Home Tin Tức Bình Luận Quan hệ Mỹ - Pakistan chưa vượt qua sóng gió

Quan hệ Mỹ - Pakistan chưa vượt qua sóng gió PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Khanh, biên tập viên RFA   
Thứ Sáu, 08 Tháng 10 Năm 2010 09:28

Quan hệ giữa Pakistan và Hoa Kỳ đang ở trong giai đoạn được một số nhà quan sát xem là sóng gió nhất,

sau vụ máy bay trực thăng Mỹ bắn lầm giết chết 2 binh sĩ Pakistan.

 Photo courtesy of defense.gov /Phát ngôn viên Geoff Morrell của Bộ Quốc Phòng Mỹ tại buổi họp báo tại Lầu Năm Góc.

Mỹ cần xét lại chính sách

Lên tiếng trong cuộc họp báo thường lệ ở Washington, phát ngôn viên Geoff Morrell của Bộ Quốc Phòng Mỹ đưa ra lời phát biểu chứa đựng nọi dung trấn an mọi người, cho rằng dù có một vài trở ngại nhỏ xảy ra trong thời gian gần đây, nhưng quan hệ chiến lược giữa Hoa Kỳ và Pakistan vẫn tiến triển tốt đẹp, không có gì phải lo âu:

“Quả thật có trở ngại trong quan hệ, nhưng điều đó không có nghĩa là mối quan hệ cốt yếu của cả hai chính phủ đang gặp khó khăn. /Geoff Morrell
Nhưng mới chiều hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Pakistan lại đưa ra cái nhìn không được lạc quan như thế.

Cũng trước báo chí và cũng trong cuộc tiếp xúc thường lệ, ông Absul Basit cho hay rằng chính phủ Hoa Kỳ liên tục đưa máy bay không người lái vào không phận của Pakistan, vị phạm chủ quyền không phận của nước ông, tạo thêm bất lợi cho mối quan hệ mà cả hai bên đều đánh giá cao.

 Ông Basit nói thêm rằng việc làm của quân đội Mỹ không những chỉ gây trở ngại cho quan hệ chiến lược song phương, mà còn tạo trở ngại cho kế hoạch thu phục cảm tình của nhân dân Pakistan mà hai chính phủ đang theo đuổi. Ông nói thêm rằng đã đến lúc Washington “phải duyệt xét lại chính sách của họ”:

“Chúng tôi không đồng ý với những việc làm của phía Hoa Kỳ, và không phải chỉ lúc này mà từ lâu, chuyện này đã gây khó khăn cho mối quan hệ giữa hai nước.”

Các viên chức Islamabad cho biết chỉ trong tháng 9 vừa rồi, Hoa Kỳ đã thực hiện 26 vụ oanh kích bằng máy bay không người lái, khiến 149 thường dân Pakistan thiệt mạng. Nếu tính từ tháng Tám năm 2008  đến giờ, tổng cộng đã có 142 phi vụ tương tự được thực hiện, và con số dân Pakistan chết là 1.100 người.

Các viên chức của Lầu Năm Góc nhìn nhận quả thật có người dân không may thiệt mạng trong những vụ oanh kích mà Hoa Kỳ và đồng minh NATO thực hiện, nhưng con số không cao như Pakistan đưa ra, đồng thành quả đạt được cũng không phải là nhỏ.

Bằng chứng thường được nói đến là rất nhiều lãnh đạo của Al-Qaida và Taliban bị giết chết, trong đó có cả trùm khủng bố Baitullah Mehsud từng điều khiển các đường dây phá hoại an ninh Afghanistan.


 Thiếu tá Chris Field và súng M14 Enhanced Battle Rifle tại Dewagal Valley, huyện Chawkay, tỉnh Kunar, Afghanistan, ngày 26 tháng 9 năm 2010. DoD photo by Pfc. Cameron Boyd, U.S Army.

Nhưng trở ngại về quan hệ giữa Washington và Islamabad không ngừng ở đó mà sóng gió lại có vẻ gia tăng.

Đến hôm nay Pakistan vẫn chưa mở lại cửa khẩu biên giới với Afghanistan, cho dù biết cửa khẩu này rất quan trọng vì là đường tiếp tế cho binh sĩ Mỹ và NATO.

Lý do khiến Islamabad có quyết định cứng rắn như vậy là vì cuối tháng 9 vừa rồi, trực thăng của Hoa Kỳ bắn lầm giết chết 2 binh sĩ Pakistan.

Cuộc điều tra do Bộ Tư Lệnh Liên Quân ở Afghanistan thực hiện nói là chiếc trực thăng do binh sĩ Mỹ cầm lái bị súng từ dưới đất bắn lên nhiều lần trước, khi phi hành đoàn bắn rocket trả đũa vì nghĩ rằng bị Taliban hay Al-Qaida tấn công, không ngờ đơn vị dưới đất lại là đơn vị của quân đội nước bạn.

Dù kết quả cho thấy lỗi không hoàn toàn do các binh sĩ Mỹ gây nên, nhưng Đại Sứ Hoa Kỳ ở Islamabd là bà Anne Patterson đã ra thông cáo chính thức xin lỗi, nói thêm là tình huống xấu này có thể tránh được “nếu quân đội 2 nước làm việc chặt chẽ với nhau hơn”. Bản thông cáo mang chữ ký của Đại Tướng Tư Lệnh Chiến Trường David Petraeus cũng mang nội dung tương tự, cho hay sẽ hợp tác với chính phủ và quân đội Pakistan “để chuyện tương tự không xảy ra”.

