Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Trận kịch chiến của Tiểu đoàn 2 Nhảy Dù đêm 3/4/1972 tại Kontum

Trận kịch chiến của Tiểu đoàn 2 Nhảy Dù đêm 3/4/1972 tại Kontum PDF Print E-mail
Tác Giả: SE sưu tầm   
Thứ Năm, 06 Tháng 9 Năm 2012 21:34

*Lược ghi về cuộc hành quân của lữ đoàn 2 Nhảy Dù tại Bắc Kontum tháng 3 và 4/1972:

 

Vào trung tuần tháng 3/1972. Lữ đoàn 2 Nhảy Dù hoạt động tại khu vực phía Tây sông Polco, Kontum để thiết lập các căn cứ hỏa lực Alpha, Bravo, Charlie, Delta, Hotel ở cụm đồi chiến lược (Rocket Ride).

Trong cuộc hành quân nói trên, lực lượng đặt thuộc quyền điều động của lữ đoàn 2 Nhảy Dù do Đại tá Trần Quốc Lịch giữ chức lữ đoàn trưởng gồm có 5 tiểu đoàn 1,2,7,9, 11 Nhảy Dù, và tiểu đoàn 1 Pháo binh Nhảy Dù do thiếu tá Bùi Đức Lạc chỉ huy (một thời gian sau được thăng trung tá).Tình hình chiến sự trong hai tuần đầu không có những cuộc đụng độ lớn. Theo kế hoạch, các tiểu đoàn Nhảy Dù tiến chiếm và thiết lập các căn cứ hỏa lực. Đến cuối tháng 3 và đầu tháng 4/1972, Cộng quân đã gia tăng áp lực quanh vùng đồi Dela, sau đó đã khởi động cuộc tấn công cường tập vào căn cứ này vào 4 giờ sáng ngày 3 tháng 4/1972 (ngày, giờ của trận đánh ghi theo tài liệu của Phòng 2 Quân đoàn 2). Như đã trình bày, trong suốt ngày nói trên, tiểu đoàn 2 Nhảy Dù đã chận đứng các đợt xung phong biển người của đối phương. Do có nhiều tài liệu khác nhau về thời gian diễn ra cuộc tấn công này, nên phần này được biên soạn dựa theo tài liệu của ba cựu sĩ quan QL/VNCH: cựu đại tá Trịnh Tiếu (nguyên trưởng phòng 2 Quân đoàn 2), cựu Trung tá Bùi Đức Lạc, cựu Thiếu tá Trương Dưỡng (Biệt đội trưởng Tác chiến Điện tử Sư đoàn Nhảy Dù) có đối chiếu với tài liệu của cựu chuẩn tướng Lý Tòng Bá (nguyên tư lệnh mặt trận Kontum Hè 1972) và tài liệu của Ủy ban Quân sử Hoa Kỳ. Sau đây là diễn tiến về trận chiến tại đồi Delta từ đêm 3/4 đến ngày 4/4/1972:

                                   Một đơn vị Nhảy Dù trong 1 cuộc hành quân

Trận chiến tại đồi Delta

 Đêm 3 tháng 4/1972, Cộng quân (CQ) tung thêm đợt tấn công biển người để cố tràn chiếm khu vực trung tâm căn cứ Delta. Các pháo đội súng cối của địch từ các cao điểm ở phía Tây và Tây Nam tác xạ từng nhịp 4 trái một vào vị trí bố phòng của Tiểu đoàn 2 Nhảy Dù. Trận pháo kéo dài hơn 1 giờ, sau đó là bộ binh xung phong theo kiểu quân Trung Cộng ở mặt trận Triều Tiên hai mươi năm trước đó. Từng đoàn Cộng quân tràn lên tấn công đã bị các trung đội của hai đại đội 20 và 22 bắn hạ. Lớp này đến lớp khác, theo lệnh của cán bộ chỉ huy thúc ở phía sau, binh lính CQ đa số còn trẻ, như những người "điếc không sợ súng", điên cuồng cầm súng chạy lên phía trước, chiến binh Dù bắn riết gần hết đạn. Xác Cộng quân la liệt quanh vòng đai phòng thủ của các đại đội Nhảy Dù. Với lối đánh thí quân này, cuối cùng Cộng quân đã chọc thủng một phần của tuyến đại đội 22. Liên lạc giữa bộ chỉ huy Tiểu đoàn và đại đội 22 bị gián đoạn một thời gian.

