Cựu Nghị Sĩ Lê Châu Lộc nói về bà Ngô Đình Nhu |
Tác Giả: Viễn Đông | ||||
Chúa Nhật, 08 Tháng 5 Năm 2011 19:20 | ||||
Như Viễn Đông đã loan tin, bà Ngô Đình Nhu, nhũ danh Trần Lệ Xuân đã qua đời tại Roma, thủ đô Ý Đại Lợi, vào lúc 2 giờ sáng Chúa Nhật lễ Phục Sinh 24-4-2011. Cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963 xẩy ra lúc bà Nhu đang có mặt tại Hoa Kỳ để “giải độc”, Anh chồng của bà là cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và phu quân của bà là ông cố vấn Ngô Đình Nhu đã bị phe đảo chánh giết trên đường từ nhà thờ Cha Tam về Bộ Tổng Tham Mưu. Từ đó đến nay bà sống ẩn dật tại Pháp và Ý, qua đời tại một bệnh viện ở thủ đô Ý Đại Lợi. Sau cuộc đảo chánh, nhiều người đã viết sách nói về bà Nhu với nhiều ẩn ý. Để tìm hiểu về bà, ngày 25-4-2011, chúng tôi đã phỏng vấn cụ Cao Xuân Vỹ, nguyên Tổng Trưởng Thanh Niên Đệ Nhất Cộng Hòa và ông Lê Châu Lộc, cựu Tùy Viên của cố Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diệm và cựu Nghị Sĩ Đệ Nhất Cộng Hòa. Riêng cuộc phỏng vấn cụ Cao Xuân Vỹ, nội dung những lời cụ nhận xét về bà Ngô Đình Nhu cũng tương tự như cuộc mạn đàm giữa cụ và ông Võ Long Triều (Viễn Đông đã đăng trong số báo hôm qua 26-4-2011). Chỉ có một điều cụ tiết lộ cho chúng tôi là làm cách nào Luật Sư Trương Phú Thứ được gặp bà Ngô Đình Nhu để viết hồi ký. Cụ Cao Xuân Vỹ nói: “Từ hồi đảo chánh tới giờ, bà không tiếp ai cả. Ông Thứ đến tôi mấy lần, năn nỉ tôi giới thiệu cho ông được gặp bà Ngô Đình Nhu, nể tình tôi mới chỉ vẽ cho ông Thứ là hãy lên Đà Lạt, tìm đến căn nhà của bà Nhu đang xây dở dang, chụp tấm ảnh rồi đem qua bên đó, nói là mới ghé thăm căn nhà của bà, có chụp tấm ảnh đem lại biếu bà, vì khi xưa bà Ngô Đình Nhu có mua một căn nhà trả góp tại Đà Lạt, bà cho tu sửa nhưng chưa xong thì xẩy ra đảo chánh, và bà vẫn mong ước làm sao được nhìn thấy căn nhà đó”. Theo cụ Vỹ, ông Trương Phú Thứ đã làm theo lời cụ Vỹ chỉ vẽ, và đã được gặp bà Ngô Đình Nhu, còn việc làm sao ông thực hiện cuốn Hồi Ký cho bà, thì phải hỏi Luật Sư Trương Phú Thứ. Sau đây là nôi dung cuộc phỏng vấn Nghị Sĩ Lê Châu Lộc. Viễn Đông: Xin chào Nghị Sĩ Lê Châu Lộc. Theo chỗ chúng tôi được biết, ông từng là Tùy Viên cho cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, xin ông vui lòng cho độc giả nhật báo Viễn Đông được biết những gì ông biết về bà Ngô Đình Nhu. Nghị Sĩ Lê Châu Lộc: OK, tôi biết cái gì thì tôi nói nghe, tôi không có phịa ra được, tánh tôi hồi đó tới giờ là như vậy, tôi biết thì tôi nói, không biết thì tôi dựa cột nghe chứ không như mấy tay con nít, hồi đệ nhất cộng hòa mới đi học lớp chót, mà nói chuyện ông Tổng Thống Ngô Đình Diệm cứ như nằm ở dưới giường của ông ấy vậy. Viễn Đông: Từ sau cuộc đảo chánh 1-11-1963 đến nay, đã có lần nào bà Ngô Đình Nhu liên lạc với ông không? NS. Lê Châu Lộc: Có, nhưng mới gần đây thôi. Tôi xin nói rõ là hồi đó bà đi qua Mỹ để giải độc thì ở nhà xẩy ra cuộc đảo chánh cho nên suốt thời gian đó cho đến mãi mấy tháng trước đây tôi mới được nói chuyện lại với bà, là nhờ một dịp may có người bạn