng án tử hình để làm nản lòng kẻ phạm tội và cải sửa những thiệt hại gây cho xã hội.tu hinh 2

Hiện nay, có 38 tiểu bang trên tổng số 50 tiểu bang của Hoa Kỳ chấp nhận án tử hình. Năm 1994, chính phủ liên bang Hoa Kỳ đã ban hành luật chống tội ác bằng cách tăng một số tội danh đang từ 2 lên tới 60 sẽ chịu hình phạt tối đa là tử hình.

Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ cũng đã can thiệp vào vấn đề này. Năm 1967, toà án tối cao này ra lệnh đình chỉ mọi cuộc hành quyết các tử tội trong lúc tòa cứu xét tính cách hợp hiến của án tử hình. Có hai bản án quan trọng được tuyên bố: Năm 1972, toà truyền hủy những luật quy định hình phạt tử hình, vì trong số các tử tội, người nghèo và thiểu số quá đông so với những thành phần khác. Năm 1987, Tối Cao Pháp Viện, trong vụ án McCleskey vs. Kemp, đã công nhận cuộc khảo cứu của David Baldus của viện Đại Học Georgia kết luận rằng thủ phạm trong những vụ giết người da trắng hầu như lãnh án tử hình nhiều hơn là trong những vụ giết người da đen. Điều này ngụ ý rằng sinh mạng những người da trắng giá trị hơn sinh mạng người da đen. Dầu vậy, vào năm 1976, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã công nhận án tử hình trở lại, khiến cho việc hành quyết tử tội bắt đầu tái diễn trên đất Hoa Kỳ vào năm 1977. Hiện trên toàn quốc Hoa Kỳ có khoảng 3.500 tử tội đang chờ ngày bị hành quyết.


II.- BÊNH ÁN TỬ HÌNH

Dưới đây là những lý lẽ chính để duy trì án tử hình:

1.- Kinh Thánh đã viết rằng: "Nếu có gây tổn thương, thì ngươi phải lấy mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân, vết bỏng đền vết bỏng, vết thương đền vết thương, vết bầm đền vết bầm" (Exodus 21: 23-25). Thánh Phaolô viết: "Mỗi người phải phục tùng chính quyền... vì họ mang gươm không phải không có lý do" (Rm 13:1-7). Thánh Phêrô cùng chung một lập trường: "Anh em hãy tuân phục mọi thể chế do loài người đặt ra: dù là vua, người nắm quyền tối cao, dù là quan, sứ giả của nhà vua để trừng phạt kẻ làm điều ác và khen thưởng người làm điều thiện" (1 Pr 2: 13-14).

2.- Thiên Chúa đã ban cho mỗi người một đời sống vô cùng quý giá, cho nên khi kẻ sát nhân đã tước đoạt sự sống người khác thì chỉ có mạng sống của chính hung thủ mới đền bù được mạng sống của nạn nhân.

3.- Nhờ án tử hình mà cuộc sống trong xã hội được an toàn hơn do việc loại trừ những kẻ giết người ra khỏi đời sống xã hội, miễn sao xã hội phải có những luật lệ ngăn ngừa các vụ xử tử lầm và phải theo đúng những tiêu chuẩn do Tối Cao Pháp Viện ấn định.

4.- Hậu quả của án tử hình là làm nản chí những kẻ sát nhân không dám phạm tội ác, vì khi biết rằng nếu tra tay vào vụ giết người thì chính họ cũng sẽ mất mạng.


