Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Trận Chiến Tại Vùng Cà Ná, Mũi Dinh Ngày 19.04.1975

Trận Chiến Tại Vùng Cà Ná, Mũi Dinh Ngày 19.04.1975 PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn văn Phảy   
Thứ Tư, 05 Tháng 9 Năm 2012 20:50

Phan Rang thất thủ ngày 16.4.1975.

 Lúc bấy giờ chiến hạm tôi đang hoạt động trong khu vực chiến đấu cùng với nhiều tàu chiến khác ở vùng biển thuộc vịnh Cà Ná Mũi Dinh, Phan Rang trong nhiều tuần lễ qua để cứu vớt quân cán chính và đồng bào đang đổ xô ra biển bằng ghe chạy tị nạn cọng sản. Chiến hạm tôi cùng với những chiến hạm khác trong vùng còn có nhiệm vụ chận đứng hoặc giảm thiểu tối đa áp lực tấn công của cọng quân hướng vào Phan Thiết.

Trước ngày 18.4.1975, khi những chiến hạm HQ02, HQ05 và HQ17 chưa đến tăng viện chiến trường Phan Rang thì Hạm trưởng HQ503 có cấp bậc thâm niên nhất tại vùng nhận quyền chỉ huy. Vào đêm 17.4.1975 chúng tôi nhìn thấy trên quốc lộ 1 nằm sát bờ biển có rất nhiều ánh sáng di động cách nhau từ khoảng 50m đến 70m từ Phan Rang hướng về Phan Thiết. Tức thời Hạm trưởng HQ503, HQ Trung tá Nguyễn Văn Lộc chỉ thị cho những Giang Pháo Hạm, Hộ Tống Hạm cũng như nhiều loại chiến đỉnh khác dùng hoả lực chận đứng sự di chuyển của cọng quân bằng các loại xe chở bộ đội hướng về Phan Thiết vào ban đêm trên quốc lộ 1 sát biển.

Sáng sớm hôm sau, lúc tôi đang đi phiên và hiện diện trên đài chỉ huy thì HT của tôi chỉ thị Hộ Tống Hạm HQ 11 vào gần bờ để quan sát tình hình và báo cáo cho biết kết quả chận đứng sự di chuyển của địch quân trong đêm qua. Qua vô tuyến tôi nghe Hạm trưởng HQ11 nói với Hạm trưởng HQ 503 rằng: “Commander ơi, tội nghiệp quá, đêm hôm qua chúng ta bắn vào xe đồng bào ta di chuyển về hướng Phan Thiết! Sáng hôm nay chiến hạm vào gần bờ thấy hầu hết là những xe dân sự bịt bùng di chuyển về hướng Phan Thiết mà thôi...”.

Trên đài chỉ huy HQ503 tôi cũng thấy Hộ Tống Hạm HQ 11 cùng một vài chiến hạm khác đang tiến vào gần bờ. Khi HQ11 gần tới bờ thì chiến hạm quay mũi về hướng bắc, chạy dọc theo quốc lộ 1 để quan sát tình hình. Sau khi báo cáo của Hạm trưởng HQ11 vừa dứt thì chúng tôi nghe rất nhiều loạt đạn súng nhỏ, không phải đại pháo, từ bờ bắn ra hướng về chiến hạm HQ11. Sau đó được Hạm trưởng HQ11 cho biết rằng địch quân trên bờ bắn ra chiến hạm. Chiến hạm HQ11 đã bị trúng đạn làm cho 1 hạ sĩ tử thương và 1 thưọng sĩ bị thương. Thế là HT HQ503 cho lệnh tất cả chiến hạm phải rút ra xa khỏi quốc lộ, không được đến gần bờ. Chiến hạm HQ503 cũng vậy. Chiến hạm tôi chạy hướng lên gần Mũi Dinh để tiếp tục cứu vớt quân cán chính muốn ra chiến hạm.

Thế mới càng rõ hơn, cọng quân dùng cả xe dân sự lẫn quân sự để chuyển quân vào Phan Thiết sau khi Phan Rang lọt vào tay cọng quân.

Kể từ ngày 18.4.1975 chiến hạm HQ02 / HQ05 (?) đến tăng viện và nhận quyền chỉ huy.

