Giáo hội kiểu Việt Nam |
Tác Giả: Jacek Dziedzina | |||
Thứ Năm, 10 Tháng 6 Năm 2010 15:46 | |||
Bến Việt dịch từ nguyên bản tiếng Ba Lan - Nguồn: benviet.org Tuần báo giấy in thuộc hàng lớn nhất Ba Lan chuyên đề công giáo “Gość Niedzielny” (”Khách Chủ Nhật”) phát hành hôm 16 tháng 5 năm 2010 có ra mắt phụ san chuyên về Giáo hội Việt Nam nhan đề “Giáo hội kiểu Việt Nam”. Phụ san là kết quả chuyến công tác của 2 phóng viên bí mật tới Việt Nam, bằng vi-sa du lịch để được bí mật gặp gỡ các nhà hoạt động tôn giáo, nhân quyền tại Việt Nam. Chuyến công tác gần 1 tháng tại Việt Nam đã đưa hai nhà báo Ba Lan đi khắp miền đất nước, có mặt ở những vùng sâu, vùng xa chưa nhà báo Châu Âu nào có mặt. Đây là lần thứ 2, người Việt nhận được ân huệ đặc biệt khi có báo Ba Lan cho in riêng một phụ san nhiều trang chuyên đề Việt Nam. Phụ san đầu tiên in năm 2002 với hình thức đặc biệt bởi được dùng Việt ngữ, do nhật báo lớn nhất của Ba Lan là Gazeta Wyborcza thực hiện cùng một số nhà báo và thông dịch viên người Việt. Lần này, phụ san miễn phí được kèm theo tuần báo công giáo Gość Niedzielny, phát hành trên toàn Ba Lan. Phụ san 16 trang tổng hợp 3 bài viết. Bài đầu giới thiệu cảm nghĩ và mục đích của tác giả phụ san, một bài phóng sự dài về quá trình tìm hiểu giáo dân Việt trên nhiều vùng đất nước và một bài viết riêng về cuộc gặp với linh mục Nguyễn Văn Lý. Các bài viết của phóng viên Jacek Dziedzina đều đầy ắp thông tin sinh động, hóm hỉnh và chuyên nghiệp, xen kẽ nhiều hình ảnh chất lượng và độc đáo của phóng viên ảnh Romek Koszowski. Tấm hình tác giả mô tả là “tấm hình bi thảm nhất” chụp các thai nhi mới bị nạo hút bởi chương trình kế hoạch hóa gia đình, do các linh mục xin gom từ bệnh viện để làm lễ đặt tên và mai táng chúng. Bài phóng sự dài bắt đầu bằng nhận xét của các giáo dân, nói “Chúng tôi đang sống trong trại tập trung khổng lồ” và lời lý giải của tác giả phóng sự, rằng câu nói đó không hề cường điệu. Phụ san chuyên đề Giáo hội Việt Nam được xuất bản là sự kiện đặc biệt không dễ có được, bạn đọc cũng có thể chia sẻ cảm nghĩ và tri ân tới tác giả phụ san, kí giả Jacek Dziedzina qua địa chỉ email được công bố trong phụ san: This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it . Kí giả Jacek Dziedzina sử dụng các ngôn ngữ Anh, Pháp và Ba Lan. Việt Nam không chỉ dành cho khách du lịch Phải viết bài thế nào để đừng đốt chiếc cầu sau lưng và để còn có thể trở lại Việt Nam? Nếu muốn vậy, cách duy nhất là dừng viết ở đây. Việc các cơ quan chức năng quan tâm tới kết quả chuyến công tác gần một tháng của chúng tôi tại Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam dĩ nhiên là điều dễ đoán. - Tôi là người thuộc cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề cư trú của ông ở Việt Nam – một gã đàn ông, như vừa từ dưới đất chui lên, trong tay cầm ảnh của tôi, tự giới thiệu về mình như vậy giữa thủ đô Hà Nội. - Tôi chỉ nhắc rằng ông sử dụng thị thực du lịch. Mà chúng tôi lại nhận được tin, rằng ông đang có những hoạt động khác với mục đích trình bày trước đây – người phát ngôn này, hóa ra là “cận vệ” của chúng tôi. Thực vậy. Khách du lịch đâu có gặp gỡ các vị linh mục từng lãnh án nhiều năm tù, không gặp các luật sư bị trù dập hay các nhà truyền giáo nước ngoài hoạt động ngầm, đâu có tới các vùng núi non hẻo lánh bất khả xâm phạm đối với dân du lịch, nơi dân nghèo miền núi thuộc nhóm thiểu số H’ mong bị ép kí giấy nhận bỏ đạo. Khách du lịch không lợi dụng đêm tối để ngồi trên những chiếc xe máy bí mật đặt trước để tới được lễ mi-sa tổ chức chui tại vùng đất mà mọi hoạt động tôn giáo đều bị cấm đoán. Khách du lịch cũng chẳng bao giờ tham dự buổi tụ họp cầu nguyện bất hợp pháp bên điện thờ bí mật đặt trong cửa hàng điện tử. Khách du lịch cũng đâu phải tranh thủ từng phút chót để trốn thoát công an mật ở nhà quê, nơi người dân thôn dã từng biểu tình chống phá Thánh giá. Có điều là cớ gì, một cán bộ an ninh lại là kẻ chỉ định cho tôi đâu là du lịch và tới đâu không phải là du lịch nữa? Tất nhiên những cái đó không phải là tất cả sự thật về đất nước Việt Nam được cộng sản thống nhất 35 năm trước. Với những ai không thử chõ mũi vào những chỗ không cần thiết thì Việt Nam là một trong những đất nước yên bình nhất thế giới. Khung cảnh vịnh Hạ Long như trong chuyện cổ tích, di chuyển ngược dòng như điên rồ trên đường phố (thậm chí vỉa hè) bằng xe máy, hũ rượu vang tuyệt hảo gần Đà Lạt, mùi thơm ngọt của bánh làm từ gạo gói trong lá chuối và trên hết là tính cả tin và lòng nhiệt thành không đâu có được của người Việt Nam. Từng đó lý do đã đủ để ít nhất một lần trong đời dành ra vài tuần quên đi tiêu chuẩn Châu Âu và chạm tay vào miền Đông Nam Á. Có điều là chính quyền Hà Nội muốn sao chỉ cho bức tranh Việt Nam như vậy lọt ra bên ngoài. Tại sao Việt Nam và tại sao đúng lúc này? Từ lâu nay chúng tôi theo dõi các diễn biến tại Việt Nam nhất là hiện trạng giáo dân vốn là dân thiểu số chiếm từ 8% tới 9% trong tổng số 86 triệu dân Việt. Chỉ sau Philippin, Việt Nam là nước đông giáo dân nhất và đồng thời là Giáo hội phát triển năng động nhất Á Châu dù bị hạn chế và trù dập. Một đằng, các hãng truyền thông loan tin về chính sách nới lỏng của cầm quyền cộng sản đối với