Trận chiến trở nên hỗn loạn khi một thành phần Cộng quân tiến vào tới khu vực hầm điều hợp hành quân (TOC) của Tiểu đoàn. Đại úy Đỗ Văn Hiến đại đội trưởng đại đội 20 (đại đội Chỉ huy), điều động toàn đại đội nỗ lực chận địch để bảo vệ bộ chỉ huy Tiểu đoàn. Đại đội trưởng Hiến đã trực tiếp chỉ huy hai khẩu đội đại bác 57 ly và súng cối 81 ly bắn trả quyết liệt, đẩy lùi được các đợt xung phong của địch quân. Dù bị tổn thất nặng, Cộng quân vẫn cố đánh chiếm khu vực trung tâm căn cứ. Trước tình hình nguy kịch, Đại úy Hiến điều động tổ đại liên trực xạ vào phía địch quân để bảo vệ cho tiểu đoàn trưởng và toán phi hành đoàn 4 quân nhân Hoa Kỳ rút ra phía sau đồi. Cộng quân vẫn cố tràn lên để chiếm hầm truyền tin, đại úy Hiến đã cùng với đại đội 20 tử chiến để ngăn chận địch. Trong khi đang điều động quân, vị đại đội trưởng dũng cảm này đã bị trúng đạn AK vào ngực, anh đã ngã xuống ngay trên khẩu đại bác 57 ly. Đại úy Hiến tử trận, áp lực địch quá mạnh, lực lượng trú phòng buộc phải rút ra khỏi đồi, Cộng quân chiếm hầm truyền tin và chỉ huy. Đến giữa đêm căn cứ bị địch tràn ngập, liên lạc giữa Tiểu đoàn trưởng Lê Văn Mạnh với Bộ chỉ huy Lữ đoàn 2 Nhảy Dù bị gián đoạn.
 
Trận địa pháo trên đỉnh đồi: Pháo binh địch bắn lên đầu Cộng quân

 4 giờ sáng ngày hôm sau, để bộ chỉ huy lữ đoàn 2 Nhảy Dù nắm vững được tình hình trận địa, Đại tá Trần Quốc Lịch đã ủy nhiệm cho Thiếu tá Bùi Đức Lạc, Tiểu đoàn trưởng Pháo binh, sử dụng trực thăng CNC do một trung tá phi công Hoa Kỳ điều khiển, bay vào vùng đồi Delta. Trực thăng này đã bị các cụm súng phòng không của CQ bố trí quanh các cao điểm bắn lên như mưa, tuy nhiên vị trung tá Hoa Kỳ là một phi công nhiều kinh nghiệm về tránh phòng không địch, ông đã cho tắt đèn nên các xạ thủ Cộng quân không định hướng bay của phi cơ được, chỉ bắn theo phỏng đoán.

 Về phần Thiếu tá Lạc, ngồi trên CNC, thấy ở dưới các đường đạn bắn qua lại thì ông nhận ra ngay là tiểu đoàn 2 Nhảy Dù đã rút quân khỏi Delta, vị tiểu đoàn trưởng này liền liên lạc với sĩ quan Pháo binh đi cạnh bộ chỉ huy Tiểu đoàn 2 Nhảy Dù, thì được xác nhận đúng như thế. Để bảo mật, Thiếu tá Lạc đã sử dụng ám danh đàm thoại bằng số, do đó bộ chỉ huy Lữ đoàn 2 Nhảy Dù phải qua đài tác xạ của tiểu đoàn 1 Pháo binh mới có thể theo dõi diến biến và tình hình trận địa ở khu vực đồi Delta. Để triệt hạ hỏa lực phòng không địch, Thiếu tá Lạc đã yêu cầu trung tá phi công Hoa kỳ cho hai trực thăng võ trang hộ tống CNC không kích vào những ổ súng của địch được phát giác. Các xạ thủ phi hành trên hai trực thăng võ trang bắn được một lát thì nghe tiếng Thiếu tá Lạc cho biết là có kết quả, ông yêu cầu nên duy trì tác xạ tại các yếu tố vừa oanh kích.

