Home Đời Sống Tài Liệu Bi kịch sau cánh cổng tòa thánh Vatican

Bi kịch sau cánh cổng tòa thánh Vatican PDF Print E-mail
Tác Giả: Sưu tầm trên net   
Thứ Tư, 09 Tháng 6 Năm 2010 09:33
Ẩn đằng sau những vụ án thương tâm này là các thế lực bí mật dạng hội kín đầy quyền uy trong Vatican


Vợ chồng Đại úy A.Estermann trong
một lần diện kiến giáo hoàng
 Jean Paul II.


Tân Đại úy Alois Estermann 43 tuổi vừa được cất nhắc vào cương vị đầy mơ ước: cầm đầu đội vệ binh Thụy Sĩ hay "đạo quân của Chúa" - như người ta thường gọi lực lượng bảo vệ riêng cho Giáo hoàng. Là con trai của một nông dân sùng đạo ở làng Gunzwil thuộc địa hạt Lucerne thuộc vùng nói tiếng Đức ở Thụy Sĩ, được giáo dục theo truyền thống Công giáo nghiêm khắc và Alois đã phục vụ bên cạnh Đức Giáo hoàng suốt 18 năm qua. Thậm chí anh còn dám xả thân vì đấng tối cao nữa.

Ngày 13/5/1981, A.Estermann đã dũng cảm lao ra đứng chắn các làn đạn mà tên khủng bố người Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Ali Agca nhắm vào Giáo hoàng Jean Paul II trên Quảng trường Thánh Peter giữa Vatican. Gần 2 thập niên sau, Alois Estermann được phong chức chỉ huy đội vệ binh Thụy Sĩ. Anh là người đầu tiên không thuộc dòng dõi quý tộc nắm giữ  chức vụ cao cả này, một phần thưởng xứng đáng cho lòng quả cảm và trung thành tuyệt đối của Alois, tuy rằng có thể hơi muộn màng...

Nhưng viên sếp mới chưa kịp sống tới lễ nhậm chức diễn ra vào ngày 4/5/1998 nhân lễ tiếp nhận 40 vệ binh mới. Chỉ vài giờ trước khi lễ nhậm chức được cử hành, bi kịch đẫm máu với 3 người chết đã xảy ra trong căn hộ của A.Estermann. Anh bị bắn 2 phát đạn vào ngực và mặt, phát đạn thứ ba nhắm trúng vợ anh - bà Gladys Meza Romero, 49 tuổi, Tiến sĩ Thần học, nhân viên của Đại sứ quán Venezuela tại Rome. Viên đạn thứ tư hung thủ dành để kết liễu đời hắn.

Mọi sự diễn ra sau những bức tường thâm nghiêm của Tòa thánh Vatican- giữa hai người lính tin cẩn của Giáo hoàng. Rồi nhiều tin đồn, nhiều giả thuyết được lan truyền giống như nhiều câu chuyện bí ẩn khác trong lịch sử của giáo hội... Tuy rằng Đức hồng y Navarro Valls, người phát ngôn của Vatican đã nhanh chóng dập tắt mọi lời đồn đại bằng câu: "Các hành vi đều đã được làm sáng tỏ" (?!). Điều mỉa mai cay đắng nhất rằng cái tước hiệu chưa được nhận lại chính là lý do thúc đẩy thứ hành động ngu ngốc đáng sợ.
A.Estermann bên phải Giáo hoàng ngay khi ngài vừa trúng đạn.

"Cơn xúc cảm bột phát" hay "hành động vô thức" là những mỹ từ được người ta dành cho tên sát nhân đã tự vẫn Cédric Tornay, để rồi hắn được chôn cất cùng các nạn nhân "trong sự bao dung vô biên của Chúa trời". Điều hiển nhiên Tornay muốn "loại trừ sự ô nhục trong một bộ phận giáo chức quý tộc tinh túy", như lá thư tuyệt mệnh mà hắn gửi cho gia đình, đã minh chứng cho việc báo thù của Tornay.

