Lại chuyện không nổ máy |
Tác Giả: Phạm Ðình | |||
Chúa Nhật, 22 Tháng 2 Năm 2009 12:42 | |||
I.- Một trường hợp cụ thể Phạm Ðình đã có ý muốn ngưng đề tài “xe không nổ máy” thì vừa đúng lúc cái xe của anh chàng bị...! Ông bà mình có câu “cái miệng làm khổ cái thân”, không biết có ứng vào trường hợp này không? Nhưng rõ ràng là sáng nay, cái xe của chàng ta nằm ì ra không nổ nữa. Sao quả tạ chiếu rồi! Không dám làm tài khôn, anh chàng phải lật tài liệu ra xem lại, rồi loay hoay chạy đầu nọ đầu kia như “con gà mắc đẻ” cả buổi sáng, và sau cùng long trọng kết luận, “cái bình! Phải đi mua cái bình mới, vì nguyên nhân chính là do battery yếu”. Bà xã nghe vậy, lên tiếng kỳ kèo “Sao bảo rằng bình điện được bảo hành 2 năm, có trục trặc gì, cứ việc vác thẳng ra tiệm đổi lấy bình mới?” Tiện nội có trí nhớ thật tốt. Ðúng là bình điện mua chưa được 2 năm, nhưng khổ nỗi, cái biên nhận (receipt) mua bình, Phạm Ðình cố công giữ mãi, đến khi hữu sự thì lại thất lạc đâu mất tiêu. Ðúng là “nuôi 2 năm... không dùng được một giờ”. Nhân đây, xin nhắc nhở bạn một điều, bình điện thường được bảo hành từ 5 đến 7 năm, nếu có trục trặc trong 2 năm đầu (hoặc 1 năm đầu, tùy loại) bạn được quyền đổi lấy cái mới, không phải bỏ ra một xu teng nào; Bước sang năm thứ 3, chúng ta phải chịu một phần phí tổn tỷ lệ với thời gian sử dụng. Thí dụ: Nếu bình được bảo hành 7 năm mà bạn đã dùng 3 năm rưỡi, thì phải chịu nửa tiền. Chẳng hạn, giá nguyên thủy của bình là $70 thì bạn chịu mất $35, số tiền còn lại - $35 đô - được trừ vào giá tiền bình mới. Ðau nhất là người mới xài được 2 năm... 1 ngày: Nếu cái bình ngã bệnh sớm một ngày, chủ nhân đã được đổi free; Nhưng nó lại chọn ngày hôm sau mới lăn ra ăn vạ, thế là bạn mất toi $20.00. Ðó là nói trên nguyên tắc, thực tế thì chúng ta thường phải trả trọn vẹn số tiền để mua cái bình mới. Là vì chẳng mấy ai giữ được cái biên nhận ấy bao giờ! Trở về chuyện cái xe không nổ máy, bài trước chúng ta đã cà kê về khá nhiều triệu chứng và nguyên nhân, nhưng tựu trung có thể qui thành 2 trường hợp sau đây: A - Trục máy có vận chuyển (crank, turn over), nổ sình sịch rồi tắt. B - Trục máy không chuyển (no crank, doesn't turn over), không nghe nổ, chỉ nghe thấy mấy tiếng “click” phát ra từ trong ổ công tắc. Hôm nay chỉ xin nói về trường hợp cụ thể của Phạm Ðình. Ðó là trường hợp B: Trục máy không chuyển, dĩ nhiên không có tiếng nổ, chỉ nghe mấy tiếng “click” phát nhanh từ trong lòng công tắc máy. Nguyên nhân chủ yếu là vì thiếu điện. Nhưng thiếu điện do đâu? - Do bình (battery) không cung cấp đủ điện cho bộ phận khởi động (bao gồm Solenoid và Starter Motor - xem hình)? - Hay, do bộ phận khởi động: Solenoid không khuếch đại được đủ điện lượng để đưa vào Starter Motor? Ðể biết bệnh tình chiếc xe là do nguyên nhân nào, chúng ta có thể làm một xét nghiệm như sau: Bước 1: Mở các ngọn đèn trong xe, xem đèn còn sáng không? Nếu không sáng, có nghĩa là bình điện đã chết “đứ đừ”. Chỉ việc thay bình điện. Khỏi cần tìm hiểu gì thêm cho rắc rối. Nếu đèn xe vẫn còn sáng, máy còn hát, nghĩa là bình điện vẫn còn “work”, xin đi bước kế tiếp: Bước 2: Vặn công tắc đến vị trí “start” để khởi động máy, phản ứng của bóng đèn trong xe sẽ rơi vào 1 trong 2 trường hợp sau: Ðèn bắt đầu rung rinh như muốn tắt trong khi máy vẫn không nổ? Hay đèn vẫn còn sáng mà máy không chịu nổ? Phân tích kết quả xét nghiệm: Khi mới chỉ mở đèn, thì điện trong bình còn vừa đủ để thắp sáng. Nhưng khi vặn chìa khóa đến vị trí “start” trong lúc vẫn để đèn sáng, chúng ta đã sử dụng nguồn điện - từ battery - vào 2 công tác: Thắp sáng đèn và khởi động máy. Nếu đèn bỗng rung rinh như muốn tắt hoặc mờ đi, điều đó có nghĩa là cả 2 nơi đều tranh thủ lấy phần điện của mình, nên mỗi nơi chỉ được một ít, không đủ để nổ máy, mà đèn thì mờ đi. Ðó là vì bình yếu. Kết luận: Thay bình! Nhưng nếu khi xoay chìa khóa đến vị trí “start”, máy không nổ mà đèn vẫn sáng như cũ, thì sao? Ðó là dấu hiệu điện lượng không bị tiêu hao trong hệ thống khởi động, nên vẫn dành hết cho thắp sáng. Nói một cách khác, Solenoid trong hệ thống khởi động không nạp được chút điện lượng nào. Kết luận: Trục trặc nơi Solenoid, Relay, hoặc Starter Motor... Nghe mấy danh từ này bắt nhức đầu, phải không bạn? Những thợ máy tay mơ như chúng ta chỉ cần nhớ gọn một chữ “hệ thống khởi động”! Trục trặc nơi những bộ phận này thì phức tạp hơn, và cần đến dụng cụ chuyên môn thẩm định. Ơn Trời, cái nguyên nhân khiến xe Phạm Ðình không nổ máy rốt cuộc cũng không đến nỗi nào: Bình yếu, vì khi mở máy và mở đèn cùng lúc, thì đèn mờ đi, rung rung như muốn tắt. Sao quả tạ rồi ra cũng chỉ là quả tạ bông, chứ chưa phải quả tạ sắt. Chỉ việc kiếm $70 đô mua cái bình mới thay vào là xong. Vấn đề là nói cho bà xã hiểu rằng như vậy vẫn là may, kẻo cô lại “dài miệng” chê Phạm Ðình là... thợ máy tay mơ! II -Công tắc máy (Ignition Switch) Phần trên chúng ta nhiều lần nhắc tới vị trí Start trong công tắc máy. Vị trí này nằm ở đâu? Ngoài ra, còn có những vị trí nào khác trên công tắc máy? Xin mời các bạn theo dõi đôi hàng về cái bộ phận đơn giản và thiết yếu này: Công tắc máy (ignition switch), nằm ngay trước mặt tài xế, vừa tầm tay để tài xế tra chìa khóa, làm động tác đầu tiên để kích hoạt đầu máy. Ðó là công dụng chính yếu của công tắc máy. Nhưng nó cũng là công tắc của nhiều thứ phụ tùng khác trên xe, như đèn, máy hát, truyền hình,... Công tắc máy trước hết là một khe hẹp, nơi tài xế tra chìa khóa để khơi mào tiến trình khởi động chiếc xe. Ðể thực hiện việc ấy, tài xế phải làm sao vần được cái trục chính trong máy, ngõ hầu đưa hệ thống piston di chuyển, chạy lên chạy xuống trong lòng xi lanh. Ngày xưa, khi mà ứng dụng máy nổ còn trong thời kỳ trứng nước, người tài xế phải dùng tay để xoay cái trục cho đến khi máy nổ. Ðó là hình ảnh hiện nay chúng ta vẫn còn thấy nơi những cái máy cắt cỏ: Cong lưng giật dây cho máy nổ! Với sự cải tiến của khoa học