Giáng sinh năm 2008 ở Sài Gòn |
Tác Giả: Trần Tiến Dũng | |||
Thứ Bảy, 27 Tháng 12 Năm 2008 07:20 | |||
Ngày trước lễ Giáng Sinh, nhà thờ Hanh Thông Tây ở Gò Vấp là nơi giáo dân vào ra nhộn nhịp, ở đó có hang đá dựng cảnh Chúa ra đời, hang đá, cờ, hoa khiến không gian của nhà thờ rực rỡ trong một ngày được xem là lễ trọng. Ở một góc sân nhà thờ là gian hàng bán các vật dụng dành cho trang trí phục vụ nhu cầu trang hoàng của các gia đình trong giáo xứ. Song khác nhiều năm trước, khách mua sắm không nhiều. Một cụ ông đang ngắm nhìn cây thông lớn nhất bày trong gian hàng này trầm ngâm: “Giá ba trăm năm mươi sáu ngàn thì không đắt, tôi đã định mua nhưng đổi ý rồi. Có lẽ chờ năm tới vậy. Nếu năm tới chưa khá thì chờ năm tới nữa. Thời buổi kinh tế ngày một khó khăn, chẳng ai biết mà lường.” Tại một góc khác trong sân nhà thờ, những hang đá đủ cỡ, trong đó, có những hang đá nhỏ, giá chỉ bằng một tô phở bình dân (mười lăm ngàn đồng), vậy mà cũng chẳng mấy người mua. Cô bán hàng tâm sự: “Ða số đem hang đá cũ, cây thông cũ ra phủi bụi rồi dùng lại chứ không mua mới. Ngay cả nhà cháu cũng chỉ mua thêm mấy dây kim tuyến chứ không sắm thêm gì mới.” Những năm trước, vào những ngày cận kề Giáng Sinh, đường phố Sài Gòn rất đông thanh sinh viên hóa trang thành ông già Noel, phóng xe hai bánh gắn máy, tất bật tới lui để phát quà cho các công ty bán đồ chơi. Năm nay, một sinh viên năm cuối đại học Kinh Tế, người đã có thâm niên vài năm làm ông già Noel như vậy, nhận xét: “Chưa năm nào mà công việc này (hóa trang thành ông già Noel để đi phát quà) lại ít việc như năm nay. Phụ huynh gọi điện thoại đặt quà rất ít. Noel này tuy có thời gian đi chơi với bạn gái và nhậu nhẹt với bạn bè nhưng tôi lo. Không biết năm tới thế nào?..”. Vào dịp Giáng Sinh, dân Sài Gòn có thêm cơ hội để phân biệt đâu là những khu dân cư Công Giáo toàn tòng. Ở đó, cờ, đèn rực rỡ khắp các ngóc ngách. Giáng Sinh là dịp để mọi người, cả có đạo lẫn không có đạo đưa nhau đi xem đèn, ngắm hang đá, chia sẻ với nhau không khí của một lễ hội rộn ràng. Một ông chồng vừa chở vợ con dạo một vòng qua các nhà thờ, cho biết. “Ði sớm để tránh kẹt xe. Năm nay, tôi đủ kinh nghiệm rồi, đời sống càng khó khăn, người ta đổ ra đường càng đông, đi coi đèn, coi hang đá, nhìn người khác đi chơi rồi ghé đâu đó uống sinh tố, nước mía đâu tốn kém chẳng bao nhiêu mà có một dịp vui”. Giống như mọi năm, Vương Cung Thánh Ðường Sài Gòn chỉ treo một ngôi sao giáng sinh và những dây cờ ngũ sắc. Ở đầu đường Ðồng Khởi (đường Tự Do trước đây), công ty Sài Gòn Tourist dựng cảnh xe tuần lộc kéo ông già Noel. Song phần công viên quanh tượng Nữ Vương Hòa Bình vẫn để trống. Ðó là chỗ sau thánh lễ nửa đêm, thanh niên sẽ ngồi trò chuyện, ca hát cho tới sáng. Thế giới của những người trẻ tuổi trong đêm Giáng sinh ở Sài Gòn luôn luôn