Khóc tập thể |
Tác Giả: Nguyễn Văn Lục | |||
Thứ Năm, 05 Tháng 1 Năm 2012 10:50 | |||
Những ngày qua có cái chết đáng được lưu ý tới. Đó là cái chết của ông Kim Jong-il, ngày 17/12/2011 mà theo xướng ngôn viên đài phát thanh Bình Nhưỡng “Ông chết vì làm việc lao lực quá sức”.
Mãi đến ngày 19/12/2011 mới được thông báo chính thức ra bên ngoài. Đó là thói thông tin theo thông lệ của các nước cộng sản giống như cái chết của Hồ Chí Minh trước đây. Xin chia buồn cùng gia đình quý quyến họ Kim mà ba đời đều là lãnh đạo vĩ đại, lãnh đạo đáng kính yêu. Cũng xin chia buồn với các vị lãnh đạo VN vì mất đi một người bạn độc đảng, độc tài! và xin chia vui một cách thầm lặng với nhân dân Bắc Hàn. Dựa theo bà Nguyễn Thị Lợi, phu nhân Đại sứ Việt Nam cộng sản tại Bình Nhưỡng trả lời phỏng vấn của đài BBC mới đây cho thấy được sự giả dối và nước mắt của người cộng sản như thế nào: “Bà kể rằng kể từ khi bà sang Bình Nhưỡng, bà đã thấy người dân Bắc Hàn ‘vô cùng yêu thương kính trọng’ hai vị lãnh tụ của họ. “Hai cha con [Kim Il-sung và Kim Jong-il] đều vĩnh viễn nằm trong trái tim của người dân Triều Tiên dù [Kim Il-sung] đã chết cả chục năm nay,” bà nói và cho biết thêm rằng người dân Triều Tiên cũng có tình cảm tương tự với Kim Jong-un, người sẽ kế vị cha lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Giải thích lý do tại sao Kim Jong-un lại được tôn sùng dù anh ta vẫn còn trẻ và chỉ mới xuất hiện trên chính trường Triều Tiên, bà Lợi nói đó là vì anh ta cùng một gia đình với Kim Il-sung và Kim Jong-il. “Họ đều cùng một tư tưởng, một ý chí thống nhất từ Chủ tịch Kim Nhật Thành [Kim Il-sung] cho đến cháu,” bà giải thích. Về tình hình Bắc Hàn sau khi Kim Jong-il qua đời, bà Lợi nói bà tin rằng sẽ ‘không có biến động gì lớn’. “Tới giờ này dù Chủ tịch Kim Nhật Thành [Kim Il-sung] đã mất từ lâu nhưng toàn bộ ý chí, phương thức lãnh đạo cũng đều như khi [Kim Il-sung] còn sống,” bà nói, “Dù Kim Jong-il mất và Kim Jong-un lên thay thì vẫn thế thôi.” Bà nói tiếp là thời gian bà ở Bình Nhưỡng bà đã ‘tận mắt nhìn thấy những thành quả của nhân dân Triều Tiên’. “Tình hình Triều Tiên vẫn phát triển, rất tốt. Người dân lạc quan và tin tưởng vào sự lãnh đạo của chủ tịch [Kim Jong-il].” Bà nói là dù kinh tế Triều Tiên rất khó khăn nhưng ‘người dân hoàn toàn vô tư’. “Họ xây dựng một công trình trên 20 tầng chỉ trong vòng một năm mà đã thấy sừng sững,” bà nói, “Tất cả mọi người đều đoàn kết vừa lao động vừa hát.” Bà Lợi nói bà rất ấn tượng với chương trình biểu diễn nghệ thuật Arirang hoàng tráng mà bà có dịp chứng kiến ở Bình Nhưỡng: kéo dài ròng rã từ tháng 8 đến tháng 9 tại một sân vân động có sức chứa 16 vạn người, tức là lớn gấp đôi sân vận động Tổ chim ở Bắc Kinh. Bà gọi đó là một chương trình ‘vĩ đại’ và không thể tưởng tượng một đất nước còn gian khổ như Triều Tiên lại làm được như vậy. Trong khi đó sự hiểu biết của thế giới bên ngoài về bắc Triều