chuyển lời của tôi chào thăm bà, nên sau đó bà gọi và tôi nói chuyện với bà, trước khi bà vào nhà thương mấy tuần nay, chỉ có lần duy nhất này thôi, gần 50 năm tôi mới lại nói chuyện với bà. Viễn Đông: Trong cuộc nói chuyện này, bà Ngô Đình Nhu có trao đổi với ông vấn đề gì đặc biệt không, thưa ông? NS. Lê Châu Lộc: Câu đầu tiên bà nói: “Lâu quá tôi mới nhớ lại ‘ông sĩ quan’”, giống như bà thường kêu tôi ở dinh Độc Lập hay Dinh Gia Long vậy thôi, vì tôi là sĩ quan tùy viên của Tổng Thống, nên bà tránh kêu tên tôi mà kêu là ông sĩ quan như người Việt mình vẫn hay kêu như vậy. Sau đó, tôi và bà có nói chuyện về một số tài liệu mà bà nhờ người này, người nọ edit giùm, tôi cũng có phụ trong đó một phần, phần nhỏ thôi, tại vì tôi không có thì giờ. Chỉ hỏi thăm sức khỏe và nói mấy chuyện đó chứ không đề cập chuyện gì đặc biệt, mới mẻ hay giựt gân cả. Viễn Đông: Hình như bà Ngô Đình Nhu có viết hồi ký, Nghị sĩ có biết việc đó không? NS. Lê Châu Lộc: Thật ra nhiều người đồn đãi lâu rồi, tôi biết ông Trung Tướng Khánh xăm xê viết hồi ký của bà Nhu, nhưng tôi coi ra thì chẳng phải hồi ký gì, nhưng từ đó tới giờ nhiều người lăm le để có cái lợi gì đó mình không biết, nhưng cái này cũng có thể gọi là hồi ký, cũng có thể coi như là những lời ghi lại phần lớn tâm tư của bà khi bà sống cuộc đời cô đơn, góa bụa như vậy, trong đó nó thể hiện cái “tâm đạo” của bà, những lời than thở, cầu nguyện, khóc lóc với Thiên Chúa về những nỗi bất công mà dân Việt Nam mình phải chịu, về những nỗi bất công mà gia đình bên chồng bà phải chịu, rồi bà hết sức cầu xin cho nước Việt Nam mình sớm trở lại thời kỳ thanh bình mà dân tộc Việt Nam mình được người ta kính trọng. Đại loại cái đề tài cầu nguyện của bà nó xoay quanh cái đau khổ của dân tộc Việt Nam, mà bà là cái người gần gũi nhất cho nên gánh chịu những hậu qủa tàn khốc nhất, thành thử đó là cái tôi biết được, còn nói về vấn đề chánh trị, những cái giựt gân, v.v., thì không có. Cũng có thể có một vài ba vấn đề sinh hoạt quốc gia nhưng không có gì đặc biệt cả. Viễn Đông: Trong tập tạm gọi là hồi ký đó, có chỗ nào bà Ngô Đình Nhu tỏ dấu trách móc, oán hận những người làm hại gia đình bà? NS. Lê Châu Lộc: Tôi không cảm thấy có sự oán hận như anh dùng chữ đó, chữ buồn phiền, khóc than thì có thể có, đó là cái tâm tư muốn thấy lại một sự thật mà người ta đã chôn vùi hoặc trả lại cho dân tộc Việt Nam mình công lý và hòa bình, mà mình đã đánh mất do một số người ngu dại làm sai, thì cái đó có. Còn bảo rằng cái hận thù thì tôi đọc tôi không thấy bà đề cập đến, mà tôi có cảm giác như đọc một cuốn hồi ký của một nữ tu. Viễn Đông: Theo như Luật Sư Trương Phú Thứ cho biết, những ngày gần đây ông ấy vẫn thường xuyên liên lạc với bà Ngô Đình Nhu để hoàn thành cuốn Hồi Ký, và sẽ cho ra mắt vào tháng 9 hay tháng 10 này; việc đó như thế nào, thưa ông? NS. Lê Châu Lộc: Đúng. Viễn Đông: Như vậy, chính tay bà Ngô Đình Nhu ghi hồi ký hay bà nói để Luật Sư Trương Phú Thứ viết? NS. Lê Châu Lộc: Đa số do chính tay bà viết, cũng có một phần do ông Thứ thâu lại khi ông trực tiếp