Pháp đình nước Cộng hòa XHCN Việt Nam có chuyện kể rằng một vị “hội thẩm nhân dân” trong phần xét hỏi bị cáo, một gái mãi dâm, đã phán như sau: “Bị cáo là người vô nhân đạo. Đã nhận tiền của người ta thì phải đi bán dâm chứ ai nhận tiền rồi lại chạy. Làm ăn như thế là mất uy tín...”
Những chuyện như đùa ấy vẫn xảy ra hàng ngày trong vô số các phiên tòa của “nước nhà”, đến nỗi một tờ báo mạng “lề phải” – tờ Pháp luật Việt Nam – đã lên tiếng trong bài báo “Choáng, sốc” với những câu xét hỏi của... “quan tòa”.
Bài viết được đưa lên mạng này lúc 09:11am (GMT+7) ngày 16/10/2010. Nếu không phải do tờ báo lề phải của Việt Nam đăng tải trong một chuyên mục nghiêm túc, chuyên mục Pháp Đình, có lẽ sẽ có nhiều người nghi ngờ bài viết là một câu chuyện hài hước cuối tuần. Mà hơn thế nữa, toàn là những chuyện có cố tình cũng không bịa ra được.
Tuy nhiên, bài báo không có tên tác giả mà chỉ ghi là “Theo Khoa học & Đời sống”, cũng là một chuyện lạ.
Dưới đây là nguyên văn bài báo.
“Choáng, sốc” với những câu xét hỏi của... “quan tòa”
|
|
Pháp luật Nguồn: OntheNet |
Văn hóa pháp đình là vấn đề không mới, nhưng thời gian gần đây lại xuất hiện nhiều vụ việc cho thấy câu chuyện này đã trở nên “khổ lắm, nói mãi...” và rất đáng báo động. Một tòa án cấp quận tại TP.HCM mới đây khi đăng cai hội thảo mổ xẻ “văn hóa pháp đình” đã thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư...
Một cán bộ trong ngành tư pháp kể một câu chuyện xảy ra cách đây không lâu, trong một phiên tòa hình sự khi bị cáo trình bày loanh quanh, vị thẩm phán chủ tọa đã hét: “Câm ngay”. Tuy không trực tiếp chứng kiến cảnh ấy, nhưng có lần chúng tôi đã phải sửng sốt vì vị chủ tọa ở một phiên xử của tòa án cấp huyện tại TP.HCM “mời” kiểm sát viên xét hỏi bằng câu: “Ê, tới phần của mày rồi đó.”
“Mất thời gian lắm”
Một cảnh thường gặp, trong cùng một buổi, hội đồng xét xử (HĐXX) có thể đưa từ 3 đến 5 vụ án ra xét xử, nên thông thường để tiết kiệm thời gian phần thủ tục được làm chung cho tất cả các vụ án. Và khi xử đến vụ án nào, vị chủ tọa chỉ hỏi lại: “Có yêu cầu thay đổi ai trong HĐXX không?” Nếu không có yêu cầu gì thì “nhập đề” luôn phần xét hỏi.
Nhưng rồi người điều khiển phiên tòa cũng gặp phải một cảnh trớ trêu, nên phải... đôi co với bị cáo. Hôm đó, đến vụ án thứ hai, vừa nghe vị chủ tọa nói: “Lúc đầu giờ tôi đã phổ biến quyền và nghĩa vụ của bị cáo, khỏi cần nói lại nhé. Bị cáo có muốn thay đổi ai trong HĐXX không?”. Bị cáo Nguyễn Hoàng Trung tròn mắt: “Gì ạ, bị cáo quên hết cả rồi.” Chủ tọa bực: “Có chắc phải nói lại không, mất thời gian lắm.” Bị cáo gãi đầu, ậm ừ: “Bị cáo...” “Thế bị cáo chưa rõ chỗ nào, tòa nói lại chỗ đó?” Bị cáo lí nhí: “Dạ... thôi tòa cứ nói đại đi, bị cáo biết gì mà hỏi?” Vị chủ tọa cau có: “Mất thời gian với bị cáo quá, để tòa phổ biến lại từ đầu”.
