Home Tin Tức Bình Luận Cách Mạng Libya Đang Bị Quay Lưng!

Cách Mạng Libya Đang Bị Quay Lưng! PDF Print E-mail
Tác Giả: Huệ Vũ   
Thứ Năm, 17 Tháng 3 Năm 2011 08:00

Cách mạng Libya đang diễn ra hoàn toàn khác với hai cuộc cách mạng Tunisia và Ai Cập. Tương lai khó biết đi về đâu!

 

Vào ngày 15 tháng 2, dân chúng thành phố Benghazi, lớn hàng thứ nhì ở Libya, theo gương 2 cuộc cách mạng Tunisia và Ai Cập xuống đường đòi cáo chung chế độ Mumamar Gaddafi đã cai trị Libya trong 41 năm. Cuộc biểu tình bị đàn áp thẳng tay bằng vũ lực, hàng trăm người bị thương.

Một số quân nhân và cảnh sát trong thành phố đứng về phía dân chúng. Cuộc cách mạng nhanh chóng trở thành cuộc cách mạng vũ trang. Quân đội và cảnh sát trung thành với ông Gaddafi phải rút khỏi thành phố.

Ngày 21/2, Benghazi hoàn toàn lọt vào tay cách mạng.
Tiếp theo Benghazi, các thành phố và thị trấn khác tiếp tục đứng dậy, giống như thế chẻ tre:

Ngày 22/2, các thành phố hải cảng và thị trấn ven biển miền Đông gồm Tobruk, Damah, Shahhat, Bayda, Ajdabiya và 2 thị trấn miền Tây là Nalut và Zuwarah lọt vào tay dân quân cách mạng.

Ngày 27/2 các thị trấn miền Tây gồm Haouamed, Kabaw, Rehibat, Jadu, Rogeban, Zintan, Yafren, Kiklad và Ghryan phất phới lá cờ 3 màu xanh, đen, đỏ của thời kỳ sau độc lập. Trong ngày này, đại diện cách mạng thành lập Hội đồng Quốc gia Libya tại thành phố Benghazi để lãnh đạo cuộc cách mạng và đại diện cho toàn dân Libya, bầu ông Mustafa Abdul Jalil, nguyên cựu bộ trưởng tư pháp làm chủ tịch.

Ngày 28 tháng 2, thành phố Brega ở miền Đông và Zawiyab ở miền Tây thoát khỏi sự kiểm soát của Gaddafi.

Ngày 4 tháng 3 dân quân cách mạng tây tiến, giải phóng thành phố hải cảng dầu lửa Ras Lanuf, và thị trấn Bin Jawad.

Trong lúc dân quân cách mạng tràn đầy khí thế, quốc tế cũng đã gia tăng áp lực, vào ngày thứ Bảy, 26/2, Hội đồng Bảo an gồm 15 nước thành viên đã đồng nhất thông qua bản Nghị quyết 1970: cấm vận vũ khí, cấm vận du lịch và phong tỏa tài sản ông Gaddafi, gia đình và những người thân cận, ủy nhiệm Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) lập tức điều tra và truy tố những người có trách nhiệm trong việc tàn sát người dân.

Trong ngày thứ Hai, 28/2, Liên Âu cũng đồng nhất thông qua những biện pháp cấm vận.

Nhiều nhân vật ngoại giao cao cấp, nhiều đại sứ Libya cũng đã mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích sự đàn áp trong nước.

Áp lực của quốc tế là điều cần thiết, nhưng trong lúc đưa ra những biện pháp cấm vận, đẩy gia đình Gaddafi vào chân tường, thì quốc tế lại tỏ ra chia rẽ đối với sự can thiệp mạnh như áp đặt vùng cấm bay (no-fly zone) có thể giúp cho phía dân quân cách mạng tránh bị chiến đấu cơ của quân đội Gaddafi tấn công.
Ngày 9/3, ngoại trưởng 3 nước IBSA (Ấn Độ, Ba Tây, Nam Phi) đã cùng ra một bản tuyên bố chung chống lại mọi hành động đơn phương nằm ngoài khuôn khổ Nghị quyết 1970. Ba nước IBSA là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, cũng là những nước thuộc khối BRICS (Ba Tây, Nga, Ấn Độ, Trung Cộng và Nam Phi), nên tiếng nói của IBSA có thể được coi là tiếng nói của BRICS, trong đó Nga và Trung Cộng là hai nước có quyền phủ quyết.

