Đại diện không thường trú tòa thánh tại VN |
Tác Giả: Hà Minh Thảo | |||
Thứ Bảy, 03 Tháng 7 Năm 2010 08:25 | |||
Ngày 26.06.2010, Mạng lưới vietvatican.net phổ biến ‘Thông cáo của Tòa Thánh về khóa họp thứ II của Nhóm Làm việc chung’ cho biết: « … khóa họp thứ II của Nhóm Làm Việc chung giữa Việt Nam và Tòa Thánh đã diễn ra tại Vatican từ ngày 23 đến 24-6 năm 2010. Khóa họp được 2 vị đồng chủ tọa là Đức Ông Ettore Balestrero, thứ trưởng ngoại giao Tóa Thánh, trưởng đoàn Tòa Thánh, và Ông Nguyễn Quốc Cường, thứ trưởng ngoại giao, trưởng đoàn Việt Nam. …Phái đoàn Việt Nam nhắc lại đường hướng trước sau như một của chính sách Việt Nam tôn trọng tự do tôn giáo và tín ngưỡng cũng như các qui định pháp lý bảo đảm việc thực thi tự do đó. Phái đoàn Tòa Thánh đã ghi nhận giải thích đó và yêu cầu đảm bảo thêm những điều kiện để Giáo Hội tham gia hữu hiệu hơn vào sự phát triển đất nước, nhất là trong lãnh vực tinh thần, giáo dục, y tế, xã hội và từ thiện. Ngoài ra phái đoàn Tòa Thánh nhắc lại rằng, qua các giáo huấn, Giáo Hội mời gọi các tín hữu trở thành những công dân tốt và dấn thân cho công ích của nhân dân. Hai phái đoàn đã ghi nhận những phát triển khả quan trong các lãnh vực của đời sống Công Giáo tại Việt Nam, đặc biệt về Năm Thánh. Ngoài ra, cả hai nhắc đến bài diễn văn của Đức Thánh Cha Biển Đức 16 trong dịp các Giám Mục Việt Nam về Roma viếng mộ các Thánh Tông Đồ năm ngoái và Sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam nhân dịp Năm Thánh, và cả hai Phái đoàn đồng ý rằng các giáo huấn này của Đức Thánh Cha sẽ được dùng làm hướng đi cho Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam trong những năm tới đây. Về quan hệ song phương, hai Phái đoàn đánh giá cao những phát triển tích cực diễn ra từ sau Khóa họp thứ I của Nhóm làm việc chung, đặc biệt là cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 và Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết hồi tháng 12 năm 2009. Hai Phái đoàn đã trao đổi sâu rộng về quan hệ ngoại giao song phương. Để đào sâu quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam, cũng như những quan hệ giữa Tòa Thánh và Giáo Hội Công Giáo địa phương, như một bước đầu, cả hai bên đã thỏa thuận về việc Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm một vị Đại Diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam. » Ðể rõ ràng hơn, chúng tôi xin trích bài ‘Đức Giáo Hoàng sẽ bổ nhiệm đại diện không thường trú tiên phong tại Việt Nam.’ đăng trên VietCatholic News ngày 26.06.2010, tác giả Dominic David Trần cho biết thêm: « Linh Mục Federico Lombardi SJ, Phát Ngôn Viên Tòa Thánh đã giải thích rằng, chức vị mới này không hình thành nên các quan hệ ngoại giao toàn diện và đầy đủ giữa hai bên Toà Thánh Vatican và Việt Nam, vì chức vị mới này không phải là một vị Sứ Thần hay không phải là vị Khâm Sứ Thường Trực tại Việt Nam. Linh Mục Giám Đốc Thông Tin Báo Chí kiêm Phát Ngôn Viên của Tòa Thánh Vatican lập lại một lần nữa rằng chức vị Đại diện sẽ được chính Đức Thánh Cha