Home Phiếm Các Tác Giả Nghệ sĩ Văn Chung từng làm cảnh sát ở Ðô Thành

Nghệ sĩ Văn Chung từng làm cảnh sát ở Ðô Thành PDF Print E-mail
Tác Giả: Ngành Mai   
Thứ Ba, 16 Tháng 2 Năm 2010 14:22

Chuyện trong làng sân khấu

 Trong một cảnh của vở tuồng màu sắc trên sân khấu Kim Chung, kép Văn Chung ( giữa) bên trái là nghệ sĩ Kim Nguyên vai chánh, bên phải là Quang Hữu. (Hình: Ngành Mai sưu tầm)

 Cuộc đời nghệ thuật của nghệ sĩ Văn Chung khởi đi từ đờn ca tài tử ở Chợ Quán, và quanh quẩn khu vực phía bên này cầu Chữ Y, nơi mà rất nhiều ca sĩ miền Lục Tỉnh lên đây lánh nạn chiến tranh. Thời gian đầu này người ta còn gọi ông là “Sáu Nancy”, còn nghệ danh Văn Chung thì về sau được lên đài phát thanh mới có.

Sau gần bốn năm làm kiểm soát viên ở hãng xe điện, đến khoảng 1950 thì Sáu Nancy đổi nghề bằng cách gia nhập vào ngành cảnh sát và được chuyển sang làm việc nơi văn phòng Vi Cảnh. Cùng làm việc với Văn Chung có cảnh sát viên tên Quách Kim Quang, vốn cũng có một tâm hồn nghệ sĩ, thấy Sáu Nancy cũng thật có tài, nên Quang mới giới thiệu Văn Chung lên đài Pháp Á. Lần đầu tiên qua làn sóng phát thanh, giọng ca Văn-Chung với bài vọng cổ “Nỗi Lòng Trần Khắc Chung” được truyền đi, và cái biệt danh Sáu Nancy lui dần về dĩ vãng, nhường chỗ cho cái tên Văn Chung được xướng ngôn viên của đài Pháp Á giới thiệu với thính giả.

Thời gian ca ở đài, Văn Chung được nghệ sĩ Quang Phục mời gia nhập ban kịch Việt Tân, nhờ vậy Văn Chung có dịp làm quen với Út Bạch Lan, Văn Lục (danh ca Văn Lục từng đi Pháp thu dĩa hát Con Tấm Con Cám). Trụ sở đài phát thanh Pháp Á ở đường Boulevard de La Somme (đường Hàm Nghi sau này). Cạnh đó có hãng dĩa hát Việt Nam, Văn Chung được ông Văn Bình (chồng của cô Ba Trà Vinh) giới thiệu thu dĩa, và ông đã cùng với cô Ba Trà Vinh thu thanh bộ dĩa “Tiếng Gọi Quốc Hồn” nhờ đó mà thính giả nhiều người đã biết đến Văn Chung.

Bên hãng dĩa Hoành Sơn của ông Ba Bản mời Út Trà Ôn thu bộ dĩa đầu tiên “Ngày Về Cố Quận”, kế đó là bộ dĩa” Sầu Vương Biên Ải” và tiếp tục thu từ bộ dĩa này đến bộ dĩa khác, ước chừng khoảng 30 bộ.
Thế nhưng, hãng dĩa Việt Nam sau khi phát hành bộ dĩa “Tiếng Gọi Quốc Hồn” lại không mời Văn Chung và cô Ba Trà Vinh thu dĩa thêm nữa, mà thay đó hãng dĩa đã mời vua xàng xê Minh Chí, Xuân Liễu, Quang Phục, cô Năm Cần Thơ thu nhiều bộ dĩa như: Anh Hùng Liệt Nữ, Máu Thấm Tần Hoàng Ðảo, Ðường Về Tổ Quốc... Riêng cô Năm Cần Thơ thì còn được mời thu dĩa “Con Chim Họa Mi” (ca độc chiếc). Tóm lại về địa hạt dĩa hát thì Văn Chung chẳng bao nhiêu thành tích, có lẽ do bởi giọng ca vọng cổ không thu hút được người nghe. Phải chi lúc ấy mà nghệ thuật cải lương tìm thấy chất “hề” đặc sắc của ông, thì chắc là tên tuổi Văn Chung vang lừng từ trước chớ không phải đợi đến nhiều năm sau.