kỹ thuật, cô tài xế bây giờ chỉ việc ngồi trong phòng lái, một tay cầm thỏi son tô lại nét môi, tay kia xoay chìa khóa trong ổ công tắc, là đủ để vận chuyển trục máy, kéo theo cả hệ thống xi lanh, piston phức tạp. Công tắc máy thường có 4 vị trí sau đây: Lock (tắt máy), Accessories (mở các bộ phận phụ thuộc như đèn, máy hát, radio), On (máy nổ và chạy), và Start (khởi động máy). Một số xe lại có tới 2 vị trí tắt máy là Off và Lock. Với vị trí Off, chúng ta tắt máy xe, nhưng phải vặn về một bậc nữa tới vị trí Lock mới rút chìa ra được. Khi vặn chìa tới Accessories, thì chúng ta có thể dùng được một số chức năng phụ thuộc, cụ thể nhất là đồng hồ chỉ giờ, và radio. Dĩ nhiên, những vật dụng này vẫn xài số điện tích lũy trong battery. Nhưng bạn yên tâm, cứ việc mở radio, truyền hình, máy hát để giải khuây, vì điện lượng sử dụng thực ra không nhằm nhò gì, chỉ được coi như “dăm ba cái lẻ tẻ”. Những bộ phận phụ thuộc dùng nhiều điện, như gạt nước, cửa sổ tự động... thì vẫn chưa dùng được trong vị trí Accessories, để ngăn cho battery khỏi bị hao kiệt. Khi vặn tới vị trí On, chúng ta mới thực sự mở tất cả mọi chức năng trên xe. Tuy nhiên, máy vẫn chưa nổ. Và chúng ta phải đưa lên một bậc nữa là “start” thì xe mới “đề pa”, tức là dòng điện từ battery mới chuyển vào Solenoid, để từ đó được khuếch đại và chuyển xuống Starter Motor kích hoạt trục máy. Ðể ý một điều là, khi đưa chìa vào vị trí “start” thì bình thường máy sẽ nổ, và ngay lập tức chìa lại được trả về vị trí On do một cơ chế lò xo tự động, và cứ ở vị trí này trong suốt thời gian xe lăn bánh. Như vậy, trong điều kiện hoạt động bình thường, chìa khóa được trả về vị trí ON, và ngưng không tiếp điện vào Starter Motor nữa. Bởi vì, sau khi được kích hoạt, đầu máy sẽ tự vận hành với một vận tốc cao hơn nhiều, độ quay của Starter Motor không thể nào theo kịp. Tìm hiểu về cơ chế hoạt động của công tắc máy, chúng ta có thể rút ra một vài kết luận khác, liên quan tới vấn đề xe không nổ máy, như sau: 1- Nếu vì lý do nào đó, lò xo tự động ở vị trí Start bị liệt và không tự động trả chìa khóa về vị trí ON được, thì Starter Motor sẽ không nổ. Cho tới khi chúng ta dùng tay đưa chìa về vị trí ON. 2- Hoạt động của Starter Motor, tức là hoạt động kích hoạt ban đầu chỉ xảy ra trong tích tắc, và sẽ ngưng ngay khi lốc máy vận hành. Nếu khi vặn chìa tới chữ “Start” mà máy không chịu nổ, thì chúng ta phải thả tay ra ngay, và chỉ nên thử lại một vài lần, rồi ngưng vài phút cho Starter Motor được nghỉ, trước khi thử lại vài lần nữa nếu cần. Tuyệt đối không được ép chìa ở vị trí “Start” quá lâu. Làm như vậy Starter Motor sẽ nóng lên rất nhanh, gây tai hại lâu dài cho bộ phận quan trọng này. Kết Luận Mải mê gõ máy cho các bạn, bà xã... lợi dụng chạy đâu mất tiêu, không kịp đưa tiền đi mua bình mới. Chắc lại phải mang cái thẻ tín dụng ra “cà” mất thôi! Phạm Ðình xin tạm kết luận nơi đây, sự thể nếu không êm sẽ báo cáo tiếp với các bạn kỳ sau.
|