10 lý do bạn không được nhận vào làm việc |
Tác Giả: VienDongDaily.Com | |||
Thứ Tư, 04 Tháng 7 Năm 2012 12:47 | |||
Có phải bạn đang thắc mắc về chuyện những gì đang lóe lên trong tâm trí của người phỏng vấn bạn? Alison Green viết về 10 điều mà người phỏng vấn bạn có thể nghĩ, nhưng có lẽ sẽ không nói ra cho bạn biết, trên trang blog Ask a Manager: 1. Bạn xuất hiện quá sớm. Nhiều người phỏng vấn đang cảm thấy khó chịu, khi những người xin việc đến chỗ phỏng vấn sớm hơn giờ hẹn 5 hoặc 10 phút, vì có thể họ cảm thấy bị bắt buộc phải ngưng những gì họ đang làm và đi ra ngoài để tiếp người tới xin việc. Một số người cảm thấy như mình có lỗi khi để cho một người nào đó phải ngồi chờ lâu như vậy, trong khu vực tiếp khách của họ. Vì vậy, bạn hãy nhắm làm sao để bước vào phòng phỏng vấn chỉ sớm hơn tối đa là 5 phút mà thôi, chứ đừng sớm hơn thế. 2. Chúng tôi đang đánh giá cách thức bạn chải chuốt ăn mặc. Trong hầu hết các ngành nghề, một hình ảnh chuyên nghiệp vẫn là điều quan trọng. Bạn không cần phải mặc quần áo đắt tiền, nhưng xuất hiện trong một bộ quần áo lè phè hoặc trang phục không phù hợp, có đầu tóc bờm xờm không chịu chải, hoặc trang điểm tuy hào nhoáng như lại không thích hợp, đều có thể gây tổn hại cho cơ hội tìm việc của bạn. 3. Chúng tôi không muốn bạn tìm cách tự quảng cáo với chúng tôi. Một ứng viên sẽ làm cho người ta mất cả cảm tình, khi dường như quá tập trung vào chuyện làm sao được nhận vào làm việc ngay, hơn là tìm hiểu xem công việc mình xin có phù hợp hay không. Không có nhà tuyển dụng nào muốn nghĩ rằng người xin việc đang đem chính mình ra mà tự chào hàng một cách vồ vập; chúng tôi muốn có được đúng người đúng việc một cách tốt nhất, chứ không phải là trò chào hàng sấn sổ. 4. Những điều nhỏ nhặt đều quan trọng. Người tới xin việc thường hành động như thể chỉ có những cuộc tiếp xúc liên lạc “chính thức”, chẳng hạn như các cuộc phỏng vấn và những mẫu văn viết chính thức, mới là quan trọng. Thế nhưng viên chức phụ trách tuyển dụng thì lại xem xét quan sát mọi thứ, bao gồm cả những chuyện như bạn đáp ứng lanh lẹ như thế nào với những điều yêu cầu phải có những mẫu bản văn viết ra và những giấy tờ giới thiệu về bạn, hay là để ý tới chuyện bức điện thư trong đó bạn xác nhận giờ hẹn phỏng vấn đã được viết một cách cẩu thả, và cách thức bạn đối xử như thế nào với nhân viên tiếp tân. 5.Nói về một người chủ cũ Chúng tôi có thể làm như thể là chúng tôi chẳng quan tâm tới chuyện bạn nói về một người chủ cũ, nhưng thực ra chúng tôi quan tâm tới chuyện ấy. Hơn nữa, chúng tôi đang tự hỏi về phía bên kia của câu chuyện bạn kể – thắc mắc không biết bạn là người khó hòa hợp, là người phá đám lắm chuyện hay không, hoặc là một con người không thể nào làm vừa lòng được. 6. Bạn có thể nói quá nhiều. Những câu mà bạn trả lời cho các câu hỏi phỏng vấn nên có tính cách trực tiếp và đúng với vấn đề. Việc nói lan man và nói những chuyện không cần thiết đều làm cho người ta nghi ngờ về khả năng của bạn trong việc tổ chức những điều bạn suy nghĩ và trong việc chuyển tải một cách nhanh chóng những tin tức cần thiết. Nếu bạn bị cám dỗ nói lâu hơn hai phút, thì thay vì vậy, bạn hãy hỏi: “Điều tôi nói có đem lại cho quý vị những gì quý vị đang tìm kiếm hay không, hoặc quý vị có muốn tôi đi sâu hơn vào điều này hay không?”. Nếu người phỏng vấn muốn nghe thêm những điều gì khác nữa, thì chính người ấy sẽ nói ra như vậy. 7. Phù hợp là điều thực sự quan trọng, vì vậy chúng tôi nghĩ nhiều về nhân cách cá tính của bạn. Bạn có thể có mọi điều kiện phải hội đủ mà một người tuyển dụng đang tìm kiếm, nhưng bạn vẫn không được mướn vào làm, bởi vì phong cách làm việc của bạn sẽ xung đột với những người mà bạn sẽ làm việc chung. Hãy nhớ rằng, vấn đề không phải chỉ là bạn có hay không có những năng khiếu để làm công việc, nhưng vấn đề cũng là liệu bạn có thích hợp với chỗ làm cụ thể ấy không, có hợp hợp với người chủ cụ thể này không, trong nền văn hóa cá biệt này, cũng như trong công ty cụ thể này. 8. Chúng tôi muốn bạn nói chuyện về tiền lương trước đã, vì chính cái lý do mà bạn lo sợ. Những cuộc nói chuyện về lương bổng quả thậy là gay go căng thẳng cho những người tìm việc, bởi vì họ biết rằng họ có nguy cơ cố ý đánh giá thấp bản thân, bằng cách trước tiên là đưa ra một con số. Và đó chính là lý do tại sao người phỏng vấn thúc đẩy các ứng viên đưa ra trước tiên một con số về mức lương. Trong một thế giới lý tưởng, những người tuyển dụng lao động sẽ chỉ cho phép những người xin việc biết khung lương mà họ có ý định trả, nhưng trong thực tế thì rất nhiều người tận dụng lợi thế của sự chênh lệch quyền lực, bằng cách làm cho các ứng viên nói chuyện về tiền bạc trước đã. 9. Chúng tôi sẽ hỏi những người khác họ nghĩ gì về bạn. Chúng tôi sẽ yêu cầu bất cứ người nào đã tiếp xúc với bạn cho biết ấn tượng của họ – từ nhân viên tiếp tân cho đến người mà bạn gặp trong hai phút ở hành lang. 10. Chúng tôi thích nhận thư ngắn tỏ ý cám ơn của bạn, nhưng thích như vậy chẳng phải là vì lý do mà bạn nghĩ. Thư thiếp cám ơn gởi tới sau cuộc phỏng vấn không chỉ là về chuyện bày tỏ lòng biết ơn người phỏng vấn đã bỏ thì giờ ra; những lá thư cám ơn khéo viết đều vun bồi thêm từ buổi trò chuyện, và nhắc lại một lần nữa thái độ hăng say nhiệt tình của bạn đối với công việc mà bạn xin vào làm.
|