Home Tin Tức Bình Luận Việt Nam giữa trận chiến mậu dịch Mỹ-Hoa

Việt Nam giữa trận chiến mậu dịch Mỹ-Hoa PDF Print E-mail
Tác Giả: Việt Long & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA   
Thứ Tư, 06 Tháng 10 Năm 2010 13:00

Hôm 29 tháng 9, Hội đồng Tư vấn về Phòng vệ Thương mại thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức một cuộc hội thảo tại Hà Nội.


AFp photo/Philippe Lopez / Thống đốc bang California Arnold Schwarzenegger tại nhà máy cơ khí Zhenhua (ZPMC) ở Thượng Hải hôm 13 Tháng 9 năm 2010

Trong cuộc hội thảo, Hội đồng cảnh báo các doanh nghiệp xuất khẩu về nhiều khó khăn sẽ gặp khi Hoa Kỳ quyết định tăng cường luật lệ về chống bán phá giá và chống trợ giá.

Một tuần sau, Tổ chức Thương mại Thế giới WTO cũng kết luận sau kỳ kiểm tra thứ 10 về Chính sách Thương mại Hoa Kỳ, rằng Mỹ đang có xu hướng bảo hộ mậu dịch.

Đáng chú ý hơn cả trong chuỗi biến cố này là Việt Nam có thể sẽ bị kẹt trong những mâu thuẫn mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về nguy cơ đó trong phần trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa sẽ do Việt Long thực hiện sau đây.

Bảo hộ mậu dịch
Việt Long: Thứ tư tuần trước, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam được cảnh báo về những khó khăn đang xuất phát từ phía Hoa Kỳ vì những vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ giá xuất khẩu. Cũng vào hôm thứ tư đó, Hạ viện Mỹ biểu quyết đạo luật nhắm vào chế độ ngoại hối của Trung Quốc để đòi hỏi biện pháp trừng phạt.

Bây giờ, Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vừa tuyên bố là từ hai năm nay, Hoa Kỳ đang có xu hướng bảo hộ mậu dịch mạnh hơn và điều này gây bất lợi cho kinh tế thế giới. Vì vậy, chương trình chuyên đề tuần này đề nghị ông phân tích giúp hồ sơ rắc rối về mậu dịch và những mối nguy cho Việt Nam. Trước hết nhờ ông trình bày về phản ứng bảo hộ mậu dịch đang lên tại Hoa Kỳ.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi xin được nói về bối cảnh trước. Sản lượng kinh tế hàng năm của Mỹ là hơn 14.000 tỷ đô la, trong đó, tiêu thụ chiếm hơn 70%, là hơn 10.000 tỷ, bằng tổng số tiêu thụ của chín thị trường lớn nhất sau Hoa Kỳ. Dân Mỹ dùng 94% lợi tức của họ cho việc tiêu thụ nên thị trường Mỹ là nguồn sống cho nhiều nền kinh tế trên thế giới. Bây giờ, kinh tế Mỹ chưa phục hồi, dân Mỹ tiết giảm chi tiêu nên số nhập khẩu của Mỹ cũng sẽ giảm, đấy là một lẽ.

“Tới 53% dân Mỹ tin rằng các hiệp định tự do mậu dịch đã gây thiệt hại cho họ, một tỷ lệ gia tăng đến gần 20 điểm so với 20 năm trước. Đáng chú ý nhất là sự thay đổi lập trường của các thành phần có học và đang hành nghề tự do, xưa kia vẫn nhiệt thành ủng hộ tự do ngoại thương, nay cũng chống / Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Vào hoàn cảnh khó khăn đó, phản ứng bảo hộ mậu dịch nhằm bảo vệ quyền lợi của công nhân, công đoàn và doanh nghiệp Mỹ đã gia tăng, và từ đảng Dân Chủ còn lan sang đảng Cộng Hoà, xưa nay vẫn chủ trương phát huy tự do mậu dịch.

Ta nhớ là khi Hạ viện Mỹ biểu quyết đạo luật ngoại hối tuần trước, có 99 Dân biểu Cộng Hòa bỏ phiếu theo 249 Dân biểu Dân Chủ. Sở dĩ như vậy vì người Mỹ nói chung bây giờ hoài nghi lợi ích của tự do ngoại thương.

