Quan hệ Mỹ-Trung mới: Ðừng chờ cũng chẳng đợi |
Tác Giả: Nguyễn Văn Khanh | ||||
Thứ Tư, 15 Tháng 2 Năm 2012 22:55 | ||||
Khi ông Tập Cận Bình đặt chân vào Tòa Bạch Ốc, điều đầu tiên ông phó chủ tịch nhà nước Trung Quốc có thể nhận thấy ngay là không khí long trọng và niềm nở mà các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ dành cho ông. Tổng Thống Barack Obama (phải) bắt tay Phó Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc tại cuộc gặp gỡ trong Phòng Bầu Dục. (Hình: Saul Loeb/AFP/Getty Images) Nếu bảo cuộc đón tiếp diễn ra ở mức “phó” thì cũng đúng - chẳng hạn như ông sang Mỹ thể theo lời mời của Phó Tổng Thống Joseph Biden, nhưng nếu nói rằng ông được đón tiếp như một ông “chánh” thì cũng chẳng sai: vừa bàn thảo với ông phó Biden xong, ông được mời sang Phòng Bầu Dục để uống trà, nói chuyện với ông “chánh” Barack Obama, sau đó sang Bộ Ngoại Giao dùng cơm trưa với các quan chức lãnh đạo nước Mỹ trước khi ghé Bộ Quốc Phòng để nghe trình bày về chính sách quân sự của Hoa Kỳ ở những điểm nóng của thế giới và vai trò của Mỹ ở vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Ðến tối, lại dự tiệc khoản đãi, và ngày mai sẽ đến Quốc Hội, gặp các chính trị gia Dân Chủ lẫn Cộng Hòa. Ði kèm với buổi gặp gỡ, bắt buộc, phải là tiệc tùng, những vinh dự thường chỉ dành cho ông “chánh,” cấp “phó” như ông hiếm người được hưởng. Mặc dù ông Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Tom Dinilon nói trước tất cả các buổi gặp gỡ “chỉ mang tính xã giao” với mục đích để các giới chức Hoa Kỳ có dịp làm quen và biết thêm về nhân vật từ đầu năm tới sẽ lãnh đạo Hoa Lục, nhưng những phát biểu mà ông Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo hành pháp Hoa Kỳ đưa ra trong ngày đầu tiên ông có mặt ở Mỹ chứng tỏ hai bên “đang tìm cách nắn gân nhau,” theo nhận xét của nhà báo Susan Crabtree đang viết cho tờ The Washington Times. Họ “nắn gân” nhau ở chỗ nào? Cả hai bên đồng ý “quan hệ Mỹ-Trung là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất thế giới” và chuyến viếng thăm Washington DC của ông Tập Cận Bình “giúp nâng cấp quan hệ này lên một nấc cao hơn,” theo như lời Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Biden trong bài phát biểu chào đón người đối tác. Nhưng chỉ vài chục giây đồng hồ sau đó, ông “phó” nước Mỹ bảo với ông “phó” nước bạn: “Không phải vấn đề nào chúng ta cũng đồng ý với nhau” nhưng điều quan trọng nhất là cả hai phía “trình bày, thảo luận thẳng thắn với nhau về những điểm khác biệt.” Ông “phó” Mỹ cũng nhắc nhở ông “phó” Trung Quốc bài học phục vụ dân chúng: “Chúng ta phải bắt nhịp cầu để xóa bỏ những khác biệt đó” cho hai quốc gia. Khi được đưa sang Phòng Bầu Dục để gặp Tổng Thống Barack Obama, nhà lãnh đạo Mỹ cũng đưa ra lời phát biểu tương tự và rõ ràng hơn. Ông Obama cho ông Tập Cận Bình biết quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh được xây dựng trên nền tảng “cả hai tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng quyền lợi của nhau,” mối quan hệ này “ảnh hưởng toàn cầu,” sự kiện Trung Quốc “phát triển hài hòa” được Hoa Kỳ đón nhận rất niềm nở vì “có thể giúp đem lại ổn định và thịnh vượng của cả thế giới.” Ông Obama kết thúc bài phát biểu bằng lời nhắn gửi: Trung Quốc là một nước lớn, nên theo đúng quy luật của nước lớn, và cần áp dụng những luật lệ minh bạch lẫn công bằng như các luật lệ Washington đang áp dụng khi trao đổi thương mại với Bắc Kinh. Biết trước thế nào cũng bị Hoa Kỳ lên lớp nên từ khi chưa bước lên máy bay sang Mỹ, ông phó của Hoa Lục đã bắn tiếng cho các nhà lãnh đạo Washington biết quan điểm của đảng, của nhà nước và của cá nhân ông. Trước hết là bài phỏng vấn dành cho Tân Hoa Xã, ông nói “đánh giá cao quan hệ song phương Trung-Mỹ” và thòng thêm câu chỉ mong “Hoa Kỳ nỗ lực hơn nữa bằng cách thể hiện những bước vững chắc hơn để cùng chúng ta (Trung Quốc) xây dựng mối quan hệ sao cho tốt hơn.” Sau đó là cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo The Washington Post, trong đó ông ngợi khen việc Hoa Kỳ quan tâm đến ổn định và hòa bình Ðông Á, nhưng cũng không ngần ngại bày tỏ nghi ngờ về sách lược quân sự mới mà tổng thống Hoa Kỳ mới loan báo hồi cuối năm ngoái. Ông bảo với đại ý rằng giữa lúc các nước Châu Á-Thái Bình Dương đang gia tăng phát triển và cần sự ổn định thì