Thomas Ahern nhận định rằng nỗ lực của CIA tại Việt Nam là một “mission imposible” ngay từ lúc khởi đầu Do sự giải mật gần đây của nhiều tài liệu liên quan đến Việt Nam (1954-1975) tại Cơ-quan Tình-báo Trung-ương (CIA) Hoa Kỳ, Thomas Ahern Jr. đã viết cuốn “Vietnam Declassified: The CIA And Counterinsurgency” (University Press of Kentucky xuất bản) để nói về vai trò của CIA trong cuộc chiến mà ông ta gọi là cuộc “nổi dậy” (insurgency) tại miền Nam Việt Nam. Với tiền đề ấy, Thomas Ahern muốn chứng minh rằng CIA đã thất bại sau nhiều năm nỗ lực hoạt động để thuyết phục quần chúng ở nông thôn Việt Nam đứng về phiá chính quyền Sài-Gòn. Là một sĩ quan chỉ huy điệp vụ của CIA hơn ba thập niên, trong đó có thời gian ở Việt Nam, Thomas Ahern nhận định rằng nỗ lực của CIA tại Việt Nam là một “mission imposible” ngay từ lúc khởi đầu nhưng đã được tiến hành vì giới lãnh đạo chính phủ Hoa Kỳ lúc ấy tin chắc rằng Việt Nam tượng trưng cho tham vọng bành trướng của cộng sản tại Đông Nam Á, giống như Liên-sô đã tạo lập ra những nước chư hầu vệ tinh ở Đông Âu, và như Trung Cộng đã cùng Bắc Hàn gây chiến ở Triều Tiên để xâm chiếm Nam Hàn. Vì vậy Hoa Kỳ đã nhảy vào tiếp sức cho thực dân Pháp tại Việt Nam , và khi Pháp thất bại thì các tổng thống Mỹ đã theo nhau thế chân để ngăn chặn cộng sản. Tác giả Thomas Ahern đã kể ra vô số chương trình, kế hoạch, cơ quan với các tên tắt như ICEX, PFC, PRU, PSDF, RD, RDCG, vân vân, nhằm mục đích “thu phục con tim và khối óc” của quần chúng Việt Nam Vào giữa thập niên 1960, theo Ahern, khác với sự lạc quan của Tổng thống Lyndon B. Johnson, Bộ trưởng Quốc Phòng Robert McNamara và nhiều viên chức cao cấp khác tại Washington, giới chỉ huy cao cấp CIA, kể cả Giám đốc Richard Helm, rất nghi ngờ về sự thành công sẽ đạt được của các chương trình do CIA thi hành, mặc dù nhiều nhân viên dũng cảm của cơ quan đã hăng say làm nhiệm vụ, bất kể nguy hiểm đến tính mạng. Ahern ghi nhận điều mà nhiều cấp chỉ huy CIA thấy rõ vào đầu thập niên 1960: chính quyền Sài-Gòn lúc đó thù nghịch với ý niệm của các chương trình do CIA thực hiện mà có thể đem đến sự tự trị của các vùng nông thôn, đặt ra sự đe dọa cho quyền lực của chính phủ, dù rằng thực tế miền quê đang sụp đổ chung quanh Sài-Gòn. Điều đáng bàn ở đây là Ahern bác bỏ ý niệm cho rằng vũ khí chính của Việt Cộng tại miền quê là khủng bố. Trong khi không chối cãi sự tàn bạo thường có, ông ta lập luận rằng nhiều dân quê đã tự ý theo Việt Cộng, bằng cớ là có nhiều địa chủ đã đóng thuế lúa cho Việt Cộng, dù không bị ép buộc, kể cả tại những nơi được ghi trên bản đồ là vùng “thân thiện” với chính quyền. Luận cứ này được đưa ra phải chăng để hậu thuẫn cho ý niệm cho rằng cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam trước đây là một cuộc “nổi dậy” của quần chúng, đặc biệt là dân quê, để biện hộ cho sự thất bại của CIA, và của Hoa Kỳ nói chung tại Việt Nam? Và luận cứ này phù hợp với tuyên truyền của Cộng sản Bắc Việt, nơi phát động cuộc chiến tranh xâm