Thi Quốc Tịch Mỹ… Với Đề Thi Mới! |
Tác Giả: Diên Hồng | |||
Chúa Nhật, 19 Tháng 7 Năm 2009 22:17 | |||
Tác giả tên thật là Linh Trần, sinh năm 1962, từng tốt nghiệp kinh tế và luật tại Việt Nam, hiện là dân Santa Ana.
Nếu như đến được Nước Mỹ là đến được bến bờ của sự Tự Do thì vào được Quốc Tịch Mỹ được coi như là cầm được tấm vé xổ số “luôn chắc trúng thưởng” hứa hẹn nhiều tương lai tốt đẹp. Trở thành công dân Mỹ đồng nghĩa với việc có được nhiều quyền lợi như người bản xứ, chẳng hạn như: quyền bầu cử (the right to vote), quyền làm việc cho chánh phủ (Government job), quyền có thông hành Hoa Kỳ (U.S Passport), quyền bảo lãnh thân nhân sang Mỹ (Sponsor family members to come to US)… Theo qui định hiện hành, kể từ sau ngày 01 tháng 10 năm 2009, ứng viên dự thi quốc tịch Mỹ sẽ được phỏng vấn và test theo khoảng 100 câu hỏi mới. Có nhiều ý kiến khó, dễ khác nhau về việc thi quốc tịch Mỹ kiểu mới.Thường khi luyện thi quốc tịch (sau ngày 01/10/2008), người Việt mình, dù tự học hay đi học ở các trung tâm luyện thi quốc tịch, đều cần phải chú trọng nhiều mặt. - Trước hết, cần học thuộc nội dung của 100 câu hỏi lịch sử. - Tiếp theo, phải nắm thật vững những thông tin về chính cá nhân và gia đình mình. - Kế đó, phải để ý luyện nghe, nói và đọc một chút để có khả năng đáp ứng những yêu cầu của viên chức phỏng vấn Mỹ. Những câu chuyện kể dưới đây hy vọng sẽ bổ túc phần nàò kinh nghiệm thi quốc tịch Mỹ trong giai đoạn mới này. 1. Thí rớt vì câu hỏi ngoài lề Bà xã tôi không có thời gian đến trường lớp luyện thi, chỉ tự học ở nhà. Nhiều buổi đi làm về mệt nhoài, mắt nhắm mắt mở cũng ráng ngồi dựa tường học thuộc từng câu hỏi, học đi học lại nhiều lần . Tối ngủ, tai vẫn đeo headphone nghe đĩa luyện thi quốc tịch rỉ rả đọc thâu đêm suốt sáng, với mong mỏi nhập tâm và nghe được từng câu hỏi câu trả lời thật chính xác. Mấy cha con tôi, thay phiên nhau khảo bài “bả” đủ thứ, đủ kiểu, cả nhà như vào một “ trận đánh lớn” vậy! Rồi tháng 6 -2009, ngày thi cũng đã đến. Ngồi chờ ở phòng đợi phỏng vấn hơn nửa giờ, thì một bà Mỹ mang bầu mặt mày đỏ au, lấm tấm mồ hôi bước ra gọi tên Bà xã tôi vào phỏng vấn. Thời gian phỏng vấn có lẽ không hơn 20 phút. Bà xã tôi đẩy cửa bước ra, dáng uể oải, nói một câu nhỏ mà như động đất “Rớt rồi!”. Cha con tôi sau đó ở nhà, an ủi bả và hỏi lại cớ sự. Bà xã kể là phần reading, writing và history good cả, chỉ có câu hỏi mở đầu là chập choạng trả lời đến hai lần vẫn bị lắc đầu. Bả kể là bà Mỹ phỏng vấn hỏi xoay quanh việc “mày sống ở đâu trong 5 năm qua?” và bả nói bả nghe có tiếng gì như là “country” trong câu hỏi nữa. Tôi nói trong bài học tự luyện ở nhà có câu này mà: Question: Where do you lived during the last five years? Answer: From …/…/…. To …/…/…. I lived at …………………… and from …/…/…. To …/…/…. I lived at …………………… Nhưng bà xã tôi nói trả lời vậy, bà ta lắc đầu không chấp nhận. Bà xã tôi tôi bèn nói với viên chức phỏng vấn: “ Please say again!”