Lời Tòa Soạn: Khu vực miền Tây Nam Bộ (Đồng Bằng Sông Cửu Long) của Việt Nam hiện đang đối mặt với đợt hạn hán khốc liệt, đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân. Trong số 12 tỉnh công bố tình trạng thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn, có 8 tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long là Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Sóc Trăng, Long An, Cà Mau, Vĩnh Long và Trà Vinh. Phóng viên báo Người Việt đã về 4 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh và Cà Mau để ghi nhận cuộc sống của người dân và gởi đến độc giả qua loạt bài này.
* Miền Tây Việt Nam khốn khổ vì hạn hán (Bài 7)
SÓC TRĂNG (NV) - Ngày nay, người các tỉnh miệt duyên hải miền Tây không cần phải ngược xuôi trên quốc lộ 1. Người ta cứ phóng xe gắn máy từ Sài Gòn xuống Bến Tre qua cầu Cổ Chiên đến Trà Vinh, rồi từ đó đi về huyện Tiểu Cần, Cầu Quan, đến bến phà Ðại Ngãi, qua Cù Lao Dung là đến tỉnh Sóc Trăng, sau đó qua tỉnh Bạc Liêu.
Bến phà Ðại Ngãi phía bờ tả sông Hậu, phía Trà Vinh.
Phà Ðại Ngãi, Cù Lao Dung
Lúc chúng tôi đến phà Ðại Ngãi, nhìn những chiếc phà lớn vốn là phà của Mỹ Thuận, Cần Thơ ngày trước, được đưa về bến này chỉ để đưa xe hơi, xe hàng và xe gắn máy chớ tuyến đường này không có xe khách. Ði trên tuyến phà qua cửa Sông Hậu, khách phương xa sẽ được nghe ba ngôn ngữ Khmer, Tiều, Việt. Thật đáng ngạc nhiên khi thấy từng tốp thanh niên người Khmer đi xe máy đời mới, ăn mặc lịch sự như dân Thái ở Bangkok, phải chăng hình ảnh cộng đồng người Khmer nghèo khó lam lũ đã lùi xa rồi?
Thường đa phần người Việt, kể cả dân miền Nam chánh hiệu cũng chỉ biết sông Tiền, sông Hậu ở những đoạn có cầu phà, ít ai biết đến các cửa lớn của dòng sông Mekong. Chúng tôi cảm thấy choáng và tự hào vì độ lớn rộng mênh mông của dòng sông Hậu chảy qua Cù Lao Dung. Bây giờ, trước cửa sông mẹ bát ngát mới thấm thía cốt cách từ sông nước, đất trời đã định hình nên tánh đại lượng, hào phóng của người đồng bằng, những người chân chất đang đối diện với thiên tai tệ hại nhất so với thế hệ ông bà lớp trước.
Cánh đồng trồng lúa tốt nhất Sóc Trăng đang bắt đầu chết cháy.
Trên phà, gần kề bên chúng tôi bỗng có tiếng khóc của một bé gái, quay lại, trước mặt chúng tôi có một bé gái chừng 3 tuổi, đang đòi mẹ cho ăn gì đó nhưng mẹ bé không cho. Hỏi chuyện, chúng tôi được biết ba, mẹ của bé gái đã đi bằng xe gắn máy vượt hơn 600 km để từ Ðắk Lắk về lại Sóc Trăng và bé gái phải ngồi trong lòng mẹ suốt hai đêm hai ngày.
Ba mẹ bé gái từ Sóc Trăng lên Ðắk Lắk để làm nghề lượm hột điều, có từng đoàn người từ miền Tây lên các tỉnh miền Ðông, Tây Nguyên để làm thuê kiếm sống. Người chồng cho biết. Vợ chồng anh lần đầu nhập đoàn người đi lượm hạt điều vì đất quê anh bị hạn và nhiễm mặn, lúa thì chết, tôm cá thì cửa cống đóng lại, bơm nước dơ vô cũng chết.
Anh chỉ vào cái bao lớn ràng phía sau xe nói, “Tui tưởng lên trển mần được lâu nên chở theo nồi, niêu, mền, gối cho vợ, con, ai dè năm nay trên đó cây điều cũng gặp hạn ít có bông, thất trắng mắt, đâu có bao nhiêu hột mà người đi lượm mướn đông nghịt, nên phải bỏ về sớm chớ ở lâu tiền đâu mà sống.”
Gia đình người nông dân Sóc Trăng bỏ nhà đi lượm hột điều mướn ở Nam Tây Nguyên.
Ðược biết công lượm một kg hột điều là 2 ngàn đồng, mỗi ngày nếu vườn có hột nhiều, mỗi người lượm được hơn 50 kg hột. Chúng tôi định hỏi thăm là trở về quê trong mùa thiên tai thì vợ chồng anh làm gì sống, nhưng không dám, ích gì khi khoét sâu vào nỗi lo của đôi vợ chồng trẻ có con mọn.
Từ tả ngạn sông Hậu, phà Ðại Ngãi đưa khách đến Cù Lao Dung, xuống phà băng qua cù lao, khách phải lên phà lần nữa để đến bến thuộc Sóc Trăng. Cù Lao Dung. Từ ngàn xưa đây là vùng được bao phủ bởi dòng nước ngọt của sông Mekong, nhưng năm nay đoạn sông mênh mông này là nơi nước mặn xâm chiếm mà không có cửa cống, cửa đập nào ngăn nổi. Tại sao có tai họa này, ai cũng biết biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao hay nước từ thượng nguồn sông Mekong bị Trung Quốc chiếm đoạt, nhưng không ai biết bao giờ thì tai ương này sẽ qua.
