Lào : Địa bàn tranh giành ảnh hưởng giữa Việt Nam và Trung Quốc |
Tác Giả: Trọng Nghĩa | |||
Thứ Năm, 31 Tháng 3 Năm 2011 08:34 | |||
Trước đây, Lào thường được xem là một nước thuộc vùng ảnh hưởng của Việt Nam. Tuy nhiên trong thời gian qua, Trung Quốc ngày càng đầu tư mạnh mẽ vào Lào, không chỉ về kinh tế, mà cả về quân sự. Tình hình này đã buộc Hà Nội phải nỗ lực duy trì quan hệ chặt chẽ với láng giềng phía tây, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang bị sức ép của Trung Quốc trên vùng biển phía đông. Biển quảng cáo tại Viêng Chăn cho tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, biểu tượng cho sự hiện diện của Việt Nam tại Lào. / AFP Về phương diện địa lý chính trị, có thể nói rằng nước Lào bé nhỏ đang trở thành một đấu trường tranh đua giữa Việt Nam và Trung Quốc, với Việt Nam có lợi thế là quan hệ thân thiết đã có từ lâu với Lào, trong lúc Trung Quốc thì có tiềm lực kinh tế hùng hậu hơn. Thực tế tại Lào trong thời gian qua cho thấy sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc. Sau thời kỳ lạnh nhạt trong hai thập niên 1970 và 1980, Bắc Kinh đã tăng tốc độ trợ giúp nước Lào sau cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á 1997-1998. Từ đó đến nay, Trung Quốc đã vươn lên thành một trong những nước tài trợ hàng đầu cho Lào. Bắc Kinh đặc biệt chú ý đến việc tôn tạo hình ảnh của mình tại Lào thông qua một số công trình hào nhoáng, mà điển hình là Sân vận động quốc gia nhân dịp Lào tổ chức Đông Nam Á vận hội SEAGames vào năm 2009. Trung Quốc cũng có chiến lược thu phục nhân tâm qua việc đào tạo công chức và sĩ quan cho Lào, cấp học bổng cho sinh viên Lào qua học tại Trung Quốc… Có điều là sự thâm nhập càng lúc càng mạnh của Trung Quốc đã tạo ra quan ngại tại Lào, trước nguy cơ bị thống trị và bị mất chủ quyền, trong bối cảnh nhiều vùng rộng lớn được nhượng cho các công ty Trung Quốc khai thác lâu dài và số lượng ngày càng tăng của người Trung Quốc đến Lào làm việc và sinh sống. Nhân dịp vừa đi thăm Lào trở về, ông Ngô Nhân Dụng, bình luận gia báo Người Việt tại California (Hoa Kỳ), đã kể lại một số điều "mắt thấy tai nghe" về sự hiện diện của Việt Nam và Trung Quốc tại Lào. Theo ông, hiện nay, Việt Nam vẫn giành được nhiều thiện cảm từ phía giới lãnh đạo cũng như người dân Lào. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đang cố gắng đầu tư để chiêu dụ thế hệ trẻ tại Lào với mục tiêu là lớp trẻ thân Trung Quốc sau này sẽ lên thay thế các đàn anh gắn bó hơn với Việt Nam. Đấy là một khả năng mà giới lãnh đạo Việt Nam cần chú ý trong cách quan hệ với láng giềng phía Tây.
|