Thư Mục Chiến Tranh Việt Nam (tiếp theo và hết) |
Tác Giả: Nguyễn Kỳ Phong | |||
Thứ Năm, 03 Tháng 12 Năm 2009 13:46 | |||
Tài liệu Việt ngữ đến từ tác giả của hai miền Nam Bắc viết về cuộc chiến tương đối đủ, nhưng không nhiều và đa dạng như tài liệu ngoại ngữ. Sử liệu về giai đoạn sau cùng và sự kết thúc cuộc chiến, những tác phẩm cho nhiều chi tiết như, Vietnam from Cease-Fire to Capitulation của Ðại Tá William E. Le Gro (Trưởng Phòng 2, Defense Attache Office); Jeffrey Clarke, The U.S. Army in Vietnam, Advice and Support: The Final Years; Ðại Tướng Frederick C. Weyand, The Weyand Report (giải mật năm 1988); Thiếu Tướng Homer D. Smith, Defense Attache Office, RVNAF: Final Assessment (giải mật năm 1976). Tướng Smith chỉ huy phòng Tùy Viên Quốc Phòng ở Sài Gòn sau cùng; The Weyand Report là tài liệu về tình hình quân sự của VNCH vào cuối tháng 3-1975. Tác phẩm Decent Interval của nhân viên CIA Frank Snepp cũng là một tác phẩm quan trọng, viết liên hệ ngoại giao Mỹ-VNCH, và chính trị nội tình Mỹ Quốc sau khi hiệp định ngưng bắn 1973 được ký kết. Sự lừa dối của Ngoại Trưởng Kissinger và thái độ cưỡng bức của Tổng Thống Nixon đối với VNCH trong bản hiệp ước 1973, được tác giả Larry Berman trình bày trong Nixon, Kissinger, and the Betrayal of Vietnam. Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ, qua Estimative Products of Vietnam, cũng có một số tài liệu lượng định về khả quân sự của VNCH và CSVN trong hai năm 1973-74, và những tháng sau cùng của cuộc chiến. Hai tác phẩm khác, The Vietnamese Peace Negotiations: Saigon’s Side of the Story của Phụ Tá Ðặc Biệt về Ngoại Giao Nguyễn Phú Ðức, và, A Bitter Peace: Washington, Hanoi, and the Making of the Peace Agreement, của Pierre Asselin. Hai quyển này cho một cái nhìn khác về tiến trình và kết quả của hiệp ước ngưng bắn Ba Lê 1973. Cũng nên nhắc đến trong phần thư mục ngoại ngữ, là một số tác phẩm viết bằng tiếng Anh của một số sĩ quan cao cấp VNCH. Sau cuộc chiến, Trung Tâm Quân Sử Lục Quân Hoa Kỳ (U.S. Army’s Center of Military History) đã cho xuất bản nhiều tập tài liệu quân sự, qua dạng chuyên đề về Ðông Dương (Indochina Monographs). Những chủ đề điển hình như, Ðại Tướng Cao Văn Viên, The Final Collapse; Trung Tướng Ðồng Văn Khuyên, RVNAF; Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, The Easter Offensive of 1972; Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh, Lam Son 719; Chuẩn Tướng Trần Ðình Thọ, The Cambodian Incursion; Ðại Tá Hoàng Ngọc Lung, Intelligence. Ðây là những tài liệu học tập, nói về những kinh nghiệm quân sự mà các tác giả sống qua, hay đã chứng kiến. Trung Tâm Quân Sử Lục Quân Hoa Kỳ hiện có 16 tài liệu loại này trong đề mục Indochina Monographs. Tài liệu Việt ngữ đến từ tác giả của hai miền Nam Bắc viết về cuộc chiến tương đối đủ, nhưng không nhiều và đa dạng như tài liệu ngoại ngữ. Về đảng phái chính trị ở Việt Nam từ năm 1930 cho đến Hiệp Ðịnh Geneve 1954, những tác phẩm như Việt Nam Máu Lửa của Nghiêm Kế Tổ; Một Cơn Gió Bụi (Kiến Văn Lục) của Trần Trọng Kim; Từ Thực Dân Ðến Cộng Sản của Hoàng Văn Chí, là những tác phẩm “nhập môn” cần thiết cho giai đoạn nói trên. Về loại sử biên niên, tác giả Ðoàn Thêm trong Những Ngày Chưa Quên (bắt đầu từ năm 1939), và Chuyện Từng Ngày (1945 đến 1970), là một bộ sách cung cấp ngày tháng xác định của những biến cố và sự kiện, qua từng giai đọan của lịch sử. Từ năm 1954 trở về sau, như một quân sử chánh thức của VNCH, Phòng 5 thuộc Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, cho xuất bản một bộ sách bốn tập nói về sự thành hình của quân đội Việt Nam Quốc Gia, rồi sau đó là QLVNCH. Quan điểm và kinh nghiệm cá nhân về cuộc chiến 1954-1975 giữa hai miền Nam Bắc, được các tác giả quân nhân VNCH viết lại, qua những hồi ký như, Ðời Quân Ngũ của Ðại Tá Trần Ngọc Nhuận; Việt Nam Nhân Chứng, Trung Tướng Trần Văn Ðôn; Cuộc