Home Lịch Sử VN Khảo Cứu Cuốn sách bị cộng sản nguyền rủa

Cuốn sách bị cộng sản nguyền rủa PDF Print E-mail
Tác Giả: Felix   
Thứ Năm, 01 Tháng 10 Năm 2009 04:25

Cách đây không lâu, qua sự giới thiệu của một người bà con đang sống tại Pháp, tôi đã đặt mua cuốn sách Le Livre Noir Du Communisme từ Pháp.

 

Sau khi đọc cuốn sách này, ý nghĩ đầu tiên của tôi là dịch nó ra tiếng Việt để gọi là góp phần đánh đổ cái “rác rưởi” được mệnh danh là chủ nghĩa cộng sản, đang hàng ngày hàng giờ gây ô nhiễm và tàn phá trên quê hương tôi. Nhưng sau cùng, khi cân nhắc đến quỹ thời gian và cả đến khả năng của mình, tôi đã phải từ bỏ ý định đó, cuốn sách quá dày! Nhưng khi có thể được tôi vẫn không quên giới thiệu cho những người quen, bạn bè về cuốn sách này, chỉ tiếc là những người mà tôi giới thiệu đều hạn chế về tiếng Pháp mà lúc đó lại chưa có bản dịch tiếng Anh. Nhưng nay thì ấn bản tiếng Anh, do 2 dịch giả Jonathan Murphy và Mark Kramer thực hiện, đã được ấn hành, nên đã đến lúc tôi xin được trân trọng giới thiệu đến quý vị cuốn sách rất hay này dựa theo lời giới thiệu trên trang web của Đại học Havard (The Black Book of Communism: Crimes, Terror, Repression, Harvard University Press, 1999, hardcover, 858 pages, ISBN 0-674-07608-7).

Cuốn sách cung cấp nhiều tài liệu quý và các nhân chứng sống, đã là một sự tố cáo không thể chối cãi về sự tàn ác và phi nhân của cái gọi là chủ nghĩa cộng sản. Những tài liệu được tham khảo để xây dựng nên cuốn sách là của chính các “tác giả” cộng sản, do đó không thể cho rằng đó là sự “bịa đặt với dụng ý xấu” mà các chế độ cộng sản (nhất là tập đoàn cộng sản Vietnam) thường hay chối cãi! Đây là cuốn sách xứng đáng chiếm một chỗ trang trọng trong tủ sách của quý vị!

Vào cuối năm 1997, nhà xuất bản danh tiếng của Pháp, Robert Laffont, đã ấn hành cuốn sách Le Livre Noir Du Communisme (Sách Đen Về Chủ Nghĩa Cộng Sản), một cuốn sách khảo cứu dày 850 trang bao quát toàn bộ về chủ nghĩa Cộng Sản trong thế kỷ 20. Đóng góp vào cuốn sách này là những học giả nổi tiếng nhất của Đông và Tây Âu, những người đã dày công nghiên cứu trong các tài liệu vừa mới phát hiện được.

 
The Black Book of Communism: Crimes, Terror, Repression
Nguồn: Harvard University Press, 
 

Những quốc gia đã từng sống (hoặc vẫn đang còn sống) dưới chủ nghĩa Cộng sản ‒ Liên Sô, các nước Đông Âu, Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn, Cambodia, Lào, Cuba, Mông Cổ, v.v... ‒ đều được nhắc đến trong cuốn sách này. Cuốn sách cũng đề cập đến rất nhiều chi tiết rợn người được trích từ những tài liệu chưa hề được công bố trong các nước cựu cộng sản.

Le Livre Noir Du Communisme mở đầu bằng bài viết giới thiệu dài 38 trang, Les Crimes Du Communisme (Tội Ác Của Chủ Nghĩa Cộng Sản), của biên tập viên Stephane Courtois. Bài giới thiệu này và kết luận của nó (cũng của Stephane Courtois) đã là nguyên nhân của nhiều cuộc bút chiến dữ dội tại Pháp. Một vài nhà trí thức và chính trị gia hàng đầu của Pháp, đặc biệt với những người có mối quan hệ hoặc có cảm tình với đảng Cộng Sản Pháp, đã cho rằng Courtois đã đi quá xa khi khẳng định chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Nazi là những hệ thống quyền lực dựa trên sự khủng bố bạo lực. Một số người khác lại cho rằng Courtois đã phóng đại quá lố những sự kiện trấn áp bằng bạo lực với người dân trong các chế độ cộng sản. Courtois và nhiều nhà trí thức khác đã trả lời bằng nhiều loạt bài bút chiến nảy lửa trên báo chí Pháp và các tập san nghiên cứu hàn lâm.

