Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy bức xúc. Không một lĩnh vực nào không có bức xúc, không có kiến nghị, khiếu nại. Từ những vấn đề lớn lao của đất nước như an toàn lãnh thổ, an ninh biển đảo đến những vấn đề của con người như dân chủ, dân sinh.
Từ chính sách giáo dục, y tế đến ô nhiễm môi trường, giao thông tắc nghẽn. Từ nạn phá thai đến tai nạn lao động. Từ vấn đề tôn giáo đến lễ hội, văn hoá… Nơi nào cũng nghe tiếng kêu ca, than vãn không chỉ ở văn phòng tiếp dân, chốn công quyền, trên diễn đàn quốc hội, báo chí mà cả bên bàn tiệc, quán trà. Theo báo cáo của cơ quan Thanh tra Nhà nước, trong 5 năm (2006-2010) có tới 1 574 750 người đi khiếu kiện trong đó có 1 515 đoàn khiếu kiện đông người, có đoàn đông tới 600 người. Có người đi khiếu kiện ròng rã 20 năm. Có người riêng đơn kiện đã tới vài chục ký…
Cách đây 10 năm, trước đại hội VIII của các Giám mục Việt Nam, một thư thỉnh nguyện do nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân trong và ngòai nước gửi tới ao ước các Giám mục lập ra Uỷ ban Công lý và hoà bình. Tháng 10-2010, Uỷ ban Công lý và hoà bình ra đời. Qua hơn nửa năm, nhân sự vẫn chỉ có 2 vị là Chủ tịch và Tổng thư ký nhưng cũng đã làm được một số công việc, thắp lên bao tia hy vọng cho cả người dân trong đạo và ngòai đời. Đó là hai văn thư gửi Uỷ ban nhân dân Đà Nẵng về vụ Cồn Dầu và Uỷ ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng về đất đai của dòng Chúa quan phòng Portieux. Đức cha Chủ tịch cũng thân chinh “ vi hành” đến một số địa phương để khảo sát và chuẩn bị để hôm nay khai mạc đại hội lần thứ nhất của Uỷ ban Công lý và hoà bình, ghi một dấu ấn đáng nhớ không chỉ cho Uỷ ban mà còn của cả giáo hội và xã hội Việt Nam nữa…
Vinh quang thật to lớn nhưng cũng là gánh nặng đặt ra cho Uỷ ban Công lý và hoà bình về nhiệm vụ của mình. Bởi ở Việt Nam, tôn giáo là lĩnh vực “ nhạy cảm và tế nhị”, liên quan đến Công giáo thì sự nhạy cảm được nâng cấp hơn nhiều lần. Nhà chức trách thì cho rằng, trong điều kiện hiện nay, chỉ duy nhất giáo hội Công giáo Việt Nam mới có khả năng tập hợp được đông người để tạo ra áp lực với Nhà nước. Các vụ Toà Khâm sứ, Thái Hà, Tam Toà, đồng Chiêm, Cồn Dầu hay nhân vụ xử án TS Cù Huy Hà Vũ, bắt giữ luật sư Lê Quốc Quân, bác sĩ Phạm Hồng Sơn đã minh chứng điều đó.
Uỷ ban CL&HB sẽ làm gì để bao ước vọng, hy vọng của người dân cả trong đạo, ngoài đời không trở thành nỗi thất vọng?
Uỷ ban CL& HB sẽ trở thành nơi tiếp nhận văn thư khiếu nại để chia sẻ gánh nặng cho các văn phòng tiếp dân của chính quyền chăng? Và khi nhận được cả đống văn thư, trong đó có cả văn thư của các Giám mục mà riêng trang đầu chỉ để ghi các nơi “ kính gửi” thì Uỷ ban sẽ xử lý ra sao? Chẳng lẽ lại “ kính chuyển” tiếp. Còn cử người đi tìm hiểu, khảo sát thì lấy đâu ra nhân sự và hiệu quả thấp vì ngay cả các nhà báo, thanh tra nhà nước đi tìm hiểu, điều tra sự việc còn khó khăn khi muốn tiếp cận thông tin.