Đa số tới 53% dân Mỹ tin rằng các hiệp định tự do mậu dịch đã gây thiệt hại cho họ, một tỷ lệ gia tăng đến gần 20 điểm so với 20 năm trước. Đáng chú ý nhất là sự thay đổi lập trường của các thành phần có học và đang hành nghề tự do, xưa kia vẫn nhiệt thành ủng hộ tự do ngoại thương, nay cũng chống.

Thế rồi Quốc hội Mỹ trong tay đảng Dân Chủ càng đẩy mạnh xu hướng bảo hộ, và đình hoãn phê chuẩn các hiệp định tự do mậu dịch song phương Mỹ đã ký kết với nhiều quốc gia. Kế hoạch cứu nguy kinh tế năm ngoái trị giá hơn 800 tỷ còn gài nhiều điều khoản nâng đỡ việc dùng hàng nội hóa.

Từ Tháng Ba vừa qua, Tổng thống Obama lại ban hành quốc sách xuất khẩu để nhân đôi số xuất khẩu trong năm năm hầu tạo thêm hai triệu việc làm mới. Vì vậy, Hoa Kỳ quả là đang lui về phản ứng bảo hộ mậu dịch, cũng nguy hiểm như vào năm 1937, giữa vụ tổng khủng hoảng, khiến khủng hoảng còn kéo dài và lan rộng ra toàn cầu. Và vì đạt xuất siêu quá lớn với Hoa Kỳ do chính sách bảo hộ của mình, Trung Quốc đang được đặc biệt chiếu cố... Đó là về bối cảnh.

Việt Long: Trong bối cảnh đó, mâu thuẫn về mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tất yếu bùng nổ như ông có cảnh báo trong chương trình phát thanh vào cuối Tháng Tư. Nhưng vì sao Việt Nam cũng bị họa lây?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Việt Nam và Trung Quốc là hai nước hiếm hoi được Hoa Kỳ thỏa thuận cho gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO với điều kiện đặc miễn là chưa có nền kinh tế thị trường, hoặc vẫn có nền kinh tế "phi thị trường".

Khi giao dịch với nền kinh tế phi thị trường, doanh nghiệp và công đoàn của Mỹ mà bị thiệt hại là có thể kiện về nạn trợ giá xuất khẩu hoặc bán phá giá và các cơ quan hữu trách của bộ Thương mại Mỹ phải nạp hồ sơ qua Tổ chức WTO phán xét trong khuôn khổ luật lệ chống phá giá của WTO. Nhiều vụ kiện tụng như vậy đã xảy ra và phía Mỹ thường thắng.

 Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Xie Xuren trong buổi họp báo hàng năm của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Bali ngày 3 tháng 5 năm 2009. AFP photo

Việt Long: Ông vừa nói đến một khái niệm "kinh tế phi thị trường". Ông vui lòng giải thích rõ hơn, đó là gì, và vì sao có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Trên nguyên tắc, tất cả các thành viên của Tổ chức WTO đều chấp nhận cho nhau quy chế xưa kia ta gọi là "tối huệ quốc", bây giờ gọi là "mậu dịch bình thường", là đều có kinh tế tự do theo quy luật thị trường.

Nhưng ta nhớ là Đạo luật Thương mại Hoa Kỳ có sự đặc miễn cho các nền kinh tế cộng sản theo chế độ tập trung quản lý vì vậy họ mới có quy chế "tối huệ quốc" chấp nhận hàng năm và phải xin tái tục. Sau này, khi chế độ cộng sản phá sản và các nước cộng sản theo nhau cải cách theo kinh tế thị trường thì nhiều quốc gia vẫn còn ở vùng tranh tối tranh sáng, là chưa có kinh tế thị trường đích thực.

Thứ nữa, khi xin gia nhập WTO, mọi quốc gia đều phải thỏa mãn đòi hỏi của từng thành viên đã có mặt trong tổ chức. Trung Quốc và Việt Nam đã thương thảo với phía Hoa Kỳ và viện dẫn tình trạng kinh tế đang cải cách để xin đặc miễn một khoảng thời gian. Trung Quốc được Mỹ đồng ý cho gia nhập WTO vào năm 2001 với lời cam kết sẽ có nền kinh tế thị trường trong 15 năm.

Việt Nam được gia nhập năm 2007 với lời cam kết sẽ có kinh tế thị trường trong 12 năm. Tức là trong khi chờ đợi thì vẫn có kinh tế gọi là phi thị trường! Xin nói thêm là Liên hiệp Âu Châu cũng áp dụng quy tắc đó với các nền kinh tế đang chuyển qua chế độ tự do.

