Vài Kinh Nghiệm Về Chuyện Mua Vé và Tổ Chức Đi Du Lịch |
Tác Giả: Huỳnh Chiếu Đẳng | ||||||
Thứ Năm, 24 Tháng 6 Năm 2010 04:28 | ||||||
Tôi giới hạn du lịch tại Mỹ thôi và giới hạn trong phạm vi tôi biết và có chút kinh nghiệm. Trước hết, đây là bản nháp, sẽ thêm thắt sau nầy khi nhớ lại chi tiết cần bổ túc. Trong bài nầy tôi nhớ đâu viết đó, nó không có dàn bài minh bạch đâu. Hiện tôi biết có ba loại đi du lịch mà tôi đều có thử, có lẽ còn nữa nhưng tôi chưa biết qua. I. Cách thứ nhất là tự mình tổ chức đi với gia đình hay bạn bè. Loại nầy thấy dễ nhưng khó hơn hết trong ba loại tôi sắp kể. Đi tự mình ên thì chuyện trước tiên: a._ Nghiên cứu coi đi đâu, thời tiết ra sao, đến đó làm gì, viếng nơi nào, đi trong thời gian bao lâu. b._Khi quyết định ngày giờ rồi thì tìm phương tiện. Đi gần thì mướn xe lái đi, đi xa thì mua vé máy bay. Mướn xe và mua vé máy bay nên dùng Internet để tìm giờ giấc và giá cả nhẹ nhất. Đến các dịch vụ thì người ta cũng mua vé như vậy mà thôi, nhưng vì họ có ít thì giờ để search nên chưa chắc mua vé rẻ hơn chúng ta tự làm. Các bạn lưu ý là phải mua vé máy bay trước chừng 3 tuần hay hơn. Giá vé thay đổi theo ngày trong tuần. Ngày thường có khi rẻ hơn ngày lễ và cuối tuần. Còn nếu mua hôm nay ngày mai đi thì giá có khi đắt hơn năm sáu lần giá bình thường nếu còn vé. Nếu các bạn ở nhà gần hai, ba phi trường thì dọ giá từ tất cả những phi trường nầy. Thí dụ các bạn ở tại Orange County thì dọ giá phi trường Los Angeles (LAX) phi trường Orange County (SNA-John Wayne) và phi trường Long Beach CA (LGB-Long Beach Municipal). Nơi đáp xuống cũng có vài ba phi trường thuận tiện, thí dụ đến Washington DC, ở đây có hai phi trường DCA-Ronald Reagan Washington National và IAD-Washington Dulles Intl. Cũng phải dọ giá nơi đáp luôn để tìm chuyến bay và giờ phù hợp đưa đón, giá tiền rẻ nhất. Tên phi trường được viết tắt bằng 3 chữ hoa. Từ nhà ra phi trường có nhiều cách, mướn người đưa rước hoặc lái xe cà xình (như tôi) ra quăng đại tại bãi đậu xe tư nhân trả tiền, trên 12$ một ngày. Khi trở về có xe sẵn, khỏi phải nhờ người đón. Tuỳ xa gần và chi phí mà tìm cái lợi nhất. Đi cruise gần nhà thì lái xe ra đậu tại bến tàu miễn phí. Khi về có xe ngay khỏi chờ ai rước hết. Nếu mướn xe, hãng cho mướn thường đề nghị các bạn mua bảo hiểm thêm chừng mười mấy đo một ngày. Tôi không mua bảo hiểm nầy, thường bảo hiểm xe của các bạn tại nhà sẽ đền luôn cho xe các bạn mươn nếu có tai nạn (nên hỏi lại hãng bảo hiểm của quí bạn). Còn như các bạn muốn yên lòng thì mua bảo hiểm của hãng cho mướn luôn. Xe bị trầy bị sướt hay bị đụng chạm chi chi insurance của hãng cho mướn chịu hết, cứ bỏ xe lại tại chỗ mà đi (nghe nói như vậy tôi chưa thử). c._Mướn phòng ngủ, cũng trên Internet là nhẹ nhất. Nên để ý phòng ngủ có gần nơi du ngoạn hay không và ở vùng an ninh hay không. Ngày nay trên nước Mỹ hầu hết phòng ngủ là non-smoking, nhưng vài nơi các bạn phải chọn, thí dụ như Las-Vegas. Lọt vô cái phòng được hút thuốc thì hết ngủ. Lỡ bị vậy thì xin đổi phòng may ra được như ý. Còn như khi book qua Internet chọn non-smoking mà nó xếp