Home Đời Sống Tôn Giáo Thiên Đàng Hỏa Ngục Hai Quê

Thiên Đàng Hỏa Ngục Hai Quê PDF Print E-mail
Tác Giả: Măc Giao   
Thứ Sáu, 02 Tháng 1 Năm 2009 04:15

Thiên Đàng Hỏa Ngục hai quê
Ai khôn thời về, ai dại thời sa

Tôi nhớ tới hai câu thơ dậy giáo lý cho trẻ em trên đây khi đọc bài “Đọc Thông Điệp Spe Salvi của ĐTC Biển Đức XVI, HỎA NGỤC, THIÊN ĐÀNG” của Gs Đỗ Mạnh Tri trong Diễn Đàn Giáo Dân số 78 vừa qua. Cũng trong thời gian gần đây, có một cuộc tranh luận “tư” trên mạng giữa một số anh chị em quanh đề tài thiện, ác, thiên đàng, hỏa ngục. Có anh nói Chúa không tạo ra sự dữ, ác chỉ là khiá cạnh tiêu cực của thiện. Có anh lý luận thiên đàng hỏa ngục không phải là những nơi chốn mà là trạng thái tâm hồn. Anh Đỗ Mạnh Tri, trong bài nói trên, sau khi suy luận về lòng thương xót của Chúa, bèn phán một câu xanh rờn: “Có thiên đàng đời đời, không có hỏa ngục đời đời”. Một anh bạn cũng đã từng nói với tôi: “Nếu có hỏa ngục, làm sao chúng ta có thể giải thích lòng nhân ái vô bờ của Thiên Chúa?”. Thấy cuộc tranh luận khá hấp dẫn, tôi cũng xin nhập cuộc để cùng góp ý cho vui. Việc góp ý kiến này xin được coi như một cuộc thảo luận “ngoài luồng”, tức là nói bá láp về những suy nghĩ cá nhân, không dám đụng tới thần học và đức tin “chính thống”. Vì thế xin các đấng bậc đừng vội kết án đám anh em này là rối đạo.

Theo đức tin giản dị của những đồng đạo không suy nghĩ nhiêu khê, ai theo Chúa và làm lành thì sẽ được lên thiên đàng, ai chống Chúa và làm ác thì sẽ phải sa hỏa ngục.Thiên đàng là nơi hạnh phúc, vui thú khôn cùng, ngoài việc được thấy mặt Đức Chúa Trời, còn được thỏa mãn mọi ước vọng mà ở trần gian không được thỏa mãn. Có một linh mục đã giảng ở nhà thờ chỗ tôi ở là trên thiên đàng muốn cái gì cũng có. Sau lễ, tôi nói diễu với vị linh mục này: “Mai mốt ở trên ấy cha thả cửa được ăn steak và uống rượu vang khỏi tốn tiền” . Tôi nói vậy vì biết vị linh mục này thích hai thứ đó. Còn hỏa ngục là nơi lửa thiêu lửa đốt đời đời kiếp kiếp. Truyện tích Đức Mẹ hiện ra ở Fatima cũng kể Đức Mẹ đã hé cửa hỏa ngục cho ba em nhìn thấy lửa thiêu đốt những linh hồn tội lỗi trong đó.

Nếu xác tín như trên thì không có gì phải bàn thêm nữa. Khổ nỗi con người chúng ta vốn có nhiều trăn trở, biết một lại muốn biết hai, nhiều khi lôi cả cái biết của mình ra mà mổ xẻ. Đành rằng tin thì không cần biết, nhưng tin mà biết thì sẽ tin vững hơn. Con người bị tù túng bởi những giới hạn của thân xác. Tinh thần muốn bay bổng, muốn hiểu biết đủ thứ, muốn có mặt ở nhiều nơi cùng một lúc, nhưng bị thân xác cản trở. Vì cái thân xác này, chúng ta thèm ăn, thèm ngủ, thèm đủ thứ. Khi không được thỏa mãn cái thèm, chúng ta đau khổ. Cũng chính vì cái thân xác này, chúng ta mới biết khoái, đau, ngứa, rát, nóng, lạnh… Khi chết là chết thân xác, tinh thần được giải thoát khỏi những giới hạn bị thân xác ràng buộc. Vì vậy, nếu nói ở thiên đàng chỉ có ca hát, rước xách, ăn steak, uống rượu vang hết ngày này sang ngày khác; nếu nói hỏa ngục chỉ có lửa thiêu đốt để hành hạ đời đời, thì hóa ra chúng ta lấy cái thân xác mỏng dòn với rất nhiều mê đắm để làm thước đo sự ban thưởng ở thiên đàng và sự trừng phạt ở hỏa ngục. Vậy linh hồn và thân xác có gì khác nhau?