Uỷ ban CL&HB chắc chắn sẽ có nhiều văn thư như các văn thư đã gửi UBND Đà Nẵng và Sóc Trăng vừa qua nhưng rồi sẽ rơi tõm vào “sự im lặng đáng sợ” hay tình trạng “ ném đá ao bèo”?
Có lẽ trước mắt, căn cứ vào thực tế nhân sự, tổ chức của Uỷ ban CL&HB cũng như thực tiễn của xã hội Việt Nam, Uỷ ban nên tập trung vào những công việc chính sau đây:
- Phổ biến sâu rộng học thuyết về xã hội của Giáo hội Công giáo cũng như nhiệm vụ của Uỷ ban CL&HB cho nhiều người kể cả trong và ngòai đạo để tránh ảo tưởng hoặc e ngại, lo lắng thái quá về sự tồn tại và hoạt động của Uỷ ban. Bằng cách tổ chức các buổi nói chuyện, hội thảo, phổ biến tài liệu chuyên đề ở các địa phương cũng như trên quy mô giáo phận hay toàn quốc, trên báo chí ( cả báo in và internet).
- Khi có sự vụ xảy ra ở địa phương nào thì Uỷ ban CL&HB ở nơi đó cần tìm hiểu sự việc, chủ động tìm hướng đối thoại nhằm tìm ra hướng giải quyết dung hoà lợi ích các bên. Nên nhớ rằng, không có vụ kiện nào thắng tất cả và thua tất cả. Bởi vậy, các bên nhất là phía Công giáo phải chủ động nhân nhượng với lòng bác ái. Không có khuôn mẫu nào có thể áp dụng cho mọi sự vụ nhưng Uỷ ban CL&HB cần tổng kết các vụ việc đã giải quyết một cách “ êm đẹp” trong các vụ tranh chấp giữa phía Công giáo và chính quyền các địa phương để tìm ra những bài học hay, những kinh nghiệm tốt. Chẳng hạn, nhà thờ Cửa Bắc ( Hà Nội) những năm chiến tranh có một số hộ dân vào cư trú trong khuôn viên nhà thờ, sống tạm bợ, nhếch nhác. Vào năm 2000, khi chính quyền cho phép nơi đây được tổ chức dâng lễ cho người nước ngoài, giáo xứ muốn cho quang cảnh thánh đường sạch đẹp, đã làm đơn đề nghị chính quyền di dời những hộ dân cư trú bất hợp pháp ở đó. Về nguyên tắc, chính quyền đồng ý nhưng đưa họ đi đâu khi nhà đất Hà Nội đắt như vàng. Trong khi đó giáo hội luôn nói lời yêu thương không lẽ lại xua họ ra ngoài đường? Giáo xứ đã chọn cách xây một nhà chung cư, cho mỗi hộ một phòng. Các hộ được quyền sử dụng nhưng giáo xứ mới có quyền sở hữu. Mọi người đều chấp nhận, cảnh quang được tái lập và đạo Công giáo được ca ngợi là đạo thật sự yêu thương con người.
