Home Đời Sống Tôn Giáo Sơ lược về tín ngưỡng của người Việt

Sơ lược về tín ngưỡng của người Việt PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Văn Giang   
Thứ Sáu, 01 Tháng 7 Năm 2011 21:12

 Tín ngưỡng là lòng tin tưởng và ngưỡng mộ đối với đấng thiêng liêng, những sức mạnh vô hình. 


 
Lời mở đầu:
 
Bàn luận về tín ngưỡng, tôn giáo luôn luôn là một vấn đề rất tế nhị (và nguy hiểm!)   Cứ nhìn vào lịch sử thế giới qua các cuộc thánh chiến đẫm máu và lịch sử nước nhà qua việc cấm đạo (kết  quả với trên 130 ngàn giáo dân bị giết) thì thấy ngay tầm mức quan trọng của vấn đề chấp nhận hay không chấp nhận một tín ngưỡng.
 
Tôi mạo muội (và liều lĩnh) viết bài biên khảo nhỏ này phần vì sự khuyến khích của một số thân hữu, phần vì chính cá nhân tôi đã ao ước muốn muốn hiểu rõ thêm về các tôn giáo mà tôi và gia đình tôi không thờ phụng, tức là chỉ nghe và nhìn thấy thôi.
 
Quý vị sẽ đọc thấy rất nhiều sử kiện, truyền thuyến, tôn chỉ… của các tín ngưỡng mà tôi thật ra chỉ chép lại từ các sử liệu và giáo liệu khác nhau đã được chính thức (hoặc không chính thức) công bố, phổ biến từ trước.  Ngay các tài liệu có sẵn này nhiều khi cũng không ăn khớp với nhau, nếu không muốn nói là tương phản với nhau.  Phần tôi muốn nói “mạo muội và liều lĩnh” là các nhận định rất chủ quan, phiến diện, thô thiển của tôi đối với các tôn giáo lớn ở Việt Nam mà quý vị sẽ  thấy ở các đoạn mở đẩu bẳng các chữ “Tóm lại, Lời kết…”  Tôi xin phép được mở rộng tất cả các cánh cửa để đón nhận những lời chỉ trích, sửa sai, bổ túc của các vị cao kiến.
 
“Tóm lại,” đúng hay sai còn hoàn toàn tùy vào sự thẩm định (và niềm tin) của mỗi người.
 
Dù ở tuổi nào đi nữa, chúng ta không bao giờ hết chuyện mới để học hỏi.
 
Thân mến
 
Trần Văn Giang
 
 
*
  
Sự cao cả của tính nhân bản là tín ngưỡng. 
 

Tín ngưỡng, cũng như sự suy nghĩ, là chủ điểm làm cho con người khác với thú vật, cỏ cây.  Tín ngưỡng là lòng tin tưởng và ngưỡng mộ đối với đấng thiêng liêng, những sức mạnh vô hình.  Nói đến tín ngưỡng là phải nói đến sự thờ phụng, và nói đến việc thi hành các nghi thức của sự thờ phụng mà tôn giáo đặt ra…  Sự sùng tín và nghi thức đặc trưng của dân tộc đã tạo nên con người Việt Nam, khác với các dân tộc khác trên thế giới; Tuy nhiên sự sùng tín và nghi thức không hoàn toàn cố định mà đã trải qua nhiều thay đổi theo thời gian, theo cách sống mỗi ngày mỗi khác, khó có thẻ giữ nguyên dạng như lúc khởi đầu.  Có nhiều nghi thức cũ thuộc loại phiền phức, rườm rà, trùng lập, dị đoan quá đáng, hủ lậu xét ra không còn hợp thời hợp cảnh thì cũng nên được mạnh dạn sửa đổi.  Không phải vì tổ tiên ta khờ dại, kém suy nghĩ nhưng vì thời thế mổi lúc một khác.  Mà thử hỏi có tôn giáo nào không có ít nhiều điều mê tín dị đoan?  Còn phải kể cả những tiến bộ hiển nhiên của khoa học đã ảnh hưởng đến sự thay đổi cần thiết này.
 
Việt Nam là một nước đa tôn giáo.  Thật khó nói cho chính xác là có bao nhiêu tôn giáo ở Việt Nam.  Nói một cách chủ quan, tôn giáo Việt Nam hơi phức tạp, có nhiều chuyện huyền hoặc và mâu thuẩn…  Tin hay không tin; chấp nhận hay không chấp nhận một tôn giáo là quyền của mỗi cá nhân.  Điều cần thiết là chúng ta phải tôn trọng tín ngưỡng của người khác. Ngoài các tôn giáo lớn được đưa vào từ bên ngoài như Lão giáo, Khổng giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin lành…  người Việt còn có các tín ngưỡng “bản địa” như Cao đài, Hòa hảo, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa... và tục thờ Ông Bà Tồ tiên.  Dù là người Việt theo tín ngưỡng ngoại sinh hay nội sinh (xin để ý là dù cho nội sinh, tôn giáo bản địa cũng không phải là thuần túy Việt Nam), người Việt vẫn hiểu rõ vai trò của lớn hơn của tổ quốc và dân tộc; sẵn sàng đoàn kết với nhau để để giữ nước khi có ngoại xâm.
 
Vì khôn khổ giới hạn của “cuốn sổ tay” này, trên tiêu chuẩn lịch sử, mốc thời gian, có thể liệt kê 9 tôn giáo chính ở Việt Nam như sau:
 
- Đạo thờ Thần
- Đạo Thờ Cúng Tổ Tiên (Ông Bà)
- Đạo Lão
- Đạo Khổng (Nho giáo)
- Đạo Phật
- Đạo Thiên Chúa (Công giáo)
- Đạo Tin Lành
- Đạo Cao Đài
- Đạo Phật Hòa Hảo (Phật giáo Hòa Hảo)
 
 
1- Đạo Thờ Thần
 
Nếu nói là chỉ có một “đạo thuần túy” Việt Nam, và lâu đời nhất thì phải kể “Đạo Thờ Thần.”  Đạo này đã có từ lúc có người Việt Nam.
 
Người Việt nguyên thủy tin tưởng là có thần linh ở khắp mọi nơi: trong nhà, ngoài sân, ngoài vườn, bờ ruộng, trên ngọn cây, gốc cây, dưới lòng sông…  Người Việt thờ phụng và tin tưởng tất cả các sức mạnh này.  Đạo thờ Thần (cũng như thờ cúng tổ tiên) đáng lẽ ra không nên liệt kê là một tôn giáo.  Bởi lẽ không có giáo chủ, cũng như không có giáo điều (thật ra đạo thờ thần có nhiều giáo chủ: mỗi vị thần là một giáo chủ?)  Có nhiều sự tương tự, tượng hợp giữa đạo thờ thần và đạo thờ cúng tổ tiên. Chẳng hạn, chính Ông bà Tổ Tiên được kính bái như những vị thần che chở cho con cháu, gia tộc.  Về Nghi thức, cũng có nhiều điểm giống nhau: Khi cúng một vị thần trong nhà thì gia trưởng là chủ lễ, tại làng xã thì có các vị hương xã; hoặc trong nước thì có vua hay quan thay mặt vua tế lễ; không cần đến một vị tu sĩ tôn giáo.
 
Xin được lần lượt kể các vị thần linh trong nhà, trong làng và các vị thần chung cho cả nước mà người Việt thờ cúng:
 
Thổ công
 
Thổ công là vị thần trông coi gia cư, định sự họa phúc của gia đình.  Người Việt  tin là nhờ có Thổ công, các ma quỷ không xâm nhập gia cư một cách “trái phép” để quấy nhiễu những người trong nhà.  Bàn thờ Thổ công đặt ngay gian bên, cạnh bàn thờ tổ tiên.  Nếu nhà nào không có bàn thờ tổ tiên thì bàn thờ Thổ công đặt ngay gian chính giữa nhà.  Bàn thờ gồm một hương án kê sát tường.  Trên hương án có một mâm nhỏ, ba đài rượu có nắp đậy; phía trước là bình hương hoặc đỉnh trầm; hai bên bình hương là đôi nến; đằng sau là bài vị Thổ công. Bài vị có thể là một cái mũ (có thể là 3 cỗ mũ – mũ có cánh chuồn dán trên một bộ áo và đôi hia).  Bài vị này chỉ 3 vị thần có danh hiệu khác nhau:
 
Thổ công: trông coi việc trong bếp
Thổ địa: trông coi việc trong nhà
Thổ nhi (hay thổ kỳ): trong coi việc chợ búa, hoặc sinh sản cho đàn bà.
 
 
 
 
Người Việt ta cúng Thổ công vào những ngày giỗ tết, sóc (ngày đầu tháng) vọng (ngày rằm).  Lễ cúng tùy theo gia chủ.  Có thể là chay hay mặn.  Cốt lòng thành.  Gọi là cúng thổ công nhưng phải khấn cả 3 vị thần linh ghi trong bài vị…
 
Thần tài
 
Thần tài là vị thần mang tài lộc cho gia đình.  Mỗi khi có khởi sự công việc làm ăn gì, gia chủ thưởng cầu khẩn thần tài.
 
Bàn thờ thần tài thường được thiết lập ở một góc nhà, không cần phải to lớn.  Đôi khi chỉ là một khám nhỏ hay một thùng gỗ dán giấy đỏ.  Bài vị có thể là một câu đối cầu tài, xưng tụng sự giúp đỡ của thần tài.  Trước bài vị là một bát hương và một đôi nến, vài ly nước (hay rượu) và một mâm trái cây.
 
Những ngày giỗ tết sóc vọng, mỗi dịp xuất vốn làm ăn buôn bán đều có cầu xin làm lể Thấn tài.  Ngoài ra, mỗi buổi chiều người ta hay thắp hương, có sự khi khấn vái của gia chủ.
 
Thánh sư (hay Nghệ sư)
 
Nghệ sư là ông tổ một nghề (đã truyền, dạy nghề cho đời sau).
 
Bàn thờ tổ tiên ở giữa, một bên là bàn thờ Thổ công, một bên là bàn thờ Nghệ sư.  Bài vị của Thánh sư có thể là một bức ảnh của vị Thánh sư.
 
Ngoài những ngày giỗ tế, người ta cúng thánh sư vào ngày kỵ nhật của Thánh sư; để nhớ ngày qua đời của ông tổ nghề của mình.
 
Các vị thần tại các nơi công cộng
 
Đạo thờ thần còn thớ các vị thần linh chung của thôn xã hoặc toàn quốc ở các nơi công cộng.
 
Thành hoàng
 
Trong việc thờ cúng công cộng, các thôn xã lấy việc thờ phụng Thành hoàng là quan trọng nhất.  Thành hoàng của thôn xã cũng đuợc ví như thổ công ở trong nhà. Thành hoàng là vị thần linh che chở cho cả thôn xã chống mọi ác thần, giúp đỡ cho thôn xã thịnh vượng.  Thành hoàng hay Thần bảo hộ đại biểu linh động tổng số những kỷ niệm chung, những nguyện vọng chung của làng xã. Thành hoàng hiện thân cho tục lệ, luân lý và đồng thời sự thưởng phạt trừng giới; chính Thành hoàng phạt khi nào dân làng có người phạm lệ, hay thưởng khi lệ làng được tôn trọng. Sau cùng Thành hoàng còn là hiện thân đại diện cho cái quyền tối cao bắt nguồn và lấy hiệu lực ở chính xã hội nhân quần. Hơn nữa Thành hoàng còn là mẫu số chung của tất cả phần tử của đoàn thể làng thôn.  Thành hoàng kết thành khối, như là một thứ nhân cách tinh thần mà tất cả thuộc tính cốt yếu đều có thấy ở mỗi cá nhân.
 
Thành Hoàng có thể là 2, 3 vị; cũng có thể là 5, 7 vị Ức gọi là Phúc thần (Phúc thần là vị thần giáng phục cho dân gian).
 
Theo Phan Kế Bính trong “Việt Nam Phong Tục,” Phúc thần chia làm 3 hạng:
 
- Thượng đẳng: gồm các vị thiên thần như Phù đổng thiên vương, Chử đồng tử, Bà chúa Liễu Hạnh, Tản viên Sơn thần (Sơn tinh); hay các vị nhân thần có công trạng hiển hách cho quốc gia và có tên rõ ràng như Lý Thường Kiệt,  Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi…
 
- Trung đẳng: là những vị thần trong làng xã do dân thờ cúng từ trước.  Có thể là các quan chức có danh hiệu, có công trạng với làng xã mà không rõ tên họ (công trạng cũng lờ mờ); hoặc các thần có ít linh dị được vua ban sắc phong cho là trung đẳng thần và ra lệnh cho làng đem vế thờ.
 
- Hạ đẳng: các vị thần do làng xã đã thờ phụng sẵn từ trước.  Họ có tên nhưng đôi khi không còn rõ sự tích ra sao.
 
Ngoài 3 bậc thánh thần vừa kể, có nhiều làng còn thờ nhiều vị thần rất nhảm (còn gọi là quỷ, yều thần, tà thần) mà họ tin trước đây đã chết gặp giờ linh, ra oai, quấy nhiễu làng xóm làm do dân làng phải sợ mà thờ như thần rắn, thần lợn, thần chết nghẹn, thần  trẻ con…  Không phải làng xã nào cũng có Thành hoàng.  Nhiều làng vì nhiều lý do không có thần, hoặc làng mới lập chưa có Thành hoàng.
 
Nghè
 
Là loại hình điện thờ thần có mái che xuất hiện sớm hơn cả.  Thuật ngữ Việt cổ gọi là “Nghè.”  Đó là dạng tiên khởi của miếu thờ thần - nghĩa là thần điện có kiến trúc sơ khai.  (Hiện nay ở Vĩnh Phúc còn 10 ngôi Nghè).
 