giáo dân công giáo, mặt khác, ở một số vùng, chính quyền trù dập giáo dân mạnh mẽ hơn. Chúng tôi muốn chính mình nghiên cứu Giáo hội Việt Nam tồn tại ra sao. Cơ hội đã tới, trên hết bởi lễ kỉ niệm 350 năm thành lập hai trụ sở truyền giáo đầu tiên tại Việt Nam và 50 năm thành lập Hội đồng Giám mục Việt Nam. Năm nay cũng là dịp kỉ niệm 35 năm ngày kết thúc chiến tranh với thất bại của Hoa Kỳ từng hỗ trợ Nam Việt Nam chống chọi với cộng sản miền Bắc. Tất cả các sự kiện mô tả trong những bài sau cũng như địa điểm và nhân vật đều có thật. Tuy vậy, bởi những lý do hiển nhiên, chúng tôi không thể công bố tên tất cả các địa danh và tên tuổi của tất cả các nhân vật. Ngay sau khi trở về Ba Lan, tôi đã nhận được tin rằng một số bạn hữu người Việt của chúng tôi bị công an bắt giữ và tra hỏi. Chúng tôi chỉ công bố tên của những người đã cho phép chúng tôi công bố. Có những người thậm chí khuyến khích chúng tôi: các anh cứ viết hết sự thật về hiện trạng Việt Nam, bài viết sẽ giúp chúng tôi nhiều hơn là câm nín. Chúng tôi ra mắt phụ san này bởi Ba Lan và toàn Liên Minh Châu Âu kí kết hợp đồng giao thương với Việt Nam mà không hề có đòi hỏi gì trong lĩnh vực nhân quyền, dẫu rằng chính quyền Việt Nam hãi sợ dư luận quốc tế, biết sợ hơn nhiều so với chính quyền Trung Quốc. Tuyển tập các bài viết dưới đây còn được gửi tặng các vị chính giới. Lâu tới mùa xuân (1) E-mail bị kiểm duyệt Viên hải quan với vẻ nhàm chán cộp con dấu cho phép nhập cảnh và đưa lại hộ chiếu cho tôi. Đường vào rộng mở. Nhưng tại sao khi tiếp tôi xong, ông ta ra khỏi buồng và nói chuyện điện thoại? Tôi đoán sẽ có “cận vệ” trong những ngày ở Việt Nam, chắc chắn ông này gọi điện để báo rằng chúng tôi mới tới… Ổn thỏa, hóa ra trong đám hành khách Aeroflot bay từ Moscow, tôi là người ra cuối cùng thế nên viên hải quan giờ mới có dịp gọi điện và duỗi chân. Tôi tự cười chê mình quá đỗi vấn nghi. Tuy vậy, tôi phải phân bua (với bạn đọc – BV) rằng tôi đã có tới gần hai tháng liên lạc với những người Việt hứa giúp đỡ khi chúng tôi tới Việt Nam: Tới Việt Nam qua Moscow bằng đường bay Nga, dẫu không thoải mái lắm, vẫn là lựa chọn tối ưu nhất vì những di sản lịch sử để lại. Chính cha đẻ của Việt Nam thống nhất là ông Hồ Chí Minh đã nhập nội chủ nghĩa xã hội từ Moscow. Ngoài ra thì hình như ban lãnh đạo hàng không Nga chưa kịp nhận ra rằng Liên Bang Xô Viết đã sụp đổ từ hai thập niên nay. Cho tới giờ mà trang phục của chiêu đãi viên hàng không vẫn chưa có gì thay đổi, vẫn đính trên tay lô-gô cũ với những biểu tượng như búa và liềm Xô-Viết. Dẫu rằng 5 năm trước, tôi vẫn thấy hoa tươi nằm dưới tượng Lê-nin hay ảnh Stalin đặt sau mặt kính xe tải quân đội Nga, nhưng đồng phục Xô-Viết của đội ngũ tiếp viên Aeroflot vẫn gây ấn tượng với tôi. Nhất là khi đội ngũ này dường như không bị đào thải kể từ thời Androtop. Nhưng như thế có lẽ lại hay: đỡ sốc hơn khi nhập cư vào Việt Nam, giúp ta chóng quen với màu đỏ nhan nhản khắp nơi trên loạt áp-phích mừng 80 năm hữu nghị với Anh Cả, bao phụ nữ trên máy cầy và khuôn mặt tươi cười của bác Hồ, vốn là tên gọi quen thuộc của lãnh đạo cộng sản Việt Nam đầu tiên. Hoặc chồng, hoặc nhà nước- Chỉ có điều là những thứ ấy không phải là di vật quá khứ còn sót lại. - Em hoàn toàn tin tưởng vào Đảng – Hiền, cô sinh viên Hà Nội nhanh chuyện và hồ hởi nói chuyện chính trị. Chúng tôi ngồi trên chiếc ghế bên hồ Hoàn Kiếm ngay giữa thủ đô, địa điểm ưa thích của các bộ ảnh cưới và các bài tập tai-chi buổi sáng. Hiền bỗng dưng xuất hiện không rõ từ đâu và hỏi có thể ngồi cùng hay không. - Em nghĩ rằng sẽ tốt hơn cho đất nước cũng như cho sự ổn định của nó nếu chỉ có một đảng cầm quyền mà thôi – cô nói hình như rất thật. Cô học lịch sử và muốn sau này làm giáo viên. Nhà nước bỏ tiền đào tạo các thầy cô giáo và sĩ quan công an tương lai nên Hiền không phải ưu tư chuyện kinh tế. Kết thúc đại học, cô cũng không phải lo sẽ không có tiền để sống. Giáo viên tại Việt Nam đang có giá. Rất lạ rằng giáo viên giảng dạy ở nông thôn kiếm nhiều tiền hơn là thành thị: khoảng 8 triệu đồng Việt Nam, tức là trên dưới 400 đô-la một tháng. Giáo viên ở thành thị chỉ kiếm được nửa khoản tiền đó. Hiền nói rằng chính quyền muốn bằng cách đó khuyến khích giáo viên đi dạy ở vùng xa. Còn giáo viên thành thị đằng nào cũng có nhiều cơ hội kiếm thêm bằng nghề khác. – Còn anh, anh làm nghề gì? – Hiền hỏi. Tôi trả lời trống lảng. Tôi xin lỗi cô sinh viên để lánh sang một bên nhấc điện thoại. Trong lúc nói chuyện, tôi thoáng thấy Hiền không còn giữ ý gì mà nháo nhác nhìn sang một hướng như thể đang tìm ai đó dù trước đó cô nói rằng không chờ ai cả. Lâu tới mùa xuân (2) 30 năm để thụ phong linh mục Cảnh vận hành trên đường phố Hà Nội phải được cho vào Danh sách Di sản Thế giới UNESCO. Kể cả ở những vùng Cận Đông, tôi cũng chưa bao giờ chứng kiến sự hỗn loạn trong phương cách vận hành tương tự như trên đường phố Việt Nam mà không gây tai nạn. Trong chuỗi xe gắn máy bất tận có khi có xe chở tủ tường cao hai mét hoặc mang con lợn ỉn bị trói đạp chân tứ phía, hoặc đèo theo dân du lịch thèm ấn tượng. Tất cả di chuyển theo phương cách giản đơn: tài xế không cần nghĩ có đi được hay không, mà chỉ quan tâm có cần đi hay không. Điều đó lý