Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Các Nhân Vật Tổng thống Ngô Đình Diệm (Phần 1)

Tổng thống Ngô Đình Diệm (Phần 1) PDF Print E-mail
Tác Giả: Hà Minh Thảo   
Thứ Tư, 02 Tháng 11 Năm 2011 06:01

Chí sĩ Ngô Đình Diệm (1901–1963) là một chính trị gia lãnh đạo quốc dân Việt. Người là Thủ tướng cuối cùng của Quốc gia Việt Nam và là Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa.

BÀI 1. THỜI GIAN TRƯỚC KHI CHẤP CHÁNH NĂM 1954.

            Tổng thống Ngô Đình Diệm

« Điều mà tôi cảm thấy hãnh diện nhất là được phục vụ bên cạnh Tổng thống Ngô Đình Diệm, được ông thương mến và tin cậy. Lúc đó, tôi chỉ là một sĩ quan mang cấp bực Thiếu tá, đảm nhận một vai trò nhỏ bé trong Lữ đoàn Liên minh Phòng vệ Phủ Tổng thống. Nhờ cơ duyên này, tôi được biết rõ Tổng thống là một người rất đạo đức và liêm chính, lại kèm theo một nếp sống thật giản dị, khiêm nhường. Trong những năm tháng được gần ông, tôi chưa từng thấy ông đòi hỏi riêng gì cho cá nhân mình, mà chỉ thấy lúc nào ông cũng ưu tư lo cho dân, cho nước. Đối với tôi, Tổng thống Ngô Đình Diệm, người khai sáng ra nền Đệ nhất Cộng hòa, xứng đáng là một vị lãnh đạo chân chính, đã có công bảo vệ và đem lại nền độc lập và tự do thực sự cho Miền Nam Việt Nam. Tiếc thay, trước những biến đổi của tình hình chính trị, qua tham vọng của một số tướng lãnh, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã bị thảm sát trong cuộc đảo chính ngày 01.11.1963 Ừ. Đó là những dòng chữ mà Đại tá Nguyễn Hữu Duệ đã viết trong sách ‘Nhớ lại những ngày ở cạnh Tổng thống Ngô Đình Diệm’.

Thật là điều hạnh phúc cho chúng ta, những đồng bào của Tổng thống, được sống trên Quê hương, dưới sự lãnh đạo của Người trong hơn 9 năm từ ngày 07.07.1954 đến 01.11.1963.

Nhân ngày Lễ Giỗ lần thứ 48 của vị Sáng lập Nền Cộng hòa Việt Nam, chúng ta tưởng nhớ Tổng thống đã vị quốc vong thân.

Khi Tổng thống và bào đệ Ngô đình Nhu còn yên nghỉ tại nghĩa trang Mạc đỉnh Chi, sáng ngày 01 tháng 11 hàng năm, đông đảo chúng ta đã cùng dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho linh hồn những vị đã qua đời trong biến cố ngày 01.11.1963 tại Vương cung Thánh đường Sài gòn và, sau đó, tuần hành đến viếng mộ Nhị Vị và đọc kinh.

Chí sĩ Ngô Đình Diệm (1901–1963) là một chính trị gia lãnh đạo quốc dân Việt. Người là Thủ tướng cuối cùng của Quốc gia Việt Nam và là Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa.

A. GIÁO DỤC BẢN THÂN.

Ngô Đình Diệm chào đời ngày 03.01.1901 tại làng Đại Phong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình quan lại theo đạo Công giáo, được chầu tên thánh là Gioan Baotixita.

Lúc còn nhỏ, cậu đuợc theo học dưới sự dạy dỗ của Quận Công đức độ và yêu nước Nguyễn Hữu Bài, đang là Thượng Thư dưới triều vua Duy Tân. Quan là đại thần duy nhất chống lại việc người Pháp tham lam muốn đào ngôi mộ vua Tự Đức để lấy vàng bạc. Sở dĩ có sự liên hệ gần gũi như vậy là vì ông Ngô Đình Khôi, anh ông Diệm, cưới con gái ông Nguyễn Hữu Bài.