chính thức bổ nhiệm và sẽ là "bước đi mở đường" giữa Toà Thánh Vatican và Việt Nam, một cách có hiệu quả, đại diện cho Đức Thánh Cha trong các quan hệ. » và « nhấn mạnh rằng, ở điểm này và tại thời điểm này, chưa có sự đề nghị hay bổ nhiệm chính thức nào được đưa ra. » I. GIÁO LUẬT 1983. Trong tương lai, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sẽ bổ nhiệm vị Đại Diện không thường trú này theo những qui định của Giáo Luật. Bộ Giáo Luật có hiệu lực hiệân hành được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 25.01.1983, qui định một cách chung ‘Các Phái Viên của Đức Thánh Cha’ (Legates of the Roman Pontiff, tiếng Anh và les Légats du Pontife Romain, tiếng Pháp) nơi các Điều từ 362 đến 366, tức không phân biệt các chức vụ Khâm sứ Tòa Thánh (Délégué Apostolique, tiếng Pháp và Apostolic Delegate, tiếng Anh) hay Sứ thần Tòa Thánh (Nonce Apostolique, tiếng Pháp và Apostolic Noncio, tiếng Anh) hoặc Đại Diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam (non-resident Representative of the Holy See for Vietnam, tiếng Anh và non-résident représentant du Saint-Siège pour le Vietnam, tiếng Pháp). 1. Quyền Bổ Nhiệm. Thay vì liệt kê các điều khoản không sống động, chúng ta hãy đọc bài phỏng vấn của đài BBC Anh quốc với Linh mục Huỳnh công Minh, trợ tá (?) cho Tổng Giám mục Sài Gòn, Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn nói với BBC (xin tóm): « Tôi, cũng như linh mục, tu sỹ, giáo dân, không biết gì cả về việc có văn phòng thường trực hay có người làm đại diện không thường trực của Tòa thánh tại Việt Nam. Tôi gặp Đức Hồng y, Ngài cũng không tỏ vẻ gì là biết về vấn đề này. Điều đó làm chúng tôi rất thắc mắc." Xin mời đọc bài này tại: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/06/100629_vatican_vn_bishops.shtml Chúng ta xem Điều 362: « Đức Thánh Cha có quyền bẩm sinh và độc lập để bổ nhiệm các Phái Viên và gửi họ tới các Giáo Hội địa phương ở tại các nước hay các miền khác nhau, hoặc đồng thời tới các quốc gia và các chính phủ; Đức Thánh Cha cũng có quyền thuyên chuyển và triệu hồi họ, tuy phải tôn trọng các quy luật của quốc tế công pháp liên quan tới việc ủy phái và triệu hồi các Phái Viên đã được thiết lập bên cạnh các chính phủ. » Như vậy, Đức Thánh Cha có tự do hoàn toàn và không cần hỏi trong việc bổ nhiệm ai làm Phái Viên và gửi họ tới các Giáo Hội địa phương. Vì ‘tôn trọng các quy luật của quốc tế công pháp’, Tòa Thánh (Holy See, tiếng Anh và Saint Siège, tiếng Pháp, danh xưng chính thức trong ngoại giao) nên phải có sự đồng ý của chính phủ Việt-Nam để vị Đại Diện có thể đến Việt-Nam dễ dàng, dù không ở tại Việt-Nam. 2. Tư cách đại diện cho Đức Thánh Cha. Điều 363: (1) Các Phái Viên của Đức Thánh Cha lãnh nhiệm vụ làm đại diện cho chính Ngài cách thường trực tại các Giáo Hội địa phương hoặc cũng tại các quốc gia và chính phủ mà họ đã được cử tới. (2) Tất cả những ai được cử vào Phái Bộ Tòa Thánh như là các đại diện hay là quan sát viên ở các tổ chức quốc tế hoặc bên cạnh các hội nghị hay phiên