Đình
 
Đình là nơi thờ vọng Thành hoàng (thần bảo hộ mỗi làng - vị thần của làng).  Ngoài việc thờ phụng, Đình còn là trung tâm đời sống công cộng của đoàn thể.  Chính ở đây, có những hội đồng kỳ mục; Chính ở tại đây làng nước giải quyết các vấn đề hành chính và tư pháp nội bộ; Cũng chính ở tại đây có những cuộc tế lễ, sinh hoạt văn hoá.  Tóm lại tất cả hành vi sinh hoạt xã hội Việt Nam mang đặc trưng văn minh Việt Nam đều diễn ra ở đây.
 
Đình thường tọa lạc giữa làng.  Xung quanh ngôi Đình thường có những cây đa, cây cổ thụ, bóng râm mát, hồ sen và một khoảng sân rộng. Cây đa như biểu tượng thiêng liêng của sức sống vững bền, chở che cho dân làng. Ngôi Đình còn là chứng tích tâm hồn và nhân chứng lịch sử gắn bó mật thiết với đời sống vật chất và tinh thần của người làng quê.
 
Ngôi Đình Việt Nam cổ kính, trang nghiêm và là công trình kiến trúc văn hoá mang tính dân tộc. Kiến trúc Đình làng vì vậy cũng mang đậm dấu tích văn hoá độc đáo. Đình thường cao ráo, thoáng mát, nóc có tượng đôi rồng lượn tranh lấy quả châu, trên các thanh xà ngang là những bức hoành phi câu đối. Nơi thiêng liêng nhất để thờ thần là điện thờ.
 
Thời xưa, Đình làng còn là trụ sở hành chính của chính quyền tựu trung đủ mọi lề thói từ rước xách hội hè, khao vọng quan trên, đón người đỗ đạt, họp việc làng, xử kiện cùng những quy củ nhất định, có sự phân biệt chiếu trên, chiếu dưới. Khi đi ăn cỗ, bậc hương lão, hương lý ngồi giữa đình, thấp hơn ngồi hai bên, dân thường ngồi ngoài
 
Miếu
 
Miếu cũng là nơi thờ thần.  Mỗi làng thờ thần đều có tòa Miếu; nhiều nơi có cả Miếu và Đình.  Miếu và Đình kiến trúc giống nhau chỉ khác ở kích thước - Đình lớn hơn Miếu.
 
Miếu có kiến trúc cũng như đối tượng thờ rất đa dạng.  Tên của Miếu thường được gọi theo đối tượng được thờ: Miếu Cô, Miếu Cậu, Miếu Bà Chúa Xứ (Châu Đôc) Miếu Sơn thần (thần núi), Miếu Hà bá (thần sông), Miếu Thổ thần (thờ thần đất).
 
Miếu cũng là nơi thờ các bậc trung liệt có công với nước như: Miếu Hùng vương (ở xã Đình Chu), Miếu Bì là (xã Đồng Ích) thờ Triệu Việt Vương… nhiều làng không có Miếu.
 
Miếu thường được toạ lạc ở nơi xa làng, yên tĩnh, thiêng liêng và chỉ là nơi yên nghỉ của các vị thánh thần. Trong các ngày giỗ thần như ngày sinh, ngày hoá (nhân thần), ngày hiện hoá (thiên thần) làng mở tế lễ, mở hội, nghinh rước thần từ Miếu về Đình.  Tế lễ xong, lại rước thần về Miếu yên vị.
 
Đền
 
Đền là nơi thờ thần thánh hoặc những nhân vật lịch sử đã được tôn sùng như thần thánh.  Chẳng hạn như: Đền Hùng (Việt trì, Phú Thọ) thờ phụng các Vua Hùng và tôn thất của nhà vua; Đền Phù Đổng (Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh - bây giờ là Gia lâm, Hà nội), thờ Thánh Gióng tức Phù Đổng Thiên Vương; Đền Hạ Lôi (xã Mê linh, Vĩnh Phúc) thờ Hai Bà Trưng; Đền Kiếp Bạc (xã Chí Linh, Hải Dương) thờ Đức Trần Hưng Đạo,  Đền Trần Nguyên Hãn (xã Sơn Đông, Lập thạch, Vĩnh Phúc);  Đền Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ (xã Tân Lễ, Hưng Hà, Thái Bình).…
 
Về kiến trúc, một ngôi đền thường chia làm hai phần. Phần nội điện (hay còn gọi là hậu cung) và nhà đại bái. Kết cấu này thường được bố cục theo lối chữ “Đinh” dân gian gọi là kiểu chuôi vồ.
 
Nhà đại bái lại chia làm 3 khoảng (3 gian hoặc 3 gian 2 dĩ) là trung đền, tả gian và hữu gian. Trung đền còn gọi là tiền tế, nơi có chiếu nghinh thần trong các cuộc tế.
 
Trước Đền có sân, cùng với trung đền làm nên một không gian thực hiện tế lễ trong các ngày giỗ thần ngăn cách với bên ngoài, có cổng đền. Cổng có cánh đóng mở để tỏ sự tôn nghiêm.
 
Thường thì các Đền không mở hội dân gian, chữ “Hội” ở đền chỉ có ý nghĩa là toàn dân họp lại thực hiện các nghi thức tế lễ, cầu cúng và thực hiện trình diễn lại các sự kiện lịch sử liên quan đến vị thần được thờ.
 
Miễu
 
Miễu (dấu ngã) là một ngôi Miếu (dấu sắc) nhỏ, dùng để thờ những người bất đắc kỳ tử gặp giờ linh.  Trước khi được lập Miễu thờ phụng, người chết này, theo tục truyền, có hiện hồn về với những quyền phép lạ chứng minh cái uy quyền của mình.
 
Am (chúng sinh):  Một cái “đàn âm linh” nhỏ dựng bên cạnh các nghĩa địa để thờ vọng chung các âm hôn, mồ mả vô chủ, vô danh. (Chữ “Am” cũng dùng để gọi một ngôi chùa nhỏ thờ Phật; “Am” cũng là nơi yên tĩnh để các sư Phật giáo tịnh tâm hay đọc kinh phật).
Tự điền, Tự trạch
 
Mỗi làng dành riêng mấy mẫu ruộng là tự điền; hoặc dành một cái hồ, cái đầm riêng gọi là tự trạch để mỗi năm lấy hoa lợi, ngư lợi ở đó mà dùng vào việc cúng, tế tự cho làng.  Làng nào không có tự điền, tự trạch thì dân làng phải đóng góp với nhau một khoản tiền; hoặc trích tiền từ công qũy để chi phí cho việc tế tự.
 
Người Thủ từ, Cai đám
 
Người được chỉ định trông coi đình miếu, lo việc hương đèn hương và giữ đồ phụng sự… Nhiều làng chỉ để Thủ từ lo việc giữ đình miếu; và cử riêng một người lo viếc cúng bái gọi lá Cai đám – Cai đám là một người đáng kính của làng; cũng là người thường đúng ra làm chủ tế.  Người Thủ từ được hưởng một ít hoa lợi của đình miếu và đôi khi được miễn cả thuế và tạp dịch.
 
Trong việc thờ Thần, cúng lễ là điều quan trọng – Không có cúng tế lễ, là không có sự thờ phụng.  Việc cúng lễ thường được thực hiện quanh năm (ngày sóc vọng và tiết lạp bốn mùa).
 
Cúng lễ theo định nghĩa của Tử Điển Việt Nam Phổ Thông của Đào Văn Tập là:
 
Cúng: Dâng lễ vật lên thần thánh và tổ tiên (thần thánh đây phải hiểu là kể cả Trời Phật…) Cúng có thể có hoặc không có âm nhạc.
 
Tế: Cúng lễ theo nghi thức long trọng và phải cò âm nhạc (nghi thức Tế sẽ được bàn chi tiết ở phần sau).
 
Lễ: Cách bái lạy cung kính trước bàn thờ.
 
(Chi tiết về nghi thức Cúng và Tế lễ sẽ được bàn ở bài sau – “Tế Lễ”).
 
 
2- Đạo Thờ Cúng Tổ tiên (Ông bà)
 
Người Việt Nam thường ngoài tôn giáo riêng của mình, còn thờ phụng tổ tiên, ông bà.
 
Tương tự như đạo Thờ Thần, không có tài liệu nào ghi chép rõ ràng về thời điểm phát xuất “đạo” thờ cúng Tổ tiên Ông bà ở Việt Nam.  Có lẽ đạo thờ cúng Tổ tiên Ông bà bắt đầu phát triển cùng thời với đạo Thờ Thần ở Việt Nam vì tôn chỉ, nghi thức của hai “đạo” có rất nhiều điểm tương đồng.
 
Cây có gốc, nước có nguồn.  Tổ tiên sinh ra ông bà, ông bà sinh ra cha mẹ, cha mẹ sinh ra mình.  Người con hiếu thảo phải biết ơn sinh thành.  Đã có hiếu với cha mẹ thì phải có hiếu với ông bà - tức là nhớ đến nguồn gốc của mình.  Lúc ông bà cha mẹ còn sống thì chăm lo phụng dưỡng, Khi ông bà cha mẹ chết rồi thì phải lo việc thờ phụng để tỏ lòng thành kính biết ơn.
 
Thật ra, ở Việt Nam,  gọi là “đạo” thờ Ông Bà Tổ tiên; nhưng không đúng nghĩa là một “đạo” (cũng tương tự như đạo thờ Thần); bởi vì không có Giáo hội, giáo chủ, giáo sĩ, giáo điều…  Đây chỉ là chuyện nội bộ gia đình, con cháu thôi.
 
Qua việc thờ phụng tổ tiên, người Việt Nam tin là khi chết thể xác tiêu tán nhưng linh hồn thì bất diệt; và người sống và người chết luôn luôn có một sự liên lạc mật thiết. Sự thờ phụng là một cách để giữ gìn mối liên lạc này.
 
Ông Bà thường được chôn cất gần nhà.  Vong hồn Ông Bà được coi như vẫn còn đang sống quanh quẩn nơi bàn thờ.   Phong tục của Việt Nam cho là “Dương sao thì Âm vậy.”  Người sống cần gì, thì người chết sống ở “cõi Âm” cũng cần như vậy!  Nói cách khác người chết cũng cần ăn uống, tiêu pha, nhà cửa… như người sống (?)  Vì tin như vậy cho nên việc thờ phụng cúng lễ là chuyện cần thiết.  Tục người Việt cũng tin rằng vong hồn người chết thường ngự trên bàn thờ để gần gũi với con cháu.  Nguời ta sợ tội bất hiếu với vong hồn cha mẹ phải tủi hổ, cho nên người sống phải suy tính kỹ lưỡng, xem như lúc cha mẹ còn sống thì có chấp nhận dự tinh, công việc làm của mình hay không? Do đó con cái phải ăn ở, thờ phụng cho đứng đắn kẻo mang chữ bất hiếu.  Như vậy vong hồn cha mẹ có ảnh hưởng tốt đến hành động và tư cách của con cái.
 
Những biến cố quan trọng của gia đình từ việc hiếu đến hỷ, gia trưởng phải có lễ cáo gia tiên để xin ông bà tổ tiên chứng giám, chia sẻ, phù hộ.
 
Tin vui thì có:
 
- Vợ đẻ
- Con đầy tháng
- Con cái bắt đầu đi học, đi thi, đỗ dạt
- Gả chồng, dựung vợ cho con
- Công danh thăng tiến (lên chức, đắc cử, lãnh thưởng…)
- Khao vọng
- Xây cất, mua nhà mới hay sửa chữa tu bổ nhà cũ
- Cầu độ
 
Tin buồn:
 
- Trong nhà có người qua đời
- Có người đau ốm
- Phải đi xa
- Gặp chuyện không may (buôn bán thua lỗ, bị kiến cáo)
 
Bàn thờ tổ tiên
 
Trong nhà, bàn thờ tổ tiên kê ngay ở chính giữa nhà.  Nhà giầu thì đóng bàn thờ sơn son thết vàng.  Ổ vùng quê xa xôi, các gia đình nghèo không thể lập một bàn thờ qui củ để thờ đúng theo cổ tục thì ho chỉ đóng một cái trang trên tường hay thu xếp một cái tủ nhỏ làm bàn thờ để tiện việc cúng lễ.
 
Bàn thờ tổ tiên cũng được trang trí tùy theo mỗi gia đình.  Đại cương thì có bình hương, bài vị, đèn nến, mâm bồng (để bày hoa quả bánh trái) … nhà giầu sung túc sẽ bày thêm đỉnh đồng (bộ tam sự, ngũ sự, thất sự.. – số lẻ chỉ về Âm), bình sứ, bảo lộ (tám thứ binh khí của quân sĩ thời xưa), hoành phi, y môn (che ngăn cách bàn thờ với khoảng không gian bên ngòai), câu đối…
 
Ngày giỗ
 
Là ngày kỷ niệm người chết đã qua đời – còn gọi là ngày kỵ nhật.  Con cháu dù bận rộn cũng phải nhớ ngày này để cúng giỗ.  Nhiều tôn giáo chỉ làm lễ kỷ niệm ngày chết, làm giỗ nhưng không “cúng” theo cổ tục thờ cúng tổ tiên.
 
Trong ngày giỗ, tùy hoàn cảnh, gia đình làm cỗ bàn to hay nhỏ mời thân bằng quyên thuộc tham dự.  Nhiều khi cũng tùy sự liên hệ giữa người sống và người chết mà sẽ làm giỗ to hay nhỏ: cha mẹ, ông bà thi giỗ to; chú bác, cao tằng khảo, tỷ thì chỉ cúng đơn sơ.
 
Trong ngày giỗ còn phân biệt giỗ đầu (một năm sau khi người chết qua đời, hay Tiêu tường).  Giỗ đầu, con cháu nhiều khi phải mặc lại đồ tang như chính ngày đưa đám. Nhà khá giả rước cả phường bát âm, phường kèn, mời chẳng những bà con mà lại cả khách xá nữa; Hoâc giỗ sau (giỗ cuối, hết tang, còn gọi lả giỗ hết hay Đại tường)…
 
Hóa vàng
 
Hóa vàng có nghĩa là “nấu vàng,” tức là đem đốt nhừng đồ vàng mã, vàng giấy, tiền giấy.  Sau khi hóa vàng thì con cháu đổ một chén rượu cúng vào đám lửa, cốt để biến vàng mã trên dương gian thành đồ dùng thật dưới aâm phủ!  Sau khi hóa vàng thì xem nhu giỗ đã xong.
 
Với văn minh tiến bộ ngày nay người ta bỏ bớt việc đốt vàng mã tức là: áo quần, nhà cửa, xe cộ, tiền bạc bằng giấy; (có khi đốt cả hình người nữa?! Vì người Tầu cho rằng đốt hình người để dưới âm phủ Ông bà có người hầu hạ??)
 
Ngày giỗ Họ (giỗ Tổ của Họ), Nhà Thờ Tổ
 
Phần giỗ ở trên chỉ nói đến giỗ của từng cá nhân gia đình,   Nhiều gia đình hợp thành Ngành, nhiều nNành hợp thành một Họ.  Mỗi Họ có chung một Tổ.  Ngày giỗ Tổ cũng gọi là ngày giỗ Họ. Mỗi Họ có khi còn xây riêng một nhà thờ Tổ để con cháu giỗ Tổ tại đây.
 
Ngày giỗ Họ là ngày duy nhất trong năm để cho cả họ họp mặt, nhận ra nhau.  Trong dịp này những người cao niên sẽ kể các công trạng, sự nghiệp của ông tổ cho con cháu nghe.
 
Người trưởng tộc lo việc tổ chức giỗ Tổ.  Các gia đình các ngành đều phải đóng góp công của.  Người trưởng tộc cũng được hưởng hương hỏa của tổ tiên đế lại.
 
Hương Hỏa
 
Đất hương hỏa ông bà để lại là những phần đất dành để lấy hoa lợi lo việc cúng giỗ. Con cháu không được bán.  Rủi có bị tịch biên, chủ nợ cũng không được lấy phần này. Thường ruộng hương hỏa còn gọi là kỵ điền – là ruộng để giỗ.  Đất này do tự người có giỗ lấy tài sản của mình mà đặt, hoặc có di chúc của tổ tiên dành cho con cháu…
 
Do ý thức hệ luân lý gia đình, phong tục Việt Nam đặt vấn đề đất hương hỏa rất quan trọng.  Ngay cả pháp luật của các triều đại, các chế độ đều nhằm bảo vệ đất hương hỏa.
 
Tóm lại, nước Việt đã trải qua biết bao nhiêu cuộc hưng vong phế chuyển nhưng việc Thờ Cúng Ông Bà vẫn còn tồn tại.  Người Việt đã theo nhiều tôn giáo ngoại nhập khác nhau nhưng cũng không bao giờ vì tôn giáo riêng của mình mà bỏ quên tổ tiên.
 
Tất cả các chuyện xẩy ra cho gia đình trong đời sống hàng ngày Ông Bà Tổ tiên đều được nhớ đến, và khấn vái xin phù hộ.
 
 
3- Đạo Lão
 
Lão giáo một trong Tam giáo đầu tiên du nhập vào Việt Nam qua các quan cai trị người Trung hoa trong thời kỳ Bắc thuộc, bị đô hộ.
 
Người sáng lập Lão giáo là Lão tử.  Lão tử chỉ là danh hiệu.  Tục truyền khi Lão tử khi mới sinh đầu đã bạc cho nên có hiệu là Lão tử.  Theo Phan Kế Bính, Lão tử, còn gọi là Thái thượng Lão quân,  tên thật là Lý Nhĩ tự là Bá Dương hiệu là Lão Đam người nước Sở, sinh năm 570 Trước Công Nguyên - TrCN - (năm thứ 3 đời vua Định Vương nhà Đông Chu – hơn Khổng Tử chừng 20 tuổi).  Cũng có sách lại ghi là Lão tử sinh vào năm thứ 10 đời vua U vương nhà Tây Chu (thế kỷ thứ 8 trước công nguyên). Năm sinh và năm mất của Lão tử vẫn còn được tranh cãi.
 
Lão tử soạn ra “Đạo Đức Kinh” gồm năm ngàn câu, chú ý theo sự tu thân tích đức theo tự nhiên thanh tĩnh để được siêu thoát.  Đạo là nguyên lý vô hình vố sắc, đã sinh ra âm dương trời đất muôn vật muôn loài theo luật tuần hoàn mà biến cải tự nhiên; Nghĩa là muôn việc cứ để cho biến hóa tự nhiên (không cần phải làm gì thêm).  Con người muốn được tiêu diêu thanh thản thì không cần phải lo lắng, nghĩ ngợi.  Có nhiều người nói là Lão tử là một triết gia hơn là một giáo chủ; và tôn chỉ của Lão tử chỉ là một học thuyết, không phải là giáo điều.
 
Lão tử lấy sự “thanh tĩnh, tự nhiên” làm tôn chỉ.  Đây một ý tưởng rất cao; người thường khó mà hiểu thấu đáo được:  Về tình người và tình đời, cứ lấy cái “thanh tịnh vô vi” đối với cuộc đời.  Không để một chút tơ vương gì của cuộc đời xâm phạm vào cái thú ung dung, nhàn nhã, khoan thai của mình.  Việc đời xẩy đến đâu đối phó đến đó, không cần phải hao tổn thể lực và tinh thần.  Cứ để tự nhiên thì mọi chuyện sẽ yên ổn, đâu vào đó, thiên hạ sẽ “vô vi an trị” (vô vi mà an thiên hạ).  Sự tiêu cực này bị Nho giáo bác bỏ.  Những người phóng khoáng, ưa thanh tĩnh, biết nhẫn nhục đều hợp với đạo Lão.
 
Lão giáo bành trướng mạnh ở Việt Nam từ thời Đinh Tiên Hoàng (năm 968-979).  Đến đời Lý Anh Tôn (1138-1175) thì Lão giáo được dùng trong Tam giáo làm đề tài thi cử.  Cái tôn chỉ cao xa khó hiểu của Lão từ về sau này bị các lưu phái suy diễn một cách vô tình hay cố ý, biến thành thuật số, cách tu luyện đạo phù thủy. với những điều dị đoan.  Hạng thượng lưu đạo Lão chỉ thích an nhàn; hạng bình dân hạ lưu thích truyện thần tiên huyền ảo, bày những chuyện cấm kỵ, may rủi...  Quan niệm yếm thế “Thiên địa bát nhân,” “Thanh tĩnh vô vi” chỉ hợp với một xã hội lý tưởng, nhỏ thời bấy giờ; không còn hợp với xã hội lớn, chính trị phứ tạp tân tiến ngày nay (chú trọng vào phát triển kinh tế, sản xuất cao; kỹ thuật khoa học kỳ xảo; quân đội mạnh; vũ khí tinh xảo...)
 
Tóm lại, không có gì ngạc nhiên là ngày nay ảnh hưởng của Lão giáo đã giảm bớt rất nhiều.  Chính đạo phái môn đồ chỉ còn lác đác một số phù thủy, đạo sĩ theo các thể thức bùa phép, ấn quyết, trừ ma trừ quỷ... làm nghề sinh sống trong tầng lớp hạ lưu xã hội chứ kỳ thực chẳng hiểu biết tôn chỉ đạo giáo là gì!  Nước ta thực ra không rõ có rệt có một môn phái đạo Lão hay không?  Một số người dân Việt vẫn còn tin vào việc cúng bái biến thể của Lão giáo với các nghi thức vay mượn của đạo thờ Thần (như đã xem ở mục Thờ Thần) và đạo thờ cúng Tổ tiên của các thầy cúng, pháp sư, phù thủy, đồng cô bóng cậu, bùa ngải...  những cái tín mê tín dị đoan tai hại tiêm nhiễm trong dân gian đã lâu di truyền lại bởi đám đạo Lão hạ lưu không hiểu cái ý nghĩa cao kỳ tiêu diêu của đạo Lão,
 
Chúng ta không nên vì hạng thầy pháp, phù thủy luyện âm binh, bùa, ếm, tà ma, lên đồng, gọi hồn, xin thẻ, xin quẻ... đã làm hư hại dân trí mà khinh rẻ bôi bác đạo Lão.
 
 
3- Đạo Khổng (Nho giáo)
 
Nho giáo, còn gọi là Khổng giáo, là một trong Tam giáo được dân Viêt du nhập và sùng tín từ thời Bắc thuộc; nghĩa là đã có trên 2 ngàn năm.  Người ta gọi Khổng giáo, tức là đạo của đức Khổng tử.  Những người thực hành theo tín điều của Nho giáo được gọi là nhà Nho.
 
Thực ra, Khổng tử không phải là người sáng lập ra đạo này (Nho giáo đã có từ thời Phục hi – gần 2900 năm TrCN).  Khổng tử chỉ là người biểu dương và phát huy đạo này.
 
Khổng tử tên thật là Không Khâu, tự là Trọng Ni người nước Lỗ, sinh năm 551 TrCN, vào thời vua Linh Vương nhà Chu và Tương Công nước Lỗ. Mất năm 479 TrCN, thọ 73 tuổi.  Từ nhỏ Không tử đã thông minh, học xa, kiến thức rộng, hiểu thấu lẽ huyền hoặc của tạo hóa. Năm 20 tuổi đã bắt đầu giữ một số chức quan nhỏ.  Nhưng đường quan lộ của Không tử không thông đạt.  Năm 22 tuổi mở trường dạy học.  Mãi đến năm 51 tuổi vua Lỗ mới dùng làm Tư khấu coi việc Hình và một năm sau được vua Lỗ phong làm Nhiếp chính sự.  Nhưng Khổng tử thấy vua ham mê tửu sắc, nữ nhạc, trễ nãi việc triều đình cho nên xin từ chức, đem học trò đi chu du các nước chư hầu với ý nguyên đem cái sở học của mình để cứu đời.  Tuy vậy Khổng tử cũng không đước các vua chư hầu tin dùng.
 
Sau đó Khổng tử trở về nước Lỗ vĩnh viển và mở trường dạy học.  Khổng tử đã sửa sang lại Kinh Thi, Kinh Thu, Kinh Dịch, Kinh Lễ, Kinh Nhạc và Kinh Xuân thu (gọi là Lục kinh).  Kinh Nhạc về sau bị thất lạc, thành ra chỉ còn lại Ngũ kinh:
 
Kinh Thi: là sưu tập các thơ dân gian có trước thời Khổng tử.
Kinh Thư: ghi lại các truyền thuyết của các đời vua sống trước thời Khổng tử.
Kinh Lễ: ghi chép lại các lễ nghi thời trước.
Kinh Dịch: nói về các tư tưởng triết học Trung hoa cổ dựa trên khái niệm âm dương, bát quái...
Kinh Xuân Thu: ghi lại các biến cố xẩy ra ở nước Lỗ, quê nhà của Khổng tử.
 
Khổng tử dạy 8 điều được xem như tôn chỉ của Nho giáo là:
 
HIẾU để thờ kính cha mẹ
ĐỂ để hòa thuoận với anh em
TRUNG để hết lòng vơi vua và nước
THỨ để ở với người cho hợp lẽ
Tu để tự sửa mình
TỀ để quản trị gia đình
TRỊ để lấy đạo trị nước
BÌNH để an yên thiên hạ
 
Ngoài 8 điều này, Khổng tử còn dạy “Lục nghệ” là:
 
LỄ, phép lgiữ lễ nghi (phéo giao thiệp)
NHẠC, phép âm nhạc (giải trí)
XẠ, phép bắn cung (cũng là thể thao)
NGỰ, phép cưỡi ngựa (cũng là thể thao)
THƯ, phép viết chữ (văn nghệ)
SỐ, phép tính (toán pháp).
 
Khổng tử có trên 3000 học trò. Trong đó bậc cao hiền chỉ có 72 người (như Nhan hồi, Tăng sâm…).
 
Khổng tử mất năm 73 tuồi (năm 479 TrCN, đời Kinh Vương nhà Đông Chu).
 
Sau khi Khổng từ mất, các đệ tử có làm các công việc sau đây:
 
- Tăng tử chép các lời của Không tử thành cuốn Đại học dạy cách sống để làm người quân tử.
- Các học trò ghi chép lời dạy của Khổng từ thành cuốn Luận ngữ.
- Tử tư (cháu nội của Khổng tử) soạn ra sách Trung dung dạy cách sống dung hòa.
- và các học trò đời sau của Khổng giáo cũng chép lại các mẩu đối thoại giữa Mạnh tử và các vua trong thời kỳ Mạnh tử sống (100 năm sau thời Khổng tử - Mạnh tử là học trò của Tử tư) thành sách Mạnh Tử.
 
Quan điểm đạo đức chính của Khổng tử chú trọng đến việc giáo dục con người. Nhờ giáo dục mà con người cải đổi tư cách và nhà giáo dục phải đứng trên mọi giai cấp, phục vụ cách vô vị lợi cho lý tưởng con người.
 
Căn bản Tam cương: Quân thần, Phụ tử, Phu phụ.
Ngũ thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Đó là 5 đức mà con người thường phải có trong khi giao dịch với nhau.
Muốn thành nhân con người phải: Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ.
Đường lối xử thế người hành đạo cần theo đúng: Chính danh, Thuận ngôn, Hành thiện.
Phụ nữ phải: Tam tòng (ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con); và Tứ đức (Công: biết làm việc, Dung: mặt luôn tươi tỉnh, Ngôn: lời luôn chừng mực khôn ngoan, Hạnh: tư cách luôn đáng trọng).
 
Những sách vở và tiêu chuẩn đạo đức này được truyền bá rộng rãi để dạy thiên hạ cho nên được gọi chung là Nho giáo.
 
Khổng giáo vào Việt Nam cùng lúc với sự đô hộ của Tầu, đặc biệt bởi Thái thú Tích Quang và Sĩ Nhiếp (187-226). Khổng giáo bắt đầu thịnh từ thời tiền Lê (Lê Đại Hành, năm 980-1005).  Từ đời Lê, Khổng giáo đã trở thành quốc giáo.
 
Từ lúc “Nam Bắc phân tranh,” Bắc do vua Lê (mạt Lê), Chúa Trịnh, Nam do nhà Nguyễn cai trị. Nho học đã dần dần đến bước suy đồi. Các cuộc thi cử xưa kia được các vua chú trọng nhưng đến đầu thế kỷ 20 thì bị bãi bỏ hẳn (1915 ở miền Bắc và 1918 ở miền Trung).
 
 
 
Văn miếu
 
Văn miếu hay là Văn Thánh Miếu là Miếu thờ đức Khổng tử và các bậc tiên Nho, tiên Hiến.  Các tỉnh lớn Việt Nam và thủ đô Hà Nội đều có Văn Miếu.
 
 
Tóm lại, thời thế đã biến đổi theo chiều hướng khác biệt có vẻ tốt đẹp hơn.  Đạo nào cũng có lúc thịnh lúc suy.  Khổng giáo không phải là ngọai lệ.  Ở đầu thế kỷ 20, chúng ta đã nghe thấy các ông cựu học Nho giáo than thở là đạo Nho suy đồi làm cho đất nước sắp đến ngày tàn…  Thực tế hôm nay cho thấy không phải như vậy!   Ngoài ra còn có các nhận xét chủ quan như sau:
 
Mặt tích cực của Khổng giáo
 
Khổng giáo chú trọng đến việc giáo dục con người (riêng đức Khổng tử còn thấy vui thú trong việc dạy học).  Con người sinh ra vốn có tính thiện, nhưng sau này sinh ra gian ác vì chịu ảnh hưởng xấu xa của những kẻ xấu chung quanh. Dùng hình phạt để ngăn chỉ là bất đắc dĩ; nên dùng lễ nhạc để cảm hóa.  Công phu giáo hóa sẽ làm thay đổi tư cách con người: Dạy con người chú trọng đến chữ “Đức” (Tín và Lể); mở rộng lòng nhân cứu người (Nhân và Nghĩa); Dạy con người không tham lam chạy theo phú quý; lúc nghèo không thay đổi khí tiết; không bị khuất phục bởi các sức mạnh bắt phải làm sai đạo đức.
 
Nhờ cái căn bản luân lý của Khổng giáo để đạo đức hóa mọi tầng lớp xã hội qua Tam cương và Ngũ thường, mà dân tộc ta có văn minh, có văn hóa, có văn chương, có chính trị, có học thức để sinh tồn tại qua bao nhiêu giai đoạn khó khăn của lịch sử; kể cả trên ngàn năm đô hộ của Tầu.  Không có đạo Khổng có lẽ dân tộc Việt Nam ta đã biến mất trên mặt quả đất; hay vẫn còn mọi rợ ăn lông ở lỗ khi người Tây phương đem văn minh Tây phương đến nước ta.
 
Mặt tíêu cực và giới hạn của Khổng giáo
 
Quá tin vào thiên mệnh; xem nhẹ sáng kiến, chuyên môn.
Quá đề cao vai trò “Thiên tử, thừa thiên thụ mệnh.”  Tuy có khuyên vua phải theo đúng “đạo làm vua (hành động cho hợp lòng dân)” nhưng không đề cập đến cách kiểm soát vua chúa và quyền hành của họ để ngăn trừ chuyên chế và lạm quyền.
Đề cao người quân tử, kẻ sĩ; nhưng nhiều khi lại mỉa mai, miệt thi hạng thứ dân kém may mắn hơn.
Vai trò của phụ nữ trong xã hội bị xem thường.
Số, bốc, bói toán viển vông gây nhiều dị đoan xấu.
Triết lý về vũ trụ (âm dương tương đối) và Tam tài (Trời, Đất và Người - Trời Đất là cha mẹ, Người là anh em) cũng có nhiều điều viển vông khó hiểu.
Thủ lễ thì lắm sự câu thúc llỉnh kỉnh làm mất nhiều thời giờ và khó theo.
Tính tình chuộng thái êm ái, hòa nhã khiến cho dân nhu nhược.
Nhu dụng thì chuộng cách tiết kiệm, đơn giản khiến cho công nghệ, kỹ nghệ thô sơ, thiếu tinh xảo không cạnh tranh được với các nước Tây phương.
 
Nhu vậy, đạo Nho dùng để tự trị thân thì tốt; nhưng đem ra đối với đời cạnh tranh thì không mạnh.  Ngoài ra, nhiều thói hủ bại trong đời sống là do con người tự tạo ra chứ đạo Nho không chủ trương.
 
 
4- Đạo Phật
 
Giáo chủ Phật giáo là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
 
Đức Phật Thích Ca Mâu-Ni (SaKya Muni) tên là Cổ Đàm (Gautama), tự là Tất Đạt Đa (Shidartha), con vua Tịnh Phạn (Suddhodana) và Hoàng hậu Ma Da (Maya), nước Ca Tỳ La Vệ (Kapila-vastu) một tiểu quốc thuộc miền trung Ấn Độ, tức là xứ Pipaova ở phía Bắc thành Ba la nại (Bénares) ngày nay. (chữ Mâu ni chỉ là chữ thêm vào để gọi, ca ngợi sự trong sạch).   Đức Phật sinh vào ngày ngày rằm tháng tư âm lịch 624 năm TrCN.
 
Tuy là một Thái Tử sống một cuộc đời ấm no, gấm hoa trong cung điện, Đức Phật  vẫn cảm thấy những nỗi vô vị của vật chất.  Với trí thông minh, Đức Phật đã tự dấn thân đi tìm hiểu cuộc đời. Qua nhiều lần xuất cung du ngoạn, Đức Phật đã mục kích những cảnh khổ và thảm họa: Bệnh tật, chết chóc, già nua, nghèo túng. Ngài cũng nhận thấy lúc bấy giờ xã hội Ấn độ chia ra 4 giai cấp khác nhau từ cao đến thấp: Giáo sĩ, quý tộc, giới bình dân, nô lệ. Và có sự bất bình đẳng giai cấp không thể tưởng tượng được trong kiếp người.  Đức Phật thấy lòng thương chúng sanh nổi dậy, Ngài quyết định từ bỏ tất cả phú quý để  phát tâm tìm đạo năm 30 tuổi (sách Ấn độ nói 30 tuổi, sách Trung hoa nói 19 tuổi).
 
Sau 6 năm tu khổ hạnh trong rừng sâu và 49 ngày nhập định dưới cây Bồ đề, Đức Phật đã giác ngộ được đạo quả, xưng danh hiệu là Phật (Buddha, hay Thích Ca Mâu Ni – có nghĩa là “Tự giác”) và bắt đầu lên đường hành đạo, dẫn dắt những người đồng chứng vượt qua khỏi cảnh giới tối tăm đau khổ thế gian, đạt đến quá vị giải thoát và an vui -  nghĩa là kết thúc kiếp luân hồi để đi đến Niết bàn.
 
Niết bàn (Nirvana) của Phật gíao không phải là chốn thiên đường mà là một trạng thái linh hồn đã thoát khỏi cõi vô minh mê lầm mà vào cõi giác ở đó ý tưởng, cảm xúc, dục vọng không còn nữa.  “Nirvana” là một động từ có nghĩa là “dập tắt (dục vọng) đi.”  Niết bàn không phải là cõi hạnh phúc thiên đường mà hiện hữu ngay ở dưới cõi trần.
 
Phật đã nói:
 
“Tịch diệt ái dục là Niết bàn,”
 
Và:
 
“Ta là Phãt đã thành; Các ngươi là Phật sẽ thành”
 
Mọi người biết tu hành giác ngộ đều thành Phật. (theo Kim Long, Tríết sử Đông phương)
 
Sự xuất thế của đức Phật Thích Ca trải qua các giai đoạn thực hành các phương pháp tu tập, giác ngộ chân lý và thuyết pháp giáo hoá chúng sinh trong suốt 49 năm tại thể là một bài học sống động trong lịch sử xã hội loài người.  Phật vì một đại sự nhân duyên là “Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến” (Chỉ bày cho chúng sanh giác ngộ được trí tuệ sáng suốt Phật tánh) mà hiện thân ra cõi đời.  Ngài không đến với loài người bằng quyền uy, thế lực mà đến với một tâm đại từ bi, đại hùng lực để dẫn dắt con người tu tập pháp lành và cầu đạt được chân lý, giải thoát mọi sự khổ ở đời.
 
Chỉ dẫn cho chúng sanh (từ thường dân đến bậc đại nhân) giác ngộ được trí tuệ sáng suốt Phật tánh
 
 
Tám điều giác ngộ
 
Còn gọi là “Bát Đại Nhân Giác” của bậc Đại nhân - tức chỉ cho hạng Bồ tát - vì phát nguyện rộng lớn vào đời cứu độ chúng sanh, lấy đây làm kim chỉ nam cho việc tu tập hằng ngày:

- Điều thứ nhất, giác ngộ được cuộc đời là vô thường. Tất cả mọi vật đều bị thay đổi, cho đến các yếu tố cấu tạo nên cơ thể đều không bền chắc và còn có tác dụng gây ra đau khổ nữa.

- Điều thứ hai, giác ngộ rằng càng nhiều ham muốn thì càng nhiều đau khổ, bởi mọi sự cực nhọc ở đời đều do lòng ham muốn mà ra.

- Điều thứ ba, giác ngộ rằng, vì tâm ta đuổi theo danh lợi không nhàm chán, tội lỗi theo đó càng ngày càng tăng lên.

- Điều thứ tư, giác ngộ rằng tính lười biếng đưa tới chỗ buông thả.
 
- Điều thứ năm, giác ngộ rằng do vô minh che lấp trí sáng suốt nên con người phải bị giam hãm trong sinh tử.

- Điều thứ sáu, giác ngộ được sự nghèo khó khiến người ta dễ sinh ra oán hận và nuôi lòng căm thù, do đó càng ngày càng tạo thêm những nhân xấu.

- Điều thứ bảy, giác ngộ được rằng năm thứ dục vọng (năm thứ dục vọng là: Của cải, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống và Ngũ nghỉ “tài, sắc. danh, thực, thuỵ ” ) gây lên tội lỗi và tai hoạ.
 
- Điều thứ tám, giác ngộ rằng vì lửa sinh tử cháy bùng cho nên mọi loài đang phải chịu biết bao niềm thống khổ.
 
(Theo Kinh Tám điều giác ngộ của bậc Đại nhân - người có tâm hạnh Bồ tát -do Thích Nhất Hạnh dịch và chú giải, xuất bản Lá Bối, Paris, 1979).


Thập thiện
 
Mỗi người chúng ta, đều do từ nơi thân thể, miệng và ý phát ra mỗi hành vi, tư tưởng và cũng từ đó mà hình thành thế giới, vạn sự vạn vật trên thế gian này. Nếu người nào biết cải đổi 10 điều ác sẽ thành 10 điều lành như dưới đây:

- Thân có 3: là không sát sanh, không trộm cắp và không tà dâm.

- Miệng có 4: là không nói dối, không nói lưỡi đòn xóc nhọn hai đầu, không nói lời chải chuốt êm tai và không sử dụng lời nói độc địa để chửi mắng kẻ khác.

- Ý có 3 là: không tham lam, không sân hận và không si mê.
 
Nếu mỗi người trong chúng ta đều hoàn thành được 10 điều lành như thế sẽ có được một giá trị đạo đức cao và xứng đáng là người tốt trong cộng đồng xã hội.

Tâm từ bi
 
Đức Phật đã hiểu rõ xã hội con người đầy bất công, bất bình đẳng (qua 4 giai cấp Bà La Môn của Ấn độ lúc Phật sinh thời): Giới có uy quyền cao – nô lệ, Người giầu - người nghèo, người khôn - kẻ dại… cho nên Ngài không đến với để dạy con người về quyền uy, phúc lộc, thế lực mà đến để giảng dạy về một đức cao cả của Phật giáo là tâm đại từ bi: phải luôn luôn thương xót kẻ yếu kém hơn mình.  Đó là pháp lành để cầu đạt được chân lý giải thoát mọi sự khổ ở đời

Kinh Phật
 
Phật giáo với kho tàng kinh điển phong phú gồm Kinh, Luật và Luận gọi là Tam tạng, trong đó chỉ dẫn phương pháp tu tập rõ ràng rành mạch để giúp cho con người  vượt ra khỏi cảnh giới tối tăm đau khổ của thế gian và đạt đến quả vị giải thoát an vui.

Phật giáo vào Việt Nam
 
Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ 2 (thời kỳ Bắc thuộc). Phật giáo phát triển mạnh mẽ từ từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 15.
 
Thời Đinh Tiên Hoàng (968-979), vua mến đạo Phật đã dùng người Tây tạng làm Khuông Việt Thái sư.  Đến đời Lê Đại Hành (980-1009) vua lại sai sứ sang Tầu thỉnh kinh Tam Tạng.
 
Đến thời Lý Thái Tổ (1010-1028) thì Phật giáo cực thịnh bởi vì lúc còn nhỏ vua từng học đạo với Thiền sư Vạn Hạnh.  Các danh Nho nước ta đời Lý như Từ Đạo Hạnh, Khổng Lô, Mẫn Giác, Lư Ấn đều uyên thâm Phật học.  Trong giai đoạn này Phật giáo được xem như quốc giáo (hợp cùng với Lão và Khổng giáo thành Tam giáo đồng nguyên, hay Tam giáo đồng tôn).  Chùa chiền được lập nên khắp nơi.
 
Sau thế kỷ 15, Phật giáo bị một số danh công Nho giáo, như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát,  bắt đầu bài bác, công kích - đại khái họ cho là Phật giáo có nhiều dị đoan và nghi lễ phiền phức?!  Đến thời Vua Lê Thánh Tôn (1460-1497), vua ra chỉ cấm dân không được lập thêm chùa mới và triều đình từ đó bỏ bê không săn sóc phát hưng Phật giáo nữa.  Đến lúc Khổng giáo mỗi ngày một thịnh thì Phật giáo mỗi ngày một suy.  Âu cũng là sự tiến hóa tự nhiên của thời thế.
 
Chùa, Am
 
Chùa là nơi thờ Phật, là nơi tăng ni trụ trì, tụng kinh kệ.  Am cũng là nơi thờ Phật nhưng kiến trúc giới hạn, nhỏ hơn Chùa.  Am cũng là nơi để tăng ni nghỉ ngơi và học tập Phật pháp.
 
Thiền Viện
 
Thường đề chỉ tu viện Phật giáo.  Tuy nhiên nhiều ngôi Chùa lớn có cả nơi thờ phụng và tu viện cũng gọi là Thiền Viện. Thí dụ Thiền Viện Trúc Lâm Đà lạt, Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử còn gọi là Chùa Lân (Uông Bí, Quảng Ninh)...
 
Tóm lại, ở nước ta, Phật giáo (và cả Lão giáo và Khổng giáo - Tam giáo) đã suy.  Thời thịnh đã có nhiều chùa được xây, làng xã nào cũng có chùa thờ Phật.  Dân gian vẫn còn sùng bái thờ phụng; tuy nhiên dân lành chẳng qua theo thói quen mà cúng vái chứ kỳ thật còn ít người mộ đạo thực sự hiểu cái mục đích xâu xa của Phật.  Thành thật chủ quan mà nói, Phật giáo có hệ thống “pháp” luật không được chặt chẽ - người nào, vì bất cứ lý do gì,  cũng có thể tự ý “xuất gia đầu Phật;” thành ra khó mà có cách kiểm soát thanh lọc sư sãi để chỉ có người thật tâm, có trí tuệ cao, muốn tu hành đứng đắn để tuyển chọn.  Trừ một số ít chân tu, còn nhiều hạng thường dân lười biếng mượn cửa Bồ đề nương thân, nuôi miệng.  Tệ hại hơn nữa là có nhiều kẻ hung bạo, vô thần gài toàn phe đảng bất lương của mình vào trú ẩn nơi cửa thiền để phá đạo, để cố tình gây tiếng xấu cho cả một đạo hạnh đã được gầy dựng bằng biết bao nhiêu công phu của tiền nhân…
 
Tóm lại, Đạo Phật có ba chủ ý: Một là nhìn nhận sự khổ não của kiếp người; hai là dùng tâm từ bi để cứu độ, và ba là tu để tìm giải thoát sự khổ não.  Đạo Phật lấy hư vô là tôn chỉ: Nếu chúng sinh bỏ hết lòng tham (dục vọng), rũ sạch bụi đời bám vào mình thì ngày sau mình được hưởng phúc hậu vô lượng.  Mục đích ấy cũng cao sâu và lạ; Song vì Phật giáo có nhiều điều kỳ ảo: luân hồi, siêu thoát, họa phúc, nhân quả… cao siêu khó hiểu (dễ bị hiểu lầm là chuyện dị đoan! Làm cho lòng người mê hoặc – như đã từng bị Đạo Nho bài bác, không cho là chính đạo?!)  Nếu mình chỉ là người nông cạn, chưa đủ khả năng, kiến thức và thiện chí để hiểu mục đích cao sâu của đạo Phật, thì cũng chẳng nên bài bác mà thành người vô hạnh.
 
 
6- Đạo Thiên Chúa (Công giáo
 
Thiên Chúa giáo cò gọi là Công giáo [1] do Đức Giêsu Kitô (Jesus Christ) là Giáo Chủ.
 
Tuy du nhập vào Việt Nam mới hơn 300 năm; nhưng phải khách quan mà nói Thiên Chúa giáo là một tôn giáo có tổ chức quy củ và khoa học nhất.
 
Đức Giêsu Kitô khai sáng Thiên Chúa giáo tại nước Do Thái (Israsel) cách nay khoảng 2000 năm.  Thiên Chúa giáo còn được gọi là đạo Kitô Giáo hay đạo Kitô (do chữ “Christ” phiên âm ra là “Kitô”).
 
Thiên Chúa giáo tin thờ Đức Chúa Trời duy nhất; Đấng làm vua cõi trời, Đấng quyền phép và nhân từ, Đấng được tin là toàn năng đã làm nên mọi sự.
 
Thiên Chúa giáo tin vào Kinh thánh (Cựu và Tân ước), dưới sự hướng dẫn của Giáo hội Công giáo La mã, đứng đầu là Đức Giáo hoàng.  Cộng tác với Đức Giáo hoàng là hàng giáo phẩm (Hồng y, Giám mục, Linh mục, Phó tế).
 
Thánh Kinh (Cựu và Tân ước) là những sách được viết bởi người trần, nhưng qua sự linh ứng của Thiên Chúa. Tín điều căn bản hàng đầu là chỉ có một Thiên Chúa duy nhất làm chủ toàn thể vũ trụ; và theo Thánh Kinh, Ngài diễn tả mình là Đấng Tự Hữu (Ego sum qui sum).
 
Thiên Chúa đã tạo dựng nên muôn loài muôn vật từ hư vô, có thể qua một tiến trình tiệm tiến lâu dài.  Thiên Chúa đã dựng nên các thiên sứ thiêng liêng vô hình, và giữa chim muông cầm thú, đã dựng nên loài người có hồn và xác.
 
Chẳng may vì Ông Bà Nguyên Tổ đã phạm tội bất tuân lệnh Chúa, nên Thiên Chúa ra án phạt nặng nề kéo theo nhiều hậu quả tai hại khôn lường. Nhưng vì lòng thương, Thiên Chúa đã hứa sẽ sai Đấng Cứu Chuộc để cứu vớt con người.
 
Đức Giêsu Kitô, là Con Thiên Chúa, khi xuống trần, đã mượn thân xác hữu hình như mọi người, để dạy dỗ và làm gương cho chúng ta, nên sau khi thọ hình, Ngài đã phục sinh vinh hiển. Đức Kitô đến chẳng những để cứu thế mà còn để bổ túc tất cả những gì thiếu sót trong Lề Luật Đạo cũ, thời Cựu Ước.
 
Những giáo huấn của Đức Giêsu Kitô và các Tông Đồ đã được gom lại thành Thánh Kinh Tân Ước, như để hoàn tất mọi điều mạc khải của Thiên Chúa cho nhân loại.  Đức Giêsu Kitô chịu khổ đau và chịu chết để dạy loài người về ý nghĩa của đau khổ và cái chết.  Đức Giêsu Kitô sống lại để chứng minh Ngài đã chiến thắng tất cả và bảo đảm cho ta sẽ được sống mãi với Ngài, nếu thực tâm muốn đi theo Ngài.
 
Đức Ki tô đã mời gọi các người tin theo Ngài trở thành dân mới của Thiên Chúa, và người ta bắt đầu nói đến Kitô giáo từ đó.  Con người được biết nhiều hơn về chính Thiên Chúa (như Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi), cũng như về cuộc sống và ý nghĩa đời người, nhất là biết rõ những phương thức chính đáng để sống và chuẩn bị cho cuộc đời vĩnh cửu mai sau.
 
Đạo Thiên Chúa có “Mười điều răn” căn bản.  Mười điều răn là danh sách các mệnh lệnh đạo đức và tôn giáo, theo Kinh thánh, được Thiên Chúa phán truyền cho Môi-sê ở núi Si-nai và được khắc vào hai phiến đá. Mười điều răn đóng vai trò rất quan trọng trong và Kitô giáo (và cả Do Thái giáo).
 
Mười điều răn như sau:
 
Thứ nhất: Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự.
Thứ hai: Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ.
Thứ ba: Giữ ngày Chúa Nhật.
Thứ bốn: Thảo kính cha mẹ.
Thứ năm: Chớ giết người.
Thứ sáu: Chớ làm sự dâm dục.
Thứ bảy: Chớ lấy của người.
Thứ tám: Chớ làm chứng dối.
Thứ chín: Chớ muốn vợ chồng người.
Thứ mười: Chớ tham của người.
 
Mười Điều Răn này chính Đức Chúa Giêsu Kitô đã thay Thiên Chúa làm trọn và dạy tóm tắt trong hai điều là: "Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây, cũng vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình. Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra." (Ma-thi-ơ 22:37-40)
 
Hội Thánh cũng có thêm sáu điều răn:
 
Thứ nhất: Xem lễ ngày Chúa Nhật cùng các ngày lễ buộc.
Thứ hai: Chớ làm việc xác ngày Chúa Nhật cùng các ngày lễ buộc.
Thứ ba: Xưng tội trong một năm ít là một lần.
Thứ bốn: Chịu Mình Thánh Đức Chúa Giêsu trong Mùa Phục Sinh.
Thứ năm: Giữ chay những ngày Hội Thánh buộc.
Thứ sáu: Kiêng thịt ngày thứ sáu cùng các ngày khác Hội Thánh dạy.
 
Ngoài ra 16 điều răn căn bản đã nêu ở trên, để được rỗi, Kitô hữu phải ân cần, lo lắng mà năng chịu các phép Bí Tích Đức Chúa Giêsu đã truyền; Cầu Nguyện và dự các thánh Lễ nhất là các Lễ Trọng thì mới được hưởng phúc thanh nhàn đời đời kiếp kiếp.
 
Bí tích
 
Bí tích là một dấu hiệu hữu hình mà Chúa Giêsu đã thiết lập để là phát sinh hay gia tăng ân sủng trong linh hồn.  Có tất cả 7 phép Bí Tích:
 
Rửa Tội, Thêm sức, Thánh thể, Giải Tội, Xức dầu, Truyền chức và Hôn phối.
 
Cầu nguyện:
 
Đọc kinh trong đám rước lễ, lúc ở nhà, làm việc đúng như lời phán dạy.
 
Cầu nghuyên để xin ban ơn cho đời sống lành mạnh, để tuân hành Chúa, để cầu vượt qua sự khó khăn trong cuộc sống.
 
Lễ tiết
 
Đạo Thiên Cháu có những lễ tiết riêng để nhắc nhớ lại cuộc đời của chúa và các thánh.  Có các lễ hàng ngày, hàng tuần và lễ Trọng.
 
Có tất cả 9 Lễ Trọng:
 
Lễ Giáng sinh
Lễ Phục sinh
Lễ Thăng thiên
Lễ Hiện xuống
Lễ Mình thánh
Lễ Đức Mẹ vô nhiễm
Lễ Đức Mẹ lên trời
Lễ Các Thánh
Lễ Các Linh hồn
 
Thiên Chúa Giáo vào Việt nam
 
Trong bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục được soạn thảo dưới triều vua Tự Đức từ năm 1856, quyển 33, phần chính biên, tờ 5-6, có ghi “Đạo Gia-tô, theo bút ký của tư nhân, tháng 3 năm Nguyên Hoà thứ nhất (1533) đời Lê Trang Tông, có người Tây dương tên I-Nê-Khu (Inekhu), lén đến truyền đạo Gia-tô ở làng Ninh Cường và Quần Anh, huyện Nam Chân và làng Trà Lũ, huyện Giao Thủy” (thuộc tỉnh Nam Định, giáo phận Bùi Chu hiện nay). Vì thế, nhiều nhà sử học đã chọn năm 1533 như khởi đầu cho đạo Thiên Chúa tại Việt Nam.
 
Có thể chia quá trình lịch sử Giáo hội Việt nam thành 4 thời kỳ chính (Theo Linh mục Đoàn Quang)
 
1- Thời phôi thai: Ngay từ cuối thế kỷ 15, các nhà thám hiểm địa cầu đã đặt chân tới những miền đất mới chưa ai biết tới. Cùng đi với họ là các nhà buôn Tây ban nha, Bồ đào nha và Hoà lan sang tận miền Đông Nam Á, các nhà Thừa sai (Missionaries) cũng theo với họ để rao giảng Tin Mừng Phúc âm Chúa Kitô.
 
2. Thời Thành lập: Năm 1659, thấy đạo Công giáo tại Việt nam đã phát triển mạnh, Đức Giáo hoàng Alexandrô 7 thành lập Giáo phận (Diocese) Đàng Trong (Nam hà) và Giáo phận Đàng Ngoài (Bắc Hà) trao cho Đức Cha (Bishop) Francoise Pallu và Lambert de La Motte, cả hai vị đã dồn hết tâm lực đào tạo hàng giáo sĩ người Việt, mặc dù thời ấy đang có cuộc cấm đạo Công giáo [2] gắt gao.
 
3. Thời Phát Triển: Thời phát triển Đạo Công giáo khởi sự từ năm 1888, xứ đạo mọc lên khắp nơi. Năm 1933 đã có 14 Giáo phận (Dioceses) với số giáo dân 1 triệu 3 trăm ngàn người, 15 Giám mục, 1429 linh mục. Trước sự phát triển vượt mức như trên, Đức Giáo hoàng Piô 9 đã tấn phong cho người Việt đầu tiên làm Giám mục vào năm 1933, đó là Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn bá Tòng thuộc Giáo phận Sài gòn.
 
4. Thời Trưởng Thành: Từ năm 1925, Toà Thánh La mã đã thiết lập Toà Khâm sứ Đông dương tại Huế, nhờ vậy Giáo hội Công giáo Việt nam có nhiều thuận lợi. Các Giám mục Việt nam dần dần được tấn phong và cai quản các Giáo phận thay các Giám mục ngoại quốc.
 
Hiện nay, có gần 10% (?) dân số Việt Nam theo đạo Công giáo.
 
 
Nhà Thờ, Thánh đường
 
Là nơi thờ phụng và cử hành các thánh lễ Công giáo.
 
Người Thiên Chúa giáo đã tìm ra một lối kiến trúc riêng biệt cho thánh đường Thiên Chua giáo gọi là Kiểu thức.  Kiểu thức có 3 dạng là: Latinh, Gôtích và Phục hưng.  Trong các nhà thờ có một bàn thờ mặt bằng, nhắc lại cái bàn thuở xưa Chúa Giêsu đã có bữa tiệc sau cùng (trước khi lên thập tự giá), là nơi các Giám mục cử hành Thánh lễ.
 
Chủng viện
 
Chủng viện (tiếng Latinh: “seminarium,” có nghĩa là vườn ươm) là nơi đào tạo các chủng sinh, tu sĩ Công giáo trở thành linh mục. Chủng viện thông thường đào tạo trên bốn lĩnh vực: nhân bản, tri thức, đạo đức và mục vụ. Chủng viện có hai hình thức: Đại chủng viện và Tiểu chủng viện.
 
Đại chủng viện là nơi thật sự đào tạo các ứng viên linh mục về triết học và thần học với thời gian từ sáu đến tám năm.
 
Tiểu chủng viện nơi nội trú dành cho các tiểu chủng sinh chuẩn bị bước vào đại chủng viện, tiểu chủng viện thường được coi như là một trường trung học.
 
Nhà Chung
 
Chữ “Chung” (終) vừa là Hán Việt vừa là Nôm có nghĩa chính là thuộc về nhiều người. Tuy nhiên, với người Công Giáo, Nhà Chung là cơ sở chính của địa phận có Đức Giám Mục điạ phận cư ngụ.  Ngày nay danh từ “Nhà Chung” đang biến mất dần và thay vào đó là danh từ kép Tòa Giám Mục. Tự điển Dictionarium Anamitico – Latinum của ĐGM Taberd in năm 1838 định nghĩa nhà chung là Ecclesia tức giáo hội.
 
Nhà Dòng
 
“Dòng” là một đặc ngữ Công Giáo. Nhà Dòng theo nghĩa của người Công Giáo là một tu hội hay một trụ sở của tu hội. Người Công Giáo dùng từ Dòng hay Nhà Dòng vì tất cả những người trong tu hội đều sống theo một lý tưởng hay linh đạo chung, được kế thừa từ đời này sang đời kia. Chữ “Dòng” xuất hiện rất sớm trong ngôn ngữ người Công Giáo khi các vị thừa sai thành lập tu hội “Mến Thánh Giá Câu Rút Đức Chúa Giêsu” do đức Cha Lambert De La Motte thành lập năm 1670. Khi đặt tên cho tu hội này Ngài viết như sau: “Những bổn đạo nữ ở nước Annam đã lâu đã khấn cùng Đức Chúa Lời giữ mình sạch sẽ. Ta nghe tin này thì muốn tạ ơn Đức Chúa Lời vì Đức Chúa Lời đã mở lòng cho những kẻ ấy sẵn lòng mà khấn những sự trọng làm vậy, lại xin cho được vào dòng ấy mà tìm lẽ nào cho được phó cả và mình làm tôi Đức Chúa Lời cho lọn. Ấy đàng Đức Chúa Lời đã mở ra, cho nên ta lập dòng chị em tu hành nước Annam, mà đặt tên là Dòng Chị Em Mến Câu Rút Đức Chúa Jêsu.”
 
Tự Điển của Đức Cha Taberd, ngoài nghĩa thông thường, Ngài còn định nghĩa Dòng: “Ordo Religiosus” tức “Tu Hội Dòng.” (theo “Đại Nam Quốc Âm Tự Vị” của Huỳnh Tịnh Của).
 
Các Dòng tu có mặt tại Việt Nam
 
Tìm hiểu về Thiên Chúa giáo Việt Nam không thể không biết đến các dòng tu của các tu sĩ đã hy sinh và đóng góp công lao rất lớn cho sự chấn hưng đạo Thiên Chúa.  Xin liệt kê một số dòng tu chính tiêu biểu Dòng tu Nam và Dòng tu Nữ:
 
Dòng Đa minh:  Thành lập từ thế kỷ 12 bởi Thánh Đa Minh.  Tu sĩ Đa minh là những giáo sỉ Thiên chúa giáo đầu tiên đặt chân đến Việt Nam.  Chẳng hạn giáo sĩ Gaspar de Santa Cruz vào năm 1550 từ Malacca đổ bộ lên Hà Tiên và sau đó từ cửa biển Bà Rịa đi Quảng Ðông.
 
Dòng Tên (Sociata Jesu – Jesuites): Thành lập nam 1540, là một dòng thông thái.  Các tu sĩ dòng này có học vấn uyên bác, không riêng về thần học mà cả ngôn ngữ.  Cha Đắc lộ (Alexander De Rhodes) người sáng chế ra chữ quốc ngữ thuộc dòng này.  Ngày 15/1/1615 hai Linh Mục Buzomi (người Ý) và Diego Carvalho cùng ba thày giúp việc tới Ðà Nẵng. Sau đó ngày 15/1/1627 - nhằm ngày lễ kính thánh Giuse - Linh Mục Alexandre de Rhodes (Ðắc Lộ) đã cập bến Cửa Bạng (Thanh Hóa) tiếp tay cho các Cha Buzimo. Và từ đó phát triển sự nghiệp truyền đạo không những bằng mục vụ thường xuyên, nhưng nhất là bằng cách hoàn bị việc thành lập chữ Quốc Ngữ.
 
Như vậy, giáo sĩ dòng Tên đến Việt Nam khá sớm, chỉ sau dòng Đa minh
 
Dòng Chúa Cứu thế (Redemptionistes): Sáng lập năm 1732 bởi thánh Alphonso Maria Ligorio. Giáo sĩ dòng này đến Việt Nam từ năm 1925.
 
Dòng PhanXiCô: Thành lập vào thế kỷ 13, Truyền bá nếp sống thanh đạm, đơn giản. Từ năm 1583 đã có vết chân hai Giáo Sĩ P. Alfara và B. Ruyz tại miền Nam Việt Nam, nhưng vì gặp rất nhiều khó khăn nguyên do từ cạnh tranh giữa hai khối Bồ Ðào Nha và Tây Ban Nha, việc truyền đạo của Dòng Phanxicô bị gián đoạn và sau cùng bị bỏ dở. Mãi đến năm 1711 Dòng Phanxicô trở lại hoạt động tại giáo phận Ðàng Trong (một nửa tỉnh Ðồng Nai và kiêm luôn Cao Miên). Nhưng thời cuộc lúc đó cũng không may mắn hơn trước.
 
Dòng các sư huynh trường công giáo (còn gọi là dòng La san): Chủ đích nguyên tủy giúp về vấn đế văn hóa, trường học cho giới nghèo.  Sáng lập bởi Cha St. Jean Baptiste de la Salle vào thế kỷ 17.
 
Trong nước Việt Nam dòng này đã lập ra 20 trường La san,  Riêng Saigon có 4 trường mà nổi tiếng nhất là trường Lasan Tabert có trên 3500 học sinh. Các học sinh trường La san ở Việt Nam, trái lại, lại thuộc gia đình khá gỉa !
 
Dòng Mến Thánh giá: (tiếng Pháp: de Amantes The mule Croix, tiếng Anh: Congregation of the Holy Cross Lovers) là một dòng tu dành cho những người nữ Công giáo do Giám mục Lambert de la Motte (vị Giám mục thừa sai của MEP đầu tiên ở xứ Nam Kỳ, Đông Dương, còn gọi là Giáo phận Đàng Trong) thành lập vào năm 1670, Đàng Ngoài năm (1671),
 
Đây là tu hội nữ Công giáo đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Hiện nay, dòng này phục vụ trong nhiều giáo phận ở Việt Nam. Một vài chi dòng ở Mỹ, Thái Lan và Lào. Mến Thánh Giá là dòng tu nữ đầu tiên mang bản sắc Á Đông, vừa chiêm niệm vừa hoạt động, có lời khấn, sống thành cộng đoàn theo một bản luật được gọi là "Hiến Chương Hội Dòng Mến Thánh Giá," trực thuộc Đấng Bản Quyền sở tại và hướng về việc truyền giáo.
 
Dòng các Mẹ trường (Couvent Des Oiseaux): Đây cũng là một dòng nữ tu công giáo.  Du nhập vào Việt Nam năm 1935 (Hà nội).  Nhà chính của dòng này ở Đà Lạt có một trường trung học là Couvent Des Oiseaux gồm 400 nữ sinh, và một trường ở Saigon là Regina Pacis có trên 1000 học trò.
 
Tóm lại, Thiên chúa giáo mang lại những quan điểm mới mẻ về Thượng đế (một đấng tối cao cai trị cả vũ trụ mà mọi người có thể khẩn cầu), vũ trụ (do đấng toàn năng tạo lập ra) và loài người (gía trị tâm linh của con người – làm con người phải được tôn trọng bình đẳng không phân biệt học thức, địa vị xã hội).  Triết lý của Thiên Chúa giáo đã là sức mạnh trong việc bãi bỏ chế độ nô lệ; chủ trương con người được ban cho sự tự do và phải có trách nhiệm về hành động của chính mình.  Luân lý không phải là sự phục tùng những luật lệ của kẻ mạnh, mà phải tránh phạm những tội lổi với Thượng đế.  Thiên Chúa giáo cũng có nhiều chuyện huyền hoặc khó giải thích; nhưng Kitô hữu lại xem sự huyền hoặc đó là những “thiêng liêng!”
 
Tóm lạ, sự truyền đạo của Thiên Chúa giáo trùng hợp cả về không gian, thời gian và cường độ với phong trào thực dân trên thế giới cho nên Thiên Chúa giáo bị đa số dân các nước thuộc địa xem như một công cụ của chương trình thuộc địa.  Ngoài ra, Đạo Thiên chúa đã đến sau (đầu thế kỷ 16) mà ý tưởng lại mới lạ (chỉ sùng bái một thần – Thiên Chúa – ngoại giả không lễ, bái, tế tự gì thêm nữa…)   cho nên bị Vua (trên phương diện quốc gia) và ngay cả dân chúng (nhiều địa phương) phần vì tinh thần bài ngoại, phần thì lầm tưởng theo đạo Công giáo là bỏ ông bà tổ tiên [3].  Vấn đề này vẫn còn được tranh cãi và dễ gây chia rẽ đối với sức mạnh và đoàn kết dân tộc.  Tuy nhiên có một sự kiện tương đối rõ rệt: Thiên Chúa giáo vào Việt Nam lâu trước khi thực dân Pháp đến chiếm và đô hộ Việt Nam (Giáo sĩ Thiên Chúa Giáo I-Nê-Khu lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam năm 1533 là người Hòa lan, không phải người Pháp; cũng không phải người Tây ban nha hay Bồ Đào Nha!).
 
7- Đạo Tin lành
 
Đạo Tin Lành còn gọi là Cơ đốc giáo, cùng nguồn gốc với Thiên Chúa Giáo, Tin thờ Đức Chúa Giêsu và Đức Chúa Trời; và cũng đồng một giáo lý.
 
Đến đầu thế kỷ 16, ở Châu Âu, ông Martin Luther cùng với một số đồng bạn đã khởi xướng thuyết Cải Cách để lập thành Giáo Hội Tin Lành (gốc gọi là Thệ Phản – Protestant), dần dần với nhiều nhóm nhỏ với những giáo thuyết khác biệt ở nhiều nơi. Đa số đều chỉ nhận Đức Tin làm căn bản và chỉ muốn dựa hoàn toàn vào Sách Thánh, thay vì còn phải vâng phục vào phán quyết của Giáo Quyền phổ quát của Giáo Chủ Kitô Giáo ở La Mã mà Đạo Tin Lành cho là quá đáng (!)  Đồng thời Đạo Tin lành tạo nên một số nghi thức thánh lễ mới riêng biệt không theo Giáo hội La mã.
 
Tiết lễ
 
Tin Lành vẫn giữ một số tiết lễ của Thiên Chúa giáo nhưng không quá quan tâm về ngày lễ.  Chỉ giữ lại các lễ vinh danh Chúa Giêsu còn thì bỏ các lễ khác mà Tin Lành cho là không có chi phối gì đến đức tin và đời tín ngưỡng.
 
Tin lành chỉ có 4 tiết lễ: Giáng sinh, Phục sinh, Thăng thiên và lễ Ngũ tuần.
 
Các Chức Việc
 
Hội Thánh Tin Lành không có phẩm trật,  Chính Chúa đứng đầu Thánh linh và ngự trị tại Hội thánh, còn lại tất cả đều bình đẳng, đều là chi thể của thân Chúa.
 
Tuy nhiên, vì công việc nhà Chúa, nên Hội Thánh có các chức nhiệm như sau:
 
Chấp sự
 
Mỗi Chi hội cử một số Chấp sự (có nghĩa là đầy tớ của Hội thánh) để coi việc tài chánh cho Hội Thánh và phụ tá cho Mục sư trong mọi công việc của Hội Thánh.
 
Truyền đạo
 
Truyền đạo có nhiệm vụ đi giảng đạo để giảng rao Tin lành. Những người này phải học qua nhiều lớp Kinh thánh.  Họ có thể là phó Mục sư.
 
Mục sư
 
Các vị truyền đạo sau một thời gian (ít nhất là hai năm) có thể được Hội Thánh phong chức Mục sư.
 
Mục sư lo phân phát lời Chúa, thực hành các nghi lễ của Hội Thánh, quản trị Hội Thánh theo kỷ luật Thánh của Chúa, chủ tọa các buổi họp của Hội Thánh.
 
Nhiệm vụ của Mục sư rất quan trọng nên việc tấn phong cũng rất kỹ lưỡng.
 
 
Các Thánh Lễ
 
Thiên Chúa Giáo có các Bí tích, Tin lành cũng có một số bí tích nhưng ít hơn, họ gọi là Thánh lễ: Báp tiêm, Tiệc thánh, Hôn phối và An táng.
 
 
Đạo Tin Lành đến Việt Nam
 
Năm 1887 có Mục sư A.B Simpsom và năm 1893 có Mục sư David Lelachan của Hội Truyền giáo Cơ Đốc và Giáo Liên Hiệp từ Canada có đến Saigon và cổ võ việc truyền giáo.  Tuy nhiên Việt Nam đã đặt dưới sự bảo hộ củ Pháp; và căn cứ vào Hiệp ước đã ký với Việt Nam; người Pháp chỉ cho phép Thiên Chúa Giáo được tự do truyền giáo, còn các tôn giáo khác đều bị ngăn cấm.
 
Năm 1905, Hội truyền giáo Tin Lành Nam Trung hoa mở một hạt truyền giáo ở Long Châu; nhưng lần này cũng không thành tựu vì người Pháp không đồng ý,
 
Năm 1911 Tin Lành mới được du nhập vào Việt Nam nhưng chỉ được phép hoạt đông giới hạn ở một số nhượng địa; bắt đầu hoạt động tại Đà nẵng.  Năm 1920 Đạo Tin lành mới được tự do truyền đạo.  Đạo Tin Lành truyền giáo mạnh hơn các giáo phái khác vì có đầy đủ phương tiện và đi sâu vào dân chúng hơn.
 
Đà nẵng có một trường dạy Kinh Thánh để huấn luyện các Mục sư Tin Lành. Hiện ở Việt Nam có nhiều chi nhánh Tin Lành ở rải rác khắp các tỉnh chinh phục các tín đồ bằng cách truyền giáo trực tiếp hoặc bằng những lớp Kinh Thánh hàm thụ, như trường hàm thụ Sion tại Saigòn. Các Mục sư Tin Lành cũng chú trọng tới phương diện bác ái xã hội: mở những phòng đọc sách và những lớp sinh ngữ cho người lớn tuổi. Không có một bản thống kê rõ rệt về số tín đồ Tin Lành vì có nhiều chi nhánh khác nhau. (Phan Phát Huồn, Việt Nam Giáo sử, tr. 182).
 
Tóm lại, đạo Tin lành, tuy là cũng sung tín Đức chúa Giêsu, nhưng cũng đã từng bị người “amh em” (hang lãnh đạo giáo hội Thiên chúa giáo La mã và các chính quyên thân Thiên Chúa giáo La mã) kỳ thị và cản trở sự truyền đạo và phát triển….  Khi Thiên Chúa giáo La Mã bị cấm đạo thì có sự phản đối mạnh mẽ (có cả sự can thiệp quân sự để giải quyết sự “cấm” này).  Nhưng lại quay ra “cấm đạo” khác thì kể cũng hơi “lạ!”
 
 
8 - Đạo Cao Đài
 
Đạo Cao Đài là một tôn giáo vừa độc thần vừa đa thần (?) thành lập ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Tên gọi “Cao Đài” theo nghĩa đen chỉ "một nơi cao," nghĩa bóng là nơi cao nhất ở đó Thượng đế ngự trị; cũng là danh xưng rút gọn của Thượng đế trong tôn giáo Cao Đài, vốn có danh xưng đầy đủ là "Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.”
 
Để tỏ lòng tôn kính, một số các tín đồ Cao Đài thường gọi tôn giáo của mình là đạo Thầy.
 
Người phát sinh ra Đạo Cao đài là ông Ngô Văn Chiêu (còn gọi là Quận Chiêu, từng làm quận trưởng ở Phú quốc).  Ông con nhà nghèo khó sinh năm 1878 tại Bình Tây, Chợ Lớn. Ông rất ưa đồng bóng và cầu cơ. Sau khi chiêu tập các đồng chí, ngày 7 tháng 10 năm 1926 nhóm của ông đã xin Thống Đốc Nam Kỳ cho hành đạo. Cũng năm đó, lễ ra mắt tôn giáo, có Lê Văn Trung được phong làm giáo tông, Phạm Công Tắc là Hộ pháp. Giáo tông và Hộ pháp đều có nhiều phụ tá giúp đỡ. Tòa thánh Cao đài giáo đặt tại Tây Ninh trên 1 diện tích rộng hơn 100 mẫu. (Phan Phát Huồn, Việt Nam Giáo Sử tr. 165).
 
Tín đồ Cao đài tin rằng Thượng đế là Đấng sáng lập ra các tôn giáo và cả vũ trụ này. Tất cả giáo lý, hệ thống biểu tượng và tổ chức đều được "Đức Cao Đài" trực tiếp chỉ định. Và đạo Cao Đài chính là được Thượng đế trực tiếp khai sáng thông qua Cơ bút các tín đồ với nhiệm vụ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, có nghĩa là “Nền đạo lớn phổ độ lần thứ Ba.”
 
Cao Đài là một tôn giáo mới, có tính dung hợp các tôn giáo lớn mà chủ yếu là Phật giáo, Lão giáo và Nho giáo. Các tín đồ thi hành những giáo điều của Đạo như không sát sinh, sống lương thiện, hòa đồng, làm lành lánh dữ, giúp đỡ những người chung quanh, cầu nguyện, thờ cúng tổ tiên, và thực hành tình yêu thương vạn loại qua việc ăn chay với mục tiêu tối thiểu là đem sự hạnh phúc đến cho mọi người, đưa mọi người về với Thượng đế nơi Thiên giới và mục tiêu tối thượng là đưa vạn loại thoát khỏỉ vòng luân hồi.
 
Chức sắc: phải độc thân, ăn chay trường.
 
Tín đồ gồm 2 hạng: Thượng thừa (chay trường, diệt dục); Hạ thừa (chay từ 2 đến 10 ngày trong 1 tháng).
 
Kinh nguyện, Lễ vật: Mỗi ngày cầu kinh 4 lần: sáng, trưa, chiều và 12 giờ khuya. Lễ vật: chén trà, chén nước lã, 3 chén rượu (bất cứ rượu gì), hoa tươi, 1 ngọn đèn chong ngày đêm.  Lúc cầu kinh thắp thêm 2 ngọn nến.
 
Cao đài lấy con mắt làm biểu hiệu. Con mắt là Thiên nhãn được vẽ lại trong cảnh bồng lai. Mắt này do Ông (Quận Chiêu) sáng lập đã nhìn thấy 2 lần ở nơi khác nhau trên quận Phú Quốc là nơi Ông làm Quận trưởng.
 
Cầu cơ là lối duy nhất để hỏi ý Trời do đức Hộ Pháp tại Tây Ninh đứng đầu.   (NS. Legio Mariae, tháng 3 năm 1971 tr.33)
 
Tuy được khai sinh chính thức vào năm 1926, Cao Đài nhanh chóng phát triển về quy mô và số lượng tín đồ. Theo thông tin của Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam, dẫn thống kê năm 2010 của các tổ chức Cao Đài, đạo Cao Đài có trên 1 vạn chức sắc, gần 3 vạn chức việc, khoảng 2,4 triệu tín đồ (hơn một nửa là nông dân), với 958 tổ chức Họ đạo cơ sở được công nhận ở 35/38 tỉnh, thành phố có đạo Cao Đài, thành lập 65 Ban Đại diện, 1.290 cơ sở thờ tự (hàng năm có khoảng 4 ngàn tín đồ mới nhập môn vào đạo Cao Đài). Ngoài ra, có khoảng 30.000 tín đồ nữa sống ở Hoa kỳ, Âu châu và Úc.
 
 
9- Đạo Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH)
 
Giáo Chủ của Phật giáo Hòa Hảo là Đức thầy Huỳnh Phú Sổ.
 
Đức thầy Huỳnh Phú Sổ người sáng lập ra Đạo Phật Giáo Hòa Hảo, sinh vào ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Mùi, nhằm ngày 15 tháng giêng năm 1920 tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (nay là tỉnh An Giang) gần biên giới Việt - Miên.
 
Ngài là người con trai cả của Đức Ông Huỳnh Công Bộ và Đức Bà Lê Thị Nhậm, một hương tộc nổi tiếng và được tôn kính bởi dân chúng khắp vùng.
 
Sau khi đậu cấp bằng Tiểu học tại Tân Châu, Đức Giáo Chủ vì đau yếu liên miên, đã phải thôi học. Vì gia đình khá giả, Ngài có thể có đủ điều kiện học đến cấp cao, nhưng vì sự bệnh hoạn nói trên, khiến ngài không tiếp tục được.  Trong mấy năm từ 15 đến 21 tuổi, Đức Giáo Chủ mắc phải chứng bịnh trầm kha mà không một thầy thuốc Đông Y hay Tây Y nào trị được. Thì ra đó là cơ hội mà các đấng Thiêng Liêng dọn sửa phần xác thịt để Đức Giáo Chủ tiếp nhận những điển quang tinh anh mạnh mẽ sau nầy.
 
Kịp đến ngày 18 tháng 5 năm Kỹ Mão (1939), một ngày dáng ghi nhớ, một cuộc lễ vô cùng tôn nghiêm được cử hành tại Tổ Đình để cho Đức Giáo Chủ "Đền Linh Khứu sơn trung thọ mạng."  Bấy giờ Đức Giáo Chủ được 21 tuổi. Mặc dù còn bịnh hoạn dây dưa, gương mặt Ngài trông vẫn đẹp đẽ khôi ngô và trí huệ Ngài trở nên dị thường tỏ ngỏ. Bắt đầu từ đó Ngài chữa bịnh thuyết pháp và sáng tác Thi Văn Kệ Giảng.
 
Từ tháng 5 năm 1936, nhiều bịnh tà, bịnh điên nan y, đã được đưa đến tận làng Hòa Hảo và được chữa khỏi.  Ngài đã chữa khỏi muôn vạn dân lành. Vì vậy mà số người đến xin trị bịnh càng lúc càng đông. Kẻ ở xa xôi tận miền Trung hoặc Sài Gòn, Chợ Lớn, cũng như người ở gần gũi miệt Sa Đéc, Cần Thơ đua nhau đến nhờ Ngài cứu chữa.
 
Phương pháp của Đức Giáo Chủ rất đơn giản. Tùy theo triệu chứng của bịnh nhân, Ngài khi thì nước lã, giấy vàng, lúc thì đưa bông trang, lá bưởi…  Một điều đáng để ý là mỗi khi trị bịnh cho người nào là Ngài khuyên họ nên niệm Phật tưởng Trời và vái van Thần Thánh bởi vì:
 
Thành lòng nước lã nên hồ,
Hữu tâm chí đức cam lồ Phật ban.
 
Số người được cứu sống rất đông. Nhờ sự cứu bịnh đó của Ngài, Đức Giáo Chủ trong một thời gian ngắn khoảng một năm (1939-1940), đã thu hút được một số đông quay về ngưỡng mộ.
 
Thế mới hay Ngài đã thực hành phương pháp dự định trước kia là "dùng huyền diệu của Tiên Gia độ bịnh cho kẻ có căn lành nhờ được mạnh mà cảm lòng từ bi của Chư Vị với Trăm Quan."  Người ta đã cảm đức và ghi ân, nên đã trùng trùng quy y Phật Pháp.
 
Sau ngày "chịu lịnh Tây Phương thọ ký," tức là ngay 18 tháng 5 năm Kỷ Mão, Đức Giáo Chủ ít trầm mặc và nói nhiều hơn xưa. Gặp ai Ngài nói nấy. Ngài nói về sắc diện, tính tình và tương lai của người đối thoại để gần cuối câu chuyện, Ngài khuyên làm lành, lánh dữ và nên tin Phật, xem Kinh.
 
Thế là trong số thập phương thiện tín tới viếng Giáo Chủ ngoài những người xin bùa, thỉnh thuốc, từ ấy lại có thêm nhiều người đến để, hoặc nghe Ngài giảng giải giáo lý nhiệm mầu, hoặc đọ sức thử tài xem coi sở kiến của Ngài có áp phục được họ chăng. Nhiều học giả đương thời sau một lần gặp Đức Giáo Chủ thì đều phục tài kính đức.
 
Lại nữa, lời văn của Đức Giáo Chủ có mãnh lực hấp dẫn quần chúng một cách lạ thường nên nhiều thính giả sau khi gặp Ngài liền phát tâm tu hành theo Đạo.
 
Ai đã từng theo dõi gót Ngài trong cuộc khuyến nông năm 1945, trong vòng 2 tháng với không biết bao nhiêu lý luận khác nhau, đều phải công nhận Ngài là bậc "mồm sông bút sấm."
 
Những cuộc thuyết pháp kể trên, nếu cộng với 107 lần chu du khuyến nông thuyết giáo trên gần khắp miền Nam năm 1945, chúng ta có thể nói Ngài đã trải qua trên một ngàn lần khuyến thuyết quan trọng với hằng ngàn đề tài khác biệt. Và nhờ những cuộc thuyết pháp này mà người mộ đạo quy căn, ngày càng đông thêm.
 
Nhưng công đức vĩ đại lớn nhất của Đức Huỳnh Giáo Chủ trong việc truyền giáo là việc viết ra Kệ Giảng. Nhờ Kệ Giảng đó mới được phổ truyền một cách sâu rộng chủ trương canh tân Phật Giáo của Ngài và nhờ đó mà hằng triệu người mộ đạo và quay về với chân tính, tự tâm.
 
Những tác phẩm của Đức Giáo Chủ viết ra, phần nhiều thuộc thể văn vần. Ngài viết, dầu tản văn hay vận văn, điều đáng để ý là khi cầm bút thì cứ viết thẳng một mạch, không dùng giấy nháp. Có thể kể những tác phẩm trường thiên sau đây của Đức Giáo Chủ:
 
1. “Sấm Giảng Khuyên Người Đời Tu Niệm,” tức quyển nhứt, văn lục bát, dài 910 câu xuất bản lần đầu năm 1939.
 
2. Kệ Dân của Người Khùng,” tức quyển nhì, văn thất ngôn trường thiên, dài 846 câu, xuất bản lần đầu năm 1939.
 
3. “Sấm Giảng,” tức quyển ba, văn lục bát dài 612 câu, xuất bản lần đầu năm 1939.
 
4. “Giác Mê Tâm Kệ,” tức quyển thứ tư, văn thất ngôn trường thiên, dài 846 câu, xuất bản lần đầu năm 1939.
 
5. “Khuyến Thiện,” tức cuốn thứ năm, đoạn nhứt và đoạn chót viết bằng lối lụt bát, đoạn giữa viết bằng lối thất ngôn, dài 756 câu, xuất bản lần đầu năm 1942.
 
6. “Tôn Chỉ Hành Đạo.”  Quyển này viết bằng văn xuôi, xuất bản lần đầu năm 1945. Tuy văn xuôi, quyển này có một đặc sắc là giản dị mà lưu loát, âm hưởng du dương nhịp nhàng.
 
Từ năm 1943, Ngài tham gia hoặc làm cố vấn một số phong trào chính trị.  Năm1946, Ngài cùng với những người lãnh đạo Hòa Hảo thành lập tổ chức Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng gọi tắt là "Đảng Dân xã" bao gồm cả lực lượng võ trang nòng cốt trong Hòa Hảo ở một số tỉnh miền Tây.
 
Ngày 16 tháng 4 năm 1947 (tức ngày 25 tháng 2 nhuần năm Đinh Hợi), chi đội trưởng Vệ Quốc Quân Bửu Vinh và Thanh Tra Chánh Trị miền Tây Nam Bộ Trần Văn Nguyên, âm mưu mời Ngài đến họp và hãm hại Ngài tại ngọn rạch Đốc Vàng Hạ, nay thuộc xã Tân Phú, tỉnh Đồng Tháp. Trong lúc họp, Bửu Vinh đã cho quân của Việt Minh phục kích và giết các tự vệ quân của Đức Giáo Chủ.  Sau biến cố này không một ai rõ tin về Ngài nữa (!)
 
Liền ngày sau, Việt Minh đã phát động một chiến dịch đại quy mô nhằm tiêu diệt tất cả các chức sắc và cán bộ PGHH.
 
Kể từ ngày Đức Giáo Chủ ra đi (1947) cho đến nay, đoàn thể PGHH vẫn một lòng tin tưởng Ngài không thể bị hãm hại; và Ngài sẽ trở về để hoàn tất sứ mạng thiêng liêng tại Hội Long Hoa đúng như những lời tiên tri trong kinh giảng.
 
Nghi lễ
 
Đạo Hoà Hảo chủ trương tu tại gia hơn là đi lễ chùa. Đạo Hoà Hảo chủ trương giúp đỡ người nghèo hơn là cúng tiền xây chùa hay tổ chức lễ hội tốn kém. Những buổi lễ được tổ chức rất đơn giản và khiêm tốn, không có ăn uống, hội hè. Lễ lộc, cưới hỏi hay ma chay không cầu kỳ như thường thấy ở những tôn giáo khác. Họ cho đó là những sự phung phí thay vì dùng tiền đó dể giúp đỡ những người thực sự cần đến.
 
Đạo Hòa Hảo không có tu sĩ, không có tổ chức giáo hội mà chỉ có một số chức sắc lo việc đạo và cả việc đời. Không có nơi thờ công cộng, trung tâm của đạo ở làng Hòa Hảo gọi là Tổ đình cũng chỉ mang tính gia tộc. Đạo Hòa Hảo không xây dựng chùa chiền có tượng ảnh thờ. Vật thờ của đạo Hòa Hảo hiện nay là tấm vải có màu nâu (dà) sẫm (trần điều) trên bàn thờ (còn gọi là trang thờ) đặt ở gian chính giữa và xây một bàn thông thiên ở sân trước của nhà. Việc thờ phụng này thể hiện tư tưởng của Phật giáo: "Phật tại tâm, tâm tức Phật."  Đạo Hòa Hảo thờ Phật, ông bà tổ tiên và các anh hùng tiên liệt có công với đất nước, không thờ các thần thánh nếu không rõ nguyên nhân.
 
Lễ vật khi thờ phúng cũng rất đơn giản chỉ có hoa, nuớc lạnh tinh khiết. Ban đêm đốt đèn ở bàn thờ trong nhà và bàn thờ thông thiên. Khi thờ tín đồ chỉ đọc sấm giảng và kinh Phật do Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ soạn với mục đích tĩnh tâm và cầu vãng sanh Tịnh Độ.  Kinh đọc sáng và chiều dài độ hai phút, Chay lạt: 4 ngày: rằm, mồng 1, 14 và 29. Nhập đạo do 2 tín đồ giới thiệu với Ban trị sự.
 
Tổ đình
 
Ngôi nhà đầu tiên có tên Tổ đình, là nơi sinh trưởng Huỳnh Phú Sổ, là nơi khai sáng đạo Phật giáo Hoà Hảo (xưa thuộc làng Hoà Hảo, nay thuộc thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.).  Sau này các ngôi nhà thờ phụng của Phât giáo Hòa hảo đều gọi là Tổ đình.  Tổ đình có một ban Phụng tự lo lắng về các khoản nhu cầu cần có để duy trì, bảo trì Tổ đình và các cơ quan của Đức Ông để lại như là: Cứu Tế Viện, Thư Viện, Hành Hương Lữ Viện, Đài Chiến Sĩ Hòa Hảo, v..v..   ban Phụng tự không có quyền hạn gì về việc lãnh đạo tôn giáo.
 
PGHH có khoảng 2 triệu tín đồ sống tập chung tại các tỉnh miền Hậu giang.
 
 
Lời kết
 
Tôn giáo nào cũng vậy, Thánh nào cũng vậy, cũng chỉ dạy người ta làm lành, làm việc phải.  Thử nhìn lại, Khổng giáo dậy phải học và thực hành chữ Nhân, Phật giáo nhắc nhở tâm từ bi, Thiên Chúa Giáo đề cao lòng bác ái… Rõ ràng là các tôn giáo lớn đền có cùng một mẫu số chung là “thương yêu và giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình” có gì là lạ lùng đâu?  Con người nông cạn, hời hợt nhưng lại cực đoan, cố chấp, xấu tính, thường không xem xét sự việc đến nơi đến chốn, cứ thấy lạ tai, lạ mắt, không vừa ý với mình thì đem lòng hiềm nghi.  Hậu quả chỉ gây nên họa loạn, chiến tranh để mà giết lẫn nhau.  Làm như vậy mới thực là điều trái với tôn chỉ của chính tôn giáo của cá nhân mình đang sùng tín,
 
Ngoài ra, các xã hội văn minh đều tôn trọng tự do tín ngưỡng.  Bản thản mình còn lạc hậu hay sao mà lại lấy ý riêng của mình để bài bác, ngăn cấm, bêu riếu tín ngưỡng của người khác.  Một Đạo thịnh hay suy là vì có số người tôn kính đạo đó nhiều hay ít; hoặc những tín đồ tôn tín đạo của mình như thế nào; chớ không phải vì thói quen ghen ghét hẹp hòi của cái tâm ác mình soi vào.
 
 
Trần Văn Giang
Tháng 6/28/2011
 
__________________
Tài liệu Tham Khảo:
 
-         “Tín Ngưỡng Việt Nam” 2 Quyển Thượng & Hạ của Toan Ánh.
-         “Việt Nam Phong Tục” Phan Kế Bính.
-          “Việt Nam Giáo Sử” của Lm Phan Phát Hườn.
-         “Đao - Tôn Giáo” của Lm Đòan Quang.
-         “Việt Nam sử lược”cCủa Trần Trọng Kim.
-         “Việt sử toàn thư” Của Phạm Văn Sơn.
-         “Sử Trung Quốc” Của Nguyễn Hiến Lê.
-         … Và một số tài liệu tra tìm từ internet (rất nhiều, không liệt kê hết).
-         
________
Phụ chú:
 
[1] Tên của các tôn giáo lớn thường hoặc lấy tên của người sáng lập ra tôn giáo đó như Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, hoặc tên nơi phát sinh ra tôn giáo đó như Ấn độ giáo, Do Thái giáo…
 
Người Việt hay gọi đạo do Chúa Jesus Christ lập là “Thiên Chúa Giáo” hay “đạo Thiên Chúa...  Chữ này cũng phát xuất từ Trung Hoa. Vào khoảng thế kỷ XVI, các nhà truyền giáo Tây phương đến truyền giáo tại Trung Hoa đã nghĩ đến phải chọn một danh xưng phù hợp với văn hoá Trung Hoa. Họ thấy trong cổ văn Trung Hoa có câu: “Chí cao mạc nhược Thiên, chí tôn mạc nhược Chủ,” có nghĩa là “Cao nhất không gì bằng Trời, đáng kính trọng nhất không gì bằng Chủ.”  Họ thấy hai chữ Thiên và Chủ của người Trung Hoa được ghép lại rất phù hợp với chữ “Đức Chúa Trời” (Deus, God) trong Thánh Kinh nên quyết định dùng chữ Thiên Chủ để chỉ Chúa Jesus Christ, với ý nghĩa Chúa Jesus là “Thiên địa chân chủ” tức “Chủ thật của trời đất.”
 
Tuy nhiên, “Thiên chủ giáo” (“Tianzhu jiao”) khi truyền qua Việt Nam vào thế kỷ XVI và XVII được gọi là « Thiên Chúa Giáo, » vì lúc đó đangở trong  giai đoạn Chúa Trịnh – Chúa Nguyễn nằm quyền, vua chỉ có hư vị. Trong chữ Hán, chữ  Chủ và chữ Chúa viết giống nhau và có cùng một nghĩa.
 
Từ lâu, người Tầu cũng đã dùng chữ CÔNG để dịch chữ Catholica trong Kinh tuyên xưng Đức Tin và được các giáo sĩ Việt Nam phiên âm ra Hán –Việt như sau: “Thần tín hữu thánh nhi CÔNGIGHÊREGIA”, nghĩa là “Tôi tin có một GIÁO HỘI thánh thiện mà là CÔNG GIÁO” (chữ Ighêregia là phiên âm từ chữ Ecclesia). Từ đó đến nay, có ai bên Tầu nghĩ rằng Giáo Hội Công Giáo là giáo hội của nhà nước đâu? Các nhà truyền giáo và giáo sĩ Việt Nam cũng đã dựa theo đó dịch chữ Catholicism là đạo Công Giáo, Catholic là người Công Giáo.
(theo Lữ Giang – “Catholic: Công giáo hay Thiên Chúa Giáo?”).
 
[2] Trước đây, các tôn giáo lớn của Việt Nam như Đạo Lão, Đạo Khổng và Đạo Phật đều được các quan lại (Thái thú) cầm quyền người Tầu đưa vào nước ta trong thời Bắc thuộc.  Người dân Việt không có cơ hội hay hoàn cảnh để phản đối, nếu có.  Sau khi các anh hùng dân tộc nổi lên dành lại độc lập cho đất nước thì các Tôn giáo ngoại nhập này đã phổ biến rộng rãi và sự chấp nhận đã an bài yên ổn rồi.  Vả lại, tôn chỉ của các tôn giáo cũ (Tam giáo) thứ nhất rất gần gũi với bản chất cổ truyền của dân tộc (việc tế tự chẳng hạn); thứ nhì Tam giáo đều tôn quân (như Khổng giáo chủ trương tôn qưân - lọai “Quân xử thần tử”) hay ít nhất  ngoài mặt không có vấn đề cạnh tranh giữa thần quyền và vương quyền (như Phật giáo và Lão giáo).
 
Đạo Thiên chúa đã đến sau (đầu thế kỷ 16) mà ý tưởng lại mới lạ: chỉ sùng bái một thần – Thiên Chúa – ngoại giả không lễ, bái, tế tự gì thêm nữa…   cho nên bị Vua (trên phương diện quốc gia) và ngay cả dân chúng (nhiều địa phương) phần vì tinh thần bài ngoại, phần thì lầm tưởng theo đạo Công giáo là bỏ ông bà tổ tiên.  phản đối rồi đi đến chỗ cấm đạo tàn ngược, chém giết.
 
Cuộc cấm đạo kéo dài từ năm 1663 qua Chỉ dụ cấm đạo đầu tiên trên nước Việt Nam của vua Lê Huyền Tôn cho tới năm 1884 sau khi Pháp và triều đình Huế ký Hòa ước Giáp thân 1884 (Hòa ước Giáp Thân 1884 hay còn có tên là Hòa ước Patenôtre (Pa-tơ-nốt), là hòa ước cuối cùng mà triều đính nhà Nguyễn ký với thực dân Pháp vào ngày 6 tháng 6 năm 1884 tại Huế) công nhận sự bảo hộ của thực dân Pháp.
 
Những hành động chém giết, bắt bớ đốt phá giam cầm, tra tấn, thảm sát các giáo dân tại các làng Công giáo đã làm cho:
 
- 30.000 giáo dân Việt nam tử đạo dưới thời Chúa Trịnh Ðàng ngoài; Chúa Nguyễn và Nhà Tây Sơn ở Ðàng Trong.
 
 - 40.000 tử đạo qua ba đời Vua Minh mạng(1820-1841), Thiệu Trị (1841-1847) và Tự đức (1848-1883).
 
Mượn cớ việc cấm đạo của vua triều Nguyễn, liên quân Pháp – Tây Ban Nha đã tiến chiếm Việt Nam, bắt Vua Tự Đức nhận quyền bảo hộ của Pháp (Hòa ước Giáp thân 1885).
 
Ngay sau khi Hòa ước Giáp thân 1884 ký xong,  nhóm Văn Thân (dân quân kháng chiến phò vua triều Nguyễn) ở Thanh Nghệ Tĩnh còn tổ chức những cuộc tàn sát tập thể những làng Công giáo. Có thêm khoảng 60 ngàn người Công giáo đã hy sinh trong 2 năm (1885-1886).
[3]  Thông cáo Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ngày 14.6.1965 về thể thức áp dụng Huấn dụ "Plane Compertum est" cho phép người Công giáo Việt Nam được tôn kính tổ tiên và anh hùng liệt sĩ Việt Nam như sau:
"Giáo hội không hủy bỏ, dập tắt những giá trị thiện hảo của các dân tộc, nhưng công nhận một cách kính cẩn những giá trị tinh thần luân lý của các tôn giáo khác.
Dân Việt thấm nhuần Khổng giáo, rất quý trọng Đạo hiếu đối với Tổ tiên. Ngày xưa nhiều hành vi cử chỉ mang nặng tính cách tôn giáo, ít phù hợp tinh thần Đạo Chúa, nên giáo dân chẳng được phép làm. Ngày nay, vì sự tiếp xúc bên ngoài, vì tâm tình tập quán đã thay đổi, dân chúng chỉ xem như là phương cách biểu lộ lòng hiếu thảo đối với Tổ tiên và các Anh hùng liệt sĩ, chớ ai bỡ ngỡ vì nay Giáo hội cho làm nhiều việc xưa cấm.”