Dấu hiệu chia rẽ ở Hội Đồng Bảo An, sự chần chờ của Hoa Kỳ và Tây phương đã làm cho Gaddafi mạnh mẽ huy động phi cơ, xe tăng và cả tàu chiến mở cuộc phản công tái chiếm.

Ngày 6/3 dân quân phải rút khỏi Bin Jawad và ngày 10/3 phải rút khỏi Ras Lanuf. Thành phố miền Tây Zawiyab lại lọt trở lại vào tay quân đội Gaddafi. Ngày 13/2, quân đội Gaddafi cũng tái chiến thành phố hải cảng dầu lửa Brega. Trong lúc viết bài này, thị trấn Ajdabiya có 120 ngàn dân, chỉ nằm cách Thành phố Benghazi, trung tâm của cuộc cách mạng, 100 cây số. Benghazi đe dọa sẽ bị bao vây.

Trong lúc dân quân cách mạng chỉ là những thanh niên biết cầm súng lần đầu tiên, chưa được huấn luyện, không thể chống trả trước sức tấn công của quân đội chuyên nghiệp Gaddafi có xe tăng, phi cơ và trọng pháo yểm trợ phải liên tiếp rút lui, cuộc họp bộ trưởng quốc phòng NATO và cuộc hội nghị thượng đỉnh Liên Âu ở Brussels trong 2 ngày 10 và 11/3 đã không tỏ rõ quyết tâm can thiệp mạnh.
Tổng thư ký NATO Fogh Rasmussen tuyên bố bộ trưởng quốc phòng các nước NATO đồng ý: “chỉ có thể thiết lập vùng cấm bay nếu có mệnh lệnh của Liên hiệp quốc”.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Thomas de Maiziere nói: “ Liên đoàn Á Rập và các nước vùng Vịnh phải cho biết họ muốn gì. Liên hiệp quốc và Hội đồng Bảo an phải có quyết định. Can thiệp quân sự cần phải suy nghĩ kỹ và cũng không thể đe dọa, nhưng sau đó lại không có hành động gì.”

Trước chiến thắng tái chiếm lại Ras Lanuf, con trai ông Muammar Gaddafi là Saif al-Islam đầy lạc quan tuyên bố: “ xương sống của loạn quân đã bị bẻ gãy, chúng tôi có phi cơ phản lực, phi cơ trinh thám, loạn quân sẽ không thể trốn thoát bất cứ nơi nào. Họ hoàn toàn không có tương lai.”

Saif tin tưởng Hoa Kỳ và Liên Âu sẽ chỉ can thiệp nửa vời. Can thiệp bằng miệng. Sau khi chiếm lại các thành phố bị mất, những nước như Hoa Kỳ, Anh, Pháp.. sẽ làm huề trở lại: “ không ai quan tâm tới NATO, tới Liên Âu. Họ đang cảm thấy trò chơi đã sắp chấm dứt.. biết chúng tôi sẽ thắng… Một tháng trước đây họ dễ thương như những con mèo, nhưng mới đây đã hung hăng như những con hổ. Tuy nhiên, họ sẽ quay trở lại và tỏ ra rất dễ thương như trước đây để ký những hợp đồng dầu hỏa.”

Những người quan tâm đối với cuộc tranh đấu đã tỏ ra thất vọng, lo lắng cho tương lai của cuộc cách mạng Libya trước thái độ thiếu cương quyết của NATO, Hoa Kỳ và Liên Âu.