nhóm, cũng có tư cách thay mặt Tòa Thánh. Thí dụ: Theo bản tin liên hợp Thông tấn xã Công giáo (CNA/EWTN News) ngày 30.06.2010, Linh mục Federico Lombardi SJ, Phát ngôn viên của Tòa Thánh cho biết Đức Tổng Giám mục Celestino Migliore (đã nhiều lần đến Việt-Nam với tư cách Trưởng Phái đoàn Tòa Thánh), Quan sát viên Thường Trực Đại Diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc, đã được bổ nhiệm làm Sứ Thần tại Ba lan. Đức cha thay thế Đức cha Jozef Kowalczyk, vừa nhậm chức Tổng Giám mục Gniezno và kiêm nhiệm Giáo chủ Ba lan. 3. Phái Viên Tòa Thánh là giây hợp nhất giữa Tòa Thánh với các Giáo Hội địa phương. BBC hỏi Linh mục Minh: “Thưa cha, chuyện này cho thấy điều gì về quan hệ giữa Vatican và các giám mục Việt Nam?” Linh mục Minh đáp (xin tóm): “Tôi rất thắc mắc. Có thể đây là lần đầu tại Việt Nam - kể cả trước 75 Tòa thánh vẫn không có quan hệ ngoại giao với chính phủ VN Cộng hòa, dù có một vị Khâm sứ lo chuyện đạo chứ không phải lo chuyện như bây giờ - có vấn đề ngoại giao giữa Bộ Ngoại giao VN với Bộ Ngoại giao của nước Vatican. Vấn đề hoàn toàn mới, tôi không dám có ý kiến. Vấn đề mới mình không biết thì mình chờ. Nhưng mà rõ ràng tôi cũng thắc mắc. Vấn đề ngoại giao của nước Vatican cũng nằm trong vấn đề Giáo hội, không thể không ảnh hưởng đến vấn đề Giáo hội tại Việt Nam. Tôi có cảm tưởng là với tư cách là Hội đồng Giám mục, trong Hồng y đoàn là cố vấn của Đức Giáo hoàng - mà Đức Hồng y của chúng tôi rõ ràng sáng nay mới đặt vấn đề là có chuyện văn phòng là cái gì? » Linh mục Minh, Tổng Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn 30 năm, đã trả lời không đúng vì các Đức Khâm sứ vừa Đại diện Đức Thánh Cha vừa bên cạnh Hội đồng Giám mục vừa bên cạnh chính phủ Việt-Nam Cộng hòa cho đến khi bị trục xuất ngày 05.06.1975 (theo nguyên tắc liên tục Chính phủ, việc thay đổi Chính phủ ngày 30.04.1975, Đức cha Henri Lemaître đã trình Ủy nhiệm thư cho Chính phủ Việt-Nam do Tổng thống Nguyễn văn Thiệu đảm nhiệm lúc đó, tháng 05.1969). Xin được chứng minh qua hai điều khoản sau: - Điều 364: Nhiệm vụ chính yếu của Phái Viên Tòa Thánh là lo liệu để cho giây hợp nhất giữa Tòa Thánh với các Giáo hội địa phương mỗi ngày được thêm bền chặt và đắc lực hơn. Vì thế, công tác của các Phái Viên của Đức Thánh Cha trong khu vực lãnh thổ của mình là: 1. thông tri cho Tòa Thánh về tình hình của các Giáo hội địa phương, và về tất cả những gì liên hệ tới chính đời sống của Giáo hội và thiện ích của các linh hồn; 2. giúp đỡ các Giám Mục bằng hành động hay lời bàn, tuy phải tôn trọng việc hành sử hợp lệ quyền bính của các Ngài; 3. duy trì sự liên lạc thường xuyên với Hội Đồng Giám Mục bằng hết mọi hình thức cộng tác; 4. đối với việc bổ nhiệm Giám Mục, chuyển hoặc đề nghị danh tánh của các ứng viên cho Tòa Thánh, cũng như tiến hành thủ tục thu lượm tin tức về những người được tiến cử, theo như quy tắc Toà Thánh đã ra; 5. hết sức cổ động những dự án liên can tới hòa bình, phát triển và sự hợp tác giữa các dân tộc; 6. cộng tác với các Giám