Home Đời Sống Tài Liệu Cô dâu và công nhân Việt tại Ðài Loan (Kỳ II)

Cô dâu và công nhân Việt tại Ðài Loan (Kỳ II) PDF Print E-mail
Tác Giả: Hà Giang/Người Việt   
Thứ Năm, 07 Tháng 10 Năm 2010 21:28

Phía sau 'giấc mơ đổi đời'

ÐÀI LOAN - Bước chân đưa bất cứ người Việt Nam nào rời bỏ quê hương đến Ðài Loan theo diện “xuất khẩu lao động” cũng đều bắt đầu bằng giấc mơ giản dị: Có một cơ hội cật lực làm việc, dẫu biết rất nhọc nhằn, để giúp bản thân và gia đình thoát khỏi kiếp nghèo khổ không lối thoát ở quê nhà.


Một “Lao Ðộng Di Dân” người Việt Nam đóng vai người bị bóc lột trong một cuộc biểu tình trước cửa Bộ Lao Ðộng tại Ðài Bắc đòi tăng lương tối thiểu và phản đối tiền môi giới, cũng như tiền nhà và tiền ăn khấu trừ một cách quá cao.

Các khẩu hiệu viết: “Tiền Môi Giới là bóc lột,” “Khấu trừ tiền nhà và tiền ăn là bóc lột.” (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Giấc mơ này, đối với nhiều người, sau mỗi buổi gặp mặt thảo luận với người môi giới, lại càng có “triển vọng trở thành sự thật hơn.”

Chuyện trò với phóng viên nhật báo Người Việt, em Hưng, 30 tuổi, quê ở Thanh Hóa, cho biết theo lời của công ty môi giới, mỗi tháng em có thể kiểm được “ít nhất gần 23 ngàn Ðài Tệ,” (lương tối thiểu tại Ðài Loan lúc đó là 22,780 Ðài Tệ một tháng), một số tiền tương đương với khoảng $710, chưa kể tiền kiếm được từ “làm thêm giờ phụ trội.”

Trong khi đó, số tiền phải trả cho công ty môi giới “chỉ khoảng $6,000.”

Cũng theo lời em Hưng, công ty môi giới còn cho biết, sau khi trừ tiền nhà tiền ăn, và một ít tiền tiêu, em có thể để dành được gần $500 một tháng, như vậy, chỉ đi làm hơn một năm là “lấy lại được vốn,” thời gian còn lại, gom góp một số vốn mang về Việt Nam, “mang theo cả cơ hội đổi đời.”

Và giấc mơ màu hồng cùng sự tính toán qua giúp đỡ của người môi giới, đã khiến gia đình em mạnh dạn chạy chọt vay cho bằng được khoản tiền trả cho môi giới.

“Bố em đã phải mang giấy nhà đi cầm mới xoay xở được số tiền to lớn đó.” Hưng tâm sự.

“Ngày em đi, mẹ lo lắm, chỉ sợ con khổ, nhưng em sẵn sàng chấp nhận hết để kiếm một ít tiền giúp gia đình.”

Nhưng đó là chuyện của giấc mơ, cách đây hơn bốn năm.

Bảng lương một “Lao Ðộng Di Dân” người Việt Nam cho thấy, dù tổng số tiền kiếm được hơn 18 ngàn Ðài Tệ một tháng, người lao động chỉ có thể gửi về nhà hơn 2,500 Ðài Tệ, tương đương $80, sau khi đã khấu trừ những khoản như tiền môi giới, tiền nhà và tiền ăn ở. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Trên thực tế, Hưng, giờ đây là một “Runaway Migrant Worker,” (lao động di dân bỏ trốn), đang sống và làm việc bất hợp pháp ở Ðài Loan, từ hơn hai năm nay, vì theo Hưng, “em không còn sự lựa chọn nào khác.”

“Nếu em không bỏ trốn, thì có lẽ sẽ không bao giờ kiếm đủ tiền để trả nợ cho gia đình, đừng nói có vốn mang về.”

Thực tế và giấc mơ khác nhau ở chỗ nào?

 Hưng đưa ra một bản sao của “bảng lương” rồi giải thích: “Ðây là bảng lương của em vào tháng 3, 2008.”

“Tiền lương em kiếm được tháng đó là 18,264 Ðài Tệ, trừ đi 2,952, tức 20% thuế thu nhập, trừ đi 428 cho bảo hiểm lao động và bảo hiểm y tế, trừ đi 1,800 cho môi giới tại Ðài Loan, trừ đi 4,000 cho tiền ăn ở, công ty muốn em giữ lại 3,000 một tháng ở Ðài Loan phòng khi hữu sự, và tiền tiêu vặt 3,500, và số tiền còn lại em có thể gửi về Việt Nam là 2,548 Ðài Tệ, tương đương với $80.”

“Chị xem, với $80 một tháng, thì phải làm việc bao nhiêu năm em mới có thể trả nợ?” Hưng phân bua.

Cứ làm một con tính nhẩm thì thấy, nếu cứ đà ấy, Hưng phải làm việc khoảng 75 tháng mới có đủ tiền gửi về cho gia đình trả nợ? Và còn phải làm bao nhiêu tháng nữa mới gom góp được tiền để mang về làm vốn?

