Xử phạt giới báo chí: Tội mơ hồ |
Tác Giả: Nguyễn Trọng Tạo | ||||
Thứ Tư, 02 Tháng 3 Năm 2011 06:09 | ||||
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký từ ngày 6 tháng Giêng Nghị định số 02/2011/NĐ-CP về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản” sẽ có hiệu lực từ ngày 25 tháng Hai năm 2011, trong đó có các nội dung: - Phạt từ một đến 40 triệu đồng đối với các phóng viên và báo chí vi phạm không tuân thủ các quy định của Luật Báo chí năm 1990 (Luật sửa đổi, bổ sung vào năm 1999) với yêu cầu “Thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân.” - Phạt đối với các nhà báo không viện dẫn nguồn tin trên báo chí với mức phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với các phóng viên và tờ báo trong trường hợp “Khai thác các văn kiện, tài liệu của tổ chức, tài liệu, thư riêng của cá nhân có liên quan đến các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật đang chờ kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không nêu rõ xuất xứ của các văn kiện, tài liệu, thư riêng.” Tội mơ hồ thứ nhất là “phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân”. Thế nào là “phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân”? Những vụ án mạng diễn ra hàng ngày, cắt người yêu thành từng khúc, vợ tẩm xăng đốt chồng, cha hiếp con đầy rẫy trên báo chí của Nhà nước có “phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân” không? Đòi lại chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa, thác Bản Giốc… của Việt Nam đầy rẫy trên các mạng cá nhân và cả của báo Nhà nước có “phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân” không? Phanh phui những vụ tham nhũng mờ ám, phản đối bọn “người lạ” (thực ra là Trung Quốc) bắt bớ, thủ tiêu ngư dân Việt trên biển chắc chắn là “phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân” tại sao báo chí chỉ được thông tin mập mờ? … Thiết nghĩ, mọi thông tin giả dối hay thiếu trung thực đều đi ngược lại đường lối báo chí của Đảng của Bác Hồ trước đây, ngược lại với bản chất của báo chí. Để chỉ rõ tính mơ hồ định tội của nghị định này, tôi tán thành ý kiến của ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu: “Những điều khoản mơ hồ và tùy tiện của Nghị định này là công thức cho quy trình tự kiểm duyệt rộng khắp. Lợi ích của đất nước và của nhân dân được phục vụ tốt nhất là để cho các nhà báo đăng thông tin trung thực, chứ không phải xử phạt họ.” Tội mơ hồ thứ hai là “các nhà báo không viện dẫn nguồn tin”. Thực ra mỗi nhà báo, mỗi tờ báo đều có trách nhiệm về việc đưa tin, chính họ là một nguồn tin để tạo nên uy tín báo chí của họ. Và họ có quyền “không viện dẫn nguồn tin” theo Luật Báo chí năm 1990, có ghi trong Điều 7: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”. Vậy thì tại sao Nghị định mới lại qui định ngược lại Luật Báo chí đã ban hành? Theo tôi chỉ cần phạt những nhà báo ăn cắp thông tin hoặc làm sai lạc thông tin của người khác mà thôi. Một Nhà nước được duy trì bằng pháp luật thì mọi người đều phải tuân thủ pháp luật, kể cả những người ra nghị định để thực thi pháp luật. Mà đã pháp luật thì không thể mơ hồ được. Pháp luật hay Nghị định dưới luật là để răn đe và xét xử, nhưng nếu cứ định tội mơ hồ như thế thì người dân (ở đây là nhà báo) biết đường đâu mà lần?
|