thăm viếng bà. Viễn Đông: Một số sách báo viết rằng, khi làm Dân Biểu, là vợ của ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, đôi khi bà có những cử chỉ, hành động có vẻ cao ngạo trong cách cư xử với Tổng Thống hoặc phu quân của bà. Là người Tùy Viên Tổng Thống, thường xuyên có mặt trong Dinh, xin ông cho ý kiến? NS. Lê Châu Lộc: Những người nói hay viết đó, anh có điều tra không? Anh có hỏi: Ông là ai, bà là ai? Chú là ai, cậu là ai? Mà ở đó vào lúc nào, biết được, thấy được và nghe được vào lúc nào hay không? Chắc là không, phải không? Nếu anh nói được cho tôi người nào đó trực tiếp nghe được và nói thì tôi sẵn lòng tôi nghe, còn người ta viết mà họ không tham khảo, không dẫn chứng được mình là ai, không chứng minh được thì cái tin đó ở đâu thì không có giá trị gì, chúng ta đừng nên để ý tới làm gì. Về vấn đề cư xử thì ở Dinh Gia Long hay Dinh Độc Lập, gia đình ông bà Cố vấn cũng đôi khi qua lại nhưng không qua lại lu bù, đâu đó có nề nếp hết. Khi mà bà Ngô Đình Nhu muốn tham khảo Tổng Thống thì cũng phải qua sĩ quan tùy viên là chúng tôi, thường bà nói: “Ông sĩ quan, tôi có một vần đề muốn xin trình với Tổng Thống, ông sĩ quan thấy Tổng Thống có rảnh lúc nào?”. Thì tôi coi cái chương trình làm việc của Tổng Thống ngày đó, tôi nói: “Dạ không, bữa nay không có” hay “Bữa nay có lúc mấy giờ…”. Thì bà nói: “Cũng được, thôi thì ông trình với Tổng Thống cho tôi xin gặp Tổng Thống chút được không”? Tôi vào trình, nếu Tổng Thống cho thì tôi mời bà vô còn không thì thôi, vậy đó chứ không có chuyện ra vô lu bù. Tôi xác nhận hoàn toàn không có. Thứ hai là cái cử chỉ của bà đối với người chồng là ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu thế nào tôi không biết, nhưng mà hai vợ chồng ông, tôi không thấy bao giờ lớn tiếng. Cái này có lẽ phải hỏi những anh em cận vệ ở đó, chứ tôi không biết chuyện phòng the của hai ông bà. Thứ ba là đối với Tổng Thống, bà một mực kính trọng, khi Tổng Thống nói không có rảnh thì bà vui vẻ ra về ngay. Có đôi khi Tổng Thống nói với tôi: “Anh bảo bà ấy chờ”, thì bà chờ. Đó là sự thật về cái nề nếp gia giáo trong gia đình họ Ngô. Ngay cả ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu muốn lên trình diện với Tổng Thống không phải cứ tự tiện vô, ông cũng phải qua sĩ quan Tùy Viên là chúng tôi, thường ông hỏi: “Anh Lộc ơi, cụ rảnh không?”. Thì tôi nói, thí dụ cụ rảnh lúc 12 giờ 15, thì ông Cố vấn nói, “Tôi chỉ nói chuyện với cụ khoảng 10, 15 phút thôi”, và tôi vô tôi thưa, thì Tổng Thống nói, ừ mời ông Cố Vấn vào. Và tôi thấy hai ông rất kính trọng nhau, tôi có thể quả quyết với anh về điều này, người nào nói ông Nhu hay bà Nhu lạm quyền muốn leo lên đầu Tổng Thống là không đúng. Chúng ta nên nhớ, thời đó là thời kỳ chúng ta chống cộng mà, chúng đâm bị thóc, thọc bị gạo, cố xuyên tạc, bôi nhọ, nó dùng chiến thuật tuyên truyền để mà khuynh đảo miền Nam. Bây giờ ở vào thế chống cộng khó khăn mình mới thấy nó dùng truyền thông, nó bỏ 500 triệu đô la để nó thi hành cái đường lối thâm nhập, nó khuynh đảo mình. Hồi trước người ta