III.- CHỐNG ÁN TỬ HÌNH

a) Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Cần phải ghi nhận rằng ĐGH. Gioan Phaolô II là vị lãnh đạo tôn giáo chủ trương chống án tử hình mạnh mẽ nhất. Sau 4 năm hội ý với Thượng Hội Đồng Giám Mục, ngày 25-3-1995, ngài đã ra tông thư "Evangelium Vitae" (Đời sống Phúc Âm) để yêu cầu các quốc gia bãi bỏ án tử hình. Theo ngài, việc duy trì án tử hình trong thế giới ngày nay "thật là họa hiếm, nếu không nói là không còn thực sự tồn tại nữa." Trong cuộc viếng thăm Hoa Kỳ vào năm 1999, ĐGH đã công khai nói với dân chúng Mỹ rằng án tử hình là "độc ác và không cần thiết". Ngài khẳng định: "Giá trị của đời sống con người không bao giờ được lấy đi, cả trong trường hợp con người làm điều vô cùng độc ác".tu hinh 3

b) Lập trường của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ

Ngay từ năm 1980, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã ra một văn kiện quan trọng bày tỏ lập trường phải hủy bỏ án tử hình với 4 lý do chính sau đây:

Thứ nhất, chấm dứt án tử hình là một cách phá vỡ vòng luẩn quẩn bạo hành. Đứng trước thảm trạng gia tăng các tội ác bạo hành, xã hội phải phản ứng nhân đạo hơn và hữu hiệu hơn, bao gồm cả việc chú ý đến nguồn gốc tội phạm, như sự nghèo đói và bất công.

Thứ nhì, việc bãi bỏ án tử hình xác quyết niềm tin vào "giá trị và nhân bản độc đáo" của mỗi người.

Thứ ba, việc hủy bỏ án tử hình biểu lộ niềm tin căn bản rằng Thiên Chúa là Chủ Tể của đời sống con người và rằng con người phải là những quản gia tốt, nhưng không có quyền kiểm soát tuyệt đối sự sống của mình.

Thứ tư, chấm dứt án tử hình "là phù hợp nhất với tấm gương Chúa Giêsu". Thiên Chúa được mặc khải qua đời sống của Chúa Giêsu là một Thiên Chúa của tha thứ và cứu chuộc, của tình yêu và thông cảm.

Sau khi Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ công bố lập trường trên, nhiều vị giám mục và Hội Đồng Giám Mục các Tiểu Bang đều nhất loạt bày tỏ lập trường chống án tử hình. Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1999, Ủy Ban Hành Chánh Hội Đồng Giám Mục, sau khi tưởng niệm bản án tử hình của Chúa Kitô, đã kêu gọi giáo dân tích cực hoạt động để hủy bỏ án tử hình.

c) Hội Đồng Giám Mục Tiểu Bang California

Tháng 7 năm 1999, các Giám Mục thuộc Tiểu Bang California đã công bố một văn kiện gồm 7 điểm liên quan đến chủ đề hủy án tử hình như sau:

1. Đời sống mỗi người là thánh thiêng và quyền sống của mỗi người luôn luôn phải được tôn trọng. Sự thánh thiêng của đời sống con người không bao giờ bị tước đoạt bởi hành động xấu của con người.

2. Trong khi một nghi can không được coi là vô tội hoặc không thoát cảnh bị luận tội thì sự sống của người đó vẫn là thánh thiêng và xứng đáng để được bảo vệ và tôn trọng.

3. Việc dùng án tử hình làm mất tính cách nhân đạo của xã hội qua việc hợp thức hóa bạo lực như là một chiến thuật để đối phó với các hành vi tội lỗi của con người và do đó, sẽ góp phần vào nền văn hóa của sự chết.

4. Việc dùng án tử hình không phản ảnh hào quang cố hữu của Phúc Âm về sự tha thứ, hy vọng và cứu rỗi do Chúa Giêsu rao giảng. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là giải pháp chọn con đường tha thứ không có nghĩa là chiều chuộng những kẻ phạm pháp, vì công lý đòi hỏi rằng những kẻ phạm tội bạo hành phải nhận lãnh những hình phạt hữu hiệu qua những biện pháp giam cầm.