giải vì sao các ông tài lái xe máy ngược dòng đường một chiều hoặc len lỏi trên vỉa hè giữa các quán ăn di động với đống ghế nhựa. Trên một trong những ngả đường đông đúc nhất, ngay cạnh trung tâm của khu phố cổ là thánh đường Giuse xây từ hồi Việt Nam còn là thuộc địa Pháp. Đang giữa tuần nhưng cứ một lúc lại nghe tiếng cọt kẹt của ghế gỗ khi có người rời điện thờ hoặc vừa an tọa. Phần lớn đều là người trẻ. Chủ quản thánh địa, linh mục Antoni nói: chỉ riêng tại giáo phận này đã có tới 100 người tuổi trưởng thành nhập đạo mỗi năm còn riêng tại Hà Nội thì 300 mỗi năm. Vị linh mục ngạc nhiên bởi nguôn mặt ngỡ ngàng của tôi. Người dân tới đây rồi nghe được lời Chúa từ ngoài qua loa phóng thanh hoặc vào bên trong dự bài đọc, thấy hàng xóm láng giềng mình là dân công giáo và thế là người ta cũng muốn được là một thành viên trong cộng đồng công giáo – linh mục giải thích với tôi vì sao con số người nhập đạo lại lớn vậy. Trên toàn Việt Nam, khoảng 40 ngàn người tuổi trưởng thành nhập đạo làm con của Chúa mỗi năm – những người có liên hệ với Giáo hội Việt Nam cho biết. Tại Hà Nội, nhà dòng được chia làm hai khu bởi số người muốn học quá đông. Một khu có tới 168 chủng sinh học, một khu 150. Không thiếu người muốn thụ phong linh mục nhưng nhà nước hạn chế số chủng sinh được chúng tôi nhận vào nhà dòng – linh mục Antoni giải thích. Tuy vậy, có những học viên nhà dòng tại Hà Nội xuất thân từ các tỉnh khác không có nhà dòng, hoặc số lượng chủng sinh bị hạn chế khiến họ không thể nhập học để sau đó làm linh mục. Kể từ năm 1954, khi người cộng sản nắm quyền tại Bắc Việt và đuổi người Pháp đi, tới tận năm 1989 không một nhà dòng nào được hoạt động hợp pháp. Đôi khi có các hoạt động của một số đơn vị đơn lẻ với hạn chế nhập học, 6 năm mới có một học viên được nhập. Các vị linh mục tương lai phải học tập trong bí mật, như một trong những giám mục chúng tôi được gặp ở miền Bắc. Chúng tôi hẹn gặp lúc tối muộn, linh mục nhắc chúng tôi đừng để lộ tên ông. – Dẫu người ta vẫn biết các anh đang ở chỗ cha – vị linh mục nói một cách điềm tĩnh. Xe ủi giữa thánh đường Cạnh thánh đường và nhà dòng có ngôi nhà của Giáo hội bị lấy mất. Nay là trường phổ thông cơ sở nhà nước. Vấn đề sở hữu là một trong những xung đột lớn nhất giữa nhà nước và Giáo hội. Không xa thánh đường, trong một công viên nhỏ, tòa nhà đứng đó là nơi mà từ những năm 50 từng là tòa khâm sứ. Cộng sản thu hồi tòa nhà cùng lúc với thời điểm cắt đứt quan hệ ngoại giao với tòa thánh mà cho tới nay chưa gây dựng được lại. Hai năm trước giáo dân từng biểu tình ôn hòa và tổ chức cầu nguyện để đòi hoàn trả tòa khâm sứ, kết thúc bằng công an tới can thiệp và đánh đập. – Sinh viên tham gia biểu tình bị ghi danh và bị hạ hạnh kiểm ở trường – một trong những phụ nữ từng tham gia biểu tình tâm sự với tôi vậy. Đang là thứ bảy, cô rời thánh đường đầy ắp người, nơi lễ mi-sa buổi tối vừa kết thúc. Độ tuổi trung bình của những người dự lễ là 25. Rồi hàng người xếp hàng dài tới khoang xưng tội. – Truyền thông liên tục tấn công và bêu xấu chúng tôi còn chúng tôi thì chằng có cách nào tự vệ – cô nói. Quả thật, giáo dân Việt Nam không được có báo, đài phát thanh hay truyền hình của riêng mình. Ở miền Nam thì chỉ có một tờ báo mang tên “Công giáo và Dân tộc” hoàn toàn phụ thuộc chính quyền nhà nước, do vài ba “giáo dân yêu nước” thành lập để tuyên truyền khi cần tấn công hàng giáo phẩm. Người công giáo cũng không được thành lập trường học trên tiểu học, bệnh viện cũng không, người công giáo không được nhận vào cơ quan hành chính hay công an. – Chúng tôi đâu có muốn làm cách mạng, chúng tôi chỉ cầu nguyện cho Việt Nam được tự do – cô sinh viên nói tiếp Giáo xứ của “những kẻ phản động” Cha Peter Nguyễn Văn Khải nhiều lần giám chắc với tôi qua sms: “Đừng sợ, Chúa bên ta, chúng ta đâu có hãi sợ”, để trả lời cho quan ngại của chúng tôi liệu chúng tôi có gây thêm phiền toái khi lui tới thăm dòng Chúa Cứu Thế. Tất nhiên không phải lo cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ trở về Ba Lan còn những người chúng tôi gặp gỡ phải ở lại Việt Nam. Giáo phận Thái Hà có lẽ là cộng đồng công giáo được biết tới nhiều nhất tại Việt Nam. Và cũng là một trong những giáo phận bị chính quyền cảnh giác nhất. Chúng tôi tới hẹn bằng taxi nhưng không nói với bác tài xế địa chỉ mà yêu cầu ông đổ vài trăm mét trước điểm hẹn. – Chúng vẫn biết là các anh đang ở đây – cha Peter cười như vừa kể chuyện khôi hài độc đáo, chỉ cho chúng tôi xem máy camera treo trên cột. Trong phòng gửi đồ của nhà dòng, chúng tôi ngỡ ngàng được xem các tấm hình đã từng thấy từ trước với các giáo dân bị đánh ở Đồng Chiêm hồi tháng giêng vừa qua khi công an và quân đội tuân lệnh chính quyền trung ương phá hủy thánh giá trên đồi nghĩa địa. Máu đã chảy nhưng may thay không ai thiệt mạng. Các cha dòng Chúa Cứu Thế và các giáo dân đã tới Đồng Chiêm động viên dân chúng để rồi cũng bị đánh. Thái Hà, lễ mi-sa buổi tối giữa tuần mà nhà thờ chật người trẻ tuổi. Kể cả khi tính rằng 60% xã hội Việt Nam là những người chưa tới 35 tuổi thì con số người trẻ có mặt trong nhà thờ vẫn là điều đặc biệt. Vào Chủ Nhật, có tới 8 lễ mi-sa được cử hành cho khoảng 2 ngàn giáo dân mỗi lễ. Tại một trong