Home Đời Sống Tài Liệu Cô dâu và lao động Việt tại Ðài Loan (Kỳ 1)

Cô dâu và lao động Việt tại Ðài Loan (Kỳ 1) PDF Print E-mail
Tác Giả: Hà Giang / Người Việt   
Thứ Năm, 07 Tháng 10 Năm 2010 11:56

Công việc '3 Ds' trên xứ Ðài

ÐÀI LOAN - Sau năm ngày được Bộ Du Lịch Ðài Loan hướng dẫn đi thăm những thắng cảnh và điểm hẹn nổi tiếng của hòn đảo nằm ở phía Ðông Nam Trung Quốc, có cái tên thơ mộng là Formosa - “hòn đảo xinh đẹp” - chiều 12 tháng 9, chúng tôi háo hức đáp xe taxi từ Ðài Bắc đến Ðào Viên, thăm “Văn Phòng Trợ Giúp Lao Ðộng Di Dân và Cô Dâu Việt Nam,” một tổ chức phi chính phủ, do Linh Mục Nguyễn Văn Hùng tổ chức.


Một số “Lao Ðộng Di Dân” Việt Nam tụ tập cùng công nhân các sắc dân khác trong cuộc biểu tình phản đối sự đàn áp và mạnh tay của cảnh sát Ðài Loan khi lùng bắt những “Runaway Migrant Workers” (Lao Ðộng Di Dân bỏ chạy). (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Tại nơi đây, chúng tôi sẽ có cơ hội gặp gỡ, chuyện trò, tâm sự và tìm hiểu về đời sống của công nhân Việt Nam qua Ðài Loan theo diện “xuất khẩu lao động,” hoặc các cô dâu Việt Nam lấy chồng Ðài Loan, hiện đang sinh sống tại đây.

Chính phủ Ðài Loan có chương trình “nhập cảng người lao động” rất mạnh mẽ. Theo tài liệu của Bộ Lao Ðộng Ðài Loan, hiện xứ sở này có khoảng 360 ngàn lao động di dân, đa số đến từ những nước đang phát triển, như Indonesia, Philippines, và Việt Nam, trong đó theo tài liệu của Bộ Lao Ðộng Ðài Loan, người lao động di dân đến từ Việt Nam đông hàng thứ nhì, chỉ sau Indonesia.

Những “lao động di dân” này, đến Ðài Loan với ước mơ tìm cách giải quyết cuộc sống cực kỳ khó khăn nghèo túng của họ tại quê nhà, và để đổi lại nguyện vọng “kiếm một ít tiền mang về quê hương sau một thời gian lưu đầy,” họ phải đảm nhận những công việc mà người Ðài Loan mệnh danh là công việc “3 Ds,” những công việc mà người dân bản xứ “chê,” không ai thèm làm.

“3 Ds” là gì? 

Ðó là 3 chữ D, bắt đầu của những chữ: “Difficult” (khó khăn), “Dirty” (bẩn thỉu), và “Dangerous” (nguy hiểm).

Tại sao lại Difficult?
Cứ hỏi cô Thu thì biết!

Chúng tôi tình cờ gặp Thu, 24 tuổi, và Hạnh, 26 tuổi, hai cô gái lao động di dân khi đi thăm “chợ đêm” ở một ngoại ô của Ðài Bắc. Giữa những tiếng bản xứ líu lo lạ tai, chúng tôi mừng rỡ khi thoáng nghe được tiếng Việt Nam, và quyết định tiến đến chào hỏi.

 Một cô dâu người Việt Nam lấy chồng Ðài Loan tại Ðài Bắc trả lời: “Hạnh phúc à?” khi được hỏi cuộc sống của cô có... hạnh phúc không. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Thu cho biết quê ở Thanh Hóa, đến Ðài Loan theo diện “xuất khẩu lao động” được hơn một năm nay. Thu làm việc tại một viện dưỡng lão, được gọi là nơi ẩn náu của người già tại Ðài Loan.

