Home Đời Sống Tài Liệu William Edward Boeing (1881-1956)

William Edward Boeing (1881-1956) PDF Print E-mail
Tác Giả: Thế giới mới   
Thứ Hai, 30 Tháng 3 Năm 2009 21:19

 

William Edward Boeing (1881-1956)  người sáng lập hãng máy bay Boeing Airplane Co

William E. Boeing  sinh năm 1881 trong gia đình buôn bán đồ gỗ. Sau khi  học lái máy bay thủy phi cơ  Curtiss năm 1914, ông nghĩ rằng có thể chế ra  một máy bay tốt hơn. Với sự giúp đỡ của  một sĩ quan Hải quân,  kỹ sư George Conrad Westervelt và là người thiết kế cho hãng xe B&W,  Boeing  chế ra thủy phi cơ B&W. Tháng  7 năm 1916, Boeing thành lập hãng  Pacific Aero Product  và sau đó đổi tên thành hãng máy bay Boeing Airplane Co tháng 4 năm 1917.

 Trong thời chiến tranh, hãng  đã sản xuất  những máy bay tác chiến  cho US Air Force và  US Navy  và những máy bay thương mại và cho đến ngày nay...

Như huyền thoại công nghiệp máy tính Bill Gates, William E. Boeing cũng bỏ dở đại học. Bắt đầu sự nghiệp trong khi hoàn toàn không biết gì về cơ khí máy bay, William E. Boeing đã dựng lên một doanh nghiệp mà sau này trở thành nhà sản xuất máy bay đứng đầu thế giới. Sinh năm 1881 trong gia đình một doanh nhân công nghiệp gỗ giàu có, William E. Boeing nghỉ ngang Đại học Yale năm 1903 và theo đuổi con đường kinh doanh như cha. Với công ty gỗ tại bang Washington, Boeing làm ăn thành công. Vài năm sau, khi học lái máy bay tại Los Angeles, Boeing bắt đầu mê hàng không. Từ lần đầu tiên lái máy bay năm 1914, Boeing bị ám ảnh bởi giấc mơ tự mình chế tạo con chim sắt. Tin rằng có thể làm ra chiếc máy bay tốt nhất thời điểm đó, Boeing mời kỹ sư George Conrad Westervelt (người thiết kế cho hãng xe B&W) dựng bản vẽ mô hình thuỷ phi cơ. Từ thành công trên, Boeing quyết định thành lập công ty Pacific Aero Products và sau đó đổi tên thành công ty máy bay Boeing. Năm 1917, khi biết hải quân Mỹ cần máy bay cho Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đặc biệt là thuỷ phi cơ, Boeing gửi máy bay của mình đến Florida để hải quân Mỹ thử nghiệm. Kết quả, đơn đặt hàng đầu tiên với 50 thuỷ phi cơ ra đời.

Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc và quân đội Mỹ giảm nhu cầu máy bay, William E. Boeing phải trở lại nghề mộc (sản xuất nhiều mặt hàng sinh hoạt, giường, tủ, thuyền...). Dù vậy, hàng không vẫn là đam mê lớn nhất của Boeing. Ông tiếp tục đổ dồn công sức và thời gian cho nghiên cứu máy bay, đặc biệt là máy bay dân dụng. Ngày 3/3/1919, ông cùng phi công Eddie Hubbard bay trên chiếc máy bay thương mại đầu tiên (được đặt tên B-1), từ Seattle (Mỹ) đến Vancouver (Canada), thiết lập tuyến bay thư tín quốc tế đầu tiên trên thế giới. Năm 1927, Boeing vượt qua tất cả đối thủ và giành được hợp đồng phát thư giữa San Francisco và Chicago. Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển thư tín tăng nhanh, Boeing sản xuất máy bay vận tải 40-A và thành lập Boeing Air Transport (BAT).

Cuối thập niên 1920, Boeing đã trở thành một trong những công ty đứng đầu Mỹ về sản xuất máy bay. Năm 1934, khi chính phủ Roosevelt thông qua luật chống độc quyền (cấm các hãng vận chuyển thư tín hàng không nằm trong cùng công ty sản xuất máy bay), hoạt động thư tín hàng không của Boeing bị huỷ và Boeing phải chia doanh nghiệp thành nhiều công ty nhỏ. Dù vậy, trước khi qua đời năm 1956, Boeing đã xây dựng được một vương quốc khổng lồ, đưa công ty mình bước vào kỷ nguyên hàng không phản lực, đặc biệt từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, khi Boeing tung ra hàng trăm máy bay ném bom B-17 Flying Fortress và sau đó là B-52 Stratofortress. Đến nay, Boeing vẫn là nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới. Công ty không chỉ chế tạo máy bay dân dụng mà còn sản xuất nhiều sản phẩm kỹ thuật quân sự, từ máy bay chiến đấu F/A-18 Hornet, trực thăng AH-64 Apache đến hỏa tiển Harpoon... Ở lĩnh vực hàng không dân dụng, Boeing tiên phong tung ra dòng máy bay jumbo (khổng lồ) với các thế hệ 727, 737, 747... Ở lĩnh vực không gian, Boeing chính là nơi sản xuất hỏa tiển đẩy Saturn đưa tàu vũ trụ Apollo lên mặt trăng...