Vấn đề là những hợp đồng xuất khẩu lao động chỉ kéo dài 2 năm, và nếu làm việc tốt, những “Lao Ðộng Di Dân” có thể được chủ gia hạn hợp đồng thêm cho một năm nữa.

Vấn đề là dù có làm việc tốt nhất để được ở thêm một năm nữa, Hưng vẫn chưa có đủ tiền trả nợ.

Nhưng tại sao lương tối thiểu là 22,780 Ðài Tệ một tháng mà lương của Hưng chỉ có 18,264 Ðài Tệ, kể cả làm thêm giờ phụ trội?

Lý do là vì nhiều người chủ hiểu được hoàn cảnh túng quẫn của “Lao Ðộng Di Dân” nên đã lợi dụng, bóc lột họ, trả họ lương dưới mức tối thiểu do Bộ Lao Ðộng Ðài Loan ấn định.

Trường hợp của Hưng là hoàn cảnh tiêu biểu của một người “Lao Ðộng Di Dân” bị dồn đến đường cùng, và phải trở thành một “kẻ đào tẩu” để tìm ra lối thoát.

“Em không thể trở về nhà tay không nhìn cảnh gia đình lâm nợ, mất nhà.” Hưng nói.

Bỏ trốn như thế thì những người như Hưng được gì và mất gì?

Cái lợi là trước tiên là họ có thể đi tìm việc làm lậu, và làm được bao nhiêu thì hầu như được giữ lại gần hết.

Cái hại là họ sẽ trở thành những người sống bất hợp pháp ở Ðài Loan và có thể bị bắt bỏ tù, rồi trục xuất về Việt Nam bất cứ lúc nào.

Số người bỏ trốn ngày càng nhiều đã khiến chính quyền Ðài Loan quyết tâm ra tay càn quét, truy lùng họ, cũng như tìm cách tìm kiếm và bắt phạt những chủ nhân mướn những người di dân bất hợp pháp.

Bộ Di Trú Ðài Loan ước lượng là con số người bỏ trốn hiện giờ đã lên đến khoảng hơn 30 ngàn người, một nửa trong số đó, tức khoảng 15 ngàn người là “Lao Ðông Di Dân” đến từ Việt Nam.

Bô Lao Ðộng Ðài Loan cho rằng nguyên nhân chính khiến “Lao Ðộng Di Dân” bỏ trốn là vì điều kiện làm việc cực khổ, lại ít lương, nhưng quan trọng hơn cả, là vì tiền môi giới phải trả để được cơ hội xuất khẩu lao động quá cao.

Dữ kiện con số những người Việt Nam bỏ trốn cao bằng một nửa tổng số của “Runaway Migrant Workers” cho thấy những công ty môi giới tại Việt Nam tính tiền người xuất khẩu lao động rất cao số với các quốc gia khác.

Bà Regina Fuchs, một thiện nguyện viên của tổ chức phi chính phủ “Hope Workers' Center” cho biết, theo bà biết, qua giao tiếp với “Lao Ðộng Di Dân“từ nhiều quốc gia, thì “Lao Ðộng Di Dân” đến từ Indonesia hay Phillipines chỉ phải trả một số tiền môi giới khoảng $3,000, so với $6,000 của môi giới Việt Nam.

Tiếp xúc với phóng viên nhật báo Người Việt, ông Yu-ling Ku, chủ tịch của tổ chức Taiwan International Workers' Association, cho biết vào tháng 11 năm 2001, dưới áp lực của các tổ chức lao động phi chính phủ, Bộ Lao Ðộng Ðài Loan cuối cùng đã công bố một quy định, cấm các nhà môi giới được nhận tiền “hoa hồng;” từ các lao công họ mang vào Ðài Loan, thay vào đó, họ chỉ có thể bắt các nhân công trả “phí dịch vụ,” không quá 1,800 Ðài Tệ/tháng trong năm đầu tiên, 1,700 Ðài Tệ/tháng trong năm thứ hai, và 1,500 Ðài Tệ trong thứ ba.

Tuy nhiên, để đối phó với bộ luật này, người môi giới Ðài Loan đã hợp tác với các công ty môi giới tại các nước nhà của người lao động, lừa đảo và bắt người lao động nhập cư ký kết hợp đồng vay vốn rất lớn, vì vậy các công ty môi giới trên cả hai bên có thể chia sẻ với nhau các hoa hồng béo bở này trong bóng tối.

Cũng theo ông Yu-ling Ku, mặc dù Bộ Lao Ðộng Ðài Loan biết rõ tình trạng này, nhưng họ không có biện pháp nào để đối phó một cách hữu hiệu vì: thứ nhất, hệ thống môi giới tạo điều kiện cho những viên chức nhà nước và chủ nhân có thể bóc lột và kiểm soát công nhân một cách dễ dàng.

Sau khi đã đặt chân vào Ðài Loan, thì nhiều người xuất khẩu lao động Việt Nam mới vỡ lẽ ra là giấc mơ kiếm tiền bằng cách làm lao nô ở nước ngoài thật ra không dễ thực hiện, và hậu quả là họ không chỉ phải đối diện với những giấc mơ tan vỡ, mà chính họ đã trở thành những mảnh đời tan vỡ.


(Kỳ tới: Những mảnh đời tan vỡ hiện nương náu ở “Văn Phòng Trợ Giúp Lao Ðộng Di Dân và Cô Dâu Việt Nam,” Ðào Viên, Ðài Loan)