Song vào đó chiến hạm tôi có lệnh phải cứu Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi đang lẩn tránh trong núi và tìm cách lên tàu. Lúc bấy giờ ông dùng biệt hiệu là Vương Hồng và liên lạc qua hệ thống truyền tin (vô tuyến) với chiến hạm của tôi sau khi Phan Rang thất thủ.

Trong suốt thời gian liên lạc với biệt danh Vương Hồng thì thấy trên bờ núi ở mũi Dinh có tín hiệu bằng gương phản chiếu ánh sáng mặt trời chiếu ra. Chiến hạm di chuyển đến gần bờ hơn để nhờ các ghe nhỏ chạy ngang qua vào cứu ruớc và trả tiền hoặc đưa dầu Diesel cho họ như mấy ngày hôm trước đã làm. Khi chiến hạm vào gần bờ giữa Mũi Cà Ná và Mũi Dinh thì đã cứu vớt thêm một số quân Biệt Kích từ trong bờ đi ghe nhỏ ra chiến hạm. Số Biệt Kích cho biết trong bờ còn có bạn bè đồng đội nữa. Vì vậy mà chiến hạm tôi di chuyển chậm chạp gần bờ để chờ ghe chở quân nhân ra chiến hạm.

Khoảng 16:50 giờ chúng tôi, tất cả sĩ quan trên chiến hạm gồm có Hạm trưởng, Hạm phó, sĩ quan đệ nhất cho tới sĩ quan kém thâm niên nhất trên chiến hạm ngoại trừ các sĩ quan đương phiên đều hiện diện trong Carre sĩ quan để dùng cơm chiều. Thông thường như mọi ngày, sau khi ăn cơm xong, sĩ quan nào có nhiệm vụ đi ca (đi phiên) thì rời khỏi phòng để chuẩn bị lên thay thế ca đương nhiệm trên đài chỉ huy. Số sĩ quan còn lại thì ngồi trò chuyện trong phòng ăn sĩ quan hoặc tự do.

Trong lúc vừa ăn vừa trò chuyện thì cơ khí trưởng HQ Đại Uý Hà (SQ HHTT) cho biết hệ thống nước ngọt của chiến hạm bị hư đang được sửa chữa. Cơ khí trưởng Hà xin phép Hạm trưởng và đề nghị HQ Trung Uý Trần Ngọc Điệp (K1 SQOCS) đang trưởng phiên cho tắt máy trong chốc lác để sửa chữa tiếp tục. Đuợc Hạm trưởng chấp thuận, Đại Uý Hà rời phòng ăn sĩ quan đi xuống hầm máy. Sau đó HQ Đại Uý Hà liên lạc với Trưởng phiên đương nhiệm là HQ Trung Uý Điệp và cho ngưng cả 2 máy tả và hữu của chiến hạm. Riêng tôi và vài sĩ quan khác cũng sắp sửa rời phòng ăn để chuẩn bị lên đài chỉ huy đổi phiên lúc 17:30 giờ.

Trong lúc chiến hạm đang tắt máy và xuôi theo giòng nước khoảng 17:15 giờ, mũi chiến hạm hướng về phía nam, trong vùng Cà Ná gần bờ biển Mũi Dinh, cách bờ khoảng 5-7 cây số thì pháo của địch từ bờ bắn ra. Thế là nhiệm sở tác chiến được ban ra từ đài chỉ huy khi quả đạn đầu tiên của địch quân rơi gần tàu. Hạm trưởng rời phòng ăn tức tốc chạy lên đài chỉ huy. Tất cả thuỷ thủ và sĩ quan trên tàu đều nhanh chóng đến vị trí nhiệm sở tác chiến của mình.

Tôi vội chạy vào phòng ngủ để lấy nón sắt chạy đến nhiệm sở. Phòng ngủ của tôi ở dưới sân thượng và bên phải của chiến hạm. Lúc đó phòng ngủ của tôi nằm hướng bên bờ. Khi tôi vừa rời phòng trong giây lác thì một quả đạn rơi trúng ngay phòng tôi nổ tung. Một mảnh đạn bắn xiên lên phòng truyền tin nằm ở chính giữa gần đó làm chết HQ Trung uý Nguyễn Anh Kỳ (K21 SQHQNT), trưởng ban Truyền Tin. Phước lớn cho tôi.