không biết cho nên cứ nghe rồi đồn ra mà không chịu tìm hiểu sự thật gì hết. Còn những người Mỹ mà nói ra những điều đó, anh coi kỹ lại đi, những người Mỹ đó có bao giờ vào thăm viếng một gia đình Việt Nam không hay đáp máy bay xuống là đến đường Tự Do, nói chuyện với mấy người đổi tiền, với mấy cô bán bar lấy tin tức về Việt Nam bằng cách đó, thì họ về họ viết trong sách vở, báo chí và ai cũng cứ tin theo đó mà không có biết cái chuyện thật như thế nào. Nên riêng với anh, tôi xin thưa, cái chuyện liên hệ giữa gia đình ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, kể cả bà Ngô Đình Nhu với Tổng Thống là một cái liên hệ Trên, Dưới rõ rệt. Viễn Đông: Có một thời gian, ông Trần Văn Chương (thân phụ bà Ngô Đình Nhu) làm Đại Sứ VNCH tại Hoa Kỳ xin từ chức, nghe nói vì lý do chế độ của TT. Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo. Điều đó như thế nào, thưa ông? NS. Lê Châu Lộc: Chuyện đàn áp Phật giáo có hay không, anh trả lời tôi nghe! Hồ sơ của Ủy Ban Điều Tra Liên Hiệp Quốc nó còn đó. Chuyện của ông bà Chương, rõ ràng lúc đó là hiểu sai. Từ hiểu lầm hoặc nó bị mờ tối gì đó như thế nào không biết, mà cứ dựa theo tin tức của người Mỹ do những hỏa mù người Mỹ phóng ra, rồi xúm nhau người quốc gia Việt Nam mình cấu xé cho đến độ người Mỹ đem 500.000 quân nhảy vào rồi bỏ chạy có cờ, rồi bỏ mặc mình kéo nhau xuống biển mà chết, có không? Cái chuyện ông bà Trần Văn Chương làm, ngay chính bây giờ những người thân thuộc trong gia đình ông bà cũng rất khổ tâm! Viễn Đông: Giả sử khi cuộc đảo chánh xẩy ra, bà Ngô Đình Nhu vẫn ở trong nước thì theo nhận xét của ông, tánh mạng của bà Ngô Đình Nhu có an toàn không? NS. Lê Châu Lộc: Thật sự tôi không biết rõ cái quan điểm của người Mỹ đối với bà Ngô Đình Nhu, nhưng đối với Tổng Thống Diệm và ông Ngô Đình Nhu thì rõ ràng. Trong tài liệu đã giải mật, người Mỹ ra lệnh giết anh em Tổng Thống nhưng không thấy ra lệnh giết bà Ngô Đình Nhu. Viễn Đông: Một cách tổng quát, xin Nghị Sĩ Lê Châu Lộc cho độc giả báo Viễn Đông biết cảm nghĩ riêng của ông về bà Ngô Đình Nhu. NS. Lê Châu Lộc: Từ lâu tôi đã nghĩ thế này, chứ không phải sau khi bà Nhu qua đời, tôi cảm thấy buồn phiền và hối hận, vì cái chuyện dân mình đã không khôn ngoan đủ để mà có sự nhận xét về người, về việc, về đường lối, sách lược và ý đồ của cộng sản để rơi vào chính sách hỏa mù mà nguời bị chỉ trích ghê gớm nhất là bà Ngô Đình Nhu, tôi phải nói thật là tội nghiệp hết sức! Tôi không biết bà nhiều. Trong thời gian tôi làm hơn 4 năm có thể nói tôi gặp bả chừng lối năm, bảy lần gì đó, nói chuyện đôi ba lần. Ở trong những buổi tiếp tân, dạ yến, dạ tiệc gì thì bà giữ vai trò Đệ Nhất Phu Nhân thì tôi thấy bà là một người hiểu biết, khôn ngoan lắm mà bà giữ vai trò của bà là vợ hay là em dâu Tổng Thống rất đàng hoàng, bà giữ vai trò đệ nhất phu nhân bên cạnh Tổng Thống Diệm rất là xuất sắc. Bà có kiến thức tây học và đông phương, do đó ông bà đại sứ các nước Nhật Bổn, Ấn Độ, Đại Hàn hay Đài Loan, v.v., ai cũng rất kính nể bà. Đối với những người Tây phương như ông bà đại