Trách nhiệm của Thu là săn sóc 12 cụ già tuổi từ 68 đến 75. Thu làm việc mỗi ngày từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối, và hầu như không có giờ nghỉ ở giữa.

“Công việc khó khăn và căng thẳng lắm chị ạ. Các cụ vì yếu nên tính tình bẳn gắt, em chưa kịp lo xong cho cụ này thì đã bị cụ khác réo gọi!”

“Nhiều khi em bưng bát cơm lên chưa kịp ăn thì đã phải bỏ xuống, lo cho cụ khác.” Thu tâm sự.

Còn tại sao lại Dirty?

“Thì chị bảo, các cụ không tự đi vệ sinh được, mình phải lo hết thì không bẩn làm sao được?” Hạnh, đến Ðài Loan đã gần hai năm, giải thích.

Ngoài Hạnh và Thu, trong lúc đi mua sắm tại một khu tập trung nhiều tiệm tạp hóa tại Ðài Bắc, chúng tôi cũng đã gặp được một số cô dâu Ðài Loan, đa số lấy chồng già hơn mình từ 15 đến 20 tuổi, hiện đang làm việc tại đây.

Cuộc gặp gỡ tình cờ, cũng là nhờ nghe được người nói tiếng mẹ đẻ ở xứ người thật cảm động. Chúng tôi gặp nhau tay bắt mặt mừng, chuyện trò tíu tít, nhưng phải vội vàng vì phải đi theo thời khóa biểu của đoàn.

Trước khi từ giã, anh Tùng, người quay phim đi cùng đoàn với chúng tôi hỏi một cô là cuộc sống của cô có hạnh phúc không?

Thay vì trả lời, cô chỉ thẫn thờ nhắc lại câu hỏi: “Có hạnh phúc không à?” Và ánh mắt trông theo của cô đã không chỉ làm anh Tùng, mà chúng tôi cứ mãi vương vấn.

Trên đường từ Ðài Bắc đến Ðào Viên, tôi than là sao các cô gái Việt Nam, cô nào trông cũng xinh xắn, nhưng lại hao gầy và xa vắng thế.

“Không xinh xắn sao được! Cô nào cũng được tuyển chọn bao nhiêu vòng mới đến được đây!” Anh Tùng chua chát.

Khuôn mặt của những người chúng tôi gặp trong tình cờ khiến chúng tôi càng nóng lòng đi sâu vào hành trình tìm hiểu hoàn cảnh của những người Việt Nam đang sống trên đất Ðài.

Chỉ hơn nửa giờ đồng hồ nữa thôi!
Chúng tôi sẽ gặp họ.

Nếu cảm giác đầu tiên của chúng tôi từ những ngày đầu bước chân đến Ðài Loan là đất nước này sao giống Việt Nam thế, giống từ cái nóng, từ độ ẩm khiến mồ hôi dính nhơm nhớp vào áo, đến những cơn mưa phùn đến bất chợt, và những tòa nhà hẹp mà cao chen chúc nhau, và đường phố đông người tấp nập, thì Ðào Viên, là một tỉnh lỵ nhỏ, còn giống Việt Nam hơn nữa, với dòng xe cộ như mắc cửi, những con hẻm ngoằn ngoèo, và đặc biệt là đâu đâu cũng thấy những quán ăn chỉ vỏn vẹn gồm một chiếc xe hủ tíu, và vài bộ bàn ghế thô sơ.

Chúng tôi không có nhiều thì giờ để rong chơi. Người tài xế lái Taxi từ Ðài Bắc, bỡ ngỡ với đường phố ở Ðào Viên, sau khi loay hoay kiếm mãi mới ra địa chỉ, vì, cũng giống như Việt Nam, đường phố ở Ðài Loan không dễ tìm, cuối cùng rồi cũng đưa chúng tôi đến cửa “Văn Phòng Trợ Giúp Lao Ðộng Di Dân và Cô Dâu Việt Nam.” Kim đồng hồ chỉ đúng 4 giờ 30 phút chiều.

Một vài nữ nhân viên của văn phòng, những cô gái Việt Nam trước đây cũng qua Ðài Loan theo diện cô dâu, đón chúng tôi vào khuôn viên khiêm nhường, nhưng lại là nơi nương tựa quan trọng của những người di dân lao động, và cô dâu Việt Nam trên đất khách quê người.

Ða số những người chúng tôi gặp hôm đó là thanh niên thiếu nữ, vừa cô dâu vừa lao động di dân, khoảng từ 24 đến 32 tuổi. Chưa cần chuyện trò nhiều, chỉ cần nhìn những ánh mắt chịu đựng trên những khuôn mặt non trẻ, chúng tôi đã cảm nhận được nỗi khó khăn của họ.

Tôi liên tưởng đến chữ “Dangerous” khi gặp Hương, một cô gái xinh đẹp, mới 24 tuổi, cụt mất một bàn tay khi sử dụng một máy tại xưởng nơi Hương làm việc.

“Em đang ở đây để nhờ văn phòng cha Hùng giúp thủ tục pháp lý đòi chủ nhân bồi thường “ Hương tâm sự.

Hùng, khoảng 28 tuổi, cụt một chân, chống nạng, đứng gần đó, gật đầu, và nhìn Hương bằng cái nhìn đầy thương cảm. Thương người và thương mình?

Nhận diện “xuất khẩu lao động”

Sau khi mang hành lý đến khách sạn ở gần đó lấy phòng, chúng tôi được Taxi đón đến một Thánh đường gần đó để dự thánh lễ, do Linh Mục Cường, phó giám đốc “Văn Phòng Trợ Giúp Lao Ðộng Di Dân và Cô Dâu Việt Nam” cử hành. Linh Mục Hùng cho biết đa số những người đến dự lễ qua đây theo diện “xuất khẩu lao động.”

Vừa bước vào khuôn viên thánh đường nhỏ, nhưng chật ních, khoảng hơn 100 người, Tùng quay sang tôi thì thào: “Toàn là người trẻ thôi!”

Vâng, tuổi trẻ Việt Nam sống cảnh lưu đầy đang đứng trước mặt chúng tôi. Mặt họ thông minh quá, nhưng những ánh mắt pha nét buồn, chịu đựng, hầu như đã thành dấu ấn của những người chúng tôi gặp ở đất nước này.

Cha Hùng cho biết sáng ngày mai, nếu muốn, chúng tôi có thể tháp tùng một nhóm công nhân đón chuyến xe lửa từ Ðào Viên đến Ðài Bắc để tham dự hai cuộc biểu tình được tổ chức liền nhau của công nhân ở đây.

Cuộc biểu tình thứ nhất, sẽ diễn ra trước ty cảnh sát Ðài Bắc, để phản đối sự nặng tay của cảnh sát Ðài Loan khi lùng bắt những người lao động di dân bỏ chạy, mà chính phủ Ðài Loan gọi là “Runaway Migrant Workers.”

Cuộc biểu tình thứ nhì sẽ ở trước Bộ Lao Ðộng Ðài Loan, cũng ở Ðài Bắc để yêu cầu tăng lương căn bản, và được đối xử công bình.

“Tại sao những người lao động di dân phải bỏ chạy?” Tôi hỏi.

“Chị đi tham dự cuộc biểu tình thì sẽ hiểu!” Linh Mục Nguyễn Văn Hùng mỉm cười.

Cuộc hành trình của chúng tôi sáng mai mới thực sự bắt đầu!


Kỳ sau: Chi phí môi giới lao động, nguyên nhân đưa đến hiện tượng bỏ trốn, khởi đầu của các vấn nạn liên quan đến người lao động nước ngoài.