- Với các vụ việc quy mô lớn hơn, thường liên quan đến chính quyền cấp tỉnh, Uỷ ban CL&HB giáo phận cần tìm hiểu kỹ sự việc và báo về Uỷ ban CL&HB toàn quốc xin phối hợp xử lý. Trước khi gửi văn thư cho các bên, Uỷ ban CL&HB toàn quốc cũng cần tìm hiểu thêm các thông tin liên quan, gặp gỡ đương sự để tìm hướng giải quyết. Chúng tôi cho rằng việc xử lý vụ luật sư Lê Quốc Quân ( Hà Nội) vừa qua là một cách làm hay. Đức cha Chủ tịch đã trực tiếp làm việc với cơ quan hữu trách và thẳng thắn nêu quan điểm đồng thời chỉ ra những lợi hại nếu sự việc không được giải quyết. Cuối cùng chính quyền chấp thuận trả tự do cho luật sư Lê Quốc Quân và bác sĩ Phạm Hồng Sơn vào tối ngày 13-4-2011. Tuy nhiên phải khẳng định rằng, nếu không có những buổi cầu nguyện đông đảo ở Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Vinh và những tuyên cáo mạnh mẽ của cộng đoàn Vinh, cộng đoàn Doanh nhân –Trí thức Công giáo sẽ không thể có quyết định nhanh chóng như vậy từ phía chính quyền. Cũng tương tự, nếu ở Thanh Hoá không thành lập hẳn một Ban đòi lại đất đai tôn giáo đủ năng lực chắc cũng chưa thể có quyết định giao lại 14 cơ sở cho phía Công giáo sử dụng vào cuối năm 2010. Và ngay vụ cấp đất 6000m2 để làm nhà thờ Tam Toà ( Quảng Bình) vừa qua, nếu không có những buổi cầu nguyện khắp giáo phận Vinh năm 2008, chắc cũng còn chờ mỏi mắt.
- Nhiều vụ việc, để giải quyết lại đụng chạm đến tầm vĩ mô. Chẳng hạn vấn đề đất đai có nguồn gốc tôn giáo lại chính là vấn đề sở hữu tư nhân về ruộng đất. Trong khi Nhà nước lại chủ trương đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện. Hay vấn đề hoạt động giáo dục, y tế của tôn giáo hiện nay bị giới hạn dù Nhà nước chủ trương xã hội hoá song vẫn giữ nguyên tắc của chủ nghiã Mác là tôn giáo phải tách khỏi trường học…Các vấn đề này, Uỷ ban CL&HB có thể mở các cuộc hội thảo, toạ đàm trao đổi với các nhà nghiên cứu cả đạo và đời để làm sáng tỏ dần và chọn ra phương án thích hợp.
- Vấn đề nhân sự cho Uỷ ban CL&HB ở giáo phận cũng như cấp toàn quốc vô cùng quan trọng. Người đứng đầu dĩ nhiên là các Giám mục, linh mục đủ khôn ngoan và bản lĩnh nhưng các uỷ viên phải là những nhà chuyên môn về luật, xã hội học, các trí thức có kinh nghiệm ứng xử mối quan hệ đạo và đời theo tinh thần như Đức Benedicto XVI đã chỉ dẫn là “ đối thoại thẳng thắn, cộng tác lành mạnh trong bác ái”.
Về đối nội, trong bối cảnh toàn cầu hoá và tiến trình dân chủ hoá, giáo hội cũng phải chấp nhận những ý kiến đa chiều, phản biện nhiều hơn. Nhưng sẽ có những người kể cả giám mục, linh mục cũng bị lên án, công kích bất công gây nguy cơ chia rẽ giáo hội. Lâu nay, bản thân đương sự hay cộng đoàn thường chọn cách im lặng. Song chỉ trích không chấm dứt. Vậy Uỷ ban CL&HB bênh vực những đối tượng này như thế nào để bản thân các thành viên của giáo hội cũng có công bình và bằng an lại giữ được sự hiệp nhất của giáo hội Công giáo?
Khó có thể phác thảo ngay chương trình hành động cho một Uỷ ban còn quá mới mẻ ở Việt Nam nhưng hãy cứ làm việc một cách khôn ngoan theo sự hướng dẫn của Thánh Linh và tin rằng 7 triệu giáo dân luôn cầu nguyện, luôn sát cánh bên cạnh Uỷ ban CL&HB. Vì mọi người luôn hy vọng Uỷ ban CL&HB sẽ thổi bùng lên ngọn lửa Công lý- Hoà bình trên mảnh đất Việt Nam yêu dấu.
|