800 trang sách còn lại được chia thành 5 chương.

Chương đầu tiên gồm 250 trang được viết bởi sử gia danh tiếng của Pháp Nicolas Werth, Un Etat Contre Son Peuple: Violences, Repressions, Terreurs En Union Sovietique (Một Quốc Gia Chống Lại Chính Nhân Dân Của Mình: Bạo Lực, Đàn Áp Và Khủng Bố Tại Liên Bang Soviet), dựa vào rất nhiều những dữ kiện mới được bạch hóa gần đây. Chương này được chia thành 15 phần mở đầu với bài viết Paradoxes Et Malentendus D’Octobre (Những Nghịch Lý Và Ngộ Nhận Về Tháng Mười) tường thuật toàn bộ mọi giai đoạn khủng bố khốc liệt của người Bolshevik, các đao phủ của Stalin và cả các biến cố xảy ra sau cái chết của Josef Stalin.

Chương thứ hai dày 100 trang đã đào sâu nghiên cứu về khối Komintern và vai trò của Liên Sô trong các phong trào cộng sản thế giới, Revolution Mondiale, Guerre Civile Et Terreur (Cuộc Cách Mạng Thế Giới, Nội Chiến Và Khủng Bố), do Stephane Courtois, Jean Louis Panne và Remi Kauffer cùng viết. Chương này được chia làm 3 phần, Le Komintern De L’Action (Những Hoạt Động Của Khối Komintern) của Courtois và Panne, L’Ombre Portee Du NKVD En L’Espagne (Cái Bóng Của NKVD Tại Tây Ban Nha) của Courtois và Panne và Communisme Et Terrorisme (Chủ Nghĩa Cộng Sản Và Chủ Nghĩa Khủng Bố) của Kauffer.

Chương thứ 3, L’Autre Europe: Victime Du Communisme (Một Châu Âu khác: Nạn Nhân Của Chủ Nghĩa Cộng Sản), dày 100 trang cung cấp một cái nhìn về chủ nghĩa cộng sản tại Đông Âu. Tác giả phần thứ nhất chuyên khảo về Ba Lan, là một sử gia nổi tiếng nhất của Ba Lan, Andrzej Paczkowski, người đã giúp rất nhiều cho các học giả Tây Phương tiếp cận được với kho lưu trữ tài liệu của Ba Lan. Phần thứ hai, dày gần 70 trang do một sử gia danh tiếng khác của Tiệp Khắc, Karel Bartooek, viết về phần còn lại của các nước cựu cộng sản ở Trung Âu và vùng Balkans. Hai phần này đã cung cấp cho độc giả một lượng định phong phú và đa dạng về phong trào tập thể hóa và Soviet hóa tại các nước Đông Âu, dựa trên những tài liệu mới được bạch hóa.

Chương thứ tư, Communismes D’Asie: Entre Reeducation Et Masacre (Chủ Nghĩa Cộng Sản Tại Châu Á: Giữa Sự Cải Tạo Và Tàn Sát), tập trung vào các nước Đông Á (Trung Quốc, Bắc Hàn, Việt Nam, Lào và Cambodia). Chương này được chia thành 3 phần. Phần đầu dày khoảng 100 trang, tác giả là một sử gia danh tiếng của Pháp, Jean-Louis Margolin, khảo cứu về Trung Quốc dưới triều đại Mao Trạch Đông. Phần này cũng đề cập đến cuộc nội chiến ở Trung Quốc cũng như các sự kiện quan trọng trong lịch sử Trung Quốc diễn ra sau năm 1949 (Cuộc Đại Nhảy Vọt, cuộc Cách Mạng Văn Hóa, v.v...) và sự xâm lăng Tây Tạng. 30 trang kế tiếp, cũng do Margolin viết, tập trung vào Bắc Hàn, Việt Nam và Lào. Phần thứ 3, tác giả là nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về Cambodia, Pierre Rigoulot, giới thiệu một toàn cảnh về Cambodia dưới ách Khmer Đỏ.

Chương cuối cùng, Le Tiers Monde (Thế Giới Thứ Ba), bàn về các chế độ cộng sản ở các vùng lãnh thổ khác thuộc thế giới thứ 3. Chương này cũng được chia thành 3 phần. Phần đầu, do Pascal Fontaine viết, dày 35 trang khảo sát về Cuba, Nicaragua (dưới chế độ Sandinista) và phong trào Sendero Luminoso (Con Đường Sáng) tại Peru. Phần thứ 2, dày 30 trang viết về các nước cộng sản (hoặc cựu cộng sản) tại Châu Phi ‒ Ethiopia, Angola và Mozambique ‒ do nhà nghiên cứu hàng đầu về Châu Phi của Pháp, Yves Santamariabe, viết. Phần thứ 3, dày 25 trang phân tích về Afghanistan từ cuối thập niên 70 đến đầu thập niên 90; tác giả là Sylvain Boulouque.