vào phòng có người hút thuốc trước đó thì các bạn có thể la làng với nó. Bạn tôi tiếng Anh giỏi đứng nơi đông người chờ trước quầy check-in nói rổn rảng lớn tiếng cho mọi người cùng nghe thì người manager bước tới giải quyết liền. Về phòng ngủ thì gần như đa số có hai giường, tức ngủ 4 người dễ dàng. Các bạn có thể book 2 người thôi, ngủ 4 người cũng chẳng ai nói chi cả, nhất là ở Las Vegas một phòng ở 8 người nó cũng chẳng thèm để ý. Có thể nó biết hết nhưng lờ đi. Có nhiều người chi tiền vào sòng bạc của hotel là nó vui lắm rồi. Các bạn “ngoại quốc” nên biết chuyện nầy, dù cho các bạn đi đâu trên nước Mỹ chẳng thấy ai để ý, nhưng nhất cử nhất động của các bạn đều được người ta biết hết khi cần. Có khi book 4 người hay 2 người chi giá cũng vậy thôi. Giá phòng thay đổi theo ngày, tuỳ vùng, ở Las Vegas ngày thường rẻ hơn cuối tuần. Ở những khu business thì giá cuối tuần rẻ hơn ngày thường, mướn xe cũng vậy. Thường chúng ta mướn phòng hạng trung trung thì ghé vào McDonald, hay Burger King… dọc theo xa lộ, lấy quyển sách quảng cáo nhỏ, trong đó có quảng cáo nhiều phòng ngủ như Best Western, Travelodge Hotel … với coupon bớt giá có khi tới 50%. Nhớ gọi phone mướn phòng trước đừng có đề cập tới cái coupon, khi đến check in lấy phòng hãy xé coupon đưa ra. Nếu chiều tối mà các bạn ghé xe vô motel, mặt mày bơ phờ vì đường xa, hỏi mướn phòng là nó “chặt đẹp” ngay, giá trên trời, không chịu mướn thì hãy rán lái xe đi tìm nơi khác đi. Còn nhiều kinh nghiệm (“đau thương”) lắm các bạn ơi nói sao cho hết. Chuyến đi Canada của tôi, hai năm trước thì phải, không cần mướn phòng trước, tôi tin Canada ế khách (xin lỗi) nên mướn trước một đêm thôi. Đêm trước ngủ tại phòng, mở computer lên book phòng cho đêm sau tại thành phố sắp tới. Phòng ngủ Canada lịch sự lắm cho Internet miễn phí, không computer mò xuống lobby xài computer của khách sạn. Làm vậy là mạo hiểm hơi nhiều. Nói thêm là đồ đạt bỏ trong phòng ngủ đi ta bà cả ngày cũng không lo bị mất. Thường nhân viên dọn dẹp không ai lấy cả, ngay như khi các bạn bỏ năm bảy đô trên bàn, không viết giấy cho tip thì trở về vẫn còn nguyên. Nhưng nước uống chai, nước ngọt trong tủ lạnh hay để trên bàn thường tính tiền mắc lắm. Với quí bạn phương xa, tôi nói đây là phòng ngũ ở Mỹ và Canada thôi nghe, nơi khác tôi không biết. Nghe nói ở Âu Châu móc túi như rươi. Ở hai nước vừa kề không có móc túi đâu, các bạn làm rớt tiền, rớt bóp, bỏ quên máy hình thường người ta lượm trả lại chớ không rình lấy đâu. Xin các bạn Châu Âu đính chánh nếu sai. Tiền bạc nhiều, giấy tờ quan trọng, vòng vàng quí giá, có thể bỏ trong safety box ngay trong mỗi phòng, thường cũng rất an toàn, chưa nghe ai bị lấy mất. d._Nếu đi máy bay thì chúng ta mướn xe tại phi trường nơi máy bay đáp. Cũng mướn xe trước qua Internet. Kinh nghiệm cho thấy mướn xe tại phi trường giá rẻ nhất. Khi xuống máy bay, lấy xe chạy đi chơi, khi về lái xe ra trả tại phi trường rồi lên máy bay, như vậy đỡ tiền taxi. Nếu ở khách sạn lớn, thường họ có xe shuttle đưa đón từ phi trường về khách sạn, miễn phí, nhưng phải cho chút tiền tip. Tất cả mọi