"Việt Nam, Việt Nam, tên gọi là người, Việt Nam hai tiếng nói trên vành môi Việt Nam nước tôi..."
Chương 8: Tâm tư và cuộc sống quả phụ
|
"Việt Nam, Việt Nam, tên gọi là người, Việt Nam hai tiếng nói trên vành môi Việt Nam nước tôi..." Việt Nam hai tiếng gọi linh thiêng, Việt Nam quê hương của người Việt. Mỗi lần hát lại bài hát này lòng tôi không khỏi gợn lên những hùng khí từ lâu im tiếng. Nhiều người yêu quê hương này vì còn mẹ còn cha, còn nhà còn cửa; người khác yêu quê hương chỉ vì thương nhớ những kỷ niệm đẹp: lũy tre xanh, bờ ruộng, trường xưa lớp cũ, một cuộc tình tình lãng mạn... Riêng tôi, tôi yêu đất nước này như yêu người tình, người mẹ, người cha. Tôi yêu đất nước này vì được sinh ra và lớn lên trong tinh thần bất khuất, tôi đã chia sẻ với nó nỗi đau, niềm vui của một thời son trẻ, và sẽ còn tiếp tục chia sẻ để nhìn thấy nó vươn lên. Nhưng quê hương ngày nay chỉ toàn bất hạnh, tôi vẫn yêu nồng nàn vì có nhiều người đã hy sinh bảo vệ, trong đó có chồng tôi.
Là góa phụ ở lứa tuổi thanh xuân trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến, tôi còn quá trẻ, mới 24 tuổi, để phải chống chọi với những gian lao cuộc đời. Tôi đã phải giữ mình trước biết bao cám dỗ để trân trọng mối tình với người chồng mà tôi hằng yêu quí. Cưới nhau vừa được tám tháng anh đã đi vào lòng đất lạnh, để lại tôi một mình chơ vơ trên cõi đời với tấm hình treo trên vách.
Phạm Văn Tân, tên anh, 25 tuổi, thiếu úy Sư Đoàn 18 bộ binh, người tình và là người chồng của tôi, tử trận ngày 28-4-1975 tại cửa ngõ Sài Gòn. Những ngày cuối cùng của cuộc chiến thật là kinh hoàng. Vào lúc sáng sớm, một đồng đội của anh Tân chạy đến nhà tôi trong khu gia binh thị xã Xuân Lộc báo tin anh vừa tử trận, rồi xin một bộ đồ dân sự để tìm đường về Sài Gòn. Trời đất bỗng nhiên quay cuồng chóng mặt. Tôi gượng đứng cạnh cửa bếp thở khó khăn, mẹ chồng tôi mặt mũi trắng bệch nhìn người đó ra đi tim như ngừng đập. Nói sao được nỗi bàng hoàng lúc đó. Anh Tân, chồng tôi đã chết. Theo lời người lính thuật lại, xác anh còn nằm ở đâu đó trong rừng cao su, gần ngã ba Dầu Giây. Phải đi tìm gấp nếu không người ta sẽ lấp xác anh vào một hố chôn tập thể, lúc đó thì quá muộn. Sau vài phút định thần, tôi lấy lại bình tĩnh. Không còn sợ gì nữa, đời người chỉ một lần chết, tôi cùng mẹ chồng bàn nhau ra đường đón xe đi tìm xác anh Tân mang về chôn.
Hai mẹ con vừa khóc vừa đón được một chiếc xe Lam đi đến nơi vừa xảy ra chiến trận. Tiếng đạn bom vẫn còn nổ vang rền ở phía xa xa. Vào lúc giữa trưa, hai chúng tôi mới tìm đúng địa điểm mà người lính mô tả. Nơi đây mùi thuốc súng còn nặng, nhà cửa tan hoang, cây cỏ dập nát, quân trang, quân dụng, ba lô, đạn dược và lương khô rơi vãi đầy mặt đất. Vài khẩu pháo 105 ly mất bánh xe nằm ngã nghiêng; xác mấy chiến xa M113 và M40 thuộc Lữ Đoàn 5, một đơn vị thiết giáp đóng cạnh khu gia binh, bị thủng đạn cháy đen ngòm, mùi khét của thịt xương và ma duốt còn bốc ra nồng nặc; vài chiếc GMC đầy vết đạn lật chỏng gọng hai bên đường để trơ những bánh xe dính đầy bùn. Xác các binh sĩ chết trận đen đủi nằm rải rác dọc đường, hình thù biến dạng, có người chỉ còn một khúc mình, người khác thân hình bị gãy làm đôi trông thật khủng khiếp. Một vài khúc tay, khúc chân tím đen cùng những chiếc giầy nằm giữa đám cỏ vô tri. Ruồi nhặng từ đâu bay đến bu đen các xác chết. Khu vực này âm u đến rợn người. Hai mẹ con vừa bịt mũi vừa giở những mảnh vải dơ bẩn phủ trên mặt người chết. Không biết ai đó còn đủ thì giờ để làm việc nhân đạo này trước khi bỏ đi, dầu sao chúng tôi cũng thầm cảm ơn những người đó.
Sau khi giở khoảng bốn năm mảnh vải trên mặt người chết, chúng tôi nhận diện được xác anh Tân. Trời đất bỗng như tối lại, tôi muốn ngất xỉu, mẹ chồng cũng thế. Anh nằm ngữa mặt chết trên một miệng hố cá nhân, ngực bị dập nát, áo trận dính đầy máu bầm. Có lẽ ai đó đã lôi xác anh lên khỏi hố cá nhân vì hai tay anh buôn xuôi theo thân hình, hai chân còn lòng thòng trên miệng hố. Khẩu súng ngắn mà anh thường mang bên người không còn, chỉ còn lại bao da đeo ở lưng quần. Cây M16 hằng ngày anh mang bên mình cũng bị ai lấy mất, có lẽ anh đã bắn trả dữ dội lắm trước khi chết nên vỏ đạn rải đầy dưới hố.
Không khí chung quanh vắng lặng như không có chuyện gì xảy ra. Tiếng ve sầu ồn ào mọi khi cũng im bặt. Lúc này hai mẹ con chúng tôi không còn nước mắt để khóc, và cũng không phải là lúc để khóc. Phải bình tĩnh, tôi tự nhủ lòng. Tôi phụ mẹ chồng khiêng xác anh Tân ra khỏi miệng hố và lau khô các vết máu trên mặt và trên da thịt anh. Máu đã khô nên chùi rất khó, cũng may bi đông nước của anh còn nằm bên cạnh nên tôi nhúng khăn cho ước để mẹ chồng chùi cho dễ. Tay bà run run, hai dòng nước mắt lặng lẽ chảy dài xuống má. Tôi mò tìm trong túi áo anh những giấy tờ hay vật dụng cá nhân nhưng không còn gì hết. Các túi áo của anh đã bị ai đó xé rách. Tôi chỉ thấy tấm thẻ bài còn đeo ở cổ nên vội vàng tháo nó ra cất vào túi, rồi xé lớp áo trận rách nát trước ngực dính đầy máu khô. Lòng ngực của anh bốc lên mùi hôi khó chịu, để lộ cả tim phổi trổ màu tím bầm khiến tôi muốn nôn mửa, phải nín thở và không dám nhìn vào mới xé bỏ được mảnh áo bỏ qua một bên. Tôi vội cởi chiếc áo len mỏng mang trên người để bọc ngực anh. Lau chùi xong, mẹ chồng tôi ngồi chồm hổm xuống đất, thẩn thờ sửa lại đôi chân anh Tân cho ngay ngắn trên mặt đất.
Hai mẹ con trao đổi với nhau vài lời vô nghĩa, tôi không còn nhớ rõ là gì. Sau cùng hai chúng tôi phân chia công việc: bà ra đường lộ đón xe, tôi ngồi lại giữ xác. Lúc này tôi mới khám phá chiếc đồng hồ Seiko tôi tặng anh sau ngày cưới đ^ã bị ai lột mất, để lộ một khoảng da trắng tái quanh cổ tay trái đã trổ màu xám. Tôi vừa đuổi ruồi vừa im lặng ngồi khóc bên cạnh xác anh. Độ nửa giờ sau, mẹ chồng đi đến trên chiếc xe Lam đậu ngoài bìa rừng. Anh tài xế phụ hai mẹ con tôi khiêng xác anh Tân bỏ trên xe. Anh tài xế này là phúc đức, anh lặng lẽ đến từng xác chết cắm vài cây nhang, vái mấy cái rồi mới chịu ra đi. Anh nói người ta lúc còn sống có làm điều gì ác đức thì chết cũng phải được tôn trọng, huống gì đây những chiến sĩ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ xứ sở. Anh còn nói sẽ vận động một số anh em khác đến chở những xác này ra nghĩa địa chôn và liên lạc với gia đình người quá cố nếu tìm được một địa chỉ nào đó trên người. Thế là chồng tôi chết không ai hay biết. Chế độ miền Nam đang bị đe dọa nên không ai có đủ thì giờ để quan tâm đến người quá cố, ai cũng lo cho bản thân mình. Nhiều chiến sĩ khác chắc cũng chết vô thừa nhận ở đâu đó như chồng tôi trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến này, nhưng các anh đó không có cái may được thân nhân đến tìm xác mang về nhà chôn như chồng tôi. Các anh đã hy sinh cho cái gì? Thật tội nghiệp cho những người hy sinh vào giờ thứ 25. Cuộc chiến diễn ra nhanh quá nên những ai ngã xuống đều bị bỏ rơi. Quân địch cũng không có thì giờ chôn xác các anh, đồng đội các anh thì đang tìm đường trốn thoát nên xác các anh vẫn còn nằm đây.