những tòa nhà hiếm hoi chưa bị chính quyền chiếm dụng của dòng Chúa Cứu Thế, một vài thân hữu đã chờ sẵn. Luật sư Quân, có liên hệ với giáo phận, từng tu học tại Hoa Kỳ. Sau khi trở về Việt Nam anh bị tịch thu hộ chiếu bởi trong thời gian ở Châu Âu anh từng có những phát biểu phê phán chính quyền cộng sản. Anh cũng phải ở trong tù một thời gian. – Tôi đã quen với việc thỉnh thoảng tôi lại nằm trong sự quản lý chặt chẽ, nhiều khi tôi phải vắt óc tính sao ra khỏi nhà mà không bị phát hiện – anh nói với nụ cười trên môi. Tất cả mọi người trong nhóm này đều nói với sắc tươi sáng khi liệt kê những hiện tượng chính quyền miệt thị và trù dập. Vị truyền đạo, Antoni Nguyễn Văn Tang (cứ hai người Việt thì có một mang họ này, hưởng họ dòng vua Nguyễn) đang ngồi bên tôi cũng như vậy, anh đồng ý với tất cả những gì mọi người nói và mang kèm nụ cười sáng. Ảnh chụp anh bị đánh không lâu trước đây bởi muốn tới Đồng Chiêm từng được truyền đi khắp miền thế giới. Phần lớn đất đai của giáo xứ Thái Hà đã bị nhà nước tịch thu. Cũng tại đây, các cuộc biểu tình khổng lồ đã xảy ra khi chính quyền lại viện cớ xây công viên để đòi lấy đi một cách bất hợp pháp mảnh đất. Vào năm 2008, một số giáo dân Thái Hà trong phiên tòa giả tạo bị kết án tù bởi tham gia “chống chính quyền”. Hàng ngàn người cầm nến cầu nguyện đòi thả tự do cho những người này. Các cha dòng Chúa Cứu Thế thì bị luận tội “lật đổ chính quyền”. Kể từ đó, giáo phận Thái Hà liên tục bị giám sát. Những người Việt trong cuộc gặp gỡ mang cho chúng tôi xem các mảnh thân thánh giá bị phá nổ và lọ đựng hơi cay công an dùng để chống lại các giáo dân biểu tình. Trên lọ hơi cay, hàng chữ khắc rõ: Bộ Công An sản xuất. Anh luật sư hỏi địa chỉ e-mail của tôi. Tôi ghi địa chỉ lên giấy đồng thời cảm giác không khí xung quanh có phần căng thẳng. Có ai đó tiến tới vị luật sư nói lại tin gì đó. Vị luật sư nhanh chóng xé tờ giấy tôi đưa rồi nhét chúng vào sau ghế với tư thế bất an rồi ra hiệu cho chúng tôi hiểu rằng chúng tôi nên rời nơi đây. – Chúng ta liên hệ sau – với vẻ xao động mỗi lúc một tăng. Tôi kịp ghi lại địa chỉ của anh. Thánh giá bị phá Mãi tới những ngày cuối của chuyến công tác Việt Nam chúng tôi mới tới Đồng Chiêm. Trước đó, chúng tôi đi cùng với những người bạn của mình từ Hà Nội tới các giáo phận ở những miền quê lân cận. Lễ mi-sa mỗi ngày tiếp đón 600 người, trong khi giáo phận có tổng cộng 2500 giáo dân, tất cả đều là người hành đạo. Chúng tôi chuyển sang xe khác có kính đen, vượt qua đống đá được trải ra đấy để cản đường vào thôn kể từ ngày xảy ra sự kiện đẫm máu. Cây cầu duy nhất dẫn tới thôn kể từ hồi tháng giêng bị công an mật giám sát chặt chẽ. Hôm nay cây cầu có vẻ như được thông. Chủ chăn giáo phận nói: - Từ trước tới nay chẳng có nghi vấn gì xung quanh vấn đề sở hữu quả đồi, từ 200 năm nay thuộc về Giáo hội. Vấn đề nảy sinh khi người dân dựng thánh giá trên đồi. Quân đội, công an tới và thánh giá bị phá nổ. Cha phải tới trình công an và phải chứng kiến sự việc thánh giá bị dẹp. Cha lo cho giáo dân, sợ họ lại bị đánh nữa – Ô kìa, chính là tên công an từng tấn công cha – linh mục chỉ qua kính xe viên sĩ quan đã mấy lần rượt theo ông. Va-ly đã chuẩn bị sẵn Cha Khải nhiều khi gây cảm giác là mấy cái bẫy cộng sản giăng ra không làm cho ông mảy may bận tâm. Tuy vậy, hai ngày sau, khi chúng tôi đi Lạng Sơn, gần biên giới Trung Quốc, cha mời ba giáo dân cha tin tưởng đồng hành. – Hễ mỗi lần đi xa, cha đều đưa các anh ấy đi theo phòng khi bị công an bắt giữ. Hoặc có khi cha di chuyển bằng taxi với anh tài người công giáo. Nhiều khi công an giữ xe dọc đường, kéo anh tài xế sang một bên rồi hỏi hết chuyện nọ tới chuyện kia, để sau đó anh tài xế lại kể hết cho tôi nghe – vị linh mục nở nụ cười rốt ráo. – Trong phòng mình ở giáo phận, cha luôn có vài món đồ đã xếp sẵn, trong trường hợp nhỡ chúng muốn tới đưa cha đi. Cha sẵn sàng ngồi tù và chẳng sợ bị đi tù – linh mục nói giọng chắc nịch. Ông làm linh mục 10 năm nay nhưng trong một thời gian dài chính quyền không công nhận điều đó. – Chỉ mới gần đây cha mới làm linh mục một cách hợp pháp nhưng trong chứng minh thư của cha người ta vẫn ghi cha là nhà nông chứ không phải linh mục – vị linh mục cười lớn. Cha bề trên đề cử ông đi Rôma để theo học thần học thế nhưng chính quyền giữ hộ chiếu của ông, không cho ông đi. Cho tới tận hôm nay, hộ chiếu của ông chưa được hoàn lại. – Chắc chắn nếu giờ cha mà muốn đi nước ngoài, thế nào chúng cũng cho đi nhưng khi trở về, chúng sẽ không cho cha nhập cảnh, chúng muốn tống khứ những người như cha – vị linh mục nói. Ông hồi tưởng hai vị linh mục cũng dòng Chúa Cứu Thế bị mất tích trong trại tập trung những năm 50 tới nay không tìm được xác. Một trong hai người đó, truyền giáo Marcel Văn có thể sẽ được phong thánh tới đây. Trong trại, ông đã bị công an đánh cho tới chết vì muốn hỗ trợ tâm linh cho tù nhân cùng trại. – Phần lớn các trại tập trung đã được tụi cộng sản gỡ hủy để xóa bỏ tội ác trước kia. Thế nhưng cả đất nước chúng tôi là một trại tập trung khổng lồ – cha nói và trên mặt không còn lưu lại nụ cười. Giữa búa và liềm Lạng Sơn nằm giữa hai luồng ảnh hưởng rõ rệt, giữa cộng sản Việt Nam và cộng sản Trung Quốc. Lạng Sơn bị hủy hoại