Muốn tưởng tượng thiên đàng ra sao, hỏa ngục ra sao, chúng ta phải trở lại vấn đề thiện, ác, nguyên nhân dẫn tới thiên đàng hay hỏa ngục. Anh Phạm Hồng Lam phát biểu: “Chúa chỉ tạo nên thần lành. Và sự dữ không bao giờ là một cái gì độc lập, song nó chỉ xuất hiện như là phủ định của một sự lành. Chỉ trong tương quan với sự lành mới có sự dữ, chứ một mình sự dữ thì không có”.

Tôi chia sẻ quan điểm này và xin nói thêm thiện, ác cũng chỉ là hai mặt của Ying và Yang theo quan niệm âm dương của phương Đông. Âm và Dương tuy khác biệt, có vẻ đối nghịch nhau, nhưng thực sự bổ túc cho nhau, nếu không nói là làm tăng giá trị của nhau. Không có bóng tối, ai biết giá trị của ánh sáng; không có lạnh, ai biết giá trị của hơi nóng; không có đàn ông, ai biết giá trị của đàn bà; không có sự chết, ai biết giá trị của sự sống… và không có ác, ai biết giá trị của thiện? Thiện ác là hai mặt của một thực tại duy nhất. Theo Kim Định, truyền thống Việt Nam cũng có khuynh hướng cặp đôi theo tính “lưỡng hợp”. Cái gì cũng phải có hai phần trái ngược mới tạo nên một thực thể có giá trị đầy đủ: bố cái (cha mẹ), vợ chồng, trời biển, sông núi, rồng tiên, Sơn Tinh Thủy Tinh… Như vậy mới hợp với quan niệm “Vạn vật đồng nhất thể”. Sở dĩ chúng ta muốn phân chia rạch ròi thiện và ác vì chúng ta bị ảnh hưởng của quan niệm nhị nguyên (dualisme) phương Tây, lúc nào cũng muốn phân biệt chủ thể (sujet) và khách thể (objet) để phân định cho rõ ràng trắng ra trắng, đen ra đen, đúng tinh thần khoa học. Trong khi đó, phương Đông luôn có cái nhìn nhất nguyên (monisme), coi mọi sự đều hòa đồng, vũ trụ là ta, ta là vũ trụ, “thiên nhân vô nhị lý” (trời và người không do hai nguyên nhân khác nhau). Phương Tây là duy lý học, phương Đông là đạo học. Học giả Paul Masson-Oursel, trong cuốn “La Pensée en Orient” cũng đã nhận ra điều này: “Kể từ Galilée, tiếp theo là Descartes, có một sự chia cắt quyết liệt giữa chúng ta, những người phương Tây và châu Mỹ, với những người phương Đông. Chúng ta đã cắt đứt với thời Trung Cổ và thiết lập nền vật lý toán học, trong khi người châu Á vẫn giữ cái học cổ điển truyền thống với tâm hồn tôn giáo” (1).

Marcel Granet nhận xét thêm: “Lối sống đó thiên về sự khôn ngoan mà không thiên về khoa học, nó nối liền con người với vũ trụ, không chống đối nhau như tư tưởng phương Tây, và không phân biệt chủ thể và khách thể, nó quan niệm trật tự của vũ trụ giống như một sự hòa hợp được thực hiện giữa thiên nhiên và xã hội”. (2) . Như vậy, xấu, tốt, thiện, ác đều là những thành tố tự nhiên trong vũ trụ và con người. Chúng đều sống chung với nhau.