Trên đường về nhà, tôi thấy nhiều thanh niên mặt mũi sạm nắng, tóc hớt cao, mặc thường phục đón xe dọc đường, có lẽ đó là những người lính Việt Nam Cộng Hòa trong giờ thứ 25. Nét mặt của ai cũng lộ vẻ sợ hãi. Xe Lam chúng tôi chở xác chết nên không ai đeo lên, những xe khác người ta bám đầy. Quốc lộ 1 lúc này thật là chật hẹp và hỗn loạn. Người đi bộ và xe dân sự chen lấn nhau trên đường. Thêm vào đó là những đoàn xe tăng và những chiếc xe quân sự ngụy trang dưới đám lá rừng của quân cộng sản đậu dọc hai bên đường, bộ đội miền Bắc mặt mũi non choẹt đứng ngồi chật cả đường lộ, chỉa súng vào đám người đi bộ hai bên đường, gương mặt cũng lộ đầy nét lo âu. Tôi không còn tâm trí để quan sát đoàn quân xâm lăng này, chỉ mong sao sớm về nhà. Người ta cũng chẳng ai thèm quan tâm đến chiếc xe Lam chở xác chết nên chúng tôi được yên ổn chạy tiếp. Đến chiều xác anh Tân được đưa về nhà. Thật là buồn nhưng lòng cũng nhẹ nhỏm, anh Tân đã vĩnh viễn về với gia đình. Vài người hàng xóm tò mò đến xem, hỏi han sự tình và chia buồn.
Lệ hoen mi, nước mắt tủi nhục Người nuối tiếc thưởng thức năm canh
Chôn cất anh xong, tôi cùng mẹ chồng sống những ngày đen tối. Vài nhà hàng xóm vui mừng đón chồng, đón con là lính vừa rã ngũ trở về bình an. Thật là đau đớn. Phải làm gì đây những ngày sắp tới, hai người đàn bà chân yếu tay mềm? Là điều may và cũng là nỗi buồn, hai chúng tôi vừa mới cưới nhau nên chưa có con, nếu không chúng sẽ lâm vào cảnh mồ côi. Mẹ chồng tôi có hai người con, người con gái lớn lấy chồng, cũng là lính đóng ở Vĩnh Long, hai tháng nay không có tin tức gì. Bà ở với chúng tôi với hy vọng sớm có cháu nội để bồng bế, nay thì hy vọng của bà tiêu tan trong đau khổ. Đầu tháng 5, bộ đội cộng sản vào khu gia binh xua đuổi tất cả mọi người ra khỏi nơi cư ngụ. Tôi dẫn mẹ chồng về xóm đạo Phát Diệm, Hố Nai, quận Trảng Bom (nay là huyện Thống Nhất), tỉnh Đồng Nai, ở với cha mẹ tôi.
Tôi là con gái thứ ba trong một gia đình công giáo di cư, hai anh trai của tôi đều là quân nhân đã có gia đình và đóng quân ở xa. Cha tôi là sĩ quan cảnh sát, cấp bậc thiếu tá ngành tuần lưu xa lộ Biên Hòa. Gặp lại gia đình thật là sung sướng, tôi cảm thấy được che chỡ và được an ủi.
Mẹ chồng tôi trước kia cũng ở Hố Nai, xóm Bùi Chu phía trên, nên về lại đây không mấy lạc lỏng. Thỉnh thoảng bà lên xóm trên thăm hỏi bà con và lại trên đó vài ngày. Ở với tôi độ ba tháng, bà tỏ ý muốn về Vĩnh Long ở với người con gái lớn và là chị dâu của tôi tên Thanh Kỳ. Chị Thanh Kỳ có chồng là lính hải quân, thuộc Giang Đoàn 27 xung phong, có hai con còn nhỏ. Tôi bùi ngùi chia tay bà vì phải ở lại giúp đỡ gia đình.
Cha tôi như mọi người khác phải đi học tập cải tạo, lúc đầu ở Bình Long, sau đó bị chuyển ra Bắc. Việc thăm nuôi càng lúc càng khó khăn vì đường sá xa xôi và khả năng tài chánh gia đình ngày cang eo hẹp. Tôi còn sáu đứa em còn nhỏ phải nuôi ăn học. Hai anh trai của tôi, một là huấn luyện viên trường Lam Sơn, một là sĩ quan võ bị Đà Lạt, cũng đi học tập cải tạo. Cũng may là hai anh đã có gia đình nên việc thăm nuôi có gia đình bên vợ lo nên gia đình tôi cũng bớt gánh nặng. Mẹ tội, một phụ nữ gương mẫu, chỉ biết đảm đang việc nhà, phục vụ chồng con và đi nhà thờ đọc kinh cầu nguyện, ngoài ra không biết gì khác, sinh kế gia đình vì vậy từ nay do tôi đảm nhiệm.
Nơi làng công giáo này, cuộc sống rất là khó khăn. Nhờ nằm trên quốc lộ 1, trục lộ giao thông chính về Sài Gòn, bà con nơi đây kiếm sống bằng cách bán đồ ăn thức uống cho hành khách trên xe đò ở các trạm kiểm soát. Tôi cùng mẹ ra chợ ngồi bán quần áo và vật dụng cũ, các em tôi đứa nào đi học sáng thì bán mía lau và trà đá ở các trạm kiểm soát buổi trưa, đứa đi học chiều thì bán thuốc lá và xăng lẻ buổi tối ở dọc đường. Nhờ cả nhà buôn bán nên cũng tạm đủ ăn. Nhưng vì quá đông người bán, lợi tức ngày càng giảm, việc ăn uống phải hạn chế lại. Nhiều lúc cực quá, tôi gắt gỏng với các em vì chúng đòi sắm áo quần và sách vở mới. Kể cũng tội nghiệp, bạn bè chúng thuộc những gia đình khá giả ăn mặc tươm tất, còn chúng thì mặc những quần áo cũ, có nhiều dấu vá vì một năm chỉ được một bộ quần áo mới.
Nỗi cực thể xác và vật chất còn chịu đựng được, nhưng sự dằn vặt tinh thần thì không chịu nổi. Mỗi ngày loa phóng thanh ở các chợ và đường phố cứ hô hào dân chúng thi đua lao động, chửi bới ngụy quân ngụy quyền, đề cao chủ nghĩa xã hội (chẳng ai thèm để ý). Thêm vào đó là những buổi họp ở các tổ dân phố, toàn là người quen không mà cứ phải lôi nhau ra phê bình kiểm thảo. Tự nhiên tôi đâm ra lo sợ mọi người, sợ những người quen hôm qua trở mặt đấu tố gia đình tôi hôm nay.
Có lúc tôi so sánh cuộc sống trước kia và cuộc sống hiện tại, đúng là hai thái cực, một bên là Thiên Đàng, một bên là Địa Ngục. Tôi chợt nhớ lại tuổi ấu thơ ngày xưa khi còn là một cô gái nhỏ, chúng tôi thường hay chia phe chơi trò Thiên Đàng - Địa Ngục. "Thiên Đàng Địa Ngục hai bên, ai khôn thì dại, ai dại thì khôn, đêm nằm nhớ Chúa, nhớ Cha, đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn, linh hồn phải giữ linh hồn đến khi gần chết được lên Thiên Đàng". Bài hát này không biết ai đặt ra, chắc chắn phải do một người có ưu tư nhiều về việc giữ đạo nên đã sáng tác để trẻ nhỏ vừa vui chơi vừa giữ đạo, trước mặt Chúa không có kẻ khôn và người dại.
Phong trào đi vùng kinh tế mới được phát động trong các tổ dân phố, loa phóng thanh ngoài chợ hô hào mạnh mẽ. Những gia đình thuộc diện "ngụy quân ngụy quyền" như chúng tôi được "ưu tiên" giải quyết. Một vài nhà đã tình nguyện "đăng ký", chúng tôi cứ chần chừ ở lì, cuối cùng không ai thèm nhắc tới. Gần một năm sau, những gia đình đi vùng kinh tế mới ở Sông Bé trở về lại vì không chịu đựng nổi cảnh núi rừng hiu quạnh. Có gia đình về không đông đủ như lúc ra đi vì đã để lại vài thân xác trong rừng sâu, những gia đình khác thì đông người hơn vì sinh thêm con, tất cả đều ốm yếy, bệnh hoạn, nước da vàng vọt, người đầy ghẻ chóc. Họ không còn nhà cửa nên cất tạm những căn nhà lá trên những mảnh đất hoang cạnh bìa rừng để ở. Con cái thất học là điều dĩ nhiên nhưng được yên tâm vì dầu sao cũng còn được ánh sáng văn minh chiếu tới, mỗi khi bệnh đau còn có nơi mua thuốc chữa trị và việc sinh kế thì cứ ra chợ hay dọc quốc lộ 1 buôn bán. Ngoài ra họ còn canh tác thêm rau đậu ăn thêm, phần còn dư mang ra chợ bán. Cuộc sống nói chung rất khổ nhưng ai nấy đều chấp nhận để tồn tại.
Năm 1979, chiến cuộc tại vùng biên giới Tây Nam đến hồi sôi động. Chính quyền địa phương hô hào thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự. Bốn em trai tôi đã lớn, đứa lớn nhất 19 tuổi, đứa thứ nhì 17. Chúng thuộc diện gia đình "ngụy quân ngụy quyền" nên không được "kết nạp" vào bộ đội, tôi rất mừng. Nhưng nỗi mừng không kéo dài lâu, công an khu vực đến nhà nói Bình và Khánh (hai em trai lớn của tôi) đã tới tuổi trưởng thành phải thi hành nghĩa vụ "lao động quốc tế", tức đi "lao động tại chiến trường Kampuchia". Tôi không muốn các em tôi hy sinh cho cuộc chiến mới này nên tình nguyện đăng ký đi vùng kinh tế mới. Thanh niên thuộc các gia đình "ngụy quân và ngụy quyền" và các gia đình nghèo phải gia nhập lực lượng thanh niên xung phong, "nghĩa vụ" của họ tại Kampuchia là phá rừng, dựng nhà, làm đường và gỡ mìn bẫy do bọn Khmer đỏ gài thay cho bộ đội.
Trở lại việc đi "xây dựng vùng kinh tế mới", cả gia đình tôi đi hết chỉ để đứa em gái lớn, Xuân Tiên (18 tuổi), ở lại giữ nhà. Nhờ người hàng xóm giới thiệu, mẹ tôi mua lại một miếng đất nhỏ ở vùng kinh tế mới Tân Uyên đã khai hoang sẵn để lập nghiệp. Nơi đây không xa Hố Nai cho lắm nên có thể lui về thường xuyên. Tôi muốn chắc ăn nên giữ hai em lên chốn rừng sâu lánh nạn, mục đích là để chúng không chết thay cho những người đang hành hạ gia đình tôi. Năm 1981, nhiều thanh niên trong xóm bị đưa sang Kampuchia trở về, đứa thì thương tật, đứa thì què cụt. Nhiều đứa bị mất tích, có đứa trốn sang Thái Lan tị nạn. Những thanh niên khác bị giữ lại tiếp tục làm nghĩa vụ "lao động quốc tế". Lao động cái gì? Họ bị đưa sang chiến trường Kampuchia để làm bia đỡ đạn; rất nhiều người đã chết.