Tiên thật sự ít ỏi. Căn cứ theo những gì bà vợ đại sứ VN phát biểu thì đất nước Triều Tiên phải được coi là một thứ thiên đàng hạ giới: Có ba lãnh tụ cha truyền con nối đều được dân chúng kính yêu. Kinh tế thì vẫn phát triển rất tốt. Dân chúng thì vừa lao động vừa hát. Nhưng lại kèm theo một câu ngớ ngẩn: Kinh tế mặc dù khó khăn mà người dân vẫn vô tư ... Thực sự có đúng như nhận xét của bà Nguyễn Thị Lợi hay không? Triều Tiên là một nước hầu như khép kín với thế giới bên ngoài. Ít ai có cơ hội hội thăm viếng Triều Tiên. Tôi có một người bạn có chồng làm việc ở Triều Tiên cho Liên Hiệp Quốc từ nhiều năm nay, nhưng bà sợ hãi không muốn tiết lộ điều gì về đất nước này, vì sợ liên lụy. Ngay cả trong đám tang ông Kim Jong-il, lãnh đạo Bắc Hàn cũng không có chủ trương tiếp đón đại diện ngoại giao đoàn các nước, cấm không cho người nước ngoài dự tang lễ. Vào thập niên 1990, kinh tế Bắc Hàn như các nước cộng sản khác với chính sách tập thể hóa nên hầu như bị phá sản vì tập trung vào kỹ nghệ nặng, nhất là việc tăng cường quân lực. Nông nghiệp không đủ nuôi dân chúng. Dân chúng rơi vào cảnh nghèo nàn, đói ăn. Nam Hàn đã có lúc phải viện trợ nhân đạo cho Bắc Triều Tiên để tránh nạn đói. Việc viện trợ này đôi khi qua trung gian LHQ. Tuy nhiên, vì cấm cửa với thế giới bên ngoài nên người ta thật sự không được biết có những cuộc Thanh trừng như cuộc đại thanh trừng ở Liên Xô năm 1930 hay không? Có những cuộc Cải cách ruộng đất hay các Cuộc Cách Mạng Văn Hóa đã từng xảy ra tại các nước cộng sản như Trung Quốc hay Việt Nam mà hằng triệu người đã là nạn nhân bị giết, bị thanh trừng, bị tù đầy hay không? Người ta cũng không biết nạn đói xảy ra ở Triều Tiên như thế nào? Có bi thảm như ở Trung Hoa mà nay được tiết lộ ra do những người trong cuộc viết lại như tác giả Tân Tử Lang đã làm hay không. Tờ Vietnam.net, số ra ngày 22/12/2011 có đưa ra được một số hình ảnh hiếm hoi về một số bức ảnh do hãng Thông tấn trung ương Bắc Hàn chụp lãnh tụ Kim Jong-il. Xem những bức hình này thật đến khó tin là mười bức hình như một đều cùng một kiểu chụp theo một khung nhất định hình chữ nhật, xếp hàng ngay ngắn từ thấp tới cao, ngay hàng thẳng lối như một rừng người được trồng thẳng đứng, cùng một y phục, cùng mầu sắc mà cả trăm người đứng cứng ngắc như những bức tượng gỗ. Những hình ảnh đó nói lên tính cách quản lý người một cách đồng bộ, điều kiện hóa từ tư tưởng đến hành động, biến trăm người, vạn người cũng chỉ là một người- từ y phục, từ cử chỉ điệu bộ cứng nhắc trầm trọng, từ sắc thái bên ngoài biến những con người thành những cỗ máy biết di động của bộ máy Đảng. Thật đáng sợ cái bộ máy Đảng đó. Đó là nét trổi bật nhất của chế độ cộng sản Bắc Hàn qua những hình ảnh do chính họ đưa ra bên ngoài. Di sản để lại của Kim Jong-il là một đất nước đã có thời kỳ tự cô lập với cả Liên Xô và Trung cộng và những chính sách kinh tế mà kết quả là những trận chết đói