Chúng Ta Chờ Đợi Gì Ở Đại Hội Dân Chúa ? |
Tác Giả: Mặc Giao | |||||
Thứ Năm, 07 Tháng 10 Năm 2010 11:21 | |||||
Giáo Hội tranh đấu bằng thể thức hòa bình nhưng cương quyết đòi thực thi những nguyên tắc căn bản nhằm mục đích tôn trọng con người và xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
Với một đại hội quan trọng như thế, lẽ ra ban tổ chức phải nghiên cứu và phổ biến nhiều tài liệu tham khảo và gợi ý để các đại biểu tham dự có thể tìm hiểu và suy nghĩ trước, đồng thời dùng tài liệu này để tổ chức học hỏi, thảo luận tại các địa phương, các dòng tu, hầu có thể lấy ý kiến rộng rãi từ mọi nơi, mọi thành phần. Có thể nói Đại Hội Dân Chúa chính là một công đồng của Giáo Hội Công Giáo VN, trong đó phải có những xét mình, những suy nghĩ, những đề nghị và những quyết định cho hướng đi tương lai của Giáo Hội. Người ta không tìm thấy những tài liệu cần thiết như thế ngoài vài hàng hướng dẫn chung chung của Hội Đồng Giám mục: "Đại Hội này quy tụ các đại diện của mọi thành phần Dân Chúa để cùng với hàng giáo phẩm cầu nguyện, suy tư, trao đổi, nhằm xây dựng Giáo Hội Chúa Kitô trên quê hương Việt nam, một Giáo Hội hiệp thông và tham gia, một Giáo Hội hiện diện vì loài người, một Giáo Hội muốn chu toàn sứ vụ yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô trong môi trường mình đang sống". Với gần 300 đại biểu được dành cho 2 ngày thảo luận (Thứ Hai 22 và Thứ Ba 23), sáng gần 3 tiếng, chiều 1 tiếng để bàn về 3 đề tài: Giáo Hội mầu nhiệm, Giáo Hội Hiệp thông, Giáo Hội sứ vụ, ngày Thứ Năm 24 dành để soạn thảo và hoàn chỉnh "Sứ Điệp của Đại Hội gửi cộng đồng Dân Chúa", thử hỏi mỗi đại biểu sẽ được nói bao nhiêu phút, được góp ý mấy lần? Các vấn đề có được đào sâu và mở rộng khi thời giờ tranh luận chỉ có giới hạn, không có tài liệu để học tập và suy nghĩ trước? Với tình trạng này người ta e Sứ Điệp của Đại Hội sẽ không phản ảnh đầy đủ quan điểm của đa số đại biểu và sẽ không đáp ứng những mong mỏi của cộng đồng Dân Chúa, dù lời lẽ có thể sẽ rất văn hoa chải chuốt, với những nguyên tắc và khẩu hiệu nghe rất kêu, nhưng không đi vào thực tế của đời sống Giáo Hội và Đất Nước. Ngoài vấn đề nội dung có tính cách quan trọng như nói trên, Đại Hội tuy chưa khai mạc đã để xảy ra nhiều điều khiến dư luận thắc mắc. Trước hết là trong danh sách quan khách có các đại diện của các Hội Đồng Giám Mục ngoại quốc nơi có các di dân Việt Nam sinh sống: Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Canada, Úc, Nhật, Hàn, Đài Loan, Thái Lan, Campuchea…, và có cả đại diện của Giáo Hội quốc doanh Trung Quốc. Trong khi Tòa Thánh Vatican chưa chính thức nhìn nhận giáo hội quốc doanh này, Giáo Hội CGVN đã tự ý công nhận giáo hội đó rồi sao? Nếu muốn chiều ý Trung Quốc mời giáo hội nhà nước thì cũng phải mời thêm cả Giáo Hội Hầm Trú, một giáo hội chính truyền, kiên cường