Vai trò quan trọng của Islamabad

“Chúng tôi không đồng ý với những việc làm của phía Hoa Kỳ, và không phải chỉ lúc này mà từ lâu, chuyện này đã gây khó khăn cho mối quan hệ giữa hai nước. / Absul Basit

Các nhà quan sát chính trị nói đây không phải lần đầu tiên quan hệ giữa Hoa Kỳ và Pakistan gặp sóng gió. Trong một bài viết được đăng tải trên mạng của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế, chuyên gia Teresita Schaffer viết rằng từ những năm thập niên 1959, mối quan hệ song phương này đã có những khó khăn.

Điều quan trọng nhất, theo bà, là chiến lược mà Hoa Kỳ đưa ra để giải quyết cuộc chiến Afghanistan “sẽ không thực hiện được nếu không có sự tiếp tay của Islamabad”.

Điều bà Schaffer nói khiến mọi người liên tưởng ngay đến những gì đang xảy ra ở Kabul. Đầu tuần này, bản tin của nhật báo The Washington Post cho biết những cuộc tiếp xúc cấp cao giữa quân Taliban đang trú đóng ở Pakistan và đại diện của chính phủ Afghanistan đã bắt đầu.

Cũng theo tờ Post thì các cuộc gặp gỡ diễn ra với sự đồng ý của Tổng Thống Afghanistan là ông Hamid Karzai, và lãnh tụ Mohamad Omar của quân Taliban, nhằm chấm dứt cuộc chiến, định vị trí của Taliban trong chính trường Afghanistan sau khi Hoa Kỳ và NATO rút quân ra khỏi quốc gia này.

Kế hoạch hòa hợp hòa giải mà chính phủ của Tổng Thống Hamid Karzai thực hiện được sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ và các nước cấp viện cho Afghanistan.

Với Washington, một nước Afghaniatn ổn định sẽ giúp Tổng Thống Barack Obama dễ dàng hơn trong việc thực hiện chương trình rut quân kể từ tháng Bảy năm tới, với cộng đồng thế giới, một Afghanistan ổn định sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chánh mà các nước đang phải giúp đỡ cho Kabul để tái thiết đất nước sau thời chiến tranh.

Cuối tháng trước, Đại Tướng David Petraeus cũng nói là có một số tay súng của Taliban muốn quay về với chính phủ Kabul, hay ít nhất là không muốn chiến tranh nữa, và Hoa Kỳ cũng như NATO không chỉ ủng hộ Tổng Thống Hamid Karzai trong việc tìm cách nói chuyện trực tiếp với Taliban mà còn giúp đỡ dưới nhiều hình thức khác nhau để những cuộc tiếp xúc này thành hình.


 Quân đội Mỹ từ một điểm quan sát trong một phi vụ trinh sát khu vực ngoài quốc lộ 1 ở tỉnh Zabul, Afghanistan, ngày 1 tháng 10 năm 2010. DoD photo by Spc. Joshua Grenier, U.S. Army.

Nhưng ngay sau đó, nhật báo The Wall Street Journal lại đưa tin nói rằng cơ quan tình báo Pakistan đang gây áp lực với Taliban, không muốn lực lượng này đàm phán hòa bình với chính quyền của Tổng Thống Karzai.

Trích dẫn những nguồn tin khác nhau, tờ báo cho hay nhân viên tình báo Pakistan đe dọa sẽ không để yên cho Taliban nếu đòi hỏi của họ không được thi hành nghiêm chỉnh. Một lãnh tụ Taliban nói với tờ The Wall Street Journal rằng Pakistan muốn đẩy mạnh các hoạt động phá hoại, tiếp tục tạo bất ổn cho Afghanistan. Bài báo cũng nói là những tay súng Taliban bị bắt hay đã quy hàng chính phủ cũng khai báo tương tự.

Cùng lúc đó, tin từ Nhà Trắng cũng tiết lộ bản đánh giá mới nhất do các chuyên viên quân sự Mỹ thực hiện nói rằng quân đội và lực lượng an ninh tình báo của Pakistan không nỗ lực đúng mức trong việc giúp ổn định tình hình Afghanistan và diệt trừ các mầm mống khủng bố Al-Qaida hiện đang ẩn núp ở các vùng đồi núi dọc theo biên giới hai nước.

Phúc trình sẽ được đệ nạp cho Tổng Thống Mỹ đưa ra 2 giả thuyết, một là chính các tướng lãnh đang điều khiển ngành an ninh tình báo làm áp lực với Taliban, giả thuyết thứ hai là các viên chức tình báo cấp thấp của Pakistan chủ trương điều này, và cấp chỉ huy của họ biết nhưng làm ngơ.

Những sự kiện vừa nêu cho thấy vẫn còn nhiều trúc trắc trong quan hệ giữa hai nước, và trúc trắc đang xảy ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược Hoa Kỳ và NATO đang thực hiện ở chiến trường Afghanistan. Điều này khiến mọi người nhớ lại nhà phân tích Shuja Nawaz của Hội Đồng Đối Ngoại Đại Tây Dương từng nói Washington chỉ thành công ở Afghanistan với điều kiện “Pakistan phải là một nhân tố giúp giải quyết vấn đề chứ không phải là một trở ngại mà Hoa Kỳ phải giải quyết”.

Ngay lúc này, các giới chức hành pháp Mỹ khi được hỏi đều bảo họ không vội vã xem Pakistan là trở ngại, nhưng cũng chưa ai lên tiếng nói Pakistan đang đóng vai “nhân tố” như Hoa Kỳ mong đợi.