Ðôi điều nên biết về việc cắm hoa |
Tác Giả: Hoàng Sa/Người Việt | |||
Thứ Tư, 31 Tháng 8 Năm 2011 11:25 | |||
Cắm hoa là một công việc thông thường với tất cả mọi người chứ không chỉ riêng cho phụ nữ. Chúng ta từng thấy có những trường hợp hoa được phô bày tràn lan và luộm thuộm đến mức gần trở thành rác rưởi. Một bình hoa cao ngất ngưởng có thể làm vướng chỗ ở bàn tiệc và chắc bạn đã từng thấy nó được đặt xuống gầm bàn nếu không có người dọn đi trước giờ ăn. Cắm một vài cành hoa cắt trong vườn hay một bó hoa mua về đều có vấn đề. Chọn chiếc bình cao hay thấp, làm thế nào cho những cành hoa đứng thẳng hay ngả theo ý muốn. Bằng cách gì tránh cho hoa mau tàn, hoặc tệ hơn nữa là chỉ mới cắm được một giờ hoa đã héo rũ,... Tất cả những kỹ thuật tối thiểu này đều phải học hỏi, có người hướng dẫn, cần tập và thực hành nhiều lần để có kinh nghiệm. Các lớp dạy cắm hoa chuyên nghiệp, hoặc là ở trường hay các hội đoàn mở ra, là nơi chỉ dẫn đầy đủ những điều ấy và mọi dụng cụ, phương tiện cần dùng đều sẵn có bán ở các tiệm. Tuy nhiên, còn một vấn đề khó khăn hơn là sự trưng bày những bình hoa một cách thích ứng và có nghệ thuật. Ðiều này tùy thuộc vào khiếu thẩm mỹ của từng người, nhưng nếu có học hỏi thì vẫn hơn vì sẽ tránh được những sai sót đáng tiếc. Một vòng hoa cho đám cưới và một vòng hoa cho tang lễ có thể không khác nhau bao nhiêu nhưng trình bày cách gì để người ta không thể nhầm lẫn. Tất cả mọi dân tộc đều đã lưu ý đến việc cắm hoa từ lâu đời trong lịch sử, hầu hết khởi thủy từ tín ngưỡng. Ai Cập nói đến việc cắm hoa từ hàng ngàn năm trước nhưng chỉ chú trọng dùng đến hoa sen là loài hoa tiêu biểu của bậc vương giả. Dân Trung Hoa cũng có hướng dẫn về cách cắm hoa trong những lễ nghi tôn giáo hay của tiều đình. Người Việt Nam trước kia chỉ chú trọng tới việc dùng những loại hoa gì chứ không lưu ý đến việc cắm hoa thế nào. Chẳng hạn hoa sen là tượng trưng cao quý của Phật giáo, nhưng hoa lài hay hoa đại (bông sứ) không bao giờ để trên bàn thờ Ngày nay ở tất cả mọi nơi trên thế giới, hoa dược dùng cho nhiều mục đích khác nhau nhưng phổ biến nhất là vào mục đích trang hoàng. Cho nên một bình hoa, hay một lẵng hoa cần trình bày cho có hình dáng cân đối và nếu có thể, càng nhiều loại hoa, nhiều màu sắc càng tốt miễn sao cho hài hòa. Những tiệm hoa đều có người biết phương pháp ấy, nếu mua mang về thì chỉ cần sau đó phải biết cách đặt ở chỗ nào cho thích đáng. Một trong những cách cắm hoa tiêu biểu gọi là “English Garden” xếp đặt hoa và cành lá tỏa ra xung quanh một trục chính. Những hình thức biến thể sau này coi sự cân xứng là một khuôn mẫu không có tính nghệ thuật và do đó khuyến khích sự phát triển sáng tạo bằng mọi cách sao cho đạt tới mục tiêu thẩm mỹ. Cách cắm hoa của Tây phương khác hẳn với cách cắm hoa của Nhật Bản vì triết lý căn cản của trường phái Ikebana chủ trương cắm hoa là một nghệ thuật trong đó con người hòa hợp với thiên nhiên. Theo phương pháp này, hoa không hẳn đã là đối tượng chính mà cành, lá, và ngay cả bình, bát, chậu, cũng được chú trọng, đóng góp cho dáng vẻ, đường nét, hình thái và ý nghĩa hàm súc của toàn bộ. Tại Việt Nam nghệ thuật cắm hoa chỉ mới du nhập tới vào khoảng trên dưới nửa thế kỷ và được phổ biến rộng rãi nhất là lối cắm hoa Nhật Bản. Những lớp dạy cắm hoa do các hội đoàn tổ chức thường mới chỉ hướng dẫn về cắm hoa Nhật Bản, chứ không diễn đạt được đủ cái triết lý nguyên thủy của trường phái Ikebana. Cho nên những người học cắm hoa có thể biết khuôn phép để trình bày với những hình thức biến thể như Morinaba - cắm hoa vào bình hẹp và cao - hay Nageire - cắm hoa trong bình rộng và thấp - nhưng chưa thể hiện được. nghệ thuật và ý nghĩa đầy đủ của tác phẩm mà họ tạo ra.. Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản chú trọng trình bày tâm tư cá nhân và đòi hỏi sự yên tĩnh trong lúc thực hiện. Tác phẩm tạo thành cũng chứa đựng tính chất ấy cho nên nếu dùng vào một dịp vui như hội họp, tiệc tùng thì rõ ràng là không đúng chỗ và hết sức lạc lõng. Trong trường hợp này hoa cắm theo lối Tây phương mới là thích hợp. Cũng nên lưu ý đến ý nghĩa của mỗi loài hoa và màu sắc của nó. Không có quan niệm thống nhất về điều này cho nên khi ứng dụng phải tùy theo hoàn cảnh. Người Việt Nam không dùng hoa cúc vạn thọ hay hoa huệ trắng cho những dịp vui. Hoa trắng cũng có thể là không thích hợp với người Á Châu trong một số trường hợp, nhưng hoa hồng trắng lại là một biểu tượng rất quý trọng đối với Tây phương. Tóm lại hai điểm đáng để ghi nhớ: một là nên học để biết những phương pháp cắm hoa và hai là nên tìm hiểu để nhận ra tính chất nghệ thuật của việc dùng hoa trong mọi trường hợp và tình huống.
|