thứ đều làm ngay trên Internet. Vé máy bay cũng in ra tại nhà, không cần đi đâu cả. Dầu không in ra thì chúng ta ghi nhớ ngày đi, ghi nhớ chuyến bay, ra phi trường vào máy check-in tự động bấm tên tuồi và confirmation number, máy sẽ in vé lên máy bay cho quí bạn mà khỏi cần tới quầy bán vé. Chuyện mua vé máy bay cũng nên quan tâm cái nầy, nếu có thể các bạn mua non-stop (có khi mắc hơn vài chục) nếu mua stop đổi chuyến bay vài chỗ thì có khi phiền lắm. Chuyện có thể xảy ra là chuyến bay bị trễ, khi tới nơi thì chuyến bay nối tiếp đã cất cánh. Hãng máy bay sẽ lo cho các bạn, họ thu xếp trong khả năng, lỗi của họ. Nếu không có máy bay trong ngày để các bạn đi tiếp, thì họ sẽ đưa vé phòng ngủ (khá sang) vé tiền ăn cơm tối cho mỗi người (cũng không tệ). Họ đưa vé máy bay cho ngày hôm sau đi tiếp. Ra phi trường các bạn lấy xe shuttle của phòng ngủ về đó ngủ một đêm, ngày sau ra phi trường lại. Ôi thôi nó lỉnh kỉnh rương tráp đồ đạc, chờ đợi lung tung, quả là phiền. Nếu đó là chuyến bay đến bến tàu cruise thì ô hô, khi bạn tới nơi thì tàu tách bến rồi. Đố các bạn chớ phải làm sao? Cũng có cách giải quyết. Xin đọc hồi sau phân giải. Nhận xét: Đi du lịch kiểu nầy mệt nhất, tốn kém nhất, nhưng tự do nhất, muốn đi đâu thì đi, ở đâu thì ở, thích thì ở lại một chỗ lâu, không thích thì lên xe đi sang chỗ khác. Du lịch là một cuộc phiêu lưu, các bạn phải chuẩn bị tinh thần cho những tình huống bất ngờ. Và theo tôi thì điều này bao giờ cũng xảy ra ít hay nhiều trong bất cứ lần đi du lịch nào. Nhớ phải tính trước đường lui, an toàn là trên hết, nhưng chuyện bất ngờ thì quả thật khó lường lắm. Nhân đây tôi kể chuyện nầy cho các bạn nghe. Kỳ đi cruise sang Hawaii năm rồi, tàu ghé Honolulu, tôi xuống bến ghé thăm gia đình người bạn cố cựu. Tôi lái chiếc xe của anh cho mượn, anh ngồi cạnh tôi dẫn đường đi một vòng thành phố, anh là người địa phương ở đây lâu lắm rồi. Lúc gần tối anh rủ lên đồi cao, nơi đây có chỗ nhìn xuống toàn thành phố lên đèn đẹp lắm. Lúc đó là 6 giờ chiều, tàu sẽ rời bến lúc 9 giờ tối. Tôi đồng ý theo con đường lên núi mà anh cho là gần lắm, nhưng anh chỉ đi với con cái thôi, tự mình không lái xe lên đó bao giờ. Đi được một chút khi bắt đầu vào vùng rừng cây rậm và to thì trời đổ mưa, con đường hoang vắng và tối tăm. Ý tôi muốn quay trở lại nhưng đường chỉ có hai lane, một đi một về, giữa hai lane là bờ cao không thể trở đầu xe lại được. Anh gọi cell phone về hỏi con trở đầu xe (U-turn) chỗ nào, được trả lời là phải lên tới chỗ nhìn xuống thành phố thì mới có đường trở lại. Thôi thì đành chạy tới nơi chớ biết sao đây. Khi tới nơi thì cổng vào cái vùng đậu xe nhìn xuống thành phố đã đóng vì hết giờ cho vô. Anh gọi điện thoại về con, may mà còn sóng cell phone, nó cho biết là phải tiếp tục đi chừng 20 miles nữa mới có chỗ trở đầu quay ngược lại. Nó nhớ mang máng vậy thôi. Eo ơi đi thêm 20 miles, trở đầu lại chạy thêm 30 miles nữa mới tới tàu, vị chi là 50 miles chạy xe ban đêm vùng rừng núi thì chắc chắn khi tới nơi tàu cruise rời bến rồi. Trời mưa đường tối, ít xe qua lại, trở ngược lại không có chỗ… Tôi tấp