hàng triệu người trong số 24 triệu dân. Nhưng muốn hiểu rõ được những thảm cảnh ấy ở Bắc Hàn, có lẽ chỉ cần một cách gián tiếp đọc lại những gì đã xảy ra ở Trung cộng. Nó nhắc nhở người ta đến những trận đói xảy ra tại nước Tầu những năm 1958-1962 trong giai đoạn Bước Đại Nhảy vọt (Great Leap Forward) mà theo Frank Dikötter trong Mao's Great Famine có khoảng 45 triệu người dân Trung Hoa đã là nạn nhân chết vì chính sách này. Một con người như Mao Trạch Đông với chính sách kinh tế đại nhảy vọt đã để hàng triệu người chết đói (Tân tử Lăng đưa ra con số 37,55 triệu thay vì 45 triệu) những thảm cảnh chết đói đọc lại mà thấy rùng rợn đến không tin được. Con số 37,55 hay 45 không mấy thay đổi gì về thực trạng về nạn đói ở Trung cộng. Điều quan trọng là người dân Trung cộng đã chết đói. Đọc Mao's Great Famine của Frank Dikötter, ta chỉ thấy những con số trừu tượng, nhưng đọc Tân Tử Lang trong Ngàn Năm công tội, ta mới thấy hết được sự tàn bạo ghê rợn, độc ác, giả dối, quỷ quyệt của họ Mao. Nó là sư tập hợp chủ nghĩa Marx với cái căn tính độc ác của Tần Thủy Hoàng, Hitler, Staline cộng lại. Chú thích của người viết: Cuốn Mao Trach Đông, Ngàn năm công tội của Tân Tử Lăng mới đầu được ấn hành tại Hồng Kông, năm 2007, sau đó được nhà cầm quyền cộng sản VN, thông qua Thông Tấn xã VN dịch và in năm 2009 ghi rõ “tài liệu tham khảo đặc biệt". Nghĩa là chỉ dành riêng cho một số người được tham khảo Nó đã bị lọt ra ngoài. Tiếng Quê Hương đã lợi dụng hoàn cảnh cuốn sách bị cấm lưu hành trong nước để xuất bản nó tại Hải ngoại nhờ đó cuốn sách được nhiều người bên ngoài tìm đọc hơn là người trong nước. Phải cám ơn chủ đích của Tiếng Quê Hương. Cuốn sách muốn tố cáo tội ác của Mao Trạch Đông thể hiện cái ác tính của con người thông qua những chính sách tàn bạo ấy. Những câu chuyện kể lại là những chuyện có thật xảy ra tại nước Tầu. Nó minh chứng cho tội ác của con người, của chế độ ấy một cách không chối cãi được. Xin hãy đọc đoạn văn Tân Tử Lăng kể lại trong: Mao Trạch Đông, Ngàn năm công tội: “Vương giải phóng là người đầu tiên phát hiện vụ ăn thịt trẻ con .. Đêm ấy, Vương cùng hai người đi tuần, thấy một giải khói từ mái nhà bần nông Mạc Nhị Oa. Họ chia nhau bao vây, rồi đồng loạt nhảy vào nhà, nổ một phát súng cảnh cáo: “Tất cả ngồi im”. Đèn dầu được châm lên. Nhà Nhị Oa có 8 nhân khẩu, đã chết đói 2, còn 6, nhưng lúc này chỉ thấy có 5. Thành viên thứ 6 là bé gái Thụ tài 3 tuổi vừa bị giết, xẻ thịt, đang luộc trong nồi ... Trong lúc tổ tuần tra tìm giây trói can phạm, Nhị Oa và mấy đứa con lao vào cướp thịt Thụ Tài, ăn ngấu nghiến. Lãnh đạo quyết định im vụ này ...Thế là nạn ăn thịt trẻ con lan tràn. Do trọng nam khinh nữ, họ chỉ ăn thịt bé gái. Không chỉ ăn thịt mà còn ghiền vụn xương ăn cho bằng hết. Kẻ nhẫn tâm thì làm thịt con ngay tại nhà. Kẻ mềm yếu thì “đánh đổi với hàng xóm”, trao con cho người khác, mang con người khác về làm thịt. Một