chiếm miền Nam và được giới truyền thông, trì thức thiên tả Tây phương về huà. Sự thật lịch sử ngày nay đã có đầy đủ bằng chứng cho thấy cuộc chiến tranh tại miền Nam Việt Nam từ năm 1960 đến 1975 là do miền Bắc chủ mưu, phát động, tiến hành. “Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam ” và “Chính phủ Lâm thời Cộng Hoà Miền Nam VN” chỉ là những hình nộm do CSBV dựng ra. Huyền thoại về một cuộc “nổi dậy” đã hoàn toàn sụp đổ với sự thất bại toàn diện cuả cuộc “tổng công kích” vào dịp Tất Mậu Thân 1968, và sau đó CSBV đã xé bỏ Hiệp Định Paris 1973, công khai đánh chiếm miền Nam bằng những sư đoàn chủ lực và xe tăng Liên-sô sau khi Hoa Kỳ đã bỏ rơi đồng minh Nam Việt Nam. Thật ra, không phải đợi tới bây giờ, hơn 35 năm sau khi CSBV chiếm Nam Việt Nam, mới có một nhân viên CIA viết về sự thất bại của Cơ quan Tình báo Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Ngay từ năm 1977, hai năm sau cái chết cuả tự do tại Việt Nam, một nhân viên CIA khác, Frank Snepp, đã từ dịch, để tung ra cuốn sách đồ sộ “Decent Interval”, phơi bày những hoạt động bí mật và thất bại của CIA tại Việt Nam. Dựa vào nhiều tài liệu trong cuốn “Decent Interval”, cố Học giả Phạm Kim Vinh cũng đã viết về hoạt động của CIA trong chiến tranh Việt Nam nơi cuốn “Giải Phóng Việt Nam - Huyền Thoại, Thực Tại và Hy Vọng”, xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1986, một trong 36 cuốn sách (cả Việt ngữ và Anh ngữ) của ông viết về Việt Nam. Dưới đây là nguyên văn đoạn Ông Phạm Kim Vinh viết về hoạt động của CIA tại Việt Nam : “Khi người ta muốn bàn đến vấn đề ‘bình định’ theo một cách khác thì người ta phải kể đến vai trò của cơ quan CIA Mỹ trong chiến tranh Việt Nam . Quân đội Mỹ chỉ chiến đấu thực sự tại VN từ năm 1965 đến năm 1969, còn cơ quan CIA đã hoạt động tại VN ngay từ năm 1954. Nếu có cơ quan nào cuả Mỹ thất bại trong chiến tranh VN thì phải nói rằng đó là cơ quan CIA. “Tại miền Nam VN trong cuộc chiến tự vệ chống cộng từ năm 1954 tới 1975, huyền thoại ‘Bàn tay lông lá’ truyền tụng trong dân gian đã gán cho CIA một sức mạnh phi thường, và tệ hại hơn nữa là huyền thoại ấy mặc nhiên cho rằng cơ quan ấy làm gì cũng đều thắng lợi. Sự thật, trong những năm chiến tranh đã chứng tỏ điều ngược hẳn lại. “Khoảng năm 1965, có lúc cơ quan CIA tại VN đã gồm trên 600 nhân viên. Đó là số nhân viên đông nhất của CIA tại hải ngoại, và số nhân viên ấy chỉ thua số nhân viên tại đại bản doanh CIA ở Virginia, gần thủ đô Mỹ (Frank Snepp, ‘Decent Interval’, Random House Inc, New York 1977, trang 11-12). “Với số nhân viên đông đảo như thế, và với ngân khoản chắc chắn là phải khổng lồ, cơ quan ấy được giả dụ là sẽ giúp được nước Mỹ chiến thắng dễ và mau tại Việt Nam . Từ năm 1954 trở đi, cơ quan CIA đã, hoặc kín đáo, hoặc lộ liễu, điều khiển nhiều nỗ lực ‘bình định’ mang nhiều nhãn hiệu khác nhau để diệt cộng sản tại nông thôn Việt Nam. Nỗ lực của CIA tại Bắc Việt không được bàn tới ở đây, và cũng không cần thiết phải bàn, vì lẽ giản dị là