chấp nhận mọi trấn áp, bách hại, là nguồn hy vọng và là tương lai của Công Giáo ở lục địa Trung Hoa. Như thế mới tạm gọi là cư xử biết điều. Việc đại diện của Giáo Hội Hầm Trú Trung Quốc có được nhà cầm quyền nước này cho đi dự hay không là chuyện khác. Trách nhiệm không phải của người mời. Trong khi nhớ tới các hội đồng giám mục ngoại quốc lo cho di dân VN thì lại quên luôn di dân VN sống ở hải ngoại. Đành rằng các giáo sĩ và giáo dân VN sinh sống ở ngoại quốc trực thuộc các giáo hội địa phương về mục vụ và hành chánh, nhưng họ vẫn giữ những liên hệ máu thịt với Giáo Hội quê hương. Họ vui cái vui, buồn cái buồn, lo cái lo của anh chị em đồng bào đồng đạo tại quê nhà. Chẳng lẽ chỉ khi nào các chủ chăn VN "cần" đi "viếng thăm mục vụ" các cộng đoàn Công Giáo VN ở hải ngoại mới coi họ còn là con chiên của Giáo Hội CGVN, nhưng khi có dịp cho giáo dân phát biểu ý kiến thì các ngài coi họ là người ngoại quốc? Hay các ngài e ngại lỡ ra giáo dân hải ngoại phát biểu không đúng "lề phải" sẽ gây nhiều thiệt hại cho các ngài? Cũng nói về các đại biểu giáo dân tham dự Đại Hội, danh sách chính thức cho biết giáo dân sẽ có từ 120 đến 130 đại diện trên tổng số 280 đến 300 người tham dự. Như vậy họ là thiểu số, một thiểu số bị trấn áp bởi một đa số giáo sĩ và tu sĩ thuộc các dòng tu nam nữ. Giáo dân vốn khiêm nhường, "vâng ý cha dưới đất bằng trên trời vậy", nay lại là số ít đi họp với các "đấng" đông hơn, liệu họ có dám nói ngược lại những điều các đấng phán dậy hay không? Nhất là khi họ thuộc thành phần hội đồng giáo xứ, giáo lý viên, ca đoàn, các đoàn thể tông đồ giáo dân (theo thông báo chính thức), những thành phần được nổi tiếng là ngoan ngoãn, không có "tính đối kháng" như những thành phần trí thức, sinh viên, giới trẻ (không được kể trong danh sách tham dự). Việc chọn lựạ những người này cũng không ai biết được dựa theo tiêu chuẩn nào. Vì vậy, theo thiển ý, chúng ta nên gọi đại hội này là Đại Hội Giáo Sĩ và Tu Sĩ có giáo dân đến vỗ tay. Nói thế lại không công bằng với Dòng Chúa Cứu Thế. Dòng này không được cử đại diện tham dự Đại Hội Dân Chúa. Theo Linh Mục Giám Tỉnh Dòng Tên VN Tôma Vũ Quang Trung, Chủ Tịch Liên Hiệp Bề Trên Thượng Cấp VN (LHBTTCVN), thì đại hội thường niên của tổ chức này đã bầu chọn năm 2008 và duyệt lại năm 2009 danh sách 30 đại biểu các dòng tu tham dự Đại Hội Dân Chúa. Dòng Chúa Cứu Thế, một dòng lớn, lâu đời, có phạm vi hoạt động toàn quốc, không thua gì các Dòng Đa Minh, La San…đã "lọt sổ", không được bầu chọn, trong khi nhiều tu hội nhỏ và các Dòng Mến Thánh Giá địa phương như Đà Lạt, Cái Mơn, Kiên Lao…thì lại có đại biểu hiên ngang đi phó hội. Trên nguyên tắc, việc bầu chọn rất dân chủ, nhưng quyết định loại một dòng tu lớn bậc nhất của Giáo Hội VN khỏi Đại Hội Dân Chúa không khỏi khiến giáo dân tiếc và đặt câu hỏi về những vận động