số xã viên “nhìn xa trông rộng”, đi bắt trẻ con ở vùng lân cận về ăn, hoặc gài bẫy trẻ con như bẫy thu, kể cả dùng một loại thuốc nổ xưa dùng để bẫy sói: trẻ nhỏ nhặt được chiếc “kẹo” cho vào miệng nhai liền phát nổ tan tành, khi gia đình hay tin tìm đến thì chỉ còn lại vũng máu.” Trích Tân Tử lang, Mao Trạch Đông, ngàn năm công tội, trang bìa sau... Thảm cảnh nạn đói ở nước Trung Hoa có điều gì khác biệt với thảm trạng người dân chết đói ở Bắc Hàn? Những giọt nước mắt khóc thương lãnh tụ Một đất nước được cai trị bởi những nhà độc tài chẳng khác gì những tên bạo chúa, vậy thì vì lý do gì được dân chúng thương tiếc khi chết? Theo đài BBC cho biết có khoảng 5 triệu dân Bắc Hàn - một phần năm dân số Triều Tiên đã ra đường để khóc thương lãnh tụ của họ. Người ta tự hỏi đâu là những giọt nước mắt thật và đâu là giả? Tâm lý quần chúng thật phức tạp. Phải chăng đa số kinh sợ, làm theo đám đông, khóc theo để tránh tai họa. Những giọt nước mắt cũng đã từng được dành cho chủ tịch Staline khi ông này qua đời. Dĩ nhiên là nước mắt dành cho Staline không chảy nhiều như khi chủ tịch Mao Trạch Đông qua đời. Theo Tân Tử Lang: “0 giờ 10 phút ngày 9/9/1976, Mao Trạch Đông qua đời. Tang lễ được tổ chức vô cùng trọng thể. Trong 7 ngày quốc táng, 30 vạn quần chúng đến viếng. Ngày 18/9, khoảng một triệu người đến dự lễ truy điệu tại quảng trường Thiên An Môn.” Trích Tân Tử Lăng, Ngàn năm công tội, trang 293 Đọc lại những trang sử đẫm máu dưới thời Mao Trạch Đông, ba năm Đại tiến vọt có 37.55 triệu người chết, 10 năm Đại cách mạng văn hóa có 20 triệu người chết. Chưa kể những công thần của Mao Trạch Đông số phận họ như thế nào? Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, Lâm Bưu, Trần Nghị, Lưu Thiếu Kỳ, Bành Đức Hoài, Bành Chân, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều? Lâm Bưu và Lưu Thiếu Kỳ bị chính Mao ám hại chết. Chu Ân Lai thì cả đời lúc nào cũng sợ Mao ám hại. Cho đến lúc ông ốm nặng gần chết trước khi vào phòng mổ còn kêu to lên để chứng tỏ lòng trung thành với Mao lãnh tụ. Sự ra đi của hai vị nguyên soái Bành Đức Hoài và Hạ Long cũng là nước cờ mà Mao Trạch Đông muốn gạt họ ra khỏi ảnh hưởng quyền lực của họ trên con đường chính trị của ông ta. Còn số phận Đặng Tiểu Bình thì sao? Nó còn tồi tệ hơn Chu Ân Lai một bậc. Trong cuốn: Cha tôi Đặng Tiểu Bình, tác giả Mao Mao là con gái Đặng Tiểu Bình đã dành một phần không nhỏ của cuốn sách để viết về: Những năm tháng cách mạng văn hóa mà trong đó Đặng Tiểu Bình và cả gia đình phải gánh chịu những oan nghiệt như thế nào. Riêng số phận Giang Thanh sau khi Mao Trạch Đông chết thì tòa án Tối cao Trung cộng xử tử hình bà vào ngày 25/1/1981. Xử tử hình Giang Thanh là một cách gián tiếp xử tử hình Mao Trạch Đông vì bà chỉ làm theo lệnh của MTĐ. Cuối cùng thì bà đã tự xử bằng cách thắt cổ tự vận trong nhà tắm vào ngày 14/5/1996. Tôi ghi nhận một câu nói để đời của Giang Thanh