việc Hoa Kỳ tăng cường hiện diện trong khu vực “khiến một số nước phải quan ngại.” Ông không nói ra nhưng mọi người đều hiểu Bắc Kinh tin rằng nước Mỹ chỉ làm bạn với mình ở bề ngoài, còn bên trong thì Washington đang tìm cách ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc. Ðây không phải lần đầu tiên ông Tập Cận Bình nói đến điều này. Tháng Mười Hai năm ngoái khi ông Obama vừa từ Thượng Ðỉnh Ðông Á ở Bali, Indonesia, về lại Washington, ông phó chủ tịch nhà nước Trung Quốc là người đầu tiên đặt câu hỏi về việc Hoa Kỳ tăng cường hiện diện quân sự ở Châu Á. Trong suốt một tháng sau đó, hầu như tuần nào ông cũng nói đến chuyện “Mỹ đang tính gì” hay “Mỹ nhắm vào ai” khi đưa thêm quân sang Thái Bình Dương. Thắc mắc của ông Tập Cận Bình được đích thân tổng thống Hoa Kỳ trả lời trong cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí Time hồi cuối tháng trước. Ông Obama nói rõ “chúng tôi không hề có ý muốn ngăn chặn Trung Quốc,” đã thế chính phủ Mỹ còn vui khi thấy Hoa Lục phát triển tốt, nhưng Bắc Kinh phải biết “luật chơi quốc tế.” Luật chơi đây là luật đồng đều cho tất cả mọi quốc gia, không hề có luật riêng cho Trung Quốc hay luật do Bắc Kinh tự đặt ra, tự áp dụng cho mình hoặc đòi hỏi những nước khác phải tôn trọng. Chuyện lời qua tiếng lại đó “chứng tỏ hai bên vẫn chưa tin ở nhau,” theo nhận định của ông Stapleton Roy, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc. Ðại Sứ Roy cho rằng không chỉ Hoa Kỳ, mà Trung Quốc “cũng phải làm nhiều hơn nữa” nếu thật sự “muốn giải quyết những nghi ngờ hai bên đang có.” Ông đồng ý “Bắc Kinh đương nhiên phải quan tâm khi thấy Washington tìm cách bành trướng thế lực ở Châu Á,” nhưng “chính Washington và các đồng minh Châu Á cũng quan ngại khi thấy Bắc Kinh đang sử dụng những khoản tiền khổng lồ để hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là sự phát triển quá mức của hải quân.” Chuyên gia Michael Green của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược (CSIS) tin rằng những nghi ngại hai bên đang có “sẽ tiếp tục kéo dài trong hàng chục năm tới,” chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Ông Green bảo thêm chính vì những nghi ngờ đó “khiến các buổi gặp gỡ cấp cao như thế này trở nên đáng chú ý hơn,” cho dù ai ai cũng biết trước “sẽ không thay đổi được gì nhiều,” tức ông Tập Cận Bình rời Washington “với những thắc mắc về chính sách của Hoa Kỳ chưa được giải đáp” và các viên chức Mỹ cũng “vẫn còn nhiều câu hỏi về đường lối của Trung Quốc mà chưa có câu trả lời.” Một trong những câu hỏi lớn của Washington là ông Tập Cận Bình là người như thế nào? Cứng rắn hay mềm mỏng như ông Hồ Cẩm Ðào? Giáo Sư Trương Lí của Viện Nghiên Cứu Brookings trả lời “điều đó không quan trọng cho bằng chuyện ông Tập Cận Bình có phải là người nắm quyền quyết định hay không.” Chuyên gia nổi tiếng về Trung Quốc này cho biết thêm Bộ Chính Trị Trung Quốc sẽ thay đổi hoàn toàn bằng những người mới và có thể “từ 9 tăng lên thành 11.” Những người này là ai, ông Tập Cận Bình quan hệ thế nào với họ, có làm việc được với nhau không “là những câu hỏi quan trọng hơn chuyện ông ta cứng rắn hay mềm dẻo.” Chuyện bên lề: một số tổ chức, đoàn thể của người Tây Tạng và các thành viên Pháp Luân Công đã tụ tập trước Tòa Bạch Ốc để phản đối sự hiện diện của ông Tập Cận Bình. Anh Lhadon Tethong, thành viên của tổ chức Sinh Viên Vận Ðộng Cho Tự Do Tây Tạng, nói rằng điều anh ngạc nhiên nhất là Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama lại chọn đúng “Ngày Tình Yêu” để đón ông Tập Cận Bình, trong khi mọi người dân Mỹ đều biết rõ lãnh đạo Trung Quốc không tin vào tự do, dân chủ, nhân quyền và danh dự của con người, trong khi truyền thống của nước Mỹ luôn luôn coi trọng những điều này, ngay chính Phó Tổng Thống Biden cũng bảo “nhân quyền là một trong những nền tảng xây dựng chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, và là sự ổn định và phát triển của mọi xã hội.” Ðem chuyện này kể cho các đồng nghiệp nghe, mọi người phá ra cười, cho đến khi có người nói một nhà báo của tờ Nhân Dân từ Bắc Kinh sang đây bảo chuyến viếng thăm của ông Tập Cận Bình “đánh dấu 40 năm ngày Tổng Thống Richard Nixon sang thăm Trung Quốc, mở một trang sử mới cho hai nước và cho cả nhân loại.” Ðã 40 năm rồi, thế mà vẫn chưa thật lòng tin nhau!!!
|