ngầm để dẹp một chướng ngại vật có thể gây trở ngại cho dự tính của những người cầm cân nẩy mực đại hội. Dòng Chúa Cứu Thế VN có nhiều "tội" lắm: dám ủng hộ TGM Ngô Quang Kiệt, dám đương đầu với nhà nước trong vụ đất đai ở Thái Hà, dám mời GM Hoàng Đức Oanh từ Kontum đến TP "Hồ Chí Minh", lãnh thổ của HY Phạm Minh Mẫn, hai lần để tuyền chức linh mục và phó tế cho các tu sĩ của Dòng, trong khi HY Phạm Minh Mẫn không chịu làm việc đạo vì có vài thầy sắp chịu chức thiếu sót việc đời: chưa điều chỉnh hộ khẩu ở Sài Gòn… Giả như Dòng Chúa Cứu Thế không có những "tội" trên, việc "lọt sổ" ít gây thắc mắc hơn, dù vẫn có. Các vị được quyền bầu bán, nếu có chút tâm lý và công tâm, càng nên bầu chọn Dòng Chúa Cứu Thế để khỏi mang tiếng hất hủi anh em và tìm cách làm vừa lòng nhà cầm quyền. Qua những sự việc này, người ta thấy Đại Hội Dân Chúa được rào kỹ quá. Giáo dân hải ngoại, giáo dân lớp trẻ, lớp trí thức, Dòng Chúa Cứu Thế bị "loại khỏi vòng chiến" cả năm trước khi Đại Hội khai mạc. Đại Hội sẽ rất "an toàn trên xa lộ". Và nhà nước chắc sẽ khen ngợi và tặng những lẵng hoa vượt qúa đầu người cho ngài Trưởng Ban Tổ Chức. Về mục tiêu mà Đại Hội nhắm đến, HY Phạm Minh Mẫn đã đề ra là "gia cố (tôi chẳng hiểu chữ này nghiã gì, xin nhận dốt), phục chế (tiếng Tầu), canh tân (lại tiếng Trung Quốc) ngôi nhà (Giáo Hội) của mình trên nền đá vững chắc là Lời Chúa, và trên bốn trụ cột vững bền là chân lý và tình thương, hòa bình và công lý". Lời Chúa là nền đá thì không có gì phải bàn, miễn đừng diễn giải sai lời Chúa hoặc đổi "tôi" thành "chúng tôi". Về bốn cột trụ thì có thể chia thành hai vế, chống đỡ hai bên: - Vế thứ nhất: Chân lý và Tình thương Chân lý là sự thật. "Sự thật giải phóng anh em". Sự thật chỉ có một, không có hai. Ai nói sai sự thật là nói dối. Giáo Hội bị đàn áp, sách nhiễu mà LM Đinh Châu Trân tuyên bố tại Mỹ: "Chưa bao giờ Giáo Hội VN được tự do và phát triển mạnh như hiện nay", có đúng sự thật không? Anh Nguyễn Thành Năm ở Cồn Dầu bị đóng đinh từ lỗ tai này sang lỗ tai kia cho chết tại đồn công an mà GM Châu Ngọc Tri bảo vợ anh làm tờ khai như công an buộc là anh chết vì bệnh, như vậy có tôn trọng chân lý không?... Tình thương là điều cốt yếu Chúa dạy: "Thiên Chúa là tình yêu", "Anh em hãy yêu nhau như Thầy yêu anh em". Tình yêu đòi yêu thương tất cả mọi người, kể cả kẻ thù. Vậy ai muốn yêu thương và hòa giải với những người cộng sản, xin cứ tùy ý. Chúng ta cũng thương những người cộng sản, không chủ trương giết họ, nhưng phải chống lại cái xấu, cái ác của họ. Chúng ta càng phải yêu thương hơn những nạn nhân của những điều xấu, điều ác, những người bị đuổi đất, giỡ nhà, lang thang đi khiếu kiện khắp nơi mà không được ai cứu xét, những người đau ốm không được chữa chạy vì không có tiền nộp nhà thương, những trẻ em thất học vì cha mẹ không có tiền nộp