xe vô lề nhìn tới nhìn lui, thấy phía trước bờ đê chia hai con đường có chỗ đất thấp, bụi cây lúp xúp hơi thưa. Tôi bảo mọi người trên xe nhìn trước nhìn sau, cho đến khi không thấy ánh đèn xe cả hai bên thì ra hiệu, tôi liều mạng U-turn băng qua chỗ thấp nầy để sang lane chạy ngược lại. May mà xe lọt qua được bên kia nên trở ngược về thành phố chỉ mất chừng 10 miles. Hú vía, du lịch là phiêu lưu. Nếu xe chết máy, xe bể bánh… thì sao. Cũng có cách giải quyết, xin đọc hồi sau. II. Cách thứ hai là mua vé đi theo các hãng du lịch tổ chức. Thưa quí bạn đây là cách ít mệt, dễ dàng và ít tốn kém hơn cách thứ nhất. Chuyện đầu tiên là ra một văn phòng bán vé du lịch. Văn phòng nào cũng được, giá cả giống nhau, lý do là theo tôi biết mua vé nơi nào thì công ty du lịch cũng chỉ có một hãng mà thôi (chuyện vài năm trước). Giá vé tuỳ thuộc vào số người đi. Nếu một người ở một phòng thì mắc nhất, 3 người hay 4 người ở chung 1 phòng thì rẻ nhất. Phòng ngủ thường có hai giường đôi, mỗi giường ngủ được hai người lớn. Đôi khi gặp mùa ế người ta bán 2 vé tặng thêm 1 vé. Cũng có văn phòng du lịch bớt tiền huê hồng để tặng lại khách nếu mua nhiều vé. Nhớ là ngoài giá vé ra mỗi ngày mỗi người cho tiền tip tour guide và tài xế $5, có thể bây giờ cao hơn chút xíu. Văn phòng chánh của công ty ở bên Hong Kong và họ tổ chức cho toàn cầu. Dĩ nhiên còn nhiều công ty du lịch khác của Mỹ hay của Việt Nam mình, sẽ nói sau. Đến văn phòng bán vé du lịch bất cứ đâu, lấy cuốn sách quảng cáo về nghiên cứu. Giá cả in sẵn, có khi bớt giá xuống vào lúc thưa khách. Trong nước Mỹ thì mỗi tuần có cả chục chuyến đi liên tục thí dụ đi Yellowstone, đi Yosemite, đi Miền đông, đi San Francisco, đi Las Vegas- Grand Canyon….nói chung cùng khắp nước Mỹ, các bạn khởi hành bất cứ nơi đâu trên thế giới cũng được. Mua vé rồi chờ tới ngày ra bến xe (thường đậu trong bãi đậu xe của một cái chợ nào đó) lên xe là xong. Xe tour lớn loại chở 55 người có người hướng dẫn chuyên nghiệp theo đoàn. Xe chạy chừng 2 giờ thì dừng lại nghỉ mươi phút. Đến giờ ăn thì xe dừng tại quán xá nào đó, các bạn trả tiền ăn trưa và tối, ăn sáng thường khách sạn tặng miễn phí. Khách sạn thường là hạng khá khá vì những khách sạn nầy có ăn chịu với công ty du lịch nên họ mướn nhiều rẻ hơn chúng ta mướn. Nhưng các bạn cũng nên lưu ý là những khách sạn nầy thường ở nơi hẻo lánh, khá ế, có khi trời đã tối mà xe còn phải chạy một khoảng đường dài để đến khách sạn ở ngoại ô thành phố. Những địa điểm đến thăm đã được công ty du lịch chọn sẵn, tất cả mọi xe tour của các hãng khác nhau đều đi cùng tuyến đường như nhau. Tới chỗ nào hay thì xe sẽ dừng lại một lúc để du khách chụp hình ngoạn cảnh. Hướng dẫn viên hẹn giờ để khách quay lại xe, đôi khi có người về trễ đi kiếm cũng mệt lắm. Trên xe có chừng 50 người thường là dân khắp thế giới đến đây. Người địa phương là thiểu số. Nếu mua vé từ những văn phòng du lịch Việt Nam hay của người Hoa thì đa số khách đi chung là người vùng Đông Nam Á, thường họ không biết tiếng Anh. Hướng dẫn viên nói tiếng Hoa phổ thông, tiếng Tiều và tiếng Quảng, đang nói một