thời Trung Quốc xâm lược năm 1979. Đây cũng chính là nơi Hồ Chí Minh từng sống và sáng tác, thế nên chính quyền nơi đây mới mặc niệm ông Hồ bằng nhiệt huyết khó thấy trong quyết tâm nhấn chìm tôn giáo. Nhà thờ tại giáo phận Bin bị tàn phá năm 1979 đã được xây lại nhưng giáo dân ở đây thì hiếm như thuốc bổ. – Người dân hãi sợ, chính quyền gây sức ép để dân không tới nhà thờ – một trong những người sống trong những căn nhà nặn từ bùn gần nhà thờ nói vậy. Anh là một trong số ít các thanh niên dũng cảm xuất hiện trong nhà thờ. Chủ chăn giáo xứ từng là quân nhân. Ông rời quân ngũ bởi thấy quân ngũ, như ông nói, không giúp giành công bằng mà chỉ phụng sự đám cầm quyền. – Còn cha lại muốn sao phụng sự Chúa và người dân – linh mục nói. Không phải ông không từng gặp cản trở, ông từng phải chờ 2 năm để được nhập học nhà dòng. Ở những vùng Lạng Sơn ta nhìn thấy rất rõ thành quả kinh tế Việt Nam được thế giới trầm trồ thán phục chẳng có liên quan gì tới mức sống của hầu hết người dân. Chúng tôi đứng trên đỉnh núi Minh, 1,100 m trên mực nước biển cận kề với biên giới Trung Quốc. Ba công nhân xây dựng đang quay vần trong đống vữa và gạch. Họ kiếm được 5 đô-la cho một ca 10 tiếng đồng hồ lao động. Tức là 1 PLN (tiền Ba Lan – BV) cho một giờ. Và họ không biết rõ mình đang xây cái gì. Có người đặt họ làm là làm thôi, 5 đô-la đâu phải dễ nhặt được giữa đường. - Tụi chúng nó vẫn tới và gặng hỏi nhiều chuyện – một trong các thầy (sinh viên thần học – BV) nói. Vị giám mục của chúng tôi phải trình diện và bị công an tra hỏi. Hôm nay có vẻ êm thấm hơn nhưng bọn họ đang giám sát mọi chuyện. Thế nhưng trong lòng chúng tôi không thể có chỗ cho hận thù. Họ phải hiểu được rằng đấng ban niềm tin cho chúng tôi là tình thương, và tình thương đó sẽ có ngày chiến thắng. Linh mục Peter thì hoài nghi nhiều hơn: Chúng tôi tới Sơn La bằng cái matiz nhỏ chật, 5 người ngồi trong. Chúng tôi đổi thẻ điện thoại. – Bao giờ tôi cũng làm vậy để tụi chúng không biết tôi ở đâu – một trong những người chúng tôi được làm quen nói vậy. Sơn La là nơi mà mọi hoạt động tôn giáo đều bị cấm tiệt. – Đằng nào thì bọn họ cũng không thể nhận ra ai là linh mục nếu cha không vận áo choàng đen. Bọn họ cho rằng lễ cầu nguyện không nguy hiểm bằng lễ mi-sa – cha mỉm cười nói thêm. Có 3 người phụ nữ H’ mong đi cùng với vị linh mục của chúng tôi. Các bà các cô đây đã nhập đạo mấy năm trước. Trước đó, họ chỉ thờ tổ tiên như bao người. Họ trở thành người công giáo nhờ công lao của các nhà nữ truyền giáo lưu lạc. Ba người phụ nữ kể rằng sau khi họ nhập đạo, cán bộ huyện tới gặp họ và còn cho tiền để thuyết phục họ bỏ đạo. Trong một làng khác cách đó 100 km, ở sườn núi phía trên, chỉ có hai hộ gia đình nghèo là không lay chuyển khi bị đe dọa và vẫn duy trì đức tin. Hai năm trước, cán bộ xông vào nhà rồi vứt bỏ Thánh giá, tranh tượng. Người cha trong gia đình thấy thế liền nói: các anh có thể vứt hết nhưng rồi thế nào tôi cũng lấy lại được. Mà kể cả khi không tìm lại được chúng, các anh vẫn không thể vứt bỏ đức tin trong lòng tôi. Cha Khải nói: Điện thờ dưới quầy hàng điện tử Tối muộn, chúng tôi dùng bữa trong một quán ăn nhếch nhác nằm giáp biên giới Lào. Mấy người đầu bếp làm chả thịt chó bên chiếc ván nhưng chúng tôi đặt những món khoái khẩu khác. Khách du lịch thường không tản tới tận đây. Bác tài xế lái ô-tô chúng tôi quay đi quay lại mấy lần trong đêm tối. Cứ chốc lát ông lại điện thoại tới những người đang chờ chúng tôi. Hoặc ông lạc đường, hoặc phải làm vậy. Bác tài xế đột nhiên đưa xe vào một ngả đường tối mịt, dừng lại sau lối quẹo và 4 chiếc xe máy xuất hiện. Chúng tôi chuyển sang xe máy để chạy với tốc độ điên rồ biến vào bóng tối, mỗi xe một ngả. Mãi tới khi tới túp lều có chủ nhà chờ sẵn, chúng tôi lại gặp nhau. Túp lều đồng thời là tụ điểm của cộng đồng giáo dân trong vùng, người bố trong nhà đồng thời đại diện cộng đồng này. Chiếc bàn lung lay đặt trước ti-vi hôm nay được dùng làm bàn thờ. Lễ mi-sa đầu tiên sau mấy tháng trời, bắt đầu sau 23 giờ. – Dân làng nhiều khi bị công an gọi lên, bị dọa dẫm, bảo kí vào giấy bỏ đạo đã in sẵn – vị đại diện giáo dân nói. Ông nói tiếng Việt Nam mặc dù phần lớn người H’ mong dùng ngôn ngữ riêng của mình, hoàn toàn khác biệt. Những người bạn của chúng tôi từ Hà Nội giúp thông dịch. Trước kia, người dân ở đây chỉ biết cúng thờ tổ tiên. Vị lãnh đạo nhóm công giáo nói cuộc sống của ông tốt đẹp hơn kể từ ngày ông biết cầu nguyện tới Chúa Giê-su. Và thế là cả làng theo ông. Mới đây, một thầy giáo đảng viên tới đây ở với nhiệm vụ “cải đạo” dân làng. – Tụi cộng sản rõ ràng rất khó chịu bởi không ai trong làng ghi danh vào đảng. – những người tôi gặp nói. – Trong trường hợp chính quyền trên thành phố, vốn không biết nơi đây có điện thờ, kiểm tra, chính quyền xã sẽ bênh chúng tôi. – giáo dân nói. Ngay tại Sơn La, trung tâm của vùng, cũng có điện thờ hoạt động bất hợp pháp và chính quyền sở tại biết rõ điều đó. – Nhiều lần giáo dân bị bắt giữ – người lãnh đạo nhóm công giáo kể. Người lãnh đạo ở đây là người thế tục, như mọi nơi trong vùng. – Họ luôn từ chối và giải thích rằng trong vùng không có người theo Thiên Chúa. – ông kể giọng mỉa mai. Chính ông cũng đã nhiều lần bị bắt. Ông