Khi nói thiện ác sống chung không có nghiã là thiện ác chung sống hòa bình. Vì “thiện ác đáo đầu” nên luôn có một cuộc chiến tranh trường kỳ giữa thiện và ác trong mỗi con người. Đôi khi thiện thắng ác, đôi khi ngược lại. Đến cuối cuộc đời, nếu thiện thắng nhiều hơn ác, chúng ta sẽ ra đi thanh thản, có thể coi như về thiên đàng. Nếu ác thắng thiện, chúng ta sẽ nhắm mắt trong ân hận, dầy vò, có thể coi như gặp hỏa ngục. Sướng hay khổ phát xuất từ tâm, tùy quan niệm của chúng ta. Muốn diệt khổ, cũng tùy ý chí của chúng ta. Kinh Phật dậy: “Khổ tùy tâm sinh. Khổ tùng tâm diệt”. Nếu thiên đàng giống như sự diễn tả theo những ước vọng của con người xác thịt với ánh sáng huy hoàng, hội hè triền miên, thiên thần ca hát tưng bừng, thì người được hưởng cũng chỉ vui lúc đầu, sau đó sẽ nhàm chán. Thiên đàng phải là cái gì khác. Thiên đàng, hỏa ngục cũng như luyện ngục “không phải là để chỉ những vị trí ‘địa dư’ (lieux géographiques) mà là ý nói những tình trạng, những trạng huống (état, situation)” như anh Trần Văn Khoan viết. Nếu thiên đàng là một trạng thái của tâm hồn thì Thiên Đàng rất gần với quan niệm Niết Bàn (Nirvana) của đạo Phật. Đó là một cõi thinh lặng và an bình tuyệt đối. Saripputa, một đệ tử của Đức Phật, nói thêm: “Niết Bàn là nơi dập tắt mọi ước muốn, dập tắt mọi hận thù, dập tắt mọi ảo vọng” (3), tức là không còn tham, sân, si. Thiên đàng của người tin Chúa, ngoài sự an bình tuyệt đối và không còn những ước muốn trần gian, còn có sự bao phủ của tình yêu Thiên Chúa. Nếu chỉ được hưởng an bình, linh hồn vẫn có thể còn cảm thấy cô đơn. Có thêm tình yêu, hạnh phúc mới thật sự viên mãn, mới đúng là cực lạc. Cũng theo “logique” này, hỏa ngục là tâm trạng bị cắt đứt tình người và tình Chúa, nên đau đớn vì cô độc, dầy vò, thiếu vắng tình yêu. Lửa hữu hình chỉ có thể làm đau đớn thể xác. Lửa vô hình mới làm đau đớn tinh thần.

Thiên đàng hay hỏa ngục có thể bắt đầu ngay từ cuộc đời này. Thiên Chúa đã lập ra những luật tự nhiên, cái gì cũng có nhân có qủa. Gieo gió thì gặp bão, ở hiền gặp lành. Chúa nói: “Bay đong cho ai đấu nào thì ta sẽ đong cho bay đấu ấy”, “Kẻ nào dùng gươm sẽ chết vì gươm” .

Dĩ nhiên không phải lúc nào nhân qủa cũng xảy ra nhãn tiền. Nhiều kẻ ác vẫn sống phây phây. Nhiều kẻ lành vẫn chịu nhiều thứ tai ương. Tranh cãi về điều này sẽ vô cùng. Chúng ta chỉ có thể rón rén đề nghị những giải thích dè dặt trong tầm hiểu biết hạn hẹp của con người. Có thứ nhân qủa theo luật tự nhiên: ở gần núi lửa dễ bị chết cháy, ở gần đại dương dễ bị sóng thần, ở vùng bão tố chạy ngang dễ bị xập nhà, cha mẹ có căn bệnh nan y dễ truyền bệnh cho con cháu… Có thứ nhân qủa do con người tạo ra: gây chiến tranh sẽ làm dân mình chết trước; gây oán hận sẽ bị trả thù; gây tội ác sẽ ngồi tù; gian dối sẽ bị phát giác và phải đền trả; lái xe nhanh dễ bị tai nạn, hút thuốc lá dễ bị bệnh tim phổi…

Đó là nhân qủa áp dụng theo công lý của con người. Nhiều kẻ gian ác vẫn lọt lưới công lý của người nhưng không thể lọt lưới công lý của Trời. Họ có thể bị lương tâm cắn rứt, tâm hồn không yên ổn, lòng luôn sôi sục những mưu toan, hận thù, khi sống không có người thương, khi chết không dễ nhắm mắt. Chúng ta không thể đòi hỏi Trời thưởng phạt công minh nhãn tiền mọi việc ở đời này. Nếu như vậy thì làm gì còn tự do của con người trong việc phán đoán và hành động. Và như vậy thì Trời đã can thiệp trực tiếp vào việc đời. Trời còn gì khác nữa để con người trông mong? Con người dù ác nhưng vẫn có nhất điểm lương tâm, vẫn có thể cải tà quy chánh, vẫn có thể tìm thiên đàng, hay sự bình yên, ngay trong cõi đời này.