hơi chúng ta không hiểu nên chẳng quan tâm, bỗng anh hướng dẫn viên bắt qua tiếng Anh không báo trước. Anh nói một hơi mọi ngôn ngữ lẫn lộn nhau nghe muốn khùng luôn. Về chuyện mua vé thì mua ở chỗ nào cũng vậy thôi, đi hãng nào cũng vậy thôi, nó đi cùng tuyến cùng giá và trao đổi khách lẫn nhau. Hôm nay các bạn có thể mang phù hiệu hãng A, ngày mai lên xe lạ hoắc hướng dẫn viên lạ hoắc, mang phù hiệu hãng B. Họ vẫn lo cho các bạn chu toàn. Họ bán các bạn qua xe khác vì xe trước có một mớ du khách vừa lên đường trở về nhà, chỉ còn lại vài mươi người đi tiếp. Chắc có bạn thắc mắc rằng nếu bạn ở tại miền đông nước Mỹ mà muốn đi tour một vòng Yosemite, San Francisco, Los Angeles, Las Vegas, Grand Canyon thì phải làm sao. Hay ngược lại các bạn đang ở Los Angeles mà muốn đi xe tour một vòng New York, Washington DC, thác Niagara thì làm cách nào. Thưa dễ ợt. Ra một tiệm bán vé du lịch, lựa ngày đi, lựa lịch trình, xong mua vé nguyên con bao gồm máy bay và tour bằng xe bus. Đến ngày đi cầm vé máy bay ra phi trường lên máy bay tự mình ên, hoặc với gia đình, hoặc với một nhóm bạn. Khi máy bay đáp xuống đi ra cổng các bạn thấy có người cầm tấm bảng nhỏ ghi tên các bạn. Người nầy đưa các bạn chìa khoá phòng ngủ, dẫn các bạn ra xe chở về khách sạn với một số người khác. Đến khách sạn cứ mò lên phòng nhìn đúng số, mở cửa vào ở. Họ dặn các bạn sáng hôm sau đúng 6:30AM tập trung trong phòng ăn sáng của khách sạn hay tại lobby, sẽ có hướng dẫn viên du lịch đến đưa các bạn đi chơi. Sáng hôm sau đúng giờ xuống lobby gặp mọi người “cùng thuyền”. Hướng dẫn viên sẽ cho các bạn số cell phone của anh ta, nhưng các bạn nên thủ luôn số phone emergency của công ty du lịch cho chắc ăn. Tour guide cẩn thận lắm, không bỏ rơi các bạn nửa đường xứ lạ quê người bơ vơ đâu. Cuộc du lịch nào cũng là chuyện phiêu lưu, bất ngờ xảy ra không hiếm. Nhận xét: Đi kiểu nầy thì khoẻ vì khỏi lo xe cộ, khỏi lo phòng ngủ, khỏi lo ăn uống, chỗ chơi thì người ta chọn nới đáng ghé trên tuyến đường rồi, cứ ngồi ngắm cảnh và chụp hình. Trong đoàn có hướng dẫn viên là người chuyên nghiệp biết rõ địa phương nên ít chuyện bất trắc xảy ra. Tôi có kinh nghiệm hướng dẫn nhiều nhóm bạn bè đi chơi, tuy chừng hai chục người trở lại, thấy quả thực nghề hướng dẫn viên du lịch mệt lắm, rất khó khăn và vất vả. Cái không ưng là nơi muốn ở thêm giờ cũng không được, mà nơi chán phèo cũng phải nán lại cho tới giờ xe chạy. Thứ hai là phải ăn ở những hàng quán ăn chịu với công ty du lịch có khi đồ ăn quá dở. Kinh nghiệm là khi xe dừng nơi quán Tàu nào đó, các bạn nhìn chung quanh, thường có những quán ăn Mỹ hay có khi quán ăn Việt Nam cách đó xa xa. Đừng có vào quán hướng dẫn viên chỉ định, vào đó có khi vừa chờ lâu vì đông người vừa không có món ưng ý, chờ restroom cũng mút mùa luôn. Thường xe tour dừng ở những khu buôn bán ăn chịu trước, những khu nầy thường bán mắc. Có khi công ty du lịch “bán” du khách cho các sòng bài. Thí dụ nếu tuyến đường đi qua Las Vegas thì thế nào cũng ngủ tại một sòng bài nào đó. Đó là lý do tại sao đi kiểu nầy rẻ hơn kiểu tự túc. Cái khổ nhất là tối bung rương “đồ tế nhuyển” ra, sáng sớm xếp vào rương dòm tới dòm lui coi có bỏ sót lại khách sạn món chi không, rồi lịch kịch kéo ra xe. Đi cruise khỏi lo chuyện nầy. III. Cách đi du lịch nhẹ nhàng, khoẻ và rẻ tiền nhất là đi cruise. Đây là chuyến đi nhẹ nhàng và phù hợp với sức khoẻ của các bạn yếu sức. So với hai loại du lịch trên thì đi cruise rẻ nhất, dĩ nhiên tôi viết theo kinh nghiệm bản thân, có thể có bạn có cái nhìn khác hơn. Chuyện đi cruise thì tôi mô tả nhiều lần lắm rồi, có cả hình ảnh trong Quán Ven Đường. Các bạn vào đó mà xem, có rất nhiều chuyến đi trong đó. Nhưng ở đây chắc cái mà các bạn cần là chuyện mua vé và những thứ kế tiếp trước khi xuống tàu. Câu mà tôi dặn các bạn ngay là dù các bạn cư trú tại Mỹ lâu năm, xuống bến tại Mỹ và đi một vòng lên bến tại Mỹ luôn, các bạn cũng phải có passport. Không có thì khỏi mua vé, mà mua vé rồi khi ra bến tàu không mang theo passport thì cũng khỏi lên tàu luôn. Thí dụ như vầy đi, các bạn xuống bến tại San Francisco, tàu cruise chạy vòng lên Alaska, rồi trở về đậu tại San Francisco để các bạn trở về nhà. Các bạn nghĩ là “tôi đi trong nước Mỹ, Alaska là một bang của Mỹ, tôi đâu cần passport”. Sai tuốt, có một cái luật lạ đời từ ngày xưa tới nay chưa bỏ, đó là các bạn xuống tàu cruise tại bến Mỹ, đi một vòng rồi đậu vào bến Mỹ mà các bạn lên đất liền và ở lại luôn thì sẽ bị phạt tới mấy ngàn đô la. Để tránh cái luật kỳ quái nầy, tàu cruise bắt buộc phải ghé vào một cảng ngoại quốc, dầu cho chỉ một vài giờ thôi, rồi trở về đất Mỹ để các bạn lên ở lại luôn thì mới khỏi bị phạt. Do vậy các chuyến đi Alaska bắt buộc phải ghé vào cảng Canada (thường là đảo Victoria). Mà hễ đã ghé qua ngoại quốc thì không có passport các bạn đâu được trở vào đất Mỹ. Luật nầy ít người biết đến dầu cho có đi cruise nhiều lần. Tánh tôi hay tò mò đọc giấy tờ do nhân viên tàu cruise bỏ vào phòng mỗi ngày mới phát giác được chuyện nầy. Mua vé qua internet, giá cả thay đổi hằng ngày có khi hằng giờ. Nên mua trước chừng ba bốn tháng, canh hoài hoài, tới lúc thấy rẻ mua ngay tức thì. Cabin tàu cruise nhỏ nhất chừng 120 square feet, nhỏ vừa để hai cái giường chiếc và khoảng trống để đi, nếu ngủ 4 người thì người ta kéo thêm hai giường treo bên trên ra. Nếu chịu ở 4 người 1 cabin thì giá rẻ hơn nhiều so với 1 người 1 cabin. Giá tiền tuỳ thuộc vào cabin sang, lớn, nhìn ra biển hay nhỏ xíu loại inside. Đó là ở thì phân biệt, nhưng bước ra nơi công cộng thì không có “phân biệt đối xử” đâu. Ăn uống như nhau, mọi thứ được phục vụ như nhau. Tôi đề nghị nhà nghèo như tôi nên mua vé inside, chúng ta chỉ ở trong cabin để ngủ thôi, còn hầu hết thì giờ thì ở bên ngoài, tàu rộng như cái thành phố nhỏ, thiếu chi chỗ chơi. Mua qua Internet (sẽ bày sau) các bạn có thể chọn được vị trí cabin trên tàu và chọn được sẽ ở tầng thứ mấy trên tàu. Thông thường tàu có chừng 15 tầng. Tầng thứ 7 thường là lobby là nơi buôn bán, là nơi hội họp đông người, thư viện thường ở đây. Tầng thứ 7 cũng thường là tầng có đường đi bộ quanh tàu. Tầng thứ 4 thường là cửa lên xuống khi tàu cập bến. Mua vé xong trả tiền bằng credit