Chiến tranh Iraq vẫn còn là con ma ám ảnh. Cuộc chiến Afghanistan kéo dài đã làm nhạt dần sự ủng hộ của dân chúng trong các nước Tây Phương tham chiến. Afghanistan đang trở thành áp lực lớn đối với những chính đảng đang cầm quyền. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu vẫn còn làm chính phủ các nước Âu Châu khổ sở, đang phải đối phó với tình trạng thâm thủng ngân sách và gánh nợ công nợ chồng chất. Nhiều nước có thể theo chân Hy Lạp, Ái Nhĩ Lan, phải vay tiền cứu nguy của Liên Âu và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế -IMF.

Tổng thống Obama và Liên Âu cũng không muốn dẫm lên vết chân “Liên minh Ý chí” của Tổng thống George W. Bush vẫn còn đang bị dư luận thế giới chỉ trích.
Liên Âu lo sợ làn sóng di dân sẽ trở nên ồ ạt trong lúc người Tunisia đang dùng những chiếc thuyền nhỏ tới đảo Lampedusa của Ý và đang phải cứu giúp hàng chục ngàn người di dân lao động ở Libya đang đổ tới cổng biên giới Ras Jdir của Tunisia và giúp đưa họ về nước.

Trong lúc thất vọng, kết quả cuộc họp của Liên đoàn Á Rập ở Cairo ngày thứ Bảy, 12/3, đã tạm đem lại một hy vọng mới.

Nhiều nhà ngoại giao cho rằng các nước Á Rập đều là những nước đang do các chế độ độc tài cai trị và đang đối phó với tình trạng dân chúng đứng lên đòi tự do dân chủ, dù không ưa ông Gaddafi, họ sẽ không chấp nhận sự can thiệp của Tây phương, chấp nhận áp đặt vùng cấm bay. Hơn nữa, các nước này còn đang dị ứng với cuộc chiến Iraq. Hoa Kỳ và đồng minh Tây phương chiếm Iraq, lật đổ Saddam Hussein trong năm 2003 đã không thể nhanh chóng bình định loạn quân, làm hàng trăm ngàn thường dân bị chết, tạo cơ hội cho al Qaeda phát triển ở Iraq. Cho tới nay, các vụ đánh bom ở Baghdad và các thành phố khác vẫn còn diễn ra hàng ngày.

Kết quả đã rất bất ngờ, Liên đoàn đã đồng nhất ủng hộ việc thiết lập vùng cấm bay và quyết định thiết lập quan hệ với Hội đồng Quốc gia Libya.
Điều này đã được coi là một bước ngoặc ngoại giao quan trọng, một chiến thắng ngoại giao lớn của Hội đồng Quốc gia Libya sau khi được Pháp và nước đầu tiên công nhận.

Khi Liên đoàn Á Rập đã thống nhất khuyến cáo thiết lập vùng cấm bay. Dư luận tin tưởng các nước Liên Âu và Hoa Kỳ không còn lý do nào phải tiếp tục dè đặt!
Các nước BRICS tự coi là những nước đại diện cho khối các nước đang phát triển đã bày tỏ sự chống đối đối với đơn phương can thiệp.

Tuy nhiên, dư luận đang phấn khởi cho rằng trước đây Nga và Trung Cộng là hai nước thường trực tại Hội đồng Bảo an cũng đã bỏ phiếu thông qua bản nghị quyết 1970. Nga cũng đã triệt để thi hành nghị quyết này, hủy bỏ những hợp đồng bán vũ khí và phi cơ cho Libya trị giá nhiều tỷ mỹ kim, cho nên sau khi Liên đoàn Á Rập bật đèn xanh, bản nghị quyết của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Anh David Cameron soạn thảo sẽ rất có nhiều cơ hội được thông qua tại Hội đồng Bảo an.
Cuộc họp của bộ trưởng ngại giao G-8 ở Paris trong 2 ngày 14-15 đã đổ nước lạnh lên mọi hy vọng!

Trước tình trạng quân đội Gaddafi đông tiến nhanh chóng, quốc tế chỉ bàn luận, những trường hợp sau đây có thể xảy ra cho Libya trong những ngày sắp tới:

1)Trước sự đe dọa đối với Benghazi và các thành phố phía đông, Hội đồng Bảo an sẽ nhanh chóng thông qua nghị quyết thiết lập vùng cấm bay, giúp cho cách mạng Libya giữ vùng đất từ Benghazi tới Tobruk. Dân quân tránh bị phi cơ oanh tạc có thể tiến lên chiếm lại những thành phố bị mất.