Tuy chưa khai thác tài năng Văn Chung đúng mức, nhưng lúc bấy giờ so với những bậc đàn anh thì Văn Chung được kể như tài năng trẻ, nên danh ca Tám Thưa đã mời Văn Chung gia nhập “Ban Việt Nam Cổ Nhạc Kịch Ðoàn” để cùng trình diễn với Bảy Quới, Ba Nguơn, Sáu Vị và 2 nữ danh ca Ba Bến Tre, Ba Trà Vinh (Tám Thưa có chương trình ở đài phát thanh Quốc Gia).

Tuy vậy, ban chỉ hát tuồng ở đài rồi phát đi cho thính giả nghe tiếng chớ không ai thấy diễn thế nào như hát trên sân khấu. Qua làn sóng phát thanh thính giả nghe Văn Chung có vai trò trong vở hát “Ngọn Cỏ Gió Ðùa” của soạn giả Duy Lân, và tiếp đó người ta lại nghe Văn Chung trong tuồng “Tội Của Ai” của soạn giả Năm Châu. Cũng trong vở hát “ Tội Của Ai” mà Văn Chung gặp Thanh Hương và chẳng bao lâu thì tình đồng nghiệp đổi ra tình vợ chồng.

Ðiều cũng nói rõ thêm là tuy ca hát diễn tuồng ở đài phát thanh suốt mấy năm, nhưng Văn Chung vẫn còn ăn lương cảnh sát, nói rõ hơn là chỉ những giờ không có đi làm việc thì mới có mặt ở nơi ca hát mà thôi. Mãi đến khi bắt đầu lên sân khấu ở gánh Thanh Minh, biết mình hát được Văn Chung mới làm đơn xin thôi việc.
Về phần nữ nghệ sĩ Thanh Hương thì cô đào mang dòng máu nghệ sĩ này có giọng ca ngọt ngào ngang ngửa với Út Bạch Lan, nhưng do hoàn cảnh đoàn hát phải hoạt động cách xa Thủ Ðô Sài Gòn, nên giọng ca Thanh Hương bị quên dần không được khai thác nhiều như nàng Út.

Là con của đôi nghệ sĩ lừng danh Năm Châu và Tư Sạng, đào Thanh Hương tên thật là Nguyễn Thị Thanh Hương sinh năm 1936 tại Chợ Lớn. Là một cô đào cổ nhạc có căn bản học thức khá nhất trong giới nữ ca kịch sĩ cải lương: Năm thứ tư ban Trung Học trường áo tím Gia Long. Tuy còn ham học và hằng tha thiết thi đỗ bằng tú tài, nhưng Thanh Hương phải cam lìa bỏ mái trường yêu mến, vì mẹ nàng thọ bịnh trầm trọng cần có đứa con chăm sóc thuốc men.

Lúc bé, khi mới 13 tuổi Thanh Hương đã biết ca chắc nhịp, ngoài ra còn biết đờn lục huyền cầm, nhưng mẹ nàng lại nghiêm cấm không được ham đàn ham hát, không muốn nàng theo cái nghiệp cầm ca, nhưng trong giòng máu có “chất” nghệ sĩ thì làm sao có thể gián đoạn.

Sau khi rời bỏ ghế nhà trường, Thanh Hương vào làm caissière cho một hiệu buôn lớn ở đường Catinat với số lương 1,200 đồng mỗi tháng. Nhờ nói tiếng Pháp trôi chảy, chủ nhân hiệu buôn hứa sẽ tăng lương thêm nữa, nhưng Thanh Hương vẫn không thích nghề tư chức, tuy rằng hồi ấy số tiền lương kia to lắm đối với nàng.