Home Đời Sống Tôn Giáo Hoa Sen và Đạo Phật

Hoa Sen và Đạo Phật PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Thứ Ba, 22 Tháng 12 Năm 2009 22:56

Trong Nikàya  kể rằng: Một độ, có một tu sĩ Ần Ðộ giáo nhìn thấy dấu chân của Phật in dưới cát có những dấu hiệu lạ thường, nên ông đến gần Phật và hỏi rằng:

- Phải chăng Ngài là Deva ?
- Phải chăng Ngài là Gandhabba?
- Phải chăng Ngài là quỷ Yakka ?
- Phải chăng Ngài là người?

Với những câu hỏi như trên, Ðức Phật đều trả lời là không. Tu sĩ hỏi tiếp: "Vậy Ngài là ai?".
Ðức Phật trả lời:

    "Như hoa sen đẹp đẽ và dễ thương
    Không cấu nhiễm bùn nhơ, nước đục
    Cũng vậy, ở giữa chốn bụi trần
    Ta không vướng chút bợn nhơ
    Như vậy, ta là Phật!"

Giai thoại trên là một định nghĩa đặc sắc về Phật. Có lẽ đây cũng là cơ sở mà về sau có một bộ kinh ra đời mang tên là Pháp Hoa (Diệu pháp Liên hoa). Ðây là bộ kinh vốn được xem là Pháp vương - tức Vua của các kinh trong hệ thống kinh tạng Ðại thừa. Biểu tượng của kinh là HOA SEN. Hoa sen tượng trưng cho Phật và Phật tính ở mỗi con người.

Như chúng ta biết, hoa sen là một loài hoa đặc biệt. Nó chỉ mọc lên trong đầm lầy. Mặc dầu vậy, hoa và hương của nó luôn tinh khiết, không cấu nhiễm bởi bùn nhơ, nước đục.

    "Thoát bùn nở đóa sen thanh
    Bùn tanh mà vẫn lọc nên hương trời"

Ðiều này cho thấy ý nghĩa biểu tượng của hoa sen là một sự toàn thiện ngay giữa lòng cuộc đời ô trược. Và cho đến nay, hoa sen đã đi vào truyền thống Phật giáo bởi hình ảnh biểu tượng của nó.

Trong Tự Điển Bách Khoa:

Hoa sen (tiếng Phạn: padma; tiếng Nhật: renge) trong Phật giáo là biểu tượng của sự thuần khiết và sinh hóa hồn nhiên (svayambhu). Theo kinh Lalitavistara, phần tâm linh của con người thì vô nhiễm, giống như hoa sen mọc trong bùn mà không bị hôi tanh bởi bùn. Còn theo Phật giáo Mật tông thì trái tim con người giống như đóa sen hàm tiếu, khi Phật tính phát triển bên trong thì đóa sen sẽ nở.

 Sen trắng
Sen trắng tượng trưng cho sự thuần hóa của nhân tính, bồ đề tâm hay còn gọi là giác tâm, thường có 8 cánh ứng với Bát chính đạo. Nó là đặc trưng của phái Mật tông và là đoá sen của các vị Phật.

 Sen đỏ
Sen đỏ tượng trưng cho bản chất nguyên thuỷ của trái tim, là đoá hoa của tình yêu, đam mê và sự năng động. Đây là loại sen của Quan Thế Âm.

 Sen xanh
Sen xanh là biểu tượng của trí tuệ, tri thức của chiến thắng của tinh thần đối với các cảm quan. Đây là loại sen của Văn Thù Sư Lợi, hiện thân của trí tuệ viên thành.

Sen hồng
Sen hồng là loại sen tối thượng, thường được dành cho các vị tối cao, là đoá sen của vị Phật lịch sử.

 Sen tím thẫm
Sen tím thẫm là đóa sen huyền diệu, biểu thị những ảnh tượng của phái Mật tông. Các đoá hoa có thể đang còn e ấp hoặc đã được nở bung hết. Chúng có thể được nâng đỡ bởi một cọng hay ba cọng hoa (tượng trưng cho ba phần của Garbhabatu: Vairocana, hoa sen và vajra) hoặc năm cánh hoa tượng trưng cho Năm tri thức của Vajradhatu.

