Thay Dầu Thắng (kỳ 3) |
Tác Giả: Phạm Ðình | |||
Chúa Nhật, 26 Tháng 7 Năm 2009 14:27 | |||
Dụng cụ nặn khí bằng chân-không, có tên Mityvac Bleeder Kit, có thể mua được với giá $35.00.
Nâng xe lên cao, gỡ bánh để thấy hệ thống thắng bên trong. Về đề tài thay dầu thắng trong xe hơi, lần trước chúng ta đã đề cập tới phương pháp thủ công 2 người, trong phần I-A. Khi nói tới bước số 9, thì người viết bị “cay mắt” nên phải tạm ngưng. Hôm nay, xin nhấn mạnh một vài điểm chính trước khi đề cập tới các phương pháp dụng cụ. Thực ra, bước số 9 đã là bước cuối cùng và cũng là bước quan trọng nhất, đòi hỏi sự ăn ý giữa người phụ tá ở trong phòng máy và người thợ chính ở dưới gầm xe. Sau mỗi lần nhấn bàn đạp, một ít dầu thắng phun ra cùng với bọt khí lợn cợn. Cái bọt khí này chính là đối tượng truy kích trong toàn bộ cuộc hành quân này. Nếu cứ mỗi lần nhấn rồi thả chân trên bàn Brake Pedal (bàn đạp thắng) được coi như một chu kỳ, thì phải cần 5, 6 chu kỳ như vậy chúng ta mới thấy luồng dầu phun ra không còn bọt khí và hoàn toàn tươi mới. Thế nhưng, đã làm tới 5, 6 chu kỳ mà vẫn chưa hết bọt khí thì phải làm tiếp, đến khi nào không còn bọt khí nữa, mới coi như xong được... một bánh. Ðúng vậy, mới xong việc nặn khí trên hệ thống thắng của 1 bánh! Thế còn các bánh xe kia? Thì lập lại tiến trình 9 bước trên đây với từng bánh còn lại. Trừ khi xe của bạn chỉ cần chạy với 1 bánh. Nếu xe 4 bánh thì... để coi, bạn sẽ còn phải làm: 3 bánh nhân với (x) 9, tổng cộng 27 bước nữa. Liệu có còn đủ xí quách không? Hay xí lắt léo mất? Quên nữa, cũng trong bước thứ 9 này, chúng ta còn phải làm thêm một động tác nữa thì mới thực sự yên chí là bọt khí đã ra hết. Sau khi đã đóng chặt Bleeder Valve, người trên xe phải thử nhấp thắng nhiều lần: Nếu thấy bàn thắng đi xuống một cách vững chắc (firm) là được; Còn nếu bàn chân đi xuống vẫn nhẹ bổng, như đạp vào đám bông gòn, thì đó là dấu hiệu vẫn còn... bọt khí. Bước 9 chưa xong, phải tiếp tục nặn khí thêm vài chu kỳ nữa, trước khi có thể xoáy chặt Bleeder Valve, lắp lốp xe, và chuyển đồ nghề tới bánh kế tiếp. Lưu ý: Một vài điều quan trọng cần lưu ý trong tiến trình nặn khí, dù với phương pháp thủ công 2 người đã đề cập ở trên, hoặc với phương pháp sử dụng dụng cụ như sẽ nói sau này. Ðó là: - Cần phải phối hợp nhịp nhàng giữa 2 người - người trên xe và người dưới gầm xe. Phải ước hẹn về cách thông tin với nhau như thế nào để “Không Bao Giờ”ở người trên xe nhả thắng khi mà người dưới đất chưa đóng Bleeder Valve. Bởi vì, nếu để trường hợp đó xảy ra, không khí sẽ tràn vào hộp Master Cylinder, và bao nhiêu công phu nặn khí sẽ trở thành... công cốc. - Tiến trình nặn khí phức tạp, đòi hỏi sự tập trung cao độ và phối hợp nhịp nhàng, khiến chúng ta có thể quên một điều quan trọng: Trong khi nặn khí, dầu thắng liên tục được xả ra ngoài, làm hao ngót số dầu trong Master Cylinder. Vì thế, phải luôn luôn để mắt theo dõi. Bất cứ lúc nào thấy dầu trong bình xuống tới mức Minimum (tối thiểu) thì phải châm thêm vào ngay. “Không bao giờ để cho bình cạn dầu” trong khi đang tập trung nặn khí. - Dầu thắng ăn mòn sơn. Tuyệt đối đề phòng, không để dầu thắng bám vào thành xe do bàn tay dính dầu vô tình quệt phải, hoặc do dầu nhểu ra. Nếu chẳng may bị như vậy, thì “thấm” (chậm) bằng khăn giấy ở ngay trung tâm vệt dầu. Ðừng lau, chùi bằng cách quệt một đường dài, làm vết dầu loang rộng ra, khiến lớp áo sơn càng bị ăn mòn nhiều hơn. Cũng vì cái tính ăn mòn sơn như vậy, chúng ta không nên dùng bất cứ một thứ hóa chất hoặc thứ dung dịch nào để rửa dầu thắng. - Trong tiến trình nặn khí, nên đậy nắp bình chứa dầu. Nếu không, dầu trong bình sẽ văng ra tung tóe. - Phương pháp “thủ công” 2 người xem ra mất nhiều công sức, thời giờ và lỉnh kỉnh. Nhưng lại là một phương pháp hiệu quả nhất. Nhiều chuyên gia về bảo trì thậm chí còn khuyên nên áp dụng “thủ công” 2 người khi các phương pháp khác tỏ ra không đáp ứng yêu cầu. B - Dùng Trọng Lực (Gravity): Ðây cũng là