Thư Mục Chiến Tranh Việt Nam (Kỳ 3) |
Tác Giả: Nguyễn Kỳ Phong | |||
Thứ Năm, 03 Tháng 12 Năm 2009 13:39 | |||
Quyển sách chỉ trích nặng sự dối trá của Tổng Trưởng McNamara; thái độ lưỡng lự của Johnson, và sự ... ... Về tinh thần và những quyết định quân sự của Johnson trong cuộc chiến Việt Nam, cũng như tình hình quân sự trong thời khoảng 1963-1968, một số sách khác rất hữu ích như: Lyndon and Vietnam: The Unmaking of a President, của Herbert Y. Schandler, viết về những bế tắc trong cuộc chiến đã đưa Johnson đến quyết định không ra tranh cử vào năm 1968. Schandler là đại tá làm việc ở Bộ Quốc Phòng khi viết quyển sách trên. Một tác phẩm khác gây nhiều chấn động trong giới quân nhân, Dereliction of Duty: Lyndon Johnson, Robert McNamara, the Joint Chiefs of Staff, and the Lies that Led to Vietnam, của Trung Tá H.R. McMaster. Quyển sách chỉ trích nặng sự dối trá của Tổng Trưởng McNamara; thái độ lưỡng lự của Johnson, và sự hèn nhát của các tư lệnh trong BTMLQ, khi họ không dám phản đối kế hoạch quân sự và đường lối chỉ huy và điều khiển của thẩm quyền dân sự trong cuộc chiến Việt Nam. Lực lượng Mỹ tham chiến tại Việt Nam. (Hình: Getty Images) Những đại sứ, thứ trưởng quan trọng dưới thời Tổng Thống Johnson có viết lại kinh nghiệm của họ về Việt Nam như William Sullivan, Obligato: Notes on a Foreign Service Career; U. Alexis Johnson, The Right Hand of Power; George Ball, The Past Has Another Pattern; Paul M. Kattenburg, The Vietnam Trauma in American Foreign Policy, 1945-1954. Trong giai đoạn này, những điện tín quan trọng qua lại giữa tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn và Hoa Thịnh Ðốn, và các huấn lệnh của Johnson về Việt Nam, có thể tìm thấy trong bộ sách Foreign Relations of the United States: Vietnam, ở các quyển từ năm 1964 cho đến 1968. Năm 1968 và biến cố Tết Mậu Thân 1968 là một khúc quanh quan trọng trong kế hoạch ngoại giao, quân sự Mỹ ở Việt Nam. Một số sách ghi lại giai đoạn này như, After Tet: The Bloodiest Year in Vietnam của Ronald H. Spector. Tác phẩm chú trọng về phương diện chính trị và quân sự thay đổi sau năm Mậu Thân. CIA cũng có giải mật một tài liệu, “Intelligence Warning of the Tet Offensive in South Vietnam” (trong CIA Estimative Products on Vietnam). Tài liệu này là sản phẩm của một ủy ban cao cấp, được lập ra để điều tra tại sao các cơ quan hữu trách không để ý đến những tiên đoán tình báo đã được lưu hành trong giới hữu trách trước đó. Cùng chủ đề về sự thất bại của tình báo là The Tet Offensive: Intelligence Failure in War của James J. Wirtz. Về những nhận định sai lạc của giới truyền thông Mỹ trong Tế Mậu Thân, đọc Don Oberdorfer, Tet!; và, Peter Braesrup, Big Story: How American Press and Television Reported and Interpreted the Crisis of Tet 1968 in Vietnam and Washington, đây là hai tác phẩm được giới nghiên cứu chú ý vì sự chính xác và trung thực của tác phẩm. Trong tương quan với cuộc chiến Việt Nam, thái độ của xã hội Mỹ, những phong trào phản chiến, được nói đến trong những tác phẩm như Vietnam: The War at Home, của Thomas Powers, hay, The Long Dark Night of the Soul: The American Intellectual Left and the Vietnam War, của Sandy Vogelgesang. Từ năm 1968 không còn được giội