Home Đời Sống Tôn Giáo Một Giáo Hội Can Trường Phía Sau Bức Màn Sắt

Một Giáo Hội Can Trường Phía Sau Bức Màn Sắt PDF Print E-mail
Tác Giả: Phạm Mạnh Tuấn   
Thứ Sáu, 29 Tháng 7 Năm 2011 06:27

Mấy năm gần đây thế giới đã chứng kiến những cuộc đấu tranh kiên cường của giáo dân miền Bắc Việt Nam đối với chính quyền Cộng Sản.

GH Công Giáo Miền Bắc Việt Nam Kể Từ 1954
 

Ngoài những biến cố nổi bật như “Tóa Khâm Sứ”, “Thái Hà”, “Đồng Chiêm”, “Cồn Dầu”, “Loan Lý”, còn rất nhiều những xung đột nhỏ đã và đang xẩy ra bên trong “bức màn sắt”, mà bên ngoài ít khi biết đến.

Sỡ dĩ có sự chống đối thường xuyên gữa giáo dân Việt Nam, đặc biệt giáo dân từ mười giáo phân miền Bắc (1), vì một bên nhà nước CS vô thần muốn kiểm soát mọi hoạt động tôn giáo qua chính sách “xin-cho”; Một mặt giáo dân đòi phải được hành xử quyền tự do tôn giáo một cách chính đáng. Tự do tôn giáo, một quyền lợi thiêng liêng đã được HĐ Giám Mục VN khẳng định trong bản góp ý ngày 14/4/91 (khi Nghị Định 69 về tôn giáo được ban hành): “Trong các quyền của con người thì quyền tự do tôn giáo rất quan trọng, nên phải được tôn trọng như một quyền lợi, chứ không phải như một đặc ân”. Điều này cũng đã được Đức TGM Ngô Quang Kiệt dõng dạc tuyên bố trước Ủy Ban Nhân Dân TP Hà Nội ngày 20/9/08.

Trên nửa thế kỷ, kể từ ngày đảng Cộng sản lên nắm quyền tại miền Bắc VN, giáo dân Công giáo miền Bắc đã phải trải qua những giai đọan cực kỳ khó khăn, nhưng họ luôn can đảm, một sự can đảm phi thường, trong việc bảo vệ đức tin và cách sống đạo.  Sự can trường này xứng đáng với những giòng ca tụng của sử gia A. Launay: “Hỡi Giáo hội Việt Nam, một trong những Giáo hội đã bị bắt bớ hà khắc nhất trong Giáo hội toàn cầu, kể từ khi công cuộc của Chúa Cứu Thế bị bắt bớ, một trong những Giáo hội kiên cố lạ lùng nhất . . . ta kính chào ngươi!” (2)
 
Bức màn sắt buông xuống sau Hiệp định Genève 1954

           Hiệp định Genève (20/7/1954), đã thúc đẩy gần một triệu người miền Bắc di cư vào Nam, trong số đó, hơn một nửa là người Công Giáo. Theo thống kê của bộ Truyền Giáo ngày 30/6/1957: Số giáo dân miền Nam vào khoảng 1.100.000 (60% mới di cư từ miền Bắc vào) với 1.264 linh mục, trong khi miền Bắc sau cuộc di cư chỉ còn lại 713.000 giáo dân với 7 GM và 374 linh mục.