Ông Diệm theo học tại trường Pellerin Huế. Năm 1913, lúc 12 tuổi, ông thi vào trường Quốc Học Huế, dạy theo chương trình tổng hợp bằng Việt Ngữ và Pháp Ngữ. Đến năm 1917, lúc 16 tuổi, ông đỗ hạng thứ nhì trong kỳ thi tốt nghiệp Trung Học. Vì tuổi trẻ mà đạt thành tích cao, nên chính quyền thực dân Pháp đề nghị cấp học bổng cho sang Pháp du học, nhưng ông đã từ chối. Do đó, bà mẹ ông Diệm đã có nhận xét: « Trong số các con tôi, anh nào đi du học ngọai quốc về đều có pha lẫn nhiều điều và mang nhiều mâu thuẫn trong người. Nhưng Diệm thì thuần túy Việt Nam. »

Năm 1918, ông được mời làm giáo sư Trường Quốc Tử Giám, một trường dành riêng cho con cháu các quan trong triều đình. Năm sau, ông đủ tuổi để vào học trường Hậu Bổ, tương tự như Học viện Quốc gia Hành chánh. Trong ba năm học, ông luôn là một sinh viên xuất sắc trong các ngành hành chánh, chính trị, luật pháp và đã tốt nghiệp thủ khoa.

Ông Ngô Đình Diệm chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền giáo dục Nho giáo và Thiên Chúa giáo. Thực vậy, chính Nho giáo đã hun đúc ông thành một con người thanh liêm, tiết tháo và cương trực và giáo dục Thiên Chúa Giáo đã đào tạo ông Diệm thành một con người đầy lòng bác ái, vị tha và công chính.

B. ẢNH HƯỞNG GIA ĐÌNH.

Một đêm mùa thu năm 1885, tại làng Đại Phong, một nhóm người bắt đạo đã phóng hỏa, bằng những ngọn đuốc, nhà nguyện có nóc và tường bằng tre. Gia đình thân phụ ông Ngô Đình Diệm, trong số những người đang kinh nguyện, đã bị chết, trừ bà nội đã thoát khỏi nhờ bóng tối đêm để chạy đi. Điều may khác là khi đó, thân phụ ông Diệm là ông Ngô đình Khả đang học ở Chủng viện Penang (Mã-lai).

Thời đó, phải đợi vài tháng sau, hung tin gần cả gia đình bị tàn sát mới tới Chủng viện Penang, các Cha giáo của ông Khả mới đề nghị ông nên trở về nước và cưới vợ để nối dõi tông đường. Chấp nhận đề nghị trên, ông đã trở lại Việt Nam để phụng dưỡng mẹ đang không phương tiện để sinh sống.

Vào làm việc tại Triều đình, ông được vua Thành Thái ban cử làm Phụ đạo Đại thần và cố vấn cho Vua các vấn đề về Pháp văn và Triết Tây phương… ông được giao việc tổ chức Trường Quốc học với chức Trưởng giáo. Năm 1905, ông được thăng chức Tổng quản Cấm thành, bảo vệ Vua. Năm 1907, khi chính quyền Bảo hộ dưới sự vận động của khâm sứ Ferdinand Lévecque đòi truất vua Thành Thái, ông nhất quyết không chịu ký tên vào tờ biểu nên ông bị cất chức. Vì vậy dân gian có câu truyền: « Đày vua không Khả, Đào mả không Bài ». Ngày nay, chúng ta có thể thêm vào câu truyền này ý tưởng « Hại dân không Diệm » cũng không phải là điều quá đáng.

Cuối cùng, ông từ quan và đã về làm ruộng với các con trai. Bà Khả cùng Cô Hiệp (mẹ tương lai của Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận) đã vất vả đem cơm nước cho những người thân. Trong hoàn cảnh cơ cực đó, không ai trong gia đình buông lời than trách trước một quyết định ái quốc. Họ vẫn nuôi ý chí ‘làm quan’, sau những kinh nghiệm lao động tay chân và sống cảnh nghèo nàn.

Ông Khả được vua Khải Định phục hàm khi lên ngôi Vua.

Trong thời gian này, ông Khả cưới cô Phạm Thị Thân và có 6 con trai (Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Thục, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn và Ngô Đình Luyện) và 3 gái (Ngô Đình Thị Giao, Ngô Đình Thị Hiệp và Ngô Đình Thị Hoàng).

- Ông Ngô Đình Khôi, Tổng đốc Quảng Nam từ năm 1930, bị ép về hưu năm 1943 vì có ý thân Nhật. Con trai duy nhất của ông là Ngô Đình Huân, thư ký và thông ngôn cho viện trưởng Viện văn hóa Nhật tại Sài gòn. Tháng 03.1945, ông khuyên hoàng đế Bảo Đại đừng thoái vị, trao quyền cho Cộng sản. Ngày 31.08.1945, hai cha con bị Việt Minh bắt và bị hành quyết vài tuần sau đó cùng với ông Phạm Quỳnh, Thượng thư Bộ Lại ở rừng Hắc Thú.