. Bà Mỹ vẫn lập lại câu hỏi đã nói, bà xã tôi lúc đó thật sự lúng túng, đúng rồi mà sao sai… rồi lỗ tai nghe như bập bùng vậy. Quýnh quá bả trả lời đại từ năm nào đến năm nào làm việc ở đâu, vì đoán đại chắc bả hỏi chỗ làm trong 5 năm qua. Thế là cũng trật lất ! Nghe bả kể, tôi và mấy đứa con rất ngạc nhiên. Đến hôm tôi kể lại chuyện cho thằng em họ cũng vừa thi đậu quốc tịch Mỹ xong, nó nói nó thi đến lần 2 mới đậu, lần 1 cũng rớt vì câu hỏi giống vậy. Lúc trong phòng thi nó cũng bối rối và bất ngờ vì câu hỏi đơn giản này, sau về nhà tự xem lại nó thấy rằng do trong phòng thi không bình tĩnh nên không nghe và hiểu rõ ý muốn hỏi của viên chức phỏng vấn: Question: What country do you live in the last five year? Answer:The United States (hay trả lời gọn đầy đủ là: I am in The United States ) Thì ra là vậy! Chính sự thiếu điềm tĩnh, hồi hộp hay quá xúc động… đã làm cho ứng viên dự thi quốc tịch Mỹ dễ bị đánh hỏng, do bị đánh giá là không hiểu chính xác câu hỏi anh ngữ. (Thường trường hợp này bị ghi là không đạt về kỹ năng understand). Kinh nhiệm cho thấy là thường những câu hỏi đầu tiên được nhân viên Sở Di Trú nêu ra rất quan trọng vì có tính cách xác định xem ứng viên có đủ khả năng hiểu biết Anh Ngữ tối thiểu đáp ứng cho cuộc phỏng vấn hay không. Nếu ứng viên cho thấy không đủ khả năng để tiếp xúc, cuộc phỏng vấn có thể nhanh chóng chấm dứt và ứng viên sẽ được yêu cầu về luyện thêm lại tiếng Anh và sẽ được sắp xếp lại một buổi hẹn phỏng vấn khác. Trở về trường hợp bà xã tôi, hay cậu em họ … đã không hiểu ra ý hỏi đơn giản của viên chức phỏng vấn “Ông (bà) sống ở nước nào trong 5 năm qua?” để chỉ trả lời rất đơn giản là “Tôi sống ở Nước Mỹ”. Mà cứ máy móc nhận diện chụp lấy mấy từ “during the last five years” nghe không trọn câu mà vội vả trả lời tôi sống ở địa chỉ nào theo từng thời gian như bài học tự luyện ở nhà. Suy cho cùng câu trả lời này không sai vì cũng nói sống ở đâu, nhưng không đúng ý của người hỏi chỉ hỏi sống ở quốc gia nào mà thôi! Điều đó nói lên người ứng viên phỏng vấn, không hiểu chính xác tiếng Anh nên bị đánh rớt. Rút kinh nghiệm từ câu chuyện này, chúng ta thấy ngoài việc học thuộc tốt phần History mà nếu hiểu đầy đủ theo giới chuyên môn gọi đó là phần Civic Test bao hàm 3 phần chính là Chính phủ Hoa Kỳ (American Govern-ment), Công dân hội nhập (Integrated Civics) và Lịch sử Hoa Kỳ (American Histpry); ứng viên cũng nên chú trọng đến phần English Test tức chú trọng đến khả năng dùng từ ngữ , nắm vững những từ vững, mẫu câu, cách đặt câu căn bản, đặt biệt là các câu hỏi liên quan đến Who, What, How