Ngay từ những tháng cuối năm 1954, khi những phái đoàn Cao ủy LHQ vừa rút khỏi miền Bắc, chính quyền CS đã xiết chặt gọng kềm, càng ngày đã càng gây nên nhiều khó khăn cho các tôn giáo, đặc biệt đối với GH CG miền Bắc: Nhà nước đã từng bước hạn chế tối đa việc hành đạo. Nhiều thánh đường bị đóng cửa vĩnh viễn hoặc bị tịch thu để làm xưởng máy hay kho vật liệu, các linh mục không thể đi ra ngoài xứ đạo nếu không có giấy phép của chính quyền địa phương, các giám mục bị cô lập, ngay cả ĐHY Trịnh Như Khuê (lúc đó còn là GM của Tổng GP Hà Nội) cũng như bị giam lỏng vì bị cấm không cho đi thăm bất cứ nơi nào. Đức Khâm Sứ Tòa Thánh, các GM, thừa sai nước ngoài bị trục xuất (1959-1960) (3), các chủng viện bị buộc giải tán, các trường học bị xung công, . . Giữa lúc chính sách “Cải cách ruộng đất” và phong trào đấu tố được nhà nước “chuyên chính vô sản” rầm rộ phát động, các tôn giáo bị làm khó dễ một cách công khai. Nhiều linh mục, giáo dân bị gán cho nhãn hiệu “gián điệp do đế quốc cài lại” và bị đày tới những vùng xa xôi, hẻo lánh. Nhiều tu sĩ bị đưa đi “cải tạo” gần 20 năm chỉ vì một lý do hết sức vô lý: “không chịu lấy vợ, cứ muốn tu trì làm linh mục”(4)    

Nhà nước cộng sản Hà Nội, sau khi trục xuất Đức Khâm Sứ Tòa Thánh, đã cắt đứt mọi liên lạc của GH CG miền Bắc với thế giới bên ngoài. Tòa thánh Vatican nhiều lần muốn cử đại diện đến, nhưng nhà cầm quyền Hà Nội đều từ chối  đón nhận. Ngay Công Đồng Vatican II (1962-1965), một biến cố trọng đại nhất của GH Công Giáo thời cận đại, cũng không một vị Giám Mục miền Bắc nào được xuất ngoại tham dự. Mục đích qúa rõ ràng: những người cầm quyền vô thần muốn cô lập hoàn toàn GH miền Bắc để mong biến GH này thành một “giáo hội tự trị” rập khuôn theo kiểu Trung quốc, một giáo hội chịu sự chi phối hoàn toàn của đảng CS. Dự định đen tối này đã không bao giờ có thể thành công, vì vùng đất này đã là nơi thấm máu của hằng trăm ngàn các anh hùng Tử đạo qua nhiều thế hệ. 
 
Can trường bảo vệ đức tin.

Đạo Công giáo nơi xứ Bắc, đã minh chứng rõ ràng rằng: tuy bị nhà nước Cộng sản tìm đủ mọi cách vùi dập, cũng không thể bị tiêu diệt. Tại những vùng đông giáo dân, người Công giáo công khai chống chế độ, từ chối hợp tác với nhà nước, và đành chịu sưu cao thuế nặng để được tự do sống đạo. Nhiều thanh niên Công giáo thà chấp nhận đi lao công chiến trường chứ không can tâm hành động nghịch với giáo lý đức tin.  Hai giáo phận Phát Diệm, Bùi Chu bị cán bộ chính trị liệt kê là “vùng phản động” vì giáo dân hai địa phận này, với tinh thần bất khuất, thường nổi lên chống đối chính quyền để bảo vệ đức tin. Giáo dân Giáo phận Bắc Ninh, xứ Đại Từ cũng đứng lên phản đối chính quyền hạn chế, ngăn cấm việc đi lễ. Tại Bắc Cạn, giáo dân đã võ trang gậy gộc, giáo mác đánh nhau với cán bộ và “canh” nhà thờ gần hai tháng, không cho chính quyền vào tịch thu nhà thờ (5). Trên trang web của “Lược Sử Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội” hiện nay vẫn còn ghi rõ: “Trải qua những thời kỳ khó khăn, Ban Giám Đốc Chủng Viện luôn trung thành với Giáo hội. Năm 1960 Ban Giám đốc Chủng Viện Gioan thà chấp nhận chịu đóng cửa, chứ quyết không chịu để giáo viên do nhà nước chỉ định vào dạy học thuyết Mác Lê chống tôn giáo ở Chủng Viện. Trên một thập niên (1960 -1973), trong toàn thể Giáo Hội Miền Bắc không có một chủng viện nào được chính thức hoạt động.”

Chúng ta sống tại hải ngoại, trong một xã hội tự do, dân chủ, pháp trị, nhiều khi đã không hoàn toàn cảm thông được với những gì GH CG VN đã và đang phải trải qua, đặc biệt những gì GH miền Bắc đã phải chịu đựng trên nửa thế kỷ. Chúng ta hãy thử đặt mình vào vị trí một tham dự viên của phiên họp ngày 23 tháng 6, 1990 tại Biên Hòa. Giữa một tình huống căng thẳng, một bên nhà nước đang cố dàn dựng ra cái gọi là “Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo”, một bên HĐGMVN chẳng những đã không cho phép các linh mục tham gia mà các ngài còn tỏ rõ quan điểm trong bản góp ý gởi chính phủ: “UBĐKCG là nguy cơ gây lẫn lộn giữa GH và tổ chức chính trị” và “. . cần tránh đồng hoá Tổ quốc với Chủ nghiã xã hội” (6).  Mai Chí Thọ, đại tướng đứng đầu ngành công an nổi tiếng  sắt máu, lúc đó đang giữ Bộ Nội Vụ, trong phiên họp đã vừa “lên lớp” vừa “đe dọa” Đức Cha Nguyễn Minh Nhật (chủ tịch HĐGMVN) và phái đòan của ngài bằng câu Kinh Thánh: “Sức mạnh cánh tay Người làm cho tan tác lũ kiêu căng, hạ kẻ quyền hành. .” và Tám Cao (biệt hiệu của ông Thọ) kết luận bằng cách đập bàn lớn tiếng: “Nếu các vị không đi với chúng tôi thì có nghiã là các vị không đoàn kết với chúng tôi, mà cũng có nghiã là chống chúng tôi, không thể có nghiã nào khác”.  Cho dù bị áp lực rất mạnh từ phía chính quyền, UBĐKCG từ trước đến nay vẫn chỉ như một “quái thai dở sống dở chết”! Sự kiện này cùng với việc Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn, nhân danh HĐGMVN, ký Thỉnh nguyện thư xin Tòa thánh thụ lý tiến trình Tuyên Thánh cho 117 chân phước Tử đạo VN  (11/1985) đã là hai điểm son nổi bật trong lịch sử GH VN cận đại.
Sau năm 1990, thái độ của nhà nước CS đối với GH, trên bình diện nổi đã có vẻ hòa dịu hơn để phù hợp với chính sách “mở cửa”, nhưng cũng như đài “Veritas” tại Philippine bình luận sau chuyến viếng thăm và phỏng vấn Đức HY Phạm Đình Tụng nhân dịp mừng Kim khánh linh mục của ngài (6/6/1999): “Việt Nam có nhiều thay đổi về kinh tế, xã hội. Về tôn giáo, tuy có Nghị định “Tự Do Tôn Giáo” nhưng là tự do xin phép và cho phép” (7).  GH CG VN sẽ còn phải chịu đựng nhiều gian lao thử thách, nhưng với đời sống đức tin đã được rèn luyện và minh chứng trên 30 năm tại miền Nam, hơn nửa thế kỷ tại miền Bắc, chắc chắn GH CG tại VN sẽ xứng đáng với lời tuyên dương của Đức Thánh Cha Piô XI trong dịp tấn phong vị GM tiên khởi VN, Đức cha Nguyễn Bá Tòng (11/6/1933): “VN là trưởng tràng của Giáo hội Công giáo tại Đông Á” vậy.

(Thứ Năm, tuần 17 TN, 2011)
__________________________________________________________________
(1)        Mười Giáo Phận miền Bắc: Bắc Ninh, Bùi Chu, Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Hóa,    
        Lạng Sơn,  Phát Diệm, Thái Bình, Thanh Hóa, Vinh. 
(2)  “Lịch Sử Giáo Hội CG - Quyển 2” Linh Mục Bùi Đức Sinh. Tr. 432
(3)   Niên lịch Công Giáo Kỷ Hợi 1959 – Sài Gòn 1959. Tr. 76.
(4)   Bài phỏng vấn Đức cha Chu Văn Minh – 2/2/2009
(5)  “Lịch Sủ Giáo Hội CG - Quyển 2” Linh Mục Bùi Đức Sinh. Tr 451
(6)   Bản góp ý của HĐGM VN gởi chính phủ ngày 14 tháng 4, 1991
(7)  “Giáo Hôi Công Giáo ở Việt Nam” Linh Mục Bùi Đức Sinh Tr. 88