Thay Dầu Thắng trong Xe Hơi (Kỳ II) |
Tác Giả: Phạm Ðình | |||
Chúa Nhật, 26 Tháng 7 Năm 2009 08:53 | |||
Ống tubing trong và bình chứa bằng nhựa trong.
Nhờ người phụ tá đạp chân, đưa bàn thắng xuống 2/3. Một trong những kẻ thù của dầu thắng là ẩm độ và bọt khí. Ẩm độ đưa hơi nước vào dầu, khiến dầu bị sôi lên khi gặp nhiệt, làm suy giảm khả năng của hệ thống thắng. Bọt khí làm dầu bị xốp, không thể tạo đủ lực để ngăn chuyển động của bánh xe. Ðó là 2 nguyên nhân chính dẫn đến trường hợp thắng không “ăn” do dầu thoái hóa gây ra. Vì thế dầu thắng cần phải được thay theo định kỳ trước khi thoái hóa tới mức báo động, đó là lúc chân tài xế đã siết cứng trên bàn thắng, mà chiếc xe vẫn lừng lững đi tới! Dĩ nhiên thắng không ăn còn có thể do nhiều bộ phận khác. Nhưng, như đã hứa trong bài lần trước, hôm nay chúng ta sẽ “nói phải trái” với dầu mà thôi. Khi dầu không còn làm việc hiệu quả nữa thì phải được cho về vườn, và chúng ta thay nó bằng một lượng dầu mới lành mạnh hơn. I - Bao lâu phải thay dầu thắng một lần? Có nhiều ý kiến khác nhau, tùy theo tính tình, thời giờ và ý thức của mỗi người dùng xe. Có người thích thay mỗi năm, vì cho rằng mình sử dụng xe quá nhiều. Ðối lại, nhiều người chẳng thay bao giờ, có lẽ vì không nghĩ rằng có một thứ gọi là dầu thắng, cũng cần được thay mới như các loại dầu nhớt khác trong xe. Dưới nhãn quan phải chăng của một người có ý thức bảo trì, thì chúng ta nên thay dầu thắng trong khoảng 40 ngàn tới 50 ngàn dặm, cùng thời gian thay dầu hộp số. Ai thế nào không biết, chứ đối với nội tướng của Phạm Ðình thì nói vậy là chưa đủ lý do để có thể... xin tiền đi mua mấy lon dầu mới. Thế nào cô ấy cũng vặn lại, “Hơi nước, và bọt khí ở đâu mà tràn vào làm thoái hóa dầu thắng?” Xin trả lời ngay, “Thứ nhất, không gian bên trong máy xe luôn luôn được trao đổi với môi trường bên ngoài, mà không khí bên ngoài thì đầy hơi nước. Các ống dẫn bằng cao su cũng có thể thẩm thấu hơi nước. Thêm vào đó, mỗi lần mở nắp bình dầu để kiểm tra là mỗi lần chúng ta mời khí trời vào thăm... Ðành rằng nó không tống vào ào ạt như vợ nhà hiền triết Socrates tạt nước lên đầu chồng. Nhưng hơi nước thẩm thấu tích lũy lâu ngày cũng có thể làm loãng nồng độ dầu, đưa đến tê liệt bộ thắng! Bà có hiểu không?”. Bạn bè thấy Phạm Ðình kiên nhẫn cắt nghĩa cho vợ như vậy, ai cũng phục cái tính chiều vợ hiếm có của anh chàng thợ máy. Chuyện nhỏ! Không phải vợ mình mà cũng còn chiều được nữa là... II - Cách thay dầu Nếu ẩm độ và hơi nước là thủ phạm chính gây thoái hóa cho dầu trong quá trình sử dụng, thì bọt khí lại là một thứ kẻ thù chúng ta phải cố gắng loại trừ trong tiến trình thay dầu. Cần nhớ kỹ điều đó trước khi ra tay hành sự. Có 4 cách thay dầu tay lái, xin được trình bày từ... khó tới