2) Trước nguy cơ cách mạng Libya bị tiêu diệt, Hoa Kỳ, Anh và các nước Tây Phương khác theo gương Pháp công nhận Hội đồng Quốc gia Libya là chính phủ đại diện hợp pháp của nhân dân Libya, chấp nhận lời yêu cầu của Hội đồng, không kích tiêu diệt các căn cứ và khả năng quân sự của phe Gaddafi, cung cấp vũ khí cho dân quân. Lực lượng cách mạng sẽ vùng lên khí thế, Tây tiến, nhanh chóng giải phóng Tripoli.

3) Hoa Kỳ và Anh, Pháp tiếp tục “ủng hộ miệng”. Quân đội Gaddafi với xe tăng, phi cơ, tàu chiến tiếp tục tiến nhanh về phía đông tái chiếm thành phố Benghazi và các thành phố khác. Cách mạng bị tiêu diệt! Gaddafi sẽ chấp nhận một số đề nghị của Liên Phi và các nước BRICS để cải cách tiêu biểu, những nước này sẽ vận động để chính quyền Libya có thể do Saif al-Islam cầm đầu hòa giải với Tây Phương.

4) Lực lượng Gaddafi tái chiếm các thành phố, nhưng dân quân cách mạng tiếp tục chiến đấu, phân tán thành nhóm nhỏ, trú ẩn trong sa mạc, thực hiện cuộc chiến tranh du kích. Chiến tranh Libya sẽ kéo dài.

Trường hợp Một là trường hợp lý tưởng nhất, sẽ chứng tỏ sự cương quyết và đoàn kết của cả cộng đồng quốc tế đối với các chế độ độc tài dùng vũ khí chống lại người dân.

Trường hợp Hai, lần nữa Hoa Kỳ và các nước đồng minh Tây Phương phải đơn phương hành động. Hình như Tổng thống Obama không sẵn sàng “đơn phương”! Đơn phương trong cuộc chiến Iraq là một việc làm sai lầm nghiêm trọng tạo di hại cho tới ngày nay. Tuy nhiên, không can thiệp ở Libya, dù đơn phương trong lúc này lại là một sai lầm nghiêm trọng, một sự hối tiếc vô cùng của lịch sử:

• Libya không phải là một nước sản xuất dầu lửa quá lớn, không phải là nước cung cấp dầu lửa cho Hoa Kỳ nên sự can thiệp không bị ngộ nhận chỉ vì dầu lửa, mà can thiệp chỉ vì bảo vệ người dân, đứng về phía lực lượng đang đứng lên tranh đấu cho dân chủ, tự do.

•Dân quân cách mạng Libya đang tha thiết trông đợi sự giúp đỡ. Bất can thiệp là phản bội lại sự trông cậy ở Hoa Kỳ và các nước Tây phương của những người đang đứng lên sẵn sàng hy sinh tính mạng vì tự do, dân chủ.

• Bất can thiệp sẽ không chỉ làm cho làm cho dân quân cách mạng Libya thất vọng, mà cũng sẽ làm cho phong trào tranh đấu dân chủ ở Bắc Phi, Trung Đông và cả thế giới thất vọng. Tạo tín hiệu sai lầm cho các nhà lãnh đạo độc tài. Họ sẽ không dễ dàng ra đi như Ben Ali, Hosni Mubarak mà sẽ theo gương Gaddafi đàn áp phong trào đòi tự do dân chủ cho tới cùng.

• Cách mạng dân chủ và tự do bị dập tắt ở Bắc Phi và Trung Đông sẽ làm thanh niên dễ dàng ngã theo khuynh hướng cực đoan Hồi Giáo. Các chế độ độc tài, tham nhũng ở thế giới Á Rập lại được Hoa Kỳ và Tây phương yểm trợ, thân thiện trong nhiều thập niên qua là một trong những nguyên nhân làm thanh niên Hồi giáo trở nên cực đoan chống Hoa Kỳ và Tây phương. Cách mạng dân chủ trong thế giới Á Rập bị các chế độ độc tài dập tắt khủng bố Hồi giáo sẽ có cơ bùng phát mạnh.