cho chúng tôi xem giấy tờ chính thức của chính quyền: Sẽ được thả Chúng tôi trở về thủ đô trong tĩnh lặng. Quân nhận được sms, rằng bạn anh, một luật sư ở Sài Gòn vừa bị bắt. Anh là bloger nổi tiếng, viết nhiều điều phê phán chính quyền. – Chúng phá cửa rồi dùng bạo lực bắt anh ấy đi… – Quân đọc nội dung sms. Hôm trước, Quân giảng giải với những người tụ họp bên điện thờ dưới hầm cửa hàng điện tử. Ngày hôm sau, anh kể cho chúng tôi biết đã nói gì với những người tụ họp tới nghe anh chăm chú. Câu chuyện thứ ba anh Quân kể với giáo dân: ở một giáo phận nọ giáo dân thành lập hội công giáo của các nhà kinh doanh. Kể từ khi các nhà kinh doanh cầu nguyện và ban phát tiền tài cho kẻ nghèo, họ bắt đầu có những hợp đồng làm ăn rất hời. Họ thấy kể từ khi trao số phận mình vào tay Giê-su, công việc họ làm tiến triển tốt. Tôi nói với giáo dân như vậy để họ không đầu hàng, để động viên tinh thần cho họ. Nới lỏng? Chúng tôi tới Huế miền trung Việt Nam sau 14 tiếng đồng hồ tra tấn trong chiếc xe bus lọc sọc. Thành phố lịch thiệp và êm ả hơn Hà Nội rất nhiều chủ yếu nhờ cung điện của vua khiến Huế nổi danh và mang âm hưởng thời thịnh vượng xa xưa. Huế nằm dưới vĩ tuyến 17, tức là dưới ranh giới chia Việt Nam làm hai đất nước khác biệt: Bắc và Nam Việt Nam sau hiệp định Ge-ne-vơ. Cộng sản lấy miền Bắc còn miền Nam lẽ ra phải là thung lũng dân chủ. Đã hơn một triệu người công giáo di cư từ bắc vào nam bởi e sợ gia tăng đàn áp. Thánh đường quốc gia ở La Vang cũng là nơi mang nhiều dấu chỉ của sự nới lỏng. Đây là địa điểm quan trọng nhất ở Việt Nam tôn kính Đức mẹ Maria. Quãng đường 50 km một chiều trước mặt là quãng đường thử thách lớn cho cột sống của người hành khách trên chiếc xe mô-tô cỡ nhỏ. Cuối thế kỉ thứ XVII, vào thời người công giáo bị đàn áp đẫm máu, người công giáo tới rừng này lánh nạn. Họ cầu nguyện cho hòa bình và giải thoát. Đức Mẹ khi đó hiện ra và hứa lời cầu nguyện sẽ được nghe thấu đáo. Chưa đầy 100 năm sau, nhà thờ được xây dựng tại đây nhưng sau đó bị người Mỹ ném bom thời chiến tranh Việt Nam tới nay vẫn còn dấu tích. Quân đội Bắc Việt không phá hủy nhà thờ bởi các chiến sĩ của họ bị thương được đưa vào nhà thờ trú ẩn. Tại Huế, chúng tôi gặp vị linh mục chịu trách nhiệm xây dựng giáo đường. – Trước kia giáo phận từng sở hữu 23 ha đất, năm 1961, cộng sản lấy đi gần hết chỉ để lại cho chúng tôi 6 ha. Thế nhưng gần đây có những đổi thay và được họ trả lại phần lớn, tổng cộng 20 ha – vị linh mục nói và cho xem dự án ban đầu của trung tâm hành hương. Một trong những vị linh mục nói: - Giáo hội tại Việt Nam nói chung rất thống nhất nhưng trong hàng giám mục cũng có những chia rẽ: miền Bắc theo hướng nhất định, chống cộng sản và không có thỏa hiệp. Các giám mục ở miền Nam thì dễ lùi bước hơn. Ở miền Nam mới có cộng sản 35 năm còn miền Bắc thì đã học được cách đối phó với cộng sản. Ở miền Nam, có vị giám mục, để được chủ quản giáo phận, phải đồng ý để vị linh mục vốn cộng tác với chính quyền giữ chức cha sở. Ông này làm cha sở liên tục trong 36 năm! Chuyện tương tự không thể xảy ra trong điều kiện bình thường. Ngoài ra, chủ giáo phận còn phải đồng ý không dẹp 2 vị linh mục có vợ con, bởi những linh mục này cũng là cộng tác viên của chính quyền. Theo tôi thì các vị linh mục đã cộng tác với cộng sản không phụng sự được gì cho dân tộc mà họ thực chất là những kẻ khốn khổ. – vị linh mục nói đanh sắc. Tới nay, ở Việt Nam người ta vẫn nhớ tới vị hồng y Nguyễn Văn Thuận đã mất mấy năm trước, người từng ngồi tù cộng sản mười mấy năm ròng. Trong tù, vị linh mục cầu nguyện bằng cây thánh giá làm từ dây thép. Ông không thỏa hiệp với chính quyền. Khi ông có điều kiện rời Việt Nam, chính quyền không cho ông trở lại nữa. Ngày hôm nay, có thể coi tổng giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt cũng có thái độ cứng rắn như vậy. Đúng vào thời điểm chúng tôi tới Việt Nam thì ông đi Rôma chữa bệnh. Từ lâu nay, ông bị kiệt sức bởi chứng mất ngủ. Cuộc sống liên tục trong căng thẳng bởi chính quyền bạo hành đã mang tới những hậu quả nhất định. Hàng trăm giáo dân, không chỉ có giáo dân địa phận của ông, tới chia tay tiễn ông đi chữa bệnh. Vị tổng giám mục từng có can đảm nói thẳng với chính quyền: “Tự do tôn giáo là quyền lợi, chứ không phải là ban phát”. Trước kia, khi còn là chủ chăn ở Lạng Sơn, ông từng đi bộ từ giáo xứ này tới giáo xứ kia để thực hiện sứ mệnh linh mục. Cộng sản làm tất cả để xóa sổ vị giám mục nầy khỏi địa bàn Hà Nội, ép ông từ chức. Một vị linh mục dòng Phanxicô từ Sài Gòn nói rằng: ông hơi buồn bởi trong sự cứng rắn của mình, vị tổng giám mục dường như cô đơn trong hàng giáo phẩm Việt Nam. Ví dụ như mới đây thôi, một viên phụ tá được thụ phong cùng quyền thừa kế. Điều này cho thấy việc đẩy tổng giám mục đi nơi khác chỉ còn là vấn đề thời gian. Hình như ở Việt Nam chẳng ai thích tên gọi thành phố Hồ Chí Minh. Tên gọi ngắn và duyên dáng Sài Gòn vẫn được dùng trên xe bus. Vào ngày 30 tháng Tư, khi quân đội bắc Việt ồ ạt đổ về Sài Gòn, dùng xe tăng đạp đổ tường trụ sở chính phủ miền Nam, ai cũng biết đổi tên chỉ là một trong những yếu tố của trật tự mới. Tuy vậy, ngày nay, Sài Gòn tạo cảm giác là một thành phố hiện đại, thì thoảng gợi nhớ khung cảnh Boston. Kể cả bầy chuột chạy giữa trung tâm thành phố không thể thay đổi sự thật, rằng Sài Gòn đã trở thành biểu tượng của những ham muốn tư bản trong đám cận thần của đảng, đi theo đường của cộng sản Trung Hoa, thực hiện “thị trường tự do theo chủ nghĩa xã hội” kể từ năm 1986. Nơi vương cung thánh đường Đức Bà buổi tối, 3 nhóm giáo dân thay nhau canh tượng Đức mẹ Maria. 