nếu CIA thành công tại miền Bắc VN thì có thể cuộc chiến đã chấm dứt theo chiều hướng đại thắng cho Nam VN và cho nước Mỹ rồi. Đoạn này sẽ chỉ bàn về hai điều thuộc về hoạt động của CIA tại Nam VN: đường lối làm việc của cơ quan ấy và chiến dịch Phượng Hoàng. “Sở dĩ có huyền thoại ‘Bàn tay lông lá’ thời ấy là vì cơ quan CIA đã dùng một phương pháp ‘mua tin tức’ rất bừa bãi, và rất kém thông minh. Sự vụng về kỳ lạ ấy càng được chứng tỏ trong thời gian từ 1969 đến 1972, là thời gian mà trùm của CIA tại Nam VN là Theodore Shackley. Châm ngôn của Shackley lúc ấy là ‘recruit, recruit, and recruit’. Cấp dưới cứ thế nhắm mắt tuyển mộ, mua tin mà không hề bận tâm chút nào về sự chính xác và sự hữu ích cuả các tin ấy. “Những người bán tin về cộng sản cho CIA tại Việt Nam chắc đã phải cười về cung cách làm việc của cơ quan tình báo trung ương cuả cường quốc số một thế giới. Có đủ mọi hạng người cung cấp tin cho CIA. Nếu bán được một vài mẩu tin cho CIA được kể là ‘nhân viên của CIA’ thì hồi đó có cả ngàn người ở miền Nam đã làm việc ấy. Vì tin tức ‘quá dồi dào’ như thế nên cơ quan CIA mỗi tháng đã gửi về Mỹ tới 500 bản báo cáo. Dĩ nhiên đó cũng là con số kỷ lục về báo cáo của cơ quan ấy từ trước đến nay. Và cũng dĩ nhiên là hầu hết tin tức do các ‘nhân viên’ loại vừa kể cung cấp đều chẳng có chút giá trị nào. Những người ấy chỉ cần đọc báo, lượm lặt tin đồn đại đó đây, kể cả tin đồn đại do chính cộng sản tung ra, ghép nối lại cho có đầu, đuôi rồi nộp cho cơ quan CIA. “Đám người kể trên làm ăn được khá lâu, và moi được tiền của CIA dễ dàng như vậy cũng khá lâu. Cho mãi tới năm 1974, cơ quan ấy mới bắt đầu mở mắt để nhận ra rằng mình đã bị cả một đám đông lừa bịp trắng trợn mà không hay biết gì. Đó mới chỉ là hậu quả ở tầm mức địa phương (Đông Dương và Đông Nam Á). Nhìn về tầm mức quốc gia của nước Mỹ, những báo cáo sai lầm hoặc vô nghiã do CIA từ Sài-Gòn gửi về đã đưa chính quyền Mỹ tới những quyết định sai lầm vô cùng trầm trọng có ảnh hưởng thật tai hại cho nỗ lực chiến đấu của nước Mỹ để giúp Nam VN. “Người kế vị Shackley là Thomas Polgar, một người Mỹ gốc Hung-gia-lợi. Nếu Shackley mắc lỗi lầm tệ hại là ‘ai cũng tin, ai nói gì cũng theo’ thì Polgar lại mắc lỗi lầm khác, nhục nhã hơn nhiều, đó là sự nhắm mắt tin theo sự lừa bịp và dẫn dắt của trưởng phái đoàn Hung và phái đoàn Ba Lan trong tổ chức quốc tế theo dõi việc thi hành thoả hiệp ngưng bắn ký tại Paris ngày 27.1.1973. Tại trang 572 của cuốn ‘Decent Interval’, Frank Snepp viết rất rõ rằng các nhân viên Sô Viết, Hung, Ba Lan và Pháp đã thành công lừa bịp được cả Kissinger lẫn Thomas Polgar để cho hai kẻ ấy giữ cái ảo tưởng rằng quả thật đã có một cơ hội để thực hiện hoà bình theo kiểu chính phủ Vichy thời Thế chiến II… “Cho đến khi cộng quân đã tiến gần đến cửa ngõ Sài-Gòn, người ta vẫn còn thấy Polgar tiếp tục tin rằng những gì má các trưởng phái đoàn Hung và Ba Lan nói với ông ta đều rất đúng, và vẫn còn ‘hy vọng’ cứu được miền Nam. Thật khó có thể tưởng tượng kẻ cầm đầu cơ quan CIA tại một chiến trường quan trọng như Việt Nam lại ngây thơ và ngu xuẩn như Thomas Polgar.” (ngưng trích) Xin nhắc lại, những điều Ông Phạm Kim Vinh viết trên đây là dựa theo cuốn “Decent Interval” của Frank Snepp. Nhưng nếu Snepp thẳng tay vạch ra sự ngu muội của cấp trên tại Việt Nam thì chính bản thân ông ta cũng không cao quý gì. Ngay ở những trang đầu của cuốn sách, ông ta đã thú nhận gia nhập CIA năm 1968 chỉ là để tránh phải nhập ngũ sang Việt Nam, và sau bốn năm phục vụ tại Âu Châu được phái tới Việt Nam thì Snepp đã nghiễm nhiên trở thành một “chuyên viên về các vấn đề Bắc Việt” của CIA! Về Chiến dịch Phượng Hoàng, Ông Phạm Kim Vinh viết như sau: “Ai cũng biết rằng những cuộc hành quân lớn nhỏ của chính quyền quốc gia và đồng minh không bao giờ kéo dài. Chỉ riêng điều ấy đã nóí lên sự vô ích của hành động quân sự rồi, vì hành động ấy không diệt được ‘sự có mặt thường trực’ của cộng sản tại nông thôn, và không làm cho chính bọn cán bộ cộng sản khiếp sợ. Chiến dịch Phượng Hoàng đáng được coi là phương pháp ‘dĩ độc trị độc’, nghiã là cũng âm thầm tìm và giết cán bộ cộng sản trong nỗ lực diệt cơ sở của chúng tại thôn quê. Người điều khiển chiến dịch này là William Colby, và chiến dịch ấy, tiếc thay, chỉ kéo dài từ sau Tết Mậu Thân 1968 cho tới năm 1971. “Chính Colby viết rằng ‘khẩu cung các cán bộ cộng sản bị bắt hoặc đầu hàng khai rằng chúng khó thở nhất trong thời kỳ có Chiến dịch Phượng Hoàng’ (William Colby, ‘Honorable Men – My Life In The CIA’, Simon & Schuster 1978, trang 276). Cũng trong sách ấy, tại trang 272, Colby ghi các thắng lợi do chiến dịch ấy đạt được từ 1968 tới 1971: 17,000 cán bộ cộng sản đầu hàng và được ân xá, 28,000 tên bị bắt sống, 20,000 tên bị giết. Chỉ có 12% chết vì cảnh sát hoặc lực lượng chính quy VNCH hành quân.” (ngưng trích) Chiến dịch Phượng Hoàng phải chấm dứt vì “phong trào phản chiến” lên cao làm dữ tại Mỹ và báo chí tả phái Tây phương xúm vào chỉ trích, vu cáo là chiến dịch “ám sát dân quê vô tội”. Tháng 7 năm 1971, William Colby đã phải ra điều trần trước Thượng Viện Mỹ và bị chất vấn gắt gao, thậm chí bị buộc phải thề không có ai bị giết lầm trong Chiến dịch Phượng Hoàng! Dĩ nhiên ông Colby không thể thề về một điều ngớ ngẩn như vậy. Tức thì báo chí Mỹ hô hoán lên “như vậy là thú nhận có ám sát”! Chỉ có tại nước Mỹ mới có sự phô diễn đạo đức trong chiến tranh kiểu ấy. Trong khi không có ai hỏi xem Việt Cộng đã giết bao nhiêu người vô tội, điển hình là vụ thảm sát Tết Mậu Thân tại Huế. Bây giờ trở lại với lập luận cho rằng chiến tranh ở Nam Việt Nam là một cuộc nổi dậy cuả quần chúng, đặc biệt là tại miền quê. Sự thật, tuyệt đại đa số dân quê miền Nam VN không bao giờ “nổi dậy” chống chính phủ Sài-Gòn. Sau năm 1955, chỉ có một số thân nhân của những cán binh cộng sản đã tập kết ra Bắc có liên hệ với Việt Cộng. Trong thời kháng chiến chống Pháp, với bản chất đơn giản, hào hiệp và yêu nước, người dân quê miền Nam VN cũng oán ghét thực dân Pháp và cũng đã