Phong trào cách mạng dân chủ trong thế giới Á Rập hiện giờ có thể làm thay đổi cục diện của thế giới, ảnh hưởng tới uy tín của Hoa Kỳ và đồng minh trên trong tương lai.

Cách mạng trong thế giới Á Rập thành công nhất định sẽ tạo nên đợt sóng thần tsnunami lan tới các nước Phi Châu và Á Châu đang sống dưới các chế độ độc tài cá nhân hay độc đảng. Hậu thuẫn cho phong trào cách mạng dân chủ này, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là nước lãnh đạo, nêu cao ngọn cờ dân chủ, tự do trên thế giới. Người dân trong thế giới Á Rập tự do sẽ có cái nhìn khác với Hoa Kỳ. Ngược lại, người Á Rập tiếp tục nhìn Hoa Kỳ chỉ là nước núp dưới chiêu bài dân chủ tự do để can thiệp vào nội bộ các nước khi quyền lợi bị xâm phạm!

Trong thời gian gần đây, Liên Phi muốn có tiếng nói mạnh đối với vấn đề tại các nước Phi Châu. Tuy nhiên, họ hoàn toàn tỏ ra bất lực. Madagascar, Ivory Coast là những thí dụ điển hình. Ở Ivory Coast, Liên Phi đã thành lập một ủy ban gồm nguyên thủ 5 nước để hòa giải tranh chấp hậu bầu cử giữa Tổng thống Laurent Gbagbo và Tổng thống đắc cử Alassane Ouattara, nhưng không giải quyết được điều gì và Ivory Coast đang quay trở lại tình trạng nội chiến!

Hiện các nước Liên Phi gồm Nam Phi, Uganda, Mauritania và Cộng Hòa Congo đã thành lập một ủy ban tuyên bố liên hệ với hai bên để giải quyết cuộc khủng hoảng Libya! Các nước BRICS và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có khuynh hướng này, chống lại việc thiết lập vùng cấm bay và can thiệp quân sự của Tây Phương. Sau khi Liên đoàn Á Rập ủng hộ thiết lập vùng cấm bay, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố: “can thiệp của ngoại quốc, đặc biệt là can thiệp quân sự, chỉ làm cho vấn đề thêm trầm trọng. Cho nên, Thổ Nhĩ Kỳ coi việc can thiệp quân sự của NATO vào một nước khác hoàn toàn không có lợi, mà còn có thể tạo nên những hậu quả nguy hiểm”.

Chủ trương chống can thiệp quân sự của các nước BRICS là chủ trương lên án tử hình đối với cách mạng Libya và cách mạng trong thế giới Á Rập.

Nếu Libya bị tắm máu, hay bị chế độ độc tài áp đặt một chế độ hà khắc hơn, không chỉ Liên Phi và các nước BRICS, mà Hoa Kỳ và các nước được coi là những nước bảo vệ dân chủ tự do cũng phải có trách nhiệm.

Cuộc cách mạng Libya bị chận đứng, phong trào cách mạng trong thế giới Á Rập có thể sẽ bị chận đứng bằng hình thức này hay hình thức khác.

Qua lịch sử, cách mạng dân chủ dù bị chận đứng cũng chỉ bị chận đứng tạm thời. Cuộc cách mạng 1848 ở Âu Châu đã nhanh chóng bị dập tắt, nhưng các chế độ quân chủ Âu Châu sau đó cũng lần lượt bị cáo chung. Cách mạng giải phóng thuộc địa phải kéo dài hàng thế kỷ. Cách mạng giải phóng khỏi ách cai trị của Cộng sản Đông Âu và Liên Xô cũng phải mất vài năm.

Cách mạng trong thế giới Á Rập hiện giờ nếu bị chận đứng, chắc chắn cũng chỉ là sự chận đứng tạm thời. Đáng tiếc là Hoa Kỳ và các nước Tây phương đã không thể có quyết định cần thiết.