Phật nói: “Tự giác nhi giác tha” . Hãy tự giác ngộ thì mới tự cứu được mình. Điều đó rất đúng, nhưng con đường đến Niết Bàn theo cách Phật dậy cô đơn và xa xôi qúa. Con đường về Thiên Đàng theo giáo lý Công Giáo ngắn hơn nhiều, vì chỉ sau một đời, không phải trải qua nhiều kiếp, lại được Thiên Chúa đồng hành và nâng đỡ. Sau khi rũ bỏ thân xác trần gian, linh hồn sẽ bay bổng trong sự hiểu biết vô giới hạn, sẽ được hưởng bình an và nhất là được bao bọc trong tình yêu của Thiên Chúa. Đó là Thiên Đàng. Nếu chưa thập phần hoàn hảo, linh hồn người chết còn được người sống tưởng nhớ, khích lệ và cầu khẩn cho sớm hoàn tất giai đoạn thanh luyện, được gọi là luyện ngục. Sự hiệp thông giữa những con người bằng tinh thần, không phân biệt sống chết, là điều chúng ta có thể tin, vì tinh thần thì không có giới hạn.

Trở lại vấn đề có hỏa ngục đời đời hay không, Gs Đỗ Mạnh Tri đã nhắc lời Đức Bênêđictô XVI khi ngài trích dẫn thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi giáo dân thành Corintô nói về ngày phán xét sau cùng: “…Công trình của ai đứng vững, người ấy sẽ được phần thưởng; công trình của ai bị lửa hủy diệt, người ấy sẽ bị thiệt. Và bản thân người ấy sẽ được cứu độ, nhưng là như băng qua lửa” .

GS Tri giải thích thêm, theo một số nhà thần học, lửa thiêu đốt không phải là lửa hỏa ngục, nhưng là lửa thanh luyện và cũng là lửa cứu chữa, là chính Chúa Cứu Thế. Tất cả những gì dơ bẩn nơi ta sẽ bị thiêu hủy một cách đau đớn, “nhưng là một sự đau đớn phước hạnh, qua đó quyền năng của tình yêu Thiên Chúa xuyên suốt con người ta như một ngọn lửa để cuối cùng ta trở nên hoàn toàn là ta và vì thế hoàn toàn thuộc về Chúa” .

Đức Thánh Cha không nói qủa quyết có hay không có hỏa ngục đời đời. Ngài nhấn mạnh đến lòng thương xót và hồng ân của Thiên Chúa đối với những người có đức cậy. Cậy trông vào Chúa chắc chắn sẽ được cứu rỗi, dù phải qua “lửa” thanh lọc một cách đau đớn. Vậy những người không có đức cậy, vẫn nhởn nhơ làm ác thì sao? Theo tôi, họ là những người quyết tâm giết chết tình yêu giữa người với người, khước từ tình yêu của Thiên Chúa. Đối với những kẻ đã khước từ tình yêu, không ai có thể đem tình yêu dí vào tay họ bắt họ nhận. Tình trạng này coi như đã hết thuốc chữa. Hãy để họ được tự do trong tâm trạng cô độc với những hận thù, oán hờn. Lúc đó nếu có những dằn vặt, ân hận, nuối tiếc, thì cũng đã qúa trễ, vì khi từ chối hồng ân là đã dứt khoát xua đuổi cơ may cứu chuộc.

Bàn chuyện “ngoài luồng” như trên cũng là một cách hành xử quyền tự do mà Thiên Chúa ban cho con người.

Tuy nhiên, để được lên Thiên Đàng, chưa chắc những anh hay trăn trở, hay cãi lý đã dễ qua cửa ông Thánh Phêrô bằng những người chất phác, chỉ cúi đầu tin và không cần lý luận.