Huỳnh Thúc Kháng hay Hoàng Thúc Kháng[1] (chữ Hán: 黃叔沆[2], tự Giới Sanh, hiệu là Mính Viên (茗園, Vườn chè) hay đôi khi được viết là Minh Viên; 1876–1947) là một chí sĩ yêu nước nổi tiếng của Quảng Nam.
| Huỳnh Thúc Kháng | Huỳnh Thúc Kháng
Tên: Huỳnh Thúc Kháng
Hán-Nôm: 黃叔沆
Tên thật: Huỳnh Hanh
Tự: Giới Sanh
Ngày sinh: 1 tháng 10, 1876
Ngày mất: 21 tháng 5, 1947 (70 tuổi)
Tên khác: Mính Viên
Huỳnh Thúc Kháng hay Hoàng Thúc Kháng[1] (chữ Hán: 黃叔沆[2], tự Giới Sanh, hiệu là Mính Viên (茗園, Vườn chè) hay đôi khi được viết là Minh Viên; 1876–1947) là một chí sĩ yêu nước nổi tiếng của Quảng Nam. Người Việt Nam thường nhắc đến ông với một tên gọi gần gũi: "cụ Huỳnh". Huỳnh Thúc Kháng đỗ thủ khoa của kỳ thi hương năm 1900 (Canh Tý), được xưng tụng là một trong Thập Ngũ Phụng Tề Phi của đất Quảng Nam xưa.
Tiểu sử
Ông sinh ngày 1 tháng 10 năm 1876, là người làng Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Thuở nhỏ, ông có tên là Huỳnh Hanh, 8 tuổi bắt đầu theo học Nho học, đến năm 13 tuổi đã văn hay chữ tốt. Năm Canh Tý (1900), ông dự thi Hương và đậu Giải nguyên. Ông nổi tiếng ở kinh đô Huế, sánh cùng Trần Quý Cáp, Phạm Liệu. Năm Giáp Thìn (1904), ông đỗ Tiến sĩ. Ông cùng với Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và Trần Quí Cáp là những nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân. Vì lý do đó, ông bị bắt trong năm Mậu Thân (1908), rồi bị đày ở Côn Đảo suốt 13 năm (1908-1921) mới được trả tự do.
Năm 1926, ông đắc cử dân biểu rồi được cử làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kì. Trong ba năm hoạt động ở Viện, ông cương quyết tranh đấu trong nghị trường, rồi nhân việc chống lại Khâm sứ Pháp Jabouille, ông từ chức. Năm 1927, ông sáng lập tờ báo Tiếng Dân,[3] làm chủ nhiệm kiêm chủ bút báo này tại Huế cho đến khi tờ báo này bị đình bản (1943).
Cuối năm 1946, ông là đặc phái viên của chính phủ vào cơ quan Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ tại Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 21 tháng 4 năm 1947, ông lâm bệnh nặng và mất tại gia đình chị Võ Thị Tuyết, thôn Phú Bình, xã Hành Phong, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Làm theo tâm nguyện của cụ, nhân dân đã an táng cụ trên đỉnh núi Thiên Ấn. Nơi đây là đệ nhất thắng cảnh của Quảng Ngãi – "Thiên Ấn niên hà" (Ấn trời đóng xuống sông).
Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ vật có giá trị, được một người cháu nuôi trong dòng tộc bảo quản. Học hành rất rộng, chí khí rất bền...
Tưởng nhớ
Để tưởng nhớ đến ông nhiều tỉnh thành và thành phố như Hà Nội, Sài gòn, Quảng Nam...có những con đường và ngôi trường THPT mang tên ông.
Tác phẩm
Huỳnh Thúc Kháng đồng thời là một nhà thơ, một nhà nghiên cứu văn học và lịch sử. Ông còn có nhiều bút danh khác như: Sử Bình Tử, Tha Sơn Thạch, Khi Ưu Sinh, Xà Túc Tử, Thức Tự Dân, Ưu Thời Khách, Hải Âu, Ngu Sơn, Khách Quan... Tác phẩm chủ yếu còn giữ hiện nay là: • Thi Tù Tùng Thoại • Lịch sử Phan Tây Hồ tiên sinh • Thơ văn với thời đại • Thi văn các nhà chí sĩ Việt Nam (kí Phi Bằng) • Huỳnh Thúc Kháng niên phố • Bức thư gởi Cường Đế • Và rất nhiều thơ chữ Quốc ngữ, chữ Hán có giá trị khác...
Bài thơ Bài ca lưu biệt của ông viết năm 1908, trước khi ông bị đày ra Côn Đảo, từng được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân miền Trung thời kỳ Pháp thuộc:
Trăng trên trời có khi tròn khi khuyết, Người ở đời đâu khỏi tiết gian nan. Đấng trượng phu tuỳ ngộ nhi an, Tố hoạn nan hành hồ hoạn nạn. Tiền lộ định tri thiên hữu nhãn, Thâm tiêu do hứa mộng hoàn gia, Bấy nhiên năm cũng vẫn chưa già. Nọ núi Ấn, này sông Đà, Non sông ấy còn chờ ta thêu dệt. Kìa tụ tán chẳng qua là tiểu biệt, Ngựa Tái ông hoạ phúc biết về đâu! Một mai kia con tạo khéo cơ cầu, Thảy bốn biển cũng trong vòng trời đất cả. Ư bách niên trung tu hữu ngã, Dẫu đến lúc núi sụp, biển lồi, trời nghiêng, đất ngả, Tấm lòng vàng, tạc đá vẫn chưa mòn. Trăng kia khuyết đó lại tròn!
|