card, có số confirmation sẽ gởi qua email, in cái email nầy ra, hay mang số confirmation theo để làm thủ tục lên tàu. Nhớ tên tuổi ngày sinh phải y chang, tôi nói là y chang, ghi trong passport nghe. Nếu lỡ sai thì phải điều chỉnh trước ngày đi. Chuyện nầy không khó đâu, tôi thường mua vé cho đông người chuyện sai tên là thường. Nếu các bạn mua vé qua internet thì người ta sẽ gởi về các bạn một tập tài liệu dầy như quyển tạp chí, tha hồ mà đọc hay nghiên cứu mọi thứ. Trong tập hồ sơ nầy có cái tag dùng để gắn vào rương hành lý, nó có code màu, mỗi màu đi vào một tầng, các bạn nên dùng cái nầy gắn vô rương cho khỏi đi lạc. Ra bến lạng quạng lấy miếng tag trên bàn viết tên vào, mà quên để ý màu tag là có khi mệt vì cái rương đi lạc một vòng khá lâu có khi vài ngày. Ra bến check in giống như lên máy bay, cũng qua máy dò vũ khí, hành lý giao cho nhân viên tại bến, chẳng giấy tờ biên nhận chi cả. Xuống tàu rồi đi chơi một vòng, khi trở về là thấy mấy cái rương nằm ngay trước cửa cabin. Tôi không bị lạc hành lý, nhưng trong những chuyến tôi đi có người bị lạc. Do vậy chuyện quan trọng là thuốc men, giấy tờ nên cầm theo bên mình. Cũng nên cầm theo tay bộ quần áo để thay đổi nếu cái rương quần áo bị lạc trong một hai ngày vì nó chạy tuốt vào cabin nào đó tìm chưa ra. Trên tàu có máy giặt xấy công cộng, sang thì để cho nhân viên trên tàu giặt, mình chi tiền. Còn nhiều chi tiết về đi cruise trong Quán Ven Đường. IV. Bây giờ sang chuyện mua vé. Nếu các bạn đi tour bằng xe do hãng du lịch tổ chức thì nên ra văn phòng bán vé du lịch nào đó mà mua. Người bán vé rành tiếng Hoa và tiếng Anh lo giúp cho chúng ta mọi chuyện. Còn đi cruise hay đi tự túc thì nên mua vé qua Internet. Tôi mua như vậy rất nhiều lần, chẳng thấy trục trặc chi nhiều. Có nhiều website chuyên bán vé, có khi cùng ngày mà hai website bán giá khác nhau cho cùng một chuyến cruise. Dưới đây là hình ảnh vài webpage tiêu biểu. Trong bài nầy tôi cho hai webpage thôi, còn nhiều lắm, các bạn cứ tìm tà tà sẽ thấy. Các bạn lưu ý website Expedia lâu năm có uy tín, nên người ta bắt chước mập mờ lập website là exapedia http://www.exapedia.com/ (cái nầy dỏm). Ngộ lắm, cái quán “all you can eat hôm nay ăn khỏi trả tiền” của tôi tên là Quán Ven Đường. Vì thấy nó có đông khách vãng lai nên một vị nào đó lập quán theo lấy tên mập mờ là Quán Bên Đường để làm quảng cáo thương mại chi đó, tôi gặp một lần nhưng không quan tâm, chẳng biết giờ đây còn hay sập rồi. Các bạn thấy không Quán Ven Đường không có cái quảng cáo nào đính kèm theo hết, nó chay nhanh như gió. Món ăn thì đa dạng và nhiều hơn trên tàu cruise thập bội. Hay nhất là tất cả đều miễn phí, download bất cứ gì cũng tự do không giới hạn. (Bộ bạn ế khách sao mà quảng cáo dữ vậy). Các bạn điền cho đúng chỗ cần rồi search, sẽ thấy một list giá cả của nhiều hãng khác nhau. Cứ thử sẽ thấy là không khó chi cả. Cũng có thể các bạn mua vé ngay từ website của hãng cruise, tội chưa thử. Riêng về máy bay thì có nhiều lần tôi mua ngay từ website của hãng. Tiếp theo đây là một phần kết quả khi tôi search thử giá vé đi cruise từ Los Angeles sang Mexico. Các bạn nhìn nơi các mũi tên để so sánh giá tiền. Đó là giá tiền vé thôi chưa tính tiền phụ thu. Tiền phụ thu gồm có thuế, tiền xuống bến, tiền phụ thu xăng dầu khi giá mắc như bây giờ, ngoài ra còn tiền tip mỗi cabin $10/ngày. Nếu mua vé qua expedia nó tính thêm $15 chi phí. Có tàu thu $10/người/ngày. Trên nguyên tắc là các bạn có thể cho tip hay không cho. Nói chung hiện giờ nếu mua được vé tốn kém chung hết là $100/1 người mỗi ngày là tạm được rồi. Có bạn nói “như vậy mà bảo là rẻ!”. Thưa nó rẻ lắm, các bạn đi thì biết ngay, lên tàu các bạn y như ông Hoàng. Hát xướng xem miễn phí, movie chiếu trong rạp cũng miễn phí, giải trí chi chi cũng miển phí, phòng thể dục miễn phí, hồ tắm miễn phí. Ăn buffet 24/24 hàng trăm món loại khá ngon, bánh trái ê hề, toàn là bánh nổi tiếng của các quốc gia vang danh về bánh, và cũng nổi tiếng là độc hại luôn. Buổi ăn tối ngồi restaurant sang, kêu theo thực đơn. Tôi đọc thực đơn thấy y như đọc tiếng Ma Rốc dù cho nó ghi bằng tiếng Mỹ hay tiếng Italy. Thấy tên ngon lành lắm, kêu ra nuốt không vô. Có lần tôi gọi món escargot trứ danh “hạng nhất bên Tây”, nó nướng trong bơ hay sao đó. Thiệt tình ăn nó dở hơn ăn ốc bươu hay ốc gạo bên nhà. Rồi làm sao? Có sao đâu, kêu ngay món khác, gọi bao nhiêu cũng được, ăn trên tàu Cruise không có tính tiền, nhưng nên bỏ tiền tip cho hai anh (cô) bồi bàn. Trên tàu họ mướn người ngoại quốc nên trả lương rẻ lắm mà bắt làm việc cật lực. Tôi thấy người Á Đông bàn bên cạnh kêu mỗi người hai dĩa tôm hùm luôn. Bên bàn tôi chắc anh bồi muốn kiếm điểm thấy mọi người ăn hết con tôm của mình rồi, đi vòng vòng đưa tay vào dĩa nói “one more”. Vậy thì còn gì bằng, one more có sao đâu. Trong bụng tôi hơi ngại, nhưng bạn bè chung quanh có người thích một con tôm nữa thì sao, thôi nên lên tiếng trước để vui vẻ cả làng phải không. Tui nghi HCD trong bụng cũng thích mà làm bộ phân bua quá. Sao bạn nói trúng ngay boong vậy. Một bữa ăn gọi theo menu có hai người bồi bên cạnh, thực đơn và đầu bếp trứ danh, món ăn quốc tế trứ danh, ăn trên mặt biển, gọi bao nhiêu cũng được, các bạn tính coi giá tiền ăn phải là bao nhiêu cho một người. Vậy đi $100/1ngày là rẻ quá rồi. Kinh nghiệm đi cruise có nhiều trong Quán Ven Đường, bây giờ viết dài quá các bạn chán, khi cần các bạn vào đó đọc thêm và xem hình. Đường đi tới quán nơi đây (ßclick). Nếu vì qua email tam sao thất bổn không còn link thì các bạn dùng Google search ba chữ Quán Ven Đường không cần bỏ dấu. Trong đó có nhiều bài về du lịch vui hơn bài nầy, thí dụ như bài “Chuyến đi du lịch tình cờ” rất vui. Thời buổi nầy khó kiếm jobs tôi viết mấy hàng nầy mong có công ty du lịch nào cho một job làm bậy lấy tiền đi chơi tiếp. Thôi tạm gởi các bạn chừng nầy chuyện, sẽ thêm dần trong những ngày sắp tới. Đây chỉ là bản nháp, các bạn gởi email lại hỏi hay gợi ý tôi viết luôn vào ở phiên bản sau.
Ghi chú: Những phiên bản thêm chi tiết sắp tới sẽ bỏ trong Quán Ven Đường hay gởi qua email. Những thứ gởi qua mailing list MTC có khi không post trên Quán Ven Đường và ngược lại. Huỳnh Chiếu Đẳng (21-Jun-2010)
|