Mặt trái của sự việc là trong hạn kỳ được đặc miễn, các doanh nghiệp và cả công đoàn Mỹ có quyền kiện nếu nền kinh tế phi thị trường đó có biện pháp trợ giá xuất khẩu, hoặc bán phá giá. Họ chỉ cần thu thập đủ 25% ngành nghề liên hệ là có thể lập hồ sơ để Tổ chức WTO cứu xét.

Mà quốc gia bị kiện sẽ có trách nhiệm chứng minh là mình không bán phá giá hoặc không trợ giá. Bên nguyên đơn đi kiện thì có quyền đòi bộ Thương mại cho áp dụng một thuế biểu trừng phạt cao bằng mức trợ giá để đền bù thiệt hại. Trong không khí bảo hộ mậu dịch hiện nay tại Mỹ thì việc kiện tụng như vậy sẽ gia tăng và doanh nghiệp Việt Nam đang được cảnh báo về rủi ro đó.

Việt Nam cần thận trọng
Việt Long: Xin hỏi thêm về một chuyện rắc rối có thể là bất ngờ này, vì sau khi gia nhập Tổ chức WTO, Việt Nam đã tưởng rằng mình bắt đầu bơi ra biển lớn cùng đa số các quốc gia khác. Vì sao bây giờ lại có chuyện kinh tế phi thị trường và vì quy chế phi thị trường đó mà dễ bị kiện?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ta đang sờ vào một con dao hai lưỡi mà chính quyền trước đây cứ tưởng là mình khôn và ngày nay làm cho người dân bị đứt tay.

Hoa Kỳ định nghĩa nền "kinh tế phi thi trường" - non market economy - là khi chính quyền lấy các quyết định trực tiếp ảnh hưởng đến quy luật cung cầu tự do trong nền kinh tế quốc dân. Cụ thể là khi chính phủ xứ đó đề ra những chỉ tiêu và định mức về sản lượng, về giá cả, về phí tổn sản xuất, về nguyên nhiên vật liệu, lương bổng, ngoại thương và phân bố phương tiện đầu tư, kể cả đất đai.

Khi can thiệp vào kinh tế như vậy thì chính phủ có thể thực tế trợ giá xuất khẩu hoặc bán phá giá và gây thiệt hại cho doanh nghiệp Mỹ. Đó là về phía Mỹ, với luật lệ công bố rõ ràng.


 Ủy viên tham vấn tiền tệ & kinh tế EU Olli Rehn (T) và Ủy viên thương mại & dịch vụ EU Michel Barnier (P) thảo luận trong phiên họp quốc hội ở Strasbourg hôm 6/7/2010. AFP PHOTO

 Việt Long: Đó là về phía Hoa Kỳ. Về phía Việt Nam hay Trung Quốc thì sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Phía chính quyền Việt Nam cứ tưởng rằng khôn khi đề ra bi hài kịch "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Thực tế thì vẫn can thiệp vào thị trường lao động, lương bổng, như vẫn duy trì chế độ "nhà nước thống nhất quản lý" về đất đai. Đã thế, Việt Nam còn tăng cường doanh nghiệp nhà nước làm khu vực chủ đạo của kinh tế quốc dân với qua các tổng công ty và tập đoàn kinh doanh chiến lược.

Và đảng viên cán bộ vẫn nắm phần chủ chốt trong hệ thống thu mua để xuất khẩu. Những đòn phép theo kiểu chẵn lẻ gì cũng ăn như vậy chỉ củng cố vai trò của đảng và nhà nước trong kinh tế, nhưng thực tế lại kéo dài tình trạng phi thị trường của kinh tế và để hở lưng cho người ta kiện!

Trung Quốc cũng không khác, thí dụ như với chế độ kiểm soát ngoại hối và đông lạnh tiền tệ để thu về ngoại tệ cho nhà nước tung hoành và gây khó với Mỹ mà ta đã trình bày tháng trước.

Nhờ đi trước Việt Nam, Trung Quốc biết là mình hố nên ngay từ năm 2004 đã cố vận động các nước khác công nhận là mình đã có kinh tế thị trường - và nay có 80 nước công nhận như vậy. Nhưng họ phải đợi đến kỳ hạn 2016 là 15 năm sau khi gia nhập WTO.