dễ! Cần nói ngay lý do tại sao lại có cái thứ tự ngược đời như vậy, là vì cái cách khó hơn thì rẻ tiền, chỉ chủ yếu mất công và mất giờ; những cách kia thì dễ hơn, nhưng phải bỏ tiền ra mua dụng cụ. Chủ trương phục vụ con nhà nghèo, nên Phạm Ðình xin trình bày phương pháp không cần mua dụng cụ trước. Thế nhưng, nếu thấy nó lỉnh kỉnh không bõ “dơ” tay, thì bạn có thể mua các dụng cụ thích hợp và đi theo những phương pháp khác. A - Phương Pháp Thủ-Công 2 Người: - Hai hộp dầu thắng thích hợp, thường là DOT 3. - Một bình trống, bằng mủ trong, đựng dầu phế thải. - Một ống nhựa trong (tubing) dài khoảng 5 feet, đường kính 3/8”, có thể to hơn hoặc nhỏ hơn tùy kích thước của Bleeder Valve như trình bày dưới đây. - Một bộ chìa khóa vặn ốc, mua được dễ dàng tại Sears. - Một ống hút Turkey Baster (có nói trong bài dầu tay lái). - Một phễu - Và một lon nước rửa thắng (spray brake cleaner) - Một ít giẻ sạch để lau bụi chung quanh bình dầu. Quan trọng nhất, đó là tìm được người phụ tá. Tìm đâu ra? Thì “người đẹp” trong nhà mình chớ ai! Ðến đây các bạn mới hiểu được “nước cờ cao” của anh chàng thợ máy này, phải không? Mình chiều người ta trước, đến lúc cần mới nhờ vả được chứ. Có được người đẹp bằng lòng giúp một tay, cùng với vật dụng sẵn sàng, chúng ta có thể tiến hành theo từng bước sau đây: Bước 1: Tìm vị trí bình chứa dầu thắng, nằm trên đỉnh bộ phận xy lanh chủ (master cylinder). Bình có thể được làm bằng mủ trong, hoặc bằng nhựa đen, nhưng trên nắp luôn luôn đề chữ “Brake Fluid” rõ ràng. Xịt nước rửa quanh bình dầu cho sạch bụi bặm, rồi lấy giẻ lau khô thật kỹ càng. Bước 2: Mở nắp bình dầu, dùng ống hút Turkey Baster, để hút dầu thắng cũ ra, liệng bỏ ở một nơi thích hợp. Bước 3: Ðổ dầu mới vào bình xuyên qua phễu, cho lên tới mức Full. Nhớ lót giẻ chung quanh bình dầu để có thể thấm ngay những giọt dầu bắn ra bên ngoài. Tạm đậy nắp bình dầu lại. Nói “tạm đậy lại” là vì công việc đến đây chưa xong được. Dầu mới vừa đổ vào còn chứa đầy bọt khí. Cần phải nặn những bọt khí này ra khỏi hệ thống (bleed the brake). Công việc ấy phải thực hiện với từng bánh xe: Xe 4 bánh thì phải nặn bọt khí 4 lần. Bước 4: Kích xe lên cao. Rồi dùng con đội giữ xe ở vị trí đó, cho 4 bánh hổng cao lên khỏi mặt đất. Bước 5: Làm việc với bánh xe xa hộp dầu nhất, tạm coi như đó là bánh xe sau, bên phải (rear wheel, passenger side): Tháo lốp xe ra, để có thể nhìn thấy hệ thống thắng gắn bên trong, gồm 2 bộ phận chính: đĩa thắng (disk), và hộp Caliber “ngoạm” trên vành đĩa. Bước 6: Caliber là một cái hộp bên trong chứa xy lanh, piston, và dầu thắng. Bên hông Caliber có một con ốc nhỏ để rút dầu thắng ra, gọi là Bleeder Valve. Ốc này được bảo vệ bằng một cái “mũ” cao su úp trên đầu. Lấy mũ cao su ra, rồi dùng chìa khóa