Many, Where, Why và When. Chú ý tìm hiểu những loại câu hỏi thường gặp trong các cuộc phỏng vấn, để có thể thông hiều và trả lời trôi chảy khi cần. Đối với người lớn tuổi nếu không rõ, có thể nhờ con cháu soạn giúp và hướng dẫn cách thực hành, hoặc tìm mua những tài liệu hướng dẫn được biên soạn sẵn hiện có bán ở các nhà sách của người Việt mình ở khắp nơi trên nước Mỹ. Việc luyện nghe thường xuyên là cách tốt nhất để tăng khả năng thông hiểu và ứng đáp trôi chảy khi được phỏng vấn, tránh được những lo lắng thái quá trong ngày thi. Kết quả mỹ mãn sẽ đến với những ai có cố gắng đúng mức ! 2. Thi với đề thi mới hình như dễ đậu hơn? Cô em tôi vừa mới thi đậu quốc tịch Mỹ một cách dễ dàng, mặc dù thi với đề thi mới, áp dụng sau ngày 01/10/2008. Hy vọng câu chuyện của cô có thể giúp mọi người đang chuẩn bị thi quốc tịch Mỹ có thêm những kinh nghiệm quý. Về việc học thi, em tôi vốn cũng không giỏi về Anh Ngữ (mới sang Mỹ chưa được 6 năm mà), lại cũng đi làm tối ngày - nói chung thời gian ít ỏi, nhưng em tôi nêu lên một kinh nghiệm tuy không lạ nhưng rất hay và có hiệu quả, đó là phải luyện nghe hàng ngày, nghe bất cứ lúc nào có thể nghe được. Đó cũng là lý do, những tháng ngày chuẩn bị thi quốc tịch, em tôi lúc nào cùng “ kè kè” bên mình cái máy CD Player nhỏ tròn, cùng cái sợi dây đeo headphone như hình với bóng vậy. Em tôi nói, nhờ chịu khó “nghe nhiều” nên khi vào phỏng vấn thi quốc tịch, viên chức Sở Di Trú hỏi tới đâu nó trả lời “ ro ro” tới đó những câu hỏi về lịch sử. Cô ấy cũng tâm sự thêm, sắp đến ngày đi thi trước đó 03 ngày có 02 việc phải làm chu đáo là chuẩn bị đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu (ghi rõ trong giấy hẹn) và bỏ ra một buổi đi dò đường trước (vì tự lái xe đi thi) để chủ động không bị lạc đường mà đến trễ trong ngày thi. Ngày thi nên ăn mặc chỉnh tề, đặc biệt không nên mang theo những vật dụng lạ nhất là bằng kim loại để tránh lúc qua cổng kiểm soát “chuông báo” reng lên rất là phiền. Vào phòng đợi theo hướng dẫn của nhân viên kiểm soát, nộp giấy hẹn ở ô cửa nhỏ của quầy tiếp tân, sau đó chờ khoảng từ 15 đến 30 phút sẽ được gọi tên vào phỏng vấn. Khi gặp nhân viên phỏng vấn, nên chào hỏi họ ngắn gọn với nụ cười thân thiện, nên bình tĩnh và tránh lo lắng thái quá. Người phỏng vấn cô em tôi hôm đó là một người Mỹ gốc Phi, bà ta làm công việc phỏng vấn rất điềm tĩnh. Khi vào phòng phỏng vấn, bà ấy yêu cầu em tôi giơ tay tuyên thệ nói đúng sự thật. Em tôi tuân thủ rất tốt mọi yêu cầu. Rồi bà ấy check phần đọc tiếng Anh với câu phải đọc có nội dung là: “We vote for President in November” và yêu cầu em tôi viết một câu tiếng Anh do bà ấy đọc lên: “The Congress makes federal laws”. Em tôi làm đúng tất cả. Sau đó bà ấy hỏi lần lượt 10 câu lịch sử, em tôi trả lời đúng