trước tòa án, một câu nói có ý nghĩa lịch sử và lý giải toàn bộ cái căn tính của các chế độ cộng sản như sau: “Tôi là con chó của chủ tịch, chủ tịch bảo tôi cắn ai, tôi cắn người đó.” Giang Thanh nói tiếp: “Việc gì bây giờ các vị cũng đổ lên đầu tôi. Trời đất ơi, làm như tôi là người khổng lồ ba đầu sáu tay vậy. Tôi chỉ là một cán bộ lãnh đạo của Đảng, tôi đứng về phía Mao Trạch Đông! Bắt tôi, xét xử tôi là phỉ báng chủ tịch Mao Trạch Đông!” Trích Tân Tử Lăng, Ibid, trang 296. Câu nói của Giang Thanh trước tòa, tại số 7 đường Chính Nghĩa, Bắc Kinh cho thấy quan tòa và 880 người ngồi ghế dự thính trong đó có các bà như phu nhân của Bành Đức Hoài, Hạ Long, La Thụy Khanh, Lưu Thiếu Kỳ... Tất cả đều là những con chó lớn, chó nhỏ trong 27 năm cầm quyền của Mao Trạch Đông (từ 1949-1976). Cho nên, chúng ta không nên lấy làm về Những giọt nước mắt của người dân trong chế độ cộng sản. Bà Nguyễn Thị Lợi đã trả lời BBC một cách ý nghĩa như thế này: “Giống hệt như trước kia bác Hồ mất, mọi người dân đều mến thương vô hạn.” Tôi cũng nhìn lại cảnh tượng các thiếu nhi “cháu ngoan bác Hồ" khóc đẫm nước mắt, thấy cảnh tượng các bà nhà quê khóc lăn lộn, thấy thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông Trường Chinh, Lê Duẩn không dấu được những giọt lệ thương tiếc về cái chết của Hồ Chí Minh. Dở lại những tin tức về đám ma Hồ Chí Minh vào năm 1969 được biết có hơn 100.000 người tới dự. Có hàng triệu người VN đã khóc và thương tiếc về sự ra đi này. Có điều gì giống nhau, điều gì tương tự về đám tang Staline, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Kim Jong-il? Hình như có một chiều tỷ lệ thuận là càng độc tài gian ác thì càng có nhiều người dân thương tiếc, rơi lệ khi lãnh tụ ra đi. Phải chăng vỗ tay là một biểu diễn nhất trí tập thể mà người dân đã được học tập kỹ càng. Bảo vỗ tay thì vỗ tay, bảo hoan hô thì hoan hô, bảo đả đả thi đả đảo! Vậy thì có gì là lạ về hiện tượng khóc tập thể! Chúng ta đã từng chứng kiến hàng triệu người dân trong các nước cộng sản cùng vỗ tay, cùng hoan hô, cùng đả đảo thì nay nếu có hàng triệu cùng khóc có điều chi khác biệt? Bảo khóc thì khóc - thi nhau khóc nữa, ai có thể khóc to hơn nữa. Đó một hiện tượng vô thức tập thể của đám đông đã được thuần hóa. Đó là phản xạ tự nhiên theo như thí nghiệm con chó của Pavlov. Con chó hễ cứ nghe tiếng chuông thì tự nhiên nó chảy nước miếng, sau khi đã được thuần hóa. (Sau tiếng chuông thì cho chó ăn. Những lần sau chỉ cần đánh tiếng chuông là chó chảy nước miếng dù không cho ăn). Dạy chó nhỏ rãi, Nguồn: shivaraichandani.blogspot.com Nhưng cụ thể và chính xác nhất, tôi khẳng định bà vợ Đại sứ VN tại Bắc Hàn hiện nay là một trong những con chó ấy. Một con chó biết đi khóc mướn nữa! Để nói một cách hí lộng, nhẹ nhàng hơn, tôi xin lấy lại tranh vẽ của BaBui trên DCVOnline với lời bình phẩm. Dân Bắc Hàn đang lên đồng tập thể. Vâng. Họ đang lên đồng tập thể!
|