C. PHỤC VỤ ĐẤT NƯỚC THỜI NGUYỄN TRIỀU.

Sau khi tốt nghiệp trường Hậu Bổ, năm 1921, ông nhậm chức tri huyện Hương Trà, Hương Thủy và Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên, rồi Tri phủ Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Năm 1926, ông được bổ vào chức tri phủ Hải Lăng và thăng lên quản đạo Ninh Thuận. Năm 1930, vừa tròn 29 tuổi, với thành tích tận tụy phục vụ đồng bào, ông được đề cử làm Tuần Vũ tỉnh Bình Thuận, Phan Thiết.

Tháng 09.1932, sau thời gian du học tại Pháp trở về nước, Hoàng Đế Bảo Đại quyết định tự mình chấp chính và ban sắc phong 5 Thượng thư mới, trong đó có ông Diệm, trẻ nhất 32 tuổi, được bổ nhiệm Thượng thư Bộ Lại, đứng đầu Nội các, tương đương Thủ tướng ngày nay, và kiêm nhiệm chức Tổng Thư Ký Hội đồng Cải cách Hỗn hợp Pháp-Việt ngày 02.05.1933. Ông đề nghị hai điều với chính quyền bảo bộ Pháp: một là thống nhất Trung và Bắc kỳ theo Hòa ước Giáp Thân 1884 và hai là cho Viện Nhân dân Đại biểu Trung kỳ được quyền tự do thảo luận các vấn đề. Việc thống nhất nhằm buộc chính quyền Bảo hộ Pháp bãi bỏ Khâm sứ Trung kỳ và Thống sứ Bắc kỳ cùng chỉ còn một Tổng trú sứ (résident général) ở Huế mà thôi. Việc thứ hai là để canh tân lối cai trị cũ. Vì Toàn Quyền Pasquier không chấp nhận, ông Diệm đệ đơn lên Hoàng Đế Bảo Đại ngày 12.07.1933. Sau đó, ông đi dạy tại trường Thiên Hựu (Providence).

[Nội các, lúc đó, có 6 bộ là: 1. đứng đầu và có quyền trên hết là bộ Lại bộ, tức Nội vụ, ngang quyền Thủ tướng ; 2. bộ Hộ tức Tài chính. 3. Bộ Lễ tức Giáo dục ; 4. Bộ Hình tức Tư Pháp ; 5. Bộ Binh tức Quốc Phòng và 6. Bộ Công tức Công chánh. Như vậy, ông Diệm ở tuổi 32 đã đứng đầu nội các gồm các vị thượng thư hầu hết đều hơn ông cả mươi tuổi, như ông Bùi Bằng Đoàn, cha đại tá Việt cộng Bùi Tín, thượng thư bộ Hình, hơn ông Diệm đúng 20 tuổi.]

D. HOẠT ĐỘNG VÌ NƯỚC CHỐNG PHÁP.

Trong thời gian dạy học, ông Diệm nghiên cứu các sách vở và thường xuyên liên lạc với các vị ái quốc như Cụ Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, Cụ Phan Bội Châu và những nhà cách mạng chống Pháp, hiện đang hoạt động tại Nhật Bản và trong nước, để mưu cầu dành Độc Lập và Tự Do cho đất nước.

Năm 1933, ông Diệm vào Sài Gòn tổ chức phong trào của trí thức Nam và Trung kỳ vận động chính giới Pháp tại Paris để yêu cầu truất phế Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier. Việc không thành, ông bị Pasquier trục xuất khỏi Huế và chỉ định cư trú tại Quảng Bình. Sau khi Pasquier chết năm 1934, Toàn quyền mới Eugene René Robin đã phục hồi hàm vị cho ông và để ông về dạy tại trường Thiên Hựu (Providence).

Thời kỳ 1934-1944, ông Diệm thành lập và lãnh đạo đảng Đại Việt Phục Hưng chống Pháp với thành phần đảng viên nòng cốt là quan lại, linh mục, cảnh sát và lính khố xanh bản xứ tại Trung kỳ. Tháng 07.1944, mật thám Pháp phá vỡ tổ chức này và tổ chức vây bắt ông ở Phủ Cam. Nhờ sự giúp đỡ của hiến binh Nhật, ông thoát nạn về trú tại lãnh sự quán Nhật ở Huế. Vài ngày sau, người Nhật đưa ông vào Đà Nẵng rồi dùng phi cơ quân sự chở thẳng vào Sài Gòn trú tại trụ sở hiến binh Nhật. Ông cũng được Việt Nam Phục quốc Đồng minh Hội do hoàng thân Cường Để ủy nhiệm công việc vận động nhân sự ở Trung kỳ để chống Pháp. Khi Vua Bảo Đại lập chính quyền thân Nhật và mời ông làm thủ tướng trong chính quyền mới nhưng ông từ chối nên ông Trần Trọng Kim được mời thay để lập chính phủ.