được 8/10 câu, em tôi biết rõ, vì thấy bà ấy check trên giấy theo từng câu hỏi đúng hay sai. (Hình như qui định hiện này để đậu phần history ứng viên phải trả lời đúng 7/10 câu hỏi). Xong, bà ấy bắt đầu những câu hỏi liên quan đến thông tin trên mẫu đơn Form N-400. Em tôi nói, trước khi đi thi nó đã xem lại rất kỹ nội dung của mẫu đơn này, nên trả lời khá trôi chảy khi được hỏi lại. Em tôi nói, nếu chú ý kỹ, hầu như các câu được hỏi ở phần này, mình chỉ trả lời “No” hết. Chỉ từ câu 34 có nội dung: “Do you support the Constitution and form of government of the United States ( ở trang 9 ) trở về sau là phải trả lời “Yes” , không được “No”. Đến đây, bà ấy mới nở nụ cười và chúc mừng em tôi đã pass. Xong bà ấy in từ máy tính một tờ giấy trên đó ghi rõ tóm tắt : USCIS “A”-Number (số thẻ xanh), name (tên), DOB (ngày tháng năm sinh ), address (địa chỉ), Home phone (số phone nhà) … và yêu cầu em tôi nếu thấy đúng hãy ký tên xác nhận bên dưới. Sau đó bà in tiếp một giấy khác chi tiết hơn đầy tiếng Anh cả hai mặt giấy khổ A-4, gọi là mẫu N-652 Naturalization Interview Results, có ghi rõ ngày tháng phỏng vấn ở đầu tờ giấy ở góc trái, góc phải bà ấy ghi bằng tay số “A”-Number của em tôi. Xong bà ấy chỉ vào tờ giấy chỗ dòng có check dòng chữ tiếng Anh “You passed the test of English and U.S History and Government” . Em tôi còn được lần lượt hướng dẫn sơ những nội dung khác bên dưới và trang sau. Xong, bà trao tờ giấy cho em tôi, và kết thúc bằng câu nói gọn:”Done!” . Thế là xong, em đã đậu kỳ thi quốc tịch Mỹ một cách thuận lợi và như mong đợi (với thời gian phỏng vấn chỉ vọn vẹn khoảng 15 phút), phù hợp với những nổ lực một cách thứ tự của nó khi tự học thi quốc tịch ở nhà. Em tôi có nói thêm lúc đầu, sau khi chào hỏi xã giao, bà ta có hỏi liền hai câu tiếng Anh rất bất ngờ (có lẽ là để check ngay khả năng nghe hiểu của ứng viên): 1/ Why are you going to day? ( Hôm nay tại sao bạn đến đây?). Em tôi rất tự tin trả lời liền: “I am here for the citizenship interview”. Bà ấy lại hỏi tiếp câu 2/ “Do you believe in the Constitution of the US? (Bạn có tin vào Hiến Pháp của Nước Mỹ không?) Em tôi cũng nhanh chóng trả lời chính xác: “Yes, I do”. Đó là hai hỏi câu ngắn gọn “chớp nhoáng” trên đường đi, trước khi bước vào phòng thi chính thức. Theo em tôi nói, khi mình qua được những câu hỏi dạng này, một cách bình tĩnh và tự tin là đã vượt qua được những khó khăn thử thách bước đầu. Mọi chuyện về sau sẽ có nhiều cơ hội thuận tiện và thành công hơn. Vì qui định trang viết của bài dự thi “ Viết về Nước Mỹ” có hạn, chỉ xin cống hiến cùng các bạn 2 câu chuyện về Thi quốc tịch Mỹ với đề thi mới nhất áp dụng sau ngày 01/10/2008. Chúc những ai sắp thi quốc tịch Mỹ sẽ thi đậu một cách dễ dàng trong những kỳ thi của mình…
|