5 năm trước, tượng mẹ khóc như một số nhân chứng đã thấy. Kể từ đó, ngày nào cũng có cầu nguyện vài giờ dưới tượng. Tương tự như vậy tại nhà thờ Đa minh, những ngày trong tuần có lễ mi-sa lúc 5 giờ sáng với khoảng 80 giáo dân, buổi tối thì trên 300. Tại Việt Nam, dòng ba Phanxicô quy tụ tới 100 ngàn hội viên. Có thể có cảm giác rằng tự do tôn giáo đang nở rộ. Linh mục N làm sáng tỏ hơn vấn đề này. Ông là vị truyền đạo từ nước ngoài tới dù gốc ông là người Việt Nam. Dòng của ông không được chính quyền công nhận. Ông không được nhận vào đại học bởi cha của ông từng phục vụ trong quân đội miền Nam. Ông tu học ở nước ngoài và thụ phong linh mục cũng tại nước ngoài. – Cha phải làm lễ mi-sa bí mật trong nhà, có khi tại nhà thờ cùng với các vị linh mục khác nhưng cha sợ bởi bất cứ lúc nào bọn họ cũng có thể vào và hỏi cha có giấy phép hay không. – linh mục N nói. Cha của ông bị đẩy vào tù cải tạo, mãn hạn tù phải đạp xích-lô bởi không được lao động theo nghiệp kĩ sư. – Chính quyền Việt Nam hoàn toàn xa rời các khó khăn người dân gặp phải. Cha biết có những gia đình còn không có được một kg gạo bởi phần lớn gạo của Việt Nam bị mang cho Trung Quốc. Chính quyền làm vậy nghĩa là sao? Không lẽ đang đền ơn Trung Quốc hỗ trợ thời chiến với Mỹ chăng? – vị linh mục hỏi. Ông cũng có so sánh tương tự trong việc chính quyền Việt Nam hiến cho Trung Quốc mỏ nhôm ở nam Việt Nam. Vấn nạn khác là tham nhũng kể từ những bậc chính quyền cao nhất vốn chẳng có ai giám sát. Và cả những bước lùi với Trung Quốc trong vấn đề 3 quần đảo bị chiếm. Đảng viên cộng sản chống lại hiện tượng này giờ đã ngồi tù. – Cha biết rằng cha rất mạo hiểm khi gặp anh, nhưng anh cũng mạo hiểm khi tới đây gặp cha. Thế nhưng cha chẳng sợ gì tụi chính trị gia. Chúa Giê-su cũng đâu có sợ. Nhiệm vụ của cha là phụng sự người nghèo, rao truyền thánh kinh. Cha tin rằng tới ngày nào đó, tình thế sẽ đổi thay. “15 năm trong tù” 3 năm trước, cả địa cầu lan tràn hình ảnh của vị linh mục đang bị còng tay trong phiên tòa trá hình rồi bị viên công an bịt miệng. Chúng tôi gặp được người tù nhân lương tâm nổi tiếng nhất của Việt Nam. Chúng tôi đâu có ngờ mình có thể gặp được nhà phản kháng này. Tại Ba Sao, một trong những nhà tù khắc nghiệt nhất ở Bắc Việt, chỉ có người thân và một vài cha được đến thăm – duy nhất hai lần. Chúng tôi đã hẹn và định đi thăm người em ruột của linh mục hiện đang sống ở miền Nam. Nhưng bỗng nhiên, những người cung cấp tin cho chúng tôi biết là linh mục Lý bất ngờ được tạm tha, ra ở tại ngoại trong vòng 12 tháng. Từ lâu nay, một số cơ quan quốc tế hậu thuẫn vận động tự do cho ông. Tình trạng sức khỏe của linh mục yếu kém dần mỗi tuần, ông đã vài lần bị nhồi máu cơ tim, chân trái và tay trái hầu như đã bị tê liệt. Cần can thiệp cấp bách của bác sỹ chuyên khoa. Nhưng chính quyền vẫn không chịu đồng ý thả ông ra khỏi nhà tù. Cho đến tận tháng Ba vừa qua. Thâm niên lâu nhất Chỉ hai ngày trước đó, chúng tôi ở Huế mà chẳng mảy may nghĩ có chuyện gặp được cha Lý. Theo đúng kế hoạch, chúng tôi vào Sài Gòn ở tận miền Nam. Vào tới Sài Gòn, chúng tôi nhận được tin là linh mục Lý đã được thả có điều kiện và hiện đang ở nhà riêng ở … Huế, tại giáo phận quê hương của mình, mục đích là chữa bệnh. Tất nhiên, ngay lập tức, chúng tôi thay đổi kế hoạch của mình và chưa thể bay thằng từ Sài Gòn ra Hà Nội, mà lại phải quay lại miền trung Việt Nam. Chúng tôi tìm cách gặp cha Lý qua nhiều kênh khác nhau: nhờ các người bạn Việt Nam đáng tin cậy, đồng thời nhờ những người Mỹ bên kia đại dương phụ trách điều phối. Mặc dù rất cẩn trọng, nhưng chuyến viếng thăm của chúng tôi ắt được các cơ quan an ninh thẩm quyền biết tới. Tại ngôi nhà giáo phận dành cho người hưu trí, người bạn thân cận nhất của linh mục Lý đón chờ chúng tôi. Ông dẫn chúng tôi đến một căn phòng nhỏ với cửa sổ có chấn song sắt. Sau chiếc bàn gỗ, một người đang ngồi, khá cao so với vóc dáng người Việt. Nét mặt tươi sáng hoàn toàn không tiết lộ quãng thời gian dài bị tù đày trong các trại giam. Chỉ có gò má hóp, một phần thân thể bị liệt và những bước đi cà nhắc mới tiết lộ cho ta tình trạng sức khỏe thực sự của ông. - Rất nhiều linh mục đấu tranh với chế độ độc tài. Nhiều linh mục cũng ngồi tù. Nhưng cha Lý là người duy nhất ngồi tù lâu như thế - người bạn của cha Lý nói vậy để sau đó cả hai nổ tràng cười dòn tươi. Tôi rồi cũng đã quen với kiểu kể chuyện như vậy, rất ư độc đáo của người Việt Nam khi nói về những sự kiện bi thảm nhất. – Ở đây cha có căn phòng rộng hơn chút xíu, chứ ở Ba Sao thì chỉ được có 15 mét vuông – Cha Lý vẫn tươi cười nói với chúng tôi. 600 chọi 1 Lần đầu tiên chính quyền bắt ông vào năm 1977, lúc vừa mới thụ phong linh mục đồng thời giữ chức thư ký riêng của Tổng giám mục Huế Nguyễn Kim Điền, khi cha Lý phân phát tài liệu của vị chủ chăn của mình, người dám viết