Mới đây, tại một phiên xử hình sự diễn ra ở Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM xét kháng cáo kêu oan của một bị cáo phạm tội giết người, một cảnh tượng đã khiến người dự khán khó tin được. Trong khi vị chủ tọa đưa ra chứng cứ cho thấy bị cáo cầm dao đâm, thì vị thẩm phán ngồi cạnh, từ đầu phiên xử đã ngửa cổ tựa đầu ra thành ghế, bỗng bật dậy gắt: “Cãi gì nữa.” Xong ông đập đập tay lên chồng hồ sơ nói: “Chứng cứ rành rành thế này mà còn cãi. Về chỗ đi. Loanh quanh chối tội...” Nghe như vậy bị cáo tiu ngỉu, nhưng rõ ràng trên gương mặt tỏ vẻ không phục.
Hôm khác, tại phòng xử A cũng của tòa này, người dự khán cũng chứng kiến một vị thẩm phán thuyết phục bị cáo ngay khi vừa mở phiên tòa: “Chứng cứ rõ ràng rồi, kháng cáo cũng vậy thôi.” Lúc này, các luật sư phía dưới chỉ biết nhìn nhau to nhỏ “án chưa xử mà đã biết kháng cáo “cũng vậy”, bó tay.”
“Tuổi này ai lại đi ăn trộm”
Còn nhớ một vụ án, bị cáo nữ bị truy tố về tội “lừa đảo” do sau khi ngã giá, nhận tiền bán dâm xong, bị cáo lợi dụng sơ hở “chuồn”. Không may lần đó gặp phải một khách hàng không vừa, anh này bỏ thời gian tìm bị cáo ở nhiều điểm thường tụ tập gái bán dâm và “tóm” được bị cáo nộp công an.
Trong phần xét hỏi vị hội thẩm nhân dân nói: “Bị cáo là người vô nhân đạo. Đã nhận tiền của người ta thì phải đi bán dâm chứ ai nhận tiền rồi lại chạy. Làm ăn như thế là mất uy tín...” Hôm ấy không riêng gì người dự phiên tòa, ngay cả các thành viên khác trong HĐXX dường như cũng cố nhịn để không bật cười.
Lần khác, tại một phiên tòa xử vụ án gây rối trật tự công cộng của một TAND huyện, vị hội thẩm nhân dân cao giọng hỏi một bị cáo: “Khi tham gia gây rối có đem theo dao không?”. Bị cáo lí nhí thưa: “Dạ có”. Vị này hỏi tiếp: “Đem theo dao sao không đâm?” Bị cáo chỉ biết ngơ ngác nhìn tòa, miệng ú ớ không biết nói gì.
Tại một phiên tòa xét xử vụ án trộm cắp, một vị hội thẩm nhân dân cũng hỏi bị cáo: “Trước khi đi ăn trộm, bị cáo có ghé nhà ai không?” Bị cáo khai: “Dạ có, bị cáo ghé nhà ông nội của bị cáo chơi.” “Sao không ghé nhà ông ngoại?” Bị cáo nhìn quanh rồi thưa: “Bị cáo không biết ạ.”
|
“và cũng đừng Nói dài như trâu đái nhớ.” Nguồn: OntheNet |
Lần khác, một vị hội thẩm nhân dân khi tham gia xét hỏi cũng đặt vấn đề: “Bị cáo bao nhiêu tuổi?” “Dạ, 16 tuổi.” “Tuổi này là tuổi đi học, đến trường. Ai lại đi ăn trộm.” Bị cáo ngơ ngẩn hỏi: “Vậy, mấy tuổi mới đi ăn trộm được ạ?”...
Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý, cách xét hỏi theo kiểu quy buộc hoặc kiểu quát nạt làm cho bị cáo có cảm giác HĐXX thiên vị, ác cảm, mất đi tính dân chủ tại phiên tòa.
Ông Nguyễn Hồng Sơn (Trưởng phòng Kiểm sát xét xử phúc thẩm, tái thẩm, giám đốc thẩm hình sự - Viện KSND TP.HCM) cũng đưa ra một dẫn chứng mà ông từng chứng kiến. Đó là một phiên xử dân sự, khi đương sự cứ nói miên man không đi vào trọng tâm, vị chủ tọa đã ví von: “Nói dài như trâu đái.” Có thẩm phán hôm trước nhậu say, hôm sau ra phiên tòa còn nồng nặc mùi rượu, mặt đỏ lừ, gắt gỏng.
Ông Sơn cho biết, cách đây không lâu ông phải làm kiến nghị gửi chánh án TAND một huyện tại TP.HCM, vì trong khi kiểm sát một bản án, ông phát hiện dùng tới hơn 20 từ “y, thị, hắn...”. Theo ông Sơn, cách dùng những từ này hay “con nghiện, con bạc...” thể hiện văn hóa của những người tiến hành tố tụng còn hạn chế và bản án phát hành ra không nghiêm.