sứ Pháp, ông bà đại sứ Mỹ, Anh họ cũng quý tr Bà thảo ra Luật Gia Gia Đình, tôi cho là một cái luật tiến bộ cho đến giờ này, ngày hôm nay vẫn còn giá trị, chứng tỏ Việt Nam mình đã có quan niệm về phụ nữ đi trước Liên Hiệp Quốc cả 50 năm. Tại sao tôi nói vậy? Bởi vì cái Luật Gia Đình của bà Ngô Đình Nhu mục đích là để bảo vệ cho quyền lợi người phụ nữ Việt Nam, bảo vệ trẻ con Việt Nam và bảo vệ cho gia đình Việt Nam. Ấy thế mà với Mỹ và cộng sản nó thành ra cái luật cấm đàn ông Việt Nam lấy hai vợ. Khổ nỗi, cái sự tuyên truyền của nó khéo léo cho đến độ mà chính người phụ nữ Việt Nam mình cũng chống đối cái luật đó mới chết chứ! Bây giờ dòm lại, thấy cái luật đó thấy tiếc quá! Bây giờ cái trào lưu nhân loại nó tiến bộ, xuyên qua Liên Hiệp Quốc, nó đã thể hiện cái tinh thần phải kính trọng người phụ nữ, phải thương yêu, bảo bọc cho trẻ con, và nhiều quốc gia, thấy hoàn cảnh gia đình nó suy đồi thì đã cố gắng gây dựng lại cái gia đình như là nền tảng của một xã hội lành mạnh. Vì vậy nhân bà Nhu nằm xuống, tôi nhớ tới một trong nhiều việc bà làm, đó là việc thảo ra Luật Gia Đình, và tôi mong rằng cái dịp này sẽ gây lại sự chú ý của thế hệ phụ nữ Việt Nam ở trong nước cũng như ngoài nước, để nhớ lại cái thân phận của mình, và để nhớ lại rằng đã có một thời kỳ, mình đã có một bộ luật mà hiện tại nó vẫn còn đó, có thể phải tiến hành nữa để làm sao cho người phụ nữ Việt Nam được có chỗ xứng đáng như là Liên Hiệp Quốc đã thể hiện như trào lưu của tư tưởng tiến bộ của nhân loại. Đó là chuyện làm tôi nhớ lại trong vai trò của bà Cố vấn ở trong đó, có những cách cư xử, sự khôn ngoan và trong vai trò Dân Biểu, bà đã làm gì và đã chứng tỏ bà là ai? Xuyên qua những lời mà tôi đọc ở mớ giấy bà viết, phần lớn bằng tiếng Pháp, tôi thấy bà là người có cái “tâm đạo” lớn, hết sức sâu sắc. Suốt thời gian đó tôi không thấy có sự cay cú mà là sự khóc lóc, cầu nguyện để không phải xin cho mình, bởi vì bà sống cuộc đời như là ẩn tu, có đôi khi một ngày bà chỉ uống nước thôi, cái này ông Thứ ông làm chứng được, bà chỉ cầu nguyện xin làm sao để Ơn Trên thương đến dân Việt Nam, trả lại cho dân Việt Nam cái công lý để nó có thể đi tới hòa bình. Không có công lý cho dân tộc Việt Nam, chúng ta không có hòa bình. Dân tộc Việt Nam bị coi như một công cụ từ đời Tây thuộc rồi Mỹ thuộc, chỉ bắt đầu khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa xây dựng một cái xã hội, trong đó có sự công bằng, nhân vị con người được tôn trọng rõ rệt trong đời sống quốc gia. Người phụ nữ được kính trọng, nên anh thấy một bước rất dài, từ thời Pháp thuộc tới thời kỳ Đệ Nhất Cộng Hòa, bao nhiêu người phụ nữ, không riêng gì chỉ làm bác sĩ, giáo sư mà vào quốc hội, làm nghị sĩ, dân biểu, làm những việc lớn trong xã hội. Con đường đó bị đứt đoạn vì cuộc đảo chánh năm 1963, thành ra nhân dịp này tôi nhớ lại vài đặc điểm đó của bà Cố Vấn Ngô Đình Nhu, nh Viễn Đông: Xin chân thành cám ơn Nghị Sĩ Lê Châu Lộc, hẹn gặp ông vào dịp khác. NS. Lê Châu Lộc: Thân chào các anh chị em trong tòa soạn và độc giả nhật báo Viễn Đông.
|