Xe không nổ máy: hiện tượng và nguyên nhân |
Tác Giả: Phạm Ðình | |||
Chúa Nhật, 22 Tháng 2 Năm 2009 12:48 | |||
Hôm nay chúng ta sẽ trả lời những câu hỏi đặt ra lần trước. Ðây cũng là những câu hỏi mà thợ chuyên môn có thể hỏi trong tiến trình chẩn bệnh cho cái xe của chúng ta. Có những nguyên do rất sơ sài và căn bản, chúng ta có thể tự giải quyết, lại có những trường hợp phức tạp phải nhờ đến thợ chuyên môn và máy móc trợ giúp. Cũng như ông/bà bác sĩ khám bệnh phải hỏi bệnh nhân rất nhiều câu hỏi, người thợ máy không thể nào có được một cái nhìn chính xác và mau lẹ, nếu chúng ta không cho họ biết những thông tin căn bản, những triệu chứng về căn bệnh của chiếc xe. 1- Xe không nổ máy? Vậy thì bạn có xoay chìa trong công tắc máy được không? Không được ư? Hiện tượng này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân. Hiển nhiên nhất là dùng không đúng chìa khóa. Nhớ lại đi, cái nguyên do tầm phào này đã không ít lần làm bạn điêu đứng rồi, phải không? Một nhà có 2, 3 xe là chuyện thường, thì lấy lầm chìa khóa của nhau chắc chắn không phải là chuyện lạ, hoặc hiếm khi xảy ra. Loay hoay mãi cái xe không nổ, xem lại chìa thì hóa ra “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Nhà có nhiều xe, lại treo chìa khóa cùng một chỗ, tốt nhất là nên có dấu phân biệt rõ ràng qua màu sắc. Cũng có thể dùng đúng chìa, nhưng cái chìa đã quá mòn, hoặc đường khớp trong ổ khóa đã quá mòn, khiến hai bên không còn bắt “dính” với nhau được nữa. Trong trường hợp này, nếu có chìa “sơ cua” thì mang ra dùng thử. Nó có thể là “Lê Lai Cứu Chúa” trong trường hợp này đấy. Một nguyên nhân phổ thông khác nữa là do bánh lái - có người gọi là tay lái, là vô lăng (steering wheel) - bị kẹt. Lý do là vì trước đó, khi đậu xe, chúng ta đã vô tình vặn tay lái để bánh xe xoay hẳn về một bên, rồi cứ vậy điềm nhiên rút chìa khóa đi ra. Một lúc sau, tra chìa khóa vào ổ, thử đủ cách vẫn không thấy chìa khóa nhúc nhích. Ðể gỡ rối, chúng ta cố gắng xoay vô lăng, về phía này rồi phía ngược lại, trong khi tay kia xoay xoay chìa khóa. Rồi tự nhiên bàn tay sẽ lướt đi êm ru, và chìa khóa di chuyển được một cách nhẹ nhàng. Hãy nhớ, dù trong trường hợp nào cũng đừng cố lấy sức mà xoay; Làm như vậy có thể đưa đến gẫy chìa, hoặc các đường khớp trong ổ khóa sớm bị lờn, và trọn bộ công tắc không còn dùng được nữa. 2- Ðèn báo có hình chiếc “chìa khóa” bật sáng lên trên dashboard trước mặt tài xế. Hiện tượng này đã nói đến ở trên: Bạn dùng sai chìa, râu ông nọ cắm cằm bà kia. Hoặc một anh chàng đạo chích đang thử đưa một cây chìa khác vào, cọ quậy trong ổ. Xe đương nhiên không nổ máy. Hoặc giả có nổ máy được một vài giây rồi cũng tắt. Là vì, các xe đời mới có trang bị một máy cảm ứng gọi là “immobilizer” có nhiệm vụ làm tê liệt (immobilize) các hoạt động của xe khi bộ cảm ứng không nhận diện được “code” của chìa khóa. 3- Khi tra chìa khóa vào công tắc và vặn tới chữ “on”, đèn “check engine” (kiểm tra lốc máy) không sáng lên, và máy cũng không nổ. Trong trường hợp bình thường, đèn “check engine” phải sáng lên, báo hiệu hệ thống não điện tử (computer) trong đầu máy đã được nạp điện, rồi tắt ngay khi máy bắt đầu nổ. Tuy nhiên, nếu đèn này không sáng, có nghĩa là hệ thống vi tính trong máy không được nạp điện do dây nối bị đứt, hệ thống “relay” bị trục trặc, hoặc “cầu chì” (fuse) bị cháy... 4- Không nghe tiếng sình sịch vận chuyển (cranking) trong đầu máy. Nếu không nghe tiếng sình sịch, là dấu hiệu vận chuyển trong đầu máy, có nghĩa là bộ phận khởi động (starter - starting motor) không hoạt động. Starter không hoạt động có thể do dây nối bị lỏng, hệ thống “relay” trục trặc, hoặc bình điện (battery) đã chết, không có điện. Trước khi tìm hiểu những nguyên nhân sâu xa hơn, cần xem tình trạng bình điện: bật một bóng đèn nào đó ở trong xe, sau đó tra chìa vào ổ máy, thử “đề” máy xem sao. Nếu đèn mờ đi mỗi lần xoay chìa để đề máy, ấy là bình điện đã yếu. Cần phải giải quyết vấn đề với bình điện: Xem lại các cực điện có sạch không, có nhiều đất