Bơm nước cứu lúa theo kiểu bà con người Khmer.
Ở Sài Gòn, dư luận rao thông tin ông thủ tướng sắp về hưu “đề nghị” Trung Quốc xả nước các con đập ở đầu nguồn sông Cửu Long để giúp Việt Nam ngăn nước mặn nhập sâu và chống hạn. Năm nay ông thủ tướng này đề nghị xin nước, năm sau ông thủ tướng khác cũng lại đề nghị xin nước, và trong bối cảnh biến đổi khí hậu mà Việt Nam là một trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Vậy mỗi năm chẳng cần lập đàn cầu Trời, chỉ phải cúi đầu xin thiên triều Trung Quốc, năm hạn thì ban nước, năm lụt thì ngăn nước! Và rồi, Trung Cộng cũng “ban ơn” công bố lịch xả nước thủy điện nhưng nguồn nước “bố thí” chảy qua 4,000 km đến được cuối dòng Mekong thì liệu còn được bao nhiêu nước đẩy dòng xâm ngập mặn trước các cơn sóng nước mặn ngược dòng.
Chúng tôi nghỉ chân trên Cù Lao Dung, từ quán nước ở phía gần thị trấn, khung cảnh cây xanh, trái ngọt của đất cù lao đang dần nhiễm nước mặn này khiết ai cũng xót xa. Chúng tôi nhớ tháng trước, có đến vùng trồng hành nổi tiếng ở Vĩnh Châu, một nông dân người gốc Tiều, lúc trò chuyện đã kể với giọng thảng thốt: Năm nay, hành ở Vĩnh Châu củ nhỏ xưa nay chưa từng có, ông nghi ngờ là do đất bị gì đó chớ không thể không có nguyên do. Cuối cùng tự ông đưa ra kết luật trong tiếng thở dài, “Tui ngờ do nước tưới bị lây nước mặn, nếu mà đúng thì chuyện tui trồng hành bị nhỏ củ là ông Trời còn thương!”
Nông dân Khmer trong thiên tai
Từ Ðại Ngãi, chúng tôi đi xe ôm về thành phố Sóc Trăng, dọc hai bên đường là cánh đồng lúa vào loại tốt bậc nhất của cả vùng đồng bằng. Tôi nói với người chạy xe ôm nếu biết ở đâu có ruộng bị nhiễm mặn thì đưa tôi tới. Anh nói, “Chút xíu nữa ông thấy hai bên đường lúa cháy thê thảm luôn.” Thật vậy, không ai tin được rằng cánh đồng lớn bên hữu ngạn sông Hậu này lại đang cháy ngay trong mùa gặt, mút mắt chúng tôi là những màu lúa vàng héo, chỉ đôi ba chỗ mặt ruộng trũng là còn màu xanh.
Cây bồ đề cổ thụ mà bà con người Khmer tin rằng sẽ ban phước cho họ vượt qua thiên tai.
Dừng lại ở một bờ ruộng đang có người bơm nước. Lần đầu tiên chúng tôi biết có cách bơm nước bằng chân vịt của máy chạy ghe. Nông dân ở đây đẩy nước bằng chân vịt máy ghe vào một cái ống tròn, mềm làm bằng vải nhựa, cái ống dài như một con trăn khổng lồ đưa nước vào sâu trong cánh đồng. Người nông dân gốc Khmer, nói giọng lơ lớ, “Bơm cho có vậy mà, nước mặn vô trong đất chớ có chảy trên mặt như nước bơm đâu.” Bà con người Khmer nơi đây xưa nay nổi tiếng là người làm lúa giỏi, trồng lúa ba vụ chưa bao giờ thất trong suốt mấy mươi năm, nhưng từ thiên tai năm nay trở đi tai họa do đất nhiễm mặn đáng sợ hơn cả dịch sâu rầy hay mưa lũ, nắng hạn.
Chúng tôi dừng lại bên đường, nơi bà con người Krmer đang dựng rạp kết đèn làm lễ cầu phước quanh một góc cây bồ để cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Dù không rõ về tập tục lễ hội của bà con người Khmer, nhưng việc cả một cộng đồng dân cư thể hiện sự trân trọng và ký gởi đức tin vào một cây cổ thụ cũng có thể đoán biết không bao giờ bà con thôi bền lòng tin rằng tai ương rồi sẽ qua.
Dù hiểm họa nước biển dâng cao có tầm toàn cầu nhưng việc các cộng đồng dân cư nhỏ luôn tin: Cây xanh ban phước cho con người, nước ngọt ban phước cho cây xanh, niềm tin giản dị mà mãnh liệt đó của nhiều cộng đồng dân cư ở Sóc Trăng và duyên hải đồng bằng miền Nam luôn là điểm tựa để họ tồn tại qua cơn thiên tai.
Hai tháng đầu năm 2016, tổng lượng dòng chảy từ Biển Hồ vào sông Mekong thấp nhất trong lịch sử: Giảm đến 55% so với trung bình của hai tháng đầu năm cùng kỳ. Kế đến là việc vận hành, điều tiết của các hệ thống hồ chứa trên dòng chính thuộc phía Trung Quốc và các hồ chứa trên những sông nhánh nằm ngoài Việt Nam.