Chuyện sách 2 |
Tác Giả: Nguyễn Hưng Quốc | ||||
Thứ Tư, 02 Tháng 3 Năm 2011 06:21 | ||||
Trong bài trước, tôi “khoe” là mình có khá nhiều sách báo. Chữ “khoe” để trong ngoặc kép vì hơi có chút mỉa mai. Mỉa mai vì gần đây, tôi rất ít đọc sách báo. Theo nghĩa truyền thống. Trước hết là báo. Trước, tôi có thói quen đặt mua dài hạn nhật báo tiếng Anh ở vùng tôi ở. Cuối tuần, tôi mua thêm một hai tờ khác nữa. Với tạp chí văn học bằng tiếng Anh, tôi cũng đặt mua dài hạn hai, ba tờ. Những lúc rảnh, tôi cũng thường lang thang trong thư viện, dừng lại ở khu tạp chí để đọc lướt qua tất cả các số báo mới liên quan đến văn học và Á châu học. Nhưng từ mấy năm nay, thói quen ấy giảm dần. Rồi mất hẳn. Tôi không còn mua báo nữa. Dù ngày nào tôi cũng đọc. Mỗi buổi sáng, thức dậy, hầu như bao giờ tôi cũng đọc lướt qua, trước hết, tờ The Age và tờ The Australian ở Úc, sau đó, tờ The New York Times và tờ Politico ở Mỹ, tờ Guardian ở Anh; rồi đến tờ Người Việt ở Califonia và một số tờ báo khác ở Việt Nam. Nhưng tất cả đều trên internet. Với các tạp chí chuyên môn cũng vậy. Tôi toàn đọc trên internet. Ở các đại học, những năm gần đây, báo chí thường được mua dưới hình thức ấn bản điện tử. Trong lãnh vực khoa học xã hội và nhân văn, có những nguồn như Academic Search Premier và Project MUSE cung cấp bài vở từ cả mấy trăm tờ tạp chí chuyên ngành khác nhau; một kho tàng tài liệu chắc chắn là phong phú hơn bất cứ một thư viện nào trên thế giới. Mà lại dễ tìm nữa. Chỉ mất một, hai phút, chúng ta có thể tìm thấy tất cả những gì chúng ta cần. Ví dụ, vào Project MUSE, đánh chữ “postmodernism” (chủ nghĩa hậu hiện đại), tôi thấy ngay có đến 6000 bài; ở Academic Search Premier, hơn 5000 bài. Trong tích tắc. Bỏ thói quen đọc báo và tạp chí giấy, nhưng tôi vẫn đọc sách. Có điều số lượng cứ giảm dần. Giảm dần. Nguyên nhân đầu tiên có lẽ do thư viện. Các thư viện đại học càng ngày càng mua nhiều sách điện tử. Vào thư mục, đánh bất cứ vấn đề gì thuộc loại “nóng”, những tên sách mới nhất, đứng trên cùng, bao giờ cũng thường ở dạng e-book. Lúc đầu, đọc, cũng hơi khó chịu. Nhưng không có lựa chọn nào khác. Rán. Riết thành quen. Sau, tôi đọc sách điện tử trên màn ảnh cũng không thấy gì khác với sách in theo lối truyền thống. Quen nhanh nhất là loại sách biên khảo. Nhưng rồi đọc thơ cũng vậy. Cũng thấy được chữ trôi và thở. Cũng nghe được hơi ấm từ chúng. Y như trên trang giấy. Rồi tôi mua một cái Kindle, một loại máy chuyên đọc sách điện tử. So với iPad, Kindle cổ điển hơn, ít chức năng hơn, không đẹp và tiện lợi bằng. Nhưng tôi thích Kindle vì chúng gần với sách hơn, ít có nguy cơ bị chia trí hơn: ở Kindle, chúng ta không thể làm gì khác ngoài việc đọc. Không thể vào internet. Không thể đọc hay viết email. Với Kindle, các chuyến đi xa trở thành nhẹ nhàng hơn hẳn. Trước, mỗi lần đi xa là một lần vất vả với sách. Đi càng lâu, sách càng nhiều. Nhưng không thể mang hết sách mình muốn và mình cần, nhất là đi máy bay với những quy định ngặt nghèo về trọng lượng hành lý. Bây giờ, trong chiếc Kindle nhỏ xíu, chỉ bằng một cuốn sách mỏng dưới một trăm trang, tôi có thể chứa hơn 200 cuốn sách. Tha hồ lựa và đọc. Bởi vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi số lượng sách điện tử càng ngày càng thịnh hành. Mãi lực của sách điện tử trong năm 2010 lên đến một tỉ. Người ta đoán đến năm 2015, nó sẽ là ba tỉ. Nhưng sách điện tử càng thịnh hành, sách in theo lối truyền thống lại càng gặp khó khăn. Mới đây, giữa tháng 2 năm 2011, hệ thống nhà sách Borders ở Mỹ khai phá sản một phần (nghĩa là, theo luật, vẫn được phép tiếp tục kinh doanh trong thời gian tìm cách trả nợ). Xin lưu ý: Được thành lập từ năm 1971, Borders là hệ thống nhà sách lớn thứ hai ở Mỹ (chỉ đứng sau Barnes & Noble), gồm 640 hiệu sách rải rác trong cả nước. Số hiệu sách do Borders làm chủ hoặc hợp tác với Borders trên khắp thế giới, kể cả nhiều nước ở Á châu, có lúc lên đến trên 1000. Có điều, năm 2006 là năm cuối cùng họ có lời. Sau đó là lỗ. Có năm lỗ cả tỉ đô. Và cuối cùng là phá sản. Dĩ nhiên, việc phá sản của các hiệu sách bán lẻ không phải chỉ vì sách điện tử. Thật ra số lượng sách điện tử hiện nay chưa nhiều đủ để cung ứng nhu cầu giải trí cũng như nghiên cứu của người đọc. Sát thủ chính ở đây là việc mua bán online. Mua sách ở Amazon.com rõ ràng là tiện và rẻ hơn ở các hiệu sách bán lẻ nhiều. Cứ tưởng tượng: một ngày nào đó, trên đường phố không còn, hoặc nếu còn, còn một cách vô cùng họa hoằn, các hiệu sách; và trong nhà của ngay giới trí thức, cũng không còn phòng sách hoặc kệ sách nữa. Buồn không? Chắc chắn là buồn. Lúc ấy, những người từng mê sách và từng bỏ tiền ra mua thật nhiều sách, hẳn sẽ ngậm ngùi ghê lắm. Cũng như trước đây có khá nhiều nhà văn mê máy đánh chữ. Họ tưởng họ sẽ không thể viết lách gì được nếu không được gõ lóc cóc trên bàn máy đánh chữ. Thế nhưng, khi các nhà sản xuất máy đánh chữ đóng cửa và các máy đánh chữ đồng loạt biến mất trên thị trường, tôi chỉ nghe, thật thưa thớt, vài lời than thở ngậm ngùi của một số nhà văn lão thành đã buông bút từ lâu. Còn quần chúng? Hình như không ai để ý cả. Trước những sự thay đổi của lịch sử, lòng ngậm ngùi thường rất yếu ớt. Và thường hoàn toàn bất lực. (GA 8/1/2011)
|