 Còn Việt Nam thì khoe là có 22 quốc gia công nhận mình đã có nền kinh tế thị trường, nhưng vô hiệu, và vẫn tạo cơ hội cho nhiều vụ kiện tụng triền miên về nạn trợ giá hay phá giá.

Tôi xin được nói thêm hai điều đáng suy nghĩ. Liên bang Nga đang xin gia nhập Tổ chức WTO mà đã được Hoa Kỳ công nhận là đã có nền kinh tế thị trường. Thứ hai, chính Liên hiệp Âu Châu đã đi bước đầu trong những vụ khiếu nại kể từ năm 2006.

Hoa Kỳ chỉ dùng ngón võ chống trợ giá và bán phá giá từ năm 2008 trở đi. Bây giờ, cả hai khối kinh tế Âu và Mỹ đều cần gia tăng xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu thì chuyện kiện tụng như vậy sẽ chỉ tăng chứ không giảm.

“Sau khi bị áp dụng chế độ mà họ gọi là "phản thiếp bổ thuế" là bị thuế bổ túc vì bán phá giá, Trung Quốc tìm cách tuồn hàng qua Việt Nam với phần đóng góp phụ trội rất thấp của Việt Nam, chủ yếu chỉ để vượt ải quan tràn vào thị trường Âu-Mỹ. / Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Ta không nên đơn giản quy tội cho Mỹ là có ác ý và ngang ngược mà nên hỏi lại vì sao Âu Châu cũng chú ý đến vụ áo quần giày dép hay xe đạp bán cho họ theo kiểu cạnh tranh bất chính? Đáng chú ý hơn nữa là khi Âu Châu nghi Việt Nam bán cho họ sản phẩm của Trung Quốc với thương hiệu giả là "chế tạo tại Việt Nam".

Việt Long: Hẳn nhiên là chính vì thế mà trong kỳ hội thảo vừa qua ở Hà Nội, các doanh nghiệp Việt Nam cũng được các luật gia tư vấn cảnh báo là nên thận trọng với các nghiệp vụ đầu tư từ Trung Quốc mà chỉ để xuất khẩu các mặt hàng thật sự chế tạo tại Trung Quốc với thương hiệu "made in Việt Nam" .

Nguyễn Xuân Nghĩa: Sau khi bị áp dụng chế độ mà họ gọi là "phản thiếp bổ thuế" là bị thuế bổ túc vì bán phá giá, Trung Quốc tìm cách tuồn hàng qua Việt Nam với phần đóng góp phụ trội rất thấp của Việt Nam, chủ yếu chỉ để vượt ải quan tràn vào thị trường Âu-Mỹ.

Chẳng hạn như Âu Châu thấy Việt Nam đột ngột gia tăng xuất khẩu xe đạp và xin chứng chỉ về xuất xứ còn nhiều hơn sản lượng của mình.

Người ta phải kết luận là chính đảng viên cán bộ đã toa rập trong chuyện làm chứng từ gian để buôn chui bán lậu ra ngoài hàng hóa bị chặn của Trung Quốc. Trong vụ này, Việt Nam đã hai lần chơi dại và doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị kẹt giữa hai lằn đạn.

Thứ nhất, khi giao dịch với Hoa Kỳ, Việt Nam bán nhiều hơn mua được 10 tỷ đô la, lại bị nhập siêu cũng 10 tỷ với Trung Quốc. Tức là lời bao nhiêu với Mỹ thì lại nộp cho Tầu bấy nhiêu. Chỉ vì Việt Nam nhập khẩu nguyên vật liệu Trung Quốc về làm gia công và biến kinh tế Việt Nam thành chi nhánh của Trung Quốc. Bị lệ thuộc về kinh tế là như vậy.

Thứ hai, khi Trung Quốc bị Hoa Kỳ gây áp lực vì cạnh tranh bất chính thì Việt Nam lại muốn xả sức ép cho Trung Quốc theo kiểu buôn lậu hàng Trung Quốc. Như vậy, Mỹ và Âu Châu càng ngần ngại nâng đỡ Việt Nam và rà soát kỹ hơn việc xuất khẩu của Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng người dân phải được biết về mối nguy đó và chính quyền phải cải cách thật và cố hoàn tất các hiệp định thương mại tự do song phương với Âu Châu và Hoa Kỳ thì mới tránh được tai họa.