Chiến Dang Dỡ, Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt; Hai Mươi Lăm Năm Khói Lửa, Chuẩn Tướng Lý Tòng Bá; Can Trường Trong Chiến Bại, Phó Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại; Thép và Máu: Thiết Giáp Binh Trong Chiến Tranh Việt Nam, Ðại Tá Hà Mai Việt. Ngoài những tác phẩm trên, nhiều bài viết ngắn nhưng chứa đựng nhiều chi tiết quan trọng, xuất hiện trên tạp chí của các hội đoàn cựu quân nhân QLVNCH ở hải ngoại. Những tạp chí/ đặc san của binh chủng Biệt Ðộng Quân; TQLC (Sóng Thần); Nhảy Dù (Mũ Ðỏ, và Cánh Dù Viễn Xứ), thỉnh thoảng có nhiều bài viết với những chi tiết quân sử đáng lưu ý. Quân chủng Không Quân và Hải Quân VNCH có xuất bản hai tác phẩm quân sử của hai quân chủng này. Sử liệu CSVN. Trừ một vài tác phẩm của các tướng lãnh cao cấp viết như dạng hồi ký của một cá nhân, phần lớn sách về quân sử CSVN được một ban biên tập soạn. Ban biên tập trong ý nghĩa này là đảng ủy của một bộ tư lệnh, của một quân chủng hay binh chủng. Một vài thí dụ: sách về đặc công thì do BTL Ðặc Công soạn; về pháo binh thì do Ðảng Ủy và BTL Pháo Binh viết. Phần lớn sách quân sự/quân sử do Bộ Quốc Phòng xuất bản; một đôi khi sách được Bộ Chính Trị CSVN hiệu đính, như quyển Chiến Tranh Cách Mạng Việt Nam: 1945-1975, Thắng Lợi và Bài Học. Một số tác phẩm đáng lưu ý như, Chung Một Bóng Cờ: Về MTDTGPMN, sách viết về lịch sử và nhân sự của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Nguồn gốc và ý định dùng vũ lực để “thống nhất” hai miền nam bắc, được Thượng Tướng Trần Văn Trà viết trong Những Chặng Ðường Lịch Sử của B2 Thành Ðồng: Hòa Bình Hay Chiến Tranh, Tập 1; và tiếp sau đó quyển, Những Chặng Ðường Lịch Sử của B2 Thành Ðồng: Kết Thúc Cuộc Chiến Tranh 30 Năm, Tập 5, ghi lại hai năm sau cùng của cuộc chiến. Một số hồi ký của các tướng CSVN chỉ huy quân đội CSVN ở miền Nam, viết về hệ thống xâm nhập và chiến trận qua kinh nghiệm của họ như, Thượng Tướng Nguyễn Hữu An, Chiến Trường Mới; Ðại Tướng Hoàng Văn Thái, Những Năm Tháng Quyết Ðịnh; Trung Tướng Hoàng Cầm, Chặng Ðường Mười Nghìn Ngày. Ba tác phẩm có nhiều chi tiết về hệ thống đường xâm nhập Hồ Chí Minh vào Nam, Vận Tải Quân Sự Chiến Lược Trên Ðường Hồ Chí Minh Trong Kháng Chiến Chống Mỹ của Ðại Tá Nguyễn Việt Phương; Ðường Xuyên Trường Sơn, Trung Tướng Ðồng Sĩ Nguyên. Và về giai đọan sơ khai của hệ thống đường xâm nhập vào Nam, người được mệnh danh là cha đẻ của con đường, Thiếu Tướng Võ Bẩm, viết trong Những Chặng Ðường Chiến Ðấu. Quan điểm của CSVN về lịch sữ cuộc chiến, được trình bày theo thể sử biên niên trong, Trần Quỳnh Cự, et al, Việt Nam Những Sự Kiện Lịch Sử, 1945-1975; và, Viện Lịch Sử Quân Sự Việt Nam, Tóm Tắt Các Chiến Dịch Trong Kháng Chiến Chống Mỹ, Cứu Nước, 1954-1945. Về những trung tâm văn khố lưu trữ tài liệu về Việt Nam và chiến tranh Việt Nam. Trên đất Mỹ có nhiều trung tâm/thư viện lưu trữ sách Việt ngữ và nhiều tài liệu về Việt Nam. Những trung tâm như Vietnam Center ở đại học Texas Tech Univeristy, Lubbock, Texas; U.S. Army’s Center of Military History, Washington, D.C., U.S Army War College, Carlisle, Pennsylvania; và những thư viện của Quân Chủng riêng biệt (Army, Navy, Marine Corps, Air Force). Như là một trung tâm văn khố chánh phủ, trung tâm văn khố quốc gia National Archives II, tại College Park, Maryland, chứa nhiều tài liệu quân sự nhất so với các trung tâm. Văn Khố Quốc Gia Hoa Kỳ có ba địa điểm, ở Hoa Thịnh Ðốn, ở Suitland, Maryland, và ở College Park, Maryland. Ngoài ra, thư viện của các Ðại Học Cornell (Ithaca, New York), Harvard (Cambridge, Massachutsetts) cũng có nhiều sách Việt cũ. Thư Viện Quốc Hội (The Library of Congress) cũng có nhiều tài liệu và sách. Tuy nhiên, Thư Viện Quốc Hội chỉ có nhiều báo (nhật báo) và tài liệu về luật, ngoại giao và kinh tế. Những đề mục khác thì không cập nhật hóa như những trung tâm được liệt kê.
|