phương pháp thủ công, tức không cần dùng tới dụng cụ hoặc máy móc. Lợi điểm là chỉ cần có 1 người, với sự giúp đỡ của trọng lực (Gravity), tức là sức hút của trái đất làm mọi vật thể từ trên cao rơi xuống. Cũng có thể gọi đó là phương pháp... làm biếng. Là vì, mình chẳng phải làm gì cả. Cứ việc mở Bleeder Valve cho dầu cũ chảy xuống theo sức hút của trọng lực. Gọi Gravity (trọng lực) là vì thế. Dĩ nhiên, còn có một số động tác khác phải thực hiện như: Mở tất cả các valve ở 4 bánh xe cùng lúc; Có thể thúc đẩy sức kéo của trọng lực bằng cách nhấn bàn đạp thắng... Thực tình mà nói, Phạm Ðình không “mặn” lắm với phương pháp này, nên chỉ liệt kê sơ qua cho có trước có sau, xin phép không đi vào chi tiết. II - Nặn khí bằng dụng cụ: Như bài trước có nói, nếu không muốn dơ tay, và nhất là nếu không tìm được một người phụ tá trong phương pháp thủ công 2 người, các bạn có thể tìm mua các dụng cụ thích hợp để thực hiện việc nặn khí trong tiến trình thay dầu tay lái. Ba phương pháp đó tên là: Ứng dụng chân không (Vacuum); Ứng dụng sức ép (Pressure); và Lắp đặt Valve một chiều (one way bleeder valve). A- Ứng dụng chân-không (Xem hình minh họa dụng cụ) Phương pháp chân-không được sử dụng khá phổ thông trong số những người thích tự mình làm lấy, vì sự dễ dàng và đơn giản của nó. Bạn chỉ cần bỏ ra vài chục để mua một dụng cụ có chữ Vacuum Bleeder, với hướng dẫn cụ thể trong đó. Chỉ việc cắm vòi hút vào Bleeder Valve, rồi lẩy cò (trigger) như người bắn súng. Dầu sẽ được hút ra qua valve, chảy vào bình chứa bên ngoài. Với phương pháp này, “ thợ máy tay mơ” có thể làm việc lui cui một mình, không cần phải nhờ “người đẹp chân dài” rà đạp bàn thắng trong xe nữa. Thời giờ ấy để người ta lo việc trong nhà bếp, nếu có thể được thì pha giúp ly cà phê, hoặc ly đá chanh để giải khát sau khi hoàn thành việc lớn là quí rồi. Tuy nhiên, dụng cụ chân-không có thể hút luôn cả không khí vào trong hệ thống xuyên qua các đường ren ở chỗ xoáy valve. Vì thế, cần xoáy chặt chặt vòi bơm vào miệng valve, để bảo đảm không khí bên ngoài không thừa cơ len lỏi vào trong được. Quan sát dầu cũ chảy ra cho đến khi không còn cuốn theo những bọt khí lợn cợn nữa, chúng ta mới có thể ngừng tay “lẩy cò”, hoàn thành công tác trên một bánh xe, và chuẩn bị sang bánh xe kế tiếp. B - Ứng dụng sức nén (pressurized kit) Ðây là phương pháp dùng trong các trung tâm sửa chữa, vốn có đủ dụng cụ ứng dụng sức nén để thay dầu và nặn bọt khí một cách nhanh chóng và dễ dàng. Nhưng nói thế không có nghĩa là “thợ máy tay mơ” không mua được một bộ dụng cụ vừa túi tiền của mình. Với khoảng $50 là bạn có thể kiếm được món đồ cần thiết cho những công tác bảo trì tự tay làm lấy rồi. Phương pháp sức nén được tiến hành như sau: 1 - Ðổ dầu mới vào bình chứa của dụng cụ nén. Hãy gọi bình này là Pressurized Bottle. 2 - Nén dầu đó lên tới một áp suất cao. 3 - Nối bình dầu nén (Pressurized bottle) đó với bình dầu trong xe. Ðể phân biệt, hãy gọi bình dầu trong xe là Master Cylinder (Là vì nó nằm trên master cylinder của hệ thống thắng) 4 - Mở nút Bleeder Valve. Dầu mới từ trong Pressurized Bottle sẽ tự động chảy vào Master Cylinder, ép dầu cũ trong đó chảy theo Bleeder Valve ra ngoài. Dĩ nhiên, trước đó, chúng ta phải gắn sẵn một ống nhựa để dẫn dầu cũ chảy vào trong một chậu chứa trên mặt đất. Ðây là một việc đương nhiên phải làm, nếu không muốn dầu cũ loang vào các bộ phận khác trên xe, rồi đổ ra lênh láng trên mặt đất. Phương pháp này có thể nói là đơn giản và gọn gàng nhất, vì nó bao gồm cả 2 công tác: Thay dầu và nặn bọt khí. Ðúng ra, với phương pháp này, người ta tin rằng, bọt khí không thể len vào được trong lúc thay dầu. Nên không cần phải nặn bọt khí. Với $50 mà có một dụng cụ tiện lợi như thế, bạn có thể bắt tay vào việc ngay được rồi. Nếu lịch bảo trì xe chưa đòi hỏi bạn thay dầu thắng sớm, thì chúng ta sẽ gặp lại trong kỳ sau: Phạm Ðình xin giới thiệu phương pháp Ốc Xả Một Chiều (One Way Bleeder Screw)(còn tiếp)
|