Sự hình thành của sen diễn ra theo qui luật nhân quả luân hồi. Sen có cả nụ - hoa - hạt. Hoa nở tượng trưng cho quá khứ, đài sen tượng trưng cho hiện tại và hạt sen tượng trưng cho tương lai, sự nối tiếp liên tục.

Trong Phật giáo, hoa sen biểu trưng cho những giá trị đạo đức, sự thuần khiết và thánh thiện, sự duy trì và phát triển Phật pháp, trí tuệ dẫn đến niết bàn. Trên thế giới ít có loài hoa nào có nhiều phẩm chất cao quý như hoa sen. Bởi vậy mà nhà Phật ví nó như những đức tính của người tu hành.

Trên một số quả chuông như chuông chùa Liên Phái, Hà Nội, hay ở kiến trúc chùa và nhất là trong lời cúng của các sư tǎng thường có cụm từ "Mún ma ni bát mê hồng" có nghĩa là cầu được lên tòa sen ngọc báu. Bát mê (padma) có nghĩa là hoa sen.

Trong kiến trúc Phật giáo, hình tượng hoa sen được lồng vào cấu trúc nhà, một bộ phận kiến trúc hoặc cả tổng thể công trình với ý nghĩa về sự giải thoát, giác ngộ Phật pháp. Những công trình kiến trúc tiêu biểu với hình tượng hoa sen thường xuất hiện trong những giai đoạn hưng thịnh của Phật giáo. Đó là thời Lý thế kỷ thứ 11 với Chùa Một Cột - Hà Nội; thế kỷ thứ 17 với tháp Cửu phẩm liên hoa, Chùa Bút Tháp - Bắc Ninh; thế kỷ 18 với Chùa Tây Phương - Hà Tây, Chùa Kim Liên - Hà Nội.

Hình tượng hoa sen ở tháp Cửu phẩm liên hoa - Chùa Bút Tháp là một tổ hợp kết cấu gỗ dạng tháp quay chín tầng chồng lên nhau. Mỗi tầng có một đài sen rộng chừng 2 m, cao 50 cm. Cả tháp cao 7, 8 m, phía ngoài tháp các cánh sen bằng gỗ sơn đỏ tạo thành tầng tầng lớp lớp so le nhau. Tầng một đến tầng chín biểu hiện cho những nấc thang của sự tinh tiến trong đạo Phật.

Tháp có thể xoay được bởi nó được ǎn chân trụ với một chiếc cối đồng chôn ngang mặt đất và hệ thống bốn cột cái đặt chung quanh tháp. Cứ mỗi vòng quay của tháp tương ứng với 3.452.400 lời niệm. Số niệm càng nhiều thì sự thành đạt của kiếp tu hành càng mau có kết quả. Tháp được đặt trong tòa Tích Thiện Am, ngôi nhà ba tầng, bốn mái tương ứng với ba cấp chứng quả của người tu hành. Tháp quay Cửu phẩm liên hoa là một tổ hợp cao hơn giá trị đơn lẻ của một biểu tượng bông sen. Hay trong hệ thống các hàng lan can ở quanh Thượng điện và quanh tháp Báo Nghiêm cũng có những bức chạm cả hồ sen với cá, chim rất ngoạn mục.

Nếu ở thời Lý và thời Lê Trung Hưng thế kỷ 17, hình tượng hoa sen trong kiến trúc Phật giáo chỉ có tính chất đơn lẻ trong từng chùa như Chùa Một Cột hoặc một bộ phận kiến trúc như tháp quay ở Chùa Bút Tháp thì đến thế kỷ 18, hoa sen đã trở thành phong cách kiến trúc của cả một giai đoạn. Nó đánh dấu sự bừng nở của một phong cách nghệ thuật độc đáo, khởi đầu từ Chùa Kim Liên và được kế tiếp ở Chùa Tây Phương, một ở trên hồ, một là trên núi vừa hòa nhập vào thiên nhiên, vừa xác định vị trí, hình khối của mình trong không gian.