Trong khi các trực thăng đang tác xạ vào mục tiêu thì đột nhiên hàng loạt đạn nổ cao rót dồn dập xuống ngay đỉnh đồi đang bị Cộng quân chiếm giữ. Từ trên cao nhìn xuống quan sát, Thiếu tá Lạc hiểu ngay rằng đó là những loạt đạn nổ chụp của pháo binh địch. Loại đạn nổ cao có tầm công phá rộng và mức sát hại rất mạnh, có nhiều mảnh. Do mức nguy hiểm của loại đạn này, nên các pháo đội của Pháo binh VNCH không khi nào sử dụng loại đạn nổ chụp khi có phi cơ bay trên vùng hành quân. Khi biết là pháo binh địch đã dùng đạn nổ cao pháo lầm vào đội hình của các đơn vị CQ, Thiếu tá Lạc đã giải thích cho trung tá phi công Hoa Kỳ hiểu, vị sĩ quan này đã nhanh chóng đổi hướng đường bay. Liền sau đó, tiểu đoàn trưởng Pháo binh Bùi Đức Lạc gọi máy báo cho các pháo đội qua tần số giải tỏa (sử dụng trong trường hợp khẩn cấp). Bằng ám danh đoàn thoại, ông báo cho các "con" của mình biết là pháo binh địch đã tự bắn vào các đơn vị bộ binh địch. Theo vị tiểu đoàn trưởng này, vào lúc đó, pháo binh cả hai bên đều tác xạ nên CQ không phân biệt được, thêm vào đó, có lẽ tiền sát viên Pháo binh của CQ thiếu căn bản về kỹ thuật điều chỉnh tác xạ, nên đã xảy ra sự việc pháo lầm mục tiêu.

Sau khi trở về tần số thường, để đánh lạc hướng của pháo binh địch, tiểu đoàn trưởng Lạc giả vờ lên tiếng la các pháo đội của mình là bắn dầu nổ cao trúng vào quân bạn, rồi giả bộ hốt hoảng ra lệnh: Ngưng tác xạ ngay!

Tiểu đoàn trưởng Lạc càng la lớn thì Cộng quân càng pháo dồn dập hơn trước, ông hiểu ngay là Cộng quân đang nghe lén các liên lạc giữa ông và các pháo đội tiểu đoàn 12 Pháo binh. Các pháo đội 130 ly của địch quân tưởng như bắt được sơ hở của Pháo binh Nhảy Dù nên thi nhau nhả đạn lên đầu quân của mình mà cứ tưởng là quân Nhảy Dù. Cộng quân trên đỉnh Delta đã bị tổn thất nặng do các loạt đạn pháo này.

  Tiểu đoàn 2 Nhảy Dù tái chiếm đồi Delta:

 7 giờ sáng, từ vòng ngoài Delta, tiểu đoàn 2 Nhảy Dù mở cuộc phản công. Cánh quân đầu tiên gồm đại đội 20 và đại đội 22 do Thiếu tá Nguyễn Đình Ngọc, tiểu đoàn phó chỉ huy. Cánh quân này nỗ lực tái chiếm đỉnh Delta. Với lối đánh tốc chiến, hai đại đội 20 và 22 đã đánh bật Cộng quân ra khỏi khu vực trung tâm của căn cứ. Tiếp đó, Thiếu tá Lê Văn Mạnh, tiểu đoàn trưởng, chỉ huy ba đại đội 21, 23 và 24 đang đóng ở các cao điểm phía Bắc, phía Tây, và phía Tây Bắc từ ba hướng đồng loạt tiến về đồi Delta để tái chiếm các vị trí còn lại. Một giờ sau, tiểu đoàn 2 Nhảy Dù đã kiểm soát toàn bộ khu vực đồi chiến lược Delta. Hàng trăm Cộng quân nằm chết ngổn ngang trên đồi, Tiểu đoàn 2 Nhảy Dù tịch thu hơn 200 vũ khí đủ loại, trong đó có cả súng phòng không 12.4 ly.

Ngày 7 tháng 4/1972, toàn bộ Tiểu đoàn 7 Nhảy Dù vào thay Tiểu đoàn 2 Nhảy Dù phòng ngự cụm đồi chiến lược Deta.