Một quả đạn rơi gần khẩu đại bác 40 ly đôi ở phía sau lái của chiến hạm. HQ Trung Uý PN Vụ bị thương. May mắn cho HQ Trung uý Phạm Nghĩa Vụ (K20 SQHQNT), trưởng khẩu, thoát khỏi lưởi hái của tử thần.

Loạt đạn pháo kế tiếp của cọng quân được bắn, chiến hạm tôi tiếp tục bị trúng đạn. Một quả pháo 105 ly rơi vào đài chỉ huy, gặp phải ghế ngồi của hạm trưởng, nỗ tung làm cho 3 sĩ quan là HQ Trung uý Trần Ngọc Điệp (K1 SQOCS), HQ Trung uý Độ (tương đương K21 SQHQNT) và HQ Thiếu uý Trần Thanh Nghị (K23 SQHQNT) cùng 2 nhân viên giám lộ đương phiên bị tử trận. (Mời xem thêm phần giải thích ). Hạm trưởng HQ Trung tá Nguyễn văn Lộc (K11 SQHQNT) đang đứng ngay ở ống liên lạc trước đài chỉ huy xuống phòng lái điện ở tầng dưới đài chỉ huy để ra lệnh, thì bị những mảnh kiếng của đài chỉ huy vở bể cũng như mảnh đạn nổ văng trúng vào cổ, vào vai, vào đầu người của Hạm trưởng. Hạm trưởng bị thương, máu chảy ra rất nhiều. May mắn cho Hạm trưởng, đã thoát chết.

HQ Trung tá Nguyễn Văn Lộc vừa được thuyên chuyển lên HQ503 thay thế HQ Trung tá Dương Bá Thế (K10 SQHQNT), nhận quyền chỉ huy và là tân Hạm trưởng HQ503 đi chuyến công tác đầu tiên.

Đài chỉ huy của chiến hạm bị hư hại nặng. Hệ thống điện bị trở ngại. Tay lái điện bất khiển dụng. Hạm phó là HQ Đại uý Hùng (K16 SQHQNT), chạy lên phòng lái thay thế Hạm trưởng để hướng dẫn tàu di chuyển ra khỏi tầm đạn pháo. Lúc bấy giờ chiến hạm phải sử dụng lái tay rất khó khăn khi điều chỉnh mủi chiến hạm hướng ra khơi để xa bờ. Mặc dù Hạm trưởng bị thương nặng nhưng vẫn cố gắng cùng Hạm phó để chỉ huy thuỷ thủ đoàn đưa chiến hạm thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Đồng thời, những quả đại bác 127 ly của chiếc WHEC HQ17 và từ các chiếc WHEC khác (?) đang ở ngoài khơi, cùng những quả đại bác 76,2 ly của Hộ Tống Hạm trong vùng tiếp cứu cũng được nả trả đủa vào vị trí đại pháo của cọng quân.

Những tiếng nỗ chát chúa khắp nơi xung quanh chiến hạm HQ 503 dường như liên tục. Chiến hạm vừa to lớn, cồng kềnh mà hệ thống điện bị hư hại nên di chuyển rất khó khăn. Tưởng rằng chiến hạm khó có thể ra khỏi vùng bị pháo. Mỗi khi chiến hạm bị trúng đại pháo của cọng quân thì khắp nơi trên chiến hạm rung chuyển. Những mảnh đạn trúng vào thành tàu, khung tàu, phát ra những âm thanh vang dội và tưởng rằng chiến hạm có thể bị chìm.

Trong lúc chiến hạm chúng tôi mủi đang hướng vào bờ vì lái tay dưới hầm máy rất khó khăn khi khiển dụng thì bị loạt đạn kế tiếp của cọng quân pháo tới. Nhưng có lẽ xạ thủ của cọng quân tính sai nên nguyên loạt đạn quá tầm. Tất cả rơi ra khơi, rớt xa chiến hạm. Rồi sau đó ngừng hẳn. Có lẽ đại pháo của địch bị trúng đạn của ta nên không còn khiển dụng được.