đủ thứ lệ phí cho trường, những cụ già 80 tuổi phải ra đường kiếm sống vì không có ai nuôi dưỡng, những em bé đen đúa kiếm ăn dưới trời nắng cháy hay mưa rào bằng việc bán vé số hay ăn mày, những thôn nữ xếp hàng cho những anh Đại Hàn, Đài Loan, Mã lai tàn tật, khật khùng chọn mua về hành hạ, những người dân thế cô bị bắt về đồn công an đánh cho đến chết… Còn nhiều nữa, kể hoài không hết. Đồng hành với dân tộc là phải đồng hành với những người này. Sống giữa lòng dân tộc là phải sống với những người này. Thực hiện tình thương là phải nhắm vào những người khốn khổ này, không phải chỉ đồng hành và thương những người có quyền, có tiền với những nụ cười "cầu tài" tươi rói. - Vế thứ hai: Hòa bình và Công lý Hòa bình không có nghiã là chủ hòa bằng mọi giá, là chấp nhận chịu thiệt để được yên ổn, là thỏa hiệp để kiếm lợi. Hòa bình là không gây hận thù, là tìm sự bình an cả trong tâm hồn lẫn ngoài cuộc đời cho người và cho mình. Muốn có hòa bình thì hai bên đều phải có thiện chí. Và muốn bình an trong cuộc đời thì phải có công lý. Công lý là trả lại cho ai những gì mà họ có quyền sở hữu, quan trọng nhất là quyền làm người với sự tôn trọng phẩm giá con người. Quyền làm người bao hàm những quyền tự do căn bản: tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do bầu những người cai trị đất nước… Quyền sở hữu là quyền được làm chủ và toàn quyền xử dụng tài sản do mình tạo ra, không bị xua đuổi, không bị tịch thu ngang xương (như các cơ sở tôn giáo) hay bị xung công với giá bồi thường rẻ mạt. Công lý là nhà nước đối xử công bằng với mọi người theo luật lệ phân minh, không phân biệt người trong đảng, trong chính quyền với người dân cô thế, không làm lệch cán cân công lý bằng tiền bạc, không tàn sát công lý bằng tham nhũng, hối mại quyền thế.. Hội Đồng GMVN có sẵng sàng lãnh đạo giáo dân tranh đấu cho những điều này không? Đó là bốn cột trụ gồm hai vế để chống đỡ Giáo Hội như HY Phạm Minh Mẫn đã nêu lên Giáo Hội tranh đấu không có nghiã là lập mặt trận đối kháng với chính quyền nhằm lật đổ chính quyền. Giáo Hội không đấu tranh chính trị. Việc này để cho giáo dân với tư cách công dân làm, nếu họ muốn và thấy cần. Giáo Hội tranh đấu bằng thể thức hòa bình nhưng cương quyết đòi thực thi những nguyên tắc căn bản nhằm mục đích tôn trọng con người và xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Đó là điều Chúa Giêsu đã dậy: "Đem Tin Mừng cho người nghèo khó, loan báo ơn giải thoát cho kẻ tù đày, cho người mù đựợc thấy, người bị áp bức được giải oan" (Lc 4, 18-19). Hy vọng toàn dân Việt Nam, không nhất thiết chỉ riêng người Công Giáo, sẽ được đọc một Sứ Điệp của Đại Hội Dân Chúa với nội dung khác hẳn những Thư Chung hay Lời Chủ Chăn từ trước đến nay. Biết đâu chẳng có sự bất ngờ do việc tác động của Thánh Linh. Chúng ta đừng tuyệt vọng. Hãy kiên nhẫn chờ.
|