tham gia kháng chiến, và như thế, họ đã có một “mối tình” với kháng chiến mà không biết đã bị cộng sản lợi dụng. Cho đến khi đất nước chia đôi, một chính quyền quốc gia chống cộng được thiết lập tại miền Nam , và cán bộ cộng sản nằm vùng bắt đầu hoạt động, người dân quê mới dần dần hiểu ra họ đang ở trong cảnh “trên đe dưới búa”. Cán bộ cộng sản nằm vùng thi hành một chính sách hai mặt để “nắm” thôn quê: vừa tuyên truyền dụ dỗ, vừa đe dọa và khủng bố. Những người thực sự theo cộng sản, hoạt động cho cộng sản tại miền quê rất ít. Phần nhiều chỉ vì sợ hãi mà phải tiếp tay cho chúng, che giấu chúng, tiếp tế cho chúng, cung cấp tin tức cho chúng, đóng thuế cho chúng. Ai có thực sự sống tại thôn quê miền Nam VN trong những năm chiến tranh mới hiểu nỗi sợ hãi bị Việt Cộng trừng phạt ra sao, kể cả đối với những người sống trong vùng do quốc gia “kiểm soát ban ngày”. Cộng sản Bắc Việt đã thành công trên mặt trận tuyên truyền khi vẽ ra hình ảnh người “chiến sĩ giải phóng” với bộ bà ba đen, với đôi dép râu, với chiếc khăn rằn quàng cổ, và với chiếc mũ tai bèo trên đầu. Chính hình ảnh này đã đánh lừa và chinh phục được cảm tình của đám “trí thức mơ ngủ” tại Mỹ và Tây phương, nhưng với một nhân viên tình báo CIA cấp chỉ huy trong ba thập niên từng hoạt động tại Việt Nam mà nói rằng dân quê miền Nam đã tự nguyện đóng “thuế luá” cho VC thì là điều khó hiểu. Và, giống như các tác giả viết về chiến tranh Việt Nam trong thời gian gần đây, Thomas Ahern cũng so sánh những “bài học Việt Nam” với cuộc chiến tại Afghanistan hiện nay mà ông ta cho rằng có “những sự giống nhau khó thể bác bỏ” (compelling similarities) để rồi đưa ra những câu hỏi về sự khôn ngoan của Hoa Kỳ khi lại phạm lỗi lầm đã làm tại Việt Nam là cố tạo dựng một chính thể dân chủ tại Afghanistan. Quả thật có những cái giống nhau giữa chiến tranh tại Việt Nam trước đây và chiến tranh tại Afghanistan hiện nay, nhưng có một điều khác căn bản: chiến tranh tại Afghanistan là một cuộc nổi dậy của một bộ phận dân Afghanistan, chiến tranh tại Nam Việt Nam trước đây là một cuộc xâm lược từ bên ngoài (Cộng sản Bắc Việt) vào một quốc gia có chủ quyền (Việt Nam Cộng Hoà) được hơn 100 nước nhìn nhận và thiết lập bang giao. Nhưng, dù giống hay khác, người Mỹ cũng đang áp dụng những bài học tại Việt Nam cho chiến truờng Afghanistan và CIA lại đang giữ một vai trò quan trọng, và phải chăng đang tái phạm một lỗi lầm tai hại: “recruit, recruit, and recruit”? Bằng cớ là vụ nổ bom mới đây tại bản doanh của CIA ở Khost, Afghanistan, gây thiệt mạng cho 7 nhân viên CIA, kể cả người chỉ huy. Thủ phạm là một gián điệp đôi đã được CIA tuyển mộ để xâm nhập hàng ngũ al Qaeda, và hắn đã giấu bom trong người để cho nổ tung giữa cuộc họp của CIA. Vụ này là tổn thất lớn nhất của CIA từ nhiều năm nay, về nhân sự cũng như về thanh danh. Nó là một đòn nặng đánh vào những huyền thoại của cơ quan tình báo Hoa Kỳ được nhiều người coi là “vạn năng”, có thể làm bất cứ “mission impossible” nào. 02.02.2010
|