Nếu kiến trúc trước đó thường chú trọng tuyến ngang, tức là các lớp nhà kéo dài trên một trục chạy như hình con rồng. Đến giữa thế kỷ 18, nǎm 1792 với kiến trúc Chùa Kim Liên đã xác lập một ý tưởng không kéo kiến trúc chạy dài, mà cô gọn thành một cụm hình tượng bông sen. Thực chất là kiểu kiến trúc đưa ba gác chuông gộp lại làm một tạo thành kiến trúc chồng diêm hai tầng tám mái "Trùng thiềm điệp ốc". Kiểu kiến trúc này đã có từ thế kỷ thứ 17 với kiểu kiến trúc tháp chuông Chùa Keo - Thái Bình. Hay ở Chùa Kim Liên, không chỉ có vẻ đẹp về hình khối, về ý tưởng kiến trúc, Chùa Kim Liên còn giải quyết được ánh sáng, độ thông gió... Kết cấu theo bốn hàng chân, nhất quán lối kiến trúc chồng rường. Từ kết cấu đến từng chi tiết kiến trúc của chùa đều gọn gàng, tạo hình khối kiến trúc ổn định, ǎn nhập với các yếu tố phù trợ khác như đầu đao cong vút, ô cửa sổ bán âm bán dương trên bức tường ốp gạch trần. Tất cả tạo nên một vẻ thanh thoát, cổ kính, huyền bí. Đứng trên đê nhìn xuống, Chùa Kim Liên thấp thoáng trong lùm cây xanh um tùm chung quanh là hồ, chẳng khác gì đóa sen nở trên mặt nước.

Cũng với kiểu kiến trúc Chùa Kim Liên, Chùa Tây Phương được xây dựng tinh xảo hơn. Chùa được xây dựng trên một ngọn núi hình lưỡi câu, gọi là "Câu lậu sơn". Đi hơn 250 bậc đá là tới khu chùa chữ tam với ba tòa Thượng - Trung - Hạ, kết cấu kèo chồng rường. Các đầu đao kép uốn hình rồng cong, so le. Đứng ở góc chéo có thể nhìn thấy ba góc kia, thấy được sự giãn nở của nhiều lớp mái do việc sử dụng độ cao hợp lý. Mái được nâng cao, đồng thời mở nhiều ánh sáng trong nội thất làm thay đổi khí sắc tôn giáo của ngôi chùa. Các đầu cột ở hai ngôi chùa này được làm thành bông hoa sen hoặc làm thành cả hồ sen, thể hiện sự tài hoa, khéo léo của những người thợ xây dựng chùa.

Đặc biệt phong phú là sen trang trí các hình rồng mây, hình hoa cúc... Chất trang trí đã làm cho đài sen tươi tắn và sinh động hơn. Như hình chạm cả dàn nhạc công đang tấu nhạc dâng lên đức Phật ở chân cột đá Chùa Phật Tích. Hình Phật được tượng trưng bằng một vòng sáng nhọn đầu, còn đài sen được chạm rất kỹ, tỉ mỉ.

Như vậy, nét đẹp giá trị nghệ thuật của kiến trúc Phật giáo nói chung, và kiến trúc hình tượng hoa sen nói riêng là ở kết cấu kiến trúc thực được tạo ra để thể hiện những ý niệm triết học trừu tượng của Phật giáo, chỉ bằng một hình tượng đơn giản, giản dị, đó là bông sen.

Trong sách "Tánh mạng khuê" có bài thơ về hoa sen như sau:
     
    Hồng hồng bạch bạch thủy trung liên,
    Xuất ố nê trung sắc chuyền liên;
    Hành trực ngẫu không bổng hựu thục,
    Tu hành diệu lý kháp như nhiên  

    (Tạm dịch)
    Sen nở trong đầm đỏ trắng phơi,
    Bùn nhơ không nhiễm sắc thêm tươi.
    Thân ngay, ngó rỗng, gương đầy hột.
    Cái lý tu hành cũng thế thôi.
 
Ý nghĩa hoa sen trong Phật giáo

Bàng Ẩn  

Hoa sen (tên khoa học là Nelumbo Nucifera) là loại hoa mọc lên từ rễ củ nằm dưới lớp bùn đất ở dưới nước, hoa thường có màu trắng, hồng, có khi phơn phớt vàng, xanh, tím...

