Chuyện tình kỳ lạ ở quán bánh 1 ông 3 bà |
Tác Giả: Theo CA Đa Nẵng | |||
Thứ Tư, 20 Tháng 10 Năm 2010 10:05 | |||
Sáng sáng, dọc bên tuyến QL1A đoạn gần cầu Cày này người đi đường lẫn người địa phương dựng xe bên đường vào quán tấp nập. Họ đến đây ăn bánh không chỉ để được thưởng thức món ăn ngon mà đến để được xem 3 bà bán bánh hòa thuận, vui tươi... Quán bánh mướt (bánh cuốn) tọa lạc bên QL1A thuộc TT Cày, H. Thạch Hà, Hà Tĩnh, nổi tiếng không chỉ vì khách hàng trong và ngoài tỉnh Hà Tĩnh thưởng thức đều tấm tắc khen ngon mà đặc biệt hơn, chủ quán này là 3 người phụ nữ có chung một chồng.
Quán bánh 3 bà Qua lời giới thiệu của những người thường ăn ram bánh mướt, một buổi sáng chúng tôi ghé “quán bánh 3 bà” để điểm tâm và cũng là để tìm hiểu câu chuyện tình của 3 người đàn bà với một người đàn ông lâu nay được mọi người khen là đoàn kết, hòa thuận. “Trăm hay không bằng một thấy”, quả thực, khi bước chân vào quán lúc đầu sáng sớm cũng khó tìm được một chỗ để ngồi. Trong một khuôn viên nhỏ chừng 50m2 nhưng người ngồi chi chít, người vây lấy chảo bánh để đợi đến lượt nhận phần. Bên chảo lửa tanh tách tiếng sôi của mỡ, 3 người phụ nữ mỗi người mỗi việc đang thoăn thoắt đôi tay để có bánh cho khách ăn kịp đi làm. Người “chị cả” tên Nguyễn Thị Vinh (45 tuổi) vừa cắt bánh vừa tiếp khách miệng lúc nào cũng cười tươi như hoa khiến khách ăn bánh cảm thấy vui lây. Kế bên chị Vinh là cô “em thứ” tên Trần Thị Lâm (43 tuổi) tay thịt tay dao nhuần nhuyễn với những động tác điêu luyện để cắt thịt, pha chế gia giảm. Khó khăn nhất, vất vả hơn cả là công việc rán bánh của “em út” tên Lê Thị Tịnh. Chưa ăn, nhưng nhìn vẻ hài lòng của khách, chúng tôi cũng hiểu được phần nào lời “quảng cáo” của một vài người bạn là đáng tin cậy. Thấy chúng tôi bước vào, ông Nguyễn Văn Nam, khách “ruột” của quán tiếp thị: “Người ta thích vào quán này ăn bánh không chỉ vì ở đây vừa ngon vừa rẻ mà còn để được tận mắt xem 3 người đàn bà lấy chung một chồng này tạo nên thương hiệu quán bánh 3 bà như thế nào”. Gặp chúng tôi, chị Vinh đon đả cho biết, hiện tại thị trấn này có rất nhiều quán ram bánh mướt nhưng ai cũng muốn đến đây vì vừa ngon, giá lại rẻ. Chị bảo: “Làm nên cái bánh ngon, lấy được lòng khách, 3 chị em chúng tôi phải làm và bán bánh bằng cả tấm lòng chứ không chỉ vì đồng tiền để mưu sinh”. Theo chị Vinh cho biết, thường mỗi ngày, quán chị bán hơn cả ngàn chiếc ram. Mỗi chiếc ram giá chỉ 2.000 đồng, vị chi một bữa sáng mỗi người mất 10 ngàn đồng là “ấm bụng”. Bánh được làm bằng thịt chả thái nhỏ, miến và một số gia vị khác, rán (chiên) lên thơm giòn, ăn với bánh mướt (bánh cuốn) tạo nên hương vị thơm ngon, bổ, giòn ăn mà lại nhẹ bụng. Quả thật, ngồi thưởng thức những chiếc ram nóng giòn cùng đĩa bánh cuốn thơm bốc khói chúng tôi mới hiểu được những điều chị nói là từ tận đáy lòng. Và, cũng vì một chút tò mò nghề nghiệp, qua câu chuyện với người khách “ruột” của quán, chúng tôi còn được biết về câu chuyện tình của 3 người phụ nữ lấy chung một chồng rồi cùng nhau tạo nên quán bánh mướt ăn khách. Chuyện tình cảm động bên quán bánh Nếu xét ở góc độ pháp luật thì 1 ông 3 bà là vi phạm chế độ một vợ một chồng đã rõ. Song dường như chuyện "đa thê" đó người dân thị trấn Cày không mấy quan tâm, mà cái họ chú ý và cảm phục là lòng thương người của ông chồng này. Ngày xưa, thời trai trẻ, ông Trung là một chàng trai cơ khổ. Rời quân ngũ ông về quê lập nghiệp, ông làm đủ nghề “rày đây mai đó” khắp các nơi trong ngoài tỉnh. Ai thuê gì ông làm nấy nhưng cũng không đủ tiền nuôi thân. Đường cùng, ông quay về mảnh đất hương hỏa cha ông theo nghề thợ mộc. Cũng từ đây cuộc sống của ông dần khá lên rồi có của ăn của để, ông cưu mang một số người có hoàn cảnh khó khăn vào xưởng phụ giúp làm mộc. Chuyện ông nên vợ nên chồng với 3 người phụ nữ cũng nhiều điều kỳ lạ. Một lần đi giao hàng cho khách, ông thấy một phụ nữ tuổi ngoài 30 ăn mặc rách rưới đang co ro bên đường xin ăn. Bỏ đi không nỡ, ông đưa người đàn bà này về xưởng phụ giúp làm nghề mộc. Ở gần nhau, qua công việc, ông dần cảm thấy dường như đó là một nửa của mình. Thế rồi khi “tình trong như đã”, 2 người nương tựa vào nhau và bây giờ chị là vợ cả - chị Vinh. Rồi như một sự sắp đặt của số phận, 2 người phụ nữ sau đến với ông cũng từ những sự tình cờ chẳng khác mấy chị Vinh, và cũng bằng sự cảm động, sự sẻ chia, họ đã nhận chị Vinh làm chị cả và sống với nhau rất tình cảm, chia ngọt sẻ bùi... Còn chuyện làm bánh mướt bắt đầu khi công việc thợ mộc trở nên khó khăn, ông Trung quyết định gọi 3 bà vợ ngồi lại với nhau họp bàn để chuyển hướng làm ăn. Cả 3 người phụ nữ thống nhất đề nghị ông Trung thuê mảnh đất gần trước trụ sở UBND H.Thạch Hà để bán ram bánh mướt. Một kế hoạch được vạch ra, bà cả ăn nói dịu dàng, ngoại hình tốt phụ trách mảng tiếp khách lẫn bưng bê. Bà hai nhanh nhẹn, phụ trách việc pha chế, cắt thịt, chị ba nấu ăn ngon phụ trách việc xào rán... “Để kiểm tra tay nghề và lấy khách, ngày mở quán người dân khu vực thị trấn này được chúng tôi mời đến ăn một bữa miễn phí. Thấy ngon, lần sau ai cũng tới ăn” - nói về bí quyết “câu khách” lần đầu tiên mở quán, chị Vinh cười giòn. Từ khi kiếm được công việc mới cho 3 người vợ, ông Trung cũng không bỏ nghề mộc, thỉnh thoảng ông lui tới kiểm tra rồi về lại xưởng làm việc. Thương hiệu quán bánh 3 bà cũng dần nổi lên với món bánh mướt, ram cuốn, người dân đến ăn mỗi ngày một đông. Sáng sáng, dọc bên tuyến QL1A đoạn gần cầu Cày này người đi đường lẫn người địa phương dựng xe bên đường vào quán tấp nập. Họ đến đây ăn bánh không chỉ để được thưởng thức món ăn ngon mà đến để được xem 3 bà bán bánh hòa thuận, vui tươi...
|