5. Việc cấm án tử hình đưa đến nhận thức rằng chiếc vòng bạo lực đã bị bẻ gẫy và sự tin tưởng này hỗ trợ cho một nền đạo đức xác tín giá trị đời sống liên quan với quan điểm của Giáo Hội về phá thai, án tử hình và sự nâng đỡ của Giáo Hội đối với người nghèo và người bị tổn thương, cũng như tất cả những người còn sống bên lề xã hội.

6. Việc cấm án tử hình cổ võ cho nhận thức rằng chỉ mình Thiên Chúa là Đấng Tối Cao của hết mọi đời sống.

7. Giáo Hội phải hỗ trợ và hợp tác với các chương trình của liên bang và tiểu bang để hướng dẫn đời sống tâm linh của các tội nhân bị phạt tù chung thân. Giáo Hội cũng khuyến khích các tội nhân biết mở rộng lòng để đón nhận ơn hòa giải của Chúa, cải sửa đời sống và tham dự vào các chương trình bài trừ cần sa và ma túy.

d) Công luận

Ngoài Giáo Hội Công Giáo, còn có nhiều tôn giáo cũng như đoàn thể khác cũng chống lại án tử hình với 5 lý do tóm tắt như sau:

1. Án tử hình kỳ thị chủng tộc:

Theo thống kê tại Hoa Kỳ, những người Mỹ gốc Phi châu chiếm 12% dân số, nhưng số tử tội da đen chiếm 43%. Các nạn nhân da đen trong những vụ giết người chiếm 50%, nhưng 83% nạn nhân trong những vụ có án tử hình lại là da trắng. Nhìn tổng quát, chỉ có 37% trong số 18.000 tử tội bị hành quyết là người da trắng.

2. Án tử hình dành cho người nghèo:

Hầu như người có đủ khả năng tài chánh để thuê mướn luật sư giỏi biện hộ thì sẽ thoát khỏi án tử hình. Trên 90% các bị cáo trong các tội danh có thể bị án tử hình đều là những người nghèo, không đủ khả năng tài chánh để mướn luật sư biện hộ. Họ thường được chính phủ chỉ định cho những luật sư miễn phí, nhưng thiếu kinh nghiệm.

3. Việc hành quyết những người vô tội thực sự đã xảy ra:

Từ năm 1976, đã có 82 người bị tòa án phạt tử hình, nhưng sau đó được phóng thích vì có bằng chứng là họ vô tội. Nói cách khác, trong số 7 tử tội thì đã có 1 người bị xử oan.

Sau khi nghiên cứu các bản án sai lầm, người ta đã tìm ra được các nguyên do sau đây:

52% lầm về lý lịch

31% lầm về thử máu

31% do lỗi cảnh sát

26% do lỗi công tố viện

21% do dụng cụ điều tra

18% do kính hiển vi so sánh tóc

17% do luật sư dở

15% do lời khai sai của nhân chứng

15% do sự đưa tin sai lạc

15% do lời thú tội giả của nghi can

5% do ngôn từ luật pháp

1% do thử nghiệm DNA sai

Khi nói đến những bản án tử hình sai lầm trong lịch sử tư pháp Hoa Kỳ, người ta không thể nào không nhắc đến vị Thống Đốc thời danh của Tiểu Bang Illinois, ông George Ryan. Vào ngày 10 và 11-1-2003 là những ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ Thống Đốc, ông đã ký lệnh ân xá cho tất cả các tử tội trong tiểu bang Illinois, tổng cộng là 171 người. Trong số này, 164 tử tội được giảm án thành tù chung thân, 3 tử tội được giảm án thành 40 năm, 4 tử tội được tha án vì trước đó đã phải nhận tội do việc tra tấn dã man của cảnh sát. Trong bài diễn văn dài giải thích lý do quyết định của mình, Thống Đốc George Ryan đã nói:

"Từ 3 năm qua, tôi đã phải đương đầu với một nguồn tin khủng khiếp. Chúng ta đã tha miễn cho không phải một, không phải hai, mà là 13 tử tội đang chờ ngày hành quyết. Họ bị khám phá ra là vô tội. Vô tội đối với những cáo buộc dẫn họ đến bản án tử hình. Quý vị có thể tưởng tượng được không? Xém chút nữa chúng ta đã giết người vô tội, xém chút nữa chúng ta đã chích thuốc độc cho họ chết trước sự chứng kiến của các nhân chứng trong phòng hành quyết của tiểu bang... Làm sao việc này có thể xảy ra được? Tôi là một dược sĩ. Nếu tôi phải thu hồi về 50% các món thuốc mà tôi đã giao lầm thì tôi phải giải nghệ ngay."

"Luật pháp không được sửa đổi. Các nhà làm luật cũng không cứu xét. Tôi sẽ không ủng hộ cho việc này được. Tôi phải hành động. Hệ thống án tử hình của chúng ta đã bị con quỷ lầm lẫn ám ảnh- lầm lẫn trong việc định tội, và lầm lẫn trong việc quyết định ai là người đáng phải chết. Vì tất cả những lý do trên, hôm nay tôi quyết định ân giảm tất cả các bản án tử hình."

4. Không có bằng chứng nào xác quyết rằng án tử hình làm nản lòng những người phạm tội: Cuộc nghiên cứu của cơ quan FBI cho thấy rằng số vụ giết người trong những tiểu bang không có án tử hình thấp hơn những tiểu bang có án này.

5. Án tử hình là một hình phạt dã man và bất thường, không tôn trọng sự sống con người. Đôi khi án này còn là kết quả của những luật lệ kỳ thị và bất công nữa. 

Ngày 19-9-2003, hàng ngàn phụ nữ tại Nam Phi xuống đường biểu tình yêu cầu tòa kháng cáo Nigeria hủy bỏ bản án của một tòa sơ thẩm đã tuyên án tử hình cho một người đàn bà sanh con mà không có chồng. Chị Amina Lawal, 31 tuổi, đã ly dị chồng được 2 năm; sau đó, chị chưa lấy chồng khác nhưng lại có thai được 6 tháng rưỡi thì Nigeria chấp nhận bộ luật Hồi giáo Shariah cho phép xử tử bằng cách ném đá người đàn bà nào ngoại tình. Những người biểu tình cho rằng luật lệ đã khinh thường nữ giới. Tại sao trong điệu nhẩy tango của hai người nam nữ, mà lại chỉ phạt một mình người phụ nữ thôi? Luật lệ bất công sẽ dẫn đến hình phạt tử hình bất công.tu hinh 5

IV.- KẾT LUẬN

Xã hội ngày nay của chúng ta đã có hệ thống hình sự, nhưng chưa có hệ thống công lý hình sự. Lịch sử muôn đời vẫn ghi nhớ Chúa Giêsu đã bị toà án loài người kết án tử hình. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Ngài hoàn toàn vô tội. Tuy nhiên, cũng nhờ bản án bất công này mà Con Thiên Chúa bị loài người hành quyết và chính nhờ sự chết oan uổng này mà con người được Thiên Chúa cứu rỗi. Chính vì bài học lịch sử về Ơn Cứu Chuộc này, xã hội loài người đang phải đối phó với một đề tài khá gay go hầu như không có câu giải đáp thoả đáng: Chấp nhận hay từ khước án tử hình. Có lẽ sau cùng chúng ta phải đặt TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA để làm mẫu số chung cho các cuộc tranh cãi bênh hay chống án tử hình, hầu dung hoà êm thấm được 3 yếu tố của vấn đề gai góc này:

- Quyền của các nạn nhân và gia đình trong những vụ giết người,

- Quyền của những kẻ giết người, và

- Quyền của xã hội được sống trong an bình, không có cảnh phạm pháp giết người, cũng như không có cảnh toà án công bố những bản án giết người vô tội.

Switch mode views: