Bí mật về cách sống thọ của một số dân ở Á châu |
Tác Giả: Hà Thanh | |||
Thứ Sáu, 09 Tháng 1 Năm 2009 23:41 | |||
Các nhà nghiên cứu hiện nay đang ra sức tìm hiểu về cuộc sống thọ của một số cư dân ở các vùng của lục địa Á châu. Theo các nhà khoa học, có lẽ những yếu tố ảnh hưởng đến tuổi tác của các cư dân này là chế độ ăn uống thanh đạm, thực phẩm mà họ ăn uống. Hơn nữa họ luôn sống thoải mái, không bị sự gò bó của một xã hội công nghiệp hóa, lại ham thích vận động. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu còn cho rằng có lẽ gien di truyền cũng đóng góp một phần trong tuổi thọ của họ. Để hiểu thêm về chuyện sống thọ của một số cư dân ở lục địa Á châu, xin mời quý độc giả theo dõi bài viết dưới đây. Tuổi thọ ở làng Pinghan Huang Maliang, hiện nay 104 tuổi, giữ một cỗ quan tài trong nhà bà, dùng để chôn cất bà khi bà qua đời. Nhưng cho đến giờ cỗ quan tài ấy vẫn nằm đó vì chưa đến lúc sử dụng. Và đứa cháu cố của bà đang chơi đùa trên cỗ quan tài ấy, còn bà Huang lại sử dụng nó như là một nơi nghỉ chân khi bà đi từ đằng sau nhà ra đằng trước nhà. Gia đình của Huang sinh sống trong ngôi làng nhỏ bé ở Pinghan, nằm trong những khu đồi của một vùng hẻo lánh ở miền Tây Nam Trung Quốc. Cư dân trong làng Pinghan thường mua quan tài từ lúc họ lên 61 tuổi. Và đây là một tục lệ truyền thống của dân làng. Hầu như người dân địa phương đều sử dụng những cỗ quan tài của họ trong nhiều thập niên trước khi họ được chôn cất trong đó. Đó là vì người dân ở Pinghan và chung quanh quận Bama, nằm cách Nanning, 250 cây số về hướng Tây Bắc sống rất thọ. Quận Bama là nơi hiện có hơn 237 cư dân sống trên 90 tuổi. Đây là một trong những vùng có cư dân sống thọ trên thế giới. Nhưng kỷ lục sống thọ của quận nhỏ bé xa xôi này sẽ không tìm thấy trong sách ghi kỷ lục của thế giới là Guinness Book of Record, bởi vì ngày sinh của người dân trong quận chỉ được lưu trữ từ năm 1949. Bama không cần phải tuyên bố về chuyện có cư dân sống thọ của họ. Vì ở nhiều nơi khác của lục địa Á châu cũng có các cư dân sống thọ như vậy. Chẳng hạn như Nhật Bản, số người dân sống trung bình là vào khoảng 81. Trong khi ở Hoa Kỳ cuộc sống trung bình của nam giới là 74, còn ở phụ nữ là 77. Okinawa, vùng đất ở miền cực Nam của Nhật Bản, thường khoe khoang là có số dân sống thọ trên 81 năm. Nhật Bản được xem là quốc gia có người sống thọ nhất trên thế giới vì họ có hai cư dân sống trên 100 tuổi: đó là ông Yukichi Chuganji 113 tuổi và bà Camato Hongo, 115 tuổi. Cũng có nhiều vùng đất khác mà cuộc sống trung bình của người dân chỉ vào khoảng 45 năm như ở A Phú Hãn. Tuy vậy ở quốc gia láng giềng là Pakistan, cư dân ở thung lũng Hunza cũng có cuộc sống thọ, nơi mà nhà văn James Hilton khi đến đó để viết cuốn sách “Những Vùng Đất Bị Lãng Quên” nói rằng cư dân ở đó sống đến trăm tuổi. Ở Nam Hàn, nhiều làng mạc ở vùng núi Tây Nam cũng có số dân cư sống trên 90 tuổi Có phải là do gien di truyền? Việc sống thọ như vậy có phải là do nước uống? Tại sao lại có nhiều cộng đồng nằm trong những khu vực hẻo lánh, có nền văn hóa khác nhau, lại có cuộc sống thọ như thế? Những nỗ lực khoa học để khám phá bí quyết sống lâu của các cư dân ấy đều chú trọng vào việc nghiên cứu thói quen ăn uống, tập quán sinh sống và sở thích của họ. Có lẽ có nhiều người đã từng nghe nói đến bí quyết của nhiều cụ già cao niên Á châu là đừng ăn thịt nhiều quá, mà nên ăn rau cải, và tập thể dục. Những bài học khác về sống thọ của họ là đừng để bị khủng hoảng tinh thần. Còn người Nhật Bản có một thành ngữ chỉ ăn đến 8/10 - có nghĩa là ăn vừa đủ, đừng để bao tử bị đói hay ăn no quá. Hay nói khác đi là cần phải có chế độ ăn uống chừng mực. Nhưng chỉ kiêng cử là ăn xà lách, rau cải và cần tây sẽ không làm cho bạn sống thọ. Cũng không có loại thuốc thần tiên nào có thể giúp bạn sống trăm tuổi. Theo các nhà khoa học, việc sống lâu là phải kết hợp toàn bộ quá trình: ăn kiêng, tập thể dục, có cuộc sống cân bằng, không rơi vào trạng thái khủng hoảng thần kinh, có gia đình yêu thương và hòa hợp để sống trong đó. Và phần khác là cha mẹ bạn cũng là người sống thọ. Hide Nakamatsu, 91 tuổi, cho biết: - “Cha mẹ tôi, và ông bà tôi đều sống thọ từ 80 đến 90 tuổi.” Bà Nakamatsu dù đã 91 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, và thường chơi môn bóng vồ, môn thể thao đòi hỏi bà phải chạy từ nơi này sang nơi khác. Cả ba người con, các cháu nội ngoại cùng cháu cố của bà chưa bao giờ mắc những căn bệnh nặng. Nakamatsu cho rằng, có lẽ bà được gien di truyền sống lâu của cha mẹ và của ông bà nên bà và con cháu của bà là người khỏe mạnh. Những lời lý luận của bà Nakamatsu có phần nào đúng với thực tế. Các nhà khoa học hiện nay đang bắt đầu nghiên cứu để tìm xem có phải yếu tố di truyền đóng góp vào việc kéo dài tuổi thọ hay không. Một cuộc nghiên cứu gần đây vừa được công bố cũng cho rằng một nhóm gien di truyền có chức năng kiểm soát tuổi tác của cơ thể. Dù các cuộc nghiên cứu chỉ mới bắt đầu trên thú vật để tìm hiểu yếu tố di truyền có tác động đến quá trình sống lâu hay không, nhưng các nhà khoa học tin rằng cơ thể con người cũng có hệ thống tương tự như thế để kiểm soát tiến trình sống lâu. Yếu tố di truyền tác động đến sự sống thọ không phải là một sự bí mật. Chẳng hạn như nữ giới thường sống lâu hơn nam giới từ 5 năm đến 7 năm. Ở Okinawa, có đến 86% số người sống thọ trên 100 tuổi là nữ giới. Các nhà nghiên cứu cho rằng có thể trong cơ thể phụ nữ có những gien di truyền nào đó tác động đến việc sống lâu của họ. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cho rằng yếu tố di truyền chưa phải là mấu chốt quyết định – nam giới có thể có cơ hội sống thọ nếu như họ tránh uống rượu, hút thuốc. Nhà nghiên cứu Craig Willcox cho rằng: - “Theo cuộc nghiên cứu của chúng tôi, yếu tố di truyền chỉ đóng 1 phần ba vai trò trong khi cách thức sống lại chiếm những phần còn lại. Tất nhiên, nếu một người muốn sống thọ đến 100 tuổi, họ cũng cần có gien di truyền tốt. Nhưng hiện nay việc sống thọ đến 90 tuổi không phải là một điều khó thực hiện nếu chúng ta có một lối sống khỏe mạnh, chừng mực. Có chế độ ăn uống thanh đạm Lối sống tốt này là phải tránh rượu chè, hút thuốc và sử dụng những thứ gây nguy hại đến sức khỏe. Dù những người sống thọ ở thung lũng Hunza cho rằng họ đôi khi cũng uống rượu, nhưng họ thói quen uống ít. Asanori Takemura, thợ làm bánh mì, đã 93 tuổi, ở Okinawa, cho biết: - “Hồi trẻ, tôi thường thích uống loại rượu awamori, loại rượu được làm từ gạo. Giờ tôi vẫn thích uống awamori, nhưng tôi chỉ uống một chung nhỏ vào buổi tối.” Park Bok Dong, hiện nay 101 tuổi, sống ở Sunchang, cho biết bà thường uống loại rượu soju và makgoli được làm lấy của người dân địa phương, và vẫn khỏe mạnh cho đến giờ. Thực sự là những cư dân này có một chế độ ăn uống thanh đạm. Thịt cá và mỡ đóng vai trò thứ yếu trong bữa ăn của họ. Như ở Sunchang, cơm và rau cải luộc là món ăn chính của họ. Bác sĩ Park Sang Chul, nhà nghiên cứu về cuộc sống thọ của cư dân ở Sunchang, nói rằng: - “Cơm trắng và rau cải là món ăn chính của người dân ở đây, khiến cho họ luôn có lượng mỡ thấp trong cơ thể. Và lượng mỡ thấp là một trong những yếu tố sống thọ của con người.” Bác sĩ Khwaja Khan ở địa phương Karimabad, người từng điều trị cho những người cao niên ở thung lũng Hunza, cho biết rằng những cư dân sống trong vùng núi hẻo lánh này cũng có những thức ăn thanh đạm như trái cây, ngũ cốc, bánh làm bằng lúa mì, rau cải tươi. Và nhiều người trong họ đã sống đến 100 tuổi. Sống trong điều kiện nghèo nàn của một làng mạc tách biệt khỏi thế giới công nghiệp hóa và không có những tiệm ăn fast food, khiến những người dân này không phải lo lắng nhiều quá trước cuộc sống không bon chen của họ. Thói quen ăn uống như vậy rõ ràng đóng góp một phần trong việc sống thọ của cư dân tại các vùng đó. Một nhà nghiên cứu về cách sống thọ của cư dân ở Bama nói rằng: - “Cư dân ở đây không chết đói, nhưng trong nhiều năm họ đã không ăn uống quá độ như những cư dân khác.” Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy các cư dân ở Okinawa ăn ít hơn cư dân Nhật Bản khác đến 20%. Tiến sĩ Makoto Suzuki, chủ tịch của cuộc nghiên cứu về người cao niên ở Okinawa, lập luận rằng: - “Việc ăn ít chất thịt và mỡ có lẽ đã làm giảm bớt những tác hại của các phần tử đột biến thường xuất hiện trong cơ thể qua tiến trình phản ứng sinh hóa, mà có thể làm cho các tế bào bị tổn hại, dẫn đến những chứng bệnh như ung thư hay tim mạch.” Có phải là do thực phẩm trong vùng? Hiện giờ các nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm hiểu xem có phải những loại thực phẩm ở riêng từng vùng có số người sống thọ đóng góp vào việc giúp họ tránh bệnh tật và sống thọ hay không? Những người dân ở Bama thường nấu với loại dầu lấy ra từ cây gai dầu và một loại cây trà. Những chất dầu này có rất nhiều vitamin E, vitamin B1 và nhiều chất dinh dưỡng khác mà được tin là giúp cho hệ thống tim mạch trong cơ thể của người dân ở Bama luôn khỏe mạnh. Trong khi cư dân ở Okinawa, thường nấu ăn với loại dầu canola, loại dầu này được biết là tránh mỡ trong máu. Tiến sĩ Suzuki trong ba năm nghiên cứu về cuộc sống của những người cao niên ở Bama, tìm thấy rằng trong cơ thể của cư dân ở Bama có chất protein hấp thụ từ cá, nguồn cung cấp loại mỡ tốt cho con người. Loại mỡ trong cá salmon, tuna hay mackerel luôn cung cấp những chất bảo vệ trái tim trong cơ thể con người chúng ta để tránh các căn bệnh tim mạch. Tỷ lệ thống kê cho thấy chỉ có 1 phần ba dân Nhật là mắc các chứng bệnh tim mạch. Sụ khác nhau trong tỷ lệ tử vong của ung thư ở Okinawa cũng đáng lưu tâm. Hàng năm trong số 100.000 người bị ung thư vú chỉ có 6 người thiệt mang. Tỷ lệ nầy thực sự là thấp nếu so với Hoa kỳ. Tỷ lệ người bị chứng ung thư tuyến tiền liệt cũng thấp hơn 7 lần so với Hoa kỳ. Toán nghiên cứu của tiến sĩ Suzuki cũng tìm thấy sự khác nhau của cư dân Okinawa và những người khác trong việc hấp thụ chất gọi là flavonoid, chất giúp ngăn cản chứng bệnh ung thư xảy ra cho con người vì nó trung hòa các phần tử đột biến trong cơ thể. Tiến sĩ Suzuki nói rằng: - “Những thành phần thức ăn có thể khác nhau trong mỗi gia đình ở Okinawa, nhưng tựu trung, họ thường ăn đậu hủ, đậu nành và một loại thức ăn khác là goya. Tất cả những thức ăn nầy đều có chất flanovoid rất cao, cũng như có những chất dinh dưỡng, vitamin B, vitamin C giúp cơ thể chống lại những phần tử đột biến gây bệnh. - Có một bằng chứng khác chứng tỏ thực phẩm rất quan trọng trong việc sống thọ. Thí dụ, từ khi làm con đường xa lộ Karakoram, khiến thung lũng Hunza bộc lộ ra thế giới bên ngoài. Những người dân ở Hunza trước đây ăn uống thanh đạm, nay có khuynh hướng ăn khoai tây chiên và uốngnhiều đường. Kết quả là nhiều người dân ở Hunza mắc bệnh huyết áp cao, tim mạch và ung thư, những chứng bệnh mà trước kia cư dân ở Hunza chưa hề mắc phải. Ở Okinawa cũng xảy ra chuyệntương tự như ở Hunza. Những người trẻ tuổi ăn nhiều thực phẩm fast food, những cái bánh hamburger thịt heo, lại không tập luyện thể dục nên thế hệ trẻ có khuynh hướng không sống lâu như ông bà hay cha mẹ của họ. Tiến sĩ Suzuki cho biết: - “Tuổi thọ của nam giới ở đảo Okinawa được xem là cao nhất của người Nhật. Nhưng tỷ lệ sống thọ đã bắt đầu giảm thiểu đi trong vòng 10 năm qua, và có lẽ số tiểu thọ của nam giới ở Okinawa sẽ tiếp tục tụt dốc trong thập niên kế tiếp. Có sự thay đổi ấy là vì người trẻ hiện nay chết sớm hơn là những cụ già cao tuổi”. Một bằng chứng khác về sự ảnh hưởng của thực phẩm trong việc sống thọ mà tiến sĩ Suzuki đưa ra, là cộng đồng Okinawa sinh sống ở Nam Mỹ. Một số cư dân ở đảo Okinawa đã di chuyển đến Ba Tây trong thập niên 1930 để làm việc trong những đồn điền cao su. Ở đây, họ chuyển sang ăn thịt nhiều hơn là rau cải hay những thức ăn thanh đạm khác. Và những người nầy sống chỉ khoảng 64 năm, thấp hơn là những cư dân có tuổi thọ trung bình hiện đang sống ở đảo Okinawa đến 17 năm. Những yếu tố khác ảnh hưởng đến việc sống thọ Một cuộc sống ăn kiêng chỉ mới là một trong những bước đầu để sống thọ. Các nhà khoa học cho rằng, một yếu tố quan trọng khác là tâm trí cần phải thảnh thơi, không bị căng thẳng trước cuộc sống hàng ngày. như thế sức mạnh bên trong cơ thể sẽ được bổ sung từ tinh thần, từ những hoạt động của con người. Huang Maliang, 104 tuổi, tự hào là bà vẫn còn khả năng để xỏ sợi chỉ vào một lỗ kim may nhỏ xíu. Cách đây hai năm, bà vẫn còn làm việc trên cánh đồng. Setsuko Miyasato, 90 tuổi, thường mất ba tiếng đồng hồ để săn sóc vườn rau cải và cây trái của bà. Setsuko nói: - “Hồi trẻ, tôi thường mướn những người cày xới đất đai cho tôi. Nhưng từ năm 48 tuổi trở về sau, tôi đã làm công việc ấy một mình, vì đó giống như là một môn thể dục giúp tôi hoạt động”. Làm việc, tập thể dục, hay chơi thể thao là một câu nói mà những người cao niên sống ở đảo Okinawa thường trả lời khi có người hỏi tại sao họ sống thọ như vậy. Asanori Takemura thường dậy sớm từ lúc 5 giờ sáng để nướng bánh cho lò bánh mì mà ông đã dựng lên cách đây 50 năm. Hiện giờ đã 93 tuổi, nhưng Asanori tiếp tục làm những cái bánh đám cưới cho khách hàng của ông. Con trai của Asanori là Isao nói rằng: - “Cha tôi vẫn làm việc ở lò bánh, ông là người biết rõ công việc của mình hơn ai hết. Isao, 58 tuổi mỉm cười khi nói như vậy về cha của ông. Và Isao không tránh khỏi biểu lộ lòng tôn kính người cha của ông và ông vẫn làm những điều mà người cha của ông sai bảo. Đối với những người cao niên ở trong vùng, sự tôn trọng người khác từ cha mẹ lớn tuổi đến những bậc trưởng thượng trong làng là một điều giúp họ xây dựng sức mạnh nội lực của cơ thể. Setsuko còn cho rằng thái độ đối với cuộc sống cũng là một điều giúp họ sống lâu. - “Mỗi buổi sáng khi cha tôi thức dậy, tôi thường cảm thấy sung sướng là tôi vẫn sống và khỏe mạnh. Đừng nên quá lo lắng cho ngày mai. Giữ cho tâm trí thoải mái và vui sống là điều cần thiết”. Không lo lắng, giữ cho cuộc sống vui vẻ là một việc chẳng dễ thực hiện, nhưng đó là một lời khuyên chí tình của những người có nhiều kinh nghiệm khi họ có tuổi thọ cao như vậy.
|