Cuốn sách chấm dứt bằng 30 trang kết luận của Stephane Courtois với tựa đề Pourquoi? (Tại Sao?), là một cố gắng để thấu hiểu về những tàn phá và khủng bố được hệ thống hóa trong 800 trang trước đó. Courtois cho rằng mặc dù được giải tỏa rất nhiều do sự phanh phui các tài liệu mật dưới thời cộng sản (vốn vẫn giữ bí mật mãi cho đến gần đây) đã dẫn đến sự hiểu biết tốt hơn về các sự kiện phức tạp... Câu hỏi căn bản của vấn đề vẫn còn y nguyên: Tại Sao? Tại sao chủ nghĩa cộng sản hiện đại, khi xuất hiện vào năm 1917, lại ngay tức khắc trở thành một ách độc tài khát máu và một thể chế của tội phạm? Phải chăng các cứu cánh mà chủ nghĩa này hướng tới chỉ có thể đạt được thông qua bạo lực tối đa?

Với sự phân tích chi tiết về vấn đề làm thế nào các phương cách khủng bố bạo lực lại trở thành một lối sống dưới thời Lenin và Stalin, Courtois kết luận rằng “động cơ thực sự của sự khủng bố cực độ này chính là tư tưởng của Lenin, và ý chí ngông cuồng của một thiểu số cầm quyền muốn áp đặt cho dân chúng một học thuyết hoàn toàn xa lạ với thực tiễn.” Tư tưởng toàn trị này, Courtois khẳng định, đã gây nên sự tàn sát không thương tiếc tất cả những ai được cho là sự cản trở cho sự hình thành chế độ mới “... Những người đối địch đầu tiên được dán cái nhãn kẻ thù của nhân dân, sau đó là cái nhãn tội phạm, và phải được loại bỏ khỏi xã hội. Sự loại bỏ nhanh chóng được hiểu là sự thủ tiêu.” Quan điểm căn bản này, ông viết, đã hiện diện “dưới những múc độ khác nhau, trong tất cả các chế độ tự xung là cộng sản.”

Ngoài bài giới thiệu, 5 chương sách và bài kết luận, cuốn sách còn cung cấp các bản văn hoặc các tài liệu mới được bạch hóa (và, đặc biệt có vài tài liệu chưa hề được ấn hành) như là nguồn tham khảo. Những tài liệu được trích dẫn đều dưới dạng bản dịch qua tiếng Pháp, nhưng nhà xuất bản Pháp cũng cung cấp các bản copy bằng ngôn ngữ nguyên bản để cho phép dịch chúng ra tiếng Anh.

 

The Black Book of Communism: Crimes, Terror, Repression
Nguồn: Harvard University Press, 
 


Những tài liệu này bao gồm như chỉ thị về cuộc đàn áp đẫm máu cuộc nổi dậy của Tambov năm 1921, thư từ trao đổi giữa Stalin và nhà văn Mikhail Sholokhov, biên bản về các cuộc hỏi cung trong thời Đại Thanh Trừng của Liên Sô, bảo cáo về vài cuộc xử án tiêu biểu tại Liên Sô và các nước Đông Âu, chỉ thị về sự xử tử các sĩ quan Ba Lan tại khu rừng Katyn năm 1940, nghị quyết về sự trục xuất các chủng tộc thiểu số tại Liên Sô, báo cáo từ các trưởng trại tù khổ sai ở Siberia, nhiều tài liệu về các hoạt động của đảng Cộng Sản Pháp, tài liệu về sự đối xử với các tù binh tại Liên Sô, các báo cáo về các hoạt động của du kích cộng sản trong cuộc nội chiến tại Hy Lạp, tài liệu về sự dính líu của cơ quan an ninh Đông Đức với tên trùm khủng bố Carlos, các báo cáo về sự áp chế cưỡng bức đối với các tín đồ tôn giáo, các chỉ thị được cơ quan mật vụ các nước Đông Âu ban hành, báo cáo về sự đàn áp chính trị tại Romania và Trung Quốc, các tài liệu về các nhà tù và trại lao động khổ sai ở Trung Quốc, báo cáo và chỉ thị trong cuộc Đại Nhảy Vọt và Cách Mạng Văn Hóa ở Trung Quốc, và còn nhiều nữa.