cát, hoặc bụi bặm bám cứng đóng tầng không? Thử “câu bình” (Jump Start) với một cái xe khác để giải quyết cấp thời, trước khi mua một cái bình mới khi có giờ thuận tiện. Nhưng nếu đèn vẫn sáng như cũ mỗi lần xoay chìa để “đề” máy, đó là dấu hiệu cho thấy bình điện hoạt động tốt. Trong trường hợp đó, chúng ta cần xem tiếp các bộ phận sau: - Cần gạt số (transmission) hiện ở vị trí nào? Nếu xe dùng số tự động (automatic) thì cần gạt có nằm ở vị trí P (parking) hay không? Nếu không, thì nguyên nhân máy không nổ là vì nó. Chỉ cần gạt cần về vị trí chữ P là sẽ thấy máy nổ ròn rã. Là vì, đây là cơ chế an toàn của nhà sản xuất. Nếu hệ thống hộp số không ở chữ P (xe đang đậu) thì máy dứt khoát không nổ. Bằng không, nếu vô tình để cần gạt số ở bậc chữ “D” (drive), khi nổ máy, xe có thể chồm lên, gây tai nạn hoặc án mạng giữa lúc tài xế xuất kỳ bất ý không kịp điều khiển chiếc xe. - Nếu trở ngại không do battery, không do cần gạt số, thì có thể do bộ phận khởi động (starter), hệ thống dây nối với khởi động, hệ thống Relay, hoặc Ignition switch (công tắc gây nổ). Ðây là những việc ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Nên mang xe tới một trung tâm sửa chữa có uy tín và đủ máy móc chuyên môn để chẩn đoán. 5- Lốc máy vận chuyển quá chậm, thể hiện qua tiếng sình sịch chậm rãi trước khi tắt. Ðây là dấu hiệu điện yếu hoặc không có điện, gây ra do battery, dây nối battery, do Starter, hoặc các bộ phận liên quan tới Starter... 6- Lốc máy xoay chuyển quá nhanh: Hiện tượng này xảy ra khi nhiên liệu chưa đạt đủ độ nén cần thiết trong lòng xi lanh. Ðây cũng là bệnh trong gan ruột - có thể do piston hoặc valves bị bể, hoặc timing belt bị đứt... - cần phải được chẩn đoán bởi thợ chuyên môn có tay nghề cao. 7- Xe có thể không nổ máy nếu trước đó có chạy qua vũng nước hoặc buồng máy được xịt nước. Nước lọt vào trong phòng máy có thể gây hiện tượng đoản mạch (short-circuit) cho hệ thống điện. Trường hợp này có thể chữa được dễ dàng, bằng cách để cho thợ máy sấy khô những bộ phận thấm nước, nếu không còn trục trặc gì khác. Xe được tune up đúng định kỳ không dễ bị nhiễm nước và đoản mạch như vậy. 8- Còn quá ít xăng trong bình cũng có thể là một nguyên nhân khiến xe nổ rồi tắt, hoặc đang đi thì chết máy. Trong nhiều trường hợp, đồng hồ báo xăng không work, hoặc thông tin không chính xác, chủ xe cứ tưởng rằng bình còn xăng, mà thực ra đã cạn kiệt. Những dấu hiệu cảnh báo: Xe chạy có vẻ như khật khừ mất sức, rồi có một tiếng kêu lạ, lớn hơn bình thường phát ra đâu đó nơi bình xăng và tắt máy. Tốt nhất là nên phòng xa, tiếp xăng khi bình còn khoảng 1/3 hoặc ít nhất 1/4, đừng chờ đến lúc kim xăng chỉ quá mức “empty” (bình rỗng) mới đến trạm xăng. 9- Cũng cần tự hỏi câu này: Gần đây có mang xe đến tiệm sửa chữa gì không? Nếu có, gọi đến tiệm xin họ kiểm tra lại. Bởi vì, thợ máy có thể quên nối một đường dây nào đó. Chuyện này theo các nhà chuyên môn thì không phải hiếm xảy ra đâu nhé. 10- Xe khởi động, máy nổ với nhiều tiếng va chạm lớn phát ra từ đầu máy, rồi tắt. Ðây là trường hợp phải cực kỳ cảnh giác. Cấp thời xem lại nhớt: Có đủ không? Nếu là tiếng rin rít như tiếng huýt gió thì có thể là một dây kéo nào đó bị lỏng, và trượt khỏi rãnh ròng rọc, khiến cho bộ phận phát điện (alternator) không còn tiếp điện (charge) cho bình điện được nữa. Còn tiếng gõ leng keng, giống như tiếng kim loại va chạm vào nhau, xảy ra lúc đạp ga để tăng tốc, có thể do việc sử dụng xăng kém phẩm chất. Nên thay bằng loại xăng có độ chống gõ (anti-knock) cao hơn, chẳng hạn nếu đang chạy xăng 87 thì thử thay bằng 89, hoặc đang chạy 89 thì thử thay bằng 91& Hơi xót túi một chút trong lúc khó khăn này, nhưng tốn kém một chút còn hơn tốn kém nặng hơn, nếu tiếng gõ tiếp tục gây tổn hại cho đầu máy. Tạm kết luận: Trên đây là một số hiện tượng tiêu biểu xảy ra khi xe không chịu nổ máy. Phạm Ðình hy vọng rằng chúng có thể giúp đỡ bạn ít nhiều trong lúc... tang gia bối rối. Mong sự góp ý của các bạn để trang báo của chúng ta thêm phần phong phú.
|