Home Đời Sống Tôn Giáo Tổng Giám mục Hà Nội phải ra đi

Tổng Giám mục Hà Nội phải ra đi PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Sáu, 23 Tháng 4 Năm 2010 15:55

Vatican đã chỉ định Tổng Giám mục phó để chuẩn bị thay thế Tổng giám mục Hà Nội, Joseph Ngô quang Kiệt,

 người bị chính quyền Việt Nam chỉ trích sau các vụ giáo dân biểu tình đòi đất.

Việc thay thế TGM Ngô Quang Kiệt và bổ nhiệm Đức Cha Nhơn vào chức vụ mới này "gây bất ngờ " mặc dù tin đồn về việc bổ nhiệm này đã được loan truyền từ ít lâu nay.

Tin hôm 22/04 cho hay Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Nhơn, hiện là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ chính thức rời Đà Lạt về Hà Nội.

Trả lời trang conggiaovietnam.net, Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt, người gần đây có sang Roma nói: theo ông “Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn là bậc đáng kính hoàn toàn xứng đáng nhiệm vụ Tổng giám mục” cho Hà Nội.

Trả lời BBC hôm 23/04, Linh mục Huỳnh Công Minh, phát ngôn nhân cho Tổng Giám mục địa phận sài gòn giải thích về việc này:

"Theo hệ thống của Giáo Hội Roma, việc bổ nhiệm tổng giám mục phó là để thay thế tổng giám mục, do đó, Đức Cha Nhơn sẽ thay Đức Cha Kiệt".

Linh mục Huỳnh Công Minh cũng xác nhận ngay cả Đức Cha Nhơn cũng không muốn nhận nhiệm vụ này vì "ngoài kia khó khăn lắm trong lúc đó trong này đã yên hàng".

Trước các tin tức rằng chính sức ép từ Hà Nội khiến Vatican để ông ra đi, TGM Ngô Quang Kiệt được trích lời trên các mạng Công giáo nói:

“Tôi chỉ bị áp lực của lương tâm trách nhiệm. Từ hai năm nay sức khỏe tôi sa sút không thể làm việc trí óc có hiệu quả. Tôi đã trình bày với Tòa Thánh để xin nghỉ vì lợi ích của Giáo hội, riêng của Tổng giáo phận Hà Nội.”

Bị chỉ trích

Báo chí nhà nước tại Việt Nam từng công khai chỉ trích và đòi TGM Ngô Quang Kiệt phải ra đi sau các vụ giáo dân biểu tình và cầu nguyện đông người, bắt đầu từ cuối 2007 tại Hà Nội.

Người ta tin rằng TGM Kiệt đã tạo niềm tin cho giáo dân Hà Nội rằng họ sẽ đạt được thắng lợi trong cuộc tranh chấp ban đầu mang tính dân sự nhưng ngày càng trở nên một thách thức chính trị với nhà nước.

Truyền thông Việt Nam cũng đả phá nặng lời phát biểu của ông rằng, "Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên".

Cùng lúc, ở các cấp cao nhất, Vatican và chính quyền Việt Nam muốn hướng tới một quan hệ lâu dài.

Chủ tịch nước Việt Nam, ông Nguyễn Minh Triết vừa gặp Đức Giáo hoàng Benedict XVI tại Tòa thánh Vatican ngày 11/12 trong bước đi hướng tới chỗ bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Tòa Thánh Vatican vừa là một nhà nước, vừa chăm sóc phần hồn của các tín đồ Công giáo toàn cầu mà tại Việt Nam có từ 6 đến 7 triệu.

Việt Nam là nước có tín đồ Công giáo thần phục Vatican đông thứ nhì châu Á, chỉ sau Philippines nhưng lại không có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh.

Hai bên đã có nhiều phái đoàn cao cấp thăm viếng lẫn nhau từ cuối thập niên 1990 nhưng còn nhiều vấn đề phải giải quyết.

Một trong những vấn đề còn khúc mắc là tranh chấp đất đai và các cơ sở Công giáo mà chính quyền cách mạng cộng sản tịch thu sau năm 1955 tại miền Bắc và sau 1975 tại miền Nam.

Trong một bài trả lời phỏng vấn với hãng thông tấn Fides, Tổng Giám mục TPHCM, Hồng y Phạm Minh Mẫn nói sau 1975 chỉ riêng Giáo phận Sài Gòn 'bị mất 400 cơ sở'.

Các vụ tranh chấp ở Tòa Khâm sứ cũ và Thái Hà ở Hà Nội hơn hai năm qua cũng thu hút dư luận.

Hồi tháng 12, Đức cha Phero Nguyễn Văn Nhơn, chủ tịch Hội đồng giám mục Việt Nam gọi cuộc gặp giữa Giáo hoàng và chủ tịch Nguyễn Minh Triết là biến cố làm cho “tâm hồn các tín hữu công giáo Việt Nam tràn đầy hy vọng.”