sôi động. Trong một xã hội luôn kiềm chế những bộc lộ của tuổi trẻ thì đêm Chúa Giáng Sinh là dịp duy nhất trong năm để họ tự cởi trói và ra đường. Năm nay, sự kiện Việt Nam thắng Thái Lan 2/1 lượt đi của trận chung kết giải vô địch bóng đá Ðông Nam Á, chỉ vài giờ trước thánh lễ nửa đêm đã khiến đêm Giáng Sinh ở Sài Gòn thêm ồn ào, náo động. Tối 24 tháng 12, một cụ ông ở giáo xứ Tân Phước, quận Tân Bình lại tới nhà thờ để đọc kinh cầu nguyện. Cụ ông này từng là cựu quân nhân VNCH. Khi đã “gần đất, xa trời”, niềm vui lớn nhất của ông là đến nhà thờ đọc kinh và cầu nguyện. Vào thời điểm vụ Tòa Khâm Sứ và tu viện Thái Hà trở thành căng thẳng tại Hà Nội, hệ thống tuyên truyền của nhà nước làm cụ hoang mang nhưng ngay sau đó, ông cụ khẳng định: “Tôi tin đồng đạo của mình đúng. Ngày nào tôi cũng cầu nguyện cho họ”. Năm nay, vụ Tòa Khâm Sứ và tu viện Thái Hà khiến chính quyền các nơi chúc tụng người theo đạo Thiên Chúa ồn ào và long trọng khác thường. Hình như chính quyền tin đó là điều cần thiết để duy trì cái gọi là “khối đại đoàn kết dân tộc” trước khi sự bất bình làm nó vỡ nát. Ở nhà thờ thuộc Dòng Chúa Cứu Thế trên đường Kỳ Ðồng, nơi đã diễn ra vài đêm thắp nến cầu nguyện cho công lý ở Thái Hà với số người tham dự lên tới vài ngàn, tôi một người quen đi dự lễ. Ông từng là một người Công Giáo, bỏ đạo để trở thành đảng viên cộng sản hoạt động trong giới văn nghệ sĩ. Bây giờ, ông đã quay trở lại với Chúa. Tôi đùa: “Một người như anh thì xin gì nơi Chúa?” Ông trả lời rất nghiêm nghị: “Anh tin hay không thì tùy nhưng tôi sẽ xin Chúa để cho những người lành sống với người lành và kẻ dữ đi với sự dữ.” Từ cầu Lê Văn Sĩ (cầu Trương Minh Giảng cũ), tôi nhìn thấy những dây đèn rực rỡ treo suốt một phần con đường chạy dọc kênh Nhiêu Lộc. Lần đầu tiên, nhà thờ Xóm Lách, một nhà thờ của dân nghèo, sống cạnh con kênh đen kịt, hôi thối này đón Giáng Sinh trong sự thông thoáng. Một bà bán cà phê bên cạnh nhà thờ bảo: “Con đường này làm hai năm mới xong, tạ ơn Chúa là họ làm xong trước Noel mấy ngày.” Ở nhà thờ Xóm Lách, lễ Noel năm nay được làm trên một sân khấu dựng ngay bên bờ kênh. Những con người cùng khổ, quanh năm suốt tháng lam lũ, giờ gọn gàng, sạch sẽ bao quanh sân khấu. Tiếng chuông và những bài thánh ca vang lên từ môi, miệng trên những khuôn mặt sạm đen, khắc khổ do nắng gió tạo ra trong tôi nhiều cảm xúc. Tôi bấm điện thoại, chúc Giáng Sinh linh mục Nha ở nhà thờ Lộ Mới, họ đạo Mặt Bắc, Trà Vinh - một linh mục đang sống giữa một nơi toàn người nghèo khổ. Linh mục Nha kể ngắn gọn về thông điệp năm nay của Giáo hội, đó là: Niềm tin vào con Thiên Chúa giáng trần và việc kỷ niệm Chúa giáng trần cần được phân biệt giữa kỷ niệm trong nội tâm với những hình thức hào nhoáng ở bên ngoài. Vinh danh Thiên Chúa trên Trời Bình an dưới thế cho người thiện tâm.
|