Mục, để phát động những liên lạc giữa Giáo Hội Công Giáo với các Giáo Hội và giáo đoàn khác, kể cả với các tôn giáo ngoài Kitô giáo; 7. cùng với các Giám Mục, bênh vực tất cả những gì liên quan tới sứ mệnh của Giáo Hội và của Tòa Thánh trước mặt chính phủ; 8. ngoài ra, thi hành mọi năng ân và chu toàn những ủy nhiệm mà Tòa Thánh đã giao phó. - Điều 365: (1) Ngoài ra, Phái Viên của Đức Thánh Cha kiêm nhiệm việc đại diện Ngài bên cạnh các quốc gia theo các quy tắc của luật quốc tế còn có nhiệm vụ: 1. cổ võ và duy trì mọi liên lạc giữa Tòa Thánh với chính quyền; 2. dàn xếp mọi vấn đề liên hệ tương quan giữa Giáo Hội với quốc gia; và đặc biệt, là lo việc ký kết những thỏa ước hay các quy ước tương tự, cũng trông coi việc thi hành chúng. (2) Khi giải quyết những vấn đề nói ở triệt 1, tùy theo hoàn cảnh đòi hỏi, Phái Viên của Đức Thánh Cha nên tham khảo ý kiến và lời bàn của các Giám Mục trong khu vực và thông báo cho các ngài biết về diễn tiến của tình hình. Khi BBC hỏi tín đồ ở Việt Nam mong đợi gì từ vị đại diện không thường trực? thì Linh mục Minh mong đợi được ‘quyền’ trao đổi: « vì liên hệ, dầu là liên hệ với nước Việt Nam thì chúng tôi đang sống trong nước VN, thì cũng phải có liên hệ với chúng tôi, chúng tôi cũng phải được thông báo… Rất mong mối quan hệ ngoại giao, mong thế nào có lợi cho nước, có lợi cho Giáo hội tại VN và lợi chung cho Giáo hội toàn cầu. Về việc trao đổi, chúng tôi nghĩ điều 362 đã trả lời cho Linh mục. Còn vấn đề có lợi cho nước, cho Giáo hội Việt-Nam và lợi chung cho Giáo hội toàn cầu, chúng tôi đề nghị Linh mục đừng lo vì tuyệt đại đa số Kitô hữu Việt-Nam xác tín Đức Thánh Cha và các Phái Viên Tòa Thánh còn quan tâm hơn Linh mục và năm bảy ‘Linh mục quốc doanh’ có môn bài khác. Còn việc Linh mục Minh dám quả quyết « thái độ của chính phủ hiện nay trong vấn đề với Giáo hội, thì không rõ ràng » là điều ai cũng biết và đã biết từ lâu. Khi BBC hỏi về « giáo sĩ và giáo dân Việt Nam thất vọng về chuyện không được biết thực chất của chuyến làm việc vừa rồi, cũng như chuyện cắt cử vị đại diện không thường trực sắp tới? », Linh mục Minh trả lời: « chúng tôi rất là bức xúc, rất buồn, chứ chúng tôi cũng không dám trách. » Linh mục Minh cho biết « không có hi vọng gì, … tôi chỉ dựa vào Đức Hồng y ở đây. » khi BBC hỏi về « vị đại diện sắp tới liệu có giúp Vatican hiểu được tiếng nói thực chất của các tín đồ cũng như giáo sĩ ở Việt Nam? ». Tuy nhiên, tôi vô cùng ngạc nhiên khi Linh mục Tổng đại diện Tổng Giáo phận Sài gòn nói: « trong hoàn cảnh thực tế của VN hiện tại, của chính phủ VN hiện tại, thì có vẻ nó rất bất lợi cho giáo hội(1) VN, hơn là có lợi cho giáo hội VN, mà cũng sẽ bất lợi cho nước VN, dân tộc VN. » (1) chúng tôi cố gắng giữ nguyên chử viết của BBC hay của Linh mục Minh. Một cách tổng quát, chúng ta nhiều khi không tìm hiểu Giáo luật rồi trách Đức Thánh Cha và, nguy hiểm hơn, khi với chức vụ cao, được truyền thông phỏng vấn, trả lời không đúng, tạo thêm phê phán sai lạc về Tòa Thánh. (còn tiếp một kỳ)
|