Sau khoảng 2 giờ giao tranh thì cọng quân không còn bắn đại pháo vào chiến hạm tôi nữa, mặc dù chiến hạm tôi vẫn còn nằm trong tầm pháo của cọng quân. Chiến hạm đã bị trúng tổng cọng trên 10 quả pháo. Số lượng đạn cọng quân bắn ra chiến hạm HQ503 khoảng 40 quả hoặc nhiều hơn. Hầu hết đạn pháo của cọng quân rơi xung quanh chiến hạm. Một số trúng phía sau lái của chiến hạm, từ đài chỉ huy trở về sau. Chỉ có một vài quả đạn trúng bên hông giữa chiến hạm. Nhưng rất may là không quả đạn nào trúng lườn chiến hạm ở dưới mặt nước cả. Chiến hạm không bị vô nước. Trên chiến hạm chở khoảng 350 đồng bào chạy tị nạn gồm các quân dân cán chính đã được cứu vớt trước đó mấy ngày nhưng không ai bị thương vì họ tạm trú ở phía trước của boong chiến hạm.

Sau khi kiểm soát thì thấy những mảnh đạn 105 và 155 ly. Có thể đó là những khẩu đại pháo 105 và 155 ly của quân lực VNCH bị Cọng sản tịch thâu được và chúng di chuyển đến bờ biển mũi Dinh, đặt và nguỵ trang tại đó để bắn thẳng vào chiến hạm chúng tôi - Dương Vận Hạm Vũng Tàu HQ503.

Tất cả thuỷ thủ đoàn và quân dân cán chính trên chiến hạm rất đau buồn và thương tiếc 4 sĩ quan và 2 nhân viên của chiến hạm đã hy sinh. Thêm vào đó có 18 thuỷ thủ của chiến hạm bị thương. Máu me lai loáng ở phòng ăn sĩ quan - dùng làm nơi để băng bó vết thương cho thương binh, phòng truyền tin và nhiều nơi khác trên chiến hạm.

Mặc dù tình hình chiến hạm như vậy, sau khi ngưng tiếng sung, đến vùng an toàn, Hạm trưởng Nguyễn Văn Lộc đã chỉ thị cho nhà bếp nấu cháo cho các em bé và người già có ăn. Thật là một vị hạm trưởng nhân hậu.

Chiến hạm dần dần ra khỏi vùng chiến đấu và được lệnh trở về Sài gòn. Vào ngày 25.4.1975, khi chiến hạm về đến Bộ Tự Lệnh Hạm Đội Sài Gòn thì được lệnh sửa chữa khẩn cấp. Trên chiến hạm thiếu sĩ quan. Tôi được điều động thay thế và trực nhiều ngày ở dưới chiến hạm để chuẩn bị cho chuyến hải hành viễn dương vô thời hạn. Chỉ trong vòng 3 ngày, ban ẩm thực trên chiến hạm đã mua sắm đầy đủ thực phẩm dùng cho 3 tháng. Thuỷ thủ đoàn được thông báo chuẩn bị đi công tác dài hạn.

Trong 2 ngày phép về thăm gia đình vào ngày 28 và 29 tháng 4 năm 1975, tôi đã cùng với vợ chuẩn bị hành trang để sẵn sàng theo chiến hạm ra đi. Sáng ngày 30.4.1975, hết phép, tôi xuống lại chiến hạm đang đậu tại Bộ Tư Lệnh Hạm Đội Hải Quân Sài Gòn thì mới biết hầu hết những chiến hạm khác đã ra khơi. Vì chiến hạm tôi bất khiển dụng nên không rời hải cảng được. Thế là thuỷ thủ đoàn của chiến hạm hầu hết bị kẹt ở lại. Những sĩ quan bị bắt đi tù với mỹ từ „học tập cải tạo“…...

Ngày sau đó sẽ ra sao? Mời xem Tị Nạn và Cuộc Đời - Lần Vượt Biên sau cùng

Nguyễn Văn Phảy
(Đệ Nhị Song Ngư)
Cựu Trưởng Ban Giám Lộ kiêm Thám Xuất HQ 503
eMail: This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it
http://navygermany.gerussa.com
Ghi chú: Vì trên 37 năm trôi qua, tôi không nhớ hết từng chi tiết. Mong các bạn, các chiến hữu thuộc thuỷ thủ đoàn HQ 503 bổ túc.