Lánh nạn ở Sài gòn một thời gian, khi Bảo Đại thoái vị và Việt Minh cướp chính quyền, ông Diệm trở lại Huế để thăm mẹ và đã bị Việt Minh bắt tại Tuy Hòa (Phú Yên). Chúng giải ông ra Hà Nội và bị giam giữ tại tỉnh miền núi Tuyên Quang. Sau đó, ông được trả tự do theo lệnh ân xá của Hồ Chí Minh vào năm 1946 và ông Hồ mời ông giữ chức Bộ trưởng Nội vụ. Nhưng ông Diệm cương quyết khước từ. Ông đã khẳng khái hỏi ông Hồ : « Tại sao ông giết anh tôi? ». Đây là câu hỏi của một người thật can đảm khi trong tay không một tấc sắt, vì Hồ đang đầy uy quyền và dưới tay hắn có cả một băng nhóm du côn tàn bạo giết người.

Tháng 8 năm 1950, ông Diệm cùng người anh là Đức cha Ngô Đình Thục rời Saigon đi hành hương Rôma và dự Năm Thánh. Trên đường về , ông Diệm ghé qua Đông Kinh, thủ đô Nhật Bản, gặp hoàng thân Cường Để. Tại đây, ông đã tiếp xúc với một số người Mỹ, trong đó có Giáo sư Wesley Fishel. Ông này khuyên ông Diệm nên sang thăm Hoa Kỳ. Trong dịp này, ông Diệm đã ghé thăm các nước Bỉ, Thụy Sĩ, Pháp và sau đó ông sang Hoa Kỳ theo gợi ý của giáo sư Wesley Fishel.

Tại Hoa Kỳ, ông Diệm tạm trú trong nhà Dòng Mary Knoll, ở Lakewood thuộc tiểu bang New Jersey và ở trường dòng Ossining tiểu bang New York. Tại đây, ông gặp Đức Hồng y Spellman, người đã giúp ông rất nhiều trong việc tạo nên sự nghiệp chính trị sau này. Thời gian ở Hoa Kỳ, ông Diệm chú tâm trau giồi Anh Ngữ và được mời đến các trường Đại Học ở miền Đông và miền Trung Tây Hoa Kỳ để diễn thuyết về các vấn đề Việt Nam, Á Châu và hiểm họa Cộng sản.

Tháng 05.1953, theo lời mời của một số chính khách Công giáo có khuynh hướng quốc gia và chống Cộng, ông Diệm bay sang Pháp rồi, sau đó, qua Bỉ trú ngụ tại đan viện Saint–André de Bruges. Tại tu viện dòng Biển Đức này, ngày 01.01.1954, vị sáng lập nền Cộng hòa Việt Nam trong tương lai đã tuyên khấn trong bậc oblat với tên dòng Odilon. Đây là một điều ‘tiên tri’ vì Thánh Odilon là Bổn mạng những người tị nạn mà chính Tổng thống Diệm đã giúp đem hơn 800 ngàn người di cư từ Miền Bắc vào Nam và an cư lạc nghiệp một cách mỹ mãn. Ngoài ra, Thánh Odilon là Linh mục đã bắt đầu cử hành Thánh Lễ Cầu cho các Linh hồn ngày 2 tháng 11 là ngày ông Diệm qua đời năm 1963.

Năm 1954, Ngô Đình Diệm từ Bỉ trở lại Paris sống tại nhà ông Tôn Thất Cẩn (con trai của cụ Thân thần phụ chính Tôn Thất Hân). Tại đây, với sự yểm trợ của Ngô Đình Luyện, Diệm bắt đầu vận động trong giới chính khách Việt sống lưu vong.

Khi còn sống cụ Ngô Đình Diệm đã từng nói « tôi tiến hãy tiến theo tôi, tôi lui hãy giết tôi, tôi chết hãy nối chí tôi ». Mang trong người dòng máu Việt, chúng ta hãy noi gương Người quyết sống đời một ‘người Công giáo tốt và là người Việt luôn mong Tổ Quốc độc lập và đồng bào được tự do, hạnh phúc’.

(Còn tiếp)