những bài phê bình cộng sản đàn áp và cấm đóan tự do tín ngưỡng. Cha Lý bị lãnh mức án tù 20 năm và bị đi đày tới trại cải tạo ở ngoại ô thành phố Huế. Nhưng chỉ vài tháng sau, ông được thả tự do, nhưng lại bị cấm mọi hoạt động tôn giáo với cương vị linh mục. Mặc dù bị cấm nhưng cha Lý vẫn tiếp tục giảng dạy thánh kinh. Vào tháng Giêng năm 1983, chính quyền ra lệnh cho ông phải rời bỏ thành phố. Ông trả lời bằng một lá thư viết cho chính quyền, trong đó ông buộc tội chính quyền vi phạm tự do tín ngưỡng. Tại giáo phận nơi ông sinh sống, nhiều con chiên tập trung phản đối quyết định nói trên của chính quyền. Cha Lý không bỏ Huế ra đi để tới ngày 18 tháng Năm, lực lượng an ninh tràn vào nhà áp giải vị linh mục cứng đầu ra đi. Lần này, ông lãnh bản án 10 năm tù. Ông được tha vào năm 1992, nhưng công an liên tục theo dõi ông và vẫn tiếp tục cấm không cho ông họat động tôn giáo. Một năm sau, cha Lý công bố bản tuyên ngôn, trong đó ông viết 10 điểm về những đàn áp tôn giáo ở Huế của chính quyền. Vào năm 2001, tới 600 sĩ quan công an được cử đến giáo phận Nguyệt Biểu để bắt linh mục Lý. Lần này thì ông lãnh bản án 15 năm tù. Cũng như những lần trước, nhờ áp lực quốc tế, cha Lý không phải ngồi tù đến hết bản án, được thả tự do vào năm 2005. Ông vẫn liên tục trả lời phỏng vấn, kêu gọi tẩy chay chính quyền và cái gọi là “bầu cử”. - Xung quanh cha càng ngày càng đông người. Vào năm 2006 chúng tôi công bố “Bản tuyên ngôn tự do và dân chủ cho Việt Nam” – nhân vật phản kháng nói với chúng tôi như vậy bằng tiếng Anh còn kém chuẩn. Nhóm chống đối này được gọi là “Khối 8406”, lấy từ thời điểm bản tuyên ngôn được công bố: mùng 8, tháng Tư, năm 2006. Với sự ủng hộ nồng nhiệt ở trong nước và nước ngoài, tờ báo xuất bản ngầm nhan đề “Tự do” ra đời, sau đó, cùng với giới trí thức ở Hà Nội, trang web “Tự do và Dân chủ” được thành lập, và rốt cuộc, Đảng Thăng Tiến Việt Nam xuất hiện cùng Hiệp Hội Công đoàn Tự do Độc lập, rồi Ngày của Người áo trắng. Vì những họat động của Khối, linh mục lại bị bắt lần nữa. Tháng 3 năm 2007 ông lãnh bản án 10 năm tù. Hình ảnh nổi tiếng chụp vị linh mục bị còng tay trong phiên tòa khi nói lớn: “Tự do ngôn luận cho Việt Nam” bị viên cảnh sát bịt miệng đã trở thành biểu tượng dễ nhận biết trên toàn thế giới về hiện trạng đau lòng không chỉ của những người theo Thiên chúa tại Việt Nam. 2 giờ đêm, trên thềm đá - Mãi cho tới năm ngoái cha mới có được sách Kinh thánh trong phòng giam – ông đẩy sang cho chúng tôi một quyển sách cũ có các trang cong rách. – Cha cũng có một bộ đồ tự tạo bí mật để làm lễ mi-sa – ông vừa cười vừa nói và cho chúng tôi xem một hộp nhựa nho nhỏ, từ trong đó ông rút ra một bầu rượu vang nhỏ xíu, một chiếc khăn quàng cổ tí hon trông giống chiếc băng đeo nơ, rộng cỡ 3 cm cùng một hòn đá phẳng hình vuông để làm bàn thờ. – Những tội nhân ngồi tù trong những phòng giam bên cạnh đã giúp cha đấy – Ông giải thích. Ông tổ chức cầu nguyện trong căn phòng của mình hàng ngày vào lúc 2 giờ đêm, ít nhất là một tiếng đồng hồ. – Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất nước được đổi thay – Ông cho mọi người hiểu rằng mình sẽ không bao giờ dự định ngồi im, bất chấp hậu quả. – Linh mục Jerzy Popieluszko của các bạn là thần tượng của chúng tôi – cả hai người “phản cách mạng” cùng cười và nói như vậy. Chúng tôi kể cho họ biết có lẽ là vào tháng Sáu tới, lễ phong chân phước cho vị cha đỡ đầu phong trào “Đoàn Kết” sẽ được thực hiện. Có lẽ phong thánh chứ? Hai người hỏi lại vì họ ngỡ tưởng Popieluszko đã được phong chân phước từ lâu rồi. Mặc dù linh mục Lý bị tù đày nhưng “Khối 8406” với cương vị bất hợp pháp vẫn hoạt động bình thường. Hiện nay đã có khoảng 15 ngàn thành viên, không chỉ người Thiên chúa giáo. Họ có bí mật xuất bản sách vở, báo chí, 40 thành viên của Khối đã bị ngồi tù. - Chúng tôi vẫn chiến đấu, cho đến tận khi nào Việt Nam được tự do – Cha Lý cam đoan như vậy. - Tất cả thanh niên Việt Nam đều phải học lý thuyết Mác, Lênin và Hồ Chí Minh. Chính quyền ép buộc phụ nữ phải giết bỏ thai nhi, không cho sinh đẻ. Cộng sản đã chiếm đoạt các khu nhà tu niệm và đất đai của chúng tôi. Các quyền lợi cơ bản của chúng tôi luôn bị chà đạp. Tự do tín ngưỡng thật sự không chỉ là việc cho phép lui tới nhà thờ. Tự do tôn giáo còn phải là quyền phong chức cho linh mục và giám mục mà không cần phải hỏi đến ơn huệ của chính quyền. Giáo hội cũng phải được phép xây dựng trường học mọi cấp. Chúng tôi vẫn chưa có được báo chí và kênh truyền hình riêng của mình … – Linh mục Lý liệt kê một mạch nỗi niềm đau xót của người Công giáo Việt Nam. – Trong năm tới, vào tháng Ba, khi hết hạn được tự do có điều kiện 12 tháng, cha sẽ yêu cầu chính phủ Việt Nam cho phép không quay lại nhà tù nữa. Nhưng cha chỉ tin vào Chúa, cha không sợ gì hết, thậm chí nếu lại phải tiếp tục ngồi tù – Cha Lý nói một cách dứt khoát như vậy. Khi chia tay, ông đưa cho tôi một mảnh giấy, trong đó, khi ngồi trong tù, ông đã viết lời cầu nguyện rất giản đơn mà hàng ngày được ông nhắc tới: “Lạy Chúa! Xin Ngài hãy ban cho tất cả mọi người được cứu rỗi, tính can đảm và sự bình an”. Như thường lệ, cũng như gia đình ông khẳng định, ông không yêu cầu xin ban cho mình được trả tự do.
|