Wrench với kích cỡ thích hợp để xoáy lỏng Bleeder Valve. Nhưng khoan! Chưa xoáy lỏng vội. Chỉ cần ướm chìa khóa vào và để sẵn đó. Bước 7: Lấy ống Tubing (ống nhựa mua ở Home Depot), gắn chặt một đầu vào miệng Bleeder Valve, đầu kia cho chảy vào bình trống để đón dầu cũ thải ra. Thực ra, bình chứa này không thể gọi được là bình trống, bởi vì chúng ta phải đổ sẵn vào đó một ít dầu thắng còn tốt, để mực dầu lên cao khoảng 1inch trong bình, hoặc ít nhất phải đủ cao để có thể nhúng đầu ống Tubing vào đó. Cả ống Tubing và bình đều phải bằng mủ trong để lát nữa có thể dễ dàng quan sát dòng dầu cũ chảy ra. Bước 8: Phải hết sức thận trọng kể từ bước này trở đi. Ra hiệu cho người phụ tá lên xe, và từ từ ấn nhẹ bàn đạp thắng (brake pedal). Qua hình đính kèm, bạn có thể hình dung cặp giò thanh tú của người phụ tá. Bảo đảm chính hiệu “hàng nội”, không phải “ngoại nhập” của người đẹp bên hàng xóm. Quan trọng: Chỉ ấn bàn đạp xuống khoảng 2/3; Không ấn xuống tận sàn xe! Như vậy sẽ làm tổn hại bộ phận xy lanh chủ trong hệ thống thắng. Ðề phòng trường hợp này, tốt nhất chúng ta nên kiếm một miếng gỗ kê dưới bàn đạp thắng, để sải chân người đẹp không nhấn xuống tới sàn xe. Bước 9 (thực hiện “đồng thời” với bước 8): Trong lúc người phụ tá từ từ đạp thắng, thì bạn - là người thợ chính ở dưới gầm xe - đưa tay xoáy nhanh chìa khóa, cho nút Bleeder Valve lỏng bớt, để dầu thắng từ bên trong Caliber, có thể vọt vào ống Tubing rồi chảy xuống bình chứa. Qua lớp mủ trong của ống Tubing và của bình chứa, chúng ta có thể nhìn thấy dòng chất lỏng lỡn cỡn bọt khí chảy ra. Những bọt khí này chảy xuống, hòa tan với lớp dầu có sẵn trong bình thì nằm luôn tại đó, không còn vươn lên, chảy ngược về hệ thống được nữa. Ðó là lý do tại sao chúng ta cần có sẵn một lớp dầu nằm dưới đáy bình... Khi bàn đạp vừa chạm vào miếng gỗ nền, thì người phụ tá phải lên tiếng, để bạn xoáy ngay cái Bleeder Valve trở lại, không cho dầu chảy ra nữa. Hành động của 2 người - trong xe và ngoài xe - phải rất nhịp nhàng ăn ý với nhau: Mở valve cho dầu chảy ra trong lúc nhấn bàn thắng; Ðóng valve khi bàn thắng chạm miếng gỗ nền, rồi thả chân ra; cứ lặp đi lặp lại như vậy 5, 6 lần. Cái này có thể gọi là “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Ðông cũng cạn” không, các bạn? Bể Ðông giờ đây đang có nguy cơ bị lũ tầu phù chiếm đoạt với sự toa rập hèn hạ của những kẻ hiện nắm quyền bính ở trong nước. Nếu thế hệ mai sau không còn biển Ðông nữa, thì chúng ta biết lấy gì mà ví von đây? Nhưng ơ kìa, sao bàn tay mình run rẩy, không lê được trên keyboard, còn màn ảnh máy vi tính thì nhạt nhòe, như có nước mắt ai đó phủ mờ. Bạn ơi, Phạm Ðình không viết được nữa rồi. Xin hẹn bạn kỳ sau, cho tâm hồn mình bình tĩnh lại một chút nhé. (còn tiếp)
|