Trong hoàn cảnh Giáo Hội ngày nay, thay vì là một SỰ HỢP NHẤT giữa hàng chủ chăn và con chiên như thời tốt đẹp thưở xa xưa, thì là một SỰ RẠN NỨT mỗi ngày một rộng lớn, giữa những người có trách nhiệm chăn dắt đoàn chiên với con chiên!
|
Lời mở: Là một thành viên Dân Chúa, đứng trước hiện tình rối ren của Giáo Hội Công Giáo nói chung, và GHCGVN nói riêng, không ai là người có chút ý thức trách nhiệm, lại có thể ngoảnh mặt làm ngơ! Bởi đó, chúng tôi viết nên những suy tư trăn trở này, với mong ước góp chút phần vào việc ổn định GH, là ngôi nhà chung thân yêu của chúng ta. Những suy nghĩ này có phần hạn hẹp, mong được sự cảm thông của mọi người.
I./ Nhận định hiện tình Giáo hội:
Trong hoàn cảnh Giáo Hội ngày nay, thay vì là một SỰ HỢP NHẤT giữa hàng chủ chăn và con chiên như thời tốt đẹp thưở xa xưa, thì là một SỰ RẠN NỨT mỗi ngày một rộng lớn, giữa những người có trách nhiệm chăn dắt đoàn chiên với con chiên! Niềm trọng kính và thân thương mỗi ngày một nhạt nhòa, xa cách, thậm chí còn xuất hiện sự kình chống lẫn nhau, có khi đến quyết liệt, muốn đào thải, không chấp nhận nhau, thật xót xa đau lòng! Nhưng đó không quan trọng bằng ảnh hưởng lớn lao mà nó gây nên cho GH: Sự HẠ THẤP UY TÍN CỦA GH,và SỰ SUY THOÁI vì thiếu đoàn kết xây dựng, khiến ảnh hưởng xấu đến cả xã hội! Có thể cần phát lên một tín hiệu S.O.S về vấn đề này! Nhiều người sẽ cho rằng đây là một suy nghĩ bi quan. Thưa không! Chúng tôi không hề bi quan, mà vẫn rất tin rằng GH là của Chúa, Chúa sẽ đưa bàn tay nâng đỡ GH, và có cách của Ngài, khiến “quỷ hỏa ngục có dậy, cũng không phá nổi” như Chúa đã nói với Thánh Phêrô, khi Người chọn ông làm đầu GH. Và tôi cũng nhìn thấy sức mạnh của Chúa Thánh Thần đang CANH TÂN ĐỔI MỚI GH của Ngài, ngay trong lúc đang rối ren nhất! Điều tôi muốn đề cập ở đây, là mong sao mọi người, mọi phía ý thức được VÌ SAO MÀ GH LẠI ĐI ĐẾN TÌNH TRẠNG CHIA RẼ, thiếu hợp nhất, để khi tìm ra nguyên nhân, chúng ta có thể cũng tìm ra “biện pháp chữa trị”.
II./ Nguyên nhân chia rẽ trong Giáo hội: Trước khi đi tìm nguyên nhân, chúng ta phải khẳng định rằng sự chia rẽ hiện có, không phải vì GH đang có nhiều phe phái kình chống nhau, nhưng đó là sự chia rẽ giữa hàng giáo phẩm tức là hàng lãnh đạo, với giáo dân.
A. Nguyên nhân từ xã hội:
1/. Do sự tiến bộ của con người về khoa học kỹ thuật: Ngày nay thường con người suy nghĩ, tính toán bằng con số, bằng thực tiễn, bằng lý trí nhiều hơn thời trước, nên đời sống dồi dào tình cảm cũ cũng đã bị thu hẹp lại. Nói chung là một sự khô cằn mọi thứ tình cảm, từ tình gia đình, bằng hữu, xóm giềng cho đến tình cảm dành cho Tôn Giáo, giữa chủ chăn và đoàn chiên. Ta nhìn thấy rất rõ: sự khăng khít, chăm lo của chủ chăn cho đoàn chiên, và của chiên với chủ chăn, không còn như xưa, sống chết vì nhau nữa! Ai lo phận nấy, và chỉ gần gũi khi có công việc.
2/. Xã hội văn minh tiến bộ, kéo theo sự cám dỗ của đời sống vật chất xa hoa, và làm nghèo nàn đời sống tâm linh: người GD thì xa Chúa, xa Cha, và ngược lại nhiều chủ chăn cũng chăm lo đời sống riêng tư, củng cố những phương tiện sống như nhà ở, xe cộ, tài sản riêng, chứ không như trước đây, chủ chăn chỉ một lòng chăm lo việc nhà Chúa, lo cho họ đạo, cho con chiên từ tinh thần đến đời sống vật chất, thậm chí việc làm ăn, nghề nghiệp của con chiên, cha xứ cũng quan tâm. Còn đời sống vật chất của cha thì để cho con chiên lo sao ngài hưởng vậy, vì đó mà tình nghĩa CHA-CON rất mặn mà thắm thiết. Tiếc thay, tình trạng tốt đẹp đó đã không còn, hay rất hiếm có thời nay!
B. Nguyên nhân từ Giáo hội:
1/. AlTER CHRISTUS: Linh mục, một Kitô khác! : Trong lịch sử GH, có một câu định nghĩa, hay chỉ định cho LM, hoặc GM, HY…, nói chung là HÀNG CHỦ CHĂN, đó là từ ngữ La Tinh ALTER CHRISTUS, hàm nghĩa họ là một CHÚA KITÔ KHÁC, hay là HÌNH BÓNG CỦA CHÚA KITÔ bên cạnh con chiên. Câu này mang một ý nghĩa rất cao siêu, nó nói lên trách vụ của một chủ chăn trên đoàn chiên của ngài. Với tư cách chủ chăn, ngài là người dẫn đường chỉ lối, là người che chở bảo vệ, là người chăm lo cho đoàn chiên có một cuộc sống yên lành no ấm, không bị đe dọa bởi hiểm nguy, như hình ảnh “Chúa Chăn Chiên Lành” mà chúng ta xem thấy, mô tả Người ở bên chiên, vỗ về che chở, dẫn chiên đến đồng cỏ xanh rì, bên dòng suối mát trong, để chiên được no thỏa, an vui. Nhưng thay vì hiểu theo ý nghĩa cao cả tốt lành ấy: chủ chăn với trách nhiệm và tình thương cũng như sự hy sinh hiến mình cho đoàn chiên, thì lại bị hiểu sai và áp dụng sai! “MỘT CHÚA KITÔ KHÁC” được hiểu như LM, chủ chăn LÀ CHÚA, LÀ CHA, với ý nghĩa là BỀ TRÊN CAO CẢ mà đoàn chiên phải phụng thờ, kính trọng, vâng phục ngài NHƯ VÂNG PHỤC CHÚA! Từ đó đưa đến một hệ quả tiêu cực thay vì tích cực, là HÀNG TƯ TẾ giống như một ông vua con, một ông chủ, mà “thần dân”, “tôi tớ”, “bề dưới” phải trọng vọng, phải phục tùng! Điều đó giải thích về thái độ và cách sống, cách ứng xử của một số LM, GM… ngày nay, khiến gây nên sự bất mãn, bất kính trong GD đối với hàng GP, khi mà người GD ngày nay đã trưởng thành trong suy nghĩ, đã trực tiếp học, hiểu giáo lý của Chúa cũng như tinh thần, đường lối của Người. Chúng ta từng cảm thấy nhột nhạt khi có những bài ca, những bài giảng trong các lễ phong chức, truyền chức LM, GM: “Từ bụi tro, Chúa đưa con LÊN HÀNG KHANH TƯỚNG…!” Thật đáng phàn nàn và đáng tiếc cho một sự hiểu sai hay bóp méo ý của Chúa, khiến gây nên một hậu quả chua xót trong GH như ngày hôm nay! Làm lớn để PHỤC VỤ, chứ không phải để ĐƯỢC PHỤC VỤ, để ĂN TRÊN NGỒI TRỐC, như Chúa nói: “Ta đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ!”.
2/. Do hàng tư tế bị tục hóa: Ngày nay, số người có động lực đi tu để trốn trách những khó khăn ngoài đời, và để được “LÀM CHA…thiên hạ” không phải là hiếm! Rồi khi vào nhà tu, thì họ cũng không được uốn nắn chỉnh sửa lại, hay chính họ không biến chuyển, không thay đổi con người và mục tiêu ban đầu của họ! Cũng có trường hợp khi đang học hành tu luyện, thì tâm hồn họ còn thanh sạch tốt lành, nhưng khi đã “lên hàng khanh tướng”, “hàng cha thày”, làm chủ, làm “vua một cõi”, rồi được trọng kính, cung phụng quá mức, mà lòng khiêm nhu, hãm mình, hy sinh không có đủ nên BỊ TỤC HÓA, nên sa sút đời sống thiêng liêng, đạo đức! Cụ thể như lời khấn vâng phục, khó nghèo, thì ngày nay nhiều người đã phải ta thán: các vị khấn Đức “NGƯỜI KHÁC VÂNG PHỤC MÌNH”, hay Đức “KHÓ mà NGHÈO”!
3/. Một nguyên nhân khác nữa, là do việc đào tạo, giáo dục dành cho LM, TS còn thiếu sót, yếu kém phần nhân bản và đạo đức, thiếu chiều sâu tâm linh, nên thay vì họ hiến thân phục vụ Chúa và tha nhân, thì đa số họ đã trở thành GIỚI LÃNH ĐẠO ĂN TRÊN NGỒI TRỐC, có cách suy nghĩ, thái độ, cách ứng xử nhiều khi không phù hợp và khó chấp nhận!
4/. Do ma quỷ, thế tục, cụ thể là do các thế lực trần thế chen vào nhằm phá hoại tôn giáo, mà GH không “trụ vững” vì thiếu sự tiên liệu, chuẩn bị. Cụ thể như tình trạng hiện nay tại Trung Hoa hay Việt Nam, với một số GM, LM “quốc doanh” làm tay sai cho thế quyền để lũng đoạn GH, đưa đến việc tự phong chức GM mà không qua Tòa Thánh như mới đây ở Trung Hoa; hay việc Tòa Thánh muốn chọn GM phải qua ý kiến của nhà nước, muốn phong chức LM phải được nhà nước chấp thuận như một sự XIN-CHO, khiến sự độc lập của GH và quyền Tự Do Tôn Giáo bị xúc phạm nặng nề, mà Giáo Quyền không có thái độ đúng mức, khiến GD bất mãn!
III./ Giáo hội nên làm gì để hiệp nhất?:
1.Sức người: Trước hết, khi tìm ra được những nguyên nhân của “căn bệnh”, thì chúng ta, mọi thành phần dân Chúa phải tự khắc phục, tự thay đổi từ cách suy nghĩ cho đến lối sống, cách hành xử của mình cho đúng với tinh thần của Chúa. Dĩ nhiên phải song phương, nhưng thành thật mà nói, thì về phía GD, ít có ai tự ý xem thường, ác cảm, xa cách chủ chăn của mình, nhưng nguyên nhân đầu tiên phải nói là nghiêng về phía chủ chăn: không sống gần gũi, thiếu quan tâm, nhất là thiếu tinh thần tôn trọng người GD, thiếu cả tình yêu thương, lo lắng cho con chiên như hình ảnh chủ chăn nhân lành mà Chúa đưa ra. Từ sự xa cách và coi thường người GD, chủ chăn, cụ thể là cha xứ, là GM bản quyền sống tách lìa đoàn chiên như đã từng có nhiều bài viết, mà thiết nghĩ chúng ta không cần phải nói nữa để tránh khơi thêm những tình cảm không tích cực.
2.Sức Chúa: Cầu nguyện. Đó là một phương thức hữu hiệu nhất, để Chúa sẽ tham gia vào việc điều hành GH của Người, và ban đầy đủ ơn cần thiết cho mỗi thành phần, mỗi đấng bậc, phẩm trật trong GH tùy theo Người thấy cần, như ơn khôn ngoan,thánh thiện,lòng khiêm nhu,tinh thần hy sinh,dấn thân vì Chúa,vìGH.
3.GH phải có những đường lối chung (Bộ Kế Hoạch), để vạch định những công việc cụ thể cần làm của các chủ chăn như LM coi xứ, GM trông coi giáp phận, hay các vị đặc trách một phận vụ nào đó… Thực ra thì GH đã có đầy đủ kế hoạch, luật lệ rồi, nhưng rất tiếc là các đường lối, hay biện pháp xử lý các trường hợp sai phạm đã không được các vị có thẩm quyền cấp cao áp dụng cho những trường hợp sai phạm của cấp dưới, có thể vì nể nang, cũng có thể vì chưa đủ uy tín, nên không dám áp dụng luật đối với người khác, vì sợ họ lại đề nghị áp dụng luật với chính mình! Ví dụ một GM chưa hoàn thiện hay lỡ có những sai phạm, thì không dám “kỷ luật”, cất chức người cấp dưới sai phạm.Từ đó cả một bè phái phải bao che cho nhau,đó là nỗi đau của GH hiện nay. Luật GH cũng phải rành rẽ cho những trường hợp đúng, sai, những người vi phạm luật, phải được áp dụng nghiêm minh và đồng nhất ở mọi nơi, chứ không chỉ lo “truyền giáo” chung chung, tùy sức, tùy tiện! Ví dụ rút kinh nghiệm từ trường hợp “GH quốc doanh” trong các chế độ CS như Trung Cộng, Việt Nam, thì Tòa Thánh cần phải có đường lối, chỉ thị rạch ròi cho các TS, LM, GM …phải làm gì, tránh gì, và ra vạ tuyệt thông, cất chức, treo chén… cho những trường hợp vi phạm thật rõ ràng. Thiết nghĩ nếu GH có những khung hoạt động như vậy, thì khó có người dám đạp lên luật.
4.GH cũng nên áp dụng DÂN CHỦ HÓA, để cho người giáo dân được trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào việc chọn lựa các LM, GM, HY, là những người lãnh đạo trực tiếp của họ, bằng cách đưa ý kiến, nhận xét về những người được đề cử, thậm chí GD cũng được quyền đề đạt những vị mà qua quá trình tiếp xúc, làm việc, họ đã thấy những ưu điểm, hay ngược lại họ được quyền nêu ý kiến phản bác những trường hợp mà họ nhận biết có những khuyết điểm cụ thể, nặng nề nơi những vị được đề cử, hầu giúp Tòa Thánh có thể chọn lựa chính xác hơn, vì thực ra GD mới có nhiều cơ hội hiểu biết những việc làm, cách sống “thật” của các vị này hơn là Tòa Thánh ở xa, chỉ nghe báo cáo, đôi khi thiếu trung thực; đồng thời cũng tránh được những sự đề đạt do bè cánh vẫn còn tồn tại trong GH.
Lời kết: Trên đây chỉ là một chút lòng thành với những suy nghĩ trăn trở của một GD, ý thức được trách nhiệm của mình trong nhà GH. Kính mong được sự quan tâm của những vị hữu trách.
Trân trọng.
Mai Anh Một giáo dân ở Saigon.
|