Home Đời Sống Tài Liệu Ý nghĩa câu đối ở đền thờ Hai Bà Trưng

Ý nghĩa câu đối ở đền thờ Hai Bà Trưng PDF Print E-mail
Tác Giả: Phạm Hy Sơn   
Thứ Hai, 19 Tháng 1 Năm 2009 04:47

Câu đối là một loại sinh hoạt văn hóa rất quan trọng và phổ biến trong nền Nho học thời xưa. Bất cứ ở đâu, từ đền miếu tôn nghiêm tới hoàng cung, nhà dân dã đều có treo hoành phi và câu đối để đề cao công đức của các vị anh hùng trong đền thờ hay nói lên sự uy nghi của triều đình, sớ mong cầu phước lộc trong nhà người dân .

Hoành phi là một tấm bảng hình chữ nhật trên thường chỉ ghi 3 hay 4 chữ có ý nghĩa cô đọng và bao quát nhất  để tôn vinh, đề cao công đức hay một điều cầu chúc, mong ước nào đó. Câu đối có 2 vế, 1 xướng và 1 họa.  Vào thời nhà Trần khi cụ Trạng Nguyên Mạc đĩnh Chi đi sứ vừa sang tới đất Tàu thì viên quan trú phòng sở tại ra 1 câu xướng rất ngạo mạn:

Đồng Trụ chí kim đài dĩ lục?

(Cột đồng nay đã mọc rêu xanh chưa?)

Đằng giang tự cổ huyết do hồng!

(Sông Bạch Đằng từ xưa máu đã nhuộm đỏ), cụ Mạc đĩnh Chi đối lại ngay.

Chúng ta nhớ  khi Mã Viện sang xâm lăng nước Nam đã ra lệnh thu hết trống đồng của dân Lạc Việt để đúc một cột trụ đặt ở biên giới (Việt Hoa) ghi mấy chữ "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ giệt: Cột đồng gãy thì dân Giao Chỉ sẽ bị giết  sạch). Viên tướng biên trấn Tàu ra câu xướng với ý nghĩa đó và đã bị cụ Trạng đối lại bằng cách cố ý nhắc lại những chiến thắng lẫy lừng của quân Việt trên sông  Bạch Đằng thời vua Ngô Quyền và thời Nhà Trần.

Hai Bà Trưng khi bị quân Tàu của Mã Viện đuổi gấp từ Cấm Khê (Kim Khê dưới chân núi Ba Vì thuộc tỉnh Sơn Tây) chạy về đến An Hát (tên cũ của Hát Môn) thì túng thế và không muốn rơi vào tay giặc đã mượn dòng sông Hát để bảo toàn danh tiết:

Lô giang nhất tẩy anh hùng hận, 
Hát thủy trường giang phấn đại hương

(Sông Hát là 1 phân nhánh của sông Lô cũng gọi là sông Hồng)
                         
Xin tạm dịch:

Lô giang một giải anh hùng hận,
Sông Hát muôn đời nước ngát thơm
.

Sau khi Hai Bà tuẫn tiết người dân An Hát  vẫn ngàn năm hương khói  tôn thờ. Đền Hai Bà được xây dựng từ bao đời nay trên một khu đất rộng có rừng cây cổ thụ bao quanh che mát, phía hông có gò Ngọc Ấn và Hồ Sen (nay đã bị lấp). Mặt đền quay về hướng Nam đúng với ngôi vị thiên tử, xa xa là núi chùa Thày; phía Tây có núi Tản Viên quanh năm mây phủ; phía Bắc là sông Hát (nay gần bị lấp), bên ngoài là sông Hồng cách xa đền chừng 1 km. Bên kia bờ sông Hồng là dãy núi Tam Đảo đứng sừng sững như bức trường thành. Phía Đông có con sông Đáy nhận nước từ sông Hát và sông Hồng đổ ra biển Đông sau khi chảy qua Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình; cũng ở phía Đông, cách khoảng 20 km, là thành phố Hà Nội. 

Đền  thờ Hai Bà nằm trong một khung cảnh rất uy nghi và tôn nghiêm, từ xa xưa người ta đã qui định những người đi qua khu vực đền dù là người dân hay quan quyền nếu đi  xe hay đi ngựa qua đều phải xuống đi bộ và ngả mũ, nón tại tấm bảng đá ghi hai chữ "Hạ Mã". Cổng đền gồm bốn cột trụ cao vút trên có chạm trổ rất đẹp và khắc câu đối ở thân cột. Đi vào chừng năm mươi mét thì tới cổng Tam Quan gồm ba cửa, cũng có khắc nhiều đôi câu đối và cửa chính chỉ mở khi có đại lễ. Khách tới hành hương ngày thường phải đi bằng cổng nhỏ ở hai bên. Trong đền, gian chính bày bàn thờ Hai Bà, phía trên ngai vàng treo bức Hoành Phi sơn son thiếp vàng có bốn chữ lớn (đại tự) "Lạc Hùng Chính Thống", kế bên là bàn thờ các nữ thướng của hai Bà cũng có bức hoành phi ghi "Nữ Trung Hào Kiệt" .

Nhờ một cụ ông cao tuổi người xã Hát Môn (An Hát ngày xưa), chúng tôi sưu tầm được 26 đôi câu đối, 7 đôi khắc ngoài cổng trụ và cổng Tam Quan, 19 đôi còn lại treo trong đền thờ. Có những đôi câu đối sơn son thiếp vàng rất cổ xưa không biết do khách hành hương kính dâng từ bao giờ. Những đôi khắc ngoài cổng trải qua hàng ngàn năm nay nét chữ có phần nào bị hao mòn với thời gian  nhưng vẫn còn rất rõ.

Tất cả hoành phi và câu đối kể trên đều có mục đích đề cao công đức của hai vị và biểu lộ tinh thần độc lập, tự chủ đối với nước láng giềng lớn mạnh và tham vọng phương bắc.
                    
Hai Bà tuy chỉ đem lại độc lập cho đất nước trong một thời gian ngắn ngủi là ba năm, từ năm 40 đến 43 sau Tây Lịch, nhưng hai vị Vua họ Trưng đã để lại cho dân tộc một công đức lớn, đó là tấm gương kiêu hùng và bất khuất sáng chói suốt hai ngàn năm nay. Ngọn đuốc ấy đã dẫn dắt dân tộc chúng ta thoát khỏi hơn ngàn năm Bắc thuộc,  tiến tới độc lập và mở mang bờ cõi.

Sau đây chúng tôi xin tạm dịch những đôi câu đối kể trên để chúng ta hiểu được tinh thần hào hùng của cha ông từ ngàn xưa để lại. Mong rằng tinh thần ấy sẽ được con cháu là chúng ta mãi mãi noi theo: 

Đồng trụ triết hoàn Giao Lĩnh trĩ,
Cấm Khê doanh hạt Hát Giang tràng.

Xin tạm dịch:

Đồng trụ gãy tan, núi Giao cao chót vót,
Cấm Khê khơi mạch, sông Hát chảy ngộn ngàn
.
                             
Phủ trấn thần uy đồng trụ Bắc,
Phù an quốc thế thạch bàn Nam.
     
Xin tạm dịch:

Thần uy phủ mờ cột đồng phía bắc,
Quốc thế phù trì bàn thạch trời Nam.

Tướng môn đĩnh xuất gia thanh ngoại,
Vương hiệu quang thùy quốc sử trung.

Xin tạm dịch:

Cửa tướng xuất thân danh vang ngoài cõi,
Triều đại huy hoàng quốc sử ngời soi.
                       
Tùng bất kim đao thiên tái tạo,
Vị ưng đồng trụ địa phân cương.

Xin tạm dịch:

Không sợ giáo gươm, trời cho tạo lại (đất nước).
Chẳng ưng đồng trụ, đất vạch biên cương.
                 
Nghĩa khí nhất môn chân tị muội,
Hùng phong thiên cổ xướng anh hào.

Xin tạm dịch:

Chị em một nhà đầy nghĩa khí,
Liệt oanh muôn thuở đáng anh hào.

Nhất môn tiết nghĩa sơn hà tại,
Vạn cổ uy thanh thảo mộc tri.

Xin tạm dịch:

Một nhà tiết nghĩa với sơn hà,
Vạn đại uy danh cây cỏ biết.

Trùng mông đổng đạt nguyệt cung cao,
Cửu bệ tôn nghiêm long điện chiếu.

Xin tạm dịch:

Hai ngôi báu cao vời bóng nguyệt,
Chín bệ rồng rực rỡ triều môn.

Lập đồng trụ cố nam thiên chi cảnh,
Vọng môn hàn bắc Địch chi tâm!

Xin tạm dịch:

Cửa bắc lạnh Địch nhòm vượt ải,                            
Trời Nam lo mê mải cột đồng!

(Địch: 1 bộ tộc hùng mạnh ở phía bắc nước Tàu thời xưa)                               

Mã chừng nhất nhung chinh, tử liễu tham tàn do hổ phách,
Tượng bành tam tiệp chiến, sinh hoàn quắc thước thượng kinh hồn.

Xin tạm dịch:

Ngựa chứng một lần lâm chiến tham tàn chết gặp hồn run vía cọp.
Voi bành ba trận thắng oai hùng tái sinh tướng Mã sợ kinh hồn!

(Người xưa chơi chữ: Ngựa ( tức Mã Viện ) thì luôn luôn sợ cọp.
Voi bành: voi lớn, có lẽ muốn nói đến Đức Trần Hưng Đạo ba lần đại thắng quân nguyên).