Vùng kinh tế mới trong rừng Tân Uyên không phải là nơi dễ sống. Đất đai chưa khai hoang hoàn toàn nên cỏ cây còn mọc um tùm. Nơi đây có nhiều đồng bào Thượng cư ngụ, chỉ một vài gia đình người Thượng khá giả ở lại giữ đất và làm trung gian trao đổi hàng hóa giữa Kinh và Thượng, số còn lại rút về chốn rừng sâu hơn để canh tác, tránh tiếp xúc với người Việt. Quen sống với những tiện nghi ở chốn thành thị, chúng tôi phải cố gắng lắm mới chống chọi với sương gió, khí độc của rừng sâu. Mỗi lần các em trai tôi vào rừng kiếm củi trở về, mẹ tôi phải ngồi hằng giờ kẹp gắp những mũi gai nhọn đâm vào các ngón chân, chúng can đảm không khóc nhưng nước mắt chảy ra ràn rụa. Những ngày mưa gió thật là buồn thảm, nước mưa dột ướt cả nền nhà bằng đất nện, các thau chậu không đủ để hứng, sự đi lại trong nhà trở nên khó khăn và dơ bẩn. Bữa cơm gia đình thật là thiếu thốn, cả nhà phải ăn độn bo bo với khoai lang, lát sắn khô, bắp mọi, rau đắng và muối ớt để dằn bụng. Chất dinh dưỡng duy nhất là cá khô và mắm tôm, họa hoằn lắm các em tôi bẫy được con chim, con nhím hay câu vài con cá nhỏ tăng cường bữa ăn, lâu lâu mới được ăn miếng thịt heo và cá biển. Đường tán là xa xỉ phẩm, lâu lâu mới có dịp nếm một lần. Giếng nước gần nhà khô cạn vào mùa khô, các em trai phải đi gánh nước ở bờ suối cách nhà hơn trăm mét. Nước phải đun kỹ trước khi uống vì sợ mắc các chứng bệnh đường ruột và sốt rét. Đỡ một cái là củi rừng không thiếu nên mẹ tôi sản xuất măng khô hong khói để mỗi tuần tôi mang về Hố Nai bán lại. Măng tre vào mùa mưa mọc rất nhiều nên các em tôi tha hồ cắt về cho mẹ. Cuộc sống cũng tạm ổn định mặc dù còn rất thiếu thốn. Chúng tôi an phận với đời sống ẩn dật này chờ ngày cha tôi trở về.
Với thời gian gia đình tôi thích nghi dần với cuộc sống mới và chia sẻ buồn vui với những người hàng xóm, phần lớn là những gia đình thương binh, tất cả đều dầm mưa dãi nắng phụ giúp gia đình làm việc. Có anh chỉ cụt một tay, có anh mất một khúc chân nhưng ngày ngày chống nạn gieo trồng, chăm sóc thực vật giúp đỡ gia đình. Có anh bị mất cùả hai chân, xe lăn không có, đi lại khó khăn, chỉ biết ngồi ôm tủi nhục nhìn người thân lao động. Con cái họ, những thanh niên thiếu nữ "thành phố" ngày đêm phải cầm xẻng cuốc đất, cầm dao phát cỏ, chặt cây đốn củi, vết chai đá để lại nhiều dấu ấn trên người.
Càng bị bạc đãi bao nhiêu, tinh thần đồng cam cộng khổ phát triển bấy nhiêu. Mọi người vui vẻ chia sẻ với nhau những miếng ăn vật lạ. Nơi đây sự cùng khổ liên kết chúng tôi với nhau. Các em tôi có thêm bạn mới, ngày tháng cũng bớt phần cô liêu. Trường học không có, thầy dạy cũng không, tối đến các em nhỏ đến nhà một anh phế binh, hình như là sĩ quan công binh thì phải, học chữ dưới ánh đèn dầu. Nhà anh chập hẹp, bàn ghế thiếu thốn nên các em nhỏ ngồi dưới đất tập viết, tập làm toán. Tuy vậy không khí rất là đầm ấm, tiếng trẻ thơ tập đọc vang dội cả một góc rừng.
Mẹ tôi cũng quen dần với nếp sống mới, bà có nhiều bà bạn cùng lứa tuổi theo con đi vùng kinh tế mới đến nhà chơi. Bà rất được các bà bạn kính nễ vì có chồng là sĩ quan trung cấp đang đi học tập. Nhiều bà hay tin mẹ tôi sắp đi thăm nuôi chồng đã mang đến muối vừng, khô nai, khô heo rừng thân tặng. Món quà tuy nhỏ nhưng tấm lòng thật lớn. Gia đình tôi cũng vậy, mỗi lần có bà mẹ nào đi thăm con học tập cải tạo cũng mang đến tặng măng khô hong khói và một vài thứ bánh mức khác. Mẹ tôi hay làm bánh khúc nhân chuối để biếu. Riêng về gia đình tôi, mỗi lần chuẩn bị đi thăm nuôi người cha ở tận miền Bắc, cả nhà đều lo âu. Thăm nuôi ít quá thì sợ ông buồn và uổng công lặn lội đường xa, thăm nuôi nhiều quá thì cả nhà thiếu thốn, thật là nan giải. Đó là chưa kể những thứ lặt vặt khác như bảo các em viết thư, lập danh sách mua đồ, mua vé tàu hỏa, cân và đóng gói.... Mỗi lần như thế tôi phải ở nhà chăm sóc các em, mẹ tôi về Hố Nai mua sắm hàng hóa, đóng gói gọn gàng rồi đón tàu ra miền Bắc.
Em gái thứ tư, XuânTrang, bây giờ đã 16 tuổi được về Hố Nai ở với chị là Xuân Tiên nên nó rất mừng. Được thấy lại cảnh phố phường không gì vui hơn. Cả hai chị em bây giờ đều xinh đẹp, nhiều thanh niên trong xóm thường xuyên đến nhà ngấp nghé. Ghét nhất là những cán bộ xã và đám công an trẻ, cùng là người địa phương với nhau mà bây giờ lại trở mặt, người ta gọi chúng là "thành phần 30". Chúng hay lợi dụng cơ hội mời gọi hai em gái tôi lên đồn hạch sách, dò hỏi tin tức của hai em trai và cha tôi. Mục đích là để chọc ghẹo hơn là tra hỏi, chúng lợi dụng bộ áo công quyền để dọa dân. Chúng tôi rất ghét nhưng đành cam chịu. Những lần mẹ tôi ra Bắc, tôi phải về Hố Nai chờ đợi và cũng nhân dịp giúp hai em gái dọn dẹp nhà cửa, mua sắm thêm đồ đạc cho cả hai nhà.
Từ lâu rồi không còn dịp chăm sóc dung nhan, nhìn lại mình trong gương tôi thấy xấu hổ. Còn đâu là một thiếu nữ từng là hoa khôi của trường Nữ Vương xóm Phát Diệm ngày nào, còn đâu là thiếu phụ duyên dáng trong khu gia binh Xuân Lộc. Gương mặt sạm nắng đen ngòm, hai gò má lồi lõm in đầy vết nhăn khiến tôi già đi, những ngón tay khô cứng đầy vết chai, thân hình gầy còm và giọng nói khô khan. Dạo này tôi la nhiều hơn nói, các em tôi đều phải ngạc nhiên nhưng không dám cãi lại.
Tội nghiệp thân tôi, chồng mất sớm, cha đi học tập, một thân một mình phải cáng đáng cả gánh nặng gia đình. Chúng tôi sống trong cảnh túng quẩn, khổ cực như mọi gia đình khác nhưng ít ra họ còn có người chồng, người cha làm điểm tựa, đằng này chỉ có mình tôi. Mẹ tôi ngày càng già yếu, trí nhớ có phần kém đi, việc gì cũng phải đợi tôi quyết định. Bà luôn sống trong lo âu và sợ hãi, nhất là mỗi khi hàng xóm thuật lại những biện pháp mới đe dọa cuộc sống. Từ lâu rồi bà cũng không còn chăm sóc dung nhan, bà thường mặc những bộ quần áo cũ, chắp vá nhiều nơi đôi khi khiến tôi phải lên tiếng phản đối. Chiếc xe đạp cũ kỹ có lẽ là phương tiện duy nhất của gia đình, các em tôi thay phiên nhau đạp từ vùng kinh tế mới về nhà và ngược lại. Chiếc xe ọp ẹp phải chở nào là củi rừng, măng khô về lại nhà cũ và chở hàng hóa từ nhà cũ về vùng kinh tế mới. Mỗi lần xe bị đứt sên hay bị xì lốp là rất tốn tiền.
Mỗi lần mẹ tôi trở về từ miền Bắc, tôi đưa cả gia đình về Hố Nai chờ đón. Thường phải mất một tuần cả đi và về, nhanh nhất là năm ngày. Ngày hội tụ thật là hạnh phúc, cả nhà được dịp ăn cơm trắng có thịt cá và rau muống xào. Mẹ tôi trông già hẳn đi, nét mặt mệt mỏi nhưng khi về lại nhà nhìn đàn con đông đủ mặt bà cũng tươi lại. Trong bữa cơm bà kể lại đoạn đường đã đi và trại cải tạo nơi cha tôi bị giam giữ. Lúc này ông đã được đưa về trại Ba Sao ở Hà Nam Ninh nên việc thăm nuôi có phần dễ dàng. Có lần ông được đưa vào nhà giam Hỏa Lò, Hà Nội, để "tra khảo", sau đó bị đưa lên Thái Nguyên rồi trở về Hà Nam Ninh. Tóc ông bạc phơ, thân hình gầy ốm, bệnh thấp khớp hành hạ thường xuyên, có điều tinh thần ông rất vững. Ngày trở về không xa vì đã có nhiều người cùng cấp bậc với ông trong quân đội được thả về. Ngành cảnh sát phải ở lâu hơn những người khác vì bị liệt vào hạng "nợ máu", dù là cảnh sát tuần lưu.
Từ khi cha tôi được về trại Ba Sao, mẹ tôi thường về thăm quê cũ, huyện Phát Diệm nơi bà đã sinh ra. Bà con gần không còn bao nhiêu vì phần lớn đã lên tàu vào Nam năm 1954 nên chỉ còn lại bà con xa. Cảnh vật tại đây không khác gì trước năm 1954, có điều tan tác và nghèo khó hơn. Dân chúng vẫn lam lũ như ngày nào, các nhà thờ đều hoen ố, nhà cửa mục nát. Gia đình nào cũng than van đời sống khó khăn và bị nhà nước ngược đãi. Một vài cha cố, tuổi đã già, cũng phải đi làm ruộng như bao người khác. Lễ lạc chỉ được tổ chức một lần mỗi sáng chủ nhật, việc học giáo lý bị cấm, các hội đoàn công giáo không được hoạt động. Tuy vậy dân chúng vẫn sinh hoạt chui với nhau, cán bộ nhà nước có biết nhưng cũng làm ngơ miễn các sinh hoạt này không mang tính chính trị. Nhiều gia đình đã vào Nam tìm người quen rồi định cư luôn, mặc dù vậy dân cư vẫn đông đúc vì số người được sinh ra nhanh hơn số người đã chết hoặc đã ra đi.
Tôi nghe một cách hững hờ về vùng quê mẹ, đầu óc lúc này chỉ nghĩ đến những khó khăn trong cuộc sống, ngược lại mẹ tôi thì ứa nước mắt mỗi khi nhắc lại quê cũ. Thật vậy, bà yêu quê hương vì yêu kỷ niệm thời ấu thơ. Cũng như tôi yêu xóm đạo Hố Nai này vì thương nhớ kỷ niệm ấu thơ, cho dù hiện nay tôi có bị khổ sở hay hành hạ, tình yêu tôi dành cho nó vẫn dạt dào như lần đầu tiên được rước mình thánh Chúa. Tình yêu quê hương giống như tình mẹ yêu con, dù con mình có hung hăn hay tàn tật tình thương của mẹ không hề thay đổi, mẹ chỉ buồn khi đứa con bạc tình bạc nghĩa và bất hiếu.
Cho đến năm 1982, cuộc sống của gia đình tôi tiếp diễn như vừa kể. Nhưng lần này tôi quyết định bán miếng đất trên Tân Uyên dẫn cả gia đình về lại Hố Nai và sang một vuông bán vải ngoài chợ làm kế sinh nhai. Cuộc sống trong rừng núi chỉ là tạm thời để hai em trai tôi lánh nạn. Bây giờ mọi việc đã yên, cán bộ nhà nước và công an khu vực chịu ăn hối lộ nên việc gì cũng dễ dàng, cứ đút lót tiền là xong. Chúng tôi chạy tiền để có lại hộ khẩu. Lần này các em tôi đều đã khôn lớn nên tôi cũng nhẹ gánh gia đình. Xuân Tiên sắp sửa lập gia đình với một thanh niên cùng xóm, Xuân Trang đang có bồ. Bình bây giờ to con hẳn, đẹp trai, tướng tá phương phi như cha, bắt đầu vắng nhà nhiều hơn, có khi tối khuya mới về. Còn Khánh thì ghi tên đi học lại, nó vừa đi làm vừa học thêm ở Sài Gòn nên thỉnh thoảng mới về nhà thăm mẹ và gia đình. Các em sau này đều đã lớn, đứa em trai nhỏ nhất cũng đã 15 tuổi, biết phụ giúp chúng tôi làm việc nhà.
Lúc này tôi cũng già đi nhiều, mới 31 tuổi mà nhiều người tưởng đã 40. Kể cũng buồn nhưng không sao, gia đình tôi vẫn còn đầy đủ, không ai bị thương tật hay mắc bệnh hiểm nghèo là tôi mừng rồi. Mẹ tôi dạo này già yếu hẳn đi nên phải ở nhà, ba đứa con gái lớn trong nhà thay phiên nhau ra chợ buôn bán. Lúc này kinh tế có phần cởi mở nên việc mua bán ở chợ dễ thở hơn. Tôi sang được một căn sạp ở chợ Thống Nhất để các em thay phiên nhau ra chợ đứng bán ở quầy vải và áo quần may sẵn, tôi chỉ vào Bình Tây và chợ An Đông mua sỉ mang về cho các em bán lẻ. Thỉnh thoảng tôi dẫn Xuân Tiên hay Xuân Trang đi theo để làm quen với bạn hàng phòng hờ những lúc phải thay thế tôi. Những người bán sỉ ở hai chợ này đều là người gốc Hoa, họ dành mọi dễ dãi cho khách hàng quen, nhiều lúc không biết tôi ở nơi đâu họ cũng cho mua chịu với số lượng nhỏ, nhưng tôi luôn tìm cách thanh toán nhanh nhất để không mắc nợ. Việc nhà giải quyết tạm xong, tôi có ý định về Miền Tây buôn chuyến.
Nghe nói ở miền Tây lúa gạo và cá mắm nhiều, việc ngăn sông cấm chợ cũng đã giảm, tôi muốn về quan sát tình hình và nhân dịp thăm lại mẹ chồng ở Vĩnh Long, vì gần bảy năm qua tôi chưa gặp lại bà, không biết bây giờ bà ra sao. Hơn nữa những anh em phế binh mà tôi có dịp quen biết ở vùng kinh tế mới Tân Uyên về chợ Thống Nhất gặp tôi nhờ giúp đỡ, họ nói lúc này đi buôn củi không còn lời nữa vì có quá nhiều trạm kiểm soát. Đi buôn cá khô về Sài Gòn cũng khó ăn nên họ có ý định buôn gạo từ Hố Nai về Phan Thiết. Gạo là hàng hóa ít bị hư nên có bị kẹt cũng không hư hỏng, vả lại nếu có kẹt thì bán ở đâu cũng được. Tôi rất muốn giúp những anh em này vì lúc còn ở kinh tế mới, mặc dù thân thể tàn tật họ luôn luôn tận tình giúp đỡ gia đình chúng tôi. Thêm vào đó Khánh, em trai thứ nhì của tôi, cũng muốn đi theo những anh em này đi buôn chuyến nên tôi cấp cho ít vốn làm ăn. Sắp xếp xong việc nhà, tôi chuẩn bị đi về miền Tây.
Trên chuyến xe đi về Vĩnh Long, đi qua những cánh đồng ruộng lúa chín vàng chẳng khác gì một thảm lụa xanh biếc kéo dài suốt tận chân trời, tôi thấy miền Nam thật đẹp. Mặc dù là một người miền Bắc, tôi là dân di cư nên không nhớ gì quê hương miền Bắc. Đối với tôi quê hương là miền Nam, miền đất của tự do và hạnh phúc nay đã mất. Cảnh vật miền Nam thật dịu hiền, khác hẳn với khu Hố Nai tôi đang ở mặc dù cũng có những thửa ruộng bông lúa chín vàng nhưng không đẹp bằng nơi đây. Thôn xóm miền Nam được bao bọc bởi những lũy tre xanh cao ngập trời, lẫn lộn giữa những đọt dừa ngã nghiêng theo chiều gió. Lúc này cuộc sống ở thôn quê cũng bớt vất vả, máy móc thay thế dần sức người, ghe xuồng máy chạy tấp nập trên các nhánh sông. Nụ cười nở đầy trên mặt mọi người, lời ăn tiếng nói cũng hiền hòa, ấm áp hơn. Có lẽ do cư trú trên một vùng địa lý kinh tế dễ dàng nên tâm hồn con người trở nên bình dị, phản ánh ra bên ngoài sự thành thật. Tình trạng lúa gạo dồi dào như thế này mà tôi tự hỏi tại sao nhiều nơi dân chúng vẫn thiếu gạo ăn? Có một cái gì không ổn.
Xe vừa đổ bắc Mỹ Thuận, mọi người ùa xuống đi lên phà và đứng tản mác hai bên hông. Sông Tiền Giang nước chảy siết, đẩy những đám lục bình dọc theo mạng phà. Tôi ra đứng ở lan can ở tầng trên nhìn xuống dòng nước, mơ màng nhớ tới lần đầu tiên anh Tân đưa tôi về quê chồng. Tôi chợt mỉm cười nhớ tới giọng nói miền Nam của Tân giải thích công cuộc khai khẩn miền Tây. Gia đình anh Tân là những công bộc thời chúa Nguyễn di cư vào Nam hồi cuối thế kỷ 17, lập nghiệp tại Tiền Giang. Ông tổ của anh theo Nguyễn Hữu Kính năm 1698, có công dẹp loạn tại Gia Định và được cấp đất tại Định Tường canh tác. Theo thời gian gia đình Tân đông thêm, đất đai canh tác không đủ nên đã tản mác đi những nơi khác lập nghiệp. Đến đầu thế kỷ 20, gia đình anh có mặt tại khắp nơi tại đồng bằng sông Cửu Long, tất cả đều sốg bằng nghề nông, chỉ một vài bà con cô bác mở tiệm buôn bán tại các thành phố lớn như Cần Thơ, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Long Xuyên và Sài Gòn. Gia đình anh Tân ở trong những số đó. Mẹ anh Tân là người gốc Hoa năm đời nên bà không còn nói được tiếng Hoa, nhưng máu buôn bán của bà rất mạnh. Sở dĩ bà theo Tân lên Xuân Lộc vì anh Tân là con trai duy nhất, cha chồng tôi đã bị quân cộng sản bắn chìm xuồng chết đuối khi chúng đột nhập vào thành phố Vĩnh Long năm 1968, từ đó bà ở luôn với anh Tân với hy vọng sớm có cháu nội bồng bế.
Đang thả hồn theo mây nước và những ngày tháng cũ, một tia sáng gãy khúc xẹt ngang bầu trời kèm theo tiếng nổ kinh hồn làm tôi giật mình. Trời đất bỗng nhiên tối lại, mây đen vần vũ, gió thổi mạnh, tôi thấy lành lạnh. Khác hẳn nơi vùng núi rừng Đồng Nai, mỗi lần trời chuyển cơn giông tôi có đủ thời giừ trốn tránh, nhưng tại đây thì không kịp làm gì cả. Cơn mưa trút xuống ào ào như thác nước, tôi vội lấy chiếc khăn quấng vào cổ đi xuống tầng dưới tiến vào một chỗ đông người đứng cho bớt lạnh. Chiếc phà vẫn bình thản băng sóng tiến về phía bên kia bờ. Thị xã Vĩnh Long loáng thoáng hiện ra trước mặt.
Trong những chỗ đông người như thế này, sợ nhất là bị móc túi. Tôi cẩn thận giữ chặt chiếc túi xách và quan sát chung quanh tìm một chỗ đứng an toàn. Nơi đây ồn ào tiếng người và tiếng máy. Tôi nghe vang vẳng bên tai tiếng đàn ghi ta đệm theo một giọng ca vừa bi thương, vừa hùng tráng. Sao lời bài hát diễn tả đúng tâm trạng của tôi thế này, lâu rồi tôi chưa được dịp nghe lại. Lúc trước tôi rất ghét nghe những bài hát này vì mỗi lần nghe tôi chỉ biết khóc. Bây giờ nỗi đau đã nguôi nên nghe lại những lời này tôi không khỏi rùn mình hãnh diện vì đó là tâm trạng của tôi.
Lời ca ấm áp, truyền cảm của người hát làm lòng tôi xúc động, lâu rồi không còn ai nhắc đến những người đã hy sinh trong cuộc chiến đã qua. Tôi nhớ anh Tân quay quắt và tiếc nhớ thời son trẻ chưa kịp hưởng hạnh phúc được bao nhiêu. "Đợi anh về chỉ còn trơ vầng trán đứa bé thơ tấm khăn sô, người quả phụ cầu được sống trong mơ. Tumơrông, Đắctô, Krek, Snoul, trưa Khe Sanh gió mù, đêm Hạ Lào thức sâu... Anh, cũng anh vừa ở lại một mình... Charlie... tên vẫn chưa quen người dân thị thành". Tiếng hát vừa dứt những tràng pháo tay nổ ran một góc bến phà, tiếng người yêu cầu người ca sĩ hát thêm bản nữa vang lên liên tục. Tôi tò mò xen vào đám đông, ghé mắt nhìn vào. Quét mắt nhìn đám người đứng quanh vòng tròn, tôi chẳng thấy ai là ca sĩ cả. Cố gắng chen vào và cúi nhìn vào khoảng trống ở giữa thì thấy một người trung niên, tay cầm đàn ngồi dưới đất. À, thì ra một anh nhạc sĩ lang thang, một phế binh cụt sát hai chân. Anh ca sĩ có khuôn mặt sạm nắng, nét mặt phong sương chứng tỏ cuộc đời của anh đã từng dầm mưa giăng nắng, nhưng đầy phúc hậu. Tóc anh đã điểm bạc. Anh mặc chiếc áo kaki màu xanh lá rừng nhầu nát với nhiều mảnh vá vụng về và chiếc quần tây mà hai ống quần đã được cột thắt lại xếp gọn trong lòng. Anh cúi đầu vuốt ve cây đàn gỗ cũ kỹ bóng láng mồ hôi, rồi ngước mắt nhìn từng thính giả đứng chung quanh. Anh từ từ lết trên hai mảnh vỏ xe đã mòn láng đáy để lộ cả lớp bố, đi một vòng chìa chiếc lon đựng tiền. Những người đứng nghe đặt tiền vào lon với vẻ quí mến, đa số là thanh niên đứng tuổi, có một vài em bé được cha mẹ báo cầm tiền tới cho.
Tinh thần đùm bọc thật là cảm động. Nhìn những người cho tiền, tôi có cảm tưởng họ là những người đã từng liên quan đến cuộc chiến đã qua. Có thể họ là những binh lính cũ đã trở về đời sống dân sự, đang làm ăn, cũng có thể họ là anh em, con cháu những người lính chiến cũ. Tất cả chia sẻ với nhau nỗi đau của người thất trận trên chiếc phà này. Tôi ở trong đám người đó, lặng lẽ nhìn anh phế binh rồi bỏ tiền vào lon. Tôi muốn nói với anh vài lời nhưng cổ họng nghẹn lại. Theo lời yêu cầu dồn dập của khách thập phương, anh phế binh chuẩn bị hát thêm một bài khác. Có lẽ anh là người nghệ sĩ được ngưỡng mộ nhất trên chiếc phà ngày hôm nay. Uống một ngụm nước, sửa lại dây đàn, anh cầm phiếm dạo nhạc và hát:
"Anh không chết đâu em... Anh, người anh hùng mũ đỏ tên Đương. Tôi vẫn thấy đêm đêm một bông dù sáng trên đồi máu... Và tiếng súng, tiếng súng thay nhạc chiêu hồn đưa anh đi... anh đi. Anh không chết đâu em. Anh chỉ về với mẹ mong con. Anh vẫn sống thênh thang trong lòng muôn người biết thương ngươi lính. Anh chỉ vừa bỏ cuộc đêm qua... Trên khăn tang cô phụ còn...".
Những lời ca não nuột khiến lòng tôi tê tái. Không ai bảo ai, mọi người cùng im lặng và bùi ngùi thương tiếc cho thân phận của anh phế binh, thương tiếc cho quê hương đã mất đi biết bao nhiêu người anh hùng mũ đỏ... tên Đương, những phi công oanh dũng, những chiến sĩ thuộc các binh chủng đã ngã gục hy sinh cho tổ quốc, để lại những góa phụ với vành khăn sô, những trẻ thơ mồ côi cha. Bài hát vừa chấm dứt, tiếng vổ tay, huýt sáo miệng vang rền. Hứng chí, anh phế binh run tay dạo sang bản khác.
"Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại. Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về. Anh trở về có thể bằng chiến thắng Pleime, hay Dắctô, Đồng Xoài, Bình Giả... Anh trở về có thể bằng một chiếc vòng hoa, chiếc khăn tang ngăn dòng lệ ướt, em ơi... Đây kỷ vật viên đạn đồng đen, em sang sông cho làm kỷ niệm. Anh trở về, người đã bị thương... Anh trở về trên đôi nạn gỗ, anh trở về bại tướng cụt chân... Em một chiều dạo phố mùa xuân bên người yêu tật nguyền chai đá...".
Tiếng ca vừa dứt, tiếng pháo tay lại thi nhau nổ ran. Mặt anh phế binh lộ vẻ vui mừng vì chia sẻ được những ẩn khúc chất chừa từ lâu trong lòng anh và trong lòng mọi người. Lần này người ta tự động lấy tiền tặng anh. Chiếc lon guigoz méo mó tràn đầy bạc lẻ. Anh phế binh gật đầu lia lịa, nghẹn ngào cất tiếng cảm ơn. Đám người tự giải tán vì phà đã cập bến, tất cả lật đật tuôn chạy lên phà, bỏ lại sau lưng anh phế binh lúc này cũng đang mắc cây đàn và chiếc lon guigoz vào người chuẩn bị xuống phà. Giây phút tình cờ gặp nhau trên chiếc phà đến đây chấm dứt, cuộc sống chụp giật lại bắt đầu. Anh phế binh ngước mắt nhìn trời. Trời tiếp tục mưa, gió lạnh từ xa cùng mây đen ồ ạt kéo tới, mưa mỗi lúc thêm nặng hạt.
Anh phế binh lướt mình trên hai lốp xe theo dòng người xuống bến. Tôi xót xa nhìn anh ướt sũng nước mưa trườn người đi trong mưa gió. Đời người sống như gió thoảng mây trôi. Tội nghiệp những phế binh không cửa không nhà, sống kiếp lang thang không bờ không bến. Tôi giựt mình lo sợ cho chính mình, ai sẽ lo cho tôi trong những ngày tháng tới? Cuộc đời này thật là bạc bẽo, chưa hưởng bao nhiêu hạnh phúc đã vội khổ đau, không còn gì để mơ tưởng, tâm hồn tôi cằn cỗi, trái tim chai lạnh. Hình ảnh anh phế binh làm tôi trở về những kỷ niệm cũ, quá khứ êm đềm đó quá ngắn ngủi để giờ đây đối diện với nỗi lo thường trực là cơm áo. Tôi buồn cho thân phận, tôi mong có những tia sáng chiếu rọi vào con tim, tôi cũng khát khao có một cuộc sống bình thường trong một nước Việt Nam tự do dân chủ, trong đó mọi người có quyền chọn cuộc sống mà mình mong muốn.
Gặp lại mẹ chồng, tôi vô cùng vui sướng. Bà già yếu hẳn đi nhưng nét mặt thanh bình. Bà buồn vì mất con trai nhưng với đàn cháu ngoại năm đứa nên cũng nguôi ngoai phần nào. Bà rất ngạc nhiên khi thấy tôi vẫn ở vậy với gia đình, bà nói phần lớn phụ nữ hoàn cảnh như tôi đều đã tái giá. Tôi chỉ cười giã lã cho qua chuyện, tái giá gì nữa khi gánh gia đình còn nặng trên vai? Chồng chị dâu tôi nói nếu cần anh tìm người cho, tôi từ chối. Mặc dù vậy anh sốt sắng dẫn tôi đi dạo khắp thành phố Vĩnh Long.
Cuộc sống ở đồng bằng sông Cửu Long thật bình dị. Đời sống tuy có khó khăn nhưng không ai để lộ ra ngoài, nơi đây chính quyền địa phương cũng dễ dãi nên thỉnh thoảng chồng chị dâu tôi. Mặc dầu là "ngụy quân ngụy quyền" đi học tập về, đêm đêm chồng chị dâu thường đi uống rượu với công an phường khóm. Nơi tôi ở, công an phường khóm luôn luôn rình mò làm khó dễ bà con. Người miền Nam có khác, lúc chiến tranh thì thù địch nhau, hết chiến tranh thì cùng nhau đi ăn nhậu. Ở đây lâu lâu mới có một vài tên "cường hào ác bá" hà hiếp dân lành nhưng chúng cũng sớm bị loại vì bà con lối xóm tố cáo ăn hối lộ và tham nhũng.
Tôi thuật lại cho gia đình bên chồng ý định buôn gạo của tôi, mọi người đều vui vẻ chỉ dẫn. Gạo miền Tây có đủ loại. Chưa bao giờ tôi thấy những hạt gạo vừa thơm vừa trắng tinh đến như vậy. Mãi mê những hạt gạo tốt, tôi mua mỗi thứ một tạ đem về bán thử. Chuyến buôn gạo này không được như ý vì lần đầu tiên mua bán gạo tôi chưa có kinh nghiệm nên bị lỗ vốn. Gạo trắng thơm dễ bán ở Sài Gòn nhưng không bán được ở Hố Nai. Không phải dân chúng không biết ăn gạo ngon nhưng vì nghèo quá nên không dám mua. Giá mười lít (mỗi lít bằng 1/2 ký) gạo trắng thơm bằng giá mười sáu lít gạo thường. Ngâm hàng lâu quá tôi gần như phải bán huề vốn và lỗ tiền xe, các anh phế binh cũng không dám nhận mang gạo đi Phan Thiết vì ở đây dân chúng còn nghèo hơn. Dân thành thị dám ăn gạo ngon nhưng dân thôn quê chỉ ăn gạo thường, đôi khi ăn cả gạo mục.
Nhờ có gia đình bên chồng ở Vĩnh Long, tôi vào Chợ Lớn mua hàng vải và đồ nhựa mang về bán và mua gạo trắng thường bán lại ở Hố Nai và Phan Thiết. Công việc mua bán cũng tiến bộ dần, tiền lời đủ ăn uống và còn dư để sắm sửa thêm trong nhà. Các em gái tôi cũng tự đảm đương việc mua bán ở chợ Thống Nhất và mỗi đứa đều để dành một chút vốn riêng. Những đứa con trai thì cũng chạy manh chạy mối kiếm đủ ăn qua ngày, chúng không nghiện ngập rượu chè và ma túy là tôi mừng rồi. Đứa em út học hành rất khá.
Vào cuối năm 1986 cha tôi được thả về. Ông rất mừng vì thấy gia đình còn đông đủ nhưng một thời gian ngắn sau ông tỏ ra chán đời và chỉ đi lang thang nhìn cảnh vật suốt ngày. Ông ít nói nhưng quan sát rất kỹ mọi sinh hoạt chung quanh. Ông quá chán ngán lòng người thay trắng đổi đen, nhất là khi ở trong tù, có nhiều công chức và quân nhân cũ thiếu bản lãnh làm nhiều người rất buồn phiền. Để thay đổi không khí buồn tẻ trong nhà, tôi mang cha mẹ về Vĩnh Long ở chơi với gia đình bên chồng một tháng, nhờ vậy cha tôi mới tìm lại niềm sống bình thường. Cha tôi muốn ở luôn tại Vĩnh Long vì đời sống ở đây dễ chịu. Tôi phải bán một số vật dụng trong nhà để mua một căn nhà nhỏ gần chợ Vĩnh Long cho gia đình buôn bán. Một thời gian sau mẹ tôi cũng về hẳn nơi đây cùng với hai đứa em út. Tôi thì đi đi về về hai nơi, tuy có cực nhọc nhưng tâm hồn cũng được bình yên.
Mọi người bàn với tôi về chuyện gia đạo, kể cả mẹ chồng, nhưng tôi chỉ biết lắc đầu. Qua lại thường xuyên bến phà Mỹ Thuận, tôi có dịp nói chuyện với anh Trần Văn Xích, tên người "phế binh ca sĩ" với giọng ca vừa bi thương vừa hùng tráng. Anh Xích cho biết anh là lính thủy quân lục chiến, bị cụt hai chân trong trận tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị năm 1972. Đạn pháo của địch quân rơi trúng chỗ tiểu đội anh đang nằm. Các đồng đội anh đều chết, riêng anh thì bị thương nặng và bị cưa hai chân. Trước kia anh ở làng phế binh Định Tường, sau bị đuổi ra khỏi làng anh phải lang thang hát dạo kiếm tiền. Anh cùng ba người bạn lập thành ban tam ca, có một anh qua đời vì bệnh nặng, người bạn kia bỏ về Nha Trang mất tích, chỉ còn mỗi mình anh trên bến phà Mỹ Thuận. Thương cảm hoàn cảnh anh Xích, mỗi lần qua đò, tôi mời anh ăn cơm ở một quán bên đường và cho anh ít tiền. Điều làm tôi ngạc nhiên là anh Xích không những không nhận tiền mà còn trách móc tôi khi dễ anh. Tôi phải giải thích dài dòng, kể lại cuộc đời của tôi, góa phụ năm 24 tuổi, một mình gánh vác cả gia đình sau 1975 nay đi buôn gạo anh mới thông cảm. Từ đó Xích và tôi trở thành đôi bạn thân tình, nhưng tình cảm của chúng tôi dừng lại ở đó.
Hình ảnh hào hùng chàng "nhạc sĩ lang thang" làm tôi nhớ lại anh Tân. Vào lứa tuổi 25 anh Tân cũng hào hùng không kém, anh đã chinh phục trái tim của tôi khi đơn vị của anh về đóng quân tại quận Trảng Bom. Năm 1973 tôi đi trong phái đoàn nữ sinh Biên Hòa ủy lạo chiến sĩ Sư Đoàn 18 bộ binh. Thiếu úy Phạm Văn Tân trong bộ quân phục chỉnh tề hướng dẫn phái đoàn đi thăm các thương bệnh binh nằm trong bệnh viện dã chiến của sư đoàn. Vào lúc giữa trưa, sau khi trình diễn xong phần văn nghệ, anh Tân mang đến cho tôi một lon nước ngọt và mời tôi ăn cơm. Bữa ăn hôm ấy toàn là đồ hộp và cơm sấy nhưng thật là ngon. Từ đó tôi yêu anh Tân và chúng tôi đã cưới nhau theo nghi lễ công giáo mặc dù gia đình anh Tân theo đạo Phật. Chúng tôi sống trong hạnh phúc. Chưa được tám tháng anh đã lìa đời. Không hiểu sao sống trong một đất nước bạc bẽo như vậy mà lòng yêu nước của tôi vẫn còn nồng nàn đến thế. Tổ quốc này có bù đắp cho tôi cái gì đâu mà tôi phải yêu quí nó? Tôi chưa có dịp làm quen với những người giàu có nên không hiểu tâm tư của họ như thế nào đối với đất nước. Nhưng có một điều tôi chắc chắn là những thành phần giàu có mới, những kẻ chiến thắng đang cầm quyền ngày hôm nay không có lòng yêu nước này. Vì nếu yêu nước và có đầy đủ quyền lực trong tay người ta không thể nhắm mắt làm ngơ trước cảnh đời nghiệt ngã của những người thua thiệt. Riêng tôi, tôi yêu những mảnh đời đau khổ, yêu những xóm làng xác xơ, thương những con người nghèo khó. Tôi thương miền đất này vì chính tôi đã chôn cất người mà tôi thương yêu nhất và chia sẻ nỗi khổ nhọc của người cùng khốn. Tại Vĩnh Long, ngay những thương phế binh trẻ từ Kampuchia trở về cũng bị bạc đãi, họ hoặc bị đưa vào sống trong một trại cấm hoặc bị trả về gia đình tự túc tìm kế sinh nhai. Tiền cấp dưỡng của họ mỗi tháng không đáng kể, do đó một số gia nhập vào đời sống cái bang. Phản ứng của những phế binh trẻ từ Kampuchia trở về rất dữ dội, họ không kiêng nễ bất cứ một ai, kể cả công an và bộ đội. Mỗi lần họ gây rối là tập thể các anh em phế binh cũ bị chính quyền cộng sản trả đủa, họ không dám trừng phạt phề binh từ Kampuchia trở về mà hành hạ phế binh miền Nam cũ như cấm đi ăn xin, hát dạo, bán vé số hay bán nhang.
Những cụ phế binh cộng sản thời Pháp thuộc và trong cuộc chiến với miền Nam được chế độ chú ý hơn nhưng so với những gì họ đã gánh chịu và phần thưởng nhận lãnh được thật là tủi nhục. Nhiều cụ già lớn tuổi đứng trước các ty thương binh xã hội lớn tiếng chửi bới "cách mạng" bạc đãi họ. Những người đại diện chế độ là ai, tất cả đều là con cháu họ nhưng không có quyền giải quyết hơn những gì được cấp trên cho phép. Đất nước này phải thay đổi, phải để những người có tài đức hơn ra lãnh đạo xã hội. Lúc đó mới có thể nói là xứng đáng hay không xứng đáng, còn bây giờ chỉ là láo khoét. Đời quả phụ của tôi đến đây xin tạm chấm dứt.
* * *
Tôi xin kể lại đoạn đời của một quả phụ khác mà tôi hằng kính mến. Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, vợ cố đại úy Trần Văn Công. Bà Tuyết Nhung sinh năm 1944 tại Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Phước Tuy. Năm 18 tuổi (1961), như mọi cô gái quê khác, bà lên xe hoa về nhà chồng. Anh Trần Văn Công là một giáo viên gương mẫu, anh đã kiêm nhiệm nhiều chức vụ như xử lý thường vụ thay thế trưởng Ty Tiểu Học, hiệu trưởng Trường Tiểu Học La Gì. Vợ chồng sống trong hạnh phúc và có sáu mặt con. Cả gia đình đi chùa lễ Phật đều đặn và thường giúp đỡ những người lầm đường lạc bước hay bị túng quẫn. Hai vợ chồng rất là tâm đắc, chồng bảo vợ nghe, con cái đề huề. Thực là một mối tình thơ mộng. Dòng đời cứ êm ả trôi qua những tưởng như được sống mãi trong hạnh phúc, nào ngờ chiến cuộc leo thang, tang thương bao trùm khắp mọi miền đất nước, hàng hàng lớp lớp thanh niên lên đường nhập ngũ.
Năm 1968, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ban hành lệnh tổng động viên. Như mọi công dân khác, anh Trần Văn Công lên đường và thụ huấn tại trường huấn luyện sĩ quan Thủ Đức. Sau khi mãn khóa, được gắn cấp bậc chuẩn úy, anh Công được đưa về Sa Đéc phục vụ ở KBC 3013. Đến năm 1973, chiến cuộc lan rộng, ngày nào cũng có giao tranh ác liệt, làng mạc xóm làng điêu tàn, đường sá luôn bị cộng sản ngăn chặn. Mỗi lần đi thăm chồng là một khó khăn.
Trong lần đi thăm chồng hồi đầu tháng 4-1973, xe đò chở bà bị Việt cộng chận lại, họ đuổi mọi hành khách xuống xe và xét hỏi từng người ở bìa Rừng Lá, đoàn xe đậu dài suốt mấy cây số với hàng ngàn hành khách. Có nhiều đàn ông mặc quân phục và thường phục bị bắt trói ngồi ở bên đường. Cũng may là bà Tuyết Nhung nói là đi thăm bà con ở Sài Gòn lúc bị xét hỏi nên không bị làm khó dễ. Sau một hồi thuyết giảng, nào là "tội ác của Mỹ Ngụy", ai có bà con, thân nhân hoặc chồng con đi lính "hãy động viên kêu gọi chồng con trở về với đồng bào dân tộc", nhóm người này lặng lẽ rút vào rừng cùng với những người bị trói. Không ai dám lên xe vì không biết có được phép hay không. Tài xế và lơ xe bảo phải chờ lệnh và không ai dám đi trước.
Thình lình, tiếng đạn cối và đại pháo từ xa bắn tới nổ ầm ầm chung quanh, mọi người hốt hoảng rạp mình xuống hai bên bờ đường tránh đạn. Tiếng khấn vái râm ran hòa lẫn tiếng kêu rên thảm thiết của người bị thương làm bầu không khí trở nên ghê rợn. Con nít khóc ré, tiếng đàn bà gọi con vang khắp một chốn rừng. Đến khi thấy bóng quân đội Việt Nam Cộng Hòa tiến tới, mọi người mới hoàn hồn. Xe cứu thương từ Long Đất chạy tới chở những người bị thương vào bệnh viện. Hành khách lần lượt lên xe, lòng vẫn còn lo sợ. Thật là hãi hùng. Tội cho những người bị trọng thương, không biết thân nhân họ là ai. Cuối cùng mọi người vội vã vơ vét vài món đồ rơi vãi dưới đất bước lên xe đi tiếp.
Đến Sa Đéc không gặp được chồng, bà Tuyết Nhung hỏi thăm mới biết chồng bà đã đổi về Định Tường được năm hôm rồi, hiện đồn trú ở Sầm Giang (gần Mỹ Tho), một đồn nhỏ hẻo lánh, muốn vào phải có quân xa chạy trước mở đường vì đoạn đường này thường bị gài mìn và phục kích. Người quen cho biết anh Công nhắn bà hãy lo cho anh ấy được về Sài Gòn.
Sáng hôm sau, bà đón xe đò về Sài Gòn. Nhờ quen biết, bà gặp được các thượng cấp của anh ở Nha Động Viên và Bộ Giáo Dục. Thấy bà khóc lóc nài xin, thượng cấp hứa giúp đỡ. Bà yên tâm về lại Xuyên Mộc, đi ngang qua Rừng Lá lòng không khỏi lo âu. Về đến nhà đứa con gái út lâm bệnh nặng phải đưa vào bệnh viện cứu cấp, nó bị xuất huyết não. Hơn một tháng trời chữa trị, bác sĩ cho con bà xuất viện. Ngày hôm sau bà cùng đứa con gái lớn về Sài Gòn đến Bộ Giáo Dục, cơ quan chủ quản của anh Công, hỏi thăm tin tức. Tối về hai mẹ con về gia đình người em gái tạm trú. Nói chuyện đến giữa khuya, bà nhìn con ngủ say sưa và thuận tay vặn chiếc radio ở đầu bàn nghe tin tức. Tiếng xướng ngôn viên phát ra đều đặn. Chợt có tin đánh lớn ở Mỹ Tho, bà Tuyết Nhung chăm chú nghe.
"Tối hôm 11-5-1973, lúc 2 giờ sáng, một tiểu đoàn Việt cộng tấn công đồn Sầm Giang, một tiền đồn quan trọng của tỉnh Định Tường. Quân trú phòng đã chống trả kịch liệt. Sau hai giờ giao tranh, quân trú phòng đã đẩy lui các đợt tấn công. Địch quân rút lui, bỏ lại bên vòng rào nhiều xác chết, ta tịch thu 2 súng cộng đồng và nhiều vũ khí cá nhân, phía ta hoàn toàn vô sự".
Bà thở phào nhẹ nhỏm, như vậy là anh Công vô sự. Rồi đến phần tin tức khắp nơi, nơi nào quân ta cũng toàn thắng. Sau đó là mục nhắn tin chia buồn. Ủa, có ai nhắn tin gì mà kỳ cục vậy? "Cán bộ quân dân cán chính tỉnh Định Tường vô cùng thương tiếc cố đại úy Trần Văn Công đã anh dũng hy sinh tại Sầm Giang, Mỹ Tho, ngày 11-5-1973...".
Làm sao có chuyện này được. Chắc họ đọc lầm, bà Tuyết Nhung mặt mày tái xanh. Phe ta vô sự mà. Không, không thể có chuyện này được, bà bàng hoàng ngơ ngác rồi khóc rống lên. Nghe tiếng khóc than vật vã trong phòng, cô em gái chạy vào, ngỡ đứa con gái lớn của bà mắc bệnh. Chừng hỏi ra mới biết, người em gái bùi ngùi lặng im, mọi người xúm lại an ủi bà. Ai đó lại lên tiếng chắc là "họ" đưa tin lầm, bà cũng mong như vậy. Tờ mờ sáng hôm sau, bà gởi đứa con nhờ dì chăm sóc rồi tức tốc đón xe xuống Mỹ Tho, tìm bộ chỉ huy hành quân tỉnh Định Tường hỏi cho ra lẽ.
Trên đường, bà Tuyết Nhung cứ thầm cầu mong mình nghe lầm, nhưng khi đến nơi thì sự thực quá rõ ràng. Chồng bà đã ra đi vĩnh viễn thật rồi. Anh Trần Văn Công đã bị chết trong đợt pháo kích đầu tiên, đồn Sầm Giang đã bị thất thủ, quân địch đã tràn vào đốt phá đồn và mang theo nhiều quân trang và quân dụng. Mãi trưa hôm sau 12-5, quân tiếp viện mới tiến vào đồn đã bỏ trống, thu nhặt xác chết. Gia đình bên chồng cũng hay tin từ Sa Đéc chạy xuống, tất cả chỉ biết ôm nhau khóc lóc. Chồng bà chết đi để lại sáu đứa con, hai trai và bốn gái. Chồng bà được an táng tại nghĩa trang Hòa Long, thị xã Sa Đéc. Nhìn những nấm mộ nằm ngay hàng thẳng lối, nước vôi còn mới, lòng bà se lại. Tang thương này đâu chỉ riêng ai, cả đất nước này đều đau khổ. Nơi đây nằm xuống biết bao chiến sĩ, những người hy sinh cho tổ quốc.
Bà Tuyết Nhung về Xuyên Mộc bán nhà, dẫn con vào Sài Gòn sinh sống. Bà thuê được một căn nhà nhỏ ở xóm Vườn Chuối bán buôn. Từ dó bà tảo tần nuôi con ăn học, sáu đứa con là một gánh nặng. Đứa con đầu mới lên 11 tuổi. Thân cò lặn lội chạy vạy nuôi con, biết bao cay đắng. Tưởng đâu được yên phận "thờ chồng, nuôi con", nào ngờ biến cố 30-4-1975 ập đến. Chế độ miền Nam sụp đổ. Bà cùng các trở về quê cũ La Gì, Bình Tuy, che dấu tông tích có chồng có cha là sĩ quan "ngụy". Cứ cách vài đêm một lần, bà Tuyết Nhung cùng bà con lối xóm đi họp, nghe cán bộ cộng sản giảng thuyết về sự "bách chiến bách thắng của đảng cộng sản" ngộp cả lỗ tai. Tuy vậy mỗi tháng bà vẫn đánh hàng về Sài Gòn và Bình Tuy đều đặn.
Thấy sống không nổi, bà tổ chức vượt biên trốn ra nước ngoài cùng với đàn con vì có quen biết một vài chủ ghe đánh bắt hải sản tại Bình Tuy. Chuyến vượt biên lần đầu, chủ ghe quá bộp chộp nên thất bại phải bỏ trốn. Cũng may tông tích của bà chưa bại lộ, nhà cửa vẫn còn nguyên. Chuyến thứ nhì, rút kinh nghiệm lần trước, chủ ghe tổ chức chu đáo hơn. Buổi chiều đám đứa trẻ giả bộ rong chơi trên bờ biển, chờ lúc vắng người mới vội vàng chui xuống thuyền. Trong thuyền thức ăn đã có sẵn, gia đình chủ ghe cho con nít ăn uống, khuyên chúng không được khóc hay gây tiếng động. Vào lúc chạng vạng, từng tốp thanh niên tiến dần tới bến cảng, quan sát không có ai rồi nhảy xuống khoang thuyền. Sắp đến lượt người lớn, nhưng không may tối hôm ấy công an khu vực mời bà con trong tổ dân phố họp đột xuất. Trong cuộc họp, cán bộ công an nói về chuyện vượt biên, khuyên bà con cô bác hãy cảnh giác. Những người có chân trong tổ chức, trong đó có bà Tuyết Nhung, đưa mắt lo âu nhìn nhau, không ai nói ra nhưng đều biết là có triệu chứng bất thường. Buổi họp kéo dài tới 23 giờ đêm mới giải tán. Ra về mọi người trong ban tổ chức quyết định tạm hoãn chuyến đi, ai nấy vội vàng tìm cách đưa con cháu về nhà. Bao nhiêu công sức dành dụm bấy lâu nay tiêu tan theo mây khói. Thế là chuyến vượt biên kỳ hai này không thành.
Từ đó bà Tuyết Nhung lăn xả vào công việc, bà mua bán dành dụm tiền lo cho chuyến vượt biên kế tiếp. Con cái trong nhà cũng phải bỏ học ngồi nhà chờ đợi. Đến cuối năm 1978, bà cùng các con mới có dịp ra đi. Trên thuyền, gia đình bà gồm tám người, gia đình chú Thuận bốn người, gia đình chủ thuyền bảy người, với người anh thứ chín của bà làm tài công, tổng cộng là hai mươi người. Đàn bà, con nít bị nhốt dưới hầm, trên thuyền chỉ có sáu người đàn ông. Thuyền xuất bến trong đêm nên trên bờ không ai hay biết. Đi được hai ngày một đêm, ngỡ rằng đã thoát nạn mọi người thở phào nhẹ nhõm, đám con nít vui mừng lên bong thuyền cười đùa hét vang. Hải phận quốc tế đã kề gần, ai nấy đều cất cao đầu ngóng tìm tàu buôn quốc tế đi ngang với hy vọng được vớt.
Một lần nữa, số phận không may lại đến với gia đình bà. Thuyền đột nhiên chết máy, ba người đàn ông trên thuyền tích cực sửa máy nhưng vẫn không nổ. Sau một đêm hai ngày, con thuyền cứ nhấp nhô trên sóng nước trôi dần vào bờ. Mọi người lo âu khấn vái cho máy nổ trở lại, nhưng không. Máy tàu đã phản bội, nó im lìm không lên tiếng. Tuyệt vọng quá, bà Tuyết Nhung muốn xô các con xuống biển rồi nhảy theo luôn, nhưng không biết nghĩ sao bà đành phó mặc. Thuyền cứ trôi dạt vào đất liền, dãy núi xuất hiện mỗi lúc một rõ. Mọi người thấy từ trong bờ xuất hiện hai chấm trắng, càng lúc càng rõ dần. Đoàn người cầu mong đó là thuyền của ngư dân ra cứu, đàn bà con nít bị đuổi xuống hầm tàu. Ai cũng tháo vàng và lấy tiền ra sẵn sàng đưa cho người cứu để được dẫn vào bờ an toàn. Nhưng hỡi ơi, đó là hai thuyền của công an biên phòng chạy ra bắt, thế là tiêu tan hy vọng. Hai chiếc thuyền công an chạy đảo quanh thuyền vượt biên hai ba vòng, bắn mấy loạt súng thị uy. Thấy thuyền vượt biên không phản ứng, thuyền công an cặp vào hai bên hông. Hai toán công an nhảy lên tàu chỉa súng bắt mọi người trong buồng lái giơ cao hai tay, hỏi ai là chủ thuyền và tài công rồi bắt trói lại.
Tội nghiệp anh chủ thuyền và chú tài công, hai người bị công an tống cho mấy báng súng vào bụng và đầu, máu chảy đầm đìa. Trói xong chúng kêu đàn bà con nít dưới khoang tàu lên bong xếp hàng, trói từng người một, con nít thì được miễn. Công an cột dây thừng vào đầu mũi thuyền vượt biên kéo vào bờ. Chủ thuyền và tài công bị đưa qua thuyền công an, chỉ để lại trên tàu vượt biên hai công an đứng canh chừng đám đàn bà con nít.
Sự hành hạ những người tổ chức vượt biên thật khủng khiếp, tội "phản quốc" là tội nặng nhất trong lúc này. Đàn bà con nít còn đỡ, riêng chú Thuận, anh Chín và chủ thuyền bị công an chấp pháp và cán bộ trại giam đánh đến thừa chết thiếu sống. Ngồi ngoài nghe tiếng huỳnh huỵch, rồi tiếng rên xiết của người bị tra tấn trong phòng chấp pháp vọng ra ai cũng đau lòng. Họ hăm dọa bắn bỏ những người tổ chức, họ muốn biết thêm những ai dính líu đến đường dây để bắt. Tội nghiệp cho anh Chín, chú Thuận và chủ thuyền, vì muốn tìm tự do mà phải chịu bao nỗi trầm kha.
Khi vào bờ, đồng bào hay tin có thuyền vượt biên bị bắt đã kéo ra xem đông đảo, có người tràn vào giữa đám người bị bắt cố ý cản trở sự kiểm soát của cộng sản để ai muốn trốn thì trốn, nhưng đoàn người chỉ toàn là đàn bà, trẻ con. Mấy người đàn ông bị bắt trói ngồi một góc nên không ai nghĩ đến chuyện trốn tránh, tất cả đều chán nản, lo sợ. Mãi suy nghĩ và bàn luận những điều ấy với người trong cuộc, bà Tuyết Nhung cảm thấy được an ủi vì ít ra dân chúng cũng còn tình người. Đối với bà, vượt biên đưa con cái trốn ra nước ngoài không phải là kẻ phản quốc như cán bộ cộng sản gán cho bà.
Tàu bị tịch thu, nhà cửa những người trong cuộc đều bị niêm phong. Sau mấy ngày bị hành hạ tại đồn, họ đưa cả đoàn đi cải tạo ở trại Z30C Bình Tuy. Trong thời gian tập trung cải tạo, bà Tuyết Nhung ôn lại những gì đã trải qua và chuẩn bị những việc sẽ làm trong thời gian tới. Tại sao mình đi mấy chuyến không thành? Tại sao thuyền chết máy? Đó là những câu hỏi thường đặt ra giữa những người cùng chung số phận tại trại giam Bình Tuy này. Được biết ngư dân trên thuyền bị công an biên phòng trưng dụng để ra bắt tàu vượt biên cố ý trùng trình, họ cho thuyền chạy chầm chậm cố ý để thuyền vượt biên chạy thoát nhưng vì chết máy nên mới bị bắt. Sau gần một năm trời cải tạo, lao động nặng nhọc, mẹ con bà được tha về. Nhờ Trời Phật con cái bà vẫn được bình yên.
Về lại nhà cũ thì than ôi, gia đình một cán bộ cộng sản đang ở. Người ta đã tịch thu nhà của bà. Mất nhà mất cửa, mối lái làm ăn cũng không còn, điều kiện sinh sống tại địa phương quá khó, mẹ con bà đi về Sài Gòn tá túc nhà người em gái, sống lây lất qua ngày nhờ sự tiếp trợ của gia đình gần xa. Sau một thời gian ăn nhờ ở đậu, bà đánh liều dẫn sáu đứa con nhỏ vào Long Hải sinh sống. Nhờ người chị thứ hai thương tình thuê giùm bà một căn nhà ở cạnh một ngôi chùa để ở và thường lui tới chăm sóc mấy cháu nhỏ, bà rảnh rang buôn bán. Chân ướt chân ráo, lạ nước lạ cái, cuộc sống rất là gian truân, chỉ được cái là ở địa phương không ai biết bà đã bị bắt vì tội "vượt biên", ngoại trừ những người thân thích. Công việc làm ăn, buôn bán của bà dần dần phục hồi, có phần phát đạt.
Đến giữa năm 1981, anh Chín mãn hạn tù được tha về. Nhờ dò hỏi bà con lối xóm, anh về SàiGon rồi ra Long Hải thăm mẹ con bà Tuyết Nhung. Nói sao hết được sự mừng vui trong lúc ấy, bà nhìn anh nghẹn ngào không thốt được nên lời. Anh ở lại với mẹ con bà, phụ giúp mẹ con bà kiếm một căn nhà rộng hơn để ở và tham gia buôn bán. Anh Chín sau mấy chuyến đi không thành cũng rất chán nản, quyết định ở lại. Mộng ra đi nước ngoài của bà Tuyết Nhung cũng không còn, khả năng tiền bạc không cho phép.
Con cái cứ lớn dần theo thời gian. Đứa con gái đầu lòng đã qui y cửa Phật, nếu gia đình có đi chắc nó cũng không đi. Ngày nó xuống tóc đi tu, lúc đó vừa 17 tuổi, bà không cầm được nước mắt. Tâm con đã quyết, bà đành chìu theo. Sau 18 năm trau dồi Phật pháp, con gái bà hiện đang trụ trì tịnh thất Linh Quang, bà con Phật tử đến chùa cầu nguyện rất đông. Dòng đời cứ trôi chảy, các con bà lần lượt cưới vợ, lấy chồng. Tuy không khá giả hơn ai, nhưng được cái chúng rất hiếu hạnh. Biết bà suốt đời hy sinh cho con cái nên chúng đối xử với bà hết mực lễ phép, ít khi làm bà phiền lòng. Những đứa có gia đình ở xa vẫn thường xuyên tới lui, thăm viếng bà, những đứa có gia đình ở gần thường giúp đỡ, săn sóc bà mỗi khi đau yếu.
Giờ đây tâm hồn bà đã yên tịnh. Suốt gần 35 năm lăn lộn với đời, có chồng rồi mất chồng, vượt biên thất bại, ở tù, biết bao đau thương, bao cảnh xé lòng diễn ra trước mắt, bà đều xem là hư ảo, mọi tị hiềm trên đời đều quên. Giờ đây sớm khuya kinh kệ, vui trong tiếng mõ hồi chuông, mong cầu sao cho quốc thái dân an, cảnh bất công không còn nữa để nhân loại chúng sinh cùng nhau toại hưởng. Thỉnh thoảng bà cùng với mấy chị em Phật tử thuê xe đến những đình chùa linh hiển cầu nguyện. Ước vọng cuối cùng của đời bà là các hội đoàn thiện nguyện ở khắp nơi trên thế giới mở lòng từ bi, bác ái và nhân ái, mở rộng vòng tay cứu vớt những nạn nhân đã chịu nhiều thương đau, mất mát trong cuộc chiến tranh dai dẳng trên đất nước Việt Nam, và những trẻ em bất hạnh đang sống lang thang khắp đầu đường xó chợ được có nơi nương tựa và có được bàn tay chăm sóc.
* * *
Bà Tuyết Nhung với tôi tuy không cùng tôn giáo nhưng đã chia sẻ với nhau niềm vui chung là lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ những anh em thương phế binh và trẻ mồ côi trong các chùa và nhà thờ. Hai chúng tôi quen nhau tại bắc Mỹ Thuận, qua trung gian anh Xích. Chúng tôi đã ngồi ăn với nhau những bữa ăn đầm ấm tình người. Anh Xích, bà Tuyết Nhung và tôi đã lập danh sách những anh em thương phế binh và trẻ mồ côi cần được cứu giúp gởi ra hải ngoại nhờ bác sĩ Phan Minh Hiển cùng các hội đoàn thiện nguyện giúp đỡ. Xin gởi đến quí vị ân nhân nơi đây lòng biết ơn sâu sắc nhất của chúng tôi, những người bất hạnh trong cuộc chiến vừa qua và cầu chúc
Ơn Trên phù hộ cho gia đình cùng cá nhân quí vị. Viết lại theo lời thuật của chị Xuân Lan, một góa phụ hiện cư ngụ tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
|