bom trên miền Bắc, MACV chuyển mọi nỗ lực vào các chiến dịch giội bom chiến lược ở Hạ Lào, cố gắng ngăn chận hệ thống tiếp vận của CSVN vào Nam. Về kế hoạch giội bom, phương pháp ngăn chận bằng máy truy tầm điện tử trên hệ thống đường xâm nhập Hồ Chí Minh, số lượng và phi vụ giội bom, những tài liệu học tập và nghiên cứu của Không Quân Hoa Kỳ như Project CHECO; các bộ quân sử chính thức từ Office of U.S. Air Force History; Air War Over South Vietnam, 1968-1975, của Bernard C. Nalty. Về phương diện kinh tế, luân lý, hay tính chất pháp lý của hành động giội bom, quyển The Air War in Indochina, do Raphael Litauer và Norman Uphoffs chủ biên, có nhiều đóng góp của chuyên viên quốc tế về đề tài này. Những liên lạc ngoại giao chánh thức giữa Hoa Kỳ và CSVN để tìm tìm giải pháp cho cuộc chiến - chánh thức từ năm 1968 và bí mật trong hai năm 1965-1967 - được sơ lược trong The Negotiating Volumes of the Pentagon Papers của George Herring. Song song với sách của Herring là tài liệu giải mật của Bộ Ngoại Giao, Foreign Relations of the United States, volume IV, Vietnam, September 1968-January 1969. Năm 1969 chiến tranh Việt Nam bước sang một giai đoạn mới với vị tổng thống mới - Richard M. Nixon. Sử liệu về thời khoảng năm 1969 cho đến khi Hiệp Ðịnh Paris 1973 nhiều đủ để giải thích và nhận định những biến cố xảy ra. Nếu cuộc chiến trước Nixon được mệnh danh là “cuộc chiến của McNamara,” “cuộc chiến của Johnson,” thì từ năm 1969 cũng có “cuộc chiến của Nixon.” Hồi ký của Nixon, RN: The Memoirs of Richard Nixon cho thấy sự thay đổi chiều hướng. Sách viết về giai đoạn cầm quyền của Richrad Nixon rất nhiều và đa dạng. Về những liên lạc giữa ứng cử viên Tổng Thống Nixon và Ðại Sứ Bùi Diễm, đọc hồi ký của bà Anna Chennault, The Education ofAnna, và chi tiết hơn, trong các tác phẩm như A Tangled Web: TheMaking of Foreign Policy in The Nixon Presidency, của William Bundy. William là anh của McGeorge Bundy, và là nhân viên cao cấp CIA và Bộ Quốc Phòng. William Safire, chuyên viên viết diễn văn cho Nixon trong hai lần tranh cử, ghi lại nhiều chi tiết về những liên lạc đầu tiên giữa Anna Chennault, Bùi Diễm, Nixon, trong Before the Fall của William Safire. Về chuyện Tòa Ðại Sứ Việt Nam ở Hoa Thịnh Ðốn và tư gia Ðại Sứ Bùi Diễm bị dọa thám và thâu băng, đọc The Man Who Kept the Secrects: Richard Helm and the CIA. Ðây là một tác phẩm khá hay về liên hệ giữa chính trị nội địa Hoa Kỳ, về quân sự và CIA. Về nhân vật Henry A. Kissinger, ngoài cuốn hồi ký do ông viết, White House Years, một số tác phẩm khác cho ta nhiều cái nhìn về vị tổng trưởng ngoại giao của Nixon. Kissinger, do hai anh em ký giả Marvin Kalb và Bernard Kalb viết, có chiều hướng ủng hộ. Trong khi The Price of Powers: Kissinger in the Nixon White House của ký giả Seymour M. Hersh chứa đựng nhiều chỉ trích, nếu không nói là hài tội. Tác giả David Landau trong Kissinger: The Uses of Power, cũng có một nhận xét tương tự. Hồi ký của cựu Tham Mưu Trưởng Tòa Bạch Cung (Chánh Văn Phòng), Hary R. Haldeman, The Haldeman Diaries: Inside the White House, nhắc nhiều về tư cách, lề lối làm việc, và xảo thủ chính trị của Kissinger khi cả hai làm việc chung dưới quyền Tổng Thống Richard Nixon. (Còn tiếp)
|