Hoa nở vươn khỏi mặt nước, lộ bày đài hoa, nhụy và hạt. Hoa đẹp hương thơm tinh khiết, nên được mọi người ưa chuộng. Ấn Độ giáo có truyền thuyết cho rằng lúc khởi đầu vũ trụ một hoa sen mọc lên từ rốn của thần Vishnu, giữa hoa có Phạm thiên ngói kiết già. Hoa sen lại là một trong tám biểu tượng của Phật giáo, khó có thể kể hết kinh sách Phật giáo nói về hoa sen, sau đây chỉ là phần khái lược.

Truyền thuyết kể rằng khi Đức Thích-ca đản sinh, Ngài đi bảy bước và có bảy hoa sen đỡ bàn chân Ngài. Chư Phật, Bồ-tát thường được miêu tả ngồi hay đứng trên đài sen tay cầm hoa sen. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa lấy hoa sen làm đề kinh. Hoa được ví như cái âm thanh tịnh không ô nhiễm, đức hạnh, kết quả viên mãn. Hoa sen còn được ví với quá trình tu tập, phát triển tâm thức: cây sen mọc dưới bùn được ví cho cái tâm bị che lấp vì phiền não sinh tử; cây vươn lên trong nước, được ví cho quá trình tu tập, thanh tịnh hóa; hoa nở bên trên mặt nước phô sức hương dưới ánh mặt trời được ví cho cái tâm đã giác ngộ viên mãn.

Tông Thiên Thai giải thích về Tích môn (giáo lý phương tiện) và Bổn môn (giáo lý chân thật) của Kinh Pháp Hoa có đưa ra ba ẩn dụ về hoa sen qua đó, hạt sen được ví với sự chân thật, hoa sen được ví với sự quyền biến; do hạt mà có hoa, hoa nở thì hạt bày ra, hoa rụng thì hạt hình thành. Tức là do có chân thật nên có quyền biến (tạm dùng cho phù hợp với đời), quyền biến được khai mở thì chân thổ lộ ra, quyền biến mất đi thì chân thật hình thành viên mãn.
Kinh Trữ Cái Chướng Bồ Tát Sở Vấn nêu lên 10 ẩn dụ về hoa sen để chỉ 10 thiện pháp tu hành của Bồ-tát. Đó là:

1. Lìa tất cả ô nhiễm (như hoa sen không nhiễm bùn),
2. Không cùng chung với cái xấu ác (như hoa sen không dính nước bùn),
3. Giữ đủ giới luật (như hương sen tỏa khắp, xua tan mùi ô uế),
4. Bản thể thanh tịnh (như hoa sen tinh khiết).
5. Về mặt an vui hòa dịu (như hình ảnh hoa sen nở),
6. Nhu nhuyễn, không thô tháp (như hình ảnh hoa sen),
7. Làm an lòng người (như hình ảnh mùi thơm của hoa sen),
8. Tu hành viên mãn, phước trí tròn đầy (như hoa sen nở rộ bày hương sen, hạt sen),
9. Thành thục, thanh tịnh sáng ngời trí tuệ (như hình ảnh mùi thơm của hoa sen) và
10. Mới sinh ra đã có người tưởng đến hoan hỷ (như hoa sen mới nhú, ai cũng chờ đợi hoa nở).

Kinh Phạm Võng miêu tả thế giới Liên hoa tạng như một đóa sen bao gồm toàn bộ thế giới trong đó có Đức Phật Tỳ-lô-xá-na ngồi kiết già và từ đó hóa hiện ra vô số chư Phật Bồ-tát...
Tông Tịnh Độ quan niệm rằng thế giới Cực lạc là Liên hoa tạng của Đức Phật A-di-đà. Phật giáo Mật tông xếp bộ Hoa sen vào một trong ba bộ Thai tạng giới, tượng trưng cho tâm Bồ-đề thanh tịnh vốn có, không bị ô nhiễm sinh tử của chúng sinh, là tam-muội Đại bi của Đức Như Lai.

Mật tông cũng có các thủ ấn hoa sen với hai bàn tay chắp lại, các ngón tay co duỗi khác nhau tạo thành các án Kim cương ngũ cổ, Nhị trùng ngũ cổ, Cửu phong...

Phật giáo còn phân biệt bốn màu hoa sen với các ý nghĩa như sau:
1. Sen trắng (Phạn: Pundarika - Tạng: Pad ma dkar tro) tượng trưng trí tuệ tuyệt đối;

2. Sen hồng (Padme - Pad me dmar tro) tượng trưng Đức Phật lịch sử và sự tôn quý tối thượng chư Phận Bồ-tát....

3. Sen đỏ (Padma - Pad ma chu skyes) tượng trưng cho âm tính vốn thanh tịnh, từ bi, thường chỉ Đức Quán Thế âm và

4. Sen xanh (Utpata - Ut pa la) tượng trưng cho trí tuệ tối thắng Bát-nhã Ba-la-mật, thường chi Ngài Văn-thù.

Chúng ta nên quán tưởng hoa sen để tưởng nhớ chư Phật Bồ-tát... để nhắc nhở tâm mình vốn tinh khiết như hoa sen, để thấy hoa sen đẹp đẽ thế kia nhưng rồi cùng héo úa, thân ta cũng vậy, đó là lý vô thường.

Ta còn quán tưởng hoa sen để thấy rằng hoa sen cống hiến hương sắc cho đời không ô nhiễm trước mọi sự; từ đó ta phát triển lòng từ, không mong được đáp trả, thanh tịnh an vui vượt khỏi các phiền não như thị phi, đam mê, nóng giận, âu lo...

Có thể nói: Nơi hoa Sen kết hợp đầy đủ ba đức hạnh BI-TRÍ-DŨNG của nhà Phật.
Hoa Sen nở rồi tàn - Gương Sen già khô - Hạt sen rụng xuống - nẩy mầm cho cây Sen mới... Cứ như thế, ta như thấy cả 1 vòng Luân Hồi - nhân quả: thành - trụ - hoại - không, cứ tiếp tục xoay vần mãi hoài đến vô cùng vô tận...do đó thi sĩ Nguyễn Thuỷ Nam đã có câu thơ:

"Cây khô rồi lại trổ hoa,
Đừng buồn trăng khuyết, hãy chờ rằm sau.
Hương bay tự thưở ban đầu,
Cõi TÂM tĩnh lặng, nhiệm mầu CHÂN NHƯ."
(Nguyễn Thuỷ Nam-South Australia.)
 
Thuở xưa nghe nói hoa Sen có nhiều mầu sắc (cổ thư Ai Cập có nhắc nhở đến các loại sen mầu vàng, mầu xanh...).

Theo suy luận của một Thiện Tri Thức: trước đây đã có nhiều người cho rằng: Hoa sen tùy theo màu sắc khác nhau, mỗi màu sen tượng trưng cho 1 hạnh nguyện của Nhà Phật: tinh tấn, từ bi, dõng mãnh, bố thí... được chia ra như sau:
 
*Sen trắng tượng trưng cho hạnh tinh tấn.
*Sen vàng tượng trưng cho trí tuệ.
*Sen đỏ tượng trưng cho hạnh dõng mãnh.
*Sen xanh tượng trưng cho hạnh từ bi.
*Sen hồng tượng trưng cho hạnh bố thí...
Chúng ta ai cũng biết bài ca dao quen thuộc:
Trong đầm gì đẹp bằng Sen,
Lá xanh bông trắng lại chen nhuỵ vàng.
Nhuỵ vàng bông trắng lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn,
 
- Ngoài ra tôi còn nhớ được một đoạn trong một bài thơ dài, xin trích mời quý bạn thưởng thức:
(........... ......... .)
Sen tàn lứa lại trổ hoa
lòng tôi sống lại nhìn ra ý Người
Thoáng qua giây lát để đời
đủ trăm năm đẹp Tình Người với nhau
 
Hoa khai Kinh một mối nhiệm mầu
nở hay không nở đóa sầu cũng tan
Tôi tìm ra Cõi Niết Bàn
Ngay trên mặt đất này toàn Khổ Đau                                         
(Lấy gì để biết trước sau
mây từ đâu đến về đâu hỡi Người)
 
Hoa–Khai–Tâm, đẹp nụ cười
Nhìn ra tôi mới gặp Người trong tôi.
(Vô danh)