Tuy đã  hơn một thập niên "vụ kỳ án gây chấn động Vatican", những giả thuyết đầy kịch tính vẫn còn đó. Phải chăng chàng vệ binh trẻ tuổi Cédric Tornay đẹp trai và nhu mì từng có mối quan hệ "trên mức tình cảm" với G.Romero, người đàn bà quyền uy mang quốc tịch Venezuela đang mắc chứng vô sinh? Thế còn cái ly uống rượu vang thứ tư, mà người ta tìm thấy trong căn hộ của Estermann là của ai vậy? Được biết Alois và Gladys vừa mới sửa soạn bàn tiệc mời bạn bè tới dự lễ thăng chức, thì kẻ sát nhân bấm chuông cửa nhà họ. Phải chăng hung thủ chính là người đã uống chiếc ly thứ 4 ấy? Và tại sao Vatican tự "giải trình" tất cả, mà không cần đến sự can thiệp của Cơ quan Cảnh sát hình sự Italia?
Giáo hoàng Jean Paul II trước linh cữu của hai nạn nhân lẫn hung thủ.

Các giả thuyết còn lan sang lĩnh vực phản gián. Từng xuất hiện cả hồ sơ của Stasi (Cơ quan Phản gián Đông Đức cũ), qua đó cho thấy trước đấy hơn 10 năm, A.Estermann từng là điệp viên của Stasi. Nhưng Vatican cực lực cải chính nguồn tin này. Rồi cả nguyên nhân kinh tế cũng được nêu ra. Ví như một vệ binh bình thường chỉ nhận được chừng 1.000 USD/tháng, trong khi một sĩ quan nhận tới 4.500USD/tháng. Ngoài ra, chỉ có cánh sĩ quan mới được phép lấy vợ trong thời gian phục vụ Giáo hoàng (có cả thảy 23 sĩ quan so với 100 vệ binh).

Từ năm 1527, lực lượng vệ binh bên cạnh Giáo hoàng chỉ toàn người Thụy Sĩ, vì "lòng trung thành quả cảm phi thường của họ" như  một thỏa thuận hồi ấy đã ghi. Họ phải là những chàng trai cao ít nhất 1m74, đã phục vụ trong quân đội Thụy Sĩ và có chứng nhận nhân thân tốt qua viên tổng giám mục địa phương. Họ biết rành võ karate, cũng như sử dụng thuần thục các vũ khí cá nhân hiện đại. Viên sếp cũ Roland Buchs đã đến tuổi nghỉ hưu, ông ta quyết định trở về quê hương phụ trách an ninh cho Quốc hội Liên bang ở Bern. Alois Estermann được đích thân Giáo hoàng Jean Paul II chỉ định vào cương vị mới...

Một người bạn của Cédric Tornay, đề nghị được giấu tên, khẳng định trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng, "dưới bộ cánh bóng bẩy của những binh sĩ làm thuê cho Vatican, là sự quy tụ muôn nỗi bất mãn chán chường của lối sống trại lính khắc khổ, cũng như những hình phạt tàn nhẫn cho dù chỉ phạm một lỗi lầm nhỏ nhất...".

Bất chấp những điều dị nghị, Vatican - quốc gia nhỏ bé nhất hành tinh - vẫn sống với những tập tục truyền đời. Các cánh cổng được khép lại hàng đêm, tách biệt Vatican với thế giới bên ngoài. Âu đó cũng là một trong những phương cách để giữ gìn những điều bí mật thâm nghiêm.

Hay như lời khẳng định của Rolf Nionlist, con trai của một cựu sĩ quan chỉ huy lực lượng vệ binh Thụy Sĩ, người trước đây nửa thế kỷ cũng bị một cựu vệ binh bắn lén từ phía sau nhưng không chết: "Tương tự vụ án mạng vào giữa năm 1998 vậy, Vatican ngừng mọi cuộc điều tra ngay sau khi cuộc ám sát xảy ra. Và cũng như trường hợp trước đây với cha tôi, sự thật không bao giờ được đưa ra ánh sáng. Mãi mãi là vậy! Cha tôi vốn là một viên chỉ huy nghiêm khắc, công bằng và chu đáo như Alois